Văn học nước ngoài

GIẢI MÃ KHÔNG GIAN TRONG TỘI ÁC VÀ HÌNH PHẠT CỦA DOSTOEVSKY


19-10-2020
Tác giả: TS Đỗ Thị Hường

Tóm tắt: Tội ác và hình phạt của Dostoevsky được coi là một trong những bộ tiểu thuyết có ảnh hưởng lớn nhất tới tư tưởng nhân loại. Giá trị soi chiếu hiện thực và tư tưởng phương Tây thế kỷ XX, XXI cùng với nhiều chi tiết mang giá trị dự báo tình trạng thế giới trong thế kỷ mới càng khiến cho tác phẩm này củng cố vị trí vững chắc của nó trong văn chương nhân loại. Không gian tác phẩm, với mối quan hệ thân thiết với cốt truyện, có vai trò quan trọng trong việc tổ chức tái hiện những hiện thực nghiệt ngã của xã hội và tư tưởng con người. Không gian, được nhìn như những biểu tượng tương phản trong tác phẩm, cũng thể hiện khát khao hài hòa trong tư tưởng của nhân vật, nhà văn, nước Nga và thời đại. Từ khóa: Tội ác và hình phạt, Dostoevsky, không gian, hiện thực, tư tưởng, biểu tượng, hài hòa.



“Một nền văn học lớn là một nền văn học xuất hiện những tác gia văn học lớn” (Nguyễn Đăng Mạnh). Quả thật, đánh giá bất kì một nền văn học nào bao giờ người ta cũng nhìn vào những “vì sao” sáng và sức tỏa lan ánh sáng của “vì sao” ấy đối với tư tưởng văn hóa nhân loại. Một trong những tác gia văn học có được vinh dự đó là văn hào Nga thế kỷ XIX Dostoevsky. Ánh hào quang từ những tác phẩm của Dostoevsky đã tiên cảm và chiếu rọi hiện thực nghiệt ngã và khốc liệt của phương Tây tư bản trong thế kỷ XX - thế kỷ của những tội ác bắt nguồn từ tư tưởng, từ ý thức hệ của con người.
Chúng tôi muốn nói đến tác phẩm đầu tiên trong “ngũ kinh” của Dostoevsky: Tội ác và hình phạt. Chính Marcel Proust – nhà văn lớn của phương Tây thế kỷ XX cũng nhận định: “Tất cả tư tưởng của Dostoevsky có thể gọi Tội ác và hình phạt (cũng như tất cả tư tưởng của Flaubert, nhất là Madame Bovary, có thể gọi là giáo dục tình cảm vậy)”.
Trong các tác phẩm của Dostoevsky nói chung, Tội ác và hình phạt nói riêng, Dostoevsky luôn luôn trăn trở trước một thực tại xã hội đầy mâu thuẫn. Ở đó con người vật lộn, dò dẫm trong mớ bòng bong của những cái đẹp và không đẹp đan xen hỗn độn, nhưng cuối cùng bao giờ nhân vật cũng không đánh mất niềm tin, lòng khát khao hướng tới cái đẹp, cái hài hòa vốn có từ cội nguồn. Khát vọng về sự hài hòa thể hiện xuyên suốt tác phẩm. Và không gian chính là một trong những yếu tố thi pháp thể hiện rõ nhất khát vọng ấy của Dostoevsky.
S.Zweig đã nhận xét Dostoevsky là nhà văn có biệt tài miêu tả thế giới của sự khốn cùng - một thế giới ngột ngạt, tăm tối và yếm khí: “Thế giới ông mô tả, xin đừng quên, là một nhà ổ chuột đầy chấy rận, kề bên khe, toát ra sự nghèo cực bi thảm nhất và ngột ngạt nhất. Những quán hàng tồi tàn, hôi thối, bốc mùi bia và rượu trắng, phòng là cái “quan tài hẹp thiếu không khí, được ngăn ra bằng những liếp chắn bằng gỗ - không bao giờ ông đưa chúng ta vào một phòng khách, một khách sạn, một lâu đài, một cơ quan” [14, tr.68].
Không gian trong Tội ác và hình phạt của Dostoevsky cũng là sự ngự trị của một thế giới tù túng, chật hẹp – nơi con người lúc nào cũng cảm thấy thiếu không khí trong lành. Nói vậy không có nghĩa là không có những khoảng không gian rộng lớn và thoáng đãng. Tuy nhiên, sự xuất hiện của những khoảng không gian này là tương đối hiếm trong tác phẩm. Cũng bởi một lý do xuất phát từ bản thân mối quan hệ gắn bó của không gian và cốt truyện tư tưởng: Không gian tươi sáng, không gian của sự hài hòa và phục sinh là ước vọng cháy bỏng của các nhân vật trong tác phẩm. Vì vậy nó chỉ xuất hiện và tỏa sáng ở cuối tác phẩm khi nhân vật thực sự giác ngộ được chân lý về “cuộc đời sống động”, chân lý về tình yêu thương không phán xét.
1. Không gian tù túng, yếm khí
Nhiều nhà nghiên cứu khẳng định sự thống trị của kiểu không gian này trong tác phẩm của Dostoevsky: “Địa điểm hành động của tiểu thuyết là thành phố Peterburg. Đó là thành phố của những quán rượu, tầng hầm nặng mùi, “những khu không vườn, không đài phun nước, nơi bẩn thỉu, xú uế và đủ thứ kinh tởm”, nơi những “thợ may, thợ nguội, thợ nấu bếp, đủ loại người Đức, gái không chồng, viên chức nhỏ…” chen chúc nhau trong những ngôi nhà 5 tầng, trong những “hộp nhỏ xíu” tức là những căn phòng cho thuê đi thuê lại, trong đó không cẩn thận là “va đầu vào trần” [11].
Không gian tù túng trong Tội ác và hình phạt được miêu tả qua những căn phòng, ngưỡng cửa, cầu thang và cả thành phố Peterburg thời bấy giờ.
