THẦY TÔI – HÀNH TRÌNH KHÔNG MỎI

 

 

 

 Không hiểu sao, mỗi lần nghĩ về thầy, tôi lại nhớ câu nói của Lỗ Tấn: “Kỳ thực, trên mặt đất làm gì có đường. Người ta đi mãi thì thành đường thôi”; tôi lại nhớ Thục đạo nan của Lý Bạch: “Đường Thục khó, khó như lên trời xanh”...

Những năm 80 của thế kỷ trước, chúng tôi được gặp thầy nơi giảng đường đại học, và cứ ấn tượng mãi về thầy với cái tên trùng với tên một nhân vật của Nam Cao trong tiểu thuyết Sống mòn: Thầy giáo Thứ. Cuộc sống đầy khó khăn, thiếu thốn bấy giờ, cùng với dáng vẻ, cách ăn mặc giản dị, có phần đơn sơ của thầy, tưởng như chân dung “giáo khổ” của Nam Cao vẫn còn nguyên vẹn, bằng xương bằng thịt. Cơ duyên đưa đẩy khi tôi chọn học chuyên ngành Văn học Trung Quốc, và lại yêu thích Hồng lâu mộng nên được thầy nhận hướng dẫn luận văn. Khoảng cách thầy trò bấy giờ rất vời vợi, phần vì cách biệt tuổi tác, vì uy tín khoa học của thầy và vì tôi cũng thụ động. Tôi chỉ biết cắm cúi học hành, làm việc, chẳng bao giờ dám hỏi thầy, hoặc trò chuyện. Thầy cũng ít nói. Đến nhà thầy, một căn hộ thuộc khu tập thể cán bộ công nhân viên chức Đại học Sư phạm Hà Nội ở Đồng Xa, tôi càng ấn tượng về sự đạm bạc, thanh bần của nghề giáo. Cũng như gia đình tôi vậy, bố mẹ tôi cũng là nhà giáo. Và tôi hiểu, linh hồn, sức sống, sự giàu có của một gia đình nhà giáo chính là ở những cuốn sách, ở cái giá sách kia. Tôi bị hấp dẫn ngay giá sách của gia đình thầy. Không phải ở sự đồ sộ mà vì những đầu sách bằng tiếng Trung Quốc, tiếng Pháp... Tôi chẳng hiểu gì nhiều nhưng thực sự bị mê hoặc. Tôi cảm nhận được vị nắng gió trong những cuốn sách đã theo thầy có lẽ từ thời là sinh viên Đại học Trung Sơn (Trung Quốc), rồi thời kỳ thầy giảng dạy ở Đại học Sư phạm Vinh, Đại học Sư phạm Việt Bắc. Những cuốn sách hành trang cuộc đời, sau này đưa thầy trở thành một trong những giáo sư đầu ngành ngành Văn học Trung Quốc.

Một trong những mong mỏi của thầy là có học trò nối bước con đường giảng dạy, nghiên cứu Văn học Trung Quốc. Có lần thầy nói đùa với tôi: ngành Văn học Trung Quốc sắp tuyệt tự rồi! Tốt nghiệp xong, tôi về dạy tại Đại học Sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội, không thành truyền nhân của thầy. Dẫu không có cơ duyên gặp lại thầy ngay trên hành trình chữ nghĩa nhưng tôi lại có duyên gặp thầy trên con đường nhỏ từ khu Đồng Xa về phía hai trường Đại học nằm kề nhau: Đại học Sư phạm Ngoại ngữ và Đại học Sư phạm Hà Nội. Vốn là, gia đình tôi ở cạnh khu tập thể Đồng Xa, hai thầy trò vài lần gặp nhau cùng đi bộ, băng qua cánh đồng rau muống sang trường. Thầy vẫn giản dị trong bộ quần áo quen, nụ cười hiền lành và ánh mắt sinh động.  Khi tôi có quyết định vào giảng dạy ở Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh, chuyên ngành Văn học Trung Quốc, thầy rất vui mừng, chia sẻ, giúp đỡ tôi rất nhiều về giáo án, tài liệu… Trước khi rời Hà Nội, căn nhà ở khu tập thể Đồng Xa của gia đình thầy thành chỗ đến thân thuộc của tôi. Bấy giờ, cả hai thầy trò đều không nghĩ rằng, chỉ vài năm sau, thầy cũng vào Thành phố Hồ Chí Minh, trở thành giảng viên Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn.

