Tin nóng

Hội thảo khoa học cán bộ trẻ khoa Ngữ văn


18-10-2020

Từ 14h00 đến 17h30 ngày 31 tháng 03 năm 2011, tại phòng họp 101 nhà B, ĐHSP Hà Nội, đã diễn ra Hội thảo khoa học cán bộ trẻ khoa Ngữ văn năm 2011. Đến dự Hội thảo có các vị khách quý: ThS Nguyễn Tiến Trung, UVBCH Đoàn Trường - Trưởng phòng Phát hành Nxb Đại học Sư phạm Hà Nội; PGS. TS Lã Nhâm Thìn - Đảng ủy viên Đảng bộ trường, Bí thư Đảng ủy khoa; PGS. TS Đỗ Việt Hùng - Phó Bí thư Đảng ủy Trưởng khoa; PGS. TS Đỗ Hải Phong - Phó Trưởng khoa; TS Trần Hạnh Mai - Đảng ủy viên, Phó Trưởng khoa; các thầy (cô) Trưởng các bộ môn; các giảng viên khoa Ngữ văn cùng đông đảo các em sinh viên khoa Ngữ văn. Hội thảo đã được nghe trình bày 5 trong tổng số 10 tham luận gửi về Hội thảo. Hội thảo cũng đã được các nghe các ý kiến trao đổi sôi nổi, thẳng thắn của các vị đại biểu, cử tọa. Sau đây, chúng tôi xin giới thiệu báo cáo đề dẫn tại Hội thảo của Ban Tổ chức.

BÁO CÁO ĐỀ DẪN

HỘI THẢO KHOA HỌC CÁN BỘ TRẺ KHOA NGỮ VĂN NĂM 2011

Kính thưa các vị đại biểu, các vị khách quý!

Kính thưa các thầy cô, các anh chị Đoàn viên Chi đoàn cán bộ Khoa Ngữ văn!

Theo kế hoạch, hôm nay Chi đoàn Cán bộ tổ chức Hội thảo khoa học Cán bộ trẻ khoa Ngữ văn năm 2011. Tính đến nay, Ban Tổ chức Hội thảo đã nhận được 10 báo cáo thuộc chuyên ngành: Văn học dân gian (2 báo cáo), Văn học trung đại (1 báo cáo), Hán Nôm (2 báo cáo), Ngôn ngữ (1 báo cáo), Lí luận văn học (3 báo cáo), Văn học hiện đại Việt Nam (1 báo cáo). Ban Tổ chức lấy làm tiếc không nhận được báo cáo từ một số các Cán bộ trẻ, đặc biệt là các cán bộ đang học Nghiên cứu sinh (trong và ngoài nước), đang tham gia thực hiện hoặc chủ trì các đề tài nghiên cứu cấp Trường, cấp Bộ, tập trung ở một số chuyên ngành: Văn học nước ngoài, Lí luận và Phương pháp dạy học ngữ văn; Cơ sở văn hóa; Văn học Việt Nam hiện đại,.... Nội dung chi tiết của các báo cáo, xin đọc trong Kỉ yếu toàn văn. Ở đây, vì số lượng báo cáo không nhiều, nên chúng tôi càng có điều kiện đi sâu và xin được lược thuật lại nội dung chủ yếu của các báo cáo như sau.