1.1. Những căn phòng – không gian bao chứa tư tưởng
Mỗi nhân vật trong Tội ác và hình phạt đều là chủ nhân những căn phòng của mình. Nhưng đúng như S.Zweig nhận xét đó không phải là những căn phòng sang trọng trong những khách sạn đắt tiền, đó chỉ là những căn phòng nhếch nhác, chật chội của những con người nghèo khổ nhất xã hội: Raskolnikov, Marmeladov, Sonia, Aliona, Lizaveta, Razumikhin… Điểm chung của tất cả các căn phòng này là đều nằm ở tầng cao nhất của tòa nhà (tầng thứ tư và sát mái). Ngay cả phòng của Aliona – mụ già cầm đồ, người cho vay nặng lãi mà Raskolnikov gọi là “con bọ bẩn thỉu” cũng nằm ở tầng 4. Không phải ngẫu nhiên các căn phòng trong tác phẩm đều gắn với con số 4. Số 4 vừa là một con số trong Kinh Thánh vừa là một số có ý nghĩa biểu trưng: Tầng 4 trên cao theo chiều dọc đối lập với 4 phương theo chiều ngang. Nhân vật sống ở những không gian hẹp, thiếu không khí (do càng lên cao) chứ không được thả sức tung hoành trong những khoảng không gian rộng (mở ra theo chiều ngang). Có lẽ đây chính là dụng ý của Dostoevsky khi gắn kết không gian với nhân vật, đặc biệt là những nhân vật mang tư tưởng.
Những căn phòng trong tác phẩm (với tính chất một không gian kín thực sự) là nơi hội họp, trò chuyện của các nhân vật và là nơi Raskolnikov hun đúc tư tưởng “tội ác” của mình.
Chúng ta không quên căn phòng của Marmeladov nơi Katerina Ivanovna tổ chức bữa tiệc tang linh đình để được một lần kiêu ngạo, lên mặt với những kẻ “danh giá” cùng trọ ở một nhà với mình. Đây là lần duy nhất trong tác phẩm tập hợp được hầu hết tất cả các nhân vật. Bữa tiệc tang diễn ra không theo đúng ý muốn của Katerina. Thay cho không khí trang nghiêm và thành kính đối với người đã khuất là không khí nhốn nháo, náo loạn, ầm ỹ được tạo nên bởi những người còn sống. Dostoevsky tạo ra một sự cười giễu khi miêu tả có độ chênh giữa mục đích và diễn biến thực sự của bữa tiệc diễn ra trong không gian nhỏ bé ấy. Katerina cãi nhau với Amalya (chủ nhà), Lebeziatnikov và Raskolnikov vạch trần bộ mặt đểu giả của Lugin để bênh vực Sonia khi hắn định lăng nhục nàng. Trong không gian ấy, tiếng cười, tiếng khóc, lời to tiếng, sự tự ái, ức chế… cùng bật lên một lúc, tạo ra một không khí mà Bakhtin gọi là không khí canaval. Theo Bakhtin “Dostoevsky gần như không bao giờ sử dụng không gian ở trong nhà, trong các căn phòng xa với đường ranh giới, tức là xa với ngưỡng cửa, tất nhiên ngoại trừ những cảnh scandal hoặc làm nhục nhau, khi không gian bên trong (của phòng khách, hoặc phòng ở) trở thành địa điểm thay thế cho quảng trường”[1, tr.157] (chính Bakhin khẳng định “vũ đạo chính của các hành động canaval là quảng trường”) [1, tr.125].
Trong cái không gian bên trong dành để ở này, Dostoevsky không miêu tả cuộc sống tiểu sử của nhân vật, nhà văn chú trọng làm nổi bật những cuộc đối thoại của các nhân vật, để cho những tư tưởng của họ tự do được bày tỏ. Không chỉ có căn phòng của Katerina, căn phòng của Raskolnikov cũng chứng kiến cuộc trò chuyện của Raskolnikov với Lugin (thực chất là sự đối chọi giữa triết lí vị kỷ “yêu hơn tất cả, chỉ một mình mình” của Lugin và triết lý “vị tha, vì người khác” của Raskolnikov), rồi cuộc chuyện trò của chàng với Svidigailov về tư tưởng của Raskolnikov và cả cuộc đối thoại lần thứ ba của Raskolnikov với Porfiri khi viên dự thẩm khuyên Raskolnikov đầu thú. Chúng ta cũng cần kể đến căn phòng của Porfiri nơi chứng kiến cuộc gặp gỡ Porfiri – Raskolnikov lần đầu. Tất cả khiến cho không gian căn phòng trong tiểu thuyết mang một sắc thái riêng, một nét khác biệt của Dostoevsky với các cây bút khác.
Điểm thành công hơn cả của tác giả khi xây dựng những căn phòng trong tiểu thuyết chính là ông đã khắc sâu trong lòng người đọc hình ảnh căn phòng của Raskolnikov – nơi nhân vật mài sắc như dao cạo hệ tư tưởng của mình.
Raskolnikov sống trong căn gác xép thuê lại ở áp mái của một tòa nhà 5 tầng. Dostoevsky miêu tả căn nhà của Raskolnikov rất chật hẹp “dài độ 6 bước”, “thấp đến nỗi người nào hơi cao một chút bước vào là thấy rờn rợn, cứ lo cộc đầu vào trần”, “giống một cái tù hơn một phòng ở”. Chính Raskolnikov gọi nó là “cái chuồng chó”, “góc xó”, “cái tủ”. Razumikhin thấy căn phòng ấy là “buồng tàu thủy giữa đại dương”. Mẹ của Raskolnikov nhận xét tinh hơn cả, bà cảm nhận nó giống như “một chiếc quan tài”. Trong “chiếc quan tài” ấy luôn luôn thiếu không khí, thiếu tính người. Ở đó Raskolnikov luôn luôn muốn gây sự với mẹ, với Razumikhin, với Dunia – những người chàng yêu thương, ở đó chàng đã thai nghén và cho ra đời bài báo “Về tội ác” bất hủ. Căn phòng Raskolnikov tiêu biểu cho không gian yếm khí trong tác phẩm, biểu trưng cho cả thành phố Peterburg – “buồng kín” (lời mẹ Raskolnikov).
Phạm Vĩnh Cư khẳng định căn phòng Raskolnikov chính là nơi nhân vật khủng hoảng thế giới quan nhân đạo, và “thai nghén” một ý đồ phản nhân đạo, nhà nghiên cứu còn nhấn mạnh: “quan tài trên mặt đất, quan tài – nhà ở, là tượng trưng cho sự cô thế tuyệt đối của con người giữa nhân gian” [3, tr.24].
