Nghiên cứu

Không gian và thời gian trong bài thơ Lá Diêu bông của Hoàng Cầm


13-10-2020
Tác giả: Lê Đỗ Tuấn Hùng - SV CLC K66

Không gian và thời gian trong Lá Diêu bông đều góp phần thể hiện ý đồ nghệ thuật của Hoàng Cầm. Bối cảnh không gian Kinh Bắc quê hương và cái xa xôi của thời gian niên thiếu thật sự phù hợp cho việc khắc họa những nét vẽ - khi đậm khi nhạt – về mối tình đầu đơn phương.

1. Đặt vấn đề

Mùa đông 1959, trong một đêm giá lạnh và sự vô thức đến kì lạ, người nghệ sĩ Hoàng Cầm xuất thần sáng tác nên bài thơ Lá Diêu bông. “Váy Đình Bảng buông chùng cửa võng”, tiếng thơ mang bóng hình tự vạn kỉ, đã ra đi nhưng đêm ấy bỗng chốc quay trở về và xúc tác nên một thi phẩm nghẹn ngào về mối tình đơn phương giữa cậu bé mười tuổi với cô thiếu nữ hàng xóm. Tình đầu, bất cứ ai trong chúng ta đâu phải dễ dàng muốn quên là quên. Lá Diêu bông vì thế bỗng có sức ám ảnh tột độ, khi từng câu từng chữ vang lên lại khiến trái tim người đọc run rẩy. Bởi dấu lặng trầm buồn. Và bởi họ nhận ra hình như một phần của bản thân đang phảng phất trong ý tứ tác phẩm. Người ta bảo, Lá Diêu bông đọc thì dễ, mà cắt nghĩa lại khó biết chừng nào. Tiếp cận bài thơ, thiết nghĩ bạn đọc không nên quá câu nệ đến vấn đề lí trí, mà hãy để cảm giác và con tim mở đường dẫn lối.

Làm nên sự thành công của Lá Diêu bông, bên cạnh những hình tượng như Lá Diêu bông, cặp sóng đôi "chị" - "em",... cách thức tổ chức không gian và thời gian trong tác phẩm cũng góp phần không nhỏ đến sức sống lâu bền của tác phẩm. Như bất cứ tác phẩm nghệ thuật, Lá Diêu bông mở ra trước mắt độc giả một chiều không gian – thời gian khác biệt với thực tại. Không gian và thời gian trong Lá Diêu bông mang tính nghệ thuật, và loại hình không – thời gian ấy từng trở đi trở lại trong thơ Hoàng Cầm như một ám ảnh, chỉ sai khác ở màu sắc tâm tư giữa từng bài thơ.

2. Giải quyết vấn đề

2.1. Không gian trong Lá Diêu bông

Hoàng Cầm tái dựng trong Lá Diêu bông không gian của làng quê miền Kinh Bắc với địa danh cụ thể là Đình Bảng, và những thành phần không gian đậm đà màu sắc quê hương Bắc Bộ: đồng chiều, cuống rạ, nắng, sông, gió quê,... Tất cả đều có thể gắn liền với hậu tố “quê” ở đằng sau (đồng quê, nắng quê, sông quê, gió quê,...). Dù đang sống ở thị thành, nhưng trong cái đêm mùa đông huyền nhiệm ấy, tâm tưởng Hoàng Cầm vụt tan khỏi không gian thành phố để rồi trở lại với những hình dung của làng cảnh quê hương. Quê hương gắn bó với Hoàng Cầm, trở đi trở lại trong tâm trí, trở thành nền cảnh nhuốm màu tâm trạng, góp phần làm cho hai đối tượng nghệ thuật (“chị” và “em”) được khắc họa nổi bật. Có lẽ, chỉ khi được đặt vào không gian làng quê Kinh Bắc, hai chủ thể “chị” và “em” mới hội tụ đầy đủ khả năng để biểu hiện tất cả những tâm tư tình cảm về mối tình đơn phương của Hoàng Cầm.

