Phương pháp

DẠY HỌC KĨ NĂNG PHÂN TÍCH NHÂN VẬT TRUYỆN NGẮN CHO HỌC SINH LỚP 9 TRONG MÔN NGỮ VĂN BẰNG MÔ HÌNH GRR


09-11-2021
Mô hình GRR (gradual release of responsibility model) do Pearson, Gallagher đề xuất năm 1983 và sau đó được nhiều nhà nghiên cứu khác trên thế giới quan tâm, phát triển với mục tiêu giúp HS trở thành người học thành thạo và độc lập. Tuy nhiên, hiện nay, mô hình dạy học này vẫn chưa được nghiên cứu kĩ và áp dụng vào thực tiễn dạy học ở Việt Nam. Trong dạy học truyện ngắn ở môn Ngữ văn, phân tích nhân vật là một trong những kĩ năng cơ bản, quan trọng. Theo kết quả khảo sát, kĩ năng này ở HS lớp 9 của Việt Nam còn nhiều hạn chế. Vì thế, bài báo đề xuất vận dụng mô hình GRR vào dạy học kĩ năng phân tích nhân vật cho đối tượng HS này. Trong quá trình nghiên cứu, phương pháp nghiên cứu lí thuyết được sử dụng để tổng hợp, phân tích nội dung và cách thức vận dụng mô hình GRR vào dạy học kĩ năng phân tích nhân vật truyện ngắn. Ngoài ra, phương pháp thực nghiệm và nghiên cứu trường hợp được sử dụng để đánh giá hiệu quả việc tổ chức dạy học theo mô hình GRR. Kết quả nghiên cứu bước đầu khẳng định dạy học các kĩ năng đọc theo mô hình GRR có thể áp dụng hiệu quả tại trường trung học Việt Nam và mô hình này cần thiết được áp dụng khi chương trình giáo dục phổ thông môn Ngữ văn (Ban hành kèm theo Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT ngày 26 tháng 12 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo) chính thức thay thế cho chương trình hiện hành vào năm 2020.

TS. Đoàn Thị Thanh Huyền,

   TS. Lê Thị Minh Nguyệt

Đại học Sư phạm Hà Nội

1. Mở đầu

Phân tích nhân vật là một kĩ năng cơ bản, quan trọng trong năng lực đọc hiểu văn bản văn xuôi. Tuy vậy, kĩ năng này của HS lớp 9 còn hạn chế. Vì thế, đòi hỏi cần áp dụng những mô hình dạy học tích cực để khắc phục thực trạng trên. Mô hình GRR (gradual release of responsibility model) tạm dịch là “mô hình chuyển giao dần trách nhiệm cho người học” do Pearson, Gallagher đề xuất năm 1983 đã được áp dụng rộng rãi, hiệu quả trong dạy học trên thế giới. Ở Việt Nam, mô hình này bắt đầu đã được các tác giả Phạm Thị Thu Hương (2012), Đoàn Thị Thanh Huyền (2017), Trịnh Thị Hương, Nguyễn Thị Hồng Nam, Lữ Hùng Minh (2017) quan tâm nghiên cứu để áp dụng trong dạy học đọc hiểu ở môn Ngữ văn ở trường phổ thông. Tuy vậy, trong thực tiễn dạy học Ngữ văn ở nhà trường phổ thông, mô hình này vẫn chưa được các GV giảng dạy trực tiếp biết đến và áp dụng. Bài báo này tiếp tục nghiên cứu để đánh giá tính khả thi và hiệu quả của việc áp dụng mô hình GRR vào thực tiễn dạy học kĩ năng phân tích nhân vật cho HS lớp 9 trong môn Ngữ văn ở nhà trường Việt Nam. Trong quá trình nghiên cứu, phương pháp nghiên cứu lí thuyết được sử dụng để tổng hợp, phân tích nội dung và cách thức vận dụng mô hình GRR vào dạy học kĩ năng phân tích nhân vật truyện ngắn. Ngoài ra, phương pháp thực nghiệm và nghiên cứu trường hợp được sử dụng để đánh giá hiệu quả việc tổ chức dạy học theo mô hình GRR.