Ở chuyên ngành Văn học dân gian, cả hai báo cáo đều quan tâm đến vấn đề văn bản ghi chép, sưu tầm văn học dân gian. Báo cáo của ThS Nguyễn Thị Hường giới thiệu “khái quát về các văn bản Nôm sưu tập ca dao xuất bản vào đầu thế kỉ XX”. Báo cáo đã chỉ ra đóng góp cũng như hạn chế của các văn bản đó qua đó cho thấy tính chất sơ khởi của môn folkklore học ở nước ta đầu thế kỉ XX. Đây là vấn đề không mới, nhưng luôn luôn có ích khi chúng ta muốn nghiên cứu một phương thức lưu truyền của ca dao, nghiên cứu hiện tượng sưu chép ca dao của các nhà Nho, nhất là trong bối cảnh đặc biệt đầu thế kỉ XX có tính chất giao thời với nhu cầu quay về tìm kiếm bản sắc dân tộc qua ngôn ngữ và văn học tiếng Việt. Báo cáo của NCS Nguyễn Việt Hùng đặt ra một vấn đề khá mới mẻ khi áp dụng lí thuyết về giới vào lĩnh vực văn học dân gian để tìm hiểu Mối quan hệ giữa giới tính và thể loại folklore dưới góc độ sưu tầm, diễn xướng dân gian (trường hợp hát phường vải xứ Nghệ). Qua nghiên cứu mối quan hệ này, tác giả đưa đến 3 kết luận quan trọng: văn bản văn học dân gian có chịu ảnh hưởng bởi giới của người sưu tầm; sự ảnh hưởng của giới tính đối với các thể loại văn học dân gian không đồng đều, nhưng yếu tố giới tính đã chi phối cả yếu tố văn bản (nội dung, hình tượng) và ngoài văn bản (người diễn xướng); đề xuất cần thiết phải có sự chú thích, mô tả chi tiết về người diễn xướng, người cung cấp văn bản cho các nhà sưu tầm ở các công trình xuất bản. Có lẽ, do chỉ mới là những phác thảo lí thuyết nên người đọc có quyền trông đợi những luận giải sâu hơn của tác giả về các kết luận đó.

Ở chuyên ngành Văn học trung đại, báo cáo của TS Nguyễn Thanh Tùng muốn Góp phần minh định khái niệm Hàn luật trong thi học Trung đại Việt Nam. Như tóm tắt của tác giả, “bài viết đặt vấn đề tìm hiểu nguồn gốc, diễn biến và nội hàm của khái niệm “Hàn luật” – một khái niệm khá quen thuộc trong thi học trung đại Việt Nam và cho đến nay vẫn còn gây tranh cãi. Bằng việc chỉ ra niên đại muộn của khái niệm (cuối thế kỉ XVIII) cũng như nội hàm khá rộng của nó (chỉ thơ Nôm – tiếng Việt nói chung), bài viết cho rằng, khái niệm này không có ý nghĩa “chìa khóa” quan trọng trong việc đi tìm một “thi luật” đặc trưng, hoàn chỉnh của thơ Nôm Việt Nam. Khái niệm “Hàn luật” chỉ là một chỉ dấu cho thấy sự lên cao, trưởng thành của ý thức dân tộc trong vấn đề ngôn ngữ thơ ca tiếng Việt ở giai đoạn hậu kì trung đại và cận đại mà thôi”. Như vậy, bài viết chủ yếu đi theo hướng lịch sử khái niệm, cần rất nhiều dẫn chứng hơn nữa mới đủ sức thuyết phục. Ngoài ra, rất có thể hiện nay, sự ấn định một nghĩa khác cho khái niệm này đã thành quen thuộc. Vậy có nên chấp nhận thực tế đó?

 Ở chuyên ngành Văn học hiện đại, báo cáo của ThS Nguyễn Thị Minh Thương đi sâu vào một vấn đề đã được khá nhiều người đề cập: khuynh hướng siêu thực trong Thơ mới 1932-1945. Tác giả thừa nhận, một sự ảnh hưởng trực tiếp từ bình diện lí thuyết của chủ nghĩa siêu thực phương Tây đến Thơ mới là chưa thể tìm thấy, và đây chỉ là những “dấu hiệu” của chủ nghĩ siêu thực được tìm thấy từ thực tiễn sáng tác. Vì vậy, dùng chữ “khuynh hướng” là chuẩn xác (hơn là chủ nghĩa). Tác giả đưa ra một lí giải khá thú vị rằng, có thể cái gốc của siêu thực trong Thơ Mới là sự tự phát triển ảnh hưởng chủ nghĩa tượng trưng (được du nhập từ Phương Tây một cách rõ ràng) lên và sâu xa hơn nữa là từ những truyền thống nghệ thuật phương Đông. Nhưng vì là những ức giải ban đầu nên tác giả cũng thận trọng cho rằng “cần đến những kiến giải thấu đáo hơn”. Theo chúng tôi, muốn có những kiến giải như vậy thì vấn đề đầu tiên vẫn phải là tư liệu, văn bản; thứ nữa là sự am hiểu tường tận chủ nghĩa siêu thực cũng như truyền thống thơ ca phương Đông nói chung và Việt Nam nói riêng. Chẳng hạn, những hiện tượng thi ma, thi quỷ, thi tiên, huyễn mộng, giáng bút, nhập thần, tư duy bằng các quan hệ,… trong thơ ca truyền thống cần được chú ý đến.