2.2. Thời gian trong Lá Diêu bông

Không gian làng quê Kinh Bắc như đã nói ở trên không phải được xuất hiện trong thực tại. Tình yêu một phía từ cậu bé mười tuổi Bùi Tằng Việt không thể khiến người đọc thấm thía nhói đau, nếu như thứ tình đơn phương ấy không bị đẩy lui về quá khứ. Độc giả chợt ngỡ ngàng: sự xa cách về không gian đã là nỗi đau khổ, nhưng ở đây mối tình ấy còn bị giãn cách bởi sự cách trở ở cả bốn chiều kích (ba chiều không gian và một chiều thời gian). 

Dĩ nhiên, chỉ có quá khứ mới đủ khả năng thấm đẫm cái ý vị ngậm ngùi của mối tình dở dang đã hóa màu kỉ niệm, một kỉ niệm chưa bao giờ được trọn vẹn. Trục thời gian có tính vận động: từ hôm nay (thời điểm “chị” thách ai đó tìm được Lá Diêu bông) đến hàng loạt những thời điểm sau đó (hai ngày, mùa đông năm ấy, ngày cưới chị, ngày chị ba mặt con – em mang Lá Diêu bông đến và rồi chị đều chối từ). Thời gian ngày càng được kéo giãn, cậu bé càng trở nên kiên nhẫn miệt mài trong công việc tìm chiếc lá tưởng tượng, nhưng tỉ lệ thuận với sự giãn cách của thời gian lại là sự chối từ ngày càng tăng cấp (chau mày, lắc đầu, cưới) để dứt khoát chấm dứt nỗ lực của kẻ tình si (xòe tay phủ mặt không nhìn). Ngay cả đến liếc mắt trông ra chị còn không muốn, đó chẳng phải dấu hiệu rõ ràng nhất cho sự phủ định tình yêu?

Nhưng quá khứ - thời gian trong Lá Diêu bông – không dừng lại ở một thời đã xa. Tuy nhiên, là quá khứ nhưng không hoàn thành, vì xét cho kĩ, thời gian được dựng trong tác phẩm lại là quá khứ vắt sang hiện tai. Hiện tại vẫn xuất hiện và dường như không có điểm kết trong khổ thơ cuối. Ai biết hạn định của “Từ thuở ấy” ở nơi đâu? Cái trục thời gian quá khứ vắt sang hiện tại như một ý đồ nghệ thuật: một mặt phản ánh sự trường tồn của “kinh thành kí ức” (như đã nói, tình đầu nào mấy ai lãng quên), mặt khác càng khắc sâu, dai dẳng hóa sự thẫn thờ và vô vọng của mối tình đơn lẻ. Trong dòng chảy thời gian, hình ảnh tình đầu và cả nỗi đau mà tình đầu mang đến, tất cả sau mấy mươi năm sao cứ còn vẹn nguyên?

3. Kết luận

Như thế, không gian và thời gian trong Lá Diêu bông đều góp phần thể hiện ý đồ nghệ thuật của Hoàng Cầm. Bối cảnh không gian Kinh Bắc quê hương và cái xa xôi của thời gian niên thiếu thật sự phù hợp cho việc khắc họa những nét vẽ - khi đậm khi nhạt – về mối tình đầu đơn phương.

Mùa đông 2019 cũng là lúc Lá Diêu bông vừa tròn sáu mươi tuổi. Trong khoảng thời gian tương ứng với một đời người ấy, Lá Diêu bông đã được hết thế hệ độc giả này đến thế hệ bạn đọc khác cảm nhận bằng cả trái tim. Bài thơ có sức sống mãnh liệt nhờ những tâm tư chân thành đan xen trong sự hồi tưởng tình cảm sau bao năm dài xa cách, càng khẳng định thêm cho sự bền vững của kinh thành kí ức – tình đầu – không chỉ ở nhà thơ mà còn của cả chúng ta.

Bởi, ai đọc Lá Diêu bông lại trốn thoát được sự bồi hồi...

Post by: Vu Nguyen HNUE
13-10-2020