Phương pháp

DẠY HỌC MÔN NGỮ VĂN CẤP TRUNG HỌC CƠ SỞ THEO MÔ HÌNH TRƯỜNG HỌC MỚI


19-10-2020
Tác giả: Nguyễn Thị Hồng Vân Phòng Quản lý khoa học, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam

Việc tổ chức dạy học môn Ngữ văn cấp THCS theo mô hình trường học mới vừa đảm bảo nội dung và chuẩn của chương trình và sách giáo khoa Ngữ văn THCS hiện hành, đồng thời có sự đổi mới theo hướng triển khai nội dung bài học theo các hoạt động học tập của học sinh, tăng cường tính tự chủ, sự chia sẻ, hợp tác trong quá trình học nhằm phát triển năng lực người học.

1. Mở đầu
Ngày 28 tháng 07 năm 2017, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã ban hành Chương trình giáo dục phổ thông (CT GDPT) tổng thể. Chương trình đã thể hiện quan điểm đổi mới, hướng tới mục tiêu "góp phần chuyển nền giáo dục nặng về truyền thụ kiến thức sang nền giáo dục phát triển toàn diện cả về phẩm chất và năng lực, hài hòa đức, trí, thể, mĩ và phát huy tốt nhất tiềm năng của mỗi học sinh” [4]. Đồng thời, trong những năm qua, Bộ GD&ĐT đã có những bước chuẩn bị tích cực tạo sự chuyển đổi ngay trong quá trình thực hiện CT GDPT hiện hành, nhằm nâng cao chất lượng giáo dục theo hướng phát triển năng lực và phẩm chất người học, trong đó có việc triển khai thí điểm mô hình trường học mới (THM). Điểm nổi bật của mô hình là quá trình dạy học được tiến hành trên cơ sở tổ chức các hoạt động học tập độc lập, tích cực, phát huy năng lực tự học của học sinh (HS) dưới sự hướng dẫn của giáo viên (GV); tăng cường tổ chức các hoạt động trải nghiệm, khám phá, phát hiện, tránh lối dạy đọc-chép, áp đặt. Đối với các môn học, mô hình này thể hiện rõ nhất ở việc biên soạn tài liệu hướng dẫn học và tổ chức tiến trình học tập của học sinh theo các bài học.
Trong quá trình triển khai thí điểm mô hình ở Việt Nam, đã có một số bài nghiên cứu về mô hình, về tài liệu hướng dẫn học trong mô hình, về quy trình xây dựng bài học môn Ngữ văn theo mô hình và thực tế triển khai mô hình như: Trường học mới Việt Nam, dân chủ-sáng tạo-hiệu quả [10], "Mô hình trường học mới Việt Nam" - một sáng kiến góp phần thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo [1], Tài liệu hướng dẫn học trong mô hình trường học mới [2], Thiết kế quy trình bài học môn Ngữ văn ở trường phổ thông theo định hướng phát triển năng lực học sinh [9]. Tuy nhiên, thực tế cho thấy việc triển khai mô hình những năm qua còn một số bất cập, cách nhìn nhận về mô hình chưa nhất quán, do vậy, cần có thêm những phân tích và thông tin cụ thể về việc thực hiện mô hình trong từng môn học, cấp học. Bài viết sẽ tập trung làm rõ những điểm nổi bật của tài liệu Hướng dẫn học môn Ngữ văn 6, 7, 8, 9 (gọi chung là tài liệu Hướng dẫn học Ngữ văn THCS) theo mô hình THM và việc tổ chức tiến trình học tập của học sinh trong giờ học Ngữ văn.
2. Nội dung nghiên cứu
2.1. Về cấu trúc và nội dung tài liệu Hướng dẫn học Ngữ văn THCS
