Văn hóa

Thế giới quan người Việt qua những bức chạm khắc đá chùa Bút Tháp


07-10-2021

Đoàn Hồng Lư

 

Chùa Bút Tháp với tên chữ là Ninh Phúc Tự thuộc xã Đình Tổ, Thuận Thành, Bắc Ninh, là một ngôi chùa cổ tọa lạc bên đê sông Đuống. Chùa là một trong những công trình kiến trúc Phật giáo tiêu biểu của thế kỷ XVII và là một chuẩn mực cho kiến trúc cổ Việt Nam. Ở đây tập trung khá đầy đủ những giá trị của mỹ thuật cổ Việt Nam: Một kết cấu hoàn thiện của kiến trúc nội công ngoại quốc, một hệ thống tượng Phật mang giá trị nghệ thuật cao cùng với các mảng chạm khắc trên đá còn lại tương đối nguyên vẹn, đây cũng chính là một phần rất đặc sắc của chùa Bút Tháp nói riêng và nghệ thuật trang trí cổ Việt Nam nói chung.

Mảng chạm khắc đá chùa Bút Tháp là một thành phần gắn với kết cấu kiến trúc, ở một mặt nào đó, nó đóng vai trò trang hoàng cho kiến trúc ngôi chùa, nhưng tách ra có thể xem nó như một tác phẩm nghệ thuật độc lập với một phong cách nghệ thuật riêng và một thế giới quan phong phú. Thông qua việc giới thiệu nghệ thuật điêu khắc đá chùa Búp Tháp, bài viết này muốn tìm hiểu thế giới quan của người Việt trong bối cảnh tồn tại của ngôi chùa.

Chùa Bút Tháp là ngôi chùa cổ có cơ sở đầu tiên từ thời Trần, được xây dựng lại vào thời Lê Trung hưng. Hiện chưa có nguồn tư liệu nào có thể  xác minh niên đại chính xác của chùa, nhưng có thể khẳng định, chùa được xây dựng những năm bốn mươi của thế kỷ XVII, là sản phẩm của một giai đoạn đầy biến động trong lịch sử phong kiến Việt Nam.

Sự suy vi của Nho giáo, sự chấn hưng của Phật giáo, Lão giáo cùng với tín ngưỡng bản địa đương thời góp phần xác định hình ảnh của công trình kiến trúc này. Như bao ngôi chùa Việt nói chung, chùa không chỉ là chức năng thờ Phật mà nó là nơi dung hợp nhiều tôn giáo tín ngưỡng khác. Với dạng kết cấu nội công ngoại quốc, chín đơn vị kiến trúc từ ngoài vào trong: Tam quan, Gác chuông, Tiền đường, Thiêu hương, Thượng điện, Tích thiện am, Phủ thờ, Nhà chung, Hậu đường được bao bọc bởi hai dãy hành lang tạo thành một bố cục cân đối, vuông vức và là một trong những điển hình của kiến trúc Phật giáo Việt Nam thế kỷ XVII.                                                                            

Trong không gian ngôi chùa, những bức chạm khắc đá chiếm một vị trí không lớn. Nó chỉ gắn với phần lan can xung quanh tòa Thượng điện, cây Cầu đá nhỏ ba nhịp bắc qua hồ sen dẫn vào tòa Tích Thiện Am và tháp Báo Nghiêm. Tuy nhiên, đây lại là những phần quan trọng nhất của ngôi chùa: Thượng điện là nơi cao nhất, trang trọng nhất, là thế giới của cõi Phật, cây cầu đá là điểm nhấn hài hòa giữa thiên nhiên nhân tạo với công trình kiến trúc, còn tháp Báo Nghiêm gắn với lịch sử hình thành tên gọi của chùa Bút Tháp, với ngọn Tháp cao tầng như cây bút viết lên trời xanh những dấu ấn văn hóa, lịch sử, mỹ thuật của dân tộc.

Thượng điện là tòa nhà được xây dựng trên nền cao 1,1m (so với mặt vườn) và cao hơn tòa Tiền đường. Thượng điện được kết cấu trên phương diện vì kèo giống như những tòa nhà khác của ngôi chùa. Riêng bốn góc hiên có thêm bốn cột đá đỡ lấy bốn đầu bẩy nằm gần như ngang chạy từ chân một cột tròn qua đỉnh cột góc nhà chìa ra ngoài hiên. Vuông góc với đầu bảy là một cánh đòn nằm ngang đỡ mái ở gần góc đao, được trang trí bằng các đầu kẻ và mây lưỡi mác.

