Tin tức - Sự kiện

SỰ TIẾP BIẾN THỂ LOẠI VĂN HỌC PHẬT GIÁO TRONG TÁC PHẨM THIỀN PHÁI TRÚC LÂM


20-01-2023

 

THÍCH PHƯỚC ĐẠT

TS. Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP. Hồ Chí Minh

Từ khi đạo Phật ra đời ở xứ Ấn Độ, hơn 25 thế kỷ tồn tại và phát triển, Phật giáo đã để lại cho nhân loại nhiều di sản văn hoá vật chất cũng như văn hóa tâm linh mà cho tới nay dù con người nỗ lực tối đa vẫn không khai thác hết ý nghĩa ẩn tàng của chúng. Trong đó, kho tàng văn học Phật giáo được kết tập từ Tam tạng kinh điển đã có đóng góp to lớn trong quá trình truyền bá Chánh pháp và đã tác động mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực khác nhau tại các nước trong khu vực Nam Á, Đông Á (Đông Bắc Á, Đông Nam Á).

Riêng tại nước ta, ngay từ buổi đầu đạo Phật du nhập, khoảng cuối thế kỷ I, Phật giáo Việt Nam đã hình thành trung tâm dịch thuật kinh điển có tên gọi là Trung tâm Phật giáo Luy Lâu. Và đến thời Lý, vào những năm 1009, 1020, 1034, 1259, dưới sự bảo trợ của triều đình, các phái đoàn do các cao tăng dẫn đầu đã sang Trung Hoa thỉnh Đại tạng kinh, tuy nhiên mãi đến 1295 thì vua Trần mới sắc lệnh cho khắc in và dịch thuật phổ biến rộng rãi(1). Mục đích là đáp ứng nhu cầu tất yếu của lịch sử Việt Nam, trong đó có sự định hướng và phát triển cho Phật giáo Việt Nam bấy giờ trong quá trình hội nhập Phật giáo thế giới với sự ra đời Thiền phái Trúc Lâm(2). Sự kiện này đã góp phần xây dựng và phát triển nền văn hóa, văn học nước nhà. Rõ nét nhất là dòng văn học Phật giáo Lý - Trần với sự phát triển về nội dung lẫn hình thức, từ sự phát triển các đề tài, chủ đề phản ánh, đến phương pháp sáng tác qua việc định hình các thể loại mới, và ngay cả thủ pháp nghệ thuật ngôn ngữ. Bài viết này chỉ tập trung đề cập đến vấn đề “Sự tiếp biến thể loại văn học Phật giáo trong tác phẩm Thiền phái Trúc Lâm” nhằm thấy được giá trị về mặt học thuật và văn chương Thiền phái trong dòng chảy văn học của nước nhà.

1. Cơ sở hình thành và phát triển Tam tạng kinh điển Phật giáo

Hệ thống Tam tạng kinh điển Phật giáo mà ngày nay chúng ta thấy khá đồ sộ, thực chất được hình thành bắt đầu gồm nhiều Pháp thoại (Sutta) do Phật thuyết giảng nơi này, nơi kia cho nhiều đối tượng khác nhau. Điểm đáng nói mỗi Pháp thoại đều được nói bằng câu "如是我聞 Như thị ngã văn Tôi nghe như vầy", ngụ ý cho sự ghi nhớ nội dung bài pháp bởi một hay nhiều tỳ kheo trực tiếp lắng nghe bậc đạo sư và chính họ nói lại bài pháp ấy trong những lúc thuyết giảng hoặc trong trường hợp giáo pháp của bậc đạo sư được tụng đọc nhiều lần tại các kỳ kết tập. Sự phong phú về các đề tài thuyết pháp kéo theo sự đa dạng các thể loại thích ứng cho từng đối tượng nghe pháp qua nhiều Pháp thoại được bảo lưu trong Tam tạng kinh điển hiện nay, chứng tỏ đã có sự nỗ lực lớn của các tỳ kheo qua nhiều thế hệ trong việc sưu tập, sắp xếp những lời dạy của Thế Tôn vào ký ức và đặc biệt qua các hội nghị kết tập.

Căn cứ vào các tài liệu Cullavagga (Tiểu phẩm), Dìpavamsa (Đảo sử), Mahàvamsa (Đại sử) và Samanta pàsàdikà (Thiện kiến luật Tỳ Bà Sa) thì mấy tháng sau ngày Phật nhập diệt, các đệ tử uy tín liền nhóm họp tại Ràjagaya (Vương Xá) để tụng đọc lại lời dạy của Phật mà phần lớn họ đã ghi nhớ nằm lòng. Nguyên nhân dẫn đến hội nghị kết tập kinh điển lần thứ nhất là do có sự hiểu biết và hành trì sai giới luật Phật chế của một số tỳ kheo, cùng với lời tuyên bố thiếu chín chắn của Subhadda khiến Mahà Kassapa (Đại Ca Diếp) quyết định triệu tập hội nghị, dưới sự bảo trợ của vua Ajàtasattu (A Xà Thế). Hội chúng quy tụ 500 tỳ kheo và đã suy cử Mahà Kassapa (Đại Ca Diếp) làm chủ trì hội nghị, bên cạnh hai vị thân cận khác nữa là Ànada (A Nan Đà) và Upàli (Ưu Ba Ly), có trách nhiệm tuyên đọc Pháp (Dhamma) và Luật (Vinaya). Sau đó, có sự kiện các tỳ kheo Vajjili chấp trì mười vấn đề vượt quá giới luật Sa môn (Dasavatthùni - Thập điều) đã dẫn đến hội nghị kết tập lần hai được tổ chức ở Vesàlì (Tỳ Xá Ly), khoảng 100 năm sau ngày Phật nhập diệt, dưới triều vua Kàlasoka, hậu duệ của vua Ajàtasattu (A Xà Thế). Lần này quy tụ gần 700 tỳ kheo, dưới sự chủ trì của tỳ kheo Sabbakàmì, tập trung đọc Pháp (Dhamma). Nhưng theo Buddhaghosa (Phật Âm), hội nghị tập trung đọc cả Pháp (Dhamma), Luật (Vinaya) và bước đầu biên tập về Pitaka (Tạng), Nikaya (Tiểu bộ), Anga (Ưng già) và Dhammakkhandha (Pháp tạng). Chưa dừng tại đó, sự kiện các tu sĩ ngoại đạo gia nhập Tăng già và hành trì sai lạc giáo pháp Như Lai dẫn đến cuộc hội nghị kết tập lần thứ ba được tổ chức tại Pàtaliputta, dưới sự bảo trợ đại đế Asoka (A Dục), khoảng thế kỷ thứ ba trước Tây lịch. Hội nghị quy tụ gần 1000 tỳ kheo, dưới sự chủ trì của tỳ kheo Tissa Moggaliputta (Để Sa Mục Liên Tử), tập trung thảo luận về Tam tạng (Tipitaka). Thời gian hội nghị kết tập kéo dài trong 9 tháng. Trong thời gian này Tissa Moggaliputta (Để Sa Mục Liên Tử) cho ra đời tập Kathàvatthu (Biện thuyết, được xem là Luận tạng) đánh bật mọi quan điểm sai lầm về Phật giáo. Như vậy, ít nhất có ba cuộc hội nghị được kết tập kinh điển được tổ chức tại Ấn Độ trước khi giáo lý của đức Phật được truyền sang Tích Lan, dẫn đến sự kết tập kinh điển lần thứ tư dưới sự bảo trợ của vua Abahaya Vattagàmani vào cuối thế kỷ thứ nhất sau Tây lịch, trong đó Tam tạng kinh điển (Tipitaka), bao gồm Kinh tạng (Suttapitaka), Luật tạng (Viyanapitaka), Luận tạng (Abhidhammapitaka) lần đầu tiên được viết thành văn bản. Tuy nhiên, quan điểm Phật giáo Bắc truyền cho rằng lần kết tập thứ tư này được tổ chức khoảng năm 100 sau Công nguyên dưới triều vua Kaniska (Ca Nị Sắc Ka). Có thể nói, trải qua 4 kỳ kết tập kinh điển, tình hình văn bản kinh điển Phật giáo được y cứ từ hệ thống Tam tạng kinh điển đã được định hình và phát triển ít nhất trong khoảng thời gian 3 thế kỷ đầu ở Ấn Độ, từ thời Phật tại thế đến thời Asoka (A Dục), sau đó lan toả phát triển tại Tích Lan và các nước trong khu vực với những đặc trưng riêng biệt của các thành tố văn học Phật giáo như ngôn ngữ, thủ pháp nghệ thuật, đặc biệt là thể loại.

2. Hệ thống thể loại văn học Phật giáo

Phật giáo vốn được xem là một tôn giáo có hệ thống Tam tạng kinh điển vĩ đại nhất so với tất cả các tôn giáo trên thế giới. Đây chính là cơ sở được xác lập nền văn học Phật giáo phong phú từ nội dung cho đến hình thức thể hiện. Điều đó có nghĩa, bất cứ ai muốn tiếp cận các loại hình ngôn ngữ uyên áo nhất của kho tàng văn học Phật giáo, cần phải tìm hiểu thể loại văn học được giải trình qua tác phẩm kinh điển. Yếu tố thể loại sẽ giải mã các thông điệp mà các bản kinh đề cập, nhất là việc xác định tầm vóc tư tưởng triết lý, phạm vi của lịch sử của một tác phẩm văn học Phật giáo.

Mặt khác, sự phân định thể loại sẽ là những điều kiện tất yếu không thể thiếu đối với việc nghiên cứu và phân tích văn bản. Người ta sẽ không thể hiểu nội dung một cách rõ ràng nếu như không xác định được hình thức cơ bản của nó như xuất xứ thời gian, địa điểm, thể loại, đặc trưng ngôn ngữ? Theo cách phân loại của tự điển hiện hành do Hòa thượng Kim Cương Tử chủ biên(3); hay Đoàn Trung Còn biên soạn(4), văn học Phật giáo được chia thành 12 thể loại, bao gồm Khế kinh; Trùng tụng; Thọ ký; Phúng tụng; Tự thuyết; Nhân duyên; Thí dụ; Bổn sự; Bổn sinh; Phương quảng; Vị tằng hữu; Luận thuyết. Có một cách phân loại khác nữa, được ghi lại trong Kinh Xà Dụ thuộc Kinh Trung Bộ(5), bao gồm 9 thể loại Kinh, Ứng tụng, Giả thuyết, Kệ tụng, Cảm hứng ngữ, Như thị ngữ, Bổn sinh, Vị tằng hữu pháp, Phương quảng.

