Cựu sinh viên

NGÀY GẶP LẠI NHAU BAO MẾN THƯƠNG ( Ghi lại cuộc gặp mặt kỉ niệm 50 năm ra trường của cựu sinh viên khoa Văn ĐHSP Hà Nội khoá 1960-1962).


06-08-2021

 

22-4-2012, Hà Nội đã bắt đầu vào hè, nhưng dường như mùa Xuân còn chút lưu luyến, nên sau vài ngày nắng nóng, trời bỗng trở nên mát mẻ. Chút nắng vàng nhè nhẹ đủ làm bừng sáng gương mặt người, nhưng chưa đủ xua tan màn sương khói huyền ảo đặc trưng bao phủ trên mặt hồ Dâm Đàm (Hồ Tây) buổi sớm mai. Chúng tôi về đây, tay bắt mặt mừng sau nửa thế kỉ rời mái trường Đại học Sư phạm Hà Nội thân yêu để “đi theo tiếng non sông đang gọi ta” (Lời trong Bài ca sư phạm của thầy giáo dạy nhạc Văn Nhân). Nửa thế kỉ! Dường như mới đó mà thực là xa. Ngày ấy chúng tôi chia tay nhau, đầu còn xanh, tuổi còn trẻ, trái tim còn sôi sục khát vọng cống hiến. Những bước chân mạnh mẽ lên rừng, xuống biển, đến những vùng sâu heo hút của Điện Biên, Sơn La, Lai Châu, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn…, hay vào tiền tuyến mịt mù khói lửa. Bây giờ trở về đây, tóc đã nhuốm bạc, da đã nhăn, mắt đã mờ, chân đã có phần chậm chạp, dấu vết thời gian dường như đã hằn sâu trên từng khuôn mặt. Nhưng điều đó có hề chi! Giây phút gặp nhau vẫn ngập tràn hạnh phúc.

Tóc muối tiêu gặp lại, như lạ như không

 Nhầm họ nhầm tên, dáng hình đâu như cũ

Gợi chút chuyện thôi, cái Nhớ ùa về rực rỡ

Thấy mình trẻ ra, cái thuở ấy bên nhau…

Trong tiếng cười, nước mắt cứ tuôn trào

 Trong tiếng nói lao xao như hồi còn trẻ...

 (Lời thơ Hoàng Triều Ân)

 