            Chúng ta vừa nhắc đến vấn đề văn bản, thì ở chuyên ngành Hán Nôm có 2 báo cáo đều quan tâm đến vấn đế này. Báo cáo của TS Nguyễn Thanh Chung cung cấp cho chúng ta thông tin cơ bản về tình hình văn bản tập Phương Đình vạn lí của Nguyễn Văn Siêu – một tập thơ đi sứ quan trọng thời trung đại. Bỏ qua những thao tác “tờ a, tờ b”, chúng ta sẽ thấy đóng góp của báo cáo là chỉ dẫn cho những người quan tâm một thiện bản của Phương Đình vạn lí tập là bản khắc in/ so với 2 bản chép tay. Nói điều đó, có người cho là hiển nhiên, nhưng thực ra, nhiều khi bản khắc in không tốt bằng bản chép tay, đặc biệt là nếu in ẩu, in muộn và in với ý đồ xấu. Tính chất quý giá của bản chép tay được khẳng định này trong báo cáo của NCS Nguyễn Thị Tú Mai Về văn bản Thiên chúa thánh giáo khải mông ở Thư viện Quốc gia Paris. Qua sự trình bày của tác giả, chúng ta hiểu được sự vất vả của người làm văn bản khi phải lần mò, tìm kiếm các văn bản cổ ở khắp các thư viện nhà nước, tư gia trong và ngoài nước. Quan trọng hơn, bài viết cung cấp người quan tâm đến lịch sử chữ Nôm, lịch sử tiếng Việt và lịch sử Công giáo Việt Nam một nguồn tư liệu gốc, bản Thiên chúa thánh giáo khải mông của J.Mayorica. Bài viết cũng hứa hẹn sẽ cung cấp các thông tin khác liên quan đến vấn đề niên đại, người chép. Nếu những thông tin đó được cung cấp trong bài viết này thì tin rằng tiêu đề của báo cáo sẽ phù hợp hơn.

