Hợp tác quốc tế

CHƯƠNG TRÌNH TỌA ĐÀM RA MẮT SÁCH: VĂN HỌC NHƯ MỘT DIỄN NGÔN - LÝ THUYẾT DIỄN NGÔN CỦA M. FOUCAULT VÀ VĂN HỌC SỬ VIỆT NAM


30-12-2024

Trong tiết trời se lạnh của những ngày đầu đông, chiều ngày 23/12/2024, Nhà xuất bản Đại học Sư phạm Hà Nội đã tổ chức thành công toạ đàm ra mắt sách “Văn học như một diễn ngôn - Lý thuyết diễn ngôn của M. Foucault và văn học sử Việt Nam” dưới sự điều hành của các diễn giả kỳ cựu: PGS.TS La Khắc Hòa - Nguyên Trưởng bộ môn Lý luận văn học, Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội; PGS.TS Phạm Xuân Thạch, Trưởng Khoa Văn học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội và tác giả công trình: PGS.TS Trần Văn Toàn - Giảng viên cao cấp, Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.

Buổi tọa đàm vinh dự chào đón sự tham dự của PGS.TS. Ngô Văn Giá - Nguyên Trưởng khoa Viết văn Nguyễn Du Trường Đại học Văn hoá, GS.TS.NGND Trần Đình Sử - Nguyên Trưởng khoa Ngữ văn Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, GS.TS Trần Đăng Xuyền - Nguyên Phó hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. PGS.TS Lã Thị Bắc Lý - Trưởng khoa Giáo dục mầm non Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, PGS.TS Nguyễn Bá Cường - Giám đốc, Tổng biên tập. Đặc biệt, buổi tọa đàm còn có sự đồng hành của gia đình tác giả - PGS.TS Trần Văn Toàn. 

Buổi ra mắt sách được mở đầu với sự dẫn dắt của PGS.TS Phạm Xuân Thạch, thầy đề cao tính cấp thiết và sáng tạo trong cuốn sách: “Công trình này đã tạo ra một nhà nghiên cứu Trần Văn Toàn. Đây là một công trình vô cùng quan trọng - như đứa con đầu lòng của Trần Văn Toàn, tôi rất thích những trang viết về diễn ngôn giới của anh”. Thầy khẳng định tiếp “Cuốn sách của tác giả Trần Văn Toàn thành công ở chỗ, nó cho ta biết tiếng nói của nhà nghiên cứu không phải ở già hay trẻ mà gợi ra những vấn đề mà ta có thể nghiên cứu tiếp. Chỗ vi diệu của nghiên cứu là nghiên cứu các phạm trù biểu thị của ý thức nghệ thuật”. PGS.TS Lã Khắc Hòa mong thầy Trần Văn Toàn có thể mở rộng ra nghiên cứu hệ chủ đề của văn học trên nhiều bình diện khác nhau. 

Sau những chia sẻ của thầy Phạm Xuân Thạch là những trao đổi của PGS.TS Trần Văn Toàn về tầm quan trọng của thi pháp học. Thầy cho rằng, “trước sau gì ta cũng phải vận dụng đến thi pháp học, vì nó là lịch sử văn học.”. Đặc biệt, PGS.TS Trần Văn Toàn còn khẳng định vai trò của diễn ngôn văn học với khả năng phản ánh và kiến tạo đời sống xã hội. Thầy khẳng định đây chính là “chỗ vượt lên của phản ánh luận”. 

Sau khi trao đổi, nhấn mạnh vào các vai trò, phân tích dựa trên các trường hợp, các đồng nghiệp cùng các khách mời đã đồng loạt chúc mừng các thành tựu cũng như công nhận vai trò của tác giả như một người dẫn đường, mở lối cho những hướng tiếp cận mới về lí thuyết diễn ngôn. PGS.TS Trần Văn Toàn sau đó cũng trao đổi với các quan điểm được đặt ra từ các khách mời và nhấn mạnh đến vai trò, sự vận động của các khung tri thức trong việc biến đổi lịch sử văn học. 

Sau đó, PGS.TS Trần Văn Toàn cũng chia sẻ về quá trình nghiên cứu cho công trình của mình, đồng thời trao tặng bó hoa tươi thắm tới GS.TS.NGND Trần Đình Sử và PGS.TS. La Khắc Hòa - những người thầy đã tận tình dẫn dắt và giúp đỡ tác giả trong quá trình hoàn thành cuốn sách. Bó hoa tươi thắm còn được PGS.TS Trần Văn Toàn gửi đến thầy Nguyễn Bá Cường thay cho lời cảm ơn vì sự hợp tác của NXB Đại học Sư phạm. 

Khoa Ngữ văn xin chúc mừng PGS.TS Trần Văn Toàn với cuốn sách “VĂN HỌC NHƯ MỘT DIỄN NGÔN - LÝ THUYẾT DIỄN NGÔN CỦA M.FOUCAULT VÀ VĂN HỌC SỬ VIỆT NAM”. Đây chính là một sự gợi dẫn quan trọng, có tính năng sản về lý thuyết diễn ngôn và văn học sử Việt Nam. Khoa Ngữ văn tin rằng trong tương lai, PGS.TS Trần Văn Toàn sẽ tiếp tục cống hiến cho diễn đàn văn học những nghiên cứu về lý thuyết diễn ngôn nói riêng và những công trình khoa học quan trọng nói chung.

Post by: Khoa Ngữ văn
30-12-2024