Phương pháp

MỘT SỐ Ý KIẾN VỀ VẤN ĐỀ DẠY HỌC TÍCH HỢP LIÊN MÔN TRONG MÔN NGỮ VĂN THEO ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN NĂNG LỰC CỦA NGƯỜI HỌC


10-06-2021
Dạy học tích hợp là xu hướng chung trong giáo dục Việt Nam và nhiều quốc gia trên thế giới triển khai thực hiện, nhất là trong bối cảnh nước ta đang đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo.Tích hợp có nghĩa là sự hợp nhất, sự hòa nhập sự kết hợp.

GVC -  Th.S Ngô Thanh Dung
ĐHSP Hà Nội, phân hiệu tại Hà Nam

 


I. Đặt vấn đề
Dạy học tích hợp là xu hướng chung trong giáo dục Việt Nam và  nhiều quốc gia trên thế giới triển khai thực hiện, nhất là trong bối cảnh nước ta đang đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo.Tích hợp có nghĩa là sự hợp nhất, sự hòa nhập sự kết hợp. Tích hợp có hai tính chất cơ bản liên hệ mật thiết với nhau và quy định lẫn nhau đó là tính liên kết, toàn vẹn . Dạy học tích hợp là hành động liên kết một cách hữu cơ có hệ thống các đối tượng nghiên cứu học tập của một vài lĩnh vực môn học khác nhau thành nội dung thống nhất dựa trên cơ sở các mối liên hệ về lý luận và thực tiễn được đề cập trong các môn học đó nhằm hình thành ở học sinh các năng lực cần thiết. Như  vậy dạy học tích hợp là một quan điểm sư phạm ở đó người học cần huy động mọi nguồn lực để giải quyết tình huống phức hợp – có vấn đề nhằm phát triển các năng lực và phẩm chất cá nhân . Dạy học tích hợp nhằm định hướng hình thành một số năng lực cho người học thực hiện yêu cầu giảm tải, tinh giản và tránh sự trùng lặp về kiến thức giữa các môn học, tận dụng được vốn kinh nghiệm của người học  và còn thiết lập mối quan hệ giữa kiến thức, kĩ năng và phương pháp của các môn học. Việc tích hợp đó có thể chỉ được thực hiện trong nội bộ một môn( đơn môn) hoặc đa môn nhưng cũng có thể là liên môn hoặc xuyên môn.Việc tích hợp đó có thể  được thực hiện lồng ghép, liên hệ nhưng cũng có thể lại được thực hiện bằng những bài học chuyên biệt.
Ở Việt Nam, sau năm 2000, giáo dục phổ thông cũng đặt ra vấn đề dạy học tích hợp. Dự thảo chương trình THPT môn ngữ văn năm 2002 do Bộ GD và ĐT ban hành đã xác định: “ Lấy quan điểm tích hợp làm nguyên tắc chỉ đạo để tổ chức nội dung chương trình, biên soạn SGK và lựa chọn các phương pháp dạy học, sự phối hợp các tri thức gần gũi có quan hệ mật thiết với nhau trong thực tiễn để chúng hỗ trợ và tác động vào nhau phối hợp với nhau nhằm tạo nên kết quả tổng hợp nhanh chóng và vững chắc.[1] và nguyên tắc tích hợp phải được quán triệt trong toàn bộ môn học từ Đọc văn,Tiếng Việt đến Làm văn, quán triệt khó khăn trong quá trình dạy học quán triệt trong mọi yếu tố của HĐ học tập, tích hợp trong chương trình , tích hợp trong sách giáo khoa, tích hợp trong phương pháp dạy học của giáo viên và tích hợp trong hoạt động của học sinh, tích hợp trong sách đọc thêm, tham khảo.” [1] 