Một trong những đặc điểm nổi bật của môn Ngữ văn trong nhà trường phổ thông là vừa có tính khoa học vừa có tính nghệ thuật. Nội dung dạy học của môn Ngữ văn đảm bảo chính xác, khách quan và hệ thống, phản ánh những thành tựu mới, những tiến bộ của khoa học xã hội và nhân văn, thể hiện được những giá trị nhân văn mà các thế hệ đi trước đã xác lập. Mặt khác, thông qua việc tiếp cận với tiếng Việt văn hóa và những hình tượng nghệ thuật trong tác phẩm văn học, HS được phát triển khả năng tưởng tượng, làm giàu cảm xúc thẩm mĩ và định hướng thị hiếu lành mạnh nhằm hoàn thiện nhân cách của mình.
Tài liệu Hướng dẫn học Ngữ văn THCS được biên soạn dựa trên nội dung chương trình và sách giáo khoa Ngữ văn THCS hiện hành, đồng thời có sự điều chỉnh, sắp xếp và tổ chức theo hướng hình thành và phát triển các năng lực của HS, đổi mới phương pháp dạy học và đánh giá kết quả học tập để tăng cường tính chủ động, tích cực, sáng tạo của người học, nhằm thực hiện tốt nhất mục tiêu và đặc trưng của môn học.
2.1.1. Những điểm kế thừa, tiếp nối chương trình và sách giáo khoa Ngữ văn THCS hiện hành
Tài liệu Hướng dẫn học Ngữ văn THCS về cơ bản vẫn đảm bảo nội dung chương trình đã được thể hiện qua hệ thống các bài học của sách giáo khoa Ngữ văn. Cụ thể:
- Tài liệu đảm bảo chuẩn kiến thức và kĩ năng của Chương trình giáo dục phổ thông (được Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành năm 2006), đảm bảo mục tiêu trong mỗi bài học. Những bài học chính thức theo CT và SGK vẫn được xác định theo các yêu cầu về nội dung cơ bản và trọng tâm kiến thức, kĩ năng. Bên cạnh đó, theo yêu cầu giảm tải được quy định tại các văn bản hướng dẫn chỉ đạo của các cấp quản lý, các bài hướng dẫn tự học, đọc thêm,... được sắp xếp hợp lý trong tiến trình tổ chức hoạt động, tuỳ theo độ khó về nội dung yêu cầu của mỗi bài học.
- Cấu trúc các bài học trong tài liệu nhìn chung dựa trên trình tự sắp xếp các bài học theo từng tuần học trong sách giáo khoa hiện hành. Tuy nhiên, do một số nội dung học tập được điều chỉnh theo tinh thần giảm tải như đã nói ở trên, nên một số bài học có sự thay đổi, sắp xếp lại so với SGK Ngữ văn hiện hành. Tài liệu Hướng dẫn học Ngữ văn 7 thể hiện rõ nhất sự thay đổi trên.
- Tài liệu vẫn đảm bảo tích hợp các phân môn đọc hiểu, tiếng Việt và tập làm văn; nội dung của cả 3 phân môn đều được triển khai trong một bài học. Sự tích hợp này dựa trên 2 trục năng lực cơ bản là đọc hiểu (tiếp nhận văn bản) và tập làm văn (tạo lập văn bản). Đây vừa là sự kế thừa tính tích hợp đã có trong CT và SGK hiện hành, tuy nhiên, trong mô hình THM, tính tích hợp thể hiện cao hơn, cụ thể, các đơn vị nội dung của từng phân môn đọc hiểu, tiếng Việt và tập làm văn không tách rời thành các bài học riêng như SGK hiện hành mà được gắn kết trong từng hoạt động của bài học, tránh sự trùng lặp trong một số nội dung dạy học, tạo điều kiện cho HS huy động tốt nhất các ngữ liệu để tiếp nhận kiến thức và rèn luyện kĩ năng.
2.1.2. Những điểm mới của tài liệu được biên soạn theo mô hình trường học mới
Tài liệu Hướng dẫn học Ngữ văn THCS được biên soạn theo tinh thần đổi mới, nhằm đảm bảo các nguyên tắc cơ bản của mô hình THM, đó là: tạo điều kiện để HS được chủ động học theo tốc độ của riêng mình, được tự quản lí, tự đánh giá quá trình học của cá nhân; GV tổ chức quá trình học tập cua HS trên cơ sở trải nghiệm và kiến tạo, hướng tới dạy học phân hóa, cá thể hóa; nội dung và kế hoạch học tập được thực hiện linh hoạt; HS là chủ thể hoạt động trong môi trường học tập dân chủ và thân thiện; việc học tập của HS có sự hỗ trợ tích cực từ phía phụ huynh và cộng đồng. Những điểm mới của tài liệu được thể hiện cụ thể như sau:
- Tài liệu thiết kế nội dung dạy học theo đơn vị bài học, mỗi bài học tích hợp nội dung của 3 phân môn (được sắp xếp trong một tuần học của chương trình hiện hành), được tổ chức theo 5 hoạt động: khởi động - hình thành kiến thức - luyện tập - vận dụng - tìm tòi mở rộng, với thời lượng 4 tiết (lớp 6, 7, 8) và 5 tiết (lớp 9). Mạch nội dung bài học được cấu trúc dựa trên trục thể loại và kiểu văn bản, các kiến thức tiếng Việt và tập làm văn được dạy tích hợp với đọc - hiểu. Cách sắp xếp này vừa thể hiện bước phát triển trong quan điểm dạy học tích hợp như đã nói ở trên, vừa hiện thực hóa lí thuyết kiến tạo theo quy luật của quá trình nhận thức và tiếp nhận tri thức đối với cá nhân người học, hỗ trợ việc tổ chức hoạt động học được logic và hiệu quả.
- Nội dung bài học được triển khai theo các hoạt động học tập, giúp HS rèn luyện khả năng tự học, tăng cường chia sẻ, hợp tác trong quá trình học thông qua việc thực hiện hệ thống các bài tập hoặc nhiệm vụ học tập, với các hình thức tổ chức đa dạng (hoạt động cá nhân, hoạt động cặp đôi, hoạt động nhóm, hoạt động chung cả lớp, hoạt động với cộng đồng,. . . ). Nội dung đọc hiểu, tiếng Việt, tập làm văn được kết nối trong từng hoạt động, vừa đảm bảo sự phối hợp của các kiến thức cơ bản, vừa tăng cường hoạt động luyện tập, vận dụng kiến thức vào quá trình giao tiếp và cảm thụ văn học của học sinh, từng bước nâng cao khả năng tự học và sự chủ động của HS trong học tập, đồng thời tăng cường các hoạt động trải nghiệm, hoạt động thực hành, vận dụng các kiến thức, kĩ năng vào thực tiễn.
- Các bài học được tổ chức theo định hướng phát triển năng lực cho HS. Định hướng này được thể hiện trong tất cả các khâu của quá trình dạy học, thông qua hệ thống mục tiêu bài học, triển khai nội dung và phương pháp, đánh giá cũng như việc quan sát và góp ý giờ học của giáo viên. Với quan niệm năng lực là sự vận dụng tổng hợp những kiến thức, kĩ năng và thái độ, động cơ,. . . của người học vào việc giải quyết những tình huống đặt ra trong học tập và trong thực tiễn, năng lực phải được thể hiện qua những chỉ số hành vi (những gì HS thể hiện qua nói, viết, làm, tạo ra), do vậy, trong mỗi bài học, việc xác định mục tiêu cho cả 3 nội dung đọc hiểu, tiếng Việt, tập làm văn được thể hiện bằng những động từ hành động, cho biết mức độ thực hiện các yêu cầu của từng nội dung, bám sát các yêu cầu và đặc trưng của từng phân môn, từng thể loại văn bản. Mặt khác, mục tiêu của các bài học trong nhóm chủ đề cũng được kiểm soát, tạo ra sự kết nối và phát triển. Như vậy, theo hệ thống mục tiêu của bài học, HS vừa thực hiện những hoạt động theo các mức độ và biểu hiện năng lực, vừa có sự kết nối để từng bước hình thành và phát triển các năng lực chung và năng lực chuyên môn của môn học. Chẳng hạn, bài học số 2, lớp 7: Cuộc chia tay của những con búp bê xác định mục