Phương pháp

Phát triển năng lực dạy học trải nghiệm cho giáo viên nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục


01-10-2021
Experiential learning has been studied by theoretical and practical scientists to demonstrate the ability to develop competencies and learner qualities if performed effectively. Teacher competence is one of the important factors that affect quality and effectiveness of education. Determining the inclusion of the teaching experience and its role in the educational innovation will help to orient the training and fostering more effectively. The article deals with three aspects: the capacity of experiential teaching; Theoretical and practical foundations require the improvement of the teaching experience for teachers; Improving the teaching experience for teachers is done through different approaches.

Nguyễn Thị Ngọc Phúc - Trường Đại học Cần Thơ

  1. Mở đầu

Giáo viên (GV) hiện nay không chỉ có khả năng truyền thụ kiến thức cho người học mà còn phải truyền được cảm hứng, hướng dẫn cho người học nắm bắt con đường, phương thức để đạt được sự thành công trong học tập, công việc và cuộc sống. Để làm được điều đó, GV phải bồi dưỡng, phát triển năng lực cá nhân, trong đó có năng lực dạy học trải nghiệm. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, hiện chưa có sự phân biệt rõ ràng giữa năng lực dạy học chung và năng lực dạy học trải nghiệm, các yếu tố cấu thành năng lực dạy học trải nghiệm cũng như nhiều GV chưa có sự chuẩn bị kịp thời để tiến hành dạy học trải nghiệm.

Bài viết này trình bày một số nội dung để phát triển năng lực dạy học trải nghiệm đối với GV nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục.

  1. Nội dung nghiên cứu
    1. Khái niệm
      1. Dạy học trải nghiệm

Theo Từ điển tiếng Việt: “Trải nghiệm’” là sự trải qua, kinh qua và chiêm nghiệm một quá trình. Trải nghiệm là hành động, kết quả của hành động là người tham gia có được “kinh nghiệm” [1].

Theo Hiệp hội Giáo dục trải nghiệm (Association for Experiential Education - AEE) (1977): “Dạy học trải nghiệm là một phạm trù bao hàm nhiều phương pháp trong đó người dạy khuyến khích người học tham gia trải nghiệm thực tế, sau đó phản ánh, tổng kết lại để tăng cường hiểu biết, phát triển kĩ năng, định hình các giá trị sống và phát triển tiềm năng bản thân, tiến tới đóng góp tích cực cho cộng đồng và xã hội ”. Khái niệm “dạy học trải nghiệm” là một phạm trù rộng, bao gồm hệ thống các phương pháp, hình thức dạy học đảm bảo các đặc điểm: người học tham gia vào hoạt động thực tế hoặc mô phỏng phải có quá trình chiêm nghiệm. Nếu chỉ có nghĩa là “kinh qua” thì hành động có thể mang tính “bắt chước, rập khuôn” mà không có sự nhận thức của chủ thể. Nếu chỉ có nghĩa là “chiêm nghiệm” không dựa trên sự tham gia thì kinh nghiệm đó chưa thực sự vững chắc bởi vì không dựa trên cảm nhận, xúc cảm thực tế của người học (ví dụ, chúng ta nghĩ rằng ớt thì phải cay nhưng thực tế không phải ớt nào cũng cay hoặc độ cay mỗi loại khác nhau - chỉ có người nếm trải thì mới nhận xét chính xác). Trong cuộc sống, mỗi chúng ta đều có thể “học qua trải nghiệm” một cách chủ động - là quá trình một người sau khi tham gia trải nghiệm nhìn lại và đánh giá, xác định cái gì là hữu ích hoặc quan trọng cần nhớ, và sử dụng những điều này để thực hiện các hoạt động khác trong tương lai (John Dewey, 1938) - như lịch sử tiến hóa nhân loại đã chứng minh. Việc học có thể được diễn ra ở nhiều môi trường khác nhau: nhà trường, gia đình và xã hội; người học có thể học qua bạn bè, người thân, thầy cô,... Nhưng vấn đề đặt ra ở đây là không phải những kinh nghiệm tự tích lũy bao giờ cũng đúng mà nhiều kinh nghiệm phải trải qua nhiều lần sai lầm, thất bại trong một khoảng thời gian dài mới đi đến được chân lí. Chính vì lẽ đó, giáo dục trong nhà trường có vai trò quan trọng trong việc định hướng, thúc đẩy và tạo điều kiện thuận lợi để người học được trải nghiệm trong môi trường sư phạm, rút ngắn thời gian cần thiết để người học phát hiện và chiếm lĩnh tri thức một cách có ý nghĩa đối với mỗi cá nhân.

