Văn học Việt Nam trung đại

Tư liệu mới về cuộc đời Nguyễn Công Trứ


04-01-2022
Bài viết công bố một số tư liệu và thông tin mới liên quan đến việc Nguyễn Công Trứ bị nghi ngờ có “chí khác” khi ông ra ở tại Bắc Kì trong lúc nghỉ hưu. Qua việc truy nguyên, đối chiếu với những tư liệu, thông tin đã từng được biết về vụ việc, bài viết chỉ ra những điểm khác biệt, mới lạ của những tư liệu vừa công bố. Từ đó, bài viết đặt ra một số vấn đề “tồn nghi”, băn khoăn để “chất vấn”, đề nghị học giới tiếp tục tìm tòi, suy ngẫm để giải quyết những vấn đề đặt ra liên quan đến tiểu sử của Nguyễn Công Trứ cũng như mối quan hệ của Nguyễn Công Trứ với triều Nguyễn, giới chức và nhân dân các địa phương đương thời.

THÊM MỘT SỐ TƯ LIỆU MỚI VỀ VỤ VIỆC

NGUYỄN CÔNG TRỨ BỊ NGHI NGỜ CÓ “DỊ CHÍ” LÚC CUỒI ĐỜI

 

PGS.TS Nguyễn Thanh Tùng

Khoa Ngữ văn, ĐHSP Hà Nội

 

Tóm tắt

           Bài viết công bố một số tư liệu và thông tin mới liên quan đến việc Nguyễn Công Trứ bị nghi ngờ có “chí khác” khi ông ra ở tại Bắc Kì trong lúc nghỉ hưu. Qua việc truy nguyên, đối chiếu với những tư liệu, thông tin đã từng được biết về vụ việc, bài viết chỉ ra những điểm khác biệt, mới lạ của những tư liệu vừa công bố. Từ đó, bài viết đặt ra một số vấn đề “tồn nghi”, băn khoăn để “chất vấn”, đề nghị học giới tiếp tục tìm tòi, suy ngẫm để giải quyết những vấn đề đặt ra liên quan đến tiểu sử của Nguyễn Công Trứ cũng như mối quan hệ của Nguyễn Công Trứ với triều Nguyễn, giới chức và nhân dân các địa phương đương thời.

Từ khoá: Nguyễn Công Trứ, tiểu sử, triều Nguyễn, Bắc Kì, tư liệu mới

 

 

1. Mở đầu

Nguyễn Công Trứ (1778 - 1859) từ trước đến nay vẫn nổi tiếng với hoạn lộ thăng trầm, “lên voi xuống chó” của mình. Đặc biệt, trên con đường chính trị, Nguyễn Công Trứ gặp nhiều sự thị phi, vu cáo, trách phạt, cách giáng. Thậm chí, đến cuối đời, khi đã về nghỉ hưu, ông vẫn còn bị vu cáo có âm mưu tạo phản và chịu sự hoài nghi, quản lí và tra xét nghiêm ngặt của triều đình nhà Nguyễn dưới triều vua Tự Đức. Trong khi các vụ việc trước đã từng bước được làm rõ, luận giải cặn kẽ, thì riêng vụ việc trên vẫn còn nhiều điều uẩn khúc, bí ẩn. Các thông tin, luận giải về vụ việc này chỉ dựa trên một số nguồn tư liệu tương đối nghèo nàn, khiêm tốn (chủ yếu là gia phả, thậm chí giai thoại), do đó, còn giản đơn và mơ hồ. Trong bài viết này, chúng tôi xin giới thiệu một số tư liệu mới ngõ hầu có thể cung cấp thêm thông tin về “vụ án” nêu trên.

2. Nội dung

2.1. Nhìn lại sơ lược các tư liệu đã biết về “vụ án”

Vụ án Nguyễn Công Trứ bị nghi ngờ có “dị chí” được độc giả hiện đại biết đến sớm nhất có lẽ qua công trình của Lê Thước. Trong công trình  Sự nghiệp và thi văn của Uy Viễn tướng công Nguyễn Công Trứ, Lê Thước cho biết khá chi tiết:

“Năm Tự Đức thứ hai, cụ vào ở một cái chùa trên núi Cảm Sơn, thuộc xã Đại Nại gần tỉnh lị Hà Tĩnh bây giờ. Nguyên chùa ấy lập ra từ đời Lê, nhưng trải bao phen gió dập, mưa vùi, nên đã tồi tàn cũ rích. Lúc cụ còn làm quan, mỗi khi ra Bắc Kì đi qua đó thường lên núi du lãm, nhân có tự hẹn rằng: “Nếu ta được thoả chí nguyện của ta, thì quyết không phụ cái núi nầy”. Nên khi cụ vừa về hưu, đi qua chỗ ấy, dân xã Đại Nại nhớ lời, ra đón rước xin cụ lưu ở lại, vì thế nay cụ sửa sang chùa ấy lại mà lưu cư luôn. Thường khi các quan chức trong kinh ngoài quận, đi qua về lại, dấu chân xe ngựa, lúc nào cũng tấp nập ở trước cửa ngoài. Năm thứ tư (1851), cụ ra chơi Bắc Kì, lúc trở về tô sửa chùa Viên Quang, và chùa Trung Phu tại làng chính quán rồi nhân làm nhà bên cạnh chùa mà ở. Năm thứ năm, dân huyện Tiền Hải nhân chỗ nền nhà cụ ở trong buổi làm Dinh điền sứ lập làm một cái sinh từ để kỉ niệm công đức của cụ. Lúc hoàn công, cử người vào rước cụ ra chơi. Cụ bèn ra Bắc Kì lần nữa. Nghe tin cụ ra, dân huyện Tiền Hải và huyện Kim Sơn đều đặt lễ chúc mừng tại sinh từ rồi lưu cụ ở lại, mỗi năm gặp ngày sinh cụ và xuân thu hai kì, các sở sinh từ đều trần thiết các đồ nghi trượng rất là long trọng rồi rước bách linh; xem cụ như một vị thần sống. Bấy giờ có một viên thị vệ thấy thế, bèn bịa đặt tâu vua rằng cụ có dị chí. Vua hạ mật chiếu sai quan Tổng đốc Hoàng Văn Thu (ông nầy là môn đệ của cụ) dò xét và đòi cụ về Kinh, cụ từ giã Bắc Kì ra về, vào đến Kinh, các quan tại triều và các tỉnh Bắc Kì đều dâng sớ kêu oan cho cụ. Người Thị vệ bấy giờ khiếp sợ bèn tự tử, vua biết là nó nói vu, liền xuống chỉ yên uỷ cụ và cấp cho một trăm quan tiền để làm lộ phí mà giở về. Từ đấy, cụ không ra Bắc Kì nữa”[1].

Lê Thước cũng cung cấp một bức thủ cảo của Nguyễn Công Trứ gửi cho Sử quan, nội dung như sau: “Đã bệnh lị lại sốt rét, chứng chết đều hiện ra, thì chết cũng có tiếc gì. Nhưng chết mà không được phân minh thì còn phải đợi khua trống kiện cho ra, chết mới nhắm mắt, còn lúc đã xuống đất rồi thì việc mình thế nào đã có Sử quan ghi chép. Xem rồi đốt đi”[2]. Kèm theo đó là lời phê của Sử quan (được cho là Trương Quốc Dụng, lúc ấy đang làm ở Quốc sử quán) như sau: “Vị đáo Tiền Đường giang” (“nghĩa là chưa chết được đâu”)[3] và hàng chữ nói: “Nếu cụ mà khua trống kiện cho ra được thì ngòi bút của nhà chép sử dám đâu bỏ qua mà không chép”[4]. Sau này, những công trình, tư liệu về Nguyễn Công Trứ khi viết về “vụ án” trên cũng không có gì mới hơn so với những ghi chép của Lê Thước năm 1928. Nói đúng hơn, các công trình ấy hầu như kế thừa nguyên vẹn những gì Lê Thước đã viết.

