Hán nôm

GIỚI THIỆU TRUYỆN THƠ NÔM TÀY LƯU BÌNH DƯƠNG LỄ CỔ TRUYỆN


26-05-2022
Khi nói đến Lưu Bình - Dương Lễ, chúng ta dễ dàng hình dung ra hai nhân vật chính trong truyện cùng tên Lưu Bình Dương Lễ, một câu chuyện đẹp về tình bạn chân thành, thủy chung, hết lòng giúp đỡ nhau vượt qua gian nan thử thách của cuộc đời. Như chúng ta đã biết, câu chuyện đó đã được chép thành thơ, được biên thành phú, được ca thành chèo bằng đủ loại văn tự của cha ông ta, từ chữ Hán, chữ Nôm, chữ Quốc ngữ; được lưu lại trong sách vở, được trình diễn trên sân khấu khắp mọi miền đất nước...

GIỚI THIỆU TRUYỆN THƠ
NÔM TÀY LƯU BÌNH DƯƠNG LỄ CỔ TRUYỆN

HOÀNG PHƯƠNG MAI

Viện Nghiên cứu Hán Nôm

Khi nói đến Lưu Bình - Dương Lễ, chúng ta dễ dàng hình dung ra hai nhân vật chính trong truyện cùng tên Lưu Bình Dương Lễ, một câu chuyện đẹp về tình bạn chân thành, thủy chung, hết lòng giúp đỡ nhau vượt qua gian nan thử thách của cuộc đời. Như chúng ta đã biết, câu chuyện đó đã được chép thành thơ, được biên thành phú, được ca thành chèo bằng đủ loại văn tự của cha ông ta, từ chữ Hán, chữ Nôm, chữ Quốc ngữ; được lưu lại trong sách vở, được trình diễn trên sân khấu khắp mọi miền đất nước. Tuy nhiên chưa hẳn nhiều người biết rằng câu chuyện này đã được lan truyền và phổ biến trong vùng đồng bào dân tộc Tày Nùng và được sáng tác lại bằng chữ Nôm Tày. Nhân Hội nghị Thông báo Hán Nôm học, một cuộc Hội thảo khoa học thường niên của Viện Nghiên cứu Hán Nôm, chúng tôi xin trân trọng giới thiệu tới quý độc giả và những nhà nghiên cứu Hán Nôm một văn bản truyện thơ Lưu Bình Dương Lễ cổ truyện viết bằng chữ Nôm Tày hiện đang được lưu giữ trong kho sách của Viện Nghiên cứu Hán Nôm.

1. Về văn bản tác phẩm

Văn bản mang ký hiệu ST 2237, kích thước 25,5 x 14,5 cm, chất giấy dó dày, đã được bồi dán thêm một lớp giấy giữa hai mặt trang chép chữ, bìa giấy cứng màu nâu. Đây là văn bản Lưu Bình Dương Lễ cổ truyện được viết bằng chữ Nôm Tày duy nhất hiện biết tại Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm.

Trên trang tên sách chép 3 dòng chữ Hán:

- Dòng bên phải đề: 保大伍年夏月立抄本 Bảo Đại ngũ niên hạ nguyệt lập sao bản (Tháng hè năm Bảo Đại thứ 5 [1926] lập bản sao)

- Dòng giữa, bên trên đề: 瑯琊郡 Lang Nha quận (Quận Lang Nha); bên dưới đề: 王河慶字 