Như vậy cho đến thời điểm này, vấn đề cần hay không cần tích hợp trong xây dựng nội dung chương trình, biên soạn sách giáo khoa và lựa chọn phương pháp giảng dạy môn Ngữ văn không đặt ra nữa. Bài toán đang đặt ra trong lĩnh vực lý luận và phương pháp dạy học Ngữ văn là phải tổ chức nội dung chương trình, biên soạn sách giáo khoa và lựa chọn các phương pháp dạy học như thế nào... là đúng với bản chất của việc tích hợp hình thành và phát triển năng lực cho học sinh một cách hiệu quả nhất góp phần thực hiện tốt mục tiêu bộ môn...Vì vậy, hơn bao giờ hết vấn đề dạy học theo hướng tích hợp cần phải được tìm hiểu sâu và làm sáng tỏ thêm về cách thức dạy học trong quá trình đổi mới phương pháp dạy học Ngữ văn ở nhà trường hiện nay.
II. Nội dung chính
1. Nhìn chung về việc triển khai dạy học tích hợp  hiện nay:
Xu thế phát triển của khoa học hiện nay là vừa tiếp tục phân hóa sâu vừa tích hợp liên môn liên ngành ngày càng rộng càng chặt chẽ. Việc dạy học các bộ môn trong nhà trường cũng cần phải  phát triển theo xu hướng ấy. Bởi vậy trong nhà trường phổ thông không lẽ chúng ta cứ tiếp tục dạy học các bộ môn như là những lĩnh vực tri thức riêng rẽ biệt lập như trước đây. Hơn nữa khối lượng tri thức khoa học thành tựu khoa học đang tăng nhanh chóng mà thời gian học tập trong nhà trường lại có hạn không đủ thờ gian để dạy, để học từng môn riêng biệt do đó phải chuyển từ dạy các môn học riêng rẽ sang dạy môn học tích hợp. Theo hướng dạy học này học sinh dễ vận dụng kiến thức vào thực tiễn vì những vấn đề  nảy sinh trong đời sống ít khi chỉ liên quan đến một lĩnh vực kiến thức nào đó  mà thường đòi hỏi vận dụng kiến thức tổng hợp thuộc một số môn học khác nhau. Hơn thế nữa việc dạy môn học tích hợp trong nhà trường sẽ giảm số lượng môn học, số đầu sách GK, giảm nhẹ chế độ kiểm tra thi cử cũng như thời lượng dạy trên lớp. Tuy nhiên việc dạy tích hợp không hề đơn giản. Hiện nay trên thế giới có một số quan điểm khác nhau về việc biên soạn chương trình và tài liệu học tập:
- Theo quan điểm “đơn môn “: Việc xây dựng chương trình tài liệu học tập có thể được tiến hành theo hệ thống nội dung của từng môn học riêng biệt, các môn học được tiếp cận một cách riêng rẽ.
- Theo quan điểm” đa môn”: Việc xây dựng chương trình và tài liệu học tập có thể các môn được tiếp cận riêng rẽ và chỉ phối hợp với nhau ở một số đề tài nhất định
- Theo quan điểm “liên môn”: Việc xây dựng chương trình và tài liệu học tập có thể thiết kế thành một chuỗi vấn đề tình huống đòi hỏi muốn giải  quyết phải huy động tổng hợp kiến thức kỹ năng của những môn học khác.
Theo quan điểm “Xuyên môn”: Nội dung học tập được thiết kế hướng vào việc phát triển những kỹ năng năng lực cơ bản mà học sinh có thể sử dụng tất cả các môn học trong giải quyết những tình huống khác nhau.
- Với sự phát triển mạnh mẽ của xã hội hiện đại giáo dục thế giới đang hướng đến việc dạy học theo quan điểm” liên môn” và “xuyên môn”. Bởi vậy chúng ta cần phải có cái nhìn vượt trên cách nhìn quen thuộc về vai trò của từng môn học riêng rẽ, biệt lập để có quan niệm  đúng  đắn hơn, phù hợp hơn về mối quan hệ về sự tương tác giữa các môn học khác nhau trong nhà trường. Đây là cái nhìn theo hướng tích hợp đón trước sự phát triển của giáo dục thế giới và Việt Nam trong tương lai.