Dạy học trải nghiệm có thể diễn ra ở trong và ngoài lớp học: Ở trên lớp, đó là quá trình học sinh (HS) được trải nghiệm thông qua những hoạt động giao tiếp và hợp tác, những phương tiện trực quan (video, hình ảnh, mô hình,...), những tình huống dạy học, những hoạt động thực hành, thí nghiệm; ở ngoài lớp học, không gian trải nghiệm vô cùng phong phú và đa dạng (tham quan, trò chơi ngoài trời, giao lưu, văn nghệ, hoạt động cộng đồng,...). Với ở mỗi không gian, hoạt động cách thức tổ chức và mục đích giáo dục có những điểm khác nhau nhất định, song không ngoài mục tiêu chung là phát triển phẩm chất và năng lực người học.

      1. Năng lực dạy học

Tác giả Hoàng Hòa Bình (2015) đã đưa ra khái niệm năng lực dựa trên sự phân tích phạm trù thuộc tính của con người và đặc điểm tổ chức, hiệu quả của hoạt động, kết hợp các nghiên cứu về năng lực trước đó. Theo đó, ''năng lực là thuộc tính cá nhân được hình thành, phát triển nhờ tố chất sẵn có và quá trình học tập, rèn luyện, cho phép con người thực hiện thành công một loại hoạt động nhất định, đạt kết quả mong muốn trong những điều kiện cụ thể’” [2; tr 23-28]. Năng lực có 2 đặc trưng cơ bản là được bộc lộ, thể hiện qua hoạt động và đảm bảo hoạt động có hiệu quả, đạt kết quả mong muốn.

“Năng lực dạy học” (teaching competence) là năng lực hành động của người GV trong lớp học gắn với những kĩ thuật dạy học (Hagger & McIntyre, 2006) [Caena, 2011, tr 7-8]. Năng lực dạy học là một bộ phận của năng lực sư phạm (gồm năng lực dạy học và năng lực giáo dục) [Bend Mayer, 2014 và Vũ Xuân Hùng, 2016] cùng với năng lực chuyên môn, năng lực cá thể và năng lực xã hội tạo thành năng lực sư phạm nghề hay chính là năng lực GV [EC, 2011, tr 7-8]. Năng lực dạy học bao gồm nhiều thành tố tạo thành: năng lực thiết kế kế hoạch dạy học; năng lực tổ chức, tiến hành dạy học; năng lực đánh giá dạy học và năng lực quản lí quá trình dạy học.

Năng lực dạy học trong nghiên cứu này được hiểu là “thuộc tính của người GV to chức hoạt động dạy học một cách có hiệu quả (đảm bảo các mục tiêu dạy học về kiến thức, kĩ năng, thái độ và sự phát triển năng lực bằng sự chuyên nghiệp và tính trách nhiệm) bao gồm năng lực thiết kế dạy học, tiến hành dạy học, đánh giá dạy học và quản lí dạy học””.

      1. Năng lực dạy học trải nghiệm

Phạm trù “năng lực dạy học trải nghiệm” có sự phân định như thế nào trong “năng lực dạy học”? Năng lực dạy học trải nghiệm là một tập con của năng lực dạy học đồng thời là sự yêu cầu cao của năng lực này: - Năng lực dạy học trải nghiệm là một tập con của năng lực dạy học. Nghĩa là, năng lực dạy học trải nghiệm đảm bảo đầy đủ các thành tố của năng lực dạy học (năng lực thiết kế, năng lực thực hiện, năng lực đánh giá và năng lực quản lí); - Năng lực dạy học trải nghiệm thể hiện yêu cầu cao của năng lực dạy học. Một người có năng lực dạy học chưa hẳn đã có năng lực dạy học trải nghiệm. Bởi vì, dạy học trải nghiệm đòi hỏi trong quá trình dạy học, người học được tham gia trải nghiệm và phản ánh kinh nghiệm sau quá trình đó. Nếu thiếu một trong hai yếu tố này, thì dạy học chưa đạt được yêu cầu trải nghiệm đúng nghĩa.

