Văn học Việt Nam hiện đại

LÊ VĂN THẢO – PHÁC THẢO CUỘC ĐỜI VÀ SỰ NGHIỆP


13-10-2021
Nhà văn Lê Văn Thảo tên thật là Dương Ngọc Huy,  sinh ngày 1 tháng 10 năm 1939 tại Huyện Thủ Thừa, Tỉnh Long An. Ông lớn lên ở An Giang sau đó lên Sài Gòn học khoa  Toán Lý ở Đại học Khoa học.

PGS. TS. Đoàn Trọng Huy

I. PHÁC THẢO CUỘC ĐỜI

1. Từ cái nôi  gia đình quê hương

         Cậu bé Dương Văn Huy xuất thân một gia đình có nề nếp gia giáo trí thức mới. 

         Má anh là một người phụ nữ lý tưởng, người phụ nữ tài hoa xinh đẹp đoan trang, người vợ hiền và người mẹ thảo trong gia đình. Bà vốn là nữ sinh Trường nữ Áo tím ở Sài Gòn xưa (nay là trường Nguyễn Thị Minh Khai) Bà xuất thân con nhà giàu, quê An Giang. Đi học yêu anh con trai trường Pétrus Ký là Dương Văn Diêu. Ông đi hoạt động cách mạng để bà phải ba chìm bảy nổi nuôi đàn con 7 người : 5 trai, 2 gái đều khôn  lớn trưởng thành. Con trai đầu là Dương Văn Di, theo cha tập kết ra Bắc đã chết, con trai thứ 2 Dương Ngọc Huy (tức Lê Văn Thảo) nhà văn , con trai kế tên Dương Ngọc Duy, đạo diễn, con trai út là Dương Quốc Đạt đi dạy học.

         Bà dạy tiểu học , nuôi 6 con bằng đồng lương ít ỏi vẫn chèo chống đủ cho các con ăn học và đều thành đạt cao

         Năm 1962, chồng bà ông Dương Văn Diêu tập kết miền Bắc,vượt Trường Sơn vào Nam công tác ở Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam, phụ trách Trưởng ban giáo dục. Bà móc nối đưa hai con trai là Lê Văn Thảo và Lê Văn Duy vào chiến khu. Rồi hai năm sau, bà cũng vào căn cứ công tác, kèm theo bốn đứa con , cả nhà cùng đi với cách mạng.

         Bà là hình mẫu lý tưởng của người phụ nữ đảm việc nhà, giỏi việc nước, nuôi con thành tài, các con đều tận tình chí hiếu  với mẹ.

         Có thể nói đây là một cái nôi gia đình lý tưởng. Cả nhà, mọi thành viên đều đến với cách mạng. Từ bỏ thị thành phồn hoa đi vào căn cứ sống, chịu đựng gian khó, hiểm nguy là một sự đánh đổi lớn trong cuộc đời. Họ được một phẩm chất quý giá là nhân cách của con người cách mạng.

         Gia đình ấy đã đào tạo và hun đúc những thành viên cách mạng. Bố mẹ công tác giáo dục rồi hai  con trai và gái đều đi dạy học, hai con trai lớn và con gái út đều công tác nghệ thuật, viết văn và đạo diễn phim ảnh nghệ thuật: con trai thứ Dương Văn Duy, con gái út Dương Thị Cẩm Thúy.

         Vùng quê nơi ông sinh sống và trưởng thành cũng là một vùng địa linh, nhân kiệt

         Lê Văn Thảo được biết , An Giang quê mẹ của ông đã sinh ra nhiều danh tài nổi tiếng như nhạc sĩ Hoàng Hiệp, nhà văn Nguyễn Quang Sáng, nhà văn Anh Đức và cả bác sĩ Nguyễn Văn Hưởng, Bộ trưởng Y tế đầu tiên của chế độ cách mạng.

         Tất cả , kể cả nhà văn Lê Văn Thảo đều đạt giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật.

         Tuy nhiên đó là một quan niệm có tính chất tâm linh . Trong đời , đó chính là sự lan tỏa ảnh hưởng tốt đẹp, trước hết của đồng nghiệp văn chương , nghệ sĩ cùng trang lứa với nhau.

         Một cái nôi gia đình tốt đẹp, một vùng quê hương danh tiếng chính là cơ sở khách quan nhưng gần gũi nhất góp phần ảnh hưởng hun đúc nhân tài.