Việc dạy học ngữ văn ở THCS đang có sự vận động theo hướng này. Ở Tiểu học nhiều năm vừa qua môn Tiếng Việt có điều kiện thuận lợi để tích hợp  và có lẽ là môn thực hiện thành công nhất sự tích hợp này trong chương trình và sách giáo khoa. Việc tích hợp này thể hiện khá rõ thông qua hệ thống các chủ đề, chủ điểm. Dù là các phân môn độc lập nhưng cả Tập đọc , Kể chuyện, Luyện từ và câu lẫn Tập làm văn cũng đều được tích hợp trong cùng một chủ đề  nào đó  Việc cung cấp kiến thức cho học sinh được tiến hành trong mối liên hệ lồng ghép kết hợp với nhau ở bất kì phân môn nào cũng đều được xem xét lựa chọn từ góc nhìn ấy. Thêm vào đó việc rèn kỹ năng Nghe, nói, đọc, viết đã được phối hợp chặt chẽ với nhau. Chủ đề chủ điểm đã trở thành bộ khung trở thành trục chính của việc tích hợp . Việc tích hợp cả nội dung kiến thức với việc rèn luyện kỹ năng như vậy đã giúp cho thời lượng dạy học ít đi kỹ năng thực hành tăng lên, học sinh đỡ học tập căng thẳng mà hiệu quả giáo dục vẫn đảm bảo đạt chất lượng tốt.
Ở bậc THCS và THPT việc tích hợp này vẫn được duy trì và củng cố. Nhưng do đặc điểm của hai bậc học này có sự khác biệt nhất định với bậc Tiểu học mà tính chất tích hợp cũng có sự khác biệt. Nếu  bậc Tiểu học chương trình và sách giáo khoa lấy việc rèn luyện hoạt động giao tiếp ngôn ngữ cho học sinh làm mục đích chính những nội dung mang tính chất lí thuyết chưa được chú ý nhiều nên chủ đề chủ điểm là bộ khung để tích hợp là phù hợp thì ở bậc THCS và THPT do tính chuyên sâu của từng phần Văn học, Tiếng Việt và Làm văn , nội dung lí thuyết tăng lên vì vậy cơ sở tích hợp ở hai bậc học này có thay đổi. Vấn đề tích hợp ngang ( tích hợp giữa phần này và phần khác trong môn học) và tích hợp dọc ( tích hợp giữa các nội dung trong từng phần được đặt ra). Chương trình và SGK thể hiện rõ nhất sự đổi mới  theo hướng tích hợp.Mỗi đơn vị bài học được bắt đầu từ một văn bản sau đó là kiến thức Tiếng Việt và Tập làm văn được trình bày và khai thác triệt để văn bản chinnh. Văn bản được chọn học không chỉ phục vụ cho việc dạy Văn mà còn phục vụ cho việc dạy Tiếng Việt và Tập làm văn . Vì thế thường văn bản được học thuộc thể loại nào thì phần Tập làm văn sẽ học văn bản đó.Vấn đề tích hợp ngang được ba mảng nội dung ( Văn học, tiếng Việt, Làm văn) sẽ được xoay quanh trục duy nhất là văn bản. Nếu như ở bậc Tiểu học, chủ đề, chủ điểm  là trục tích hợp thì ở bậc THCSvà THPT Văn bản ( và cùng với nó và các phương thức tạo lập văn bản ) là trục tích hợp . Còn việc tích hợp dọc trong từng phần sẽ được tiến hành theo kiểu xoáy trôn ốc hay kiểu vừa đồng tâm vừa phát triển. Cách tích hợp như vậy vừa cho phép từng phần nội dung đảm bảo được tính hệ thống trong việc cung cấp kiến thức cũng như rèn luyện kỹ năng tương ứng cho học sinh, vừa đảm bảo hỗ trợ lồng ghép kết hợp giữa nội dung  kiến thức cũng như rèn luyện kỹ năng giữa các phần khác nhau trong một môn học.
Nhìn chung chương trình và sách giáo khoa Tiếng Việt ở Tiểu học và Ngữ văn ở THCS và THPT đã có rất nhiều ưu điểm đảm bảo tính tích hợp nhưng tích hợp thế nào cho hiệu quả là một vấn đề không hề  đơn giản.
2. Tích hợp thế nào để phát triển tối đa năng lực của người học? Thực trạng và giải pháp.
2.1. Thực trạng