Cả hai sự phân loại nói trên nhằm làm nổi bật phương thức truyền đạt giáo nghĩa kinh điển Phật giáo. Trên hết, sự phân loại này nhằm giúp cho người tiếp cận hiểu rõ giá trị thông điệp và giá trị hướng đến giải thoát mà tác phẩm đem lại. Sự phân chia thể loại chỉ mang tính cách tương đối, nghĩa là sự phân loại đều chỉ dựa vào một số nét đặc trưng theo các tiêu chí “nhân duyên thuyết pháp”, “cách trình bày khi thuyết pháp”, “cách ghi nhận của thời thuyết pháp” và “nội dung thuyết pháp” đã được đức Phật xác lập như trong Kinh Xà dụ như sau:

Kinh là những điều đức Phật nói cho hàng đệ tử tu tập hướng đến giác ngộ giải thoát; Ứng tụng là sự truyền tụng, ghi lại lời đức Phật dạy theo thể tản văn; Kệ tụng là sự truyền tụng, ghi lại lời đức Phật theo thể thơ kệ. Như thị ngữ là sự ghi chép lại những đều được nghe từ đức Phật nói trực tiếp hoặc gián tiếp; Bổn sinh là sự ghi chép lại chuyện tiền thân của đức Phật theo lời đức Phật đã kể. Vị tằng hữu là sự ghi chép lại những sự việc hy hữu (hiếm có) trong đời, như chuyện các đức Phật quá khứ v.v…do Phật kể lại; Cảm hứng ngữ còn gọi kinh Phật tự thuyết chỉ cho sự ghi chép lại những đều đức Phật nói ra với những trường hợp đặc biệt; Phương quảng là sự ghi nhận những cuộc thảo luận của các vị Thánh đệ tử được đức Phật xác nhận là phù hợp với Phật ý; Giải thuyết là sự ghi chép lại những điều luận giải về chính pháp của đức Phật và các bậc A - la - hán.

Về sau, các nhà trước tác văn học Phật giáo được vận dụng các thể tài khác nhau trong hệ thống thể loại nói trên để xây dựng các tác phẩm kinh điển nổi tiếng. Riêng ở nước ta, đến thời Lý - Trần, thì văn học Phật giáo được phát triển rực rỡ. Loại hình thể loại (type) của văn học Phật giáo Lý - Trần theo các nhà nghiên cứu văn học nhận định “Thời này đã có đầy đủ các loại vận văn, tản văn, biền văn với các thể tài tiêu biểu của văn học trung đại. Hầu hết, các thể loại này đều mang tính chức năng rõ nét. Tính chức năng là sản phẩm tất yếu của văn học trung đại. Ngoài chức năng hành chính không đề cập ở đây, thì chức năng lễ nghi tôn giáo bao trùm các thể tài: kinh, kệ thơ Thiền, ngữ lục, tụng cổ, niêm tụng kệ, bi, minh, ký, luận thuyết tôn giáo, truyện truyền đăng, truyện các Thánh”(6). Tuy nhiên, trong tiến trình phát triển văn học Phật giáo Việt Nam, do xu hướng phát triển của ngôn ngữ, do sự linh động uyển chuyển của các nhà trước tác, cũng như do mối liên hệ tự thân giữa các thể loại thường tạo ra những quan hệ đan chéo phức tạp và có sự chuyển hoá qua lại, dẫn đến sự hình thành các thể loại có khả năng tổng hợp. Mỗi khi có sự chuyển hóa về thể loại thì bao giờ cũng có sự biến đổi sâu sắc về hình thức nghệ thuật, cũng như phương thức phản ánh tác phẩm.

Nhìn lại hệ thống thể loại văn học Phật giáo Lý - Trần, từ đời Lý sang đời Trần đã có sự chuyển biến rõ rệt. Nếu văn học Phật giáo đời Lý, hệ thống thể loại hình thành chưa đầy đủ, chỉ có một số thể loại chủ yếu như: kệ thơ Thiền, thơ tả cảnh, từ khúc, bi ký, minh, ngữ lục thì sang đời Trần nền văn học Phật giáo còn xuất hiện thêm phú, ca, tụng, niêm tụng kệ, luận thuyết tôn giáo, các thể truyện, thơ trữ tình... Các thể loại ấy chịu sự qui định tính chất văn học trung đại, trong đó sự phân định cụ thể và sắp xếp theo quy luật Văn - Sử - Triết bất phân mà chúng ta đã biết.

Văn học Thiền phái Trúc Lâm là bao gồm những tác phẩm văn học kinh điển Phật giáo do các thiền gia, thiền sư trước tác, nó xuất hiện từ đầu đời Trần, hẳn nhiên chịu sự tác động biến chuyển trong quá trình phát triển hệ thống thể loại văn học Phật giáo thời Lý - Trần. Khảo sát các thể loại văn học Phật giáo mà các nhà văn – thơ Thiền phái Trúc Lâm vận dụng vào tác phẩm sẽ giúp chúng ta hiểu sâu tác phẩm hơn ở điểm nhìn nghệ thuật tác phẩm.

3. Sự vận dụng các thể loại văn học Phật giáo trong tác phẩm của Thiền phái

Nhìn từ góc độ thể loại để đánh giá thì các tác phẩm văn học Thiền phái đã thành tựu lớn về sự phát triển phong phú các thể loại của dòng văn học Phật giáo, mà đỉnh cao là văn học Phật giáo Lý - Trần. Đây là sự phát triển của các thể loại văn học Phật giáo có giá trị về mặt học thuật lẫn nghệ thuật văn chương trong dòng chảy văn học.

3.1. Luận thuyết tôn giáo

Các nhà nghiên cứu trước đây chia thể loại luận thuyết thành hai loại: Luận thuyết chính trị và luận thuyết tôn giáo. Ở luận thuyết chính trị, chúng ta thường gặp trong các bộ sử khi các sử gia ghi lại những lời bàn, lời bình về việc trị nước; còn thể loại luận thuyết tôn giáo là những lời bình luận về triết lý tôn giáo nói chung(7). Riêng thể loại luận thuyết tôn giáo (Phật giáo) bắt nguồn từ thể loại giải thuyết được đức Phật Thích Ca xác lập trong các bản Kinh A Hàm hay Nikaya, nhằm luận giải những nghĩa lý sâu xa của giáo lý Phật đà. Khi Phật giáo mới truyền vào nước ta, thì thể loại này đã được sử dụng với tác phẩm Lý hoặc luận của Mâu Tử viết khoảng năm 195 - 198; Đạo Cao pháp sư tập của Đạo Cao viết khoảng từ năm 450 - 460. Lý hoặc luận là tác phẩm luận thuyết bàn về những lý lẽ sai lầm của giới Nho - Lão đối với Phật giáo, gồm 37 điều(8). Còn Đạo Cao pháp sư tập có thể là tập luận thuyết lý giải những triết lý nhà Phật. Cả hai tác phẩm này đã có một sự đóng góp nhất định trong việc kế thừa, tiếp thu và vận dụng thể loại luận thuyết tôn giáo vào trong tác phẩm văn học của Thiền phái Trúc Lâm.

Đời Lý, thể loại luận thuyết tôn giáo chưa được các thiền sư sử dụng nhiều. Hiện chỉ còn một vài đoạn như Cứu Chỉ viết về Tâm pháp(9); và mấy đoạn luận thuyết của Vạn Hạnh khuyên Lý Công Uẩn nên lên ngôi vua trị vì thiên hạ(10). Nguyễn Thường khuyên vua Lý Cao Tông không nên đắm say dục lạc mà phải để tâm vào việc nước, việc dân(11). Hai đoạn này được xem là luận thuyết chính trị chứ không phải là luận thuyết tôn giáo.

Đến đời Trần, người tiên phong dùng thể loại luận thuyết tôn giáo là Trần Thái Tông với Khóa hư lục và Thiền tông chỉ nam (tác phẩm này đã mất, chỉ còn bài tựa). Kế đến là Trần Nhân Tông với Tăng già toái sự (đã mất), sau đó là Pháp Loa với Đoạn sách lục và Tham Thiền chỉ yếu (đã mất), chỉ còn vài đoạn… Điều cần lưu ý là những tác phẩm nói trên không chỉ là thành tựu về thể loại mà còn thể hiện tư tưởng Phật - Thiền, thông qua phương thức biểu đạt giàu hình tượng nghệ thuật. Khóa hư lục là một luận thuyết tôn giáo được viết kết hợp ba lối văn: tản văn, biền văn, vận văn mà hình thức tản văn và biền văn là chính. Trong tác phẩm luận thuyết này thì tiểu loại phổ thuyết được Trần Thái Tông sử dụng nhiều hơn cả. Phổ thuyết chỉ là một tiểu thể loại của thể loại luận thuyết tôn giáo, mục đích vận dụng tiểu thể loại này là để thuyết pháp, tức bàn về các nội dung Thiền - Phật, nó ra đời từ thời Đại Tuệ Tông Cảo (1089 - 1163) ở Trung Hoa. Nếu trước đây, việc truyền giảng Phật pháp chủ yếu thường chỉ diễn ra giữa thầy và trò theo tinh thần “dĩ tâm truyền tâm” thì đến đến thời Đại Tuệ Tông Cảo, bằng hình thức phổ thuyết, tư tưởng - triết lý Phật - Thiền đã được truyền giảng rộng rãi trong tăng chúng và trong tín đồ Phật giáo.

Ở Việt Nam, vào đời Trần, Thiền được chọn là tông pháp có thể đáp ứng một nhu cầu đời sống tâm linh của con người, cho nên dùng tiểu loại phổ thuyết là cách tốt nhất để có thể thuyết pháp rộng rãi, phổ cập cho các đối tượng khác nhau để quần chúng hiểu rõ áo nghĩa giáo lý Thiền.

Trong các sách Phật học thời này, ngoài kệ và thơ, các bài viết bàn về giáo lý Thiền đã được viết bằng lối văn biền ngẫu bóng bẩy, mang vẻ đẹp cổ kính trang trọng. Cấu trúc bài thuyết pháp được các tác giả Thiền phái viết thường chia làm hai phần, phần trên là hình thức phổ thuyết được viết theo lối biền văn, ngôn ngữ giàu hình tượng sống động, có sức cuốn hút người đọc, với giọng văn vừa thiết tha mời gọi, vừa thôi thúc con người tỉnh thức; phần dưới là một bài kệ được viết theo thể thơ Đường luật thất ngôn bát cú hoặc tứ tuyệt, nhằm tóm tắt nội dung tư tưởng đã giảng giải ở phần trên, giúp người học đạo dễ dàng tiếp nhận chân lý. Có thể nói, tiểu thể loại này là sự kết hợp giữa hai thể tài văn học Phật giáo truyền thống có từ thời đức Phật: Ứng tụng, Truyền tụng theo lối tản văn và Kệ tụng theo thể thơ. Trần Thái Tông đã viết các bài Phổ thuyết Tứ sơn, Phổ thuyết Sắc thân, Phổ khuyến phát Bồ Đề tâm văn, Phổ thuyết Hướng thượng nhất lộ. Kế đến là Pháp Loa có các bài Khuyến xuất gia tiến đạo ngôn, Trúc Lâm đại Tôn giả thượng toà thính sư thị chúng, Thượng thừa tam học khuyến chúng phổ thuyết, Yếu minh học thuật. Như vậy là trong tác phẩm của Thiền phái Trúc Lâm có đến 8 văn bản của 2 tác giả viết theo tiểu thể loại phổ thuyết.

