Tin nóng

| K69: HÀNH TRÌNH VỀ MIỀN KINH BẮC |


20-10-2020

Vào 7h sáng ngày 2/11/2019, những chuyến xe của các thầy cô và sinh viên K69 khoa Ngữ văn trường Đại học Sư phạm Hà Nội đã khởi hành đến với vùng đất Bắc Ninh – Kinh Bắc, vùng đất “địa linh nhân kiệt”.

Vào 7h sáng ngày 2/11/2019, những chuyến xe của các thầy cô và sinh viên K69 khoa Ngữ văn trường Đại học Sư phạm Hà Nội đã khởi hành đến với vùng đất Bắc Ninh – Kinh Bắc, vùng đất “địa linh nhân kiệt”. Thời tiết Hà Nội se lạnh đầu đông khá thuận lợi cho hành trình. Chiếc xe lăn bánh lần lượt đi tới các địa danh: Chùa Dâu, Chùa Phật Tích và Đền thờ Lý Bát Đế.

Chùa Dâu - ngôi chùa cổ nhất Việt Nam được chọn là nơi đầu tiên đoàn thực tế K69 đặt chân đến. Chùa được xây dựng mang đậm phong cách nghệ thuật, kiến trúc của thời Lý, Trần vô cùng đồ sộ và tinh xảo. Thông qua lời giới thiệu của hướng dẫn viên, các sinh viên hiểu được thêm về nguồn gốc đặc biệt của di tích này, đồng thời nhận thấy sự giao thoa của tín ngưỡng phật giáo Ấn Độ và tín ngưỡng dân gian Việt Nam, khơi gợi sự thích thú và ngưỡng mộ địa danh được xem là “trung tâm phật giáo đầu tiên của nước ta” này.

Sau khi ghé thăm cái nôi của nền Phật giáo Việt Nam – chùa Dâu, các bạn sinh viên bắt đầu đặt chân đến khu di tích quốc gia đặc biệt – chùa Phật Tích - ngôi cổ tự linh thiêng. Đây là một công trình hết sức hoành tráng và hùng vĩ với nhiều đường nét chạm khắc công phu và tinh xảo. Từ kiến trúc xây dựng đến ý nghĩa của từng pho tượng đã giúp sinh viên Văn khoa tích lũy được rất nhiều kiến thức về lịch sử, văn hóa. Đặc biệt trong lần ghé thăm này các bạn sinh viên còn được nghe sư thầy chia sẻ về đạo làm người vô cùng sâu sắc và xúc động.

Điểm dừng chân cuối cùng trong chuyến hành trình là khu di tích lịch sử thắng cảnh Đền thờ Lý Bát Đế. Tới đây, các thầy cô và các bạn sinh viên được dâng hương tại đền chính; nghe thuyết minh về di tích lịch sử, văn hóa; tham quan, tìm hiểu về kiến trúc khu vực đền thờ. Ấn tượng về đền Đô là kiến trúc có sự kế thừa phong cách cung đình và dân gian được kết hợp hài hòa, cảnh trí hữu tình đã mang trong mình một giá trị lịch sử văn hóa đậm nét của vương triều nhà Lý nói riêng và lịch sử dân tộc nói chung.

Đặc biệt nhất các sinh viên Văn khoa còn được trải nghiệm nghe hát quan họ trên thuyền, giao lưu tại Thủy đình – giữa hồ bán nguyệt, các bạn sinh viên được nghe giới thiệu về điệu hát quan họ, trang phục truyền thống của người Bắc Ninh và văn hóa diễn xướng dân ca qua lời ca ngọt ngào của những “liền anh, liền chị” xứ Kinh Bắc. Hòa chung không khí đó, cô Thu Hương và bạn Đỗ Văn Linh lớp EK69 khoa Ngữ Văn cũng lên đóng góp 1 vài tiết mục giao lưu rất đặc sắc.

"…Làng quan họ quê tôi, tháng giêng mùa hát hội. Những đêm trăng hát gọi, con sông Cầu làng bao xanh…”.