Những tấm chạm khắc đá làm thành một lan can trang trí bao quanh bốn mặt tòa thượng điện, làm thành hai cánh gà hai bên. Cánh gà bên trái được tạo bởi 15 cột trụ hoa sen với chiều dài 22,86m, cánh gà bên phải gồm 14 cột trụ hoa sen, với chiều dài 20,86m. Chiều cao của lan can đá là 0,45m, chiều cao của trụ sen là 0,98m, những tấm trang trí bằng đá được thể hiện trên lan can, nằm xen kẽ bởi các cột trụ hoa sen, mỗi tấm nằm ngang có chiều dày là 14cm, cao 60cm và dài 130cm. Tất cả gồm 26 tấm đá, mỗi tấm được chạm nổi một hoặc đôi khi là hai cảnh. Nối từ Thượng điện sang nhà Tích Thiện Am, là một chiếc Cầu đá bắc nhịp qua một hồ sen nhân tạo dẫn sang tòa Tích Thiện Am, nơi có tòa Cửu phẩm liên hoa. Cầu đá được xây dựng kiểu ghép đá vòm cuốn, gồm năm lớp đá dẫn xuống ba cấp bậc. Hai bên thành cầu cũng là những bức chạm đá, mỗi bên 3 tấm, chạm cả hai mặt.

Tháp Báo Nghiêm hay còn gọi là tháp Chuyết Công, được sư Minh Hành đứng ra xây dựng. Tháp có hình bát giác gồm 5 tầng, có một khoang dưới, bốn tầng trên và đỉnh là ngọn tháp. Khoang dưới là hai lớp tường bao quanh đồng tâm, chân tường được trang trí bởi những tấm chạm khắc đá mà bài viết này muốn nói tới, những bức chạm này cũng cùng một thể thức như những bức chạm ở tòa Thượng điện.

Về mặt thẩm mỹ, những bức chạm khắc đá như những điểm nhấn cho công trình kiến trúc. Nó tạo ra sự phong phú, hài hòa của chất liệu kiến trúc á Đông. Sự hòa quện giữa cái ấm áp, thâm trầm của gỗ, của gạch ngói, với cái chắc, lạnh của những mảng đá xanh làm cho công trình tôn nghiêm hơn, cổ kính hơn, u huyền mà không lạnh lẽo.

Và ở đó hơn năm mươi tấm chạm khắc ở ba vị trí trung tâm: 26 tấm lan can tòa Thượng điện, 6 tấm trên Cầu đá và 23 tấm trên tháp Báo Nghiêm với đầy đủ các đề tài: từ những đề tài mang tính huyền thoại như con rồng, con phượng đến những đề tài hiện thực như hoa lá, chim thú các loài và cả hình ảnh con người từ nô bộc, dũng sỹ đến ông quan... hết sức sinh động, làm bớt đi vẻ cô tịch chốn thiền môn.

Song, cái hay của những bức chạm khắc ở đây là mỗi một hoa văn: hoa lá, chim muông, v.v đó không đứng đơn lẻ như những họa tiết trang trí mà được kết hợp với nhau trong những bố cục hoàn chỉnh với những nội dung, ý nghĩa cụ thể. Chúng như tạo ra một thế giới sống động, phong phú và đa dạng. Những bức chạm ở đây được thể hiện với những phong cách nghệ thuật khác nhau, song tất cả đều nhất quán trong một cái nhìn cuộc sống lạc quan.

 Sinh ra trong một bối cảnh với những xung đột xã hội sâu sắc nhưng nhìn vào đó ta không thấy bóng dáng của khổ đau, mà ngược lại, thay vào đó là tình yêu cuộc sống, những khát vọng ca ngợi sự trù phú, phồn vinh và một tinh thần nhân văn cao cả.

Đặc điểm đầu tiên ta thấy được là hình thức kết cấu theo băng dải, một hình thức vốn có từ rất sớm trong nghệ thuật truyền thống, song cái đặc sắc của những bức hình trang trí ở đây là hình thức chia ô. Trên một băng dải dài hàng chục mét được chia làm nhiều ô hình chữ nhật nối tiếp nhau và mỗi tác phẩm được bố cục trong một khung hình khép kín.