Như vậy, những căn phòng được miêu tả trong Tội ác và hình phạt không hề có những nội thất của phòng ăn, phòng khách, phòng lớn, phòng làm việc, phòng ngủ, trong đó xảy ra cuộc sống tiểu sử như trong các tiểu thuyết của L.Tolstoy, Gontsarov hay Turgenev; đó là những căn phòng “chứa tư tưởng” hay nói chính xác hơn là những căn phòng “chứa nhân vật mang tư tưởng”.
1.2. Ngưỡng cửa, cầu thang, cửa sổ, hành lang…- không gian ngưỡng
Không gian ngưỡng là không gian mang tính chất ranh giới, chuyển tiếp giữa không gian này và không gian khác mà giữa chúng có những mặt đối lập nhau, tiêu biểu là giữa không gian tự nhiên và xã hội, không gian bên trong và bên ngoài…
Không gian ngưỡng trong Tội ác và hình phạt xuất hiện dưới dạng những ngưỡng cửa, cửa sổ, cầu thang, hành lang… Tại đây, những sự kiện quan trọng nhất của tiểu thuyết đã xảy ra. Cũng tại đây nhân vật bộc lộ những giằng xé quằn quại trong tâm tưởng. Không gian ngưỡng còn là cầu nối, là trung gian đưa các nhân vật của Dostoevsky vượt thoát không gian tù túng chật hẹp của những căn phòng để vươn tới không gian thoáng đãng, khoáng đạt (dù chỉ tạm thời).
Xét theo một khía cạnh nào đó, căn phòng của Raskolnikov không phải là một không gian khép kín hoàn toàn vì cửa phòng Raskolnikov không bao giờ khóa khi chàng ra ngoài. “Cái quan tài” ấy thông liền ra đầu cầu thang tạo ra một không gian mở nối liền với ngưỡng cửa và cầu thang – không gian ngưỡng của tác phẩm.
Căn phòng của Marmeladov cũng có tính chất gần như phòng của Raskolnikov. Gia đình Marmeladov sống trong một căn phòng dùng làm lối qua lại thông liền ra cầu thang (ở đây – nơi ngưỡng cửa Raskolnikov đã gặp các thành viên của gia đình Marmeladov khi chàng đưa nhân vật này về nhà).
Đọc kỹ tác phẩm chúng ta có thể sẽ ngỡ ngàng khi nhận thấy Raskolnikov giết mụ già cầm đồ Aliona không phải trong căn phòng (khép kín) của mụ mà tại một không gian mở, tức là có sự liên thông giữa căn phòng và ngưỡng cửa hành lang. Ngay sau khi bấm chuông, căn nhà của mụ già vẫn để ngỏ cửa, Raskolnikov không hề chú ý đến điều này khi chàng giết mụ già rồi lục tủ lấy tiền. Chàng chỉ giật mình khi thấy có người bước vào phòng. Và hành động giết người lần thứ hai – bổ lưỡi rìu xuống Lizaveta Raskolnikov cũng thực hiện khi cửa phòng đang mở, Lizaveta vừa mới về, mới bước từ bên ngoài (không gian an toàn) qua ngưỡng cửa vào bên trong (không gian chết chóc – trong trường hợp này). Đúng là phải có một sự may mắn đối với Raskolnikov khi chàng đã quá hớ hênh và nóng vội thực hiện hành động tội ác mà không biết rằng sự sơ ý của mình rất có thể sẽ làm hại mình. Cũng chính tại ngưỡng cửa nhà Aliona – Lizaveta (lúc này Raskolnikov đã giết Lizaveta và đóng cửa), Raskolnikov đã sống những giây phút khủng khiếp khi chàng phải đối mặt với những kẻ đến tìm Aliona đang tìm cách phá cửa vào nhà. Cũng chính tại ngưỡng cửa này Raskolnikov còn một lần nữa sống lại khoảnh khắc phạm tội khủng khiếp khi chàng vô tình lê bước chân “thăm lại hiện trường xưa” giờ đang được sửa sang lại trong một cơn mê sảng. Rồi cũng lại trên ngưỡng cửa hành lang, dưới ánh đèn, Raskolnikov đã lúng túng úp mở, thú nhận với Razumikhin tội ác của mình, không phải bằng lời mà bằng ánh mắt. Trên ngưỡng cửa, bên cánh cửa thông sang căn hộ bên cạnh Raskolnikov trò chuyện với thiên thần chung đôi ánh sáng của mình - Sonia, còn bên kia cánh cửa là Svidigailov đứng nghe lỏm cuộc chuyện trò của họ.
Ngưỡng cửa nhà Raskolnikov là nơi chứng kiến sự cô đơn, cảm giác cô độc “bị cắt rời ra khỏi thế giới” của chàng khi chàng không sao ôm hôn được mẹ và em gái, ngã sụp xuống sàn trước mặt họ hôm họ đến thăm chàng. Ngưỡng cửa nhà Marmeladov là nơi Sonia không dám bước vào, nàng dừng lại ở khung cửa hồi lâu cho đến khi Marmeladov gọi nàng vào từ biệt lần cuối… Như thế, ngưỡng cửa, khung cửa, không gian nối hai thế giới bên trong và bên ngoài lại chính là một kiểu không gian có ý nghĩa quan trọng trong tiểu thuyết. Bakhtin cũng đã khẳng định điều này: “Ngưỡng cửa, lối đi, hành lang, đầu cầu thang và cầu thang với các bậc lên xuống của nó, cửa thông ra cầu thang, cánh cổng trước sân và bên ngoài là thành phố với những quảng trường, phố xá, mặt tiền các nhà, các quán rượu, ổ gian phi, các cầu cống, mương rãnh – đó là không gian của cuốn tiểu thuyết này” [1, tr.158].