Năng lực dạy học trải nghiệm là một thuộc tính của người dạy (GV và nhà giáo dục) tổ chức hiệu quả quá trình dạy học (bao gồm tất cả các khâu thiết kế, tiến hành, đánh giá và quản lí) trong đó người học được tạo môi trường trải nghiệm gắn với thực tế và chiêm nghiệm những điều cần thiết để vận dụng vào cuộc sống dưới sự định hướng của người dạy.

Có thể thấy, GV cần có năng lực dạy học trải nghiệm để tổ chức hoạt động nghề nghiệp, nhưng hơn thế nữa, năng lực đó phải được trau dồi trong những điều kiện và hoàn cảnh có yêu cầu cao hơn để chọn lọc và tổ chức những hoạt động trải nghiệm phù hợp và hiệu quả.

2.2. Sự cần thiết phải phát triển năng lực dạy học trải nghiệm cho giáo viên

  • Đáp ứng yêu cầu đoi mới giáo dục. Thực hiện định hướng đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục nước ta (Nghị quyết số 29NQ/TW), trong đó có yêu cầu phát triển năng lực người học, dạy học gắn liền với thực tiễn cuộc sống xã hội, tăng cường các hoạt động trải nghiệm đòi hỏi người GV phải có năng lực đáp ứng. Dạy học hiện đại phải thoát khỏi việc truyền thụ lí thuyết suông, GV là người truyền đạt và HS lĩnh hội thụ động các kiến thức khoa học. Người học hiện đại cần học cách học, cách tự tìm tòi, nghiên cứu để vận dụng vào thực tế đa dạng, phong phú. Dạy học cần gắn liền với thực tế cuộc sống, thể hiện mối liên hệ chặt chẽ giữa lí thuyết với thực tiễn. HS sẽ được đặt vào vị trí trung tâm của quá trình nhận thức, trải nghiệm và chiếm lĩnh tri thức, kĩ năng, hình thành các giá trị sống phù hợp với mỗi cá nhân, có khả năng vận dụng vào tình huống mới - mục tiêu của đổi mới giáo dục. Năng lực GV nói chung và năng lực dạy học trải nghiệm là một trong những nhân tố quan trọng hàng đầu quyết định chất lượng và hiệu quả giáo dục đổi mới.
  • Góp phần phát triển nền giáo dục có chất lượng và bền vững. Chất lượng giáo dục được thể hiện thông qua kết quả đầu ra người học. Mục tiêu chương trình giáo dục phổ thông là đào tạo được thế hệ HS năng động, tự chủ, đáp ứng những năng lực cần thiết của người công dân hiện đại: năng lực giải quyết vấn đề và sáng tạo, năng lực giao tiếp, năng lực hợp tác, năng lực tính toán, năng lực tự học, năng lực tìm hiểu tự nhiên và xã hội,... (Bộ GD-ĐT, 2017). Những năng lực này sẽ được phát triển nếu GV có thể tổ chức dạy học hiệu quả, đặc biệt là khi HS được học qua trải nghiệm. Trong quá trình tham gia trải nghiệm, người học sẽ được rèn luyện những kĩ năng cần thiết để chủ động giải quyết những vấn đề thực tế trong học tập và đời sống, từ đó phát triển năng lực tự học, hướng đến khả năng học tập suốt đời. Quá trình trải nghiệm còn góp phần bồi dưỡng những cảm xúc, tình cảm tốt đẹp, các giá trị về đạo đức, lối sống. Đây là mục tiêu lớn của giáo dục hiện nay - giáo dục hướng đến sự phát triển bền vững.
  • Thực trạng triển khai và tổ chức đổi mới giáo dục hiện nay đặt ra yêu cầu phát triển. Đổi mới giáo dục đã đặt ra những yêu cầu thiết thực đối với xã hội nói chung và người GV nói riêng. Bên cạnh đội ngũ GV có năng lực, nhiệt huyết và kinh nghiệm đã thực hiện những đổi mới tích cực, với nhiều hình thức phong phú và đa dạng thì khả năng đáp ứng của một bộ phận GV vẫn còn một số khó khăn, hạn chế như: xem tham quan là trải nghiệm, quan niệm hoạt động ngoài lớp học mới là trải nghiệm, hoạt động trải nghiệm mang tính hình thức ồ ạt không quan tâm đến các đặc điểm cốt lõi của nó (người học phải có quá trình chiêm nghiệm, các mục tiêu giáo dục phẩm chất và năng lực). Bên cạnh đó, việc đùn đẩy trách nhiệm tổ chức hoạt động cũng trở thành một khó khăn không nhỏ. Nhiều GV chuyên môn cho rằng chỉ có các hoạt động đoàn thể mới có trách nhiệm tổ chức còn GV chỉ có nhiệm vụ giảng dạy... Do đó, phát triển năng lực dạy học trải nghiệm là một yêu cầu cấp thiết đối với công tác quản lí, đào tạo và bồi dưỡng GV hiện nay.
  1. Phát triển và nâng cao năng lực dạy học trải nghiệm cần được tiếp cận ở nhiều góc độ: đối tượng, nội dung, hình thức tổ chức
  • Về đối tượng. Để phát triển năng lực cần có sự tham gia của từng cá nhân, Ban Giám hiệu nhà trường, đơn vị quản lí trong và ngoài nhà trường, đơn vị đào tạo GV.

