Hán nôm

MẤY NHẬN XÉT VỀ CÁC BẢN NÔM LỤC VÂN TIÊN TRUYỆN


23-02-2021

NGUYỄN QUẢNG TUÂN

Chuyên gia Hán Nôm, TP. Hồ Chí Minh

Cho đến nay có tất cả 9 bản Nôm Truyện Lục Vân Tiên đã sưu tầm được:

1. Lục Vân Tiên truyện. Gia Định thành, Duy Minh Thị đính chính, Quảng Đông nhai, Quảng Thanh Nam phát thụ Việt tỉnh, Phật trấn, Phước Lộc đại nhai, Bảo Hoa các tàng bản, (không ghi năm in).

2. Lục Vân Tiên truyện. Thiền Phước Lộc đại nhai. Bảo Hoa các phát hành, (không ghi năm in).

3. Lục Vân Tiên truyện. Gia Định thành, Duy Minh Thị đính chính, Việt Đông, Phật trấn, Phước Lộc đại nhai, Kim Ngọc lâu tàng bản, Giáp Tuất niên san khắc.

4. Lục Vân Tiên truyện. Gia Định thành, Duy Minh Thị đính chính, Phật Sơn, Bảo Hoa các tàng bản, (không ghi năm in).

5. Lục Vân Tiên truyện. Gia Định thành, Duy Minh Thị đính chính, Việt Đông, Phật trấn, Phước Lộc đại nhai, Thiên Bảo lâu tàng bản, (không ghi năm in)

6. Lục Vân Tiên ca diễn. Texte en caractères figuratifs, A bel des Michels, Professeur à l’ Ecole des langues orientales vivantes Paris, Ernest Leroux, Editeur. 1883.

7. Lục Vân Tiên cổ tích tân truyện. Tụ Văn đường, Hà Nội ấn hành năm Thành Thái thứ 9 (1897).

8. Vân Tiên cổ tích tân truyện. Liễu Văn đường, Hà Nội ấn hành năm Khải Định thứ 6 (1921).

9. Vân Tiên cổ tích tân truyện. Tụ Văn đường tái bản năm Khải Định thứ 9 (1924).

Trong 9 bản Nôm kể trên, PGS. Trần Nghĩa còn chưa sưu tầm được các bản số 1, 4 và 5.

Riêng về bản số 1, ông đã giới thiệu như sau:

1. Lục Vân Tiên: do Duy Minh Thị sao lục, Tôn Thọ Tường trông nom in, hiệu sách Quảng Thạnh Nam, Chợ Lớn phát hành năm 1865. Công việc ấn loát có thể tiến hành tại Quảng Đông rồi mang ấn phẩm về bán ở Đề Ngạn (Chợ Lớn)… Đáng tiếc là bản này hiện chưa tìm được.

Chúng tôi may mắn, ngày 25-3-1993, nhân dịp đi thăm chùa Kim Cang ở tỉnh Long An đã tìm thấy bản này và do đó mới biết rằng:

- Duy Minh Thị đã đính chính chứ không phải sao lục truyện Lục Vân Tiên.

- Sách đã được in ở Quảng Đông (Trung Quốc) chứ không phải ở Sài Gòn nên không có việc Tôn Thọ Tường trông nom in.

Sách chỉ ghi Quảng Thạnh Nam phát thụ và không ghi năm khắc in.

PGS. Trần Nghĩa sau phần nhận định đã sắp xếp các bản Nôm Lục Vân Tiên theo thứ tự thời gian như sau:

TT

Tên sách

Số tờ

Khổ sách

Số câu 6/8

Nơi in

Năm in

Đặc điểm

1

Lục Vân Tiên

?

?

?

Quảng

Đông

1865

Duy Minh Thị sao lục. Sách chưa tìm thấy

2

Lục Vân Tiên truyện

46

20x13,5

2180

Quảng Đông

?

Duy Minh Thị đính chính. Có một bài thơ thất ngôn bát cú chữ Hán

3

Lục Vân Tiên truyện

55

20x13,5

2174

Quảng Đông

1874

Duy Minh Thị đính chính. Có một bài thơ thất ngôn bát cú chữ Hán

4

Vân Tiên cổ tích truyện

53

18x12

2034

Hà Nội

1897

Tụ Văn đường ấn hành

5

Vân Tiên cổ tích truyện

53

18x12

2034

Hà Nội

1921

Liễu Văn đường ấn hành

6

Vân Tiên cổ tích truyện

53

18x12

2034

Hà Nội

1924

Tụ Văn đường ấn hành

7

Lục Vân Tiên

?