2. Nội dung

2.1. Kĩ năng phân tích nhân vật truyện ngắn

Trong những tài liệu lí luận văn học, các nhà nghiên cứu đều cho rằng nhân vật văn học là hình tượng con người hoặc mang ý nghĩa con người được nhà văn sáng tạo bằng các phương tiện nghệ thuật ngôn từ đ gửi gắm nội dung, ý nghĩa của tác phẩm và thông điệp về cuộc đời.  Trong cuốnGiáo trình Lí luận văn học” [7, tr. 77], các nhà nghiên cứu đã quan niệm về nhân vật văn họclà hình tượng các cá thể con người (hoặc các con vật, cây cỏ, sinh thể hoang đường được gán cho những đặc điểm giống với con người) trong tác phẩm văn học - cái đã được nhận thức, tái tạo, thể hiện bởi nhà văn bằng các phương tiện riêng của nghệ thuật ngôn từ”. Kĩ năng phân tích nhân vật là việc người đọc tìm kiếm, phát hiện các chi tiết trong tác phẩm đ hiểu về nhân vật, từ đó khái quát nên giá trị nội dung và nghệ thuật của tác phẩm. Nhân vật có thể được xây dựng theo cách trực tiếp và/ hoặc gián tiếp. cách trực tiếp, nhà văn dẫn dắt người đọc hiểu về nhân vật như anh ta muốn. Còn cách gián tiếp, nhà văn đ nhân vật tự bộc lộ mình qua suy nghĩ, hành động, lời nói... Vì thế, khi phân tích nhân vật, cần quan tâm đến các phương diện: vẻ bên ngoài của nhân vật (nhân vật trông như thế nào? trang phục và hoạt động ra sao?), xuất thân của nhân vật (nhân vật đến từ đâu? gia đình như thế nào?), hành vi của nhân vật (nhân vật đã làm những gì?), mối quan hệ của nhân vật với nhân vật khác (nhân vật có mối quan hệ với những nhân vật khác như thế nào?), lời nói và suy nghĩ của nhân vật (nhân vật đã nói và suy nghĩ gì?). Ngoài ra, người đọc cũng cần suy luận về động cơ của nhân vật trong tác phẩm (nhân vật thực sự muốn và sợ hãi điều gì? ...). Phát hiện ra những chi tiết quan trọng về nhân vật giúp người đọc có căn cứ suy luận về nhân vật và ý nghĩa của tác phẩm. Phân tích nhân vật đòi hỏi người đọc phát hiện, đánh giá nghệ thuật xây dựng nhân vật. Khi đánh giá nhân vật, người đọc cần kết nối nhân vật này với nhân vật khác, nhân vật với cuộc sống, nhân vật với chính người đọc. Trong bài viết này, chúng tôi đã xây dựng một bảng rubric (bảng 1) bao gồm các tiêu chí để đánh giá kĩ năng phân tích nhân vật, được mô tả từ mức độ xuất sắc đến không đạt yêu cầu. Rubric gồm 5 tiêu chí, điểm tối đa của mỗi tiêu chí là 4, tối thiểu là 0. Điểm tối đa của toàn bài là 20 điểm.

Bảng 1. Rubric đánh giá kĩ năng phân tích nhân vật

 

Xuất sắc

(4 điểm)

Tốt

(3 điểm)

Khá

(2 điểm)

Trung bình

(1 điểm)

Yếu

(0 điểm)

1. Nhận diện (tìm chi tiết về nhân vật)

Xác định được đầy đủ các chi tiết đắt giá, quan trọng miêu tả trực tiếp và / hoặc gián tiếp để phát hiện ra những đặc điểm toàn diện, độc đáo của nhân vật.

Xác định được đầy đủ các chi tiết có liên quan trực tiếp và/ hoặc gián tiếp để phát hiện ra những đặc điểm toàn diện của nhân vật.

Xác định được hầu hết các chi tiết có liên quan trực tiếp và/ hoặc gián tiếp để phát hiện ra những đặc điểm cơ bản về nhân vật.

Xác định được một số chi tiết liên quan trực tiếp và/ hoặc gián tiếp để phát hiện ra rất ít đặc điểm của nhân vật.