Mắt nhìn mắt, tay nắm tay mà vẫn ngỡ ngàng, thế rồi niềm vui bỗng vỡ òa trong tiếng reo không kìm nén nổi, trong vòng tay ôm riết, trong khóe mắt rưng rưng ngấn lệ. Anh Nguyễn Có, cụ Gỗn của lớp B, bậc trưởng lão duy nhất của khóa học còn có thể tới chung vui với lớp đàn em nay đã tròn chín mươi xuân. Anh Hùng Tuấn, anh “bộ đội Cụ Hồ” năm xưa, trong vai ban tổ chức, vẫn nhanh nhẹn, xông xáo như ngày nào, đang giang rộng vòng tay đón khách. Anh Ngô Chí Thành thì nhiều người vẫn nhớ bởi còn vang vọng đâu đây bài dân ca Qua bắc thiềng (dân ca Thanh Hóa) mà anh từng hát rất hay. Anh Hoàng Phiêu, thầy giáo kiêm lương y, mà nghề nào cũng giỏi. Anh Hoàng Thung, người chiến sĩ Điện Biên đã trở thành nhà ngôn ngữ học, từng một thời chỉ huy đội tự vệ khoa Văn góp phần bắn rơi máy bay Mỹ. Kiều Sinh, người đại diện của lớp A hiện tại, đang bước vào cùng bạn đời yêu quý. Đỗ Trọng Văn của lớp B cũng có bên cạnh một phu nhân, chị Đặng Vượng, cả hai đều là những thành viên tích cực của ban tổ chức. Này là Vũ Phi Hồng, con gái nhà văn Vũ Ngọc Phan, người vợ thủy chung của liệt sĩ Võ Tề (bí thư chi đoàn lớp A). Vừa qua, Hồng đã giúp chúng ta hồi tưởng chân dung anh Võ Tề (tác giả của bài thơ đã được phổ nhạc mà ai ai trong thế hệ chúng ta ít nhiều đều thuộc Tiếng chày trên sóc Bom Bo) trên từng bước đường chiến đấu gian nan qua những dòng Nhật kí của nhà giáo vượt Trường Sơn và cả những Hồi ức đầy cảm xúc của chính người vợ liệt sĩ. Nguyễn Thị Thuy như trẻ trung hơn trong bộ áo dài đỏ, chỉ tiếc “anh lính thủy” Hoàng Xuân Tạp đã đi xa, không về dự cuộc họp mặt này được nữa. Này là Vũ Vĩnh Nga ngồi bên bàn ghi danh với nụ cười rạng rỡ trên gương mặt phúc hậu như ngày nào. Tuyết Nga, “người đẹp” của lớp B, đỏm dáng với tà áo dài tân tiến xuất xứ từ “Sài thành hoa lệ”, vẫn giọng nói ngọt ngào xứ Nghệ từng một thời làm rung động trái tim bao chàng trai hôm nay cũng có mặt nơi đây. Rồi Ngô Ánh Tuyết, “liền chị” quan họ Bắc Ninh, một trong số ít chị em “đã bổ cau từ ngày còn đi  học”, “đã nhận trầu lúc đang học Kinh Thi” (Lời thơ Trần Đức Khải). Thu Tiết bé nhỏ vẫn cặp mắt kính cận ấy, giảng viên của chính khoa Văn. Và Trần Thị Thanh Thanh, người thành đạt nhất trên con đường quan chức, từng là  một nữ Bộ trưởng năng động, xông xáo và hết lòng chăm sóc, bảo vệ “những búp măng non của Tổ quốc” cho đến tận bây giờ, khi đầu đã bạc quá nửa. Còn nữa, những Viễn, Kim Dung, Bích Vân, Phương Thịnh, Phương Lan, Lệ Dung, Minh Đoài, Phan Thư, Cẩm Vân…hôm nay vì những lí do này khác đã không thể có mặt, nhưng vẫn đang được các bạn nhắc đến đầy thân thương. Các bạn nhớ không: Nguyễn Trí - một cựu quan chức bộ GDĐT – rất “đẹp lão” với mái tóc hoa râm và nước da hồng hào; Nguyễn Văn Giao, khởi nghiệp từ Tuyên Quang, sau đã thành nhà giáo ưu tú, Hiệu trưởng của một trường THPT khá nổi tiếng của Hà Nội, đang hồ hởi đón khách. Thế Vân gợi nhớ hình ảnh một nghệ sĩ với cây đàn violon đang say sưa trên sân khấu. Võ Huy Cát, chàng trai tài hoa, từng là tác giả bức tượng Lý Tự Trọng đặt trong phòng truyền thống trường Đại học Sư phạm ngày xưa. Phạm Văn Hân vốn hay bẽn lẽn như con gái, giờ tóc đã trắng như bông. Nguyễn Mạnh Hách vẫn dáng “người dây” gầy gò đó. Trần Đức Khải, Nguyễn Duy Định, Nguyễn Năng Tốn, Nghiêm Xuân Ty đến từ quê lúa Thái Bình; Đoàn Dư Điệp từ  vùng than Quảng Ninh; Hán Trung Châu từ Yên Bái; Vũ Đức Phương, Phạm Quang Chu từ Hải Phòng… Trần Đồng Minh, từ “rừng xanh” Điện Biên về giữa lòng Hà Nội rồi lại “bay” vào TP. Hồ Chí Minh, nay đã “hạ cánh an toàn” tại quê cũ. Phan Lạc Tước lập nghiệp ở Lạng Sơn, là giáo viên dạy giỏi, Hiệu trưởng một trường chuyên, chiến sĩ thi đua toàn quốc. Rồi Đặng Thuyên của Thái Bình và biết bao anh em khác, dẫu thành danh hay không thành danh, những Trương Cao Sơn, Phạm Huy Vinh, Tống Văn Hài, Nguyễn Đình Thịnh, Nguyễn Hữu Vượng…đều đã từng là những cây đa, cây đề trong làng giáo dục phổ thông Việt Nam, và khi rời bục giảng, sống cuộc đời khiêm tốn của một nhà giáo về hưu vẫn gắn bó  với những mái trường và lớp lớp học trò thân yêu như anh Vũ Đức Hạnh đã tự thuật:

 “Ngõ nghèo, nhà cũ, vắng người qua,

Bốn cháu, hai con, một vợ già,

Sớm bạc mái đầu vì bụi phấn,

Vẫn yêu tha thiết nghiệp trồng hoa”.

Dương Xuân Đống, anh bộ đội Cụ Hồ tuổi đã gần 80 mà sức viết quả là đáng nể, mười năm say sưa với lĩnh vực văn hóa quân sự, anh đã viết 129 bài báo, tập hợp trong 5 tập sách Từ cây giáo đến khẩu súng  với độ dài trên 1000 trang viết. Bùi Danh Liên, người duy nhất đã “vượt rào” sang lĩnh vực kinh doanh, nay là Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội, nhưng phong độ vẫn nguyên vẹn là một thầy giáo dạy văn. Đinh Quang Ấn lại “vượt rào” theo kiểu khác, đã “mất dạy” sau 7 năm làm thầy để trở thành Trưởng ban tổ chức tỉnh ủy, Trưởng ban tổ chức chính quyền tỉnh Thái Nguyên. Khá nhiều những nhà thơ, nhà văn đang hân hoan tặng sách cho bạn bè: Hoàng Thuận, nhà thơ kiêm Giám đốc Đài phát thanh truyền hình Quảng Ninh cầm trong tay tập thơ Bóng xưa mà dường như đang “Bâng khuâng… sâu thẳm, rộng dài/ Vọng về năm tháng quãng đời mến yêu/ Giường tầng lên xuống phải trèo/ Mùa thi, giấc ngủ sách theo vào giường”…Đào Ngọc Chung từng phải vật lộn giữa sự sống và cái chết sau một tai nạn khủng khiếp, đã cho ra đời một tuyển tập dày cả nghìn trang mà hôm nay anh cũng mang đến tặng bạn bè… Còn nhà văn Bắc Sơn nữa, người đã viết hàng chục cuốn truyện, ký, tiểu luận…, đã được tặng nhiều giải thưởng của Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật VN và Hội Nhà Văn VN; có cuốn đã được chuyển thể thành phim như Luật đời – Cha và con, sắp tới đây còn là Lửa đắng. Anh Hoàng Triều Ân đâu nhỉ? Nhà thơ, nhà văn, nhà nghiên cứu văn học dân tộc Tày vừa được nhận Giải thưởng Nhà nước, chắc giờ này, từ một vùng quê gần địa danh lịch sử Pắc Bó, anh đang ngóng về Hồ Tây, nơi chúng ta gặp gỡ, với những cảm xúc thăng hoa nhất mà anh từng gửi gắm trong bài thơ  viết tặng chúng ta:

Tình bạn trong như sợi mây thu

 Cùng tụ hội một vùng trời sáng láng

Tình bạn đỏ bâng khuâng hoa phượng

Nở trong ta xa cách vẫn rực hồng.