?

?

Hà Nội

?

Phúc Văn đường ấn hành. Sách chưa tìm thấy.

 

Ông đã chia các bản Nôm trên làm hai nhóm:

Nhón I gồm các bản 1-2-3 là nhóm Lục Vân Tiên sơ kỳ (có bài thơ chữ Hán và có đoạn vua Sở nhường ngôi cho Vân Tiên) in ở Quảng Đông.

Nhóm II gồm các bản 4-5-6-7 là nhóm Lục Vân Tiên hậu kỳ (không có bài thơ chữ Hán và không có đoạn vua Sở nhường ngôi cho Vân Tiên) in ở Hà Nội.

Ông cũng nhắc lại chuyện Nguyễn Đình Chiểu sửa chữa Lục Vân Tiên vào lúc cuối đời:

"Như ta biết, vào năm 1883, Lục Vân Tiên được chính tác giả của nó sửa sang lại một lần. Sự kiện này được Mai Huỳnh Hoa là cháu ngoại của Nguyễn Đình Chiểu nói tới trong bài Tiểu sử cụ Đồ Chiểu đăng trên báo Tân Văn số 27, năm 1935: Vào quãng năm 1884 nhà nước Pháp có sai quan chủ tỉnh Bến Tre bây giờ là ông Ponchon đến thăm Tiên sinh (Nguyễn Đình Chiểu) để tưởng lệ văn sĩ. Tiên sinh thác bệnh ngồi trong buồng không chịu ra tiếp khách. Túng thế, ông Ponchon phải xin phép vào thăm tận giường bệnh. Khi ông Ponchon nói chuyện, nhờ ông Đốc phủ sứ Lê Q. Hiền làm thông ngôn, ngỏ ý yêu cầu Tiên sinh nhuận chính cho bản Lục Vân Tiên. Bấy giờ Tiên sinh có sai người kêu là Biện Đống chép truyện ấy lại, giao cho ông Ponchon đem về.

PGS. Trần Nghĩa cho biết thêm là:

“Bản dùng để hiệu đính theo Ponchon cho biết, là bản in của người Trung Quốc, tức là loại mà trên kia ta gọi là Lục Vân Tiên sơ kỳ. Còn bản đã được hiệu đính, do Biện Đống chép giao cho Ponchon mang về năm 1883, hẳn là loại Lục Vân Tiên hậu kỳ (trong đó có cả một số bản in bằng chữ quốc ngữ, mà cuốn Lục Vân Tiên truyện của Trương Vĩnh Ký phát hành năm 1889 có thể xem là tiêu biểu nhất.

Chúng tôi nhận thấy những lời thuật lại của bà Mai Huỳnh Hoa, cháu ngoại của Nguyễn Đình Chiểu, đã có mấy điểm sai:

1. Michel Ponchon tới thăm Nguyễn Đình Chiểu không phải vào năm 1884 mà vào ngày 17 tháng 11 năm 1883.

2. Không phải là cụ Nguyễn Đình Chiểu đã thác bệnh ngồi trong buồng không chịu ra tiếp khác mà cụ đã nhờ hai người nhà dìu đỡ ra phòng khách để tiếp ông Michel Ponchon.

Không có việc cụ Nguyễn Đình Chiểu đã sai Biện Đống chép Truyện Lục Vân Tiên giao cho ông Ponchon đem về. Làm sao Biện Đống có thể chép lại cả Truyện Lục Vân Tiên trong một thời gian ngắn - thời gian tiếp khách chỉ độ một tiếng đồng hồ - để giao sách cho ông Ponchon đem về được. Giấy đâu có sẵn để mà viết ?

Ngược lại, chính ông Ponchon đã tặng cho cụ Nguyễn Đình Chiểu một bản Truyện Lục Vân Tiên khắc in ở Trung Quốc, có thể là bản của Bảo Hoa các hoặc là bản của Kim Ngọc lâu cho khắc in.

Như vậy thì không làm gì có bản Truyện Lục Vân Tiên do Biện Đống chép để trao tặng cho Michel Ponchon và cũng không làm gì có việc Nguyễn Đình Chiểu đã chữa lại Truyện Lục Vân Tiên vào lúc cuối đời như PGS. Trần Nghĩa đã nhận định.