Không xác định được các chi liên quan trực tiếp và/ hoặc gián tiếp để phát hiện ra đặc điểm của nhân vật.

2. Kể lại về nhân vật

 

Kể lại được đầy đủ, trọn vẹn về nhân vật bằng các chi tiết tiêu biểu.

Kể lại được khá đầy đủ về nhân vật bằng một số chi tiết quan trọng.

Kể lại được một vài đặc điểm của nhân vật bằng một số chi tiết cơ bản.

Kể lại được rất ít về nhân vật bằng một số chi tiết không tiêu biểu, quan trọng.

Chưa kể lại được về nhân vật.

3. Suy luận ý nghĩa của nhân vật và tác phẩm

 Suy luận hợp lí, logic, sâu sắc để thấy đầy đủ đặc điểm, ý nghĩa nhân vật và khái quát sâu sắc thông điệp của tác phẩm.

Suy luận hợp lí, logic để thấy khá đầy đủ, đặc điểm, ý nghĩa của nhân vật và nêu được thông điệp của tác phẩm.

Suy luận hợp lí được một vài đặc điểm, ý nghĩa của nhân vật nhưng chưa nêu được thông điệp của tác phẩm.

Suy luận được rất ít đặc điểm, ý nghĩa của nhân vật và chưa nêu được thông điệp của tác phẩm. 

Không suy luận được hoặc suy luận thiếu hợp lí, logic.

4. Phân tích nghệ thuật/cách thức xây dựng nhân vật

Chỉ ra và đánh giá sâu sắc về nghệ thuật đặc sắc trong xây dựng nhân vật.

 Chỉ ra và đánh giá được một vài nét nghệ thuật đặc sắc trong xây dựng nhân vật.

Chỉ ra và đánh giá được một vài nét nghệ thuật trong xây dựng nhân vật.

Chỉ ra nhưng chưa đánh giá được nghệ thuật xây dựng nhân vật.

 Không chỉ ra được nghệ thuật xây dựng nhân vật.

5. Tạo nối kết

 Kết nối hợp lí, sâu sắc, thuyết phục được ba chiều (nhân vật - nhân vật, nhân vật - đời sống, nhân vật -người đọc).

 Kết nối hợp lí được ba chiều (nhân vật - nhân vật, nhân vật - đời sống, nhân vật - người đọc).

  Kết nối hợp lí được hai trong ba chiều (nhân vật - nhân vật, nhân vật - đời sống, nhân vật - người đọc).

Kết nối hợp lí được một trong ba chiều (nhân vật - nhân vật, nhân vật - đời sống, nhân vật - người đọc).

 Không kết nối được nhân vật - nhân vật, nhân vật - đời sống, nhân vật -người đọc.

 

2.2. Kĩ năng phân tích nhân vật truyện ngắn trong dạy học Ngữ văn ở lớp 9

2.2.1. Kĩ năng phân tích nhân vật truyện ngắn trong chương trình Ngữ văn lớp 9 hiện hành

            Chương trình giáo dục phổ thông môn Ngữ văn hiện hành bậc trung học được xây dựng theo hướng tiếp cận nội dung. Chương trình gồm ba phần: Văn học, Tiếng Việt, Làm văn gắn với nhiều chủ đề. Yêu cầu của kĩ năng phân tích nhân vật được thể hiện rõ ở phần Văn học. Trong chuẩn kiến thức, kĩ năng của chương trình Ngữ văn hiện hành yêu cầu về phân tích nhân vật được thể hiện ở mục “Mức độ cần đạt” gắn liền với các tác phẩm văn học cụ thể. Trong chủ đề truyện Việt Nam sau Cách mạng tháng Tám 1945, chương trình xác định mục tiêu cần đạt là “Hiểu, cảm nhận được giá trị nội dung và nghệ thuật của một số tác phẩm (trích đoạn) truyện Việt Nam sau Cách mạng tháng Tám 1945 (“Làng” - Kim Lân, “Lặng lẽ Sa Pa” - Nguyễn Thành Long, “Chiếc lược ngà” - Nguyễn Quang Sáng, “Bến quê” - Nguyễn Minh Châu, “Những ngôi sao xa xôi” - Lê Minh Khuê): tinh thần yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng, tình cảm nhân văn, nghệ thuật xây dựng tình huống truyện, xây dựng nhân vật, sắp xếp tình tiết, chọn lọc ngôn ngữ. (1, tr.105) Như vậy, kĩ năng phân tích nhân vật không được đặt ra như một yêu cầu riêng biệt mà được thể hiện qua việc đọc hiểu các văn bản văn xuôi cụ thể.