Bốn bài Phổ thuyết mà Trần Thái Tông viết ra với mục đích là nhắm đến quảng đại quần chúng, hướng mọi người hiểu rõ các vấn đề cốt lõi của Thiền để có thái độ sống phù hợp tâm nguyện giải thoát. Cụ thể là Trần Thái Tông muốn giải quyết các vấn đề lớn xoay xung quanh con người, tức sắc thân và sinh lão bệnh tử thông qua biểu tượng bốn núi tương ứng với bốn mùa nhằm khơi gợi người học đạo phát lòng Bồ Đề, hướng đến giải thoát Niết bàn.

Đối với vấn đề sắc thân, Trần Thái Tông chỉ ra sự trói buộc của cái sắc thân giả huyễn. Chính sự hệ lụy trước các trần mà con người như con thiêu thân lao vào vòng xoáy cuộc đời và trôi lăn trong dòng sinh tử. Từng câu văn, con chữ giọng điệu cất lên như là tiếng nói con tim thổn thức để tự thân ý thức vượt thoát sinh già bệnh chết của một kiếp người: “Chư nhân đẳng! Đại tự cơ quan khối lỗi, toàn bằng ti tuyến khiên trừu; lộng lai lộng khứ dữ sinh đồng, phóng hậu thu thời chân tử dạng. Tự khởi vạn ban kế hiệu, đô duyên lục tặc giao công; bất ư lão bệnh tử lai, quản tham tửu sắc tài khứ?”(12) (Các người, nào khác gì con rối; đều nhờ tơ sợi kéo lôi. Đùa qua giỡn lại, giống sống mà thôi; buông thả, thu hồi, thực là xác chết. Bắt chước nhau lấy muôn nghìn mưu chước; đều duyên do sáu giặc tranh giành. Không lo già bệnh chế đến gần; tham tiếc rượu, sắc, tài đi mất…(13).

Tương tự bốn bài Phổ thuyết của Pháp Loa: Khuyến xuất gia tiến đạo ngôn, Trúc Lâm đại Tôn giả thượng toà thính sư thị chúng, Thượng thừa tam học khuyến chúng phổ thuyết, Yếu minh học thuật, bằng trái tim Thiền định, khối óc tuệ giác, sử dụng bút pháp vừa chính luận, tả thực hết sức sống động, văn cú giàu hình ảnh so sánh, Tôn giả mời gọi mọi người hãy tỉnh thức, sống theo đạo lý Thiền tông mà an trú trong thế giới an lành, hạnh phúc thật sự Chư tiểu tử! Ký nhập tùng lâm, trước nhất tử địa. Đồ hoa nhi dĩ cầu danh dự bất phục tham thủ để xứ. Ná cá thị chư Phật, Tổ, sư hạ thủ xứ; ná cá thị nhị thừa, ngoại đạo dụng tàm xứ. Đồ tự nhật lai nguyệt vãng, dịch dịch tha cầu; nhất đán bất huý, tương nại chi hà!”(14) (Này, các môn đệ! Đã vào rừng sâu, nên cắm lấy một miếng đất. Luống chỉ chăm vào hoa lá để cầu tiếng tăm, không quay lại cân nhắc, lựa chọn nơi các vị Phật, Tổ, sư đã trực chỉ nơi nào là nơi đám nhị thừa và ngoại đạo dụng tâm; luống tự để cho ngày tháng qua lại, loay hoay tìm kiếm những đâu, một mai nằm xuống thì biết làm thế nào?)(15).

3.2. Kệ và thơ Thiền

Hiện có nhiều ý kiến khác nhau khi đề cập đến tên gọi thể loại này. Sách Văn học Phật giáo thời Lý - Trần: Diện mạo và đặc điểm đã tổng kết các ý kiến của các nhà nghiên cứu về thể loại này, từ đó giới thuyết kệ và thơ Thiền gồm các loại như sau: “Loại thứ nhất là kệ (kệ tán, kệ tụng, kệ ngộ giả). Những bài kệ này trực tiếp trình bày giáo lý, tư tưởng nhà Phật bằng hình thức ngắn gọn, cô đọng, chuyển tải những nội dung súc tích, những tư tưởng uyên áo của Thiền học, Phật học. Về nguồn gốc kệ là những bài văn vần (thơ thường là bốn câu, có khi tám câu với nhiệm vụ thâu tóm một cách cô đọng lời kinh bằng văn xuôi đã giảng thuyết ở phần trước. Chính từ ghép “kinh kệ” đã nói lên mối quan hệ gắn bó đó. Loại thứ hai là kệ được thi vị hóa. Có thể xem đây là thơ triết lý bởi lẽ về hình thức, các tác giả đã sử dụng ngũ ngôn hoặc thất ngôn, với ngôn ngữ lung linh, đầy hình ảnh đẹp và gợi cảm, giàu chất thơ nhưng đằng sau cái vỏ hình thức ngôn ngữ ấy ẩn tàng triết lý nhiệm mầu của nhà Phật. Loại thứ ba là thơ mang cảm hứng Thiền học. Đây là những bài thơ cảm xúc trữ tình nhưng nội dung có đề cập đến tâm, Phật, sinh, tử, Niết bàn, chân như, sắc không; Loại thứ tư là thơ tức cảnh sinh tình, bộc lộ cảm xúc tâm trạng của thiền sư đối với cái lung linh, mỹ lệ của ngoại cảnh thông qua cảm quan Thiền học”(16).

Các ý kiến nói trên, chỉ là sự phân loại mang tính chất tương đối. Chúng ta cũng khó mà phân chia rạch ròi, chính xác chuyên biệt về các dạng thơ Thiền. Sự phân loại ấy nhằm để so sánh với các thể loại khác trong văn học Phật giáo. Tuy vậy, thể loại kệ và thơ Thiền được các tác giả sử dụng nhiều trong văn học Phật giáo Lý - Trần. Khóa hư lục là tác phẩm của Trần Thái Tông đã sử dụng thể loại kệ và thơ khá rõ nét. Thượng sĩ ngữ lục của Trần Tung, Thiền uyển tập anh của nhiều tác giả cũng đều có sự kết hợp các thể loại này. Những tác phẩm vừa nêu trên đã sử dụng ba lối văn: tản văn, biền văn và vận văn, trong đó thể kệ và thơ Thiền (thuộc vận văn) là thể loại được sử dụng nhiều nhất.

Các bài kệ và thơ Thiền xuất hiện khá nhiều trong Khóa hư lục, không kể phần Kệ trong Niêm tụng kệ, đã có 21 bài kệ. Cuối mỗi bài Phổ thuyết đều có bài kệ thơ nhằm đúc kết nội dung cốt lõi của Thiền vừa được giảng bằng một thể thơ Đường luật, mà thể thơ này vốn rất nghiêm ngặt về niêm, luật, vần, đối, nhịp; với ngôn ngữ khúc triết, ý tại ngôn ngoại, gợi nhiều hơn tả, nhờ thế mới đáp ứng hết diệu lý nhiệm mầu của giáo điển Thiền tông mà người viết muốn truyền đạt. Vì vậy, những bài kệ thơ này có một ngôn ngữ diễn đạt riêng, người đọc phải có chìa khóa để giải mã thì mới thấu đạt. Các bài kệ khác của các bài văn như Giới sát sinh văn, Giới thâu đạo văn, Giới sắc văn, Giới vọng ngữ văn, Giới tử văn…nhất là các bài kệ của các bài văn thuộc Lục thời sám hối khoa nghi đã đưa tác giả trở thành nhà thơ sám hối. Một giọng thơ lạ độc đáo giữa dòng thơ Thiền, vốn rất thiên về sự khai phóng hòa quang đồng trần, tuỳ duyên tùy tục.

Ngoài các bài kệ ở Đối cơ và Tụng cổ trong Tuệ Trung Thượng sĩ ngữ lục, Thượng sĩ cũng có đến 5 bài mang hình thức kệ Kiến giải, Thị học, Thị chúng, Thị đồ, Khuyến thế tiến đạo trong số 49 bài thơ mà Thơ văn Lý - Trần ghi nhận. So với các bài Nguyên hỏa của Khuông Việt; Tâm không của Viên Chiếu, Thị đạo của Trường Nguyên; Hữu tử tất hữu sinh của Trì Bát… được sáng tác ở đời Lý thì những bài kệ của các nhà trước tác Thiền phái vào đời Trần đều có một nội dung và hình thức diễn đạt về việc răn dạy đệ tử trước khi tịch diệt hay sách tấn đồ chúng tu hành. Ở đó, thế giới nội tâm của các thiền sư được giãi bày qua các bài thi kệ ngập tràn cảm xúc, thi hứng. Đọc bài Dần thì cảnh sách kệ Hiến hương kệ, Hiến hoa kệ… của Trần Thái Tông, mỗi bài có một nét đẹp của thế giới thẩm mỹ riêng biệt, đôi khi tách ra khỏi vườn Thiền thì có thể hoà nhập vào vườn thơ chung của dân tộc. Chẳng hạn, khi đọc Thử thời vô thường kệ sẽ thấy rõ: “Miết nhãn ô luân tái xuất chấn, Hồi đầu hy ngự hựu dương ly. Thân tham hủ mộc tẩm vưu thục, Na tỉnh cao hòe ảnh dị di. Thúc thốt hoa âm trùng phục đảo, Tuấn tuần khuẩn mệnh thịnh hoàn suy. Chư nhân hạp tảo hồi quang chiếu, Tự khổ khu trì lược lộ ky”(17). (Chớp mắt vừng ô vừa mới mọc, Quay đầu bóng nhật đã tròn xoe. Chỉ ham giấc ngủ say mê mãi, Nào biết quang âm thấm thoát đi. Phút chốc hoa tươi rồi lại héo, Quanh co mệnh nấm thịnh liền suy. Ai ơi xin hãy quay đầu lại, Rong ruổi đường mê mãi thế chi!)(18).