Chính Michel Ponchon đã cho biết trên báo L’Indépendant de Saigon(1): “Sau vài câu chuyện về sức khỏe của cụ, tôi đề cập tới việc quan trọng của tôi nhưng không hy vọng thành công. Cụ Đồ Chiểu tỏ thật với tôi rằng sức khỏe và trí nhớ của cụ đã giảm nên thêm phần khó cho cụ trong công việc nhuận chính bản thơ Lục Vân Tiên”.

Tôi bèn bàn cùng cụ để cho những người đã quen với cái thính quan của cụ ngâm thơ Lục Vân Tiên theo một bản in của người Trung Quốc, rồi cụ chỉ cho những câu thừa nên bỏ, những câu sai nên sửa và những câu bị thiếu nên thêm vào. Cụ nhận làm cái công việc có phần nhọc nhằn ấy.

Rồi tôi tặng cụ một quyển Lục Vân Tiên chữ Nôm rất đẹp”.

Bản Nôm khắc in ở Trung Quốc này (có thể là của Bảo Hoa các, của Kim Ngọc lâu hoặc của Thiên Bảo lâu) nếu đem đối chiếu với các bản Nôm khắc in ở Hà Nội hoặc bản quốc ngữ của Trương Vĩnh Ký in ở Sài Gòn năm 1889 thì có nhiều chữ, nhiều đoạn khác nhau, đáng kể nhất là hai chỗ sau đây:

1. Các bản Nôm khắc in ở Hà Nội và bản Trương Vĩnh Ký đều không có bài thơ thất ngôn bát cú bằng chữ Hán sau câu 222.

Bản Bảo Hoa các Quảng Thạnh Nam phát thụ đã chép rằng:

遂 車 千 里 急 奔 行

撞 遇 风 來 奪 路 呈

淑 女 臨 危 無 脱 免

君 子 幸 逢 展 平 生

兩 字 恩 情 難 分 解

半 途 苦 料 量 何 成

請 來 回 慣 由 嚴 母

照 有 文 書 显 聲 名

Phiên âm:

Toại xa thiên lý cấp bôn hành,

Tràng ngộ Phong Lai đoạt lộ trình.

Thục nữ lâm nguy vô thoát miễn,

Quân tử hạnh phùng triển bình sinh.

Lưỡng tự ân tình nan phân giải,

Bán đồ khổ liệu lượng hà thành.

Thỉnh lai hồi quán do nghiêm mẫu,

Chiếu hữu văn thư hiển thanh danh.

Chúng tôi xin tạm dịch là:

Một chiếc xe đi gấp dặm ngàn,

Phong Lai đâu gặp cướp trên đàng.

Lâm nguy thục nữ không ngờ thoát,

Hạnh ngộ anh hùng cứu đặng an.

Hai chữ ân tình khôn giãi tỏ,

Nửa đường tâm sự tính sao đang.

Xin mời về phủ trình cha mẹ,

Hẳn có thư truyền tiếng vẻ vang.

(N.Q.T. dịch)

Bài thơ chữ Hán ấy vừa thất niêm, vừa thất luật nên chắc chắn không phải do Nguyễn Đình Chiểu đã làm ra mà có thể do Duy Minh Thị khi hiệu đính đã thêm vào.

Về sau đến năm 1874, thấy bài thơ bị thất niêm thất luật như vậy, Duy Minh Thị đã sửa lại là:

駢 車 千 里 一 身 輕

撞 遇 风 來 半 路 程

已 料 危 難 無 自 脱

幸 逢 賑 救 得 餘 生

恩 情 兩 字 心 何 解

報 答 千 般 意 未 平

欲 請 恩 人 歸 故 里

回 詳 父 母 得 詳 明

Phiên âm:

Biền xa thiên lý nhất thân khinh,

Tràng ngộ Phong Lai bán lộ trình.

Dĩ liệu nguy nan vô tự thoát,

Hạnh phùng chẩn cứu đắc dư sinh.

Ân tình lưỡng tự tâm hà giải,

Báo đáp thiên ban ý vị bình.

Dục thỉnh ân nhân qui cố lý,

Hồi tường phụ mẫu đắc tường minh.

Chúng tôi tạm dịch là:

Một xe song mã nhẹ băng ngàn,

Bỗng gặp Phong Lai ở giữa đàng.

Đã tưởng nguy nan không cách thoát,

Nào ngờ giải cứu được thân toàn.

Ân tình hai chữ lòng sao gỡ,

Báo đáp nghìn phương ý chửa đang.

Muốn thỉnh ân nhân về cố lý,

Thưa cùng cha mẹ được am tường.