2.2.2. Kĩ năng phân tích nhân vật truyện ngắn trong chương trình giáo dục phổ thông môn Ngữ văn (ban hành năm 2018)

Chương trình giáo dục phổ thông môn Ngữ văn (2018) sẽ đi vào nhà trường Việt Nam năm 2020 từ lớp một, được xây dựng theo cách tiếp cận chuẩn đầu ra. Trong chương trình trung học, kĩ năng phân tích nhân vật được thể hiện ở yêu cầu cần đạt từ lớp 6 đến lớp 12. Ở lớp 9, kĩ năng phân tích nhân vật truyện ngắn được thể hiện rõ trong mạch đọc hiểu văn bản văn học [2, tr. 55]:

Đọc hiểu nội dung:

            - Nêu được nội dung bao quát của văn bản; bước đầu biết phân tích các chi tiết tiêu biểu, đề tài, câu chuyện, nhân vật trong tính chỉnh thể của tác phẩm.

- Nhận biết và phân tích được chủ đề, tư tưởng, thông điệp mà văn bản muốn gửi đến người đọc thông qua hình thức nghệ thuật của văn bản; phân tích được một số căn cứ để xác định chủ đề.

- Nhận biết và phân tích được tình cảm, cảm xúc, cảm hứng chủ đạo của người viết thể hiện qua văn bản.

Đọc hiểu hình thức:

- Nhận biết và phân tích được một số yếu tố trong truyện truyền kì, truyện trinh thám như: không gian, thời gian, chi tiết, cốt truyện, nhân vật chính, lời người kể chuyện.

– Nhận biết và phân biệt được lời người kể chuyện và lời nhân vật; lời đối thoại và lời độc thoại trong văn bản truyện.

Trong chương trình giáo dục phổ thông môn Ngữ văn (2018), ở lớp 9, kĩ năng phân tích nhân vật là một yêu cầu cần đạt quan trọng của mạch đọc hiểu văn bản văn xuôi. Vì vậy, việc rèn luyện cho HS kĩ năng phân tích nhân vật là vô cùng cần thiết nhằm đáp ứng được yêu cầu của chương trình Ngữ văn mới.

2.2.3. Thực trạng dạy học kĩ năng phân tích nhân vật truyện ngắn trong giờ học Ngữ văn lớp 9

          Trước hết, về phía GV, chúng tôi đã khảo sát thực trạng dạy học kĩ năng phân tích nhân vật cho HS lớp 9 ở 02 trường trung học cơ sở tại Hà Nội: Lương Thế Vinh, Nguyễn Tất Thành. Khảo sát hiểu biết của GV Ngữ văn về mô hình GRR, 100% GV đều chưa biết gì về dạy học theo mô hình này. Ngoài ra, chúng tôi còn khảo sát 20 mẫu giáo án thiết kế 5 bài dạy học truyện ngắn ở lớp 9 và quan sát một số giờ dạy ở 03 trường trung học cơ sở. Kết quả khảo sát cụ thể như sau:

            Về mục tiêu bài học: 20 mẫu giáo án đều có mục tiêu rèn luyện cho HS kĩ năng đọc hiểu truyện ngắn.

            Về hoạt động dạy học, ở kĩ năng phân tích nhân vật, các giờ học thường được tổ chức theo trình tự các hoạt động như bảng 2

Bảng 2. Tóm tắt hoạt động dạy học phân tích nhân vật

Tên hoạt động

Hoạt động của GV

Hoạt động của HS

Đọc (toàn bài hoặc từng phần văn bản)

Đọc mẫu, định hướng việc đọc cho HS, nhận xét.

Đọc một phần hoặc toàn bộ văn bản.

