Văn học dân gian

Nét độc đáo của câu đố dân gian Đồng bằng sông Cửu Long


10-10-2020

Trong Văn học dân gian Đồng bằng sông Cửu Long (Khoa Ngữ văn Trường Đại học Cần Thơ - NXB Giáo Dục, 1999) có hơn hai trăm câu đố đề cập đến nhiều mảng hiện thực khách quan như về các hiện tượng trong vũ trụ; về thực vật, động vật; về người và hoạt động của con người; về đồ vật. Một số câu đố chúng tôi từng gặp trong kho tàng câu đố ở miền Bắc, miền Trung (theo thống kê của chúng tôi thì ít nhất có khoảng 15 câu), có lẽ đây là hiện tượng giao thoa ngôn ngữ, giao thoa văn hóa giữa các vùng hoặc cũng có thể là lý do ở nguồn gốc dân cư. Tuy nhiên, cũng có nhiều câu đố mang những nét đặc trưng của Đồng bằng sông Cửu Long, là đặc sản của vùng đất này.

Ngoài đặc điểm về tính vần vè, dễ nhớ; sử dụng biện pháp tu từ nhân hóa, ẩn dụ và tính chất giàu hình ảnh của câu đố dân gian nói chung, câu đố dân gian Đồng bằng sông Cửu Long cũng rất đa dạng về số lượng câu chữ: có câu chỉ một dòng, câu dài nhất có tới 10 dòng.

Tìm hiểu câu đố dân gian Đồng bằng sông Cửu Long không chỉ là tìm hiểu về ngôn ngữ, văn hóa, văn học... của vùng đất nhiều lúa gạo, cây trái, cá tôm này mà còn tìm hiểu về đặc điểm tri nhận của con người nơi đây.

1- Đặc điểm sự vật, hiện tượng được chọn để ra đố

Đặc điểm tri nhận của người Nam bộ được thể hiện rất rõ trong cách chọn những đặc điểm của sự vật, hiện tượng được đố. Cách liên tưởng giữa sự vật, hiện tượng được đố và sự vật, hiện tượng làm “bức rèm” che giấu cũng có những nét riêng.

Chẳng hạn, khi đố về trái dừa, Bắc bộ đố:

Chân không đến đất,

Cật không đến trời

Lơ lửng giữa trời

Mà trong có nước (1)

Người Tây Nam bộ đố:

Một vũng nước trong

Ba con cá lòng tong lội không tới (2)

Hay:

Sông không đến, bến không vào

Lơ lửng giữa trời làm sao có nước (3)

Hoặc:

Trên trời có giếng nước trong

Con kiến không lọt, con ong không vào (4)

Rõ ràng, người Bắc bộ chú ý tới đặc điểm vị trí (“lơ lửng giữa trời”) của đối tượng được đố và liên tưởng tới một sự vật có đặc điểm tương cận là động vật (chân, cật). Người Tây Nam bộ cũng chú ý tới đặc điểm vị trí (như ở câu đố 3), nhưng còn để tâm tới cả đặc điểm đóng kín của sự vật được đố (ở đây là trái dừa): Ba con cá lòng tong lội không tới (ở câu đố 2), Con kiến không lọt, con ong không vào (ở câu đố 3). Sự liên tưởng đến sự vật khác làm “bức rèm” che giấu cũng khác với câu đố (1): “Một vũng nước trong” và “giếng nước trong”.

Ở câu đố về cây chuối chẳng hạn, nếu ở phía Bắc người đố tập trung chú ý vào đặc điểm cấu tạo nhiều bẹ, nhiều lá của cây:

Áo đơn áo kép

Đứng nép bờ ao.

thì người Đồng bằng sông Cửu Long lại tập trung chú ý đến đặc điểm sinh trưởng của cây để ra đố:

Nhà giàu có mấy chiếc tàu

Con ở dưới đất, mẹ sanh trên đầu.

Ở một câu khác, người Tây Nam bộ chú ý tới hình thức bề ngoài của cây để đố:

Cây không bào mà trơn

Bông không sơn mà đỏ.