           Vậy những ghi chép của Lê Thước dựa trên nguồn tư liệu nào? Qua khảo sát của chúng tôi, có lẽ Lê Thước đã dựa vào ghi chép trong Uy Viễn Nguyễn gia thế phả. Hiện chưa rõ ai là tác giả của tác phẩm này, nhưng có phần chắc đó là người xứ Nghệ (qua cách gọi “bản xã”, “bản tỉnh”, qua cách phát âm: Cũ được ghi bằng Cụ + Cựu,…). Hiện nay ở Viện Nghiên cứu Hán Nôm còn lưu giữ được một văn bản của cuốn gia phả này (được đóng chung với Tiên Điền Nguyễn gia thế phả Việt Yên Phan gia thế phả tạo thành cuốn Gia phả tập biên, kí hiệu A.3075)[5]. Chúng ta hãy đọc đoạn viết về “vụ án” trong Uy Viễn Nguyễn gia thế phả:

“Năm Tự Đức thứ 2 (1850), trùng tu chùa Cảm Sơn ở xã Đại Nại [chùa này do Hoan quận công[6] thời Lê xây dựng đã lâu nên bị hoang phế] Ngày ông ra Bắc, lên núi ngắm cảnh, ưa cảnh trí núi Cảm Sơn có hẹn rằng: Ta được như lời xin về, thì sẽ không phụ núi này. Đến đây, xã ấy bèn làm đơn xin ông lưu lại xã ấy. Ông bèn định cư ở đây. Các quan từ trong kinh, ngoài trấn qua đây không ai không lên núi thăm hỏi. Mũ lọng vì vậy không có ngày nào không có. Tháng 2 năm Tự Đức thứ 4 (1851), ông ra chơi Bắc Kì để đúc 2 quả chuông cho xã ấy.  Khi về, bèn trùng tu 2 chùa Viên Quang và Trung Phu, nhân làm nhà bên cạnh để ở. Tháng Tư năm Tự Đức thứ 5 (1852), huyện Tiền Hải, [Kim Sơn] xây dựng sinh từ, họp thợ hoàn công, bèn chọn người mang thư vào mời  ông ra thăm để thoả long mong đợi. Ông không nỡ làm phật ý của số đông, bèn ở lại  đó. Ngày sinh nhật của ông hoặc ngày lễ mùa xuân và mùa thu, sinh từ của hai huyện ấy trần thiết rất tráng lệ. Lúc bấy giờ có viên Thị vệ bịa đặt, tấu về triều. Hoàng đế  mật dụ cho Tổng đốc tỉnh ta là Hoàng Văn Thu[7] [viên này là học trò của ông] tuyên triệu ông về kinh. Tháng 9 năm ấy, ông về đến Nghệ An, quan Tổng đốc và các quan Bố chánh, Án sát cùng tặng ông 200 quan để làm lộ phí. Ông đến cung vua, tự tranh biện cho mình. Các quan lớn trong triều cùng các tỉnh ở Bắc Kỳ cũng làm sớ để minh oan cho ông. Viên Thị vệ sợ bị tội mà tự tử. Hoàng đế biết ông bị vu, nên giáng chỉ an ủi, tặng tiền 100 quan để làm phí hồi hương. Từ đó, ông không ra Bắc Kỳ nữa. Bèn dựng nhà ở tại xứ Vườn Cũ, lại xây Thọ Đường ở đó”[8].

Có một vài chi tiết Lê Thước ghi khác với Uy Viễn Nguyễn gia thế phả nhưng không đáng kể. Có thể là ông căn cứ vào giai thoại, cũng có thể là sự phóng tác hoặc điều tra riêng của ông trong khi dịch thuật, biên soạn.

Có thể nhận thấy, cả hai ghi chép (của Lê Thước và Uy Viễn Nguyễn gia thế phả) về vụ án còn khá sơ lược, không rõ ràng diễn biến của nó, đặc biệt là về thời gian và các tấu sớ chi tiết của các quan lại triều đình và địa phương về Nguyễn Công Trứ, quyết định của vua Tự Đức,… Rất may, điều đó đã được bổ khuyết phần nào với ba văn bản châu bản còn được lưu lại đến ngày nay. Sau đây xin lần lượt giới thiệu các bản châu bản đó.

2.2. Một số tư liệu mới về “vụ án”

Ở Trung tâm lưu trữ quốc gia I (Hà Nội), hiện đang lưu trữ khá nhiều châu bản có liên quan đến Nguyễn Công Trứ. Trong đó, liên quan đến vụ việc nêu trên, chúng ta may mắn còn giữ được 3 văn bản. Sau đây, chúng tôi xin lần lượt biên dịch, giới thiệu các văn bản này.

1) Bản tấu của Nội các (1):

Ngày 21 tháng 5 năm Tự Đức thứ 10 (1857).

Nội các vâng tuân theo tập tâu của bề tôi ở Pháp ti[9] ngày 16 cùng tháng, trong đó trình bày việc: Ngày tháng 3 năm nay, nguyên Phủ doãn phủ Thừa Thiên đã hưu trí là Nguyễn Công Trứ dâng trình một tờ đơn, thông qua bề tôi ở ti ấy để trần tình với bề trên duyên do sự việc. [Bề tôi ở ti ấy]  nhận được chỉ dụ [trả lời] như sau:

Nguyễn Công Trứ sau khi về quê, quả có già yếu bệnh tật hay không, hạnh kiểm thế nào, làng xóm quả nắm rõ sự tình hay không, [những việc ấy] đều chưa thể biết được. Lần này tỉnh ấy lại cấp công văn cho Nguyễn về kinh sinh sống, há lại không có lí do gì sao? Bề tôi của ti ấy không truy cứu nguyên uỷ, sơ suất cứ thế nhận đơn, lại không xin phép cách xử trí, riêng làm việc rất là lầm lỗi. Đơn ấy phải bác đi, giao cho bề tôi của ti ấy tiến hành lại việc điều tra thêm, cốt để làm rõ tình hình, đồng thời để xem cần khu xử với viên  ấy thế nào cho thoả đáng, rồi tâu lên đầy đủ. Nếu còn sơ suất không chu đáo như trước, thì ắt có tội. Hãy vâng theo chỉ này.

Bề tôi ở Pháp ti tuân theo chỉ dụ, lập tức thừa hành, tư ngay cho các tỉnh Nghệ An, Ninh Bình, Nam Định, Hải Dương, Hà Nội điều tra xem Nguyễn Công Trứ từ trước đến nay đã làm những việc gì, sự tình cụ thể ra sao, phải phúc trình biện bạch cho rõ.

Tiếp đó, tỉnh Nghệ An phúc trình như sau:

Các viên Lí trưởng ở xã Uy Viễn, Chánh tổng tổng Phan Xá nguyên quán của Nguyễn Công Trứ có khai rằng viên ấy từ sau khi vâng mệnh về quê quả có già yếu bệnh tật, làng xóm quả có nắm rõ sự tình, đã sai người tra hỏi các hương lão và họ cũng khai như vậy. Lại nghe nói viên ấy sau khi về hưu, không thể an phận giữ phép, để đến nỗi làm những việc sai trái. Nhưng viên ấy hiện nay không có mặt ở quê, mà đi lập nghiệp và sống ở các tỉnh Ninh Bình, Nam Định.

