Nghiên cứu

Hannibal Lecter – kẻ sát nhân máu lạnh hay con người bị tổn thương?


13-10-2020
Tác giả: Trần Linh Phụng - SV CK64

Nhân vật văn học được sáng tạo ra để thể hiện quan niệm của nhà văn về con người cá nhân. Không ngừng đào sâu con người cá nhân, các nhà văn mang đến cho độc giả những phát hiện đầy bất ngờ ý nghĩa. Đến với nhân vật Hannibal Lecter trong xê ri tiểu thuyết kinh dị nổi tiếng của nhà văn kiêm biên kịch nổi tiếng người Mĩ -Thomas Harris (ở đây chỉ tập trung phân tích nhân vật Hannibal Lecter trong hai tiểu thuyết “Sự im lặng của bầy cừu” và “Hannibal Lecter”), người đọc sẽ có những khám phá đầy bất ngờ về một con người “bất khả xâm phạm” – một bác sĩ tâm lí chuyên nghiệp thông minh tuyệt đỉnh song hành cùng con “quái vật” khát máu, kẻ giết người hàng loạt.

Nhân vật Hannibal Lecter là nhân vật đứng thứ 8 trong danh sách 100 nhân vật tuyệt vời nhất trong hai tập kỉ từ 1990 tới 2010 do Entertainment Weekly bầu chọn và đứng đầu danh sách 100 nhân vật phản diện vĩ đại do Viện phim Mỹ bầu chọn. Quan tâm đến con người cá nhân, Thomas Harris chỉ tái hiện ngoại hình nhân vật bằng vài nét chấm phá: “bàn tay trái của bác sĩ Lecter có sáu ngon”, “đôi mắt bác sĩ Lecter màu hạt dẻ, chúng phản xạ ánh sáng thành những chấm đỏ”, còn phần lớn không gian của tiểu thuyết tập trung khắc họa tính cách, đi vào miền sâu tâm lí của nhân vật.

Hannibal Lectet là một phát hiện về con người cá nhân đầy ý nghĩa. Con người cá nhân ấy trước hết phải là một con người tự ý thức, một con người có khả năng nhận thức về cái tôi với khát vọng mạnh mẽ tìm kiếm bản thể, luôn luôn theo đuổi những đam mê riêng, vượt qua khuôn thước số đông.Và  mọi tính cách mà Lecter có đều nằm ngoài những cái đã được định hình, đều chật chội so với những khuôn khổ sẵn có.

          Hắn luôn tự ý thức rằng hắn có một trí thông minh tuyệt đỉnh mà như lời trưởng ban Khoa học hành vi của FBI – Jack Crowford khẳng định: “hắn phải tỏ ra thông minh, thông minh hơn tất cả mọi người”, hay như chính Lecter tự nhận, trong tâm lý học, hắn là kẻ chuyên nghiệp, chuyên nghiệp hơn bất kì người nào trong giới học thuật: “Cứ đến bất cứ khoa tâm lý nào ở đại học, nhìn đám sinh viên và giảng viên mà xem: toàn những tay chơi vô tuyến nghiệp dư và những tay hâm mộ khiếm khuyết nhân cách.”. Không chỉ vậy, hắn còn có một lí trí phi thường với khả năng ghi nhớ, sắp xếp mọi thứ hoàn hảo: “ Bản ngã của hắn giống như trí thông minh và mức độ lí tính của hắn không thể đo đếm được bằng cách thông thường”. Lí trí phi thường ấy, khả năng sắp xếp mọi sự việc hoàn hảo ấy được thể hiện rõ nhất thông qua hành động hắn lưu trữ mọi thứ trong cung điện kí ức của hắn. Cung điện kí ức ấy là nơi hắn ghi nhớ mọi thứ một cách hoàn hảo, là nơi ẩn náu bình yên bên trong nội tâm hắn, nơi mà roi vọt hay những trò tra tấn về thể xác không làm hắn đau đớn.

Tự ý thức về cái tôi của bản thân mình, hắn luôn luôn theo đuổi những đam mê riêng mặc dù những đam mê tha thiết ấy là một ảo tưởng phi thực tế của hắn. Hắn đã đặt toàn bộ niềm tin vào thuyết hỗn độn – một thuyết của nhà vật lý học thiên thể Stephen King về lược sử thời gian: “Định luật khoa học không phân biệt giữa quá khứ và tương lai. Nhưng lại có một sự khác biệt lớn giữa quá khứ và tương lai trong đời sống bình thường… Bạn có thể nhìn thấy một tách trà rơi khỏi bàn và bể thành từng mảnh trên sàn nhà. Nhưng bạn lại không thể thấy được cái tách tự thu gom những mảnh vỡ rồi lại nhảy lên bàn.”. Và Lecter “tha thiết muốn niềm tin ban đầu của Hawking đúng để quá trình dãn nở vũ trụ ngừng lại, để entropy tự chỉnh sửa và để Mischa đã bị ăn thịt trở lại nguyên vẹn”. Cái thiết tha phi thực tế ấy liệu có phải chỉ mình Lecter – kẻ “rối loạn nhân cách” muốn có không hay liệu mỗi chúng ta – những kẻ bất lực trước sự chảy trôi của thời gian, cũng có cái ước mong thiết tha cho quá khứ quay trở lại, cho những kí ức đẹp đẽ bất tử? Phải chăng, đam mê của Lecter chính là đam mê nguyên thủy của loài người? Thomas Harris đã tạo ra những khoảng lặng làm nhói lòng độc giả về những thiết tha nguyên thủy ấy.