Hình ảnh cầu thang xuất hiện khá nhiều trong tác phẩm. Có tới 48 lần nhân vật chính Raskolnikov đi lên đi xuống cầu thang, trong đó có những lần gắn với những sự kiện quan trọng nhất của tiểu thuyết. Raskolnikov phải leo lên tầng 4 nhà Aliona trước khi giết mụ, rồi lại từ tầng 4 xuống tầng 1 để trốn thoát; sự lưỡng lự của Raskolnikov khi chàng đã leo lên cầu thang bước vào sở cảnh sát để tự thú rồi lại đi xuống, sau đó với ánh mắt khích lệ của Sonia chàng đã có đủ dũng khí để lại leo lên cầu thang và vào gặp Ilya Petrovich. Không gian cầu thang đã trở thành không gian biểu tượng. Quá trình đi lên đi xuống cầu thang là quá trình nhân vật băn khoăn, đấu tranh tư tưởng quyết liệt trước khi đưa ra quyết định cuối cùng. Cầu thang cũng mang tính chất của không gian ngưỡng, cũng là biểu tượng của ngưỡng cửa khi nó là chiếc cầu nối: vừa nối không gian bên trong – bên ngoài, vừa nối không gian bên trên – bên dưới. Đây không chỉ là không gian ngưỡng trong tư tưởng của Raskolnikov, đây cũng là nơi các nhân vật khác trong tiểu thuyết có những sự biến đổi trong tình cảm, trong nhận thức. Razumikhin, Dunia và mẹ Raskolnikov rất muốn rời khỏi căn phòng Raskolnikov, ra cầu thang cho thoáng tạm thoát khỏi sự chi phối của tư tưởng điên loạn của Raskolnikov. Raskolnikov cũng có lần có cảm giác như được hồi sinh và vui vẻ trở lại khi xuống cầu thang ra khỏi căn nhà của Marmeladov…
Vậy là, “bên trên, bên dưới, cầu thang, ngưỡng cửa, hành lang, đầu cầu thang có ý nghĩa của những điểm “xảy ra cơn khủng hoảng, sự thay đổi triệt để, bước ngoặt bất ngờ của số phận, nơi người ta có những quyết định, nơi người ta phải bước qua những giới hạn cấm, nơi người ta đổi mới hay là chết” [1, tr.157]. Cầu thang, ngưỡng cửa cùng với một số hình ảnh không gian khác sẽ làm thành một hệ thống những “điểm” hành động cơ bản – không gian quan trọng của tiểu thuyết.
1.3. Peterburg – không gian của sự khốn cùng
Bối cảnh cho câu chuyện “kỳ quái” về chàng sinh viên Raskolnikov được xây dựng trên nền không gian Peterburg - Thủ đô của nước Nga Sa hoàng những năm 1860. Nhưng Peterburg trong Tội ác và hình phạt không phải là thành phố của giới quý tộc và thượng lưu “mà của dân nghèo với những ngõ phố hôi hám rác rưởi, những căn nhà thuê tối tăm, chật hẹp, những quán rượu bẩn thỉu, những tiệm nhảy chen chúc, những buồng tiếp khách lạnh lẽo của các cô gái điếm và sở cảnh sát đông nghịt người nghèo bị giam giữ, thành phố của những sinh viên nghèo túng phải bỏ học và những viên chức bị sa thải, những bà mẹ đánh mắng lũ con kêu khóc vì đói và những cô gái bán mình để nuôi gia đình, và cạnh đó là những mụ già cho vay với tỉ lệ lãi cắt cổ, những tên lưu manh sống bằng nghề tố tụng, những kẻ buôn đi bán lại “hàng hóa sống” [3, tr.18]. Phạm Vĩnh Cư đã thâu tóm hầu hết tất cả những không gian khốn cùng trong thành phố và định danh là “Peterburg của những kẻ hạ lưu”. Chúng ta dần dần thấy hiện lên những Raskolnikov, Marmeladov, Katerina, Sonia, Aliona, Lugin và cả Svidigailov. Tất cả làm nên một diện mạo hết sức chân thực về thủ đô của Sa hoàng, khác xa cái thủ đô của những kẻ quý tộc giả dối, ăn chơi xa xỉ, trác táng. Đây là thủ đô của những kẻ “không còn nơi nào để đi”, thủ đô của một thế giới đã đến ngưỡng cần phải được thay đổi. Peterburg trong tác phẩm cũng tù túng và yếm khí giống như căn phòng của Raskolnikov: “Anh con đang vội đi đâu đấy. Thôi để cho nó ra ngoài một tí cho nó thoáng mà thở, chứ cứ ở trong buồng nó thì phát ngột lên ấy… Nhưng ở trong cái thành phố này thì lấy đâu ra không khí mà thở kia chứ? Ở ngoài phố mà cứ y như ở trong buồng kín. Trời, thành với phố!” [8]. Peterburg chính là hình ảnh phóng to căn phòng của Raskolnikov. Grossman đã nhận ra hậu quả tất yếu của con người khi sống trong không gian ấy: “Những ngôi nhà nhiều tầng, những hẻm nhỏ, những góc phố đầy bụi, những chiếc cầu cong như cái lưng gù – tất cả cấu trúc phức tạp của một thành phố lớn khoảng giữa thế kỷ đang lớn lên là một sức nặng nghiệt ngã đè bẹp con người mơ mộng luôn mơ ước về những quyền hạn vô biên và khả năng của một người trí thức cô đơn” [4, tr.476].
Peterburg theo cái nhìn của Dostoevsky hiện lên rõ nét qua hình ảnh của những quán rượu, những quảng trường, những đường phố và cả căn nhà của những cô gái điếm. Tất cả đều tiêu biểu cho thế giới đầy tội lỗi và bất hạnh.
Quán rượu chính là nơi Raskolnikov cảm thấy ghê tởm nhất. Tại một quán rượu vốn là tầng hầm của một tòa nhà Raskolnikov đã chứng kiến câu chuyện thương tâm của Marmeladov, chứng kiến cả sự cười giễu con người khốn khổ của đám đông. Marmeladov trở thành kẻ tiêu khiển mua vui cho chính đồng loại xung quanh mình. Cũng tại một quán rượu trong khu chợ Hàng Rơm – khu của những người nghèo, Raskolnikov đã tình cờ nghe được câu chuyện trao đổi giữa một sinh viên và một sỹ quan về việc giết mụ Aliona. Từ đó mài sắc thêm, củng cố thêm quyết tâm giết người của Raskolnikov. Dostoevsky nhận ra một sự thật nghiệt ngã đằng sau chi tiết có vẻ đầy ngẫu nhiên và tiền định ấy: đây không phải là tư tưởng của riêng bản thân Raskolnikov, nó còn là tư tưởng phổ biến trong đầu óc hầu hết những thanh niên thời bấy giờ. Sau này, trong giấc mơ hoài niệm về quá khứ, Raskolnikov cũng đối lập không gian quán rượu xô bồ, bẩn thỉu, ẩm thấp với nghĩa địa và nhà thờ - không gian của sự thanh khiết, trong sạch và cứu rỗi.