(Tình bạn sinh viên)

 

Và còn nhiều, nhiều nữa, những hơn 50 bạn kia mà, kể làm sao hết ! Nhưng tôi đành phải dằn lòng tạm gác lại để nói tiếp về những người đã làm vinh dự cho buổi gặp mặt của chúng ta hôm nay: các thầy cô giáo ! Các thầy cô đã đến rất sớm, còn trước cả rất nhiều bạn kia. Thầy Nguyễn Hoành Khung mà ngày xưa chúng ta từng “gọi trộm”  là thầy lãng mạn bởi một lẽ rất đơn giản là bài giảng về văn học lãng mạn của thầy rất ấn tượng.

Thầy Nguyễn Đình Chú, thầy giáo chủ nhiệm của lớp B, đã ngoài 80 rồi mà tóc vẫn còn sợi đen nhiều hơn sợi bạc, phong độ vẫn trẻ trung, nhanh nhẹn, nụ cười vẫn tươi rói trên môi. Cô Đặng Thanh Lê, cô giáo từng khơi dạy niềm cảm xúc đến mê say của chúng ta trên từng trang Truyện Kiều bất hủ, giờ đây nỗi xúc động dường như đang ngập tràn khóe mắt trong vòng tay ôm thân thiết của học trò. Thầy Nguyễn Văn Hoàn, thầy giáo dạy lí luận văn học, vẫn nụ cười hiền hậu, gợi nhớ những giờ giảng sinh động, khúc triết về một môn học còn là mới mẻ đối với chúng ta thuở đó. Thầy Trần Văn Bính, cũng là thầy dạy lí luận văn học, khi đó còn là một thầy giáo trẻ, rất trẻ và rất hiền, thường hay đỏ mặt khi tiếp xúc với sinh viên, đặc biệt là với nữ sinh. Còn thầy Bùi Văn Ba nữa chứ, sao không thấy nhỉ ? Đây rồi, thầy tới vừa kịp giờ chúng ta vào hội trường, chỉ tiếc là thầy đã không có mặt trong bức hình chính thức chúng ta vừa chụp bên bờ Hồ Tây, nhưng không sao, thầy đến được là vui rồi! Thầy Nguyễn Hải Hà thì hôm qua còn gọi điện, rất tiếc vì những lí do bất khả kháng không thể đến dự được và chúc buổi họp mặt của chúng ta thật vui vẻ. Còn nữa, những thầy mà chúng ta không thể quên: thầy Nguyễn Lương Ngọc, Huỳnh Lý, Trương Chính, Nguyễn Trác, Lê Trí Viễn, Hoàng Tuệ, Bùi Văn Nguyên, Lê Cận, Hoàng Dung, Hoàng Nhân, Bùi Hoàng Phổ, Quách Hy Dong, Lê Tố, Phan Côn, Nguyễn Ngọc Côn, Lê Hiền đã ra đi về cõi vĩnh hằng; các thầy Đoàn Trọng Huy, Trần Xuân Đề, Trần Hoán, cô Phạm Thị Hảo...đang ở Tp Hồ Chí Minh xa xôi...Xin các thầy cùng chia sẻ với chúng em niềm vui gặp gỡ này nhé! Và các bạn ở xa hôm nay không về dự được! Các bạn có nóng ruột không khi tên của các bạn vẫn đang được nhắc đến nơi đây trong từng câu thăm hỏi của bạn bè! Hẹn một lần khác vậy!...

Đã đến giờ du thuyền nhổ neo rời bến, mời các thầy, cô, các bạn tạm dừng giây phút hàn huyên để vào khoang. Trước mắt chúng ta là tấm pano lớn mang mô hình chiếc huy hiệu Đại học Sư phạm năm xưa và bốn câu thơ đề từ cho buổi gặp mặt:

Năm mươi năm qua một chặng đường

 Văn khoa Sư phạm tỏa muôn phương

Tâm thành, trí sáng xây non nước

 Ngày gặp lại nhau bao mến thương.