Tự bao giờ, những làn hát đã trở nên quen thuộc với mỗi người dân Việt Nam. Nhẹ nhàng mà sâu lắng. Uyển chuyển và tươi xinh. Điệu hát đến từ vùng quê Kinh Bắc, là nơi hội tụ của kho tàng văn hoá dân gian và biết bao cội nguồn của lịch sử… Ở nơi đây, mạch nguồn văn hóa truyền thống, những tinh hoa của ông cha vẫn tiếp tục được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác để đến hôm nay, chúng ta được tự hào kế thừa và phát huy.

Và chúng tôi đã được đặt chân tới đây. Tới vùng đất thấm đượm tình cảm trong không gian văn hóa của những làn điệu Quan họ, của lịch sự hào hùng.

Đến Kinh Bắc, không nghe Quan họ thì chuyến đi ấy sao mà trọn vẹn. Nghe quan họ, không được nghe trong không gian “sơn thủy hữu tình” thì cái hay, cái đẹp cũng vơi nửa phần nào. Chúng tôi may mắn khi được về với Kinh Bắc trọn vẹn, nghe và thấm đượm hết cái hay cái đẹp của Quan họ. Những con thuyền chở các liền anh liền chị lênh đênh trên khoảng hồ bán nguyệt trước đền Lý Bát Đế đón chúng tôi vào với không gian nghệ thuật tuyệt vời này. Từng làn sóng dập dìu vỗ mạn thuyền hòa cùng từng điệu hát khiến lòng người chững lại mà say đắm. Mỗi cơn gió mơn man tà áo dài của liền anh, liền chị làm con người hòa cùng không gian, xinh đẹp trong từng khoảnh khắc. Mấy ai quên được một trải nghiệm tuyệt vời ấy.

Từng miếng trầu trao gửi tình mến thương!

Ai có thương xin đừng xa, ở lại!

Những cánh trầu têm phượng từ những liền chị duyên dáng gửi lại mỗi chúng tôi một lời hẹn. Và lòng tôi tự nhủ: “Sẽ sớm hẹn hò Kinh Bắc một lần không xa”.

Nói về hành trình thú vị này, TS. Trần Thị Hoa Lê - giảng viên phụ trách chuyến thực tế - chia sẻ: “ Cô thấy các bạn sinh viên hôm nay rất hứng thú với chương tình. Đặc biệt các bạn đã chuẩn bị rất nhiều hoa, đây là cái thú vị hơn các năm trước. Sau chuyến đi này cô mong muốn các bạn sẽ yêu quan họ, hiểu biết về văn hóa của đền Đô, yêu những ngôi chùa cổ của đất nước mình”.

Có thể nói đây là những trải nghiệm vô cùng tuyệt vời của các bạn sinh viên khoa Ngữ Văn trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Chuyến đi đã giúp các bạn sinh viên thêm hiểu và thêm yêu văn hóa vùng Bắc Ninh nói riêng và văn hóa dân tộc Việt Nam nói chung, hiểu hơn về những di tích lịch sử thắng cảnh, những giai đoạn lịch sử hưng thịnh của dân tộc. Tình yêu quê hương, đất nước, sự trân trọng những giá trị lịch sử, những thắng cảnh non sông Việt Nam được bồi đắp từ những hành trình như thế. Kết thúc buổi giao lưu, các bạn chụp ảnh lưu niệm để đánh dấu những kỉ niêm đẹp nơi đây.

Cuối ngày, đoàn xe lăn bánh trở lại Hà Nội một cách an toàn. Các bạn K69 muốn gửi lời cảm ơn sâu sắc tới các thầy cô trong khoa, đặc biệt các thầy cô dẫn đoàn đã tạo điều kiện cho sinh viên được đi thực tế để có những trải nghiệm không thể nào quên cũng như thêm hiểu, thêm yêu về cội nguồn văn hóa đất nước mình.

Thực hiệnXuân Bảo, Hà Trang, Thùy Trang, Lê Thảo, Thảo Nhung (HPT – CLB Truyền thông Khoa Ngữ văn)

ẢnhLương Duyên, Thùy Trang, Hà Trang

Post by: Vu Nguyen HNUE
20-10-2020