+ Về phía GV, để đáp ứng những yêu cầu mới, GV cần chủ động tự học hỏi, bồi dưỡng thêm năng lực cá nhân, những hiểu biết đúng đắn liên quan đến dạy học trải nghiệm thông qua những kênh thông tin tin cậy. GV chính là người tiên phong trong năng lực tự học, tự nghiên cứu, tự vận động để thích nghi với những điều kiện và hoàn cảnh thực tế - điều mà chúng ta mong muốn ở HS mình. Thứ nhất, việc dạy học trải nghiệm không tách rời việc dạy học, trong quá trình dạy học các môn học, GV cần phải giúp HS trải nghiệm để giúp các em chiếm lĩnh tri thức dễ dàng và hiểu biết sâu sắc về vấn đề - chính GV là người đảm nhận dạy trải nghiệm. Thứ hai, mỗi GV được đào tạo đều có 2 nhiệm vụ song song là dạy học và giáo dục, trong đó công tác chủ nhiệm là hoạt động không thể thiếu, do đó, yêu cầu tổ chức hoạt động trải nghiệm cũng không nằm ngoài phạm vi khả năng của người GV. GV có thể gặp khó khăn để xác định việc nghiên cứu và tổ chức của mình đã hợp lí chưa, điều đó có thể được thực hiện thông qua sự thu thập thông tin từ đồng nghiệp, phụ huynh và hiệu quả đối với HS. Vấn đề cốt lõi đối với mỗi cá nhân ở đây là sự cầu thị, tự ý thức trách nhiệm về yêu cầu nghề nghiệp.

+ Về phía các đon vị quản lí GV: Ban Giám hiệu nhà trường và các cán bộ quản lí (Phòng, Sở GD-ĐT) trước hết là người nắm vững tinh thần của đổi mới nói chung và yêu cầu, đặc điểm, vai trò, phương thức tổ chức để triển khai ở các cấp đơn vị. Trên cơ sở đó, các đơn vị có thể hỗ trợ tích cực cho GV và cán bộ của trường hoặc các đơn vị mình quản lí trong quá trình định hướng, tổ chức thực hiện.

+ Về phía các trường đại học, các trung tâm, viện nghiên cứu và đào tạo sư phạm: có thể hỗ trợ GV phát triển năng lực thông qua công tác đào tạo và bồi dưỡng chuyên môn. Nơi đây tập trung đội ngũ cán bộ có trình độ cao, phương pháp sư phạm nói chung và phương pháp, kĩ thuật tổ chức dạy học trải nghiệm hiệu quả. Dó đó, một mặt, thông qua các trao đổi trực tiếp; chuyên đề bồi dưỡng; các hoạt động chia sẻ kinh nghiệm, mô hình mẫu tạo điều kiện cho GV được phân tích, GV định hướng tốt hơn những hiểu biết của mình. Mặt khác, các trường, khoa, viện còn là nơi đào tạo lực lượng GV kế thừa, đảm bảo yêu cầu giáo dục trong tình hình mới. Trong đó, một số hoạt động liên kết với các trường phổ thông (giao lưu, thực tập sư phạm,...) cũng có tác động tích cực tạo mối liên hệ, tạo nên luồng gió mới, đưa các phương pháp dạy học tích cực, dạy học gắn với trải nghiệm của các SV đã được đào tạo đến các trường phổ thông thông qua những hoạt động năng động, trẻ trung của các bạn SV.