Ngỡ ngàng và xúc động! Nhớ lại thuở mái lá nhà tranh với hai hàng phượng vĩ cháy rực màu hoa học trò. Nhớ mùi hương cốm tỏa về từ những cánh đồng làng Vòng bao quanh trường. Nhớ những giảng đường đơn sơ mà gợi mở bao chân trời khát vọng. Nhớ những bữa ăn mới lưng lửng bụng, bát canh suông, chút cá khô, tra thêm thìa muối ớt. Nhớ những buổi tối học khuya nhờ ánh đèn hội trường, hay từng nhóm vài ba người chụm đầu dưới chân cột cờ, cột đèn, trao đổi về một câu thơ, một cuốn tiểu thuyết hoặc một đề cương thi triết học. Nhớ những buổi chiều muộn, từng đôi lứa yêu nhau hay những nhóm tâm giao sánh vai dạo bước trên con đường nhỏ sau trường giữa màu lúa xanh mơn mởn. Nhớ những chiều thứ bảy chen chân trên đường ra Cầu Giấy để rồi “Năm xu tàu điện tha hồ dạo chơi”. Nhớ tiếng trống chèo rộn rã của Lương Kim Liên, nhớ tiếng hát Con gà rừng của Súy Vân Lệ Dung, từng đoạt huy chương bạc Hội diễn văn nghệ quần chúng, nhớ màn chèo Tấm Cám với cô Tấm Lệ Dung, cô Cám Đặng Vượng và “mụ” dì ghẻ Ánh Tuyết, nhớ Cái duyên bà Rí trẻ trung, vui nhộn của Phạm Gia Ích…Ôi! Đúng là “cái Nhớ ùa về rực rỡ”. Giờ đây, trong khoang tàu lộng lẫy của chiếc du thuyền đang nhẹ lướt trên sóng nước Hồ Tây, bên thầy bên bạn, càng nhớ biết bao những năm tháng xa xưa, dẫu gian khổ mà không thiếu niềm vui…

Nhìn lên diễn đàn lại bâng khuâng nhớ các “anh lớn”, anh Kế lớp trưởng lớp A, anh Hân lớp trưởng Văn 3 đã ra đi, anh Lê Gia của lớp B thì tuổi già sức yếu, không thể vượt gần 2000 cây số ra đây được nữa. Anh Phương Nam, anh Thận đã từ biệt chúng ta, còn anh Hoàng Minh Thương thì đã ngã xuống trên chiến trường quê hương khi chưa kịp cầm tấm bằng tốt nghiệp (tấm bằng của anh hiện vẫn còn lưu giữ tại phòng Đào tạo của trường)…

Lớp đàn em của các anh đang thay các anh chủ trì cuộc họp mặt hôm nay: Hùng Tuấn dẫn chương trình, Nguyễn Trí đọc diễn văn khai mạc, Đỗ Trọng Văn và Kiều Văn Sinh đang điểm lại những đóng góp của thế hệ chúng ta cho đất nước, cho sự nghiệp “trồng người”. Đáng tự hào biết mấy khi 162 anh chị em chúng ta tốt nghiệp năm ấy  như những cánh buồm no gió chỉ “một hướng ra khơi”, từ núi cao rừng thẳm nơi địa đầu Tổ quốc, đến những vùng biển còn hoang sơ của Móng Cái, Quảng Ninh, từ nông thôn đến thành thị, từ hậu phương đến chiến trường, dù đứng trên bục giảng hay ở bất kỳ cương vị nào khác, chúng ta đều có thể ngẩng cao đầu kiêu hãnh với danh hiệu tôn quý THẦY GIÁO.