Thơ hay kệ khó mà phân biệt. Bằng sự trực cảm tâm linh, tác giả đã hòa nhập giữa trời đất bao la có giông tố bão bùng, mây đen phủ kín, gió xô sóng vỗ lớp lớp cuộn ghềnh, phút chốc trời xanh, trăng sáng, sóng lặng. Tĩnh hay động, ai biết? Duy chỉ ngư ông an nhiên tự tại giữa dòng đời. Rõ ràng, đằng sau lớp vỏ ngôn từ giàu hình ảnh, hết sức gợi cảm, được sáng tác bằng thể thơ ngũ ngôn, thất ngôn, lại ẩn chứa triết lý Phật giáo, tất cả đã khiến người đọc dễ dàng tiếp nhận để thực nghiệm tâm linh. Hay khi đọc Sư đệ vấn đáp của Trần Nhân Tông, ta bắt gặp hình ảnh đệ tử hỏi “Như hà thị hiện tại Phật gia phong?” (Thế nào là gia phong của Phật hiện tại) được Trúc Lâm trả lời: “Bạch thuỷ gia phong mê hiểu yến, Hồng đào tiên uyển tuý xuân phong.”(19) (Nước trắng mênh mông chim én bạc, Vườn tiên đào thắm gió xuân say(20).

Như vậy, các bài kệ của các nhà trước tác Thiền phái được thi vị hoá hơn nữa. Đây là sự kế thừa trong sự biến chuyển đổi thể loại từ kệ sang thơ, từ đời Lý sang đời Trần khá rõ nét. Nếu các tác phẩm văn học Phật giáo đời Lý có những câu kệ, bài kệ được thi vị hoá trong Tham đồ hiển quyết của Viên Chiếu; Nhất nhật hội chúng của Tịnh Không; Cáo tật thị chúng của Mãn Giác… thì sang đời Trần, các tác phẩm Thiền phái có những câu thơ, bài thơ đúng nghĩa thơ trong Ngữ lục vấn đáp, Niêm tụng kệ, Lục thời sám hối khoa nghi của Trần Thái Tông; Chân tâm chi dụng, Sinh tử... của Trần Thánh Tông; Vạn sự quy như, Thế thái hư huyễn, Nhập trần, Sinh tử nhàn nhi dĩ, Đối cơ Tụng cổ…của Tuệ Trung; Đề cổ Châu Hương thôn tự, Đại Lãm Thần Quang tự…của Trần Nhân Tông; Nhập tục luyến thanh sơn của Pháp Loa; Tặng sĩ đồ tử đệ, Diên Hựu tự…của Huyền Quang.

Bên cạnh đó, còn có nhiều bài thơ mang cảm hứng Thiền học chiếm một số lượng khá lớn trong thơ kệ của Thiền phái so với các bài thơ của các thiền sư đời Lý. Nội dung trình bày đến bản thể giải thoát, các vấn đề sinh tử Niết bàn, chân như, sắc không, hữu vô… Chúng ta có thể thấy một vài bài thơ ở đời Lý như Ngôn hoài của Không Lộ; Hưu hướng Như Lai của Quảng Nghiêm; Hoa điệp của Giác Hải… phát biểu về đề tài này. Như là sự tiếp nối “truyền đăng tục diệm”, các thiền sư của Thiền phái cũng trình bày sở đắc chứng ngộ qua sự minh giải các vấn đề thuộc bản thể giải thoát nói trên. Tuệ Trung trước tác một loạt bài: Thủ nê ngưu, Phỏng Tăng Điền đại sư, Vấn Phúc Đườg đại sư, Ngẫu tác...; Trần Thánh Tông sáng tác các bài như Độc Đại Tuệ ngữ lục hữu cảm, Tự thuật, Độc Phật Đại minh lục hữu cảm; Trần Nhân Tông có các bài như Sơn phòng mạn hứng, Đại Lãm Thần Quang tự, Hữu cú vô cú…; Pháp Loa với bài Thị tịch; Huyền Quang có các bài như Yên Tử sơn am cư Thạch Thất, Đề Động Hiên đàn việt giả sơn… Mỗi bài của mỗi tác giả có một cách diễn đạt riêng biệt khi thì trực tiếp, lúc thì gián tiếp trình bày cảm hứng Thiền học về sở đắc, sở chứng nhưng đều xuất phát từ điểm nhìn của sự chứng ngộ thực tại duyên sinh vô ngã, vô thường.

Chẳng hạn, bài Đề Cổ Châu hương thôn tự, Trần Nhân Tông nhìn nhận “số đời” thật mờ mịt trước sự sinh lão bệnh tử khi về thăm công chúa Thiên Thụy ngã bệnh nặng. Thế nhưng, một người tỉnh thức thì có cái nhìn thấu đạt vạn pháp là duyên sinh để chuyển hóa tâm thức, nhằm bước ra khỏi vòng hệ luỵ “ái luyến”. Đây cũng chính là cái nhìn của đôi mắt tuệ giác mà tác giả diễn giải bằng hình ảnh “Thời tình lưỡng hải ngân”. (Tình trong đôi mắt trong). Tại đây, “ma quân” sáu căn không nhiễm sáu trần, “cõi Phật” hoá hiện ngập tràn sắc xuân: “Thế số nhất sách mạc, Thời tình lưỡng hải ngân. Ma cung hồn quản thậm, Phật quốc bất thăng xuân”(21) (Số đời mờ mịt cả, Tình trong đôi mắt trong. Cung ma nếu quản chặt, Cõi Phật xuân không cùng)(22). Đọc bài Đề Động Hiên đàn việt giả sơn, ta thấy, Huyền Quang cũng tự tại giải thoát với một tâm thức thanh tịnh, không còn hệ luỵ tục trần: “Hoa mộc di duyên chủng tác sơn, Lung yên trạo nguyệt, lạc hoa hàn. Tòng tư niệm lự đô vô tục, Doanh đắc thanh phong nhất chẩm an”(23) (Quanh quất cây leo, núi chất chồng, Hoa rơi lạnh giữa khói trăng lồng. Từ nay niềm tục thôi vương vấn, Chiếc gối an nhàn trước gió trong)(24).

Chưa dừng tại đây, ta còn thấy các bài thơ Thiền bộc lộ cảm xúc tâm trạng thực chứng giác ngộ được giải trình thông qua vẻ đẹp thiên nhiên đẹp đẽ, huyền ảo bằng một cảm quan Thiền học. Nguồn cảm hứng sáng tạo trước cảnh vật hữu tình, thiên nhiên hoá cảnh Phật là sở trường sáng tác của các thiền sư từ đời Lý đến đời Trần mà các nhà nghiên cứu gọi là thơ tức cảnh sinh tình. Bài Ngư nhàn của Không Lộ (theo Lê Đức Niệm nêu ra, rồi ý này được Bùi Duy Tân viết lại đăng trên Tạp chí Văn học số 5-2002, tr.85-86 thì bài thơ này chính là của Hàn Ô (842-923) đời Đường ở Trung Hoa với thi đề là Túy trước chứ không phải là Không Lộ (1016-1094) đời Lý ở Việt Nam) và Cáo tật thị chúng của Mãn Giác đời Lý là một trong những bài tiêu biểu. Nhưng dấu ấn lớn về loại thơ này vẫn là các tác giả thiền sư ở đời Trần thuộc phái Thiền Trúc Lâm như bài Ký Thanh Phong am tăng Đức Sơn của Trần Thái Tông; Đề Huyền Thiên động, Hạnh Thiên Trường hành cung của Trần Thánh Tông; Họa Hưng Trí thượng vị hầu, Giang hồ tự thích… của Tuệ Trung; Xuân hiểu, Động Thiên hồ thượng, Xuân cảnh… của Trần Nhân Tông; và nhiều bài thơ khác của Huyền Quang đạt đến đỉnh cao của thi ca như Cúc hoa (6 bài), Chu trung, Phiếm chu, Trúc miên, Ngọ thụy, Nhân sự đề Cứu Lan tự, Địa lô tức sự…

Bài Chu trung, Phiếm chu là một thí dụ điển hình. Cả hai bài đều lấy hình ảnh con thuyền làm nguồn cảm hứng để diễn đạt thế giới thực tại hiện hữu cùng song hành với thế giới siêu nghiệm trong một không gian biển trời bao la, một thời gian vô biên để đến nơi cùng tận. Con thuyền của Huyền Quang là con thuyền vượt thoát khổ đau mà kinh điển nhà Phật gọi là thuyền Bát Nhã. Người đọc sẽ cảm nhận sự thanh thoát, sự huyền diệu giữa biển trời mênh mông, có sự hiện hữu của một chiếc thuyền con lướt qua bể đời trầm luân, xa xa chỉ một cánh chim hải âu trắng để mở lối cho cuộc hành trình về miền giải thoát “Giang thủy liên thiên nhất âu bạch” (Chim âu một cánh trắng phau. (Chu trung)(25). Đến bài Phiếm chu thì người đọc không chỉ cảm nhận bằng ngôn ngữ thi ca mà còn tiếp cận được thế giới chứng thực nội tâm luôn hòa quyện giữa cuộc đời xao động với sóng nước dạt dào và cõi “sắc không” an tịnh với “Nguyệt lạc ba tâm giang mãn sương” (Trăng rơi đáy nước, đầy sông sương mờ)(26).

Nhìn chung, có sự chuyển dịch về nội dung chuyển tải và hình thức thể loại trong kệ và thơ Thiền từ đời Lý đến đời Trần, cụ thể là Thiền phái Trúc Lâm. Về nội dung chuyển tải, chúng tôi nhất trí với ý kiến tổng kết là kệ và thơ Thiền trực tiếp hay gián tiếp bàn về giáo lý Phật giáo, triết lý bản thể giải thoát vẫn là đa số với 321 trên tổng số 405 đơn vị tác phẩm, chiếm tỷ lệ gần 80%. Trong khi đó, kệ và thơ Thiền mang nội dung cảm xúc trữ tình, cảm hứng Thiền chỉ chiếm 84 trên tổng số đơn vị tác phẩm với tỷ lệ 20%. Nếu so sánh giữa kệ và thơ Thiền đời Lý với đời Trần qua sự phân loại và thống kê, thơ Thiền đời Lý thường thiên về bày tỏ giáo lý nhà Phật, tần số xuất hiện rất cao (tỷ lệ 94%), còn đời Trần thì nội dung này lại thấp hơn (tỷ lệ trên 70%)(27). Còn thơ Thiền thiên về cảm xúc trữ tình thì ngược lại, văn học đời Lý chỉ chiếm khoảng 6%, văn học Phật giáo đời Trần thì chiếm khoảng 30% như đã có nhà nghiên cứu thống kê. Điều đó lý giải là khi cảm xúc trữ tình trong thơ Thiền ngày càng tăng thì biên giới thơ Thiền sẽ được mở rộng, thơ Thiền “tiến gần tới các thể loại thơ trữ tình hay thơ tự sự thì hình thức thể loại của nó càng mờ nhạt đi những dấu ấn riêng biệt mà mang hình thức gần gũi với các thể loại thi ca khác”(28). Nhiều bài thơ Thiền của các tác giả Thiền phái v.v… là những minh chứng cho ý kiến trên.