Câu đố về trăng của hai vùng đất cũng khác nhau:

- Một mẹ sinh được vạn con

Sáng ra chết hết chỉ còn mình cha

Mặt mẹ như gương như hoa

Mặt cha nhăn nhó chẳng ma nào nhìn. (1)

- Thoạt đẻ thì mọc hai sừng

Đến khi lưng chừng thì ễnh bụng ra. (2)

- Có ai mặt đẹp như hoa

Từ bên nước Sở sang qua nước Tần

Mười lăm, mười sáu thì về

Từ ba mươi tuổi chớ hề vãng lai. (3)

Ta thấy, giống người Bắc bộ (câu đố 1), người Tây Nam bộ (câu đố 2 và 3) cũng ví mặt trăng như gương mặt người con gái đẹp. Có lẽ màu của mặt trăng được con người thuộc mọi dân tộc trên thế giới đều tri giác đầu tiên; chẳng hạn, người Nga đã đố về mặt trăng: “Miếng pho mát ở trên cao mà mèo không ăn được”. Ở hai câu sau, ta thấy người Tây Nam bộ lại chú ý thêm về thời điểm xuất hiện và không xuất hiện của trăng. Có một câu đố khác về mặt trăng, người Bắc bộ cũng chú ý tới thời điểm nhưng lại chú ý ở rất nhiều thời điểm khác nhau của trăng:

Lên một lên hai

Còn đang bé nhỏ

Lên ba lên bốn

Mới tỏ ra người

Lên chín lên mười

Còn đang tươi tốt

Hai mươi, hăm mốt

Mắc bệnh ốm hao

Hai ông thiên tào

Định ba mươi chết.

Câu đố này đã so sánh trăng với sự sinh trưởng của thực vật, còn ở câu (2) và (3) của Tây Nam bộ thì trăng lại được ví như là sự trưởng thành của con người.

Khi đố về con ruồi, một bên ví nó như người quân tử, một bên ví với hạt đỗ:

- Quân tử nhỏ, quân tử khôn

Rạng ngày đến cửa ngọ môn,

Trai lành, gái đẹp cũng đặng hôn,

Món ngon vật lạ cũng đến sớm.

(Tây Nam bộ)

- Bằng hạt đỗ, ăn giỗ cả làng. (Bắc bộ)

Chúng ta còn thấy sự tri nhận của con người về sự vật được đố giữa các vùng đất không giống nhau ở nhiều ví dụ khác nữa. Sự khác biệt đó không chỉ do nét tâm lý, lối tư duy riêng tạo nên mà còn do cả môi trường sống quyết định. Môi trường sông nước, phương tiện đi lại, sinh hoạt ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long hiện rõ trong câu đố về ăn cơm dưới đây:

Chèo bằng tre, ghe bằng sành

Chèo quanh, chèo co, chèo vô lỗ hẻm.

Trong khi đó, cũng đố về ăn cơm, người Bắc bộ là:

Năm thằng cầm hai cái sào

Đuổi đàn trâu trắng chui vào trong hang.

Mặc dù cách tri nhận của con người ở mỗi vùng đất thể hiện qua câu đố có những nét khác nhau, nhưng nhìn chung người Việt đều lấy những đặc điểm nổi bật, dễ nhận thấy của sự vật, hiện tượng để làm đối tượng miêu tả trong câu đố của mình. Những đặc điểm tiêu biểu ấy chính là chìa khóa để giải mã câu đố đầy trí tuệ của người Việt.

2- Ra đố từ tên đối tượng được đố

Chúng ta biết rằng, nghệ thuật đố chính là nguyên tắc mã hóa, là cách nói chệch, cách giấu tên đối tượng được đố. Câu đố đánh lạc hướng người ta bằng cách chuyển từ sự vật này sang sự vật kia, làm thế nào đó để sự vật so sánh phải vừa “giống” với đối tượng được đố nhưng không được quá “lộ”. Cái hay của câu đố chính là ranh giới giữa hai điều này. Đó là cách nói úp úp mở mở. Ở câu đố dân gian Tây Nam bộ, chúng tôi thấy có nhiều câu, tác giả dân gian đã đố bằng cách sử dụng ngay tên đối tượng được đố để ra đố. Có thể nói rằng, đây là một điểm đặc biệt trong các câu đố dân gian Đồng bằng sông Cửu Long.

Những câu đố loại này không miêu tả đối tượng được đố như chúng ta thường thấy, mà dùng ý nghĩa của từ ngữ gọi tên đối tượng được đố, ví dụ:

Thân tôi ở giá ngàn năm

Chồng con không có, bạn bè cũng không.

(Cây lẻ bạn)

Lẻ bạn ở đây nghĩa là không có bạn đời, không có bạn bè.

