Văn hóa

Truyền thống và chủ nghĩa đa nguyên trong sự lý giải của P.K.Feyerabend từ góc độ văn hóa học


15-10-2020
Tác giả: Nguyễn Huy Hoàng (Viện Triết học)

Một trong những khó khăn gặp phải khi nghiên cứu triết học phương Tây nói chung hay “Triết học khoa học” nói riêng là yêu cầu xác định cho rõ những cơ sở thế giới quan của các học thuyết đang được xem xét. Khó khăn đó lại càng tăng lên khi hạt nhân của thế giới quan lại thường ẩn giấu, chứ không thể hiện rõ ràng trong lý luận và phương pháp luận của chúng. Việc nghiên cứu, xem xét, phân tích triết học của P.K.Feyerabend – nhà triết học và phương pháp luận khoa học nổi tiếng của Mỹ là một trong những trường hợp như vậy. Quả thật, các quan điểm của P.K.Feyerabend không thể nào được hiểu rõ và lý giải đầy đủ nếu đặt chúng ở bên ngoài những định hướng thế giới quan của ông. Bởi thế, trong bài viết này, chúng tôi chú trọng đến vấn đề truyền thống và chủ nghĩa đa nguyên – một nội dung trong triết học xã hội của P.K.Feyerabend được lý giải từ góc độ văn hoá học và coi như cơ sở thế giới quan của ông.

Quan điểm đa nguyên luận, dù là đa nguyên trong lĩnh vực chính trị, tư tưởng hay lý luận nhận thức, luôn là cơ sở của phần lớn các học thuyết triết học và xã hội học phương Tây. Trong quan điểm của P.K.Feyerabend, chủ nghĩa đa nguyên mang một hình thức độc đáo. Chịu ảnh hưởng từ lý luận phân tầng xã hội của các nhà xã hội học phương Tây, ông muốn thay thế lý luận phân chia xã hội thành các giai cấp bằng cái được gọi là “những nhóm nhỏ” được tách ra trên cơ sở những khác biệt về lứa tuổi, giới tính, nghề nghiệp và dân tộc. Theo P.K.Feyerabend, trong khuôn khổ của các nhóm nhỏ này, một nền văn hoá độc đáo đã hình thành mà cơ sở của nó tạo nên những truyền thống thể hiện những phương thức hoạt động chủ yếu và các kiểu cộng đồng tâm lý xã hội vốn có ở nhóm này hay nhóm khác. Những quyền lợi và nhu cầu của các nhóm đã hình thành nên hệ tư tưởng đa dạng với chức năng chủ yếu là đảm bảo tính ổn định của các truyền thống và văn hoá. P.K.Feyerabend đã trừu tượng hoá khái niệm sự đa dạng và đối lập sự khác biệt với đồng nhất, thống nhất. Bằng cách tương tự như vậy, nghĩa là nhấn mạnh một cách phiến diện đến sự khác biệt, ông đã lý giải rằng, sự tồn tại đồng thời của nhiều học thuyết triết học, một mặt, thể hiện đúng đắn thực chất của quá trình lịch sử triết học; mặt khác, thể hiện sự dân chủ xã hội, sự khác biệt trong các quan điểm, sự tự do của tinh thần. Tự coi những kết luận cơ bản của mình được rút ra từ lịch sử văn hoá, P.K.Feyerabend tuyên bố sự tồn tại của các quan điểm, lý luận, tín ngưỡng và các truyền thống trong mối quan hệ loại trừ lẫn nhau. Thực ra, kết luận này không phải được xây dựng trên cơ sở nghiên cứu lịch sử hiện thực của văn hoá, mà chính là được rút ra từ quan điểm lý luận nhận thức – cái gọi là chủ nghĩa vô chính phủ trong nhận thức luận của ông.