Chúng thần đã tra xét là không có tình tiết gì đặc biệt, nên đã yêu cầu tỉnh ấy [Nghệ An - ND] cấp bằng, trước về Thừa Thiên sinh sống để chấm dứt sự bàn tán.

Tỉnh Hà Nội phúc trình như sau:

Ngày tháng 5 năm Tự Đức thứ 8 (1855) có tiếp kiến Nguyễn Công Trứ đến lị sở, nói rằng ông từ sau khi chịu mệnh về hưu, nhàn cư không việc, ngồi buồn hiu quạnh, nên đi tìm những chỗ quen cũ để giải sầu. Viên quan lĩnh chức Tổng đốc tỉnh ấy là Lâm Duy Nghĩa[10] nhân lưu viên ấy lại đãi trà, một lát thì viên ấy từ biệt mà đi, không thấy viên ấy có làm việc gì hay có tình tiết gì đặc biệt.

Tỉnh Hải Dương phúc trình như sau:

Ngày tháng 2 năm Tự Đức thứ 7 (1854), thấy Nguyễn Công Trứ đi một thuyền nhỏ, mang theo gia quyến, đến đậu ở ngoài thành của tỉnh, viên ấy thân đến dinh thự của tỉnh. Viên thự Tổng đốc của tỉnh ấy là Nguyễn Quốc Cẩm[11] có lưu lại khoản tiếp, trong khi ngồi chơi có hỏi viên ấy gần đây cư trú ở chỗ nào, làm nghề gì để sinh nhai. Theo lời viên ấy kể, thì từ khi chịu mệnh về hưu đến nay, đã từng cư trú ở chùa trong các hạt tại quê hương, nhưng gia thế nghèo khó, không đủ chi dụng, nên đã tìm đến các tỉnh trên mong có quan viên bạn bè cũ cũng như các viên thuộc lại, cấp dưới xưa, người nào có thể cho vay thì khất tạm ít nhiều tiền bạc để giúp cho việc chi dùng sinh hoạt. Viên ấy cứ thế kể ra, không thấy có làm sự vụ gì, cũng không nghe có tình tiết gì đặc biệt.

Tỉnh Ninh Bình phúc trình như sau:

Đã cứu xét lời khai của sai dịch ở ấp Lạc Thiện[12] cũng như Phó tổng ở tổng Hướng Đạo nơi mà Nguyễn Công Trứ cư trú có trình báo: Dưới triều vua Minh Mệnh, Nguyễn Công Trứ vốn làm Dinh điền sứ đã trù hoạch thiết lập nên huyện ấy; đến ngày tháng (không nhớ rõ) năm Tự Đức thứ 5 (1852), thấy viên ấy đến nói rằng sau khi chịu mệnh về hưu, gia tư nghèo khó, chi dụng không đủ, nói với tổng ấy làm cho một chỗ để ở, nhằm tiện cho việc dạy con nhỏ. Tổng ấy nhân nhớ đến ân tình cũ mới báo cho nhau, hội họp bàn bạc. Lần này viên ấy chấp nhận ở ấp Lạc Thiện. Tổng ấy bèn làm một căn nhà làm chỗ ở cho viên ấy. Lại chấp nhận cắt ruộng cho và nhận canh tác và nộp thóc để lo cho việc chi dụng của viên ấy. Bọn họ thường thấy viên ấy có lúc đi chơi trong tỉnh, hoặc đi ra các hạt khác, có lần 3 – 4 ngày, có lần 8 - 9 ngày rồi lại về. Đến như việc viên ấy có làm sự vụ gì hay có tình tiết gì khác thì họ nói rằng không thấy.

Tỉnh ấy lại tra xét thêm tình hình, thì cũng giống như thế.

Tỉnh Nam Định phúc trình rằng:

Đã sai cứu xét lời khai của Cai tổng các tổng của huyện Tiền Hải, cho biết vào ngày tháng 9 năm ngoái (1856), có thấy Nguyễn Công Trứ thân đến huyện này, nói rằng gần đây nghe nói Cồn Châu ở huyện này bị lụt vỡ, nước mặn nhiễm hại, hiện thành chỗ điêu tàn, nên mới thân đến hỏi thăm, ngoài ra không nói đến chuyện gì khác. Bọn họ nghĩ lâu ngày [mới gặp], tạm lưu lại một đêm, hôm sau thì về, không có làm chuyện gì cả. Lại nữa, ngày tháng 9 năm ngoái, thấy viên ấy thân đến sảnh đường của viên thự Tổng đốc tỉnh ấy là Nguyễn Đình Tân[13], nói rằng từ khi về hưu dưỡng, mới biết đến chút an nhàn, nhưng tuổi cao sức yếu, nghèo bệnh nối nhau, nay nhân cư ngụ ở ấp Lạc Thiện, huyện Kim Sơn mà đến. Viên thự Tổng đốc nhân lưu lại một đêm chuyện trò, trong lúc đó viên ấy có đề cập đến chuyện thân mình được ơn vua biết đến, cùng với chuyện đời sống của mình. Xét thấy tình trung ái tràn đầy trong lời nói. Lần ấy viên thự đốc thần có tặng tiễn một ít tiền rời. Viên ấy cũng nhận mà đi, ngoài ra không nghe viên ấy có những lời nói về việc làm gì sai trái.

Bề tôi ở Pháp ti trộm xét thấy nguyên Phủ doãn Thừa Thiên là Nguyễn Công Trứ trước đây đã đến tuổi theo lệ vâng chỉ cho về quê hưu trí. Tiếp đó, năm ngoái (1856), tỉnh Nghệ An lại cấp giấy cho lên kinh đô sinh sống. Viên ấy hiện đã đến ngụ ở phường Thận Cần[14]. Nay vâng lệnh tra xét rõ ràng thêm. Căn cứ vào phúc trình của tỉnh Nghệ An, viên ấy sau khi về hưu quả có bệnh tật già yếu, làng xóm quả có nắm rõ sự tình, có đủ các Chánh tổng, Lí trưởng và các hương lão ở nguyên quán của viên ấy chứng thực, có thể làm căn cứ. Duy có nghe nói là viên ấy không thể an phận giữ phép, để đến nỗi làm việc sai trái. Nhưng đã phái người tra xét không có tình tiết gì đặc biệt, nên cấp bằng cho đến hạt phủ Thừa Thiên sinh sống, để chấm dứt tai tiếng bàn tán. Phúc trình của các tỉnh Ninh Bình, Nam Định, Hà Nội, Hải Dương cũng nói viên ấy do nghèo nên đã hoặc tìm đến dân các ấp mới lập vốn là chỗ tình xưa nghĩa cũ để cư ngụ, lập nghiệp; hoặc tìm đến cố cựu xin vay mượn tiền bạc độ nhật, không thấy có sự vụ gì, cũng không nghe có tình tiết đặc biệt gì.

Bề tôi ở Pháp ti vâng xét tra, việc viên ấy già yếu bệnh tật quả là có thật. Vả Nguyễn Công Trứ hiện nay tuổi đã 80. Qua cứu xét không có tình tiết gì cả, nếu lệnh cho cứ lưu ngụ ở hạt phủ Thừa Thiên, thì quê quán xa xôi mà nghèo khó bệnh tật, tuổi già không có gì để chu cấp cho sinh kế, tình trạng của viên ấy cũng thực đáng thương xót. Việc Nguyễn Công Trứ kêu xin, hẵng vâng theo chỉ trước ưng cho, bảo cho viên ấy được hồi hương hưu trí, vẫn qua các quan địa phương sở tại chuyển sức cho viên ấy từ sau phải tiếp tục an cư ở quê hương, không được tự tiện đến các nơi khác, để chấm dứt những lời đàm tiếu. Lại nữa, Nguyễn Đồng Khoa[15] mắc bệnh, phải ở ngoài quận điều trị, để dẫn đến một trong các lí do khiến cho việc liên quan không được triệt để. Kính cẩn vâng lệnh quan Khoa đạo hội đồng, quan Đương trực mà trình lên, đợi chỉ để làm phiếu nghĩ.

