Tin vắn

Diễn văn khai mạc Hội thảo về GS Bùi Văn Nguyên


08-10-2020

DIỄN VĂN KHAI MẠC

PGS.TS. Đỗ Hải Phong

Kính thưa quý vị đại biểu!

Kính thưa các nhà khoa học và gia đình cố GS, NGUT Bùi Văn Nguyên!

Hôm nay, Khoa Ngữ Văn - Trường ĐHSP Hà Nội phối hợp với Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học “GS Bùi Văn Nguyên với sự nghiệp giáo dục – đào tạo và Nghiên cứu khoa học” nhân kỉ niệm 10 năm ngày mất và 95 năm sinh cố GS. Bùi Văn Nguyên. Trước hết, tôi xin gửi tới quý vị đại biểu, các nhà giáo, các nhà khoa học đến dự Hội thảo lời chào mừng trân trọng nhất!

Kính thưa quý vị!

GS Bùi Văn Nguyên sinh năm 1918, mất năm 2003. Thầy công tác trong ngành giáo dục từ năm 1947. Sau 10 năm dạy phổ thông, năm 1957, thầy trở thành giảng viên Khoa Ngữ văn trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Thầy làm chủ nhiệm Bộ môn Văn học dân gian và Văn học viết trung đại Việt Nam  từ năm 1956-1979. Thầy từng giữ trọng trách Chủ tịch Hội văn nghệ dân gian Việt Nam. Ngày 28/5/1984, thầy được Nhà nước phong chức danh Giáo sư văn học. Năm 1989, thầy nhận danh hiệu Nhà giáo ưu tú. Năm 1990, thầy nghỉ hưu và ở tại số nhà 31 phố Hàng Ngang, Hà Nội. Tám mươi lăm năm cuộc đời của thầy phần nhiều gắn bó với Khoa Ngữ văn – trường ĐHSP Hà Nội. Thầy đã chủ trì viết những bộ giáo trình đầu tiên dành cho sinh viên ngành sư phạm ngữ văn, đã trực tiếp đào tạo, bồi dưỡng nên nhiều thế hệ cán bộ, giảng viên chủ chốt của Khoa Ngữ văn, của Bộ môn VHVN I hiện nay. Với tư cách nhà khoa học, thầy gắn bó mật thiết với ngành nghiên cứu văn hóa dân gian, văn học cổ trung đại Việt Nam và ở cả hai chuyên ngành nghiên cứu này thầy đã để lại những đóng góp quan trọng.

Đối với ngành nghiên cứu văn hóa dân gian, từ những bài viết đầu tiên năm 1951 đến công trình cuối cùng năm 2001, GS Bùi Văn Nguyên đã có hàng chục công trình sưu tầm, nghiên cứu, bài báo khoa học có giá trị với những tư tưởng khoa học quan trọng có ý nghĩa gợi mở cho nhiều nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Việt Nam thế hệ sau.

Đối với văn học viết, GS Bùi Văn Nguyên đã để lại những công trình đồ sộ, khai mở những hướng nghiên cứu chuyên sâu về những tác gia, tác phẩm chủ chốt của văn học Cổ Trung đại Việt Nam. Những công trình Văn chương Nguyễn Trãi, Thơ văn Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Du người tình - Nguyễn Du tình người… đều là những đóng góp quan trọng đối với công cuộc nghiên cứu di sản văn học dân tộc. Những phát hiện của thầy về tiểu sử Nguyễn Trãi, tên thật Bà huyện Thanh Quan... cùng những bài báo tranh luận với những ý tưởng khoa học táo bạo đầy cá tính đã góp tiếng nói riêng của thầy vào bầu không khí học thuật sôi nổi thời bấy giờ.

GS Bùi Văn Nguyên thuộc thế hệ những bậc sư biểu đầu tiên của Khoa Ngữ văn - Trường ĐHSP Hà Nội. Cuộc đời và sự nghiệp của thầy là tấm gương sáng cho thế hệ sau noi theo. Trong lòng các thế hệ tiếp nối của Khoa Ngữ văn chúng tôi luôn sống mãi hình ảnh đầy cá tính của thầy, hình ảnh con người giàu nhiệt huyết, luôn thẳng thắn, trung thực, nghiêm khắc cả với chính bản thân mình, sẵn sàng hy sinh nhiều khi cả một phần cuộc sống riêng tư, một lòng một dạ vì tương lai của nền khoa học - giáo dục nước nhà.

Hội thảo khoa học hôm nay do Khoa Ngữ văn – Trường ĐHSP Hà Nội - Bộ môn Văn học Dân gian và Trung đại Việt Nam phối hợp với Hội văn nghệ dân gian Việt Nam tổ chức là một hoạt động khoa học quan trọng và cũng là sự tri ân với những cống hiến tâm huyết của GS Bùi Văn Nguyên với Khoa Ngữ văn, với Trường ĐHSP Hà Nội, với ngành nghiên cứu Văn học dân gian và Cổ trung đại Việt Nam. Số lượng lớn, chất lượng cao của các tham luận cùng với sự hiện diện của đông đảo các nhà khoa học, đồng nghiệp nhiều thế hệ trong Hội thảo này cho thấy sức sống mạnh mẽ của tư tưởng khoa học, sức lan tỏa ấm áp của nhân cách đạo đức bắt nguồn từ nhà nghiên cứu, nhà sư phạm mẫu mực Bùi Văn Nguyên sẽ trường tồn với thời gian.

Một lần nữa, chúng tôi xin trân trọng cảm ơn các quý vị đại biểu, các bạn bè đồng nghiệp đã cộng tác và tham dự Hội thảo ngày hôm nay! Kính chúc quý vị đại biểu mạnh khỏe, hạnh phúc và chúc Hội thảo thành công tốt đẹp!

Post by: Vu Nguyen HNUE
08-10-2020