  • Về nội dung. Nội dung nghiên cứu của GV để phát triển năng lực dạy học trải nghiệm tập trung vào làm rõ những vấn đề còn vướng mắc hiện nay. Nội dung nghiên cứu của GV sẽ làm rõ hơn sự tương thích giữa yêu cầu dạy học trải nghiệm với quá trình dạy học tích cực hóa hoạt động nhận thức của HS và các hoạt động dạy học đang diễn ra. Dạy học trải nghiệm không phải là một hoạt động tách rời mà nó diễn ra ngay trong quá trình dạy học của GV hiện nay. Điều nhấn mạnh, yêu cầu cao ở đây chính là sự đa dạng hóa, sự linh hoạt, sự thực tế, sự phối hợp, sự chuyên nghiệp để xây dựng môi trường trải nghiệm và cơ hội cần thiết để người học chiêm nghiệm, rút ra kiến thức, kĩ năng, kinh nghiệm, giá trị của hoạt động đối với cá nhân. Ví dụ: Câu hỏi định hướng nội dung: Dạy học trải nghiệm có gì giống và khác với dạy học thông thường? - Có những cách thức trải nghiệm nào có thể tiến hành trong môi trường giáo dục phổ thông (trong lớp học, ngoài lớp học, trong cộng đồng)? - Yếu tố nào cần phải có trong hoạt động để nó đảm bảo là một hoạt động trải nghiệm có ý nghĩa? - Ai là người dạy học trải nghiệm?
  • Về hình thức. Để nâng cao năng lực dạy học trải nghiệm, có thể có nhiều hình thức phát triển: tự học, tập huấn, bồi dưỡng ngắn hạn, dự giờ trao đổi chuyên môn, báo cáo seminar, chia sẻ kinh nghiệm, đào tạo (đối với SV sư phạm),... Tất cả các hình thức trên có thể phối hợp với nhau để đạt được hiệu quả tối ưu nhất. Tuy nhiên, dù ở bất kì hình thức nào thì vai trò tự học, tự đổi mới về tư tưởng, nhận thức, phương pháp dạy học của GV là yếu tố quan trọng bậc nhất.
  • Tài liệu tham khảo
  1. Trần Thị Tú Anh (2010). Những khó khăn của “sinh viên thiệt thòi ” trong thời gian học tại Đại học Huế. Tạp chí Khoa học, Đại học Huế, số 62A, tr 5-16.
  2. Nguyễn Phước Cát Tường - Trần Thị Tú Anh (2011). Trắc nghiệm chỉ số AQ, AQ Profile Quicktake - Phiên bản 1.0. Báo cáo Khoa học hội nghị quốc tế lần thứ 2 về Tâm lí học đường ở Việt Nam thúc đẩy nghiên cứu và thực hành tâm lí học đường tại Việt Nam. NXB Đại học Huế, tr 513-524.
  3. Zimet, G. D. - Dahlem, N. W. - Zimet, S. G. - Farley, G. K. (1988). The Multidimensional Scale of Perceived Social Support. Journal of Personality Assessment, Vol. 52 (1), pp. 30-41.
  4. Scheier, M. F. - Carver, S. C. (1985). Optimism, coping, and health: Assessment and implications of generalized outcome   expectancies.     Health Psychology, Vol. 4, pp. 219-247.
  5. Phan Thị Mai Hương (2007). Cách ứng phó của trẻ vị thành niên với hoàn cảnh khó khăn. NXB Khoa học xã hội.
  6. Chesney, M. A. - Neilands, T. B. - Chambers, D. B. - Taylor, J. M. - Folkman, S. (2006). A validity and reliability study of the coping self-efficacy scale. British Journal of Health Psychology, Vol. 11, pp. 421-437.
  7.  Hauser, S. T. - Allen, J. P. (2006). Overcoming adversity in adolescence: Narratives of resilience. Psychoanalytic Inquiry, Vol. 26 (4), pp. 546-576.
  8. Lazaco Capones, A. (2004). Adversity Quotient and the performance level of selected middle managers of the different departments of the city of Manila as review by the - 360 degree feedback system. De La Salle University, Manila.
  9.  Stoltz, P. (1997). AQ: Turning obstacles into opportunities. Harper Collins Publishers, Inc.
  1. Nguyễn Quang Uẩn - Nguyễn Thị Thủy (2010). Tìm hiểu những khó khăn và biểu hiện vượt khó ở người khuyết tật vận động. Tạp chí Tâm lí học, số 10, tr 7-11.

 

Nguồn: Tạp chí Giáo dục, Số 439 (Kì 1 - 10/2018), tr 22-24; 21

Post by: admin
01-10-2021