Về mặt hình thức thể loại, nếu đa số kệ và thơ Thiền đời Lý thường được viết theo thể thơ cổ thể hay lối thường đoản cú, hoặc tứ ngôn, ngũ ngôn, lục ngôn phóng khoáng về niêm luật vần điệu, câu chữ nói chung là mang tính chất mở thì thơ Thiền đời Trần, tiêu biểu là Thiền phái Trúc Lâm đa phần lại được viết theo thể luật Đường tứ tuyệt hoặc bát cú (thoảng hoặc mới gặp vài bài trường thiên cổ phong) nên khuôn khổ quy phạm, nghiêm ngặt hơn theo yêu cầu đặc trưng của thể loại(29).

3.3. Ngữ lục

Sách Tự điển Phật học Huệ Quang ghi “Các sách ghi chép lời thuyết pháp hoặc lời khai thị… của các Tổ sư Thiền tông. Thông thường các thiền sư nói pháp không dùng lời văn hoa mà dùng những từ ngữ bình dị để chỉ thẳng tông yếu, thị giả và các đệ tử theo học liền ghi chép sưu tập thành sách, gọi là Ngữ lục. Sau khi Lục Tổ Huệ Năng đầu đời Đường, Trung Quốc, có Pháp bảo đàn kinh thì ngữ lục các nơi lần lượt xuất hiện. Từ thời Ngũ đại, Triệu Tống về sau, chế độ của các tùng lâm Thiền tông thành lập, trong đó dưới thiền sư Trụ trì có lập chức Thư ký với nhiệm vụ ghi chép ngôn hạnh của thiền sư, sau này biên tập thành ngữ lục như Mã Tổ Đạo Nhất thiền sư ngữ lục, Triệu Châu Tùng Thẩm thiền sư ngữ lục…”(30). Ý kiến của Nguyễn Huệ Chi về vấn đề xác định tác giả đích thực của các đoạn văn đối đáp qua lại giữa thầy và trò đã được ông lý giải ở phần Khảo luận văn bản trong Thơ văn Lý - Trần, tập 1(31). Theo thiển ý của chúng tôi, các ngữ lục được bảo lưu cho đến ngày nay của Thiền tông Trung Hoa, hay Việt Nam đều do các đệ tử sưu tập, hoặc Ban thư ký trong chùa biên tập chỉnh sửa nên lời văn đối đáp trong văn bản của các tác phẩm này có sự thay đổi. Nếu lúc đầu ngữ lục được diễn đạt bằng khẩu ngữ thì sau đó được nhuận văn và trở nên những câu văn xuôi hoàn chỉnh; hoặc được diễn đạt thành những lời thơ bóng bẩy, giàu hình ảnh văn chương, với lối nói ẩn dụ kín đáo nhằm đánh mạnh vào tâm thức người học bừng tỉnh để trực nhận chân lý đằng sau lớp vỏ ngôn từ.

Ngữ lục là một thể loại khá đặc biệt trong văn học Phật giáo Lý - Trần, đáng tiếc hiện chỉ còn một số tác phẩm được bảo lưu so với thư tịch cổ cho biết. Về văn học Phật giáo đời Lý hiện còn Tham đồ hiển quyết của Viên Chiếu, nhưng chỉ vài đoạn; Nhất nhật hội chúng của Tịnh Không; Đáp đệ tử diệu đạo chi vấn của Chân Không. Đời Trần có Ngữ lục vấn đáp môn hạ của Trần Thái Tông, nay còn một phần ở trong Khóa hư lụcTuệ Trung Thượng sĩ ngữ lục của Trần Tung do Pháp Loa ghi lại; Đạo sách lục của Pháp Loa chỉ còn vài đoạn; Thánh đăng ngữ lục chưa rõ tác giả Thiền uyển tập anh ngữ lục gồm nhiều tác giả. Một số tác phẩm thuộc loại ngữ lục khác chỉ còn tên sách như Thiền lâm thiết chuỷ ngữ lục, Thạch thất mỵ ngữ của Trần Nhân Tông; Phổ tuệ ngữ lục của Huyền Quang… chứ nội dung văn bản thì thất truyền. Ở đây, chúng tôi chỉ khảo sát các ngữ lục của Thiền phái Trúc Lâm.

Ngữ lục vấn đáp môn hạ của Trần Thái Tông là tác phẩm được viết theo thể loại ngữ lục. Về mặt hình thức, ngữ lục là lời hỏi và đáp qua cuộc đối thoại giữa hai người, thông thường là giữa thầy và trò, giữa thiền sư này và thiền sư khác…như một cuộc hội ngộ đàm đạo. Ở thể loại này, các lời đối thoại có khi được diễn đạt bằng khẩu ngữ hoặc được ghi lại dưới dạng văn xuôi, có lúc được phô diễn bằng những lời thơ giàu hình ảnh thi ca, sống động, với lối ẩn dụ kín đáo nhằm gợi mở hoặc được diễn đạt bằng một thứ ngôn ngữ phi thực, siêu nghiệm. Sử dụng thủ pháp nghệ thuật này là hướng tư duy của người học trở về thực tại “đang là” .

Đề tài để đối thoại thường xoay quanh lĩnh vực Thiền học, Phật học: Chân như Phật tính, Sắc không…Theo văn bản này ghi lại thì đây là cuộc đối thoại giữa thiền sư Trung Hoa, hiệu Đức Thành và Trần Thái Tông. Chỉ cần đọc hai câu hỏi và lời đáp đầu tiên, ta thấy vấn đề Thiền được đặt ra và giải đáp như thế nào.

- Tống Đức Thành tiến vân: “Thế Tôn vị ly Đâu Suất dĩ giáng vương cung; vị xuất mẫu thai, độ nhân dĩ tất thời như hà?”

- Đế vân: “Thiên giang hữu thuỷ thiên giang nguyệt, Vạn lý vô vân vạn lý thiên.”

- Tăng vân: “Vị ly vị xuất mông khai thị. Dĩ ly dĩ xuất sự nhược hà?” - Đế vân: “Vân sinh nhạc đính đô lư bạch, Thủy đáo Tiêu Tương nhất dạng thanh.”(32).

(- Thiền sư Đức Thành, nước Tống tiến lên hỏi: Thế Tôn chưa rời Đâu Suất đã giáng xuống Vương cung, chưa lọt lòng mẹ đã độ hết chúng sanh là thế nào?

- Vua đáp: Muôn sông có nước trăng muôn sông, Vạn dặm không mây, trời vạn dặm.

- Tăng nói: Chưa rời Đâu Suất lọt bào thai, Chỉ rõ phân minh đã rõ rồi. Đâu Suất, bào thai nay đã tách, Dám mong phân giải một đôi lời ?

- Vua đáp: Mây sinh đỉnh núi bềnh bồng trắng, Nước đến Tiêu Tương một sắc trong.)(33).

Sau này, vấn đề trên đã được thiền sư Chân Nguyên lý giải: “Mây lên núi bạc bằng lau, Nước xuống nguồn Tào vặc vặc sáng thanh. Pháp thân trạm tịch viên minh, Tự tại tung hoành phố mãn thái hư. Tùy hình ứng vật tự như, Hóa thiên bách ức độ chư mọi loài. Ứng hiện dưới đất trên trời, Khắp hòa thế giới mọi nơi trong ngoài. Đã đặt hiệu là Như Lai, sao còn hỏi xuất mẫu thai làm gì? Nguyện luân biến hóa quang huy, Thiên giang hữu thuỷ cùng thì bóng in.”(34).

Hay lời vấn đáp của thầy trò Tuệ Trung trong Tuệ Trung Thượng sĩ ngữ lục của Trần Tung:

- Thời hữu tăng vấn: “Khải tư Thượng sĩ, mỗ vị sinh tử sự đại, vô thường tấn tốc, vị thẩm thử thân, sinh tòng hà lai? Tử tòng hà khứ”

- Sư vân: “Trường không túng sử song phi cốc, Cự hải hà phương nhất điểm âu.”

- Tiến vân: “Như hà thị đạo?

- Sư vân: “Đạo bất tại vấn, vấn bất tại đạo.”(35)

- (Bấy giờ có một môn tăng hỏi: Bạch Thượng sĩ: Tôi cho rằng sống chết là việc lớn. Nó vô thường mau lẹ. Chư a rõ tấm thân này từ đâu sinh ra? Chết rồi đi đâu?

- Sư đáp: Đôi vành luân chuyển giữa bầu trời, Biển cả lo gì chút bọt trôi.)

- Lạ hỏi: Thế nào là đạo?

- Sư đáp: Đạo không ở trong câu hỏi, Câu hỏi không ở trong đạo.)(36).

3.4. Niêm tụng kệ, tụng cổ

Đây là hai thể loại đặc thù của văn học Phật giáo. Thể loại này chỉ xuất hiện trong văn học đời Trần. Văn học đời Lý chưa có. Theo thư tịch cổ cho biết, đời Trần chỉ có hai tác giả để lại tác phẩm thuộc loại này là Trần Thái Tông với niêm tụng kệ được chép gộp trong Khóa hư lục và Tuệ Trung Thượng sĩ với tụng cổ trong Thượng sĩ ngữ lục.

Nói đến thể loại niêm tụng kệ thì không thể không bàn đến tụng cổ. Hai thể loại này có sự kết hợp giữa hai hình thức ngữ lục và kệ. Mục đích chủ yếu là vừa diễn giải, vừa đúc kết các vấn đề cốt lõi của Thiền để học trò nắm vững và thực tập. Về mặt hình thức kết cấu, giữa niêm tụng kệ và tụng cổ khá giống nhau. Chúng gồm nhiều tiết, mỗi tiết có ba phần. Đối với niêm tụng kệ gồm có cử, niêm và tụng; còn đối với tụng cổ thì gồm cử, luận (sư vân) và tụng.