Đặc điểm thứ hai của nghệ thuật chạm đá chùa Bút Tháp là tất cả các tác phẩm được bố cục bằng hai hình thức chính là bố cục đăng đối và bố cục tự do. Và dù ở bất kỳ sự sắp xếp nào thì nó vẫn bộc lộ sự sáng tạo, tình cảm ngẫu hứng của người nghệ sỹ dân gian. Phong cách nghệ thuật cũng vậy, với hai phong cách chủ đạo là cách điệu và tả thực. Trong đó, hầu hết các tác phẩm đều có sự thống nhất hài hòa giữa hai phong cách trên và tất cả đều có chung một mục đích là toát lên cái khí, cái thần cho tác phẩm.

Ngoài những giá trị nghệ thuật về kết cấu băng dải về bố cục và những thủ pháp nghệ thuật, sự độc đáo của những tấm chạm đá ở đây là một sắc thái đậm đà của nghệ thuật dân gian. Nhìn vào đó ta không thấy sự gò bó của bất kỳ một nguyên tắc nào và người nghệ sỹ cũng không bị phụ thuộc quá nhiều vào hiện thực khách quan. Bằng những đường nét hình khối được chắt lọc mang tính biểu cảm cao, các tác phẩm chạm đá chùa Bút Tháp đã nói lên một cuộc sống với thiên nhiên hoa lá chim muông, v.v... tràn đầy sự sống. Mỗi tác phẩm như một thông điệp cho những ước mơ, khát vọng về một cuộc sống an lành, phồn thịnh.

Song, những tấm chạm ở đây còn mang một giá trị văn hóa lớn lao, bằng một thế giới quan độc đáo, phong phú, những bức chạm khắc đá thấm đượm một tư duy, một lối nhìn, lối nghĩ của người Việt.

Người ta vẫn cho rằng, cái đẹp có nguồn gốc từ lao động nhưng nghệ thuật có nguồn gốc từ tôn giáo, tín ngưỡng, nghệ thuật nguyên thủy sinh ra từ hình thức vu thuật, từ việc con người tôn thờ và bắt chước tự nhiên. Các nền Mỹ thuật cổ trên thế giới đều dựa trên hệ tư tưởng của tôn giáo tín ngưỡng. Người Ai Cập cổ đại cho rằng, thế giới con người đang sống chỉ là tạm thời, chỉ có thế giới con người khi chết đi mới là cuộc sống thực sự, nó chính là thế giới của sự vĩnh hằng và từ đó họ tôn thờ những linh hồn trường cửu. Quan niệm này đã chi phối toàn nền mỹ thuật Ai Cập cổ đại từ kiến trúc, điêu khắc đến hội họa. Người ta vẫn gọi nghệ thuật Ai Cập cổ đại là nghệ thuật của người chết. Còn với người ấn Độ, nghệ thuật tạo hình gắn liền với quan niệm của Phật giáo, Hinđu giáo, Hồi giáo để hình thành nên các phong cách nghệ thuật khác nhau: nghệ thuật Phật giáo, nghệ thuật Hinđu giáo và nghệ thuật Hồi giáo. Người Trung Quốc cũng vậy, nền Mỹ thuật cổ của họ cũng không tách khỏi những hệ tư tưởng tôn giáo lớn như Phật giáo, Nho giáo, người ta vẫn cho rằng tranh sơn thủy của người Trung Quốc lấy biểu tượng nước để biểu trưng cho hình tượng người quân tử của Nho giáo (nhân nghĩa, trí dũng, tinh tường), ngoài ra, thể loại hội họa đó còn được xem là sinh ra từ sự thống nhất hài hòa của hai hệ tư tưởng Thiền và Đạo, nó là một loại tranh phong cảnh đặc biệt của mỹ thuật cổ Trung Quốc (Hoàng Công Luận, Lưu Yên, Hội họa cổ Trung Hoa, Nhật Bản, Nxb Mỹ thuật, 1993).

Cũng giống như các nền mỹ thuật cổ khác trên thế giới, mỹ thuật cổ của Việt Nam cũng không tách khỏi ảnh hưởng của những hệ tư tưởng tôn giáo, tín ngưỡng. Song tôn giáo tín ngưỡng của người Việt vô cùng phức tạp, nó không rạch ròi và quy củ như tôn giáo của những nước khác trên thế giới.