Đối với P.K.Feyerabend, lý luận được hiểu không phải như là sự phản ánh hiện thực khách quan, mà là một phương thức biểu hiện khả năng sáng tạo của chủ thể nhận thức. Vì thế, không phải ngẫu nhiên mà ông đã phủ nhận khái niệm chân lý và cho rằng, “Nhận thức không phải là một quá trình để nhích dần đến một lý tưởng nào đó. Nhận thức rơi vào một đại dương các lựa chọn khác nhau đang tăng lên không ngừng, mà mỗi một trong chúng đều muốn cưỡng chế các lựa chọn còn lại phải làm sáng tỏ quan điểm của mình và nhờ có sự cạnh tranh ấy, tất cả các sự lựa chọn đều mang cống hiến của mình vào sự phát triển sức mạnh của tư duy chúng ta”[1]. Rõ ràng, với sự lý giải như vậy của Feyerabend, nhận thức khoa học đã mất đi nội dung khách quan của nó và trở nên “hợp lý” giống như thần thoại, ma thuật hay tôn giáo. Đồng thời, theo đó, ranh giới giữa khoa học và hệ tư tưởng cũng thực sự bị biến mất.

Không chỉ có vậy, ông còn giải thích khoa học một cách chủ quan, xem xét nó như một hiện tượng văn hoá - xã hội. Điều này được thể hiện ở chỗ, khi phân tích các truyền thống khác nhau ở bên trong tri thức khoa học, Feyerabend đã đưa những nhân tố xã hội lên vị trí hàng đầu trong nội dung của khoa học. Còn những sự tìm kiếm vốn có của nhận thức khoa học lại được ông đánh giá và đặt ở thứ hạng thấp hơn. Coi bất kỳ nhân tố nào tương đối độc lập, hoàn chỉnh và được gìn giữ qua nhiều thế hệ là “hệ thống”, Feyerabend muốn đem lại cho khái niệm này một ý nghĩa khác biệt so với cách hiểu thông thường của mọi người. Theo sự lý giải của ông, truyền thống là một hệ thống xã hội phức hợp đem lại cơ sở cho hoạt động và tư duy của những người muốn bảo vệ hoặc ủng hộ nó nhờ một tổng thể những sự ưa thích. Một hình thức tổ chức xã hội nhất định, một phương thức hoạt động vốn có ở truyền thống này cũng như thế giới quan thể hiện những quyền lợi của “những người ủng hộ” (followers) và “những người tham gia” (participants) truyền thống. Theo lập luận của Feyerabend, sự cạnh tranh của những truyền thống được nhận thức như thế đã tạo nên nội dung chủ yếu của quá trình lịch sử tương tự như sự phát triển của tri thức khoa học bằng cuộc đấu tranh của những sự lựa chọn.

Luận đề chủ chốt trong lý luận về truyền thống của Feyerabend là việc đòi hỏi chuẩn mực của chủ nghĩa đa nguyên chính trị - xã hội và trí tuệ. Ông đã khẳng định rằng: “Tất cả các truyền thống đều bình đẳng và được phép như nhau để tiến tới trung tâm quyền lực”[2]. Điều đó có nghĩa là, mỗi người cần phải được đảm bảo quyền gắn bó cuộc sống của mình với bất kỳ một trong những truyền thống đang tồn tại hay có khả năng tồn tại. Đối với ông, sự bình đẳng của các truyền thống đồng nghĩa với “xã hội tự do”. Dĩ nhiên, Feyerabend cũng ý thức được là một xã hội như vậy sẽ chẳng bao giờ có thể tồn tại, song ông lại tư mâu thuẫn khi cho rằng nước Mỹ đang nhích dần đến xã hội tự do ấy.

Nghiên cứu quan điểm của Feyerabend, chúng ta thấy toàn bộ những hình thức khai thác hiện thực, như thực tiễn, thực tiễn - tinh thần, tinh thần cũng như các khuôn mẫu tâm lý - xã hội và cả các học thuyết tư tưởng, triết học... đều được ông coi là truyền thống. Trong việc phân loại truyền thống, Feyerabend đã chia nó thành những truyền thống thực tiễn và lý luận (thợ thủ công và triết học), những truyền thống chuẩn mực và cách mạng (cơ học lượng tử và thuyết tương đối), những truyền thống mở và đóng (chủ nghĩa nhân đạo và chủ nghĩa phát xít), những truyền thống lịch sử và trừu tượng (thần thoại và khoa học).