Có chương trình tốt, SGK tốt nhưng việc tổ chức DH không tốt, nói cách khác là PPDH không phù hợp với tinh thần biên soạn của chương trình SGK thì mọi cái được của chương trình và của sách cũng sẽ là vô ích. Nói như vậy có nghĩa là thành công hay thất bại phụ thuộc rất nhiều vào khâu DH của người giáo viên. 
Tích hợp là cần thiết nhưng tích hợp một cách thiếu cân nhắc, thiếu sự lựa chọn , không đúng lúc đúng chỗ sẽ khiến việc tích hợp thành khiên cưỡng gò ép dẫn đến việc làm mất đi bản chất đặc trưng của  bộ môn  Ngữ văn. Có giáo viên vô tình biến giờ Ngữ văn thành giờ giáo dục công dân, giáo dục ý thức bảo vệ môi trường hoặc giáo dục dân số, hoặc một giờ lịch sử, địa lý...
- Có giáo viên vì thiếu cân nhắc trong lựa chọn  tích hợp dẫn đến một bài dạy không đủ giờ, cái chính chưa nói được bao nhiều  mà cái “ tích” vào đã rất nhiều làm biến dạng tiết học.
- Có giáo viên lầm tưởng tích hợp là dựa vào cái này để tranh thủ nói cái kia nên càng nói nhiều càng tốt...
Vậy  nên  khi  triển khai Dạy học tích hợp liên môn nhiều Giáo viên băn khoăn liệu dạy Ngữ văn theo tinh thần tích hợp còn có thể đảm bảo  được đặc trưng dạy học bộ môn hay không? Liệu chất văn chương có còn khi phải tích hợp hay không? Giờ văn có bị xé lẻ thành những  mảnh vụn một cách gò ép? Rõ ràng đây vừa là vấn đề  Kỹ thuật tích hợp vừa là nghệ thuật của việc tích hợp.Liều lượng tích hợp như thế nào để một tiết văn trong nhà trường dù  có mối hàn ghép khi tích hợp  cũng được thể hiện một cách khéo léo? Chúng ta  mỗi giảng viên là chiếc máy cái trong GD sư phạm cần đưa ra những giải pháp phù hợp nhằm đảm bảo việc dạy học tích hợp được triển khai và tiến hành một cách thuận lợi.
2.2. Giải pháp để việc tích hợp đạt hiệu quả:
Các nhà GD đã  nêu 4 cách tích hợp thường gặp:
+ Tích hợp phần ứng dụng chung cho một số môn học được thực hiện ở cuối năm học hay cuối cấp học.Các môn học được dạy học riêng rẽ nhưng đến cuối năm hoặc cuối cấp có một phần, một chương học sinh được học và được đánh giá bằng một bài thi tổng hợp  kiến thức.
+ Tích hợp phần ứng dụng chung cho một số môn học được thực hiện ở những thời điểm đều đặn trong năm học. Các môn vẫn được dạy học riêng rẽ nhưng chương trình và tài liệu học tập bố trí một số nội dung tích hợp liên môn vào những thời điểm tích hợp trong năm học.
+ Tích hợp quá trình học tập những môn học khác nhau bằng đề tài. Cách này được áp dụng cho những môn học gần nhau về bản chất mục tiêu cho những môn học đóng góp bổ sung cho  nhau . Cách tiếp cận khai thác sự hỗ trợ lẫn nhau của các môn học bằng thông qua chủ đề, nội dung.
+ Tích hợp quá trình học tập những môn học khác nhau bằng những tình huống tích hợp xoay quanh những mục tiêu chung cho một nhóm môn tạo thành môn học tích hợp
Tìm hiểu việc tích hợp trong chương trình và SGK Tiếng Việt ở Tiểu học chúng tôi thấy đó là cách tích hợp quá trình học tập những môn học khác nhau bằng chủ đề, đề tài như đã nói trên. Còn chương trình và SGK THCS , THPT  chủ yếu lại là tích hợp theo cách biên soạn phần ứng dụng chung sử dụng ở cuối học kì hay cuối năm học hoặc được thực hiện ở những thời điểm đều đặn trong năm học. Do các phần Văn học, Tiếng Việt , Làm văn được dạy học một cách riêng rẽ cho đến cuối kì hoặc cuối năm mới có một phần ôn tập chung và một bài kiểm tra đánh giá bằng một bài thi chung cho nên việc tích hợp trong chương trình Ngữ văn THCS và THPT hiện ra thường là mạch ngầm của các nội dung hơn là bộc lộ một cách trực tiếpbằng câu chữ trong từng tiết học , bài học.
Để việc tích hợp đạt được trình độ nghệ thuật trước hết giáo viên cần phải được tập dượt một cách bài bản kỹ thuật dạy học tích hợp( nắm chắc các kỹ thuật DH như Khăn phủ bàn, sơ đồ tư duy, DH hợp tác..). Điều quan trọng là giáo viên phải luôn có ý thức tích hợp và luôn biết cách tích hợp sao cho thật hợp lí. Để có thể thực hiện việc tích hợp có hiệu quả trước mỗi bài dạy giáo viên nên đề ra một số nội dung suy nghĩ:
- Bài có thể thực hiện được  việc tích hợp không? Việc tích hợp đó có khiên cưỡng phá vỡ đặctrưng dạy học bộ môn không?
- Nếu tích hợp được thì nội dung tích hợp là gì (về kiến thức, kỹ năng)?
- Thời điểm thuận lợi nhất để tích hợp cho từng nội dung ấy  trong quá trình dạy học ?
- Địa chỉ nào có thể tích hợp?
- Tích hợp theo cách nào( Lồng ghép, liên hệ, mở rộng, kết hợp...)
- Không phảivà không thể tiết học nào , bài học nào giáo viên cũng có thể thực hiện tích hợp nhưng điều quan trọng là giáo viên phải luôn luôn có ý thức tích hợp đối với mỗi giờ lên lớp. Và chỉ khi giáo viên áp dụng những kỹ thuật trên nhiều lần , thành thạo thì việc tích hợp trong một tiết học mới không trở thành trở lực với giáo viên. Chỉ khi tâm lý dạy học và tâm thế của việc lên lớp mới thoải mới, thìgiừodạy học Ngữ văn của giáo viên mới có sức lôi cuốn hấp dẫn hơn và việc tích hợp mới nhẹ nhàng.
 

Xem tiếp: Kỉ yếu Nghiên cứu và dạy học tác phẩm văn học theo thể loại, Khoa Ngữ văn, Trường Đại học sư phạm Hà Nội, NXB Đại học Sư phạm, 2020.

Post by: admin
10-06-2021