Tin nóng

K68 KHOA NGỮ VĂN: CHUYẾN ĐI THỰC TẾ NĂM NHẤT VÀ NHỮNG KỈ NIỆM CÒN MÃI TRONG TRÁI TIM


20-10-2020

Nếu như dấu ấn của chuyến thực tế năm nhất đối với các khóa trên là hình ảnh một tòa thành Cổ Loa đã ngả màu thời gian mà vẫn sừng sững khí phách Âu Lạc; một làn điệu Quan Họ thắm đượm ân tình đất Kinh Bắc - nơi phát khởi của vương triều nhà Lý; một bức tranh Đông Hồ “gà lợn nét tươi trong”, thì trong cuộc hành trình về với cội nguồn năm nay, K68 được khám phá một miền đất mới, một miền văn hóa mới, một miền tình mới: đất Hải Dương với đền thờ Chu Văn An và quần thể Côn Sơn - Kiếp Bạc

Sáng ngày 1/12/2018, dưới sự hướng dẫn của các thầy cô tổ bộ môn Văn học Việt Nam 1 cùng các thầy cô chủ nhiệm, toàn thể sinh viên năm nhất - K68 đã có chuyến đi thực tế đầu tiên trong quãng thời gian học tập tại Khoa Ngữ Văn: chuyến đi về với cội nguồn, tìm hiểu những giá trị văn hóa của dân tộc.

Nếu như dấu ấn của chuyến thực tế năm nhất đối với các khóa trên là hình ảnh một tòa thành Cổ Loa đã ngả màu thời gian mà vẫn sừng sững khí phách Âu Lạc; một làn điệu Quan Họ thắm đượm ân tình đất Kinh Bắc - nơi phát khởi của vương triều nhà Lý; một bức tranh Đông Hồ “gà lợn nét tươi trong”, thì trong cuộc hành trình về với cội nguồn năm nay, K68 của chúng ta lại được khám phá một miền đất mới, một miền văn hóa mới, một miền tình mới:

“Côn Sơn suối chảy rì rầm

Ta nghe như tiếng đàn cầm bên tai”

Đích đến của chuyến đi lần này là quần thể đền thờ Chu Văn An và khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc, cả hai địa điểm đều tọa lạc tại thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương.

Đúng 7h sáng, những chuyến xe bắt đầu chuyển bánh từ Khoa Ngữ văn, trường Đại học Sư phạm Hà Nội, đánh dấu những giờ phút đầu tiên của cuộc hành trình tìm về những giá trị văn hóa ngàn năm của đoàn thực tế Văn khoa. Từ Hà Nội, đoàn xe nhằm hướng mặt trời mọc, thẳng tiến đến địa điểm đầu tiên: quần thể đền thờ thầy giáo Chu Văn An - người thầy của muôn đời (phường Văn An, thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương, cách Hà Nội khoảng hơn 80 km về phía Đông). Quần thể đền thờ thầy Chu Văn An thanh tịnh, nằm cuộn mình trong khu rừng thông xanh ngút ngàn. Có lẽ chẳng có trải nghiệm nào tuyệt vời hơn là được tận tay xin chữ và tận mắt ngắm nhìn quần thể kiến trúc bề thế nơi đây. 

Đoàn thực tế dâng hương tại đền thờ Chu Văn An

 

Rời đền thờ Chu Văn An, điểm đến tiếp theo của những người yêu văn chương là Đền Côn Sơn (phường Cộng Hòa, thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương) để tham gia lễ dâng hương, và tìm hiểu về thân thế cũng như sự nghiệp của một trong 9 tác gia vĩ đại của dân tộc, người từng được Lê Thánh Tông ngợi ca “Tấm lòng của Người sáng tựa sao Khuê” - danh nhân văn hóa Nguyễn Trãi.

Đoàn thực tế dâng hương tại đền Côn Sơn

Trong khi đoàn dừng chân nghỉ trưa, trời bỗng đổ mưa lớn. Thời tiết tưởng như không thuận lợi cho đoàn thực tế tiếp tục chuyến đi khám phá ánh sáng của văn hóa. Nhưng phải chăng, ông Trời đã cảm được tấm lòng của thầy trò Văn khoa, những con người yêu và khát khao được khám phá hết thảy vẻ đẹp của thiên nhiên cảnh sắc nơi đây, nên ông chỉ để cho cơn mưa ngang qua trong chốc lát. Cuộc hành trình của người Khoa Văn lại được tiếp tục. Sải bước trên con đường lát đá dài với hai bên là rừng thông xanh ngất trời, thầy trò văn khoa từng bước khám phá quần thể Côn Sơn – Kiếp Bạc, nơi có suối Thạch Bàn, có Bàn Cờ Tiên và đền thờ Trần Nguyên Đán - ông ngoại của thiên tài Nguyễn Trãi. 14h30, đoàn có mặt tại Chùa Côn Sơn hay còn có tên gọi khác là chùa Hun, để tham gia dâng hương và tham quan.

Đoàn thực tế dâng hương tại chùa Côn Sơn (chùa Hun)

16h00 cùng ngày, chuyến xe lại lăn bánh đưa thầy trò trở về với Hà Nội, kết thúc một chuyến đi thực tế bổ ích và nhiều kỷ niệm cho những người trẻ đang bước vào ngưỡng cửa cuộc hành trình tìm hiểu, gắn bó với văn hóa và văn học.

Hãy cùng lắng nghe những cảm xúc tươi nguyên nhất của những con người vừa trải qua hành trình đầy lí thú đó:

Tuấn Nghĩa – CK68: “Chuyến đi hôm nay dù có chút khó khăn về mặt thời tiết, nhưng mưa gió không thể cản nổi sự háo hức đến từ đoàn thực tế khoa văn. Các cô giáo đi cùng đoàn rất chu đáo, nhiệt tình. Đối với em, đây là chuyến đi rất vui, cực kì vui.”

Hiếu Ngân - GK68: “Sau chuyến đi lần này, em không chỉ có được những kiến thức đắt giá về các danh nhân văn hóa của dân tộc mà còn cảm nhận cả tình cảm và sự đoàn kết của sinh viên Văn khoa nói chung và lớp em nói riêng. Hi vọng chúng em sẽ còn được trải nghiệm nhiều chuyến đi bổ ích hơn nữa khi theo học tại Khoa Ngữ văn”

Chắc chắn, những kỉ niệm trong chuyến đi lần này sẽ trở thành hành trang trong tim mà mỗi người Khoa Văn sau này, dù có đi thật xa nhưng cũng sẽ luôn nhớ về. 

Các thầy cô tổ bộ môn Văn học Việt Nam I cùng thầy cô chủ nhiệm các lớp K68 dẫn đoàn thực tế

 

Tập thể lớp CLC-K68

Tập thể lớp A-K68

Tập thể lớp B-K68

Tập thể lớp C-K68

Tập thể lớp D-K68

Tập thể lớp E-K68

Tập thể lớp G-K68

Bài viết: Tuấn Hùng, Phương Uyên, Xuân Bảo - Trung tâm Tin tức Khoa Ngữ văn

Ảnh: Trung tâm Tin tức Khoa Ngữ văn

Post by: Vu Nguyen HNUE
20-10-2020