Khi tổng kết sự phân loại truyền thống của mình, Feyerabend đã đưa ra một số kết luận thể hiện ý nghĩa chủ yếu của chủ nghĩa đa nguyên trong văn hoá học. Thứ nhất, ông cho rằng, “Truyền thống chẳng là tốt mà cũng chẳng là xấu, đơn giản là nó tồn tại”[3]. Với luận điểm đó, Feyerabend đã loại trừ khả năng đưa ra một tiêu chuẩn khách quan để phán xử chủ nghĩa phát xít và đặt thế giới quan nhân đạo đối lập với nó. Mặc dù không ủng hộ chủ nghĩa phát xít và hơn thế, còn tố cáo nó như một thực tiễn chính trị đàn áp sự đa dạng của các truyền thống, song sự phủ nhận của ông đối với chủ nghĩa phát xít, như chính Feyerabend khẳng định, chỉ xuất phát từ luận điểm chủ quan mà không làm cho nó mất quyền tồn tại như một trong các truyền thống. Những lập luận này của ông được xây dựng trên cơ sở của chủ nghĩa tương đối với tham vọng làm cho mọi truyền thống đều tồn tại ngang nhau.

Thứ hai, Feyerabend đã cụ thể hoá kết luận thứ nhất và cho rằng, “Truyền thống tìm thấy những phẩm chất hợp ý muốn hay không hợp ý muốn chỉ trong sự so sánh nó với truyền thống khác”[4]. Như vậy, phải chăng là khi những truyền thống khác nhau và các định hướng giá trị tương ứng với chúng cùng tồn tại, việc đánh giá mỗi truyền thống luôn được thực hiện và tìm thấy qua những truyền thống khác có ở khắp mọi nơi? Nghĩa là, theo quan điểm của ông, các truyền thống có liên quan đến nhau, tác động lẫn nhau và trong một mức độ rõ rệt, chúng bị mất đi vị trí độc lập của mình. Thứ ba, từ nhận định trên, Feyerabend đã rút ra kết luận cho rằng, chủ nghĩa tương đối là triết học lý trí duy nhất, vì “nó mang lại ý nghĩa cho chủ nghĩa đa nguyên của các truyền thống và các giá trị”[5] và thể hiện một tư duy văn minh, bao dung với các hình thức sống khác nhau. Đó quả là một thứ chủ nghĩa nhân đạo trừu tượng, nhằm tuyệt đối hoá sự dung hoà giữa tất cả các hiện tượng xã hội khác nhau.

Thứ tư, Feyerabend tiếp tục phát triển chủ nghĩa tương đối của ông khi coi “Mỗi một truyền thống theo cách của mình đều chiếm được lòng người”[6]. Giải thích mệnh đề này, ông tuyên bố rằng, cái gọi là sự “tranh luận hợp lý” - mà C.Pốppơ coi như hình thức duy nhất để thảo luận các vấn đề, thực ra không phải là như vậy. Theo Feyerabend, không chỉ lôgíc học mới giải quyết được vấn đề và giành được người ủng hộ, mà cả sự hùng biện, tuyên truyền, chế nhạo kẻ đối lập, v.v. cũng có thể giành được thắng lợi; rằng, tranh luận khoa học cũng không nghiêm túc hơn những lời châm chọc của B.Brecht hay những ý kiến nghịch đời của B.Shaw. Tính tương đối và sự đa dạng của các phương pháp lập luận phản ánh cấu trúc “hạt nhân” của truyền thống và những tiền đề thế giới quan của nó. Đồng thời, chúng tạo thành một loại “triết học thực dụng” được nảy sinh trong chính quá trình cảm nhận hay thực hiện những đổi thay xã hội với đặc trưng như tính không rõ ràng của các nguyên tắc, tính tình huống và tính tự phát. Hình thái ý thức này có cơ sở dựa trên sự đa dạng của các truyền thống và văn hoá, các lý luận và những phương pháp lập luận xuất phát từ sự phản kháng những phương pháp nghiên cứu khoa học. Luận điểm “Tất cả đều được phép”[7] là kết luận thứ năm được Feyerabend rút ra từ những tiền đề của chủ nghĩa đa nguyên.