Người thảo: thần Nguyễn Duy kí tên, thần Lê Bá Thận kí tên

Vâng họp cùng: thần Đoàn Văn Hoán kí tên

Quan Khoa đạo: Nguyễn Thế Huy kí tên[16].

Trong bản tấu này, có lời châu phê của vua Tự Đức như sau:

Nguyễn Công Trứ trước đây vì có tiếng không tốt như thế nào mà để tỉnh thần Nghệ An phải sức cho về kinh đô sinh sống? Có lẽ là [tỉnh này] muốn chấm dứt những lời xì xào bàn tán để giữ gìn cho bậc kì cựu, không phải là không có lí do. Nay viên ấy đã trần tình là già ốm, cũng đáng thương. Trẫm thể tất cho kẻ bề tôi, chẳng nỡ bỏ sót dẫu là xa xôi nhỏ bé. Chuẩn cho Nguyễn Công Trứ về quê hưu trí, lại gia ân sai tỉnh ấy xuất ra 100 quan tiền ban cho ông ta, xem đó là tiền cấp hưu dưỡng lúc tuổi già của triều đình. Lại [sai tỉnh ấy] sức cho viên hưu trí ấy an cư ở nơi thôn xóm, rong chơi hưởng chút an nhàn, không được qua lại các tỉnh Bắc Kì nữa, để chăm lo cho tuổi già, vẹn tiết tháo trong sạch, thì mãi được nhờ vào phúc thừa của triều đình mà chẳng phụ cái ý cai trị dân bằng sự khoan hồng của trẫm[17].

2) Bản tấu của Nội các (2):

Ngày 22 tháng 5 năm Tự Đức thứ 10 (1857).

Nội các vâng việc: ngày 16 tháng này, các bề tôi ở Pháp ti vâng theo (chỉ dụ) mà tiến hành khảo xét việc nguyên Phủ doãn phủ Thừa Thiên nay đã về hưu là Nguyễn Công Trứ, lại thay mặt soạn tập hồ sơ, đã một lần thông qua chúng thần, nhưng do Nguyễn Đồng Khoa bị bệnh phải ở ngoài điều trị, dẫn đến một trong các lí do khiến việc liên quan không được giải quyết triệt để. Kính cẩn vâng theo ý kiến của các quan Hội đồng đương trị, quan Khoa đạo; vâng theo lời ngự phê, [nay] lại vâng [bàn] duyệt lại, kính cẩn làm phiếu nghĩ để soạn chỉ như sau:

“Nguyên Phủ doãn phủ Thừa Thiên nay đã về hưu là Nguyễn Công Trứ, trước do tiếng tăm không hay, sao lại khiến cho bề tôi ở tỉnh Nghệ An cấp lệnh cho viên ấy về kinh sinh sống, có lẽ là muốn chấm dứt cái thuyết trôi nổi mà bảo toàn thân mệnh lúc cuối đời, không phải là điều vô cớ. Nay viên ấy đã lấy sự già yếu bệnh tật mà trần tình, thực cũng đáng thương. Trẫm thể tất kẻ bề tôi, chẳng nỡ bỏ sót [dẫu là] kẻ xa xôi, việc nhỏ bé; chuẩn cho Nguyễn Công Trứ về quê hưu trí, lại gia ân sai tỉnh ấy xuất ra 100 quan tiền tặng cho ông ta, xem đó là tiền cấp hưu dưỡng lúc tuổi già của triều đình. Lại sức cho viên hưu trí ấy an cư ở nơi thôn xóm, rong chơi hưởng chút an nhàn, không được qua lại các tỉnh Bắc Kì nữa, để chăm lo tuổi già, vẹn tiết tháo trong sạch, thì mãi được nhờ vào phúc thừa của triều đình mà chẳng phụ cái ý cai trị dân bằng sự khoan hồng của trẫm. Còn ngoài ra thì [trẫm] đã biết. Tuân theo lệnh này.

Vâng soạn, thần Nguyễn Duy ký tên, thần Lê Bá Thận ký tên.

Vâng hội bàn, thần Đương trị Phạm Xuân Quế ký tên, thần Khoa đạo Kiều Khắc Hài ký tên.

Vâng đối chiếu, thần Phan Huy Vịnh ký tên[18].

3) Bản tấu của bộ Lễ:

Ngày 19 tháng 11 năm Tự Đức thứ 10 (1857)

Bộ Lễ vâng việc ngày hôm nay, bộ của chúng thần nhận được sớ của Thự Tổng đốc An Tĩnh là Hoàng [Văn] Thu trình rằng nguyên Phủ doãn phủ Thừa Thiên đã về hưu là Nguyễn Công Trứ, tuổi đã lên 80. Sự việc [chúng thần] đã tâu trình đầy đủ trước mặt [nhà vua]. Kính vâng theo lời chỉ bảo, lập tức xin làm phiếu nghĩ để soạn chỉ như sau:

Nguyễn Công Trứ các năm trước về hưu nhưng không ở quê quán, tự ý đi chơi các tỉnh Bắc Kì, để đến nỗi thanh danh bất chính. Từ khi chịu chỉ chuẩn cho hồi hương, đã hơi biết an phận giữ phép. Nay đã lên 80 tuổi, gia ơn ban thưởng cho 25 lạng bạc để tỏ rõ ơn dưỡng lão. Vâng theo chỉ này.

Thần Trần Thế Vinh vâng chép lại và khảo xét,

Thần Phan Thanh Giản, Vũ Đức Nhu, Nguyễn Xuân Hân vâng duyệt[19].

2.3. Một vài nhận xét

           Trước hết, các tư liệu mới công bố phía trên cung cấp một số thông tin về các hoạt động của Nguyễn Công Trứ từ năm Tự Đức thứ 5 (1852) đến Tự Đức thứ 10 (1857). Những thông tin này hầu như không thấy trong các tư liệu đã biết trước đây, kể cả chính sử nhà Nguyễn (Đại Nam thực lục, Đại Nam liệt truyện,...). Có thể kê ra thành bảng tóm tắt (trong sự so sánh với Uy Viễn Nguyễn gia thế phả) như sau:

Thời gian

Sự kiện (Uy viễn Nguyễn gia thế phả)

Châu bản (bản 1, 2, 3)

TĐ2 (1849)

- Về hưu

- Về hưu

TĐ3

(1850)

- Trùng tu Cảm Sơn tự (xã Đại Nại), lưu lại đó

- Lưu trú trong các chùa, gia cảnh nghèo khổ

TĐ4

(1851)

- Ra chơi Bắc Kì, đúc 2 chuông, trùng tu Viên Quang tự, Trung Phu tự (trong bản xã); lưu lại đó

- Lưu trú trong các chùa, gia cảnh nghèo khổ

TĐ5

(1852)

- Tháng 4: Tiền Hải, Kim Sơn xây dựng sinh từ, mời ra chơi và lưu lại; tổ chức sinh nhật, lễ cúng hai mùa Xuân, Thu đều đón rước ông rất long trọng.