Quảng trường là không gian ít xuất hiện trong tác phẩm. Thực ra, quảng trường trong tiểu thuyết của Dostoevsky đã được Bakhtin nhận định dưới hình bóng của những căn phòng nơi diễn ra những tấn kịch, những vụ scandal. Lần duy nhất quảng trường được tác giả miêu tả trực tiếp ấy là khi Raskolnikov nghe theo lời của Sonia ra quảng trường hôn đất để sám hối trước Chúa và quan trọng hơn cả là “trước mọi người” (tức là nhân dân) rồi ra đầu thú, nhận án đi đày. Quảng trường ở đây đã là biểu tượng cho thế giới của nhân dân.
Trong tác phẩm của mình Dostoevsky cũng tập trung khá kỹ miêu tả những đường phố Peterburg khi nó thật có ý nghĩa với nhân vật.
Đường phố trong Tội ác và hình phạt chứng kiến nhân vật vượt ra khỏi những căn phòng hẹp và trần thấp để hòa vào các khu phố ồn ào. Raskolnikov không ít lần tìm đến đám đông, tìm sự thanh thản, tạm thời giải phóng đầu óc khỏi những giằng xé tư tưởng. Sonia đã phải chịu nhận sự hi sinh trên đường phố vì gia đình. Marmeladov chết vì bị say rượu, đâm vào xe ngựa trên đường phố. Đường phố cũng chứng kiến cơn điên loạn của Katerina khi muốn đòi lại công bằng cho mình và các con, sau đó thổ huyết trên mặt đường. Svidigailov tự sát bằng súng lục trên đại lộ ngay trước tháp canh, trên quảng trường Xennoi vào một buổi sáng mùa đông ẩm ướt và ảm đạm. Raskolnikov sám hối trước toàn thể nhân dân trên đường phố - quảng trường. Đường phố Peterburg, không nghi ngờ gì nữa, chính là một chứng nhân quan trọng nhất cho những sự “trừng phạt tất yếu” mà nhân vật phải gánh chịu vì hành động của mình.
Trong tiểu thuyết, Dostoevsky cũng vẽ lên khuôn mặt của những cô gái điếm cùng nơi ở tồi tàn của họ. Bị cả xã hội khinh miệt và phân biệt bằng tấm thẻ vàng, những con người ấy bị chia tách hẳn với gia đình. Họ sống trong một khu riêng, có những sinh hoạt riêng. Cuộc sống của họ cũng không thiếu những cảm giác của đói, khát, sự sỉ nhục… Raskolnikov một lần đi lạc vào khu ở của những cô gái này và chứng kiến tình cảnh khốn khổ của họ. Tình cảnh ấy khiến chàng liên tưởng tới câu chuyện về con người nguyện được sống dù chỉ trên một thước không gian: “Không biết mình có đọc ở đâu, - Raskonikov nghĩ thầm trong khi dời bước, - không biết mình có đọc ở sách nào có đoạn nói một người bị xử tử hình, một giờ trước khi chết, có nói hay nghĩ rằng ví thử có phải sống ở một nơi nào cao ngất, trên một tảng đá hẹp chỉ vừa đặt hai bàn chân, còn xung quanh là vực thẳm, là đại dương, là bóng đêm vô tận, cô đơn vĩnh viễn và bão táp không cùng, và cứ phải đứng co ro như thế suốt đời. Chẳng nghìn năm, mãi mãi, thì thà sống như thế vẫn còn hơn là phải chết bây giờ! Miễn sao được sống, sống và sống! Sống thế nào cũng được, miễn là sống! Đúng quá! Trời ơi, đúng quá đi mất!” [8]. Nhưng tất nhiên, qua ước nguyện “nhỏ nhoi” ấy của những nhân vật trong tiểu thuyết (cả những cô gái điếm - dù họ không ý thức được điều này và Raskolnikov – lúc chàng quyết định đi tự thú), chúng ta hiểu rằng con người không thể sống trên “một thước không gian” mà không có hi vọng vào một cuộc sống tốt đẹp hơn đang chờ phía trước.
Peterburg, như thế, hiện ra như là một bộ phận không thể tách rời không chỉ của riêng tấn bi kịch cá nhân Raskolnikov mà còn là bi kịch chung của rất nhiều người – những con người dưới đáy xã hội. Một Peterburg đúng như nó tồn tại trong thực tại thời đại ấy đã được vẽ lên trong tác phẩm. Với bức tranh này Dostoevsky xứng đáng với danh hiệu của một nhà hiện thực nghiệt ngã. Chính Dostoevsky cũng có lần tâm sự: “Thành phố Peterburg buồn bã, bẩn thỉu và hôi thối vào mùa hè này rất hợp với tính khí của tôi và thậm chí có thể nói rằng nó đã tạo cho tôi những cảm hứng “giả tạo” để viết cuốn tiểu thuyết” [Dẫn theo Grossman; 4, tr. 475].
2. Giấc mơ - không gian của những hồi ức và dự cảm tương lai
Bakhtin trong Những vấn đề thi pháp Dostoevsky đã xác nhận sự tồn tại của một Peterburg ảo trong tác phẩm Tội ác và hình phạt: “Cũng rất tiêu biểu là ngay cả địa điểm hành động trong tiểu thuyết cũng nằm trên ranh giới giữa tồn tại và hư vô, giữa hiện thực và ảo ảnh … Và Peterburg dường như mất đi cơ sở bên trong của một sự ổn định chính đáng, nó cũng đang đứng trước một cái gì sắp xảy ra” [1, tr.154].