2. Cuộc dấn thân từ đầu đời

         Theo lời dặn và chỉ điểm của ông bố, hai em Huy  và Duy đều bỏ học để đi vào căn cứ . Lê Văn Thảo được đánh giá là một gương mặt điển hình của thế hệ sinh viên Sài Gòn lên rừng đi thamg gia kháng chiến. Lúc đó anh đang học dở năm thứ 3 ban Toán Lý (MP) của Đại học Khoa học Sài Gòn, em trai anh cũng đang học trường Quốc gia Hành chánh… Bỏ lại cuộc sống sung sướng của Sài Gòn hoa lệ để lên rừng, đó là một hành động quả cảm . Hồi đó , giơi trí thức, thanh niên học sinh đi vào khu căn cứ R chưa nhiều như sau này qua các  đợt đấu tranh sôi nổi náo động ở các thành phố lớn.

         Công việc đầu tiên mà các anh nhận của tổ chức là làm rẫy, tức lao động để nuôi sống mình và tập thể. Rồi làm bất cứ việc gì được phân công , kể cả đi dân công

.

         Lê Văn Thảo là một mẫu nhà văn vừa cầm bút vừa cầm súng , gan dạ dũng cảm như một chiến sĩ thực thụ với tư cách phóng viên mặt trận.

         Nhà văn từng dự nhiều trận đánh, nhiều chiến dịch và rất vinh dự là tham gia cuộc tổng tiến công mùa xuân 1968. Tự tay ông chôn cất người đồng đội là nhà thơ Lê Anh Xuân, ông  cũng là người gặp gỡ Nguyễn Thi trước khi vào cửa ngõ Sài Gòn.

         Trải nghiệm chiến tranh, trải nghiệm cuộc sống với tất cả những bi tráng hào hùng thấm sâu vào máu thịt tâm hồn.

II. NHÌN LẠI MỘT SỰ NGHIỆP VĂN CHƯƠNG

         So với lớp đi trước, Anh Đức, Nguyễn Quang Sáng… thì Lê Văn Thảo vào đời cầm bút chậm hơn. Mãi đầu năm 1965 mới coi như bước vào nghề viết.

         Tác phẩm đầu đời thời ấy của Lê Văn Thảo là những ký sự, bút ký chiến trường, những truyện ngắn về miền quê Long An, Đồng Tháp Mười. Nhà văn trẻ viết về chiến sự, về cảnh sinh hoạt và chiến đấu ở các vùng quê, những chiến sĩ đơn vị  quân giải phóng miền Đông Nam Bộ.

         Có thể điểm lại một số tác phẩm như sau: 

  • Ngoài mặt trận, truyện và ký, NXB  Giải phóng, 1969
  • Từ thế cao (ký sự, NXB Giải phóng, 1970)
  • Bên lở bên  bồi (tập truyện ngắn, NXB Giải phóng , 1976)
  • Chuyện xã tôi (truyện văn, NXB Kim Đồng, 1980)
  • Cửa sổ màu xanh (tập truyện ngắn, NXB Tác phẩm mới, 1981)
  • Câu chuyện 20 năm (tập truyện ngắn, NXB Mũi Cà Mau, 1985)
  • Buổi chiều và sáng hôm sau (tập truyện ngắn, NXB Văn Nghệ TP. Hồ Chí Minh, 1986)
  • Ngôi nhà có hàng rào song sắt ( tiểu thuyết , NXB, Tác phẩm mới,1988)
  • Chuyện nhỏ tình yêu (tập truyện ngắn, NXB Văn nghệ TP. Hồ Chí Minh , 1992)
  • Con đường xuyên rừng (tiểu thuyết, NXB Văn nghệ TP.Hồ Chí Minh, 1995)
  • Ông cá hô (tập truyện ngắn, NXB Hội Nhà văn, 1995)
  • Một ngày và một đời (Tiểu thuyết, NXB Văn học, 1999)
  • Cơn giông (tiểu thuyết NXB Trẻ, 2000)
  • Truyện ngắn chọn lọc (NXB Hội Nhà văn 2003)
  • Tuyển tập Lê Văn Thảo (NXB Văn học, 2007)
  • Lên núi thả mây (Tập truyện ngắn, NXB Văn học, 2011)
  • Truyện ngắn Lê Văn Thảo (NXB Văn học, 2012)
  • Sóng nước Vàm Nao (tiểu thuyết, NXB Hội Nhà văn 2007 ,  2012)
  • Những năm tháng nhọc nhằn (tiểu thuyết, NXB  Văn hóaVăn nghệ 2012)
  • Nhỏ con, có chịu thôi đi  không? (Tập truyện ngắn, NXB Văn hóa Văn nghệ , 2016)

