Tin nóng

| TOẠ ĐÀM: HẬU NHÂN LOẠI TRONG CÁC TÁC PHẨM CỦA FRANZ KAFKA VÀ KAREL CAPEK |


20-10-2020

Vào hồi 9 giờ ngày 26/10/2019 tại phòng 101 nhà B trường Đại học Sư phạm Hà Nội đã diễn ra toạ đàm học thuật “Hậu nhân loại trong các tác phẩm của Franz Kafka và Karel Capek” của diễn giả - GS.Verita Sriratana đến từ Đại học Thái Lan.

Vào hồi 9 giờ ngày 26/10/2019 tại phòng 101 nhà B trường Đại học Sư phạm Hà Nội đã diễn ra toạ đàm học thuật “Hậu nhân loại trong các tác phẩm của Franz Kafka và Karel Capek” của diễn giả - GS.Verita Sriratana đến từ Đại học Thái Lan. Tới dự buổi toạ đàm có sự góp mặt của bà Reneta - Đại sứ quán Cộng hoà Séc tại Việt Nam, PGS.TS. Đỗ Hải Phong - Trưởng khoa Ngữ văn trường Đại học Sư phạm Hà Nội, PGS.TS. Đặng Anh Đào - nguyên Giảng viên khoa Ngữ văn, TS.Trần Ngọc Hiếu cùng đông đảo các thầy cô, các bạn sinh viên trong và ngoài khoa. Khoa Ngữ văn trường Đại học Sư phạm Hà Nội là điểm đến cuối cùng trong chuỗi toạ đàm của diễn giả tại Hà Nội. Chính vì vậy, trong buổi toạ đàm này, GS.Verita muốn gửi gắm những nghiên cứu, chia sẻ sâu sắc nhất và giàu tính văn chương nhất.

 

Xuyên suốt buổi Toạ đàm, cô Verita đã giới thiệu về tiểu sử và các tác phẩm nổi bật của hai đại văn hào Séc: Franz Kafka và Karel Capek. Đồng thời lồng trong đó là những suy ngẫm, góc nhìn về các khái niệm như “Odradek” trong tác phẩm “The Cares of a Family Man”, khái niệm “Posthumanist” trong bài báo mang tên “Promenthers as Performer: Towards a Posthumanist Culture?”, khái niệm Robot toàn năng trong tác phẩm “R.U R”,...Tất thảy những kiến thức tưởng chừng như rất “nặng” lý thuyết và khó hiểu đã được GS.Verita diễn giải một cách vô cùng thú vị. Đặc biệt, HPT chúng mình rất ấn tượng với phần tính hậu nhân loại trong vở kịch “Bệnh trắng” - một vở kịch nổi tiếng giàu ý nghĩa của Carel Capek. Qua chia sẻ của cô, khái niệm hậu nhân loại có thể hiểu theo nhiều nghĩa, nhiều góc độ khác nhau. Song, thông điệp chính mà cô Verita muốn gửi gắm thông qua vở kịch này chính là sự tự nghiệm lại bản thân rằng liệu con người có phải là trung tâm vũ trụ, liệu chúng ta có phải là hệ quy chiếu lớn nhất, quan trọng nhất? HPT chúng mình và các bạn sinh viên có mặt tại buổi toạ đàm ngày hôm nay đã có cơ hội được nhìn sâu, hiểu sâu hơn về con người và cuộc sống. Thông qua đó tự ý thức được cách đối xử với thiên nhiên, môi trường với các loài khác luôn luôn phải đặt từ góc nhìn nhân văn, đạo đức một cách đúng đắn, hài hoà và công bằng. Không khí buổi tọa đàm diễn ra rất sôi nổi khi có sự tương tác tích cực giữa cô Verita và các bạn sinh viên.

Cuối buổi toạ đàm, cô Verita thể hiện sự xúc động cùng lời nhắn nhủ tới các bạn sinh viên về lòng yêu văn học và say mê nghiên cứu Văn học giữa thời đại mà rất nhiều người chỉ chú trọng khoa học công nghệ mà bỏ quên mất giá trị tốt đẹp của văn chương nghệ thuật.

3 tiếng ngắn ngủi của buổi toạ đàm đã diễn ra rất thành công. CLB Truyền thông khoa Ngữ văn và các bạn sinh viên xin gửi lời chúc sức khoẻ, hạnh phúc đến cô Verita và hẹn gặp lại cô vào một ngày không xa!

Thực hiện: Đinh Linh, Lương Duyên, Hà Trang (HPT - CLB Truyền thông Khoa Ngữ văn)

Post by: Vu Nguyen HNUE
20-10-2020