Peterburg ảo theo cách nói của Bakhtin là một thành phố không xuất hiện trong cuộc đời thực mà hiện ra trong cơn mê sảng của Raskolnikov. Hình ảnh Peterburg trong mơ được tái hiện qua cơn mê sảng của Raskolnikov về hành vi thực hiện lại tội ác của chàng. Sau lần đầu gặp Pofiri và sự xuất hiện của người tiểu thị dân bí ẩn với câu nói “quân giết người”, Raskolnikov mơ lại giấc mơ khủng khiếp mà thực tế đã xảy ra. Hình ảnh mụ già cười ngạo nghễ mỗi khi Raskolnikov giáng rìu xuống đầu mụ ta khiến chàng thực sự bối rối và sợ hãi. Raskolnikov “toan bỏ chạy, nhưng phòng ngoài đã đông nghịt những người, cánh cửa cầu thang đã mở toang và ở đầu cầu thang, dọc cái bậc cấp, từ trên xuống dưới lố nhố những người, chỉ thấy lúc nhúc những đầu là đầu. Mọi người đều nhìn chàng nhưng lại tìm cách giấu mặt và nín lặng chờ đợi… Tim chàng thắt lại, chân chàng không nhấc lên được, tưởng như đã bắt rễ xuống… Chàng muốn kêu lên một tiếng…và tỉnh giấc” [8). Trong giấc mơ này của Raskolnikov, chúng ta nhận thấy có sự lặp lại của những khoảng không gian ngưỡng rất quan trọng trong tác phẩm: cầu thang, cánh cửa. Như đã nhấn mạnh đây chính là những không gian có ý nghĩa quan trọng đối với tư tưởng của nhân vật. Peterburg ảo có lẽ được đặc trưng bởi kiểu không gian mang đậm tính chất tượng trưng này.
Trong mơ, Raskolnikov không chỉ tái hiện một không gian Peterburg. Giấc mơ đầu tiên của chàng về con ngựa còm cố lê bước kéo cỗ xe chở nặng trong khi bị đánh không chỉ là ẩn dụ cho một nhân loại đang hấp hối mà còn là sự hoài niệm quá khứ và sự thức tỉnh con người vị tha trong Raskolnikov. Raskolnikov muốn đi tìm một nơi không khí trong lành ở xa trung tâm. Ở nơi ấy, chàng mơ một giấc mơ kỳ lạ. Trong mơ, chàng được trở lại tuổi thơ – là chú bé con Rodion. Trong mơ, Raskolnikov thấy mình xuất hiện tại quê chàng (một tỉnh lẻ), thấy sự đối lập trong nhận thức của mình về hai không gian: Quán rượu và nhà thờ, nghĩa trang. Trong thâm tâm Raskolnikov, quán rượu là nơi tập trung tất cả những gì xô bồ nhất, bẩn thỉu nhất, lố bịch nhất do đó là nơi cậu bé Rodion vô cùng ghê tởm. Nhưng trái lại, cậu bé luôn có cảm giác bình yên khi được đi qua nghĩa địa và nhà thờ. Nghĩa địa nơi an nghỉ của những linh hồn đã về với Chúa, chỉ có sự bình an tuyệt đối và sự thanh thản. Còn nhà thờ - nơi Chúa ngự trị - lại chính là thế giới của sự cứu rỗi, phục tùng, trong sạch. Raskolnikov chợt thấy dễ thở hơn: “Chàng có cảm giác như vừa vứt bỏ được gánh nặng khủng khiếp đã trĩu lên chàng bấy lâu, và lòng chàng bỗng thấy thanh thoát và yên tĩnh” [8]. Chàng cầu nguyện trở lại, lần đầu tiên sau bao ngày “quên” Chúa để nung nấu ý tưởng: “Hãy chỉ đường cho con, con sẽ từ bỏ cái … ước mơ đáng nguyền rủa ấy” [8].
Chỉ trong một khoảnh khắc của thời gian, tất cả không gian – thời gian quá khứ, tuổi ấu thơ của Raskolnikov chợt trở về sống động và yên bình. Chàng thấy lại cậu bé Raskolnikov mộ đạo xưa kia, từng giang tay ôm vào lòng con ngựa còm khốn khổ, từng giơ nắm tay bé xíu đấm vào người đàn ông nông dân lực lưỡng. Rodion không thể cứu sống con ngựa, tình yêu thương của một mình cậu không đủ để thay đổi thế giới. Cậu bất lực nhưng, trái lại cậu còn tìm được sự an ủi. Đó là Chúa, là niềm tin vào tình yêu thương không phán xét của Chúa sẽ cứu rỗi tất cả mọi người. Lòng mến yêu khung cảnh thiên nhiên chốn làng quê (hình ảnh của nghĩa địa và nhà thờ) đối lập với sự ghê tởm không gian chốn thị thành (hình ảnh quán rượu) đã thanh lọc tâm hồn Raskolnikov, tạm thời giải phóng chàng khỏi tư tưởng tội ác, giúp chàng sống thật với con người vị tha, mộ đạo của mình như trong thời thơ ấu.
Trong tác phẩm còn xuất hiện giấc mơ của Raskolnikov về ngày tận thế, ngày phán xét cuối cùng. Đây là hình ảnh của tương lai đang đến – một tương lai đã được tiên cảm trước, một tương lai nảy sinh từ chính tư tưởng và hiện thực tâm trạng của Raskolnikov: “Chàng mơ thấy cả thế giới bị trời phạt phải làm mồi cho một nạn dịch khủng khiếp, chưa từng nghe, chưa từng thấy, từ trung tâm châu Á tràn sang châu Âu. Mọi người đều sẽ phải chết, trừ một số ít người được lựa chọn [...] Nhưng chưa bao giờ có ai lại cho mình là thông minh, là nắm vững được chân lý như những người nhiễm bệnh. Chưa bao giờ người ta lại tin tưởng vào những lời phán xét, những biện luận khoa học, những quan niệm luân lý, những tín ngưỡng một cách tuyệt đối, cực đoan như vậy. Hàng loạt những làng mạc, những thành phố, những dân tộc bị nhiễm bệnh và lên cơn điên rồ. Mọi người đều hoảng hốt lên, chẳng ai hiểu nhau. Ai nấy đều cho rằng chỉ có một mình mình nắm được chân lý, và nhìn những người khác mà đấm thùm thụp vào ngực khóc lóc vặn tay vào nhau. Họ không còn biết phê phán ai và phê phán như thế nào, họ không thể thỏa thuận được với nhau xem cái gì là thiện, cái gì là ác[…] Có một điều làm cho Raskolnikov rất khổ tâm là giấc mơ vô nghĩa lý ấy đã khắc sâu vào trí não của chàng thành những kỷ niệm buồn rầu và đau đớn” [8].
Không gian xuất hiện trong những giấc mơ của Raskolnikov chính là sự ảnh xạ của một thế giới thực đầy khắc nghiệt, sự hoài niệm về một quá khứ thanh bình yên ả và dự cảm về một tương lai đầy buồn thương và đen tối – ngày phán xét cuối cùng …
Tất cả những điều ấy chứng minh Dostoevsky không chỉ là nhà hiện thực nghiệt ngã mà còn là “nhà tiên tri thấu thị”. Đây chính là tầm vóc, cũng là điểm làm nên sự vĩ đại của Dostoevsky trong thế kỷ XX cho đến ngày nay.