Thứ sáu, Feyerabend cho rằng, “tồn tại ít nhất hai phương thức khác nhau trong việc thông qua quyết định tập thể mà tôi gọi chúng là sự trao đổi các quan điểm công khai và được định hướng (guided)”[8]. Trước tiên, đó chính là phương tiện để “bắt chặt” vào truyền thống những chủ thể còn chưa bị nó cuốn hút. Trong phương thức này, cần đặc biệt lưu ý tới việc giáo dục chuyên nghiệp được ông coi như sự hình thành nhân cách kiểu “đơn chiều”, còn Mắccudơ thì gọi đó là việc sản xuất ra “cái đinh vít” trong guồng máy của xã hội phương Tây. Khác hẳn với người lớn, trẻ nhỏ hướng đến việc học một cách đa dạng hơn, khả năng tiếp nhận và có xúc cảm nhiều hơn; đồng thời, muốn thoát khỏi khuôn khổ xã hội nhiều hơn. Nhưng, cuộc sống trong xã hội hiện đại mà Phâyơraben đã nhiều lần phê phán là “nhất nguyên” và “duy lý” lại đòi hỏi sự thu hẹp các triển vọng. Ông viết: “Để trở thành người lớn, con người cần phải vứt bỏ những đồ chơi thời thơ ấu và thích nghi với hiện thực. Những giấc mơ của tuổi thơ, những khát khao của tuổi trẻ, vô số cách nhìn nhận thế giới ngộ nghĩnh, những cái đã làm cho thế giới trở nên thú vị và bí ẩn – toàn bộ những cái ấy cần phải được vứt bỏ, bởi lẽ mục đích của chúng ta là nhận thức và khai thác thiên nhiên”[9]. Mặc dù đã nhìn thấy những khuyết tật vốn có trong quá trình giáo dục và đào tạo của xã hội phương Tây, nhưng Feyerabend lại đưa ra một kết luận đầy nghịch lý: những khiếm khuyết của nền giáo dục hiện đại dường như bắt nguồn từ sự định hướng của nó vào tư duy khoa học và thực tiễn mà không phải từ phức hợp đa dạng các nhân tố xã hội. Theo ông, khoa học và thực tiễn như là những truyền thống đặc thù và do tính hạn chế của mình, chúng cần được bổ sung bằng các hình thái khác của đời sống tinh thần, như tôn giáo, chiêm tinh học hoặc cả những tế lễ cầu mưa. Chính vì thế, Feyerabend đã tuyên bố rằng, chỉ có hấp thu vào trong mình toàn bộ nội dung đa dạng của văn hóa, con người mới được chuyển hoá thành cá nhân sáng tạo.

Dù có sự hấp dẫn bên ngoài, nhưng cách đặt vấn đề về di sản văn hóa một cách trừu tượng như vậy của ông vẫn không có tính thuyết phục. Như chúng ta đã biết, văn hoá được nảy sinh trong hàng bao thế kỷ tồn tại của các xã hội đối kháng chứa đựng không ít cái cần được giải thoát. Nhưng, theo Feyerabend, các truyền thống không bao giờ loại bỏ mình nếu còn có những người bảo vệ chúng. Một chủ nghĩa nhân đạo như vậy quả là đáng nghi ngờ, bởi sự khoan dung đã được thổi phồng thái quá. Hơn nữa, ông còn nói một cách hài hước rằng: “Nếu như những người phải nộp thuế ở California còn mong muốn sao cho trong các trường Đại học tổng hợp quốc gia sẽ giảng dậy pháp thuật, y học dân gian, chiêm tinh học hay các điệu nhẩy cầu mưa thì chúng ta phải dậy những điều đó”[10]. Như vậy, theo Feyerabend, sự tiếp nhận công khai những quyết định xã hội được xây dựng trên cơ sở của “triết học thực dụng” là những điều kiện bất biến để nhân đạo hoá đời sống xã hội phương Tây.