Cử: Nêu lên một câu chuyện trong Phật thoại hay những lời giảng đạo của các bậc sư Tổ cao tăng đời trước để làm đề dẫn.

Niêm: Nêu ý kiến tác giả về vấn đề đó, có khi bổ sung, có khi phản bác vấn đề đó. Có thể xem đây là phần luận của vấn đề. Ở tụng cổ của Tuệ Trung Thượng sĩ thì dùng hai chữ "sư vân".

Tụng: Tóm tắt những kiến giải của mình thành một bài kệ cô đọng, có vần, có hình tượng để người học đạo dễ dàng tụng đọc. Tụng là một cách đọc tập trung, thường xuyên, một phương thức của các đệ tử nhà Phật thực tập đời sống hướng thượng. Bằng phương pháp tụng, người đọc, dần dần hiểu và ngộ ra những áo nghĩa thâm sâu giáo lý Phật đà.

Niêm tụng kệ và tụng cổ được xem là việc thực tập các công án Thiền. Công án là câu nói được dẫn ra từ các bộ kinh Phật hoặc các bộ ngữ lục của chư Tổ, phần lớn là khó hiểu. Người học phải trực cảm tâm linh để nhận ra sự thật từ các công án đó, chứ không phải bằng tư duy hữu ngã. Người thầy tùy theo căn tính của học trò mà khai mở tâm thức, sau khi đẩy đưa họ đến chỗ bức bách tận cùng. Tại đây, người học bùng vỡ và thể nhập chân lý.

So sánh niêm tụng kệ, tụng cổ với kệ thì các bài tụng (kệ) của chúng gần với kệ trong kinh. Nếu kệ trong kinh có chức năng tóm tắt nội dung tư tưởng mà phần văn xuôi đã giảng trước đó bằng thể thơ thì kệ (tụng) trong niêm tụng kệ có chức năng thâu tóm lời kiến giải ở trên, bằng hình thức thơ cô đọng với mục đích không chỉ nói, mà còn đi hỏi người học đạo phải đọc tụng cho đến khi nào “vỡ” ra để giác ngộ.

Nếu so sánh hai thể loại trên với ngữ lục thì chúng được sử dụng thủ pháp ẩn dụ để luận giải công án Thiền. Điều đáng nói, phần kết cấu của chúng khác nhau rõ rệt. Niêm tụng kệ và tụng cổ có 3 phần; còn ngữ lục chỉ có hai phần vấn và đáp. Ngữ lục thường sử dụng ẩn dụ đậm chất khẩu ngữ ví von, được diễn đạt bằng văn xuôi, có khi bằng văn vần nhưng khá phi lôgíc, sử dụng nghịch ngữ nhằm kéo người học đạo bước ra vùng tư duy theo lý trí, trở về thực tại. Người học đạo tự nhiên liễu đạt yếu chỉ của Thiền. Trong khi đó, niêm tụng kệ và tụng cổ vẫn sử dụng lối diễn đạt ẩn dụ và phi lôgíc, nhưng câu thơ trong phần tụng không quá khó hiểu như những lời đối đáp trong phần ngữ lục. Hơn nữa, với kết cấu ba phần, người học khi nghiền ngẫm công án ở phần cử và được giải thích biện luận gợi mở củ thầy ở phần niêm (trong niêm tụng kệ), phần luận (trong tụng cổ) thì đến thời điểm này, người học khi đọc đến phần tụng sẽ được sáng tỏ.

Rõ ràng, niêm và luận như ánh sáng tuệ giác soi sáng vô minh trong tâm thức người học, giúp họ trực ngộ chân lý. Còn nếu căn cơ kém, người học có thể dự vào phần niêm và tụng này mà được khai tâm. Như vậy, niêm tụng kệ và tụng cổ vẫn là phương thức tu tập Thiền đốn ngộ. Phương thức này thật uyển chuyển, hữu hiệu, phù hợp với trình độ, căn cơ của người tu tập. Sự kết hợp nhiều phương thức tụng kinh, niệm Phật, tọa Thiền của Phật giáo đời Trần đã góp phần làm cho nền Phật học, Thiền học phát triển một cách rực rỡ mang tính phổ cập đại chúng(37).

Niêm tụng kệ trong Khóa hư lục có đến 43 bài thực tập. Về cử và niêm thường lấy từ các Thiền sử Trung Hoa, riêng phần tụng kệ là do Trần Thái Tông viết. Chẳng hạn, khi khảo cứu bài tập thực hành thứ nhất, ta thấy:

Cử: “Thế Tôn vị ly Đâu Suất, dĩ giáng vương cung, vị xuất mẫu thai, đô nhân dĩ tất”

Niêm: “Kiếm kích vị thi, Tương quân dĩ lộ”

Tụng: “Một hình hài tử vị ly hương,

Ngọ dạ tương nhân độ diểu mang.

Cao đạp ư du vô gián cách,

Bất tu thuyền tử dự phù nang.”(38)

(Nêu: Thế Tôn chưa rời Đâu Suất, đã giáng xuống cung vua, chưa lọt lòng mẹ đã độ hết chúng sinh.

Niêm: Gươm giáo chưa cầm, Tướng tài đã lộ.

Tụng: Chưa hình ấu tử chửa rời quê,

Đêm thẳm đưa người qua bến mê.

Cao bước dạo chơi ngoài khoảng cách,

Không cần thuyền bản với phao bè)(39).

Trong công án này, câu cử Trần Thái Tông lấy từ Thiền tông tụng cổ liên châu thông, tập 2, Tục 115.8b4 (52a10): “Thế Tôn vị ly Đâu Suất, dĩ giáng vương cung, vị xuất mẫu thai, độ nhân dĩ tất.”. Đến hai câu niêm thì lấy một câu trả lời của thiền sư Đông An Thường Sát trong Thiền tông chính mạch 6, tờ 43a15 vớ một chút cải biên. Câu của thiền sư Thường Sát là “Kiếm giáp vị thi, Tặc thân dĩ lộ”.

Còn trong Thượng sĩ ngữ lục ở phần Tụng cổ của Trần Tung có 13 bài thực tập Thiền. Khảo sát bài thực tập thứ tám với chủ đề Vinh nhục đều như nhau thì sẽ rõ sự khác nhau giữa niêm tụng kệ và tụng cổ:

Cử Lão Tử viết: “Sủng nhục nhược kinh.”

Sư vân: “Thủ trung xả hoạ thiên ban vật,

Tâm thượng duyên sinh vạn lự ưu.”

Tụng viết: “Hàn tự trước y nhiệt thoát y,

Vô hàn vô nhiệt hữu thuỳ tri?

Đãn khan ngự liễu cung hoa sắc,

Bất độc tàm xuân hoại tứ thì.” (40)

(Nêu: Lão Tử nói: “Vinh nhục đều không sợ”

Sư nói: Tay khéo vẽ nên ngàn sự vật,

Lòng càng thêm mấy vạn lo âu.

Tụng rằng: Nồng cởi áo ra, lạnh khoác vô,

Không nóng không lạnh, biết bao giờ?

Xem màu liễu ngự hoa cung đấy,

Lọ phải tìm xuân hỏng bốn mùa.)(41)

Vậy là phần cử dẫn lại lời Lão Tử trong sách Đạo đức kinh. Từ lời gợi dẫn, người học đạo có thể nghiền ngẫm cho đến khi nào bừng ngộ chân lý thì thôi.

3.5. Tự

Tự là một thể loại văn học được sử dụng rộng rãi trong văn học trung đại nói chung, văn học Phật giáo nói riêng. Tuy nhiên, xét về nguồn gốc thể loại này mà các bản văn kinh điển văn học Phật giáo sử dụng có tên gọi đầy đủ là tự dẫn. Cấu trúc một bài tự dẫn trong một bản Kinh Đại thừa được trình bày qua 5 phần: Duyên khởi kinh; Thời gian - không gian; Người nói - chủ thể; Nội dung thông điệp chính; Người nghe - Đối tượng. Theo Từ điển Phật học Huệ Quang ghi “Tự dẫn là lời văn dẫn mở đầu các kinh chú.”. Lời văn dẫn chú Lăng Nghiêm trong kinh Lăng Nghiêm 7 (Đại 19, 113 hạ ghi “Lúc bấy giờ, từ nơi nhục kế của đức Thế Tôn phóng ra tia ánh sáng trăm báu, trong tia sáng hiện ra đoá hoa sen báu nghìn cánh, trên đó có hoá Như Lai ngồi, trên đảnh đức Như Lai này phóng ra 10 tia sáng trăm báu, mỗi tia sáng đều thị hiện 10 hằng hà sa các vị Kim Cương, Mật Tích, vị bưng núi, vị cầm chày, đầy khắp hư không. Đại chúng ngẩng nhìn, vừa sợ hãi, vừa vui mừng, cầu Phật che chở một lòng lắng nghe Phóng Quang Như Lai từ Vô Kiến đảnh tướng của Phật nói ra thần chú”(42).

Trên cơ sở đó, đến thời Phật giáo Lý - Trần, sự vận dụng thể loại này trong các bản văn có thay đổi cho phù hợp với thực tiễn đời sống văn học. Nội dung của loại này thường thuật lại về nguồn gốc, nguyên uỷ về một sự kiện, vụ việc gì đó. Thí dụ Tạ Thúc Ngao viết bài minh và tự về chùa Sùng Khánh ca ngợi Nguyễn Ẩn tự Vân Giác sáng lập chùa này ở huyện Vị Xuyên, (Sùng Khánh tự bi minh tịnh tự). Do bài văn viết kể nguyên ủy và khắc lên bia nên ở đây thể tự gắn liền thể bi ký và minh.

Tự còn là bài văn ngắn, súc tích được viết ở phần đầu tiên của sách nhằm giới thiệu tổng quát về nội dung cuốn sách mà ngày nay chúng ta gọi là bài tựa, lời nói đầu. Văn học trung đại Việt Nam thời Lý - Trần vẫn còn bảo lưu nhiều bài tự khác nhau nhằm giới thiệu tổng quát về tác phẩm. Ta có thể liệt kê như sau: Phan Phu Tiên đã viết bài tựa Tân san Việt âm thi tập tự khi ông san định lại Việt âm thi tập vào năm 1443, Lý Tử Tấn viết lời tựa Tân tuyển Việt âm thi tập tự… vào năm 1495 khi Chu Xa tuyển chọn lại tập thơ này. Văn học Phật giáo Lý - Trần, cụ thể là Thiền phái Trúc Lâm hiện nay còn lưu giữ nhiều bài tựa. Trong đó, Khóa hư lục là một tác phẩm đã bảo lưu rất nhiều bài tựa của nhiều tác phẩm khác nhau mà Trần Thái Tông đã viết. Có ít nhất là bốn văn bản về thể loại này trong Khoá hư lục: Thiền tông chỉ nam tự, Kim Cương tam muội kinh tự, Bình đẳng sám văn tự, Lục thì sám hối khoa nghi tự.