3. Không gian tươi sáng, hài hòa, thoáng đãng
Như đã khẳng định, không gian tươi sáng, hài hòa và thoáng đãng xuất hiện khá hiếm hoi trong tác phẩm. Đó chỉ là những mảng màu sáng thi thoảng trồi lên trên nền đen xám u tối của toàn bộ không gian tiểu thuyết. Tuy ít nhất nhưng đây lại là những không gian có ý nghĩa lớn đối với nhân vật. Không phải ngẫu nhiên nhân vật của Dostoevsky luôn luôn khao khát không khí để thở. Raskolnikov khao khát hít thở dù là “bầu không khí hôi hám, bụi bặm, nhiễm bẩn của thành phố”. Hơn một lần Porfiri nói với Raskolnikov: “Cậu cần một chút không khí, không khí”. Raskolnikov thực sự thích bầu không khí ướt át còn Svidigailov – nhân vật chung đôi của chàng lại rất sợ bầu không khí này.
Raskolnikov luôn luôn muốn tìm đến những khoảng không gian rộng, thoáng để xoa dịu cơn kịch chiến tư tưởng. Chàng say sưa nhìn ngắm và thưởng ngoạn cảnh hoàng hôn tráng lệ bên bờ sông Neva, cảm thấy sự tự do của tâm hồn được giải thoát: “Đi qua cầu, chàng bình tĩnh nhìn con sông Neva, nhìn vầng thái dương đỏ rực đang khuất bóng. Tuy có suy nhược, chàng hầu như không cảm thấy người mệt mỏi. Tưởng chừng như cái ung nhọt đã tấy lên trong tim chàng suốt tháng nay bỗng vỡ tung ra. Tự do!Tự do! Bây giờ chàng đã thoát ra khỏi ma lực của những bùa mê, những pháp thuật quái đản ấy” [8].
Có lẽ tất cả khung cảnh tươi sáng nhất của tác phẩm được Dostoevsky dồn vào cảnh thiên nhiên cuối cùng - cảnh phục sinh tinh thần của Raskolnikov trên “thảo nguyên mênh mông, chan hòa ánh nắng” vào một ngày sáng và ấm ở Sibir sau cuộc phiêu lưu tư tưởng đầy đau khổ. Grossman say sưa ca ngợi khung cảnh này “Bi kịch tư tưởng xuất hiện trong căn phòng ngột ngạt ở Peterburg, chật chội như một cái quan tài đã được giải quyết trên bờ sông Irơtuc ngập nước, trên những thảo nguyên mênh mông của nước Nga. Một Raskolnikov mới được nỗi đau khổ rửa sạch bụi đời để cho tâm hồn mình đi vào” vương quốc của lý trí, ánh sáng, ý chí, sức mạnh”, nguyện phục vụ cho Tổ quốc vĩ đại. Quyển sách vĩ đại viết về sự sụp đổ và tái sinh của một con người, đã hình thành nhiệm vụ mở ra những con đường đi đến một cuộc sống mới” [4, tr. 447].
Tại miền đất xa xôi, hẻo lánh tận cùng của nước Nga, Raskolnikov đã thức tỉnh ý thức về “cuộc đời sống động”, chàng nhận ra tình yêu của mình với Sonia. Lần này, Raskolnikov quỳ xuống ôm lấy chân Sonia, không phải quỳ trước nỗi đau khổ của toàn nhân loại, mà quỳ trước một Sonia bằng xương bằng thịt - quỳ trước tình yêu đích thực của mình. Thiên nhiên hùng vĩ của thảo nguyên Sibir tự do đã chứng kiến sự cứu rỗi, hồi sinh của Raskolnikov. Dostoevsky vui sướng ghi lại khoảnh khắc hạnh phúc của cả Raskolnikov và Sonia: “Trên gương mặt ốm yếu và xanh xao của họ ánh lên buổi bình minh của một tương lai mới lại, một sự phục sinh hoàn toàn cho cuộc sống mới. Tình yêu đã làm cho họ sống lại…” [8].
Một cuộc sống mới đã đến, thay thế cho những suy luận trừu tượng. Khát vọng của Dostoevsky về sự hài hòa trong tiểu thuyết đã có câu trả lời. Niềm tin vào tương lai đã cân bằng những đau khổ, dằn vặt trong quá khứ. Dù không được biết Raskolnikov sẽ giải quyết tư tưởng của mình như thế nào nhưng người đọc tin tưởng vào một tương lai tươi sáng phía trước mà Dostoevsky định hướng tới trong kết thúc mở của tiểu thuyết. Stefan Zweig đã nhận ra đây chính là đặc điểm nổi bật có giá trị thanh lọc của các tác phẩm của Dostoevsky: “Ở phần kết thúc của tất cả các tiểu thuyết của Dostoevsky, chúng ta tìm thấy sự thanh tâm của bi kịch Hy Lạp, một sự lọc trong rất lớn. Ở bên kia những cơn giông tố đang ra xa và trong không khí đã được làm mát dịu, hào quang của chiếc cầu vồng rực rỡ, biểu tượng của sự hòa giải Nga” [14, tr.58].

Như vậy, nhìn lại tất cả những kiểu không gian nghệ thuật được Dostoevsky miêu tả trong Tội ác và hình phạt, độc giả sẽ nhận ra sự vận động thú vị của các kiểu không gian nghệ thuật trong tác phẩm. Đầu tiên là sự xuất hiện của những không gian nhỏ bé: một căn phòng, ngưỡng cửa, cầu thang, rồi đến những khoảng không gian rộng hơn: đường phố, quảng trường và cuối cùng là cả một thành phố Peterburg - thành phố của cuộc sống khốn cùng. Peterburg, như một vũ trụ thu nhỏ thâu tóm cuộc sống của cả nhân loại đau khổ dưới con mắt nhìn của Dostoevsky. Những kiểu không gian này đa phần được miêu tả trong sự tương phản đầy ý nghĩa tạo thành những biểu tượng chuyên chở tư tưởng cùng khát vọng đổi thay của nhân vật. Có thể kể đến cặp không gian căn phòng của Raskolnikov - “chiếc quan tài” và nghĩa địa – “nơi Raskolnikov lấy lại được sinh khí” hay Peterburg - vũ trụ yếm khí, thiếu sinh lực, tù túng và thảo nguyên Sibir - không gian tươi tắn, thoáng đãng, nơi phục sinh tâm hồn con người (ở đây cụ thể là Raskolnikov)...