- Đến ấp Lạc Thiện (thuộc tổng Hướng Đạo, huyện Yên Khánh, nay là xã Lạc Thiện, huyện Kim Sơn, Ninh Bình), xin chỗ ở; được cấp ruộng đất, cung đốn lương thực để nuôi dạy con nhỏ; đem theo gia quyến sinh sống.

TĐ6

(1853)

 

 

TĐ7

(1854)

 

- Tháng 2: đưa gia quyến theo thuyền nhỏ đến tỉnh Hải Dương, Tổng đốc Hải Dương Nguyễn Công Cẩm, lưu lại khoản tiếp, trình bày hoàn cảnh gia đình.

TĐ8

(1855)

 

-Tháng 5: đến lị sở tỉnh Hà Nội, được Lâm Duy Nghĩa đón tiếp.

TĐ9

(1856)

- ?: có viên Thị vệ ngầm tố cáo về triều.

- Tháng 9 [năm?]: về Nghệ An; lên kinh đô tự biện bạch; được quan lại Nghệ An tặng 200 quan tiền lộ phí (!)

- Tháng 9: đến tỉnh Nam Định thăm hỏi việc lụt vỡ, nhiễm mặn ở cồn Châu, huyện Tiền Hải; gặp Tổng đốc Nguyễn Đình Tân ở lị sở, trình bày gia cảnh, được Nguyễn Đình Tân tặng cho ít tiền rời.

- [Tháng 9?]: Tỉnh Nghệ An cấp giấy cho lên kinh đô sinh sống, ngụ ở phường Thận Cần (kinh đô Huế).

TĐ10

(1857)

- Đánh trống kêu oan ở Pháp ti.

- Viên thị vệ tố cáo sợ phạm tội mà tự tử.

- Được vua ban tặng 100 quan tiền cho hồi hương.

 

- Tháng 3: Nguyễn Công Trứ đưa đơn trình bày sự việc ở Pháp ti.

- Pháp ti dâng tấu xin ý kiến nhà vua; vua ra chỉ dụ bác đơn của Nguyễn Công Trứ và ra lệnh điều tra lại từ đầu vụ việc.

- Pháp ti và các tỉnh điều tra.

- 15 tháng 5: Pháp ti dâng Tấu

- 21 tháng 5: Nội các dâng tấu tóm tắt lại sự việc, vua châu phê.

- 22 tháng 5: Vua ra chỉ dụ cấp tiền 100 quan, cho về, cấm không đi lại ở Bắc Kỳ.

- 19 tháng 11: ban cho 25 lạng bạc mừng thọ 80 tuổi (nhắc lại chuyện ra Bắc Kì trước đây và đánh giá việc chấp hành lệnh không được ra Bắc Kì của Nguyễn Công Trứ).

           Có thể thấy, các tư liệu mới không chỉ bổ sung các thông tin mới về hành tích Nguyễn Công Trứ trong các năm cuối đời, mà còn làm rõ thêm một số thông tin được ghi chép vắn tắt, phi thời gian trong Uy Viễn Nguyễn gia thế phả (việc ở lại Kim Sơn, Tiền Hải diễn ra bao lâu; việc bị tố cáo có “dị chí” xảy ra năm nào? Việc trở về Nghệ An rồi lên kinh đô Huế diễn ra khi nào? Việc được ban 100 quan tiền và cho hồi hương diễn ra khi nào?...). Tuy nhiên, các văn bản mới được phát hiện hầu như chỉ phản ánh giai đoạn sau của vụ việc, khi Nguyễn Công Trứ đã được đưa về kinh đô sinh sống. Diễn biến trước của vụ việc hầu như không được nói rõ (cụ thể xem ở phần dưới).

           Thứ hai, các tư liệu mới không thấy nói đến người tố cáo (viên Thị vệ và cái chết của ông ta) như Uy Viễn Nguyễn gia thế phả. Nhưng chắc hẳn phải có những lời tố cáo như thế thì mới có chuyện Nguyễn Công Trứ bị triệu về kinh và gần như bị “an trí” ở đó chờ điều tra. Tuy nhiên, có vẻ như việc tố cáo này là tố cáo đến các bộ, viện chứ không phải là tố cáo trực tiếp lên vua và các bộ viện đã lệnh cho tỉnh Nghệ An cấp giấy cho Nguyễn Công Trứ về kinh đô sống. Vì vậy, có lẽ ban đầu vua Tự Đức không rõ sự việc. Khi về đến kinh đô, Nguyễn Công Trứ mới đưa đơn khiếu nại lên Pháp ti (trong tờ thủ bút của Nguyễn Công Trứ có nói đến chuyện “khua trống kiện cho ra”), hẳn muốn xin về, và sự việc mới được tâu lên Tự Đức. Tự Đức cho rằng Pháp ti làm việc qua loa, tự ý xử lí, không tấu báo lên nhà vua nên mới ra lệnh điều tra lại. Vậy nguồn tố cáo ấy ở đâu? Các văn bản đó không nói đến lời tố cáo chắc hẳn là để bảo mật nguồn tố cáo? Cũng có khả năng, các văn bản cho biết về nguồn tố cáo hiện nay không còn nữa? Những giả thuyết đó cũng cần được xác minh thêm. Trong văn bản 1 và 2 có nhắc đến một nhân vật là Nguyễn Đồng Khoa và việc ông ta phải chữa bệnh ở ngoài kinh đô dẫn đến việc của Nguyễn Công Trứ không được giải quyết triệt để. Vai trò của Nguyễn Đồng Khoa trong vụ việc này thế nào cũng cần phải được làm rõ.

Thứ ba, liên quan đến việc lập sinh từ Nguyễn Công Trứ ở Kim Sơn và Tiền Hải. Các tư liệu châu bản không hề có việc này. Thay vào đó, Nguyễn Công Trứ đã đến xin ngụ cư ở Kim Sơn; còn Tiền Hải ông chỉ sang thăm 1-2 lần. Sự việc này cụ thể thế nào, hiện chúng ta cũng chưa có đủ tư liệu kiểm chứng. Các tư liệu đã biết trước đây đều khẳng định chuyện lập sinh từ năm 1852 ở hai huyện. Thực tế là ở hai địa phương hiện nay vẫn còn các đền thờ Nguyễn Công Trứ và đều được khẳng định là các “sinh từ” xưa. Nhưng liệu có phải chúng được lập ra khi Nguyễn Công Trứ còn sống hay khi ông đã mất, đương thời hay về sau này? Hay liệu có phải các địa phương ấy vì sợ bị trách phạt, truy cứu trách nhiệm mà ém nhẹm chuyện lập sinh từ? Hệ thống kiểm tra, kiểm soát thông tin và rộng hơn là hệ thống quyền lực của triều Nguyễn liệu có yếu kém đến mức dễ bị qua mặt đến vậy? Hay các quan lại triều đình Huế cũng tham gia vào việc “ém nhẹm” đó? Các câu hỏi này  rất cần được trả lời trong thời gian sớm nhất.