Tuy nhiên, trong kết luận tiếp theo, ông đã tự mâu thuẫn với mình khi cho rằng, nhân đạo hoá các quan hệ xã hội -  “xã hội tự do” không phải là sự biểu hiện những lý tưởng của chủ nghĩa nhân đạo, cũng như của bất kỳ một truyền thống tinh thần nào khác. Liên kết trong nó những truyền thống khác nhau, thậm chí không tương hợp với nhau, “xã hội tự do” đã sinh ra sự đa dạng của các hệ tư tưởng thể hiện những nét đặc thù của các truyền thống. Vì thế, Feyerabend kết luận: “Xã hội tự do không bị ép buộc từ bên ngoài, nhưng nó chỉ nảy sinh khi mà mọi người giải quyết những vấn đề riêng ở trong tinh thần hợp tác và hình thành nên những kết cấu bảo vệ”[11]. Ông cho rằng, “kết cấu bảo vệ” là cơ sở của “xã hội tự do” và nó đảm bảo cho tính bất khả xâm phạm của mỗi truyền thống. Hơn nữa, khi mà tự do đã trở thành một hiện tượng phổ biến trên phạm vi toàn xã hội, lúc đó, mọi người sẽ sống theo cách khác. Nhưng, những điều đã nói trong kết luận này chỉ được tiến hành nhằm mục đích thiết lập “kết cấu bảo vệ”, khi mà các kết cấu đó, trong thời kỳ cách mạng của tiến trình phát triển xã hội, đang bị tấn công từ bên dưới. Còn trong những thời gian khác, đó chỉ là những khả năng thảo luận tự do các vấn đề riêng trong khuôn khổ của một nhóm xã hội, một truyền thống.

Theo Feyerabend, khoa học hiện đại được đặc trưng bởi việc gạt bỏ sự tranh luận tự do trong những lĩnh vực hoạt động phi khoa học của con người. Bởi thế, ông đã xem xét khoa học như một truyền thống hiếu chiến và giáo điều nhất nắm lấy quyền lực trong xã hội “vị khoa học” hiện thời. Dựa vào huyền thoại “tính hợp lý khoa học”, các nhà khoa học và phương pháp luận đã dành cho khoa học những khoản chi đến hàng tỷ đô la mà vẫn không đem lại hiệu quả  trong việc giải quyết các vấn đề xã hội. Không quan tâm đến lợi ích của những truyền thống khác, các nhà khoa học đã đem một nền giáo dục khoa học có tính giáo điều áp đặt cho xã hội, tán dương khoa học như một mẫu mực lý tưởng của tư duy khách quan và coi nó như một phương tiện vạn năng đảm bảo cho sự tiến bộ xã hội. Nhưng, thật ra khoa học không phải là cái gì ưu trội nhất so với các truyền thống khác. Do vậy, Feyerabend nhấn mạnh: “Nếu như người ta tán dương khoa học vì những thành tựu của nó thì thần thoại đáng được tin cậy gấp trăm lần. Những người sáng tạo ra thần thoại đã đặt nền móng cho văn hoá, trong khi đó, các nhà duy lý, các nhà thần thoại chỉ đơn giản biến đổi văn hoá”[12]. Coi những biến đổi của khoa học trong thế kỷ XX chỉ đem lại toàn những tiêu cực, ông đã nhìn nhận một cách phiến diện những kết quả của cách mạng khoa học kỹ thuật. Tương tự như trước đây người ta đã từng đòi hỏi phải tách tôn giáo và nhà thờ ra khỏi nhà nước, Feyerabend – với hy vọng làm ngưng lại quá trình “khoa học hoá”, “duy lý hoá” đời sống xã hội, đã đưa ra mệnh đề cho rằng, “xã hội tự do đòi hỏi phải tách khoa học ra khỏi nhà nước”[13].