(N.Q.T. dịch)

Chúng tôi cho rằng các bản Nôm ở Hà Nội và các bản quốc ngữ sau này, kể cả bản Trương Vĩnh Ký, đã bỏ không chép bài thơ là đúng.

2. Các bản Nôm khắc in ở Hà Nội và bản quốc ngữ của Trương Vĩnh Ký đều không có đoạn nhà vua nhường ngôi cho Vân Tiên.

Có thể khi đính chính, Duy Minh Thị đã thêm vào 78 câu nói về việc Vân Tiên đi đền đáp các ân nhân và việc vua Sở nhường ngôi cho chàng. Việc nhường ngôi này cũng khó xảy ra vì trong Hoàng tộc còn có nhiều hoàng đệ để nối ngôi, dễ gì mà truyền lại cho người ngoài, dù có công đánh giặc như Vân Tiên. Kết cục để cho Vân Tiên được cưới nàng Nguyệt Nga:

Sui gia đã xứng sui gia,

Rày mừng hai họ một nhà thành thân.

Trăm năm biết mấy tinh thần,

Sinh con sau nối gót lân đời đời.

Là cũng có hậu đúng với quan niệm xưa rồi.

Về việc này, phê bình bản Lục Vân Tiên bằng quốc ngữ của Trương Vĩnh Ký, bà Sương Nguyệt Anh và Cử nhân Phan Văn Trị đã cho rằng:

"Trương Vĩnh Ký đọc chữ Nôm của cụ Đồ Chiểu không đúng hoặc những chỗ Trương Vĩnh Ký không thấu triệt đạo Nho mà cắt xén lắm câu thâm trầm của Lục Vân Tiên. Nhưng đáng kể nhất là việc Trương Vĩnh Ký cắt bỏ đoạn vua Sở nhường ngôi lại cho Vân Tiên".

Quan điểm sĩ phu đương thời cho rằng nhân vật Vân Tiên của Đồ Chiểu chính là hình ảnh một anh hùng dân tộc từ trong dân chúng bước ra như trường hợp một Trương Định, Nguyễn Trung Trực chẳng hạn. Cho nên sự cắt bỏ đoạn này của Trương Vĩnh Ký rõ là một hành động có hậu ý(2).

Chúng tôi nghĩ rằng quan điểm ấy có phần hẹp hòi vì văn bản Nôm đã được Duy Minh Thị đính chính. Để thấy rõ sự đính chính của Duy Minh Thị chúng ta có thể xem lại những chỗ khác nhau giữa hai bản Duy Minh Thị và Trương Vĩnh Ký. Có điều đáng nói là sự khác biệt ấy quá lớn không như trong Truyện Kiều thường chỉ là một chữ mà ta có thể coi là "thôi xao".

Lại nữa, nếu đem hai bản Nôm Lục Vân Tiên - một bản khắc in ở Quảng Đông, một bản khắc in ở Hà Nội mà đối chiếu thì sự khác biệt còn nhiều hơn nữa. Chúng tôi chỉ xin đưa ra một thí dụ như sau:

DUY MINH THỊ

KIM KHUÊ

Chài rằng: “Người ở cùng ta

Ngư ông nghe nói động lòng,

Hôm mai hấm hút trong nhà cho vui”

“Dám xin hiền sĩ ở cùng với tôi”.

Tiên rằng: “Ông lấy chi nuôi,

Chàng rằng: “Ơn nặng bể trời,

Thân này khác thể trái mùi trên cây.

Lẽ ra tôi phải nghe nhời ông nay.

May mà trôi nổi tới đây,

Hiềm gì muốn báo ơn dày,

Không chi báo đáp, mình này trơ trơ”

Cho nên muốn gửi ông ngay một nhời”

Chài rằng: “Lòng lão chẳng mơ,

Ông rằng: “Chí lão thảnh thơi,

Dốc lòng làm phúc chẳng chờ trả ơn.

Muốn lòng làm phúc, chẳng thời tưởng ơn

Trong không nhơ bợn sạch trơn,

Ơn nhờ lộc nước lộc non,

Một câu danh lợi chỉ sờn lòng đây.

Đến như danh lợi, dám còn nghĩ nay.

Áo tơi, nón sắn che thây,

Sớm ca, tối vịnh vui thay!