Thứ tư, các tư liệu mới có những thông tin phản ánh tiêu cực về nhân cách của Nguyễn Công Trứ. Các thông tin cụ thể, chúng ta có thể đọc trong các châu bản ở trên. Ở đây chỉ xin trích lời nhận xét có tính kết luận của Pháp ti đương thời: “Phúc trình của các tỉnh Ninh Bình, Nam Định, Hà Nội, Hải Dương cũng nói viên ấy do nghèo nên đã hoặc tìm đến dân các ấp mới lập vốn là chỗ tình xưa nghĩa cũ để cư ngụ, lập nghiệp; hoặc tìm đến cố cựu để xin chu cấp tiền bạc để độ nhật, không thấy có sự vụ gì, cũng không nghe có tình tiết đặc biệt gì” (Bản tấu của Nội các 1); hoặc lời nhận xét của các bề tôi nhân dịp ban thưởng tiền mừng thọ 80 tuổi cho Nguyễn Công Trứ: “Nguyễn Công Trứ các năm trước về hưu nhưng không ở quê quán, tự ý đi chơi các tỉnh Bắc Kì, để đến nỗi thanh danh bất chính” (Bản tấu của bộ Lễ). Liệu sự thực có đúng như những báo cáo của các địa phương (Nghệ An, Ninh Bình, Nam Định, Hà Nội, Hải Dương) và trung ương? Hay cũng lại là vì chuyện các địa phương sợ trách nhiệm, sợ liên luỵ mà đẩy hết “quả bóng trách nhiệm” cho Nguyễn Công Trứ khiến cho hình ảnh của ông lúc cuối đời trở nên có phần thảm hại? Cũng có ý kiến cho rằng các quan lại ở Bắc Kì lúc bấy giờ phần lớn không ưa Nguyễn Công Trứ vì khi còn làm quan ở Bắc Kì, Nguyễn Công Trứ hay “xử rắn” với họ[20]. Phải chăng vì thế mà họ báo cáo không mấy tốt đẹp về ông? Hay đó cũng lại là một biểu hiện của cá tính “ngất ngưởng”, “không theokhuôn phép” của Nguyễn Công Trứ mà triều Nguyễn thời Tự Đức không chấp nhận được?... Rất tiếc là “tờ đơn” của Nguyễn Công Trứ dâng lên triều đình để trần tình cho mình hiện không còn nên không rõ giải trình của ông như thế nào. Những tư liệu khác liên quan cũng không còn trừ một tờ thư ngắn ngủi Nguyễn Công Trứ gửi cho một viên quan nào đó (Trương Quốc Dụng?) mà Lê Thước đã công bố. Tờ thư chỉ cho biết sự phẫn uất, đau khổ của Nguyễn Công Trứ mà thôi! Thành thử, những câu hỏi như vậy cũng chưa có câu trả lời cuối cùng và cũng rất cần được trả lời dứt điểm. Tuy vậy, có điều ta có thể chắc vì các tư liệu đều khá thống nhất là về cuối đời Nguyễn Công Trứ rất nghèo khó, vẫn còn con nhỏ phải nuôi dạy, phải chi dụng nhiều. Vì vậy, ông phải đi ở nhờ nhiều nơi (trong các chùa ở Hà Tĩnh, ấp Lạc Thiện ở Kim Sơn,…) và lo sinh kế[21]. Một ông quan trải qua nhiều chức vụ cũng không phải nhỏ (cao nhất là hàng Tam phẩm, dù có lúc “xuống chó”), nhưng khi về hưu lại lâm vào cảnh nghèo khó, vất vả như vậy! Điều đó đặt ra các câu hỏi, như: 1) Chế độ lương bổng hưu trí của nhà Nguyễn phải chăng khá thấp? 2) Nguyễn Công Trứ phải chăng đã không “tích luỹ” được gì khi làm quan (điều này có vẻ hợp với những đánh giá rằng Nguyễn Công Trứ là một vị quan thanh liêm)? 3) Hay với những sinh hoạt “phong lưu” của mình (và hệ quả của chúng), phải chăng Nguyễn Công Trứ cần nhiều tiền bạc để chi dụng?... Vẫn lại là các câu hỏi cần tiếp tục nghiên cứu, giải đáp.

3. Vài lời tạm kết

           Nguyễn Công Trứ đã mất cách chúng ta cách đây đúng 160 năm (1858 – 2018); thời ông sống cách chúng ta trên dưới 200 năm. Đó là một khoảng thời gian đủ dài để nhiều thông tin, nhận định về ông bị chìm khuất hoặc bị khúc xạ qua nhiều lăng kính, nhiều tầng tư liệu khác nhau. Hơn nữa, một người như Nguyễn Công Trứ từ trước đến giờ vẫn luôn được xem là “một khối mâu thuẫn lớn” (Nguyễn Lộc), một hiện tượng “độc đáo, đa dạng và phức tạp” (Trần Nho Thìn). Cuộc đời Nguyễn Công Trứ không ít lần dính vào những “vụ án”, những thị phi. Quanh ông lại bị bao bọc bởi nhiều huyền thoại, giai thoại, truyền ngôn. Và “còn nhiều điều vỡ lẽ về Nguyễn Công Trứ đang chờ phía trước” (Trần Ngọc Vương). Vì vậy, có lẽ chúng ta cũng không nên lấy làm lạ lùng khi có những thông tin, tư liệu có thể trái ngược, mâu thuẫn nhau từ các nguồn khác nhau đó. Ít nhất, chúng cho ta thêm nhiều góc nhìn về “con người này” (G.W. Hegel). Và điều quan trọng hơn, là nó kích thích chúng ta phải tiếp tục tìm kiếm thêm tư liệu, thông tin và các phương thức xử lí tư liệu, thông tin để có thể giải quyết những vấn đề đặt ra từ những thông tin, tư liệu mâu thuẫn ấy./.

Hà Nội, tháng 8 năm 2018

N.T.T

 

Tài liệu tham khảo

Tiếng Việt

(1) Trương Chính (biên soạn và giới thiệu), Thơ văn Nguyễn Công Trứ, Nxb Văn học, Hà Nội, 1983.

(2) Lê Xuân Giáo, Hy Văn tướng công di truyện (Giai thoại về Nguyễn Công Trứ), Bộ Văn hoá Giáo dục và Thanh niên, Sài Gòn, 1973.

(3) Đoàn Tử Huyến (chủ biên), Nguyễn Công Trứ trong dòng lịch sử, Nxb Nghệ An & Trung tâm Văn hoá ngôn ngữ Đông Tây, Hà Nội, 2008.

(4) Nguyễn Lộc, Văn học Việt Nam nửa cuối thế kỉ XVIII – nửa đầu thế kỉ XIX, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 2006, tái bản.

(5) Nguyễn Viết Ngoạn (nghiên cứu, sưu tầm, tuyển chọn), Nguyễn Công Trứ: tác giả, tác phẩm, giai thoại, Nxb Đại học Quốc gia Tp. Hồ Chí Minh, 2002.

(6) Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, (Tổ phiên dịch Viện Sử học dịch), 10 tập, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 2006.

(7) Doãn Quốc Sỹ - Việt Tử, Khảo luận về Nguyễn Công Trứ, Nam Sơn xuất bản, Sài Gòn, 1960.

(8) Lê Thước, Sự nghiệp và thi văn của Uy Viễn tướng công Nguyễn Công Trứ, Imprimerie Mac-Dinh-Tu Le-Van-Tan, Hà Nội, 1928.

(9) Trần Ngọc Vương, Loại hình học tác giả văn học: nhà nho tài tử và văn học Việt Nam, Nxb Thông tin và Truyền thông, Hà Nội, 2018, tái bản.

Hán Nôm

(1) Châu bản triều Nguyễn 阮朝硃本, Tập “Tự Đức 060”, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I, Hà Nội.

(2) Châu bản triều Nguyễn 阮朝硃本, Tập “Tự Đức 063”, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I, Hà Nội.

(3) Châu bản triều Nguyễn 阮朝硃本, Tập “Tự Đức 066”, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I, Hà Nội.

(4) Châu bản triều Nguyễn 阮朝硃本, Tập “Tự Đức 077”, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I, Hà Nội.

(5) Châu bản triều Nguyễn 阮朝硃本, Tập “Duy Tân 034”, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I, Hà Nội.

(6) Gia phả tập biên 家譜集編, Viện Nghiên cứu Hán Nôm, Hà Nội, kí hiệu: A.3075.