Tóm tắt văn bản

Nêu yêu cầu, nhiệm vụ hoặc/ và gợi ý, định hướng để HS tóm tắt văn bản.

Tóm tắt văn bản theo yêu cầu của GV.

Tìm hiểu về nhân vật

- Nêu yêu cầu, nhiệm vụ hoặc/ và gợi ý, định hướng cho HS thực hiện nhiệm vụ tìm hiểu nhân vật.

- Tìm các chi tiết về nhân vật, suy luận ý nghĩa, tạo kết nối, phân tích nghệ thuật xây dựng nhân vật.

Khái quát về giá trị văn bản.

- Nêu yêu cầu, nhiệm vụ hoặc/ và gợi ý, định hướng cho HS thực hiện nhiệm vụ khái quát về giá trị văn bản.

- Khái quát về giá trị nội dung, nghệ thuật của văn bản.

Nhìn tổng thể, trong giờ học truyện ngắn ở lớp 9, các GV đều hướng đến kĩ năng phân tích nhân vật cho HS. Tuy nhiên, kĩ năng này được dạy tương đối độc lập, gắn với từng nội dung bài học cụ thể. GV không kết nối kĩ năng phân tích nhân vật giữa các bài thành một hệ thống. Vì thế, không có sự chuyển giao vai trò của người dạy, người học trong tiến trình dạy học. Hệ quả là kĩ năng phân tích nhân vật một cách độc lập của HS còn nhiều hạn chế.

          Ngoài ra, về phía HS, chúng tôi sử dụng phương pháp nghiên cứu trường hợp để đánh giá thực trạng kĩ năng phân tích nhân vật của HS. Mẫu đánh giá là 200 HS lớp 9 của trường THCS Nguyễn Tất Thành và THCS Lương Thế Vinh ở Hà Nội. Công cụ đánh giá là bài kiểm tra tự luận yêu cầu HS phân tích một nhân vật trong truyện ngắn không có ở chương trình, sách giáo khoa Ngữ văn.

Đề bài kiểm tra như sau:

Đọc truyện ngắn “Chuyện chiếc ấm sứt vòi” của Trần Đức Tiến và thực hiện các nhiệm vụ sau:

  1. Kể lại ngắn gọn về nhân vật chiếc ấm.
  2. Tìm các chi tiết quan trọng liên quan đến nhân vật chiếc ấm (hoàn cảnh, vẻ bên ngoài, việc làm, suy nghĩ…) và suy luận về ý nghĩa của nhân vật, tác phẩm.
  3. Phân tích nghệ thuật/cách thức xây dựng nhân vật của nhà văn.
  4. Nhân vật chiếc ấm khiến em có những liên tưởng gì?

            Chúng tôi thống kê kết quả đạt được của HS như bảng 3.

Bảng 3. Kết quả bài kiểm tra của HS

Mức độ

4

Xuất sắc

(20-18 điểm)

3

Tốt

(17-16 điểm)

2

Khá

(15-14 điểm)

1

TB

(13-10 điểm)

0

Yếu

(9-0 điểm)

Số bài kiểm tra

15

29

47

98

11

Tỉ lệ%

7,5%

14,5%

23,5%

49%

5,5%

Như vậy, tỉ lệ HS đạt điểm dưới mức khá còn lớn (54,5%). Khi phân tích khả năng chủ yếu HS đạt được ở mỗi tiêu chí trong kĩ năng phân tích nhân vật theo chiều dọc của rubric, chúng tôi thấy:

- HS cơ bản đã nhận diện (tìm chi tiết về nhân vật) và kể lại được về nhân vật (mức độ tốt).

- HS bắt đầu biết suy luận về nghĩa tường minh của tác phẩm (mức độ khá).

- HS còn khó khăn khi phân tích nghệ thuật xây dựng nhân vật và tạo kết nối (mức độ trung bình và yếu).

 

Xem tiếp: Kỉ yếu Nghiên cứu và dạy học tác phẩm văn học theo thể loại, Khoa Ngữ văn, Trường Đại học sư phạm Hà Nội, NXB Đại học Sư phạm, 2020.

Post by: admin
09-11-2021