Ngày thời hứng gió, tối thời chơi trăng

Ngày dài hứng gió, đêm chầy nhởn trăng

Tháng ngày thong thả làm ăn,

Bến Tầm Dương, bãi Giang Lăng,

Khỏe thì chài kéo, mỏi quăng câu dầm.

Khi quăng chài lưới, khi giăng câu dầm.

Nghêu ngao một chiếc mái dầm,

Nghênh ngang nay vũng mai đầm,

Một bầu trời đất vui thầm ai hay.

Một bầu trời đất, vui thầm ai hay.

Cố Giáo sư Dương Quảng Hàm khi làm khảo dị giữa bản Abel des Michels và bản Kim Khuê cũng đã có nhận xét rằng:

“Đem hai bản ấy mà đối chiếu, tôi (DQH) nhận thấy rằng hai bản không chỉ khác nhau ở những chỗ lặt vặt về một hai chữ… mà thực là khác nhau rất nhiều, thường có cả câu hoặc cả đoạn dài không giống nhau.

Những điều ấy chứng tỏ rằng trong hai bản ấy: một bản là nguyên văn do Nguyễn Đình Chiểu viết ra mà bản kia là do một văn sĩ nào đó - có lẽ quê ở ngoài Bắc - đã nhân bản trên mà sửa lại, có thể nói là làm lại cũng đúng”.(3)

Qua nhận xét của GS. Dương Quảng Hàm, chúng tôi thấy rõ rằng là các bản Nôm và quốc ngữ in ở Hà Nội đã được sửa chữa nhiều mà lời văn cũng khác, không có các chữ của miền Nam như Nguyễn Đình Chiểu thường dùng như: xuê tinh thần, phô việc, chưa hản, đặng rạng, dung nhan lạnh lùng, mồ hồ hại dân, bỉ tràng trà rượu, vùa hương, dùi thẳng…

Riêng các bản Nôm khắc in ở Quảng Đông thì rõ ràng là đã được Duy Minh Thị sửa chữa, có thể là sửa chữa khá nhiều và có thể do chính Duy Minh Thị đã viết thêm đoạn cuối nói về việc vua Sở nhường ngôi cho Lục Vân Tiên.

Chúng tôi không đồng ý với PGS. Trần Nghĩa khi cho rằng:

“… Những khác biệt về mặt nội dung giữa Lục Vân Tiên sơ kỳ và Lục Vân Tiên hậu kỳ như vừa thấy, chủ yếu là do Nguyễn Đình Chiểu tạo ra”(4).

Sự thực Nguyễn Đình Chiểu vì tuổi già, sức yếu, tai điếc, mắt loà không thể sửa lại quyển Truyện Lục Vân Tiên như Michel Ponchon đã yêu cầu được mà người sửa chữa, đính chính, chính là Duy Minh Thị.

Duy Minh Thị khi cho khắc in Truyện Lục Vân Tiên chỉ ghi tên người “đính chính” mà không ghi tên người sáng tác là Nguyễn Đình Chiểu. Đó phải kể là một thiếu sót rất đáng chê trách.

Trương Vĩnh Ký ở ngay đầu sách đã viết rằng: “Ai nấy đều biết thơ Lục Vân Tiên là của ông Đồ Chiểu đặt” và đã kể rõ tiểu sử của tác giả.

Căn cứ vào các nhận xét kể trên, chúng tôi cho rằng các bản Nôm chỉ là những tư liệu quí để nghiên cứu về lịch sử văn bản thôi vì các bản Nôm ấy đã được đính chính và sửa chữa, không còn đúng với nguyên tác do Nguyễn Đình Chiểu đọc cho học trò hoặc người nhà chép nữa, kể cả bản do Quảng Thạnh Nam phát thụ mà các nhà nghiên cứu cho là xưa nhất.

 

Chú thích:

(1) Bài dịch đăng ở Tuần báo Nam Kỳ. Số đặc biệt kỷ niệm Nguyễn Đình Chiểu ra ngày 26-6-1943.

(2) Theo Hồ Hữu Tường: Năm mươi năm (1923-1973) theo dõi đường lối dân tộc, đăng trên báo Điện tín, tháng 10-1973.

(3) Tạp chí Tri Tân số 105 (20-7-1943): Ai sửa lại quyển Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu?.

(4) Xem Nguyễn Đình Chiểu: Lục Vân Tiên truyện, Trần Nghĩa - Vũ Thanh Hằng, Nxb. KHXH, H. 1994, tr.22./.

(Tạp chí Hán Nôm, Số 1 (74) 2006; Tr.14-20

Post by: admin
23-02-2021