Đam mê mà Lecter theo đuổi còn là cái gu thẩm mĩ tinh tế của hắn. Dù trong cảnh tù ngục hay trên đường trốn chạy, “giữa cuộc sống thành công và một con quái vật chạy trốn”, hắn luôn luôn tuyệt đối tôn trọng và đề cao thỏa mãn nhu cầu của bản thân mình. Lecter là một quý ông vô cùng tinh tế, chỉ cần chút hương thơm bay ra từ túi của Starling là hắn biết cô dùng kem Evyan. Hắn còn vô cùng lịch sự, coi “thô lỗ là thói vô cùng xấu xa”. Hắn luôn chăm chút tỉ mỉ cho từng món ăn, có khả năng chế biến món ăn tinh tế điêu luyện đến nỗi có thể coi hắn như một nghệ nhân nấu ăn có bài viết đăng trên tạp chí ẩm thực. Hắn luôn dành thời gian cho các buổi hòa nhạc cổ điển.

Những nhận thức về cái tôi của Lecter, những hành động thỏa mãn cái tôi, cái đam mê riêng vượt ra ngoài khuôn khổ số đông của Lecter là minh chứng cho đặc trưng cho con người cá nhân. Con người cá nhân tồn tại bằng một ý chí mạnh mẽ và khả năng ý thức cao về bản thân, luôn sống một cuộc sống thứ hai bên trong nội tâm mình.

Chính vì có ý thức cao về bản thân mà con người cá nhân đồng thời là kẻ sáng tạo ra chính cuộc sống của mình mà không bị ai ép buộc và cũng chính là kẻ sáng tạo ra chính bản sắc của mình mà không thấy nó bị áp đặt bởi những sở thuộc do mình lựa chọn. Và Lecter đã lựa chọn hành động theo con người tự nhiên bản năng bên trong hắn. Và không may đó là bản năng xâm hại, hắn hướng bản năng xâm hại đó vào xã hội, vào cuộc sống xung quanh hắn.

Là một cá nhân độc lập tự quyết, trong suy nghĩ của hắn không tồn tại một vị Chúa hay bất kì một vị thần linh nào. Hắn nhạo báng, đùa giỡn với vị cứu thế, đồng nhất Chúa với những người phàm tục. Thậm chí, Lecter còn “vui sướng khi thấy niềm tin bị phá vỡ. Đó là thú vui của hắn. Giống như hắn đã từng sưu tầm những mảnh vỡ của nhà thờ. Ấy là đống gạch vụn ở Ý khi nhà thờ bị đổ lên những cụ già tại một buổi lễ đặc biệt”.

Bản năng xâm hại của Lecter hướng vào xã hội, hướng vào những con người xung quanh hắn đến từ những lời nói khoét sâu vào nỗi đau của người khác, khiến cho người khác bị hạ bệ trước hắn và hắn thích thú với điều đó. Hắn hạ bệ Starling bằng những lời nói mỉa mai: “ Cô có biết với tôi cô giống ai không, với cái túi xịn và đôi giày rẻ tiền của cô? Cô trong như là một kẻ nhà quê. Cô là một kẻ nhà quê được giặt sạch, bon chen và có chút gu thẩm mỹ.”. Hắn khoét sâu vào nỗi đau của thượng nghị sĩ Martin khi con gái bà còn đang nằm trong tay kẻ giết người lột da Jame Gumb. Hắn đánh vào lòng tự tôn của người khác vì nỗi đau làm hắn hứng thú.

Không chỉ dừng lại ở việc hạ bệ hay khoét sâu vào nỗi đau của người khác, Lecter còn gây ra những hành động sát nhân trong trạng thái hoàn toàn tỉnh táo và hết sức bình tĩnh. Hắn giết cô y tá mà “mạch ông ta không lúc nào vượt quá tám mươi lăm, kể cả lúc ông ta nuốt cái lưỡi”. Hắn giết bình tĩnh gỡ sọ Krendler như gỡ vòng dây thun khỏi hộp trứng cá muối mà chẳng có lấy một giọt máu rơi ra từ vết cắt. Lecter đã giết nhiều người như vậy nhưng động lực nào đã thôi thúc hắn làm như vậy? Có lẽ trước hết vì hắn tự cho mình là một quý ông nhã nhặn, lịch sự với gu thẩm mĩ tinh tế nên hắn khinh bỉ tất cả những kẻ hắn cho là phàm phu tục tử và sẵn sàng giết họ. Chẳng phải hắn đã giết Miggs vì đã dám xâm phạm Starling bằng hành động thô lỗ bẩn thỉu hay sao? Không chỉ vậy, hành động của hắn còn là hệ quả của những ẩn ức đau thương trong quá khứ của hắn. Từ trong vô thức, hắn căm hận những kẻ đào ngũ đã ăn thịt con hươu sống nên khi gặp tên săn hươu Donnie Barber, Lecter đã giết hắn như giết một con vật mà chẳng mảy may suy nghĩ.