Trong các công trình được viết vào cuối những năm 70, đầu những năm 80 của thế kỷ XX, Feyerabend đã sử dụng khái niệm truyền thống như một phương tiện nhằm phân tích các quan hệ xã hội và hơn nữa, nó còn thể hiện sự định hướng lại thế giới quan của ông. Việc tìm kiếm một tế bào xã hội ổn định nào đó mà có thể bắt đầu phân tích từ nó đã dẫn Feyerabend tới khái niệm truyền thống. Thuyết đa nguyên trong truyền thống đã đem lại khả năng có thể giải thích và biện minh về mặt xã hội cho thuyết đa nguyên trong lý luận; đồng thời, làm cho chủ nghĩa vô chính phủ trong nhận thức luận của ông dễ được chấp nhận hơn. Feyerabend đã hiểu truyền thống như một phương thức hoạt động đặc thù của các chuẩn mực và định hướng, như một cơ chế kế thừa của xã hội (tiếp nhận và chuyển hoá kinh nghiệm xã hội); coi nó như một mối quan hệ xã hội sơ giản, một hệ thống hoạt động xã hội tối thiểu và đưa ra ý định độc đáo nhằm xem xét các hiện tượng xã hội từ góc độ “tính truyền thống” của chúng. Ông nắm lấy cái sự kiện là quản lý bằng truyền thống đem lại dân chủ hơn so với quản lý bằng luật pháp. Chính thiết chế truyền thống đã lôi kéo Feyerabend vào khuynh hướng chống lại quyền uy, đòi hỏi sự tự nguyện, sự tự do và lựa chọn trong hoạt động của con người. Ông mong muốn sử dụng những nhân tố trên để biện minh cho các quan điểm xã hội của mình. Nhưng, chính sự lý giải đa nguyên về truyền thống đã cản trở việc thấu hiểu tính đa dạng thực sự của nó. Với Feyerabend, sự cào bằng tất cả các truyền thống với nhau không chỉ mang tính hình thức mà còn cả nội dung và do vậy, sự khác biệt giữa các truyền thống như thế nào trở thành vấn đề thứ yếu. Từ quan niệm này, ông đã đánh giá cả khoa học lẫn tôn giáo, thần thoại và ma thuật đều có mức độ hợp lý như nhau. Bởi thế truyền thống và chủ nghĩa đa nguyên trong sự lý giải của ông từ góc độ văn hoá học chứa đựng không ít mâu thuẫn và bế tắc.     

 


[1] P.K.Feyerabend. Trả lời sự phê phán. Trong sách: Cấu trúc và sự phát triển của khoa học.  Mátxcova, 1978, tr.42 (tiếng Nga).

[2] P.K.Feyerabend. Science in a Free Society. London. 1978, p.9.

[3] P.K.Feyerabend. Ibid.,  p.27.

[4] P.K.Feyerabend. Ibid., p. 27.

[5] P.K.Feyerabend. Ibid., p.28.

[6] P.K.Feyerabend. Ibid., p.28.

[7] P.K.Feyerabend. Against Method. Outline of a Anarchistic Theory of Knowledge. London, 1979, p.23.

[8] P.K.Feyerabend. Science in a Free Society. p.29.

[9] P.K.Feyerabend. Outline of a Pluralistic Theory of Knowledge and Action. In “Planning for Diversity and Choice”. Ed. By  S. Anderson. Cambridge, 1968, p.275.

[10] P.K.Feyerabend. Science in a Free Society, p.87.

[11] P.K.Feyerabend. Ibid., p.30.

[12] P.K.Feyerabend. Ibid., p.104 - 105.

[13] P.K.Feyerabend. Ibid., p.31.

Nguồn: Tạp chí Triết học, số 7 (158), tháng 7 – 2004

 Và   philosophy.vass.gov.vn

Post by: Vu Nguyen HNUE
15-10-2020