Trong số hơn 20 xuất bản phẩm có 6 tiểu thuyết còn lại là các tập truyện ngắn tuy nhiên, thành công tập trung là ở tiểu thuyết.

Các giải thưởng văn học đáng chú ý có thể kể :

  • Tiểu thuyết Một ngày và một đời, giải A Hội Nhà văn
  • Tiểu thuyết Cơn giông, giải B Hội Nhà văn, 2003
  • Giải thưởng văn học Đông Nam Á ASEAN, 2006 cũng là tiểu thuyết này.

        Ngoài ra là các giải thưởng danh giá quốc gia

 Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật, 2007

 Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật, 2012 cho các tác phẩm Con đường xuyên rừng, Tuyển tập truyện ngắn.

 Bằng sáng tác văn học, Lê Văn Thảo đã góp phần lớn cho diện mạo văn

học Việt Nam đương đại kể cả tới sau này trong nhiều sự kiện hội nhập thế giới.

 Đặc biệt ông được coi là người có ảnh hưởng  quan trọng đối với sự phát triển văn học Thành phố Hồ Chí Minh kể cả tới thời kỳ mở cửa sau này.

Sáng tác phẩm cho đến nay vẫn có sức hút đông đảo bạn đọc các thế hệ: Đêm Tháp Mười(1972), Ông cá hô (1995), Một ngày và một đời (1977), Con mèo (1999), Cơn giông (2002), Truyện ngắn chọn lọc (2003)

Tất cả thành tựu đã xuất phát từ quan niệm chính xác như nhà văn từng chia sẻ : “ Văn chương với tôi là lẽ sống, là nỗi niềm, thân phận, lương tâm, những trải nghiệm cuộc đời và đôi điều suy tư từ những năm tháng sống ,  tôi trải lòng với mọi người. Tôi viết từ những thực tế để sống qua ,  đồng hành với nhân dân mình trong cuộc lao động và chiến đấu. Tôi gần gũi nhiều hơn với những người bình thường, những người nghèo khổ dân dã, những người có thân phận hẩm hiu bất hạnh.

Tôi viết chậm rãi, tự nhiên coi lao động nghề văn cũng lao tâm khổ tứ như mọi nghề khác. Tôi viết từ thôi thúc của bản thân cũng là thôi thúc của cuộc đời. Được lao động sáng tác, được trăn trở, miệt mài trên trang viết với nhân vật, đó là hạnh phúc văn chương mang lại cho tôi”.

Trong quan niệm viết, nhà văn để lên trên hàng đầu cái chân, có chân mới đi đến cái thiện qua thể hiện của cái mỹ.

  “Điều quan trọng nhất của nhà văn theo tôi là tính chân thực. Một chút phô trương, giả dối, làm dáng trong văn chường là hỏng. Nhà văn có tài là người biết bỏ cái gì chứ không phải viết cái gì”

Điều căn  cốt nhất chính là sự thật tâm hồn,  đó là một nguyên lý. Sự thật lý trí và sự thật tình cảm “Nhà văn đâu chỉ nên miêu tả một cách khách quan, lạnh lùng về nhân vật và diễn biến sự việc,  nhà văn phải biết lắng cảm xúc, có sự gan lọc, không đứng ngoài, đứng trên sự thật, tác phẩm mới hay, thuyết phục được bạn đọc”.

Lê Văn Thảo không ra tuyên ngôn lý thuyết . Như nhà văn từng nói, đó là sự trải lòng rất tâm huyết.

Những gì còn để lại với hậu thế của sự nghiệp văn chương Lê Văn Thảo chính là tấm lòng của nhà văn, những nỗi niềm tâm sự về nghề văn, nghiệp viết. Đó là di sản tinh thần quý giá qua cuộc đời và những trang viết như máu huyết tâm hồn của nhà văn.


 

Post by: admin
13-10-2021