Về đại thể, Việt Nam có ba tôn giáo lớn: Phật giáo, Lão giáo và Nho giáo (không kể đến Thiên chúa giáo là một sự ảnh hưởng khác), là những tôn giáo du nhập từ bên ngoài vào nước ta, nhưng ba tôn giáo đó lại dung hòa với tín ngưỡng bản địa tạo thành nhiều biến thể khó phân biệt.

Tín ngưỡng của người Việt là một tín ngưỡng đa thần, người Việt Nam thờ rất nhiều vị thần khác nhau: thờ các thần linh trong vũ trụ, thờ Mẫu, thờ tổ tiên, thờ thành hoàng làng, thờ các anh hùng dân tộc, v.v... Tín ngưỡng này can thiệp tích cực và góp phần tạo nên những điểm cốt yếu của ứng xử con người trong cộng đồng và tạo nên các phong tục tập quán. Với người Việt vai trò của các giáo thuyết, của các giáo đoàn, tăng lữ, giáo chủ không rành mạch, khắt khe hay khép kín. Tất cả những điều này không quan trọng bằng các đức tin và các tục lệ trong cộng đồng. Cũng do con đường và phương cách tác động đặc biệt này của tôn giáo, tín ngưỡng nên ảnh hưởng của chúng đến văn hóa, nghệ thuật và lối sống cũng khác các nơi khác.

Trong đời sống tín ngưỡng phức tạp như vậy nên các tôn giáo khác du nhập vào Việt Nam đều bị ảnh hưởng bởi các tín ngưỡng bản địa đó và bị bản địa hóa.

Đạo giáo là một tôn giáo lớn ở Trung Quốc, người sáng lập là Lão Tử. Đạo giáo vào Việt Nam từ đầu Công nguyên. Đạo giáo lấy thanh tịnh tự nhiên làm tôn chỉ, lấy tự nhiên ứng với tự nhiên. Đạo là một nguyên lý huyền diệu, vô hình vô sắc sinh ra âm dương, triết học của nó căn bản là vô vi, kêu gọi sự hội nhập của con người với tự nhiên. Song, Đạo giáo vào Việt Nam lại khác xa với những triết lý cao sâu của Lão Tử. Có khi nó là tư tưởng thư thái an nhàn, tiêu dao phóng khoáng của giới Nho học, có khi nó là phép thuật âm dương, phù thủy, luyện thuốc trường sinh, những truyện thần tiên, v.v

Nho giáo cũng là một tôn giáo lớn của Trung Quốc, người sáng lập ra Nho giáo là Khổng Tử. Nho giáo là một học thuyết thiên về khoa học xã hội và phép trị nước.  Lý luận của Nho giáo là âm dương - ngũ hành, nó là một hệ tư tưởng bàn về tổ chức nhà nước, thiết lập những mối quan hệ xã hội: quan hệ vua - tôi, huynh - đệ, chồng - vợ, dựa trên những kỷ cương phép tắc của tam cương, ngũ thường

Phật giáo là một tôn giáo lớn của ấn Độ, vào Việt Nam cũng từ rất sớm (khoảng đầu Công nguyên). Phật giáo đi tìm nguồn gốc nỗi khổ đau của con người và tìm cách giúp họ thoát khỏi bể khổ (tham - sân - si), tránh luân hồi và vươn tới khát vọng cao nhất là về cõi niết bàn.

Phật giáo là một tôn giáo phổ quát nhất và ảnh hưởng sâu sắc nhất tới người Việt bởi tính bao dung, từ bi bác ái, nó hòa hợp với tinh thần và văn hóa của người Việt. Song Phật giáo cũng như các tôn giáo khác vào Việt Nam đều bị bản địa hóa. Ngôi chùa của người Việt không chỉ thờ Phật mà còn thờ Trời (Ngọc Hoàng), thờ Mẫu, thờ Thánh (theo kiểu tiền Phật hậu Thánh hoặc tiền Thánh hậu Phật).

 Các tôn giáo đó ngoài việc bị tác động bởi tín ngưỡng bản địa của người Việt thì nó cũng tác động phần nào đến tín ngưỡng bản địa. Và bản thân các tôn giáo đó khi du nhập vào Việt Nam cũng lại tác động lẫn nhau tạo thành một sắc thái rất đặc biệt của tôn giáo tín ngưỡng Việt Nam. Hệ tam giáo đồng đường: Nho - Phật - Lão, cùng với các tín ngưỡng dân gian tạo thành tâm thức của người Việt và tác động sâu sắc đến văn hóa nghệ thuật. Đó cũng chính là hệ tư tưởng của mỹ thuật cổ Việt Nam, mà những bức chạm khắc bằng đá chùa Bút Tháp là một trong những biểu hiện sâu sắc nhất.