Câu đố sau đây được ra bằng cách giải thích đức hạnh của người làm dâu, chức năng làm dâu để gợi ý cho người giải đố liên tưởng đến tên cây đồng âm cần giải mã:

Nữ thời công hạnh dung ngôn,

Xuất giá theo chồng phụng sự mẹ cha.

(Cây dâu)

Tất nhiên, những câu đố loại này phải có gợi ý xuất gì? thì người được đố mới có thể đoán được. Đấy cũng chính là cách thu hẹp phạm vi, thu hẹp chủ đề để người giải đố định hướng.

Với câu đố “Vừa bằng trái cau, một mình mang hai bịnh. “(Trái mù u) thì ngoài sự miêu tả hình dáng bề ngoài của vật được đố (qua so sánh: vừa bằng trái cau), câu đố còn được gợi ý từ sự chiết tự tên gọi “mù u”, mu và u được người ra đố quan niệm là hai chứng bệnh của con người.

Chùm gửi (hay tầm gửi) là một loại cây sống nhờ trên một cây khác. Câu đố được xây dựng trên quan niệm “sống gửi ơ nhờ”. Ngoài ra, câu đố về loại cây này còn dựa trên cả đặc điểm sinh trưởng của nó:

Thân ta không mẹ, không cha,

Vốn không họ hàng, ở nhà người dưng.

Đố về con ba ba cũng khá đặc biệt. Đây là cách đố dùng từ đồng âm khác nghĩa, là cách đố căn cứ vào tên sự vật được đố.

Con gì hai số giống nhau

Cộng lại thành sáu, trừ còn số không.

Thậm chí chỉ dùng một phần tên sự vật để đố. Vì thế, đây là một loại câu đố khó:

Con gì mở miệng khóc tu,

Ăn chay mãn kiếp cũng tu không thành.

(Con tu hú)

3- Miêu tả đối tượng một cách nghịch lý:

Ngoài mục đích giải trí, câu đố còn có mục đích thử tài suy đoán, luyện sự nhanh trí. Do vậy, nó có chức năng bồi dưỡng tư duy cho con người, đặc biệt là trẻ con. Chính cách miêu tả nghịch lý này nên câu đố trở thành món ăn tinh thần rất ưa thích của trẻ. Nếu trong một bài đồng dao nào đó có kiểu nói ngược so với hiện thực “chim lặn dưới nước, cá đậu cành tre” thì sự vật được miêu tả ở câu đố là phù hợp thực tế vốn có. Nghịch lý chỉ là ở cách miêu tả mà thôi. Cây chuối nhỏ được mọc lên từ gốc cây chuối mẹ, buồng chuối được trổ ra từ phía trên cây chuối lớn tưởng chừng chẳng có gì nghịch lý cả. Thế mà qua cách miêu tả, chúng ta thấy rõ ràng là có vấn đề gì đó thật ngược đời:

Nhà giàu có mấy chiếc tàu

Con ở dưới đất, mẹ sanh trên đầu.

Tương tự, dây bí bò lan ra mặt đất, quấn lấy những nhánh tre trên giàn để phát triển, nhưng khi kết hợp miêu tả như sau thì quả là nghịch lý thật:

Mẹ vừa bằng ngón tay thì lại biết bò

Con bằng bắp giò mà chẳng biết đi.

(Dây và trái bí)

Chúng ta có thể tham khảo nhiều câu như thế:

- Ông già ổng chết đã lâu

Con mắt thao láo, hàm râu vẫn còn.

(Gốc tre, trúc)

- Cây gì chỉ có một lá.

(Cây cờ)

- Nắng dãi mưa dầu tui không bỏ bậu

Tối lửa tắt đèn bậu lại bỏ tui.

(Cái nón)

Câu đố là một thể loại văn học dân gian, phản ánh những thuộc tính, đặc điểm của những sự vật, hiện tượng trong thế giới khách quan. Nó vừa có chức năng bồi dưỡng tri thức cuộc sống, vừa có chức năng giải trí đối với con người. Tìm hiểu về câu đố Đồng bằng sông Cửu Long vừa mong muốn để hiểu một cách thấu đáo về câu đố dân gian Việt nói chung, vừa để có thêm vốn tri thức về văn học dân gian, về văn hóa dân gian của người Việt ở phương Nam – một miền đất tận cùng Tổ quốc.

Hồ Xuân Tuyên

www.baocantho.com.vn

Post by: Vu Nguyen HNUE
10-10-2020