            Ở chuyên ngành lí luận văn học, báo cáo của NCS Trần Ngọc Hiếu tổng thuật một lí thuyết đang thịnh hành trên thế giới: Trò chơi trong diễn ngôn lí thuyết văn học hiện đại. Báo cáo đề cập đến hai lí thuyết khá phức tạp: lí thuyết diễn ngôn và lí thuyết trò chơi. Xuất phát từ việc khảo sát nguồn gốc triết học của “trò chơi” (game), “sự chơi” (play) ở phương Tây từ cổ đại đến hiện đại, tác giả mong muốn “khảo sát trò chơi gắn với tâm điểm của các hệ hình lý thuyết văn học hiện đại, từ chủ thể sáng tạo, đến văn bản nghệ thuật, hoạt động diễn giải và gần đây, chính trị học văn hóa”. Qua khảo thuật, tác giả đi đến kết luận: “Hầu như tất cả các hệ hình tư duy lý thuyết đương đại đều dùng đến khái niệm trò chơi”; sự định nghĩa về trò chơi là bất khả; “Quan niệm đối lập trò chơi với nghiêm túc trở thành một luận đề lỗi thời trong diễn ngôn lý thuyết hiện đại” và “sang đến hệ hình lý thuyết hậu hiện đại, ta nhận thấy bản chất trò chơi của văn học không thể tách rời những bình diện chính trị học văn hóa, không đứng ngoài cuộc tranh chấp để giành lấy quyền lực văn hóa”. Có thể nói đây là kết luận còn bỏ ngỏ vì “Trò chơi trong diễn ngôn văn chương hiện đại rõ ràng là một đề tài lý thú mà để bàn luận về nó, cần thiết phải dành cho nó ít nhất một tiểu luận khác”. Đó là bàn về lí thuyết, còn ứng dụng của nó thì rất phong phú, mà ở trong hội thảo này, chúng ta thấy có 1 báo cáo của NCS Nguyễn Hải Phương nghiên cứu: Tính chất trò chơi, giải trí trong diễn ngôn tiểu thuyết Việt Nam đương đại. Với quan niệm chìa khóa là tiểu thuyết như một diễn ngôn, tác giả dùng nó để giải mã cấu trúc, thành phần, giọng điệu của tiểu thuyết Việt Nam đương đại trong đó nổi bật lên là tính trò chơi, giải trí. Tính trò chơi ở đây khác với lí thuyết trò chơi gần đây thường được giới thiệu. Như vậy, tác giả bài viết muốn chỉ ra sự giải nghiêm túc, sự trút bỏ chức năng nghiêm trang của tiểu thuyết như một dấu hiệu cách tân thể loại. Người ta chỉ băn khoăn hai điều: một là, cần làm sáng tỏ hơn khái niệm “diễn ngôn tiểu thuyết” như một khái niệm công cụ; hai là, liệu “tính trò chơi, giải trí” có đơn thuần chỉ vì mục đích tự thân, vô tư của nó hay còn những mục đích khác (nhất là trong bối cảnh hậu hiện đại như kết luận của NCS Trần Ngọc Hiếu)? Như để trả lời cho câu hỏi này, báo cáo của NCS Đỗ Văn Hiểu giới thiệu cuốn Phương tiện truyền thông đại chúng và sự biến đổi văn hóa của một giáo sư đại học Sư phạm Bắc Kinh. Lí do tác giả giới thiệu cuốn sách này là muốn cho ta thấy xu hướng mở rộng nghiên cứu văn học ra văn hóa, liên ngành; nếu không, người ta đang tự cô lập mình trong những giới hạn chật hẹp của văn học, lí luận văn học. Đây cũng là nỗ lực của chính bản thân tác giả nhằm vượt ra ngoài chuyên ngành anh đang phụ trách. Điểm qua nội dung các chương sách, tác giả đi đến kết luận: Biến đổi văn hóa do truyền thông là một tất yếu, có tính phổ quát; chúng ta phải điềm tĩnh đón nhận nó với cái nhìn không xu thời nhưng cũng không hẹp hòi, bảo thủ; có thể vận dụng kết quả nghiên cứu của cuốn sách vào nghiên cứu đời sống chính trị - văn hóa Việt Nam, riêng trong lĩnh vực lí luận văn học, cần tiến hành sự tiếp cận song song: vừa nghiên cứu bản thể luận, vừa nghiên cứu liên nghành văn hóa – xã hội. Nhưng tác giả đặc kết luận như một câu hỏi tu từ thận trọng kêu gọi sự thảo luận của chúng ta.

Ở chuyên ngành ngôn ngữ học, báo cáo của NCS Lương Thị Hiền phân tích Vai trò của quyền lực đối với việc thực hiện một số hành động ngôn từ trong phần xét hỏi của tòa án. Đây là một phần trong mối quan hệ giữa quyền lực và diễn ngôn tòa án áp dụng từ lí thuyết về diễn ngôn. Qua phân tích các nhân tố tạo quyền lực và đối tượng thụ nhận tác động quyền lực đó (qua các hành động ngôn từ), tác giả cho rằng: nhân vật giao tiếp ở địa vị cao ít đóng góp hành động ngôn từ hơn đối tượng dưới; áp dụng trong trường hợp xử án ở Việt Nam, Tòa án có quá nhiều quyền lực, tạo áp lực lớn lên đối tượng bị xét xử và đôi khi lấn sân sang chức năng định tội. Như vậy, chỉ qua nghiên cứu ngôn ngữ  cũng đã có thể chỉ ra sự chưa hoàn thiện của pháp luật nước ta. Đây quả là vấn đề thú vị. Nhưng như kết luận tác giả đã nói, cần phải tiếp tục thu thập ngữ liệu và phân tích chúng kĩ lưỡng mới có thể chỉ ra, lượng hóa được mức độ quyền lực nằm trong loại diễn ngôn đặc biệt này. Qua đây, ta lại thấy được rằng, không chỉ nghiên cứu văn học, mà nghiên cứu ngôn ngữ ngày nay có quan hệ mật thiết với nghiên cứu văn hóa – xã hội.