Bài tựa có giá trị văn chương nhất trong số các bài tựa mà Trần Thái Tông viết là bài Thiền tông chỉ nam tự. Có lẽ nó ra đời vào khoảng thời gian từ năm 1256 - 1258 khi ông chuẩn bị nhường ngôi. Đây là lời nói đầu của cuốn sách chỉ dạy về cốt tủy Thiền tông, được xem là chỉ nam Thiền tông. Còn nguyên bản cuốn sách thì đã mất. Tuy vậy, người đọc bài tự này cũng nắm rõ nội dung cốt yếu cuốn sách. Dung lượng bài tựa này chỉ viết khoảng vài ba trang, nhưng nội dung văn bản lại hết sức có giá trị về mặt lịch sử văn học, triết học, thiền học… Về mặt văn chương, Thiền tông chỉ nam tự tuy là lời nói đầu của một cuốn sách, nhưng thực chất nó là một văn bản có giá trị về mặt tư liệu. Nó giúp chúng ta xác định được nhiều điều về mặt lý luận và tư tưởng. Đây là một áng văn tự sự, thuật lại những năm tháng của nhà vua gắn với một dấu ấn lịch sử được viết bằng một ngôn ngữ chữ Hán trang trọng. Đọc bài tựa, chúng ta có thể hiểu phần nào cuộc đời của nhà vua đối với lịch sử dân tộc, đạo pháp, được ghi bằng một văn phong bi hùng, một giọng điệu tâm tình, một bút pháp hết sức sinh động, có sức thuyết phục cao. Ở lĩnh vực triết học, Thiền học, Thiền tông chỉ nam tự tuy chỉ là bài tựa nhưng thật ra nó được đánh giá như là cương lĩnh định hướng phát triển Thiền học đời Trần. Nó kiến thiết giáo lý căn bản cũng như cơ sở lý luận cho Thiền phái Trúc Lâm ra đời để đáp ứng các nhu cầu thực tiễn của lịch sử đất nước và đạo pháp nước nhà trong một thời đại mới - thời đại Đông A sống mãi trong lòng dân tộc Việt Nam.

3.6.Ca, ngâm

Ca, ngâm là những thể loại chỉ có xuất hiện trong các sáng tác của các thiền gia, thiền sư đời Trần thuộc Thiền phái Trúc Lâm mà thôi, chứ vào đời Lý thì hầu như không có. Theo thư tịch cổ, thơ văn của Thiền phái còn bảo lưu được 4 văn bản được sáng tác theo thể loại này, có nội dung bàn về triết lý Phật - Thiền. Đó là Phật tâm ca, Phóng cuồng ngâm, Trừu thần ngâm của Tuệ Trung và Đắc thú lâm tuyền thành đạo ca của Trần Nhân Tông.

Điểm chung của thể loại ca và ngâm là không có sự giới hạn số câu trong một bài, kể cả niêm, luận, vần, điệu cũng không cần khắt khe, chặt chẽ. Bài Phật tâm ca của Tuệ Trung được sáng theo thể loại ca, viết bằng chữ Hán. Như đã nói, do không giới hạn về số câu chữ nên bài Phật tâm ca khá dài, gồm 12 đoạn (khổ), 55 câu. Khổ đầu có 8 câu thất ngôn xen lục ngôn ở 2 câu đầu “Phật, Phật, Phật, bất khả kiến; Tâm, tâm, tâm, bất khả thuyết.” Mười một khổ còn lại, mỗi khổ 5 câu. Trong đó, câu thứ nhất và câu thứ hai, mỗi câu 3 tiếng; ba câu còn lại mỗi câu chỉ có 7 tiếng. Khảo sát kỹ mỗi khổ thì chúng ta dễ dàng nhận ra mỗi khổ đều là bài tứ tuyệt thất ngôn xen lục ngôn và câu đầu chính là câu lục ngôn được tách ra làm hai. Vần gieo ở cuối câu và đa số là vần trắc, chỉ có 4 khổ gieo vần bằng. Sử dụng một thể loại như vậy để sáng tác, bài Phật tâm ca không chỉ có giá trị về mặt hình thức biểu đạt nghệ thuật thi ca mà còn có nội dung chuyển tải tư tưởng Thiền học hết sức giá trị. Nếu bài Phật tâm ca của Tuệ Trung viết bằng chữ Hán thì bài Đắc thú lâm tuyền thành đạo ca của Trần Nhân Tông được viết bằng Quốc âm, tiếng mẹ đẻ tức chữ Nôm như là một sự thành tựu lớn về mặt ngôn ngữ tiếng Việt. Về cấu trúc bài ca này được viết theo thể ca, tứ ngôn trường thiên, gồm 84 câu và một bài kệ viết theo lối thơ thất ngôn tứ tuyệt bằng chữ Hán như tóm tắt nội dung bài ca, làm sáng tỏ chủ đề. Tuy tác giả gieo không tuân thủ vần điệu, nhưng nhờ thuật biết xen kẽ bằng trắc cuối câu làm cho âm điệu bài ca khi được đọc lên có sự nhịp nhàng, hài hoà khiến người đọc có cảm giác như đang thưởng thức làn điệu dân ca mang âm hưởng Phật pháp. Rõ ràng, một hình thức nghệ thuật được thể hiện qua một thể ca, với một kết cấu, ý tứ chặt chẽ và bằng một cảm hứng Thiền học chứng ngộ cả hai bài ca đi vào lòng người đọc với một dấu ấn tâm linh trong việc thực thi hành trì giải thoát giác ngộ.

Điểm khác biệt giữa ca và ngâm là về mặt hình thức về dung lượng số câu của bài ca dài hơn bài ngâm. Chẳng hạn, bài Phóng cuồng ngâm của Tuệ Trung chỉ có 26 câu, mỗi câu có bảy tiếng, đi khi xen câu tám tiếng, vần gieo ở cuối câu chẵn. Trong khi đó, bài Trừu thần ngâm thì có 28 câu, chia làm bốn khổ được viết theo lối cổ phong. Ba khổ đầu, mỗi khổ sáu câu, mỗi câu bảy tiếng. Khổ cuối gồm mười câu, thỉnh thoảng có xen một vài câu chín tiếng. Vần gieo ở bài ngâm này toàn là vần trắc kiểu độc vận ở cuối các câu chẵn. Đặc trưng của thể ngâm là dùng để ngâm hay hát khiến ai cũng có thể dễ dàng cảm nhận. Vì vậy, tác giả thường sử dụng chữ "hề" làm từ đệm trong câu của các bài ngâm như chúng ta thường thấy. Bất cứ ai, khi đọc bài ngâm nào cũng có thể trực nhận triết lý sống của Thiền tông mà tác giả đã trình bằng một tâm thức khai phóng, liễu ngộ các pháp.

3.7. Phú

Là thể loại của văn học Trung Hoa ra đời từ thời Xuân thu Chiến quốc trên cơ sở của Kinh thi, Sở từ và văn xuôi Tiên Tần, được giới nghiên cứu văn học nước này minh định là “bán thi bán văn”. Theo Lưu Hiệp trong Văn tâm điêu long đã khẳng định phú có nguồn gốc từ Sở từ Ly Tao: “Ban Cố cho phú là loại thơ cổ. Đến khi Khuất Nguyên làm Ly Tao thì thể phú mới bắt đầu lan rộng. Nhưng phú bắt nguồn từ nước Sở và thịnh lên ở đời Hán.”(43).

Cho đến nay, ở Trung Hoa đã có nhiều cách phân loại phú, nhưng theo nhà nghiên cứu Chử Bân Kiệt thì cách phân loại của Từ Sư Tăng đời Minh trong Văn thể minh biện là được nhiều người cho là hợp lý hơn cả. Ưu điểm nổi bật nhất của cách phân chia này là kết hợp được các phương diện thời gian, phương diện hình thức, phương diện nội dung của thể tài. Theo đó, phú bao gồm các tiểu loại chính: cổ phú, bài phú, luật phú và văn phú(44). Trong đó, ta có những tiểu loại phú bao gồm những tiểu loại khác. Như trong cổ phú có tao thể phú là những bài phú mô phỏng nhiều yếu tố của Sở từ với số tiếng trong câu và có tiếng đệm “hề”. Vậy là phú không phải là một thể loại thuần nhất và nói đến thuộc tính của thể loại là nói đến những đặc tính cơ bản và phổ biến nhất.

Một trong những thuộc tính sớm được xác định của thể phú là “tả chí”(45). Cái “chí” ở đây được Đặng Thai Mai giải thích trong Thi ngôn chí. Đó là “Ta nên hiểu chữ “chí” ở đây là “tâm”của kẻ sĩ. Cho nên “chí” không chỉ có phần nghị lực, phần ý chí mà thôi, mà nó có phần tâm tình kẻ sĩ nữa”(46). Phú ở Trung Hoa và Việt Nam đều được hiểu trong tinh thần đó.

Ở Việt Nam, phú xuất hiện từ đời Trần. Đời Lý cổ sử có đề cập, nhưng cho đến nay chúng ta vẫn chưa tìm được những bài phú này. Gần đây, Tổng tập Văn học Việt Nam giới thiệu thêm một vài bài phú chữ Hán đời Trần, mà trước đó đã công bố 13 bài đã in trong Quần hiền phú tập, có lúc được gọi là phú đời Trần - Hồ(47). Các bài phú này đều ca ngợi tư tưởng, thể hiện tấm lòng của kẻ sĩ đối với đất nước, với triều đại trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước.

Trong xu hướng định hình và phát triển thể loại phú vào thời Trần, các nhà khai sáng Thiền phái Trúc Lâm đã tiên phong trước tác các bài phú mang nội dung tư tưởng Phật giáo Việt Nam và dân tộc trong việc xây dựng phát triển đất nước Đại Việt. Điểm nổi bật là các bài phú mà ta còn bảo lưu thuộc dòng văn học Phật giáo đời Trần như Cư trần lạc đạo phú của Trần Nhân Tông; Vịnh Vân Yên tự phú của Huyền Quang, Giáo tử phú của Mạc Đĩnh Chi (?) đều được sáng tác bằng chữ Nôm, trong đó, hai bài đều thuộc hai tác giả của Thiền phái Trúc Lâm.