 Những ngày đầu “nhập cư” Sài Gòn, cuộc sống của thầy không khỏi gian nan, dẫu đất phương Nam nồng hậu đón chào. Thầy chưa có nhà, lúc ở nhờ, lúc ở thuê, chuyển nhà ba bốn bận, sau vài năm mới mua được căn hộ chung cư khu vực chợ Bà Chiểu. Và đến khi mua được nhà, thầy cũng mới rời xe đạp chuyển sang đi xe máy…. Tôi chứng kiến những buổi tập xe máy của thầy, vì ông xã tôi được thầy tin tưởng giao nhiệm vụ “gia sư” cho thầy! Những vòng bánh xe đầu tiên còn gượng gạo, lúng túng, dần dần tự tin hơn, chính xác hơn và thầy đã hòa mình vào được guồng quay vội vã của thành phố. Thời kỳ ở Sài Gòn có lẽ là thời kỳ làm việc sung sức nhất, thăng hoa nhất của thầy. Thành phố năng động cuốn con người vào nhiều công việc đa dạng, phong phú. Thầy dạy tiếng Hoa ở các trung tâm, mở lớp dạy tiếng Hoa ở nhà. Tôi là học viên trung thành của lớp học tiếng Hoa ở nhà. Khi tiếp xúc nhiều hơn, thân hơn mới thấy thầy không phải như lời nhận xét đùa vui, có phần “tếu táo” của một đồng nghiệp: Trông Lương Duy Thứ cứ cổ lỗ như Khổng Ất Kỷ ấy nhỉ! Lớp học tiếng Hoa nho nhỏ ở nhà thầy thỉnh thoảng lại râm ran tiếng cười vì những câu chuyện vui thầy kể, vì cách nói chuyện rất dí dỏm mà sâu sắc của thầy. Có lần, thầy hỏi về loài hoa mà mỗi người yêu thích, đến khi chúng tôi hỏi lại: Thầy thích hoa gì? Thầy cười vang chỉ lên góc nhà nơi có chùm hoa nhựa rủ xuống rồi nói: 假 花 (hoa giả)!  

Thầy bắt đầu bước vào thị trường sách thành phố bằng một công trình dịch thuật. Một nhà sách lớn đã đặt thầy dịch bộ Đại cương lịch sử văn hóa Trung Quốc (Ngô Vinh Chính chủ biên). Bộ sách ra đời năm 1994, thúc đẩy hướng nghiên cứu về văn hóa của thầy. Năm 1996, thầy chủ biên giáo trình Đại cương văn hóa phương Đông. Cuốn giáo trình đến nay đã được bổ sung, tái bản ba lần. Lần lượt sau đó là các công trình nghiên cứu về văn học Trung Quốc: Thi pháp thơ Đường, Để hiểu tám bộ tiểu thuyết cổ điển Trung Quốc, Lịch sử văn học Trung Quốc, Thi pháp Lỗ Tấn, Lỗ Tấn –  tác phẩm và tư liệu...; các tuyển tập thơ ca, tiểu thuyết Trung Quốc: Tuyển tập thơ ca cổ điển Trung Quốc, Tiểu thuyết cổ Trung Quốc; nhiều công trình dịch thuật giá trị như Lịch sử tiểu thuyết Trung Quốc (Lỗ Tấn, dịch chung), Hán văn học sử cương yếu (Lỗ Tấn), Trung Quốc sau hơn mười năm cải cách... Những giáo trình, chuyên luận của thầy đều là những tài liệu mẫu mực, kinh điển về văn hóa, văn học Trung Quốc.

Đối với tôi, thầy vẫn dành những quan tâm đặc biệt trong việc nâng cao chuyên môn. Tôi được làm việc chung với thầy trong lần biên soạn bộ Tiểu thuyết cổ Trung Quốc (1996). Không dừng ở văn học cổ điển, thầy cũng rất nhạy bén nắm bắt xu hướng tiếp nhận văn học hiện đại Trung Quốc thập niên 90 ở Việt Nam. Thầy tuyển dịch Truyện ngắn hiện đại Trung Quốc (1998). Và một kỷ niệm khó quên với tôi, sau khi Một nửa đàn ông là đàn bà của Trương Hiền Lượng đến Việt Nam xôn xao dư luận, thầy bảo tôi tìm đọc tác phẩm Phong cách nam nhi của ông và viết bài. Đó là lần đầu tiên bài viết của tôi được đăng trên báo Văn nghệ của Hội Nhà văn Việt Nam. Đó cũng là lần đầu tiên, thầy cho tôi hiểu thế nào là trực giác. Và thầy khuyên trong nghiên cứu văn chương nên tin vào trực giác. Cứ thế, những bài học nhẹ nhàng “không giảng đường” thành cẩm nang theo tôi suốt đời.

Hành trình của thầy trải khắp ba miền Bắc Trung Nam. Cứ ngỡ. mảnh đất phương Nam là nơi “an cư lạc nghiệp” cuối cùng. Sau khi về hưu, thuận theo mong muốn của cô, và có lẽ cũng là mong muốn của thầy, thầy lại chuyển ra Bắc cho gần gũi con gái, bà con họ hàng, quê hương Hải Phòng của cô. Ngôi nhà đơn sơ ở Gia Lâm, Hà Nội là nơi thầy sống những năm tháng cuối đời. Năm 2011, thầy viết cuốn Quê hương là trái bần chua ngọt, chan chứa kỷ niệm, yêu thương trìu mến với quê nhà Lệ Sơn, Quảng Bình. Đường Thục khó, khó như lên trời xanh…, như con đường đời của thầy vậy, nhiều gian nan, chua ngọt. Hạnh phúc của thầy, cũng như của những người làm nghề giáo là sống trong kí ức trái tim bao thế hệ học trò, bằng hào quang và cả những vất vả, bình dị đời thường. Mong thầy an nghỉ bình yên nơi cõi phúc. Những trang giáo án viết tay của thầy với nét chữ cứng cáp mà phóng khoáng bay bổng, thỉnh thoảng tôi vẫn mở ra, như được tiếp thêm nghị lực, niềm tin.

Đinh Phan Cẩm Vân

                                              TP.Hồ Chí Minh tháng 7/2021

 


Source: 
10-01-2022
Tags