Đến dự buổi họp mặt hôm nay còn có một đại biểu của thế hệ sau: Tiến sĩ Trần Văn Toàn, thay mặt cho Ban Chủ nhiệm khoa Ngữ văn hiện tại. Bó hoa tươi thắm này em kính tặng các thầy, cô với tất cả tấm lòng ngưỡng mộ và trân trọng. Năm mươi năm! Còn dài hơn cả tuổi đời em. Em cảm nhận ở cuộc gặp

mặt này không chỉ là những tấm gương sáng của các bậc tiền bối, mà trên hết cả còn là cái tình, cái nghĩa vững bền qua năm tháng, một nét đẹp nhân văn đã trở thành truyền thống của khoa ta mà chúng em hứa sẽ trân trọng giữ gìn và phát huy.

Các thầy cũng dành cho chúng ta những lời tốt đẹp nhất. Thầy Chú nhắc lại cái thời hoàng kim ấy, khi chúng ta có một vị Bộ trưởng đáng kính Nguyễn Văn Huyên, một thầy Hiệu trưởng từng là nhà thơ Mới thuộc thuộc thế hệ đầu tiên đã dám bộc lộ “những khát vọng lạ lùng…làm xao động cả trời đất” Phạm Huy Thông, một thầy Chủ nhiệm khoa đạo cao, đức trọng Nguyễn Lương Ngọc, có những giáo sư uy tín hàng đầu trong làng văn chương và một đội ngũ giảng viên trẻ đầy nhiệt huyết, toàn tâm toàn ý với nghề, có một thế hệ sinh viên tự giác và say sưa tiếp nhận những tri thức khoa học, tích cực tập rèn những kỹ năng nghề nghiệp. Thầy Hoàn, cô Lê cũng ôn lại những kỷ niệm xưa với một lớp học trò nhiều người còn hơn cả tuổi thầy, ôn lại những bài giảng mà cả thầy và trò đều tâm đắc và nỗi xúc động gặp lại hôm nay. Với thầy Khung và thầy Ba thì chúng ta là lớp sinh viên đầu tiên của các thầy trên giảng đường đại học, và những bài giảng đầu tiên mà các thầy đặt ở đó bao tâm huyết đã thực sự để lại dấu son đậm nét trong cả chuỗi những công trình khoa học của các giáo sư sau này. Thầy Bính thì say sưa đến mức đọc thuộc lòng cả một bài thơ dài về tình cảm thầy trò, đồng nghiệp. Thành quả một đời lao động này, chúng em xin kính dâng lên các thầy cô, những người đã ươm mầm và vun đắp từ ngày xưa ấy. Công ơn này chúng em ghi lòng tạc dạ. Được gặp lại các thầy cô hôm nay là một niềm hạnh phúc lớn đối với chúng em. Xin kính tặng các thầy cô một số sách mà tác giả Hoàng Triều Ân đã trân trọng gửi về từ Pắc Bó (Cao Bằng) và cả một số tác phẩm của các bạn có mặt hôm nay…

Và bây giờ là diễn đàn tự do để chúng ta bộc bạch tâm tình, nhưng khoan đã các bạn! Hãy dành ít phút để chúc thọ bậc trưởng lão 90 xuân của chúng ta. Xin anh, “Cụ Gỗn” của chúng em, hãy nhận bó hoa này và nhận lời chúc của một em gái:

“Chúc Cụ Gỗn tròn chín mươi xuân, như gốc phượng già, vẫn tươi cành xanh lá”. Thật là một dịp may hiếm có. Anh Nguyễn Có vốn đã hay xúc động, giờ này trong vòng tay thân thiết của bạn bè, anh em, đã không nói nên lời…

Đầu tiên xin dành ít phút để ưu tiên cho những người ở xa: anh Lê Gia từ TP.HCM, anh Nguyễn Đôn Tạo từ vùng biển Móng Cái rất tiếc không thể về dự được, đã gửi về cho chúng ta những lời tâm sự thật xúc động về tình thầy trò, tình bè bạn, về những tháng ngày qua dưới mái trường thân yêu.