tiêu như sau: "Chỉ ra được những chi tiết thể hiện tâm trạng đau đớn và xúc động của hai anh em trong cuộc chia tay; trình bày được suy nghĩ về tình cảm anh em khăng khít, gắn bó và ý nghĩa lớn lao của tổ ấm gia đình; nhận thức được về quyền trẻ em. Nhận biết được tầm quan trọng của bố cục trong văn bản; xác định được bố cục khi tạo lập văn bản; bước đầu xây dựng được văn bản có bố cục rành mạch, hợp lí. Chỉ ra được những biểu hiện về tính mạch lạc trong văn bản, biết tạo lập văn bản có tính mạch lạc" [5,15]. Mục tiêu bài học có sự gắn kết giữa kiến thức và kĩ năng về đọc hiểu văn bản và tạo lập văn bản, được lượng hóa theo các chỉ số và sẽ được cụ thể hóa thành các nhiệm vụ trong tiến trình tổ chức dạy học.
- Coi trọng kiểm tra, đánh giá theo định hướng năng lực. Thay vì đánh giá kiến thức và kĩ năng như trong dạy học hiện nay, quan điểm đánh giá theo mô hình THM là xem xét quá trình hình thành và phát triển các năng lực, phẩm chất của HS trong từng giai đoạn. Các năng lực và phẩm chất cần hình thành, phát triển cho HS qua mỗi bài học đã được xác định trong mục tiêu và triển khai trong toàn bộ nội dung bài học; đánh giá năng lực nhằm xác định mức độ hoàn thành của các mục tiêu đó. Để đánh giá năng lực, cần sử dụng các phương pháp đánh giá có hiệu quả như phỏng vấn, quan sát, tiểu luận, bài tập tình huống, kiểm tra, dự án, hồ sơ,... khi tiến hành đánh giá không chỉ căn cứ vào kết quả mà cần chú ý đến quá trình đi đến kết quả; do vậy đánh giá quá trình cần được coi trọng, đó là quan điểm đánh giá dựa trên toàn bộ quá trình học tập của người học. Trong đánh giá quá trình, giáo viên quan tâm đến sự tiến bộ của từng học sinh trong học tập bằng các phương pháp và hình thức đánh giá đa dạng như đã nói ở trên. Đặc biệt cần phối hợp giữa đánh giá của GV và tự đánh giá của HS, tạo nhiều cơ hội để HS đánh giá chính mình và phản hồi kết quả của mình để đạt tới các giá trị như tự tin, độc lập, có khả năng phê phán và thái độ tiếp nhận phê phán,... Điểm mới trong đánh giá theo mô hình THM chính là tạo điều kiện tốt hơn để HS tự đánh giá (cá nhân tự đánh giá, đánh giá nhóm, đánh giá lẫn nhau) và đưa các thành viên trong gia đình vào quá trình đánh giá, để cùng với giáo viên có sự điều chỉnh cụ thể trong quá trình học tập của mỗi cá nhân.
- Tên của từng bài học trong tài liệu nhìn chung được lấy tên của bài đọc hiểu (do bài đọc hiểu thường là nội dung học tập chính của mỗi bài). Một số khái niệm ngôn ngữ học được giảm tải theo hướng không đi sâu vào tìm hiểu lý thuyết mà tăng cường luyện tập; mục Ghi nhớ trong sách giáo khoa hiện hành được giản lược hoặc chuyển thành bài tập rèn luyện, củng cố. Một số kiến thức trùng lặp với cấp Tiểu học hoặc ít tính thiết thực cũng được giản lược. Tăng cường nội dung thực hành cho chương trình địa phương.
Theo yêu cầu chung, chương trình Ngữ văn THCS theo mô hình THM giảm thời lượng năm học từ tối thiểu 35 tuần xuống còn 33 tuần (dành 2 tuần còn lại cho các trường chủ động thực hiện những nội dung theo điều kiện của từng nhà trường).

 

Xem thêm: 

Educational Sci., 2017, Vol. 62, Iss. 9, pp. 89-97

Post by: Vu Nguyen HNUE
19-10-2020