(7) Nguyễn Công Trứ gia đình tàng cảo 阮公著家庭藏稿, Viện Nghiên cứu Hán Nôm, Hà Nội, kí hiệu: VHv.372.

 

PHỤ LỤC

H.1 – Tờ đầu bản tấu của Nội các (1)

(Trung tâm lưu trữ quốc gia I)

H.2– Bức thư của Nguyễn Công Trứ

(Tư liệu của Lê Thước)

 

 

[1] Lê Thước, Sự nghiệp và thi văn của Uy Viễn tướng công Nguyễn Công Trứ, Imprimerie Mac-Dinh-Tu Le-Van-Tan, Hà Nội, 1928, tr.376-378.

[2] Nguyên văn chữ Hán: 既痢又瘧,死症俱現。死尚何惜,惟死不公明。苟竢搥皷自訟,方能暝目。下落如何,自有史官記之。丙丁。(Đã bị lị lại bị sốt rét, chứng chết đều hiện ra. Chết nào có tiếc, chỉ là chết không rõ rang. Phải đợi đánh trống tự kiện, mới có thể nhắm mắt chết được. Còn sau đó như thế nào, tự có sử quan ghi chép).

[3] Nguyên văn: 未到前錢塘江 (chưa đến sông Tiền Đường).

[4] Nguyên văn: 如能搥皷自訟情頭。彙筆豈取畧之。 (Nếu như có thể đánh trống tự kiện để làm rõ đầu đuôi sự tình, thì ngòi bút của người thu chép há lại ghi chép sơ lược).

[5] Theo Trương Chính, bản này do chính Lê Thước cho chép lại và tặng cho Uỷ ban khoa học xã hội Việt Nam (nay được lưu trữ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm).

[6] Hoan quận công: Tức Hồ Hữu Nhân (1380 - ?), người trang Thổ Đôi, nay là xã Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An, cháu nội trạng nguyên Hồ Hưng Dật, tham gia khởi nghĩa Lam Sơn, có nhiều công lao trong cuộc kháng chiến chống giặc Minh. Khi khởi nghĩa Lam Sơn kết thúc, ông được Lê Thái Tổ phong cho chức Đô thống tham đốc, tước Hoan quận công.

[7]  Hoàng Văn Thu (1805-?): Quê xã Thiên Tùy, tổng Hạ Lang huyện Quảng Điền phủ Thừa Thiên (nay thuộc xã Quảng Thọ huyện Phong Điền tỉnh Thừa Thiên Huế), đỗ Cử nhân năm 1828, làm quan trải các chức: Hàn lâm viện Biên tu, Tri phủ Thường Tín, Giám sát Ngự sử, Án sát Hưng Hóa, Thị lang Bộ Binh và Bộ Hình, Bố chánh Định Tường, Vĩnh Long, An Giang, Thự tuần phủ Định Tường, Tham tri Bộ Hình, Cơ mật viện Đại thần, Tham tri Bộ Hộ, Tổng đốc Hà Ninh, Tổng đốc An Tĩnh, Thượng thư Bộ Hộ,…

[8] Nguyên văn chữ Hán: “二年四月日,重脩大柰社感山寺[此寺乃故黎驩郡公鼎建歲久頹圯] 。北往日,登山歷覽,慕其景致,約曰:“我得遂所請,不負此山”。至是,伊社具單禀乞,情願遮留。遂卜居焉。京外百官往來,莫不登山訪問。冠蓋殆無停日。四年二月日,往游北圻,為本社鑄鐘二果。既歸,乃重修圓光中孚二寺,因結廬于寺側居焉。五年四月日,錢海縣設立生祠,鳩工告竣,乃擇人奉書請往光顧,以慰渴望。重拂輿情,因留居焉。誕日及春秋二期,二縣生祠陳設壯麗。辰有密訪侍衞揘奏,帝密諭本省總督黄文收[伊員乃公門弟],宣召來京。九月日,公歸到省[乂安],總督及布按列員,仝贈錢二百貫,以供路費。公赴闕自訟,擧朝諸巨公及北圻諸省,俱疏為之鳴冤。侍衞畏罪自死。帝知其巫,降旨慰勞,賜錢一百貫,以為回程之需。自是不復北圻。遂築室居于本社園具+舊處,并作壽堂焉。” [Gia phả tập biên,  Viện Nghiên cứu Hán Nôm, kí hiệu A.3075, tờ 59a-b].

[9] Pháp ti: Tức Tam pháp ti, cơ quan chuyên nhận đơn khiếu nại của thần dân của triều Nguyễn, đặt tại kinh đô Huế.  Tam pháp ti có đại diện của bộ Hình, viện Đô sát và Đại lí tự. Tam pháp ti nhận đơn khiếu nại của người dân vào các ngày 6, 16, 26 âm lịch hằng tháng, nếu không đúng những ngày đó thì người dân có thể đến cửa Tam pháp ti đánh trống kêu oan để được xét xử. Đơn sẽ được trực thần đưa lên vua xem xét, phê duyệt sau đó giao cho Tam pháp ti nghị xử, vua sẽ là người quyết định sau cùng.

[10] Lâm Duy Nghĩa: Tên trước của Lâm Duy Hiệp (1806 – 1863), quê thôn An Nhơn, huyện Tuy Viễn, tỉnh Bình Định, đỗ Cử nhân năm 1828, làm quan trải các chức: Tri huyện, Tri phủ, Công bộ Thượng thư, Tổng đốc Hà Ninh, Phụ chính đại thần,…

[11] Nguyễn Quốc Cẩm: Còn có tên là Nguyễn Trạch (? - ?), người xã Vân Trương, huyện Tiên Sơn, tỉnh Bắc Ninh, đỗ Cử nhân năm 28 tuổi, làm quan trải các chức: Tri huyện, Binh bộ Thượng thư, Tổng đốc Hải An kiêm Đề đốc quân vụ,…

[12] Ấp Lạc Thiện: Nay là xã Quang Thiện, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình.

[13] Nguyễn Đình Tân (1798 -1873): Quê huyện Quảng Điền, Thừa Thiên Huế, đỗ Cử nhân, làm quan trải các chức: Hải An Kinh lược đại thần kiêm Tổng đốc Định An, truy tặng Lễ bộ Thượng thư. Ông là nhạc phụ của vua Tự Đức.

[14] Thận Cần: Tên phường ở trong kinh thành Huế.

[15] Nguyễn Đồng Khoa (? - ?): Quê thôn Tân Vĩnh, huyện Bình Dương, đỗ Cử nhân năm 1831, làm quan tới Thị lang bộ Binh và bộ Lại, và từng làm Bố chính Hà Tĩnh, Bố chính Hưng Yên,... ông từng nghiện thuốc phiện, bị bãi chức. Theo châu bản triều Nguyễn (tập “Tự Đức 066”, tờ 2), ở thời điểm ngày 2 tháng 5 năm Tự Đức thứ 10 (1857), Nguyễn Đồng Khoa đang làm Tả thị lang bộ Hình. Có lẽ Nguyễn Đồng Khoa là đại diện của bộ Hình ở Pháp ti, chịu trách nhiệm xử lí vụ việc của Nguyễn Công Trứ. Cũng theo châu bản triều Nguyễn (tập “Tự Đức 060, tờ 109), Nguyễn Đồng Khoa là người nhiều bệnh tật, đi lại khó khăn, đã từng đưa đơn xin nghỉ việc.