Ta không chỉ thấy ở Lecter diện mạo của một kẻ sát nhân máu lạnh mà ta còn kinh ngạc trước khả năng điều khiển tâm lí người khác ở hắn. Về phương diện này, hắn xứng đáng là một nhà tâm thần học tài năng. Chỉ bằng vài lời đối thoại, hắn đã chỉ ra được những ẩn ức bên trong nội tâm của Starling, dẫn dắt Starling vào miền kí ức đau thương với sự bất lực của một cô bé trước tiếng kêu của đàn cừu bị giết. Lecter đã dần dần giúp Starling xóa bỏ ám ảnh về tiếng kêu của bầy cừu để rồi đó là “sự im lặng của bầy cừu” trong mỗi giấc ngủ của Starling. Ta còn kinh ngạc trước những phân tích của Lecter về Jame Gum – Bill bò mộng trong cuộc chơi Quid pro quo – có đi có lại với Starling. Những kiến thức uyên thâm về tâm lí, những chỉ dẫn của Lecter đã giúp Starling bắt được Bill, phá được án. Có lẽ đây là những dòng miêu tả tâm lí tội phạm tỉ mỉ nhất, lôgic nhất mà độc giả từng được đọc. Chúng ta thường chỉ là những khán giả đứng bên ngoài mà nhìn vào những tội phạm giết người chứ chưa từng được khám phá miền tâm lí bên trong những tên tội phạm ấy. Thomas Harris đã giúp chúng tá có cái nhìn đi từ bên trong, cái nhìn soi rọi của diễn biến tâm lí và cả những ẩn ức trong quá khứ của tên tội phạm giết người. Những dòng tâm lí ấy khiến ta không khỏi rùng mình và lo sợ nhưng không kém phần thích thú.Và tôi ngờ rằng nếu tôi đọc tác phẩm này trước khi tôi bước vào cánh cổng đại học hiện nay, liệu tôi sẽ rẽ sang một ngả đường khác – một con đường của những bí mật đầy hấp dẫn bên trong nội tâm của những con người khác những con người tôi đang thấy. Và nhìn rộng ra, liệu sự thật ngoài đời sống có đáng sợ như những gì nhà văn miêu tả không hay thậm chí còn đáng sợ hơn thế? Những người bấy lâu nay sống bình yên cảm thấy an toàn trong thế giới này liệu có hoài nghi về những điều đang xảy ra trước mắt?

Tuy nhiên, con người cá nhân luôn tồn tại những mối quan hệ với xã hội, mọi hành động của nhân vật đều có những nguyên nhân từ quá khứ. Và chẳng phải, Hannibal Lecter từ khi là một cậu bé sáu tuổi đã phải chịu chấn thương khi cậu tận mắt chứng kiến những kẻ đào ngũ với hơi thở hôi hám đã nhốt lũ trẻ để làm đồ ăn trong năm 1944 sau khi tiền tuyến phía Tây sụp đổ và em gái cậu – Mischa đã bị chúng ăn thịt ngay trước mắt cậu. Nỗi đau ấy đã trở thành vô thức để sau này nó dẫn đường cho mọi hành vi của Lecter. Cuộc vật lộn giữa ý thức và vô thức, giữa lí trí và phi lí trí cuối cùng nhường chỗ cho vô thức, cho cái phần tự nhiên bản năng trỗi dậy, gây nên những hành động dã man của con quái vật khát máu Lecter. Dù vậy, kết thúc thiên tiểu thuyết, ta vẫn băn khoăn tự hỏi: Xã hội thiếu nhân tính liệu có thể sản sinh ra những con người như thế nào? Và có phải, ngày nay, nhân loại đang bị đe dọa bởi những sự nguy hiểm chính họ tạo ra mà càng ngày họ càng không kiểm soát được.

Qua nhân vật Hannibal Lecter, nhà văn Thomas Harris đem đến cho độc giả một thế giới mới, thế giới đầy bí ẩn trong nội tâm của một con người chấn thương với những diễn biến tâm lí tinh vi, phức tạp. Và qua nhân vật của mình, nhà văn đã chuyển tải được những suy tư của mình về con người, về cuộc đời. 

Post by: Vu Nguyen HNUE
13-10-2020