Cư trần lạc đạo phú của Trần Nhân Tông là bản tuyên ngôn của con đường sống đạo mà Phật giáo Việt Nam chủ trương, có tác động và chi phối cuộc sống người dân thời đó. Đây là một trong những tác phẩm được trích dẫn đích danh như quyền uy, khi thiền sư Chân Nguyên trình bày những vấn đề Phật giáo cho vua Lê Dụ Tông vào năm 1692 trong Kiến tính thành Phật lục(48). Do đó, tư tưởng Cư trần lạc đạo đã góp phần làm nên những chiến công của cha ông ta trong việc dựng nước và giữ nước. Bài phú này được viết theo lối phú thời Đường, nhưng đối và vần còn lỏng lẻo khi so với các bài phú của thời Trần mạt và Lê sơ. Toàn bài gồm 10 hội, mỗi hội co dãn từ 13 câu (hội thứ ba và bốn) cho tới 30 câu. Và mỗi hội cũng gieo một vần, các hội lẻ gieo vần bằng và các hội chẵn gieo vần trắc. Cuối hội thứ mười thì có thêm bài kệ theo thể thất ngôn tứ tuyệt bằng chữ Hán. Giới nghiên cứu đều xem bài kệ là chủ đề tư tưởng Thiền học của bài phú, còn chúng tôi xem đây như là cơ sở lý luận hình thành chủ thuyết Cư trần lạc đạo của Thiền phái. Về tự dạng thì bài phú viết theo lối viết giả tá hình thanh. Còn từ vựng, bài phú này có nhiều từ xưa mà khi so với các tác phẩm Quốc âm đời sau như Quốc âm thi tập của Nguyễn Trãi thì ít được sử dụng. Trong đó, từ ngữ Phật học như Di Đà, Cực lạc, Tam độc… của bài Cư trần lạc đạo phú có tần số xuất hiện khá dày so vớ bài Vịnh Vân Yên tự phú của Huyền Quang và bài Giáo tử phú của Mạc Đĩnh Chi (?).

Bài Vịnh Vân Yên tự phú của Huyền Quang cũng được sáng tác bằng chữ Nôm. Theo văn bản của Hoàng Xuân Hãn thì nó được chia thành 8 đoạn, 8 vần (phú bát vận). Vần một có 4 câu 8 vế 64 chữ. Vần hai có 7 câu 14 vế 122 chữ. Vần ba có 7 câu 14 vế 98 chữ. Vần bốn có 7 câu 14 vế 110 chữ. Vần năm có 5 câu 10 vế 66 chữ. Vần sáu có 6 câu 12 vế 82 chữ. Vần bảy có 4 câu 8 vế 51 chữ. Vần tám có 5 câu 10 vế 60 chữ. Ngoài ra có 6 câu mào như: Thấy đây (2 lần), Huống chi, Ta nay, Từ đến đây, Lạ những ôi và cuối cùng là bài kệ bằng chữ Nôm theo thể Đường thất ngôn bát cú niêm luật, vần đối hoàn chỉnh đúng yêu cầu của thể thơ. Toàn bộ bài phú của Huyền Quang không nêu triết lý Thiền - Phật như bài phú của Trần Nhân Tông mà nhằm giới thiệu cảnh thiên nhiên Phật của thế giới Thiền cảnh, Thiền thú với bút pháp liên tưởng ngoa dụ phổ biến ở thể phú. Tại đây, người đọc cảm nhận được khát vọng của Huyền Quang là muốn chuyển hóa thế giới thực tại thành thế giới Phật quốc giữa cuộc đời này.

Nếu từ ngữ hình ảnh trong bài Vịnh Vân Yên tự phú đầy hình ảnh mô tả thì đến Giáo tử phú củ Mạc Đĩnh Chi (?) thì từ ngữ hình ảnh thật mộc mạc giản dị gần với lối ca vè dân gian nhằm răn dạy mọi người về đạo lý sống thiện, tin và hành theo lý nhân quả để bước ra khỏi luân hồi sinh tử. Dung lượng bài phú khá dài gồm 204 câu thơ Nôm, viết theo thể thơ giống bài Đắc thú lâm tuyền thành đạo ca của Trần Nhân Tông, nhưng theo thể thơ tứ ngôn, đơn điệu, vần gieo không hoàn chỉnh. Có thể nói, mỗi bài phú có một nét đặc trưng riêng, góp phần quan trọng trong việc hình thành và phát triển ngôn ngữ tiếng Việt thời đó.

Nhìn chung, sự ra đời tác phẩm văn học của Thiền phái Trúc Lâm đã góp phần cho thành tựu thể loại văn học trung đại nói chung, văn chương của Thiền phái tiêu biểu cho Phật giáo đời Trần nói riêng. Sự phong phú nhiều thể loại được vận dụng trong một tác phẩm, hay ở nhiều tác phẩm độc lập khác nhau của văn chương Thiền phái, chứng tỏ mỗi khi phương thức sáng tác thay đổi thì nội dung chuyển tải cũng thay đổi theo lịch trình diễn tiến của xã hội. Từ các thể loại mang tính chức năng tôn giáo nặng triết lý Phật - Thiền ở đời Lý, dần dần chuyển sang các thể loại văn học Phật giáo xuất hiện vào đầu đời Trần như luận thuyết tôn giáo, kệ - thơ Thiền, ngữ lục, niêm tụng kệ, tự, ca, ngâm, phú với ngôn ngữ hình ảnh sống động, bộc lộ cảm xúc trữ tình, sự rung động tinh tế của cái nhìn tuệ giác, tất cả đã góp phần làm nên giá trị văn học của Thiền phái.

 

Chú thích:

(1) Nguyễn Duy Hinh: Tư tưởng Phật giáo Việt NamNxb. KHXH, H. 1999, tr.305-306.

(2) Thích Phước Đạt: Vài suy nghĩ về Lịch sử truyền thừa Thiền phái Trúc Lâm, Tạp chí Nghiên cứu Phật học, Giáo hội Phật giáo Việt Nam, số 5, 2006, tr.30.35,

(3) Từ điển Phật học Hán Việt, tập 2, Hòa thượng Kim Cương Tử, chủ biên, Phân Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam - Nxb. KHXH, H. 1994, tr.1466.

(4) Đoàn Trung Còn: Phật học từ điển, tập 3, Phật Học Tùng Thư, Sài Gòn, 1968, tr.1168-1669.

(5) Kinh Trung Bộ, Thích Minh Châu dịch, tập I, Trường Cao cấp Phật học ấn hành, 1986, tr.218.

(6) Nguyễn Công Lý: Văn học Phật giáo thời Lý - Trần: diện mạo và đặc điểm, Nxb. ĐHQG TP. HCM, 2002, tr.118.

(7) Nguyễn Công Lý, Sđd, tr.148.

(8) Lê Mạnh Thát: Nghiên cứu về Mâu Tử, tập 2, Tu Thư Vạn Hạnh, SG. 1982, tr.352.

(9) Viện Văn học: Thơ văn Lý - Trần, tập 1, Nxb. KHXH, H. 1977, tr.252.253.

(10) Viện Văn học, Sđd, tập 1, tr.216.

(11) Viện Văn học, Sđd, tập 1, tr.527-528.

(12) Viện Văn học: Thơ văn Lý - Trần, tập 2, Nxb. KHXH, H. 1989, tr.53.

(13) Viện Văn học, Sđd, tập 2, tr.55.

(14) Viện Văn học, Sđd, tập 2, tr.666.

(15) Viện Văn học, Sđd, tập 2, tr.667.

(16) Nguyễn Công Lý, Sđd, tr.123-131.

(17) Viện Văn học, Sđd, tập 2, tr.182.

(18) Viện Văn học, Sđd, tập 2, tr.182.

(19) Viện Văn học, Sđd, tập 2, tr.494.

(20) Viện Văn học, Sđd, tập 2, tr.496.

(21) Viện Văn học, Sđd, tập 2, tr.454.

(22) Viện Văn học, Sđd, tập 2, tr.454.

(23) Viện Văn học, Sđd, tập 2, tr.695.

(24) Viện Văn học, Sđd, tập 2, tr.695.

(25) Viện Văn học, Sđd, tập 2, tr.684.

(26) Viện Văn học, Sđd, tập 2, tr.694.

(27) Nguyễn Công Lý, Sđd, tr.131.

(28) Nguyễn Phạm Hùng: Vận dụng quan điểm thể loại vào việc nghiên cứu văn học Việt Nam thời Lý - Trần; Luận án Phó Tiến sĩ Khoa học Ngữ văn - Viện Văn học, 1995, tr.47.

(29) Nguyễn Công Lý, Sđd, tr.132.

(30) Thích Minh Cảnh, chủ biên, Từ điển Phật học Huệ Quang, tập III, Nxb. Tổng hợp TP. HCM, tr.3081.

(31) Viện Văn học, Sđd, tập 1, tr.166-170.

(32) Viện Văn học, Sđd, tập 2, tr.104.

(33) Viện Văn học, Sđd, tập 2, tr.106.

(34) Trần Thái Tông: Trần Thái Tông toàn tập, Lê Mạnh Thát dịch và giới thiệu, Nxb. Tổng hợp TP. HCM, 2004, tr.297.

(35) Viện Văn học, Sđd, tập 2, tr.310.

(36) Viện Văn học, Sđd, tập 2, tr.317.

(37) Nguyễn Công Lý, Sđd, tr.135-138.

(38) Viện Văn học, Sđd, tập 2, tr.122.

(39) Viện Văn học, Sđd, tập 2, tr.136.

(40) Viện Văn học, Sđd, tập 2, tr.338.

(41) Viện Văn học, Sđd, tập 2, tr.344-345.

(42) Thích Minh Cảnh, chủ biên, Sđd, tập V, 2005, tr.4930.

(43) Lưu Hiệp: Văn tâm điêu long, Phan Ngọc dịch, Nxb. Văn học, H. 1997, tr.143-209.

(44) Trung Quốc cổ đại văn thể khái luận, Vương Lực chủ biênBắc Kinh đại học xã, 1964, tr.1287-1289.

(45) Xem Lưu Hiệp, Sđd.

(46) Đặng Thai Mai: Tuyển tập Đặng Thai Mai, tập 1, Nxb. Văn hóa, H. 1984, tr.360.

(47) Phạm Tuấn Vũ: Tìm hiểu hình thức phú chữ Hán đời TrầnNghiên cứu Văn học, số 9-2005, tr.81.

(48) Lê Mạnh Thát: Chân Nguyên toàn tập, Tu thư Vạn Hạnh, Sài Gòn, 1982, tr.72.

                                                                          (Tạp chí Hán Nôm, Số 6(103) 2010; Tr. 3-22)

 

Post by: Khoa Ngữ văn
20-01-2023