[16] Nguyên văn chữ Hán: “嗣德拾年五月貳拾壹日,内閣奉本月十六日法司臣摺敘:本年三月日,原承天府尹休致阮公著陳控一單,經該司臣具由聲敘。奉旨:阮公著回貫之後,果否衰病,行檢若何,鄕里果否服情,均未可知。此次,該省給咨來京生理,豈是無由?該司臣不究原委,率行受單,又不擬請處置,殊為不是。其這單著駁,交該司再行詳加察[1]訪,務得情狀,並該員應作如何,區處妥擬,具奏。若仍前草率不周,必干咎及。欽此。該司臣遵卽奉行,咨乂安,寜平,南定,海陽,河内等省,查訪阮公著向來行經事狀,如何覆辨。嗣據乂安省覆敘:阮公著原貫潘舍總威遠社總里等開稱,該員自蒙回貫之後,果衰病,鄕里果服情。經派人訪諸鄕老,所稱亦依。再風聞,該員回休之後,不能安分守法,將至為非。惟該員不有在貫,現于寜平,南定等省往來居住業。經[2]查訪,無有別情,致該省放憑,前往承天生理,以息聲嘴。河内省敘:嗣德八年五月日,接見阮公著抵莅,言自蒙回休之後,閒居無事,悶坐無聊,往尋舊識釋悶。該領督臣林維義,因留該員款茶。頃間辭去,不見該員作何事狀及何情節。海陽省敘:七年二月日,見阮公著乘一小舟,帶有家眷就泊省城外。該員親就廳署。.該署督臣阮公錦仍留款接。坐間問之該員近來棲住何所,作何技藝生涯?據該員道謂:自[3]蒙回休向玆,曾于貫轄等寺居住。但家世貧簿,無以為資。致往諸省,如有故舊僚朋及諸屬弁舊吏,何人可干貸者,乞暫多少銀錢,俾資養贍等語。該員一來隨亦告出,不見作何事狀,亦不聞有何情節。.寜平省敘:經究阮公著寓所之嚮道總該副總,與樂善邑里役人等開稱,於明命年間原領營田使阮公著籌擬設立伊縣。至嗣德五年不記月日,見該員就謂:該蒙回休致,家資貧乏,用度不敷,辭與伊總構[4]作家居一所,以便教習幼子。伊總因念恩情相報,會合商辨。此次該員順居樂善邑。伊總設立家室以為該員居住之所。再順置田,伊等順認耕,作納粟支用。伊等常見,該員有辰或駛就本省或駛就他轄。有次三四日,有次八九日回住。至如該員作何事狀及別項情節,伊等向來不見等語。該省再加查訪,情形亦依。南定省敘:經飭究錢海縣各總該緫等供稱,去年九月日,見阮公著親往伊縣,說謂近聞伊縣珠𡑱破潰鹹水浸損,現成彫耗[5] 。因此親來探問,此外無有說及何事。伊等念其日久,姑留一宿來日返回,無有作何事狀等語。再去年九月日,見該員親就該省署督阮廷賓廳署,言謂自蒙回休養,頗覺安閒。惟年力就衰,貧病交作。玆原寓金山縣樂善邑而來。該署督因留一宿。談話間,該員提及此身榮遇,及平生事狀。察見忠愛之情,溢於言表。此次,該署督餞送些小錢文。該員亦有認受辭去。餘不聞該員有非為何狀各等語。該司臣窃照,原承天府尹阮公[6]著,年前經屆年例,欽奉旨準回貫休致。嗣去年,乂安省給咨來京生理。該員現抵愼勤坊投寓。玆奉詳加察訪。據乂安省覆稱,該員回休之後,果有衰病,鄕里果有服情,具有該原貫總里鄕老信實供結可據。惟風聞不能安分守法,將至為非。但經派查訪,無有別情。致放憑往承天府轄生理,以息聲嘴。寜平,南定,河内,海陽等省亦覆稱:該員因貧或往舊情之新立[7]邑民,居寓生業或往尋訪故舊干貸錢銀資度。不見作何事狀,亦不聞有何情節。該司臣再奉察驗,該員衰病情形屬確。且阮公著現今年已八十,經究亦無別項情節。若令仍留承天府轄居寓,家貫懸遠,貧病餘年,無可以資生理。其情亦屬可軫。其阮公著請應欽遵前旨,聴其回貫休致。仍由所在地方官轉飭,該員嗣宜安居鄕貫,無得往他方,以息聲嘴。再阮同科接病,在外調治,致無盡題係等由。謹奉會同當直臣科道臣,聲敘候旨,遵票奉草。臣阮惟記。臣黎伯慎奉記。會同當直臣文煥記。科道臣阮世輝記。” [Châu bản triều Nguyễn 阮朝硃本, Tập “Tự Đức 063”, tờ 157a – 161a ]

[17] Nguyên văn chữ Hán: “阮公著,曩因不好,聲嘴如何。致乂省臣飭令來京生理,蓋欲息浮說,保終舊並不為無故。玆既以老病陳情,亦屬可軫。朕悉臣工,不遺遐細著,凖其回貫休致。又由乂省,[出]庫一百貫,以示恤養。仍交該省臣飭該休員在貫安養無得往來北圻,以保餘年,全素節。則永賴朝廷餘慶,而不負朕御下以寬之意。” [Châu bản triều Nguyễn 阮朝硃本, Tập “Tự Đức 063”, tờ 157a]

[18] Nguyên văn chữ Hán: “嗣德拾年五月貳拾貳日,内閣奉本月十六日,法司臣等遵奉察訪。原承天府尹休致阮公著,並酌擬摺,一經臣等。阮同科接病,在外調治,致無盡題係等由。謹奉會同當直臣科道臣聲敘,.欽奉批示。玆再奉會閱,恭擬奉旨:“原承天府尹休致阮公著,曩因不好聲嘴如何,致乂省臣飭令來京生理。蓋欲使之息浮說,而保令終,不為無故。玆既以老病陳情,亦屬可軫。朕體悉臣工,不遺遐細。阮公著,凖其回貫休致,再加恩由該省,支出庫錢一百貫,給賜以示恤養。仍飭該休員安居鄕貫,杖履頣閒,無得仍前往來北圻諸省,以保餘年,全素節。則永賴朝廷餘慶,而不負朕御下以寬之意。餘知道了。欽此。奉草臣阮惟記。臣黎伯慎記。奉會閱當直臣范春桂記。科道臣喬克諧記。對照臣潘輝泳記。” [Tập “Tự Đức 063”, tờ 164a-165a].

[19] Nguyên văn chữ Hán: 嗣德拾年拾壹月拾玖日。.禮部,奉本日臣部,將安静署督臣黄收疏敘: 原承天府尹回休阮公著,年登八十。具由靣履。欽奉訓示,輒敢遵票,恭擬奉旨:阮公著,年前回休不安鄕土,擅自遊歷北圻各省,動致聲名狼籍。嗣蒙再準回贯,頗能安分守法。玆年登八十,加恩著賞銀貳拾五兩,用示惠養。欽此。臣陳世榮奉抄攷。潘清簡,武德濡,阮春忻奉閱。[Châu bản triều Nguyễn 阮朝硃本, Tập “Tự Đức 077”, tờ 157a-b].

[20] Theo Vũ Đức Liêm, Nguyễn Công Trứ và việc nhận thức các vấn đề thời đại, tài liệu riêng chưa công bố do tác giả cung cấp. Nhân đây xin cảm ơn anh đã đồng ý cho chúng tôi tham khảo!

[21] Theo một số tư liệu (châu bản, gia phả,…), về sau con cháu của Nguyễn Công Trứ cũng khá nghèo khó, không thành đạt.

Nguồn: Tạp chí Hán Nôm, số 5/2018.

Post by: admin
04-01-2022