Cũng có thể kể đến một sự vận động theo một chiều hướng khác của không gian song song với sự vận động của tư tưởng nhân vật chính Raskolnikov. Đó là sự vận động tư tưởng Raskolnikov từ không gian hẹp (căn phòng), ra không gian ngưỡng qua không gian tâm tưởng và cuối cùng là đến cái đích cuối cùng: không gian thoáng đãng và tươi sáng. Sự vận động của các kiểu không gian trong tác phẩm phản ánh rõ nét sự gắn bó của không gian với cốt truyện tư tưởng đặc biệt là với diễn biến ý thức ở nhân vật. Mỗi lần chuyển đổi không gian là một lần nhân vật có sự đổi thay, dao động trong tư tưởng. Có thể từ tâm trạng bức bối sang nhẹ nhõm khi thoát ra khỏi một không gian tù túng ngột ngạt, cũng có thể từ tâm trạng thoải mái trở lại trạng thái dằn vặt, đau khổ khi nhân vật trở lại những nơi nuôi dưỡng và bao chứa tư tưởng yếm thế của mình. Đây dường như là nét riêng độc đáo chỉ có ở các văn hào Nga nói chung và đặc biệt là ở Dostoevsky nói riêng. Nguyễn Kim Đính đã có nhận xét rất tinh tường: “Ở tác phẩm này nghệ thuật của Dostoevsky thực sự vượt lên một tầm cao mới, tạo được trong ‘thực tế thẩm mỹ’ của tác phẩm sự hài hòa cân đối giữa việc khắc họa những diễn biến phức tạp trong ‘đáy sâu’ của tâm lý, ý thức nhân vật và việc tái hiện hoàn cảnh, môi trường xã hội đã làm nảy sinh và liên tục tác động những diễn biến đó” [10, tr. 368]. Sự chuyển đổi của không gian gắn với vận động tư tưởng của Raskolnikov đến chỗ đạt tới sự phục sinh và hạnh phúc chính là biểu hiện cao nhất của nghệ thuật cân bằng mâu thuẫn và khát khao hài hòa của nhà văn.
Thế kỷ XX đã qua đi với biết bao những đổi thay của tâm lý con người, thế kỷ XXI đang đến với biết bao những dự báo về sự biến động không ngừng của cả đời sống vật chất và tinh thần nhân loại, Nhưng, có một điều những con người của cả thế kỷ cũ và thế kỷ này vẫn đang day dứt và khao khát: đạt tới cuộc sống thực sự bình an và hài hòa. Không phải ngẫu nhiên con người của thế kỷ này lại say sưa tìm về với tôn giáo, với những tác phẩm văn học chứa đựng khát vọng của họ. Thế giới vốn đầy rẫy mâu thuẫn, chắc chắn đạt tới một sự hài hòa tuyệt đối là điều không tưởng nhưng những tác phẩm của Dostoevsky vẫn mãi được bạn đọc trân trọng bởi chúng hướng con người đấu tranh để vươn tới một xã hội tốt đẹp hơn. “Chừng nào còn có Con Người trăn trở với khát vọng hài hòa trong một xã hội mâu thuẫn, người ta còn phải tìm đến Dostoevsky” [Đỗ Hải Phong, 11, tr.20] – có lẽ, đó là một trong những đánh giá xác đáng nhất đối với những gì Dostoevsky để lại cho đời.

Tài liệu tham khảo
[1] M.Bakhtin (1993), Những vấn đề thi pháp Dostoevsky (Trần Đình Sử, Lại Nguyên Ân, Vương Trí Nhàn dịch), Nxb. Giáo dục, Hà Nội.
[2] Phạm Vĩnh Cư (2001), “Dostoevsky sự nghiệp và di sản”, Tạp chí Văn học nước ngoài, số 6.
[3] Phạm Vĩnh Cư (1982), “Lời giới thiệu”, trong F.M.Dostoevsky, Tội ác và trừng phạt (Cao Xuân Hạo dịch, tập 1), Nxb. Văn học, 1982.
[4] L.Grossman (1998), Dostoevsky cuộc đời và sự nghiệp, Nxb.Văn hóa, Hà Nội.
[5] Lê Hồng Hà (2001), “Bản ngã thứ hai – phương thức thể hiện nội tâm nhân vật của Dostoevsky”, Tạp chí Văn học nước ngoài, số 6.
[6] Nguyễn Hải Hà (2002), “Khát vọng hài hòa” (Văn học Nga sự thật và cái đẹp), Nxb. Giáo dục, Hà Nội.
[7] Nguyễn Hải Hà (2005), Thi pháp tiểu thuyết Tolstoy, Nxb. Giáo dục, Hà Nội.
[8] Cao Xuân Hạo, Tội ác và hình phạt (văn bản từ vnthuquan.net). Nguồn:
https://vnthuquan.net/truyen/truyen.aspx?tid=2qtqv3m3237n4nqnqn1n31n343tq83a3q3m3237nvn
[9] Nguyễn Thái Hòa (2006), Từ điển tu từ - phong cách – thi pháp học, Nxb. Giáo dục, Hà Nội.
[10] Nhiều tác giả (2003), Lịch sử văn học Nga, Nxb. Giáo dục, Hà Nội.
[11] Đỗ Hải Phong (2006), F. M. Dostoevsky – Tác gia tác phẩm văn học nước ngoài trong nhà trường (Lê Nguyên Cẩn chủ biên), Nxb. Đại học Sư phạm, Hà Nội.
[12] Trần Đình Sử (2003), Giáo trình dẫn luận thi pháp học, Nxb. Giáo dục, Hà Nội.
[13] Trần Đình Sử, Lê Bá Hán, Nguyễn Khắc Phi (2006), Từ điển thuật ngữ văn học, Nxb. Giáo dục, Hà Nội.
[14] Stefan Zweig (1998), Ba bậc thầy văn chương Dostoevsky, Balzac, Dickens (Nguyễn Dương Khư dịch), Nxb. Giáo dục, Hà Nội.

Post by: Vu Nguyen HNUE
19-10-2020