Từ lúc này, diễn đàn luôn bị “cướp”, bởi ai cũng muốn nói vài lời đang chất chứa đầy tâm can. Cảm xúc dâng trào thành thơ, toàn là ứng tác trong niềm vui sướng. Anh Lê Thuận xúc động:   

Năm mươi năm gặp lại nhau

Trầu vàng thương lắm trái cau vôi nồng

 Anh Trần Đồng Minh thì bâng khuâng:

Năm mươi năm tựa chiêm bao

Mái trường Sư phạm xôn xao ảnh hình

 Năm mươi năm vẫn là mình

Bạn – Tôi xa cách vẫn tình mến thương.

Cụm từ “năm mươi năm” luôn được nhắc đi nhắc lại như một điệp khúc. Năm mươi năm, nửa thế kỉ chứ có ít đâu! Anh Hán Trung Châu lại nghĩ: “Năm mươi năm, một thoáng cuộc đời”. Nhưng xét cho cùng thì lâu hay chóng nào có quan trọng gì. Chúng ta đã gặp lại nhau đây, có thể chưa nhận ra nhau, có thể nhầm họ nhầm tên, nhưng trái tim vẫn cùng  nhịp đập, ký ức cùng hướng về một nơi, tình cảm vẫn dạt dào, đằm thắm: “Lệ rưng rưng, miệng khó nói nên lời/ Năm mươi năm đong tràn đôi mắt” (Thơ Hán Trung Châu). Các anh Dương Xuân Đống, Ngô Chí Thành, Bùi Danh Liên, Phạm Huy Vinh…đều đã nói hộ tất cả chúng ta những cảm xúc như thế.

 Giờ thì vào tiệc thôi. Xin mời các thầy, các anh, các bạn cùng nâng cốc mừng cuộc gặp gỡ hiếm có này. Chúc tình nghĩa thầy trò, bạn bè của chúng ta trường tồn cùng năm tháng. Chúc các thầy, các bạn cứ khỏe, cứ trẻ, cứ vui mãi như thế này để còn nhiều dịp gặp nhau cho thỏa tình thương, nỗi nhớ. Chúc trường ta, khoa ta ngày càng vững mạnh, Chúc các thế hệ đàn em tiến bước, ngày càng làm rạng danh sáu chữ vàng ĐH SP HÀ NỘI…

Câu chuyện bên các bàn tiệc còn rôm rả, ôn chuyện xưa, thăm hỏi chuyện nay, rồi hẹn hò, rồi trao đổi thông tin, tặng thơ, tặng sách. Mỗi người đều cảm thấy mình trẻ lại trong những tiếng xưng hô tuổi học trò, trong những hồi ức xa xưa mà tưởng như mới đó.

Vui quá, chẳng còn ai chú ý gì đến quang cảnh Hồ Tây thơ mộng bên ngoài cửa sổ khoang tàu, chẳng một ai biết rằng tàu đã lướt nhẹ trọn một vòng hồ và đang chuẩn bị cập bến. Đành phải chia tay thôi, dù không ai muốn. Ngày vui ngắn chẳng tày gang… Mời các thầy, các bạn hãy nhận những tấm ảnh lưu niệm quý báu, những tấm ảnh không dễ gì có được. Lại những bàn tay xiết chặt, những bước chân lưu luyến chẳng nỡ rời xa. Chào các thầy, chào các anh, chào các bạn. Hẹn ngày này năm năm nữa nhé, chúng ta sẽ lại gặp nhau! Phút chia tay, tôi lại nhớ câu thơ Trần Đức Khải đã viết ngày nào:                  

 Xa nhau rồi, mới thấy lòng da diết

 Mới bồi hồi nhận biết về nhau

 Cái tình bút mực càng sâu…!

 Trịnh Thu Tiết - Nguyên Giảng viên khoa Ngữ Văn –  ĐHSP Hà Nội-

 Cựu Sinh viên khoa Văn khóa 60 – 63.

Post by: admin
06-08-2021