Nhìn chung, chỉ với 9 báo cáo gửi đến Hội thảo, nhưng một loạt các vấn đề đã được đặt ra. Có thể phân ra làm các nhóm sau: Nhóm đi sâu nghiên cứu văn bản, gốc gác khái niệm nhằm tạo “nền tảng” vững vàng cho các nghiên cứu mở rộng với các báo cáo của Nguyễn Thị Hường, Nguyễn Thị Thanh Chung, Nguyễn Thị Tú Mai, Nguyễn Thanh Tùng; Nhóm vận dụng các lí thuyết mới vào nghiên cứu văn học và ngôn ngữ (lí thuyết diễn ngôn, lí thuyết trò chơi, lí thuyết về giới, văn học so sánh, nghiên cứu trường hợp) với các báo cáo của Nguyễn Việt Hùng, Nguyễn Thị Hải Phương, Nguyễn Thị Minh Thương, Lương Thị Hiền; nhóm giới thiệu sách, lí thuyết nước ngoài với báo cáo của Đỗ Văn Hiểu, Trần Ngọc Hiếu (một phần báo cáo của Lương Thị Hiền, Nguyễn Việt Hùng, Nguyễn Hải Phương). Như đã thấy, trên thực tế, sự phân nhóm nêu trên chỉ là tương đối. Nội dung các vấn đề thường xuyên thấm, xen kẽ vào nhau rất sinh động, phức tạp. Các giả thiết khoa học, các ý kiến đề xuất, tìm tòi cũng chưa phải ý kiến cuối cùng mà thường là những kết luận mở. Bởi vậy, trong Hội thảo này, chúng ta cũng sẽ được nghe những ý kiến “phản biện”, tranh luận từ các nhà khoa học Trẻ được chỉ định cũng như từ các chuyên gia, các vị cử tọa khác ngõ hầu làm sâu sắc thêm các vấn đề đưa ra trong các báo cáo. Và, như đã quen thuộc, khoa học không có tiếng nói, không có kết luận cuối cùng nên có thể các vấn đề sẽ chưa được giải quyết triệt để ở Hội thảo này. Nhưng nếu gây nên được hứng thú và sự tranh luận, trao đổi thì đó cũng đã là thành công của bản thân các tác giả cũng như của Ban Tổ chức. Mặt khác, tuy các nhóm khá khác nhau về nội dung, thao tác, nhưng có thể thấy có quan điểm chung xuyên suốt các báo cáo là: không thể nghiên cứu ngữ văn như một hiện tượng đơn lập, tách rời bối cảnh, viễn cảnh văn hóa xã hội; không thể bó tay trong một thao tác, phương pháp của chuyên ngành hẹp mà phải phối hợp các phương pháp liên ngành, liên văn hóa; không thể không tiếp cận những lí thuyết mới, cách tiếp cận mới mà cụ thể ở Hội thảo này, nổi lên những khái niệm: diễn ngôn, giới, trò chơi, quyền lực, hậu hiện đại, văn hóa. Đây có lẽ là tiếng nói chung đáng nhấn mạnh và đánh giá cao của Hội thảo này. Điều đó dường như phản ánh một xu hướng chung mà báo cáo của NCS Đỗ Văn Hiểu đã đề cập và chúng tôi mong rằng xu hướng này sẽ được phát huy trong và sau Hội thảo này, để các Hội thảo mang tính tập hợp như thế này vẫn là nơi có thể chia sẻ cho nhau những thông tin khoa học bổ ích, cập nhật và thiết thực. Phải chăng, đó cũng là “chìa khóa” để tìm được tiếng nói chung giữa các chuyên ngành ở hoạt động nghiên cứu ngữ văn trong bối cảnh “hậu hiện đại” như ngày hôm nay. Nếu được như vậy, thì đó là một trong những thành công và đóng góp của Hội thảo này cho công tác nghiên cứu khoa học của khoa Ngữ văn.

            Cuối cùng, xin chúc Hội thảo thành công tốt đẹp!

            Xin chúc các quý vị đại biểu, các vị khách quý, các thầy cô và các anh chị Đoàn viên sức khỏe, hạnh phúc và thành đạt!

Hà Nội, ngày 30 tháng 03 năm 2011

Ban Tổ chức

Post by: Vu Nguyen HNUE
18-10-2020