Như đã nói, hơn năm mươi bức chạm đá ở đây góp phần xua đi cái không gian u tịnh nơi cửa Phật. Thế giới bên trong những bức chạm là thế giới của Phật - Pháp - Tăng, là thế giới của cõi niết bàn, thế giới của sự trầm tư tịnh lự với những dáng ngồi kiết già, tĩnh tại nghiêm trang, tịnh tâm hướng nội với những khuôn mặt mơ màng, siêu thoát. Còn thế giới của những bức chạm như ta đã biết, đó là một thế giới hoa lá, chim muông tràn đầy sức sống.

Trước hết, những bức chạm ở đây là những tác phẩm trang trí của một công trình kiến trúc Phật giáo mà ở đó dường như người ta muốn khẳng định sự sống, sự chuyển động, vòng luân hồi của tạo hóa qua bốn mùa xuân, hạ, thu, đông. Nó chính là chu kỳ của thời gian cũng như chu kỳ sự sinh trưởng của đời người. Và trong thế giới tự nhiên, cỏ cây hoa lá, muông thú vui vầy phải chăng như có thông điệp nhắc nhở con người ta giác ngộ trước sự quyến rũ nơi trần thế để hướng mình về cõi niết bàn, về nơi cửa Phật.

Chùa Bút Tháp được xây dựng bởi hoàng hậu Trịnh Thị    Ngọc Trúc và một số quý tộc phong kiến, vậy chủ nhân của ngôi chùa này là tầng lớp quý tộc lúc bấy giờ, bởi vậy họ đã mang vào trong đó một cái nhìn của tầng lớp trí thức đương thời. Vậy nên, những bức chạm khắc đá được bao chùm bởi một tinh thần chủ đạo của thế giới quan Nho giáo. Những biểu tượng của tứ linh, tứ quý như những tiêu chí cho những quy chuẩn về sự cao sang, quyền quý.

Tuy nhiên, những hình thức biểu hiện những biểu tượng giàu tinh thần Nho giáo đó đã được dân gian hóa. Con rồng, con phượng không chỉ là sức mạnh quyền uy nữa mà nó biểu trưng cho những khát vọng khác, “long ẩn  - rồng và mây, “long quy hải  - rồng về biển, như ta đã cắt nghĩa nó là những khát vọng cho nhân duyên, cho sức mạnh của sự sống đang chuyển động không ngừng. Những tứ linh, tứ quý đó đều được bình dị hóa. Hình ảnh con lân, dấu hiệu của bậc thánh nhân xuất hiện ngang hàng với con trâu của người nông dân đang thư thái trong một cảnh an bình, có lẽ tất cả với người dân Việt đều là khát vọng về một cuộc sống thanh bình, ấm no.

Nhìn vào đó,  ta thấy mỗi bức chạm là một câu chuyện với chủ đề riêng nhưng nhìn bao quát, ta có thể thấy được sự nhất quán của nó. Xuyên thấm những hình ảnh sống động đó là một nhân sinh quan khỏe mạnh, một niềm lạc quan yêu đời. Tất cả là những lời chúc tụng, những ước mơ về một cuộc sống sung túc, đủ đầy. Mặc dù là nghệ thuật của tầng lớp quý tộc nhưng các bức chạm đều gần gũi với những người dân lao động bởi tính hiện thực và giá trị nhân văn của nó.

Và qua đó ta cũng thấy được tinh thần nhập thế của Phật giáo Việt Nam. Như đã nói, do ảnh xạ giữa các tôn giáo, tín ngưỡng với nhau mà Phật giáo Việt Nam mang một tinh thần khác. Đó là nơi gửi gắm niềm tin của con người, là cứu cánh chứ không phải là giáo đường thuyết giáo với những giáo lý, học thuyết cao siêu. Tất cả những quan niệm đó trở thành nền tảng tinh thần và tạo thành quan điểm sáng tác cho những bức chạm khắc đá nổi tiếng của chùa.

                                                              

Nguồn: Thông báo văn hóa 2010, Nhiều tác giả, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 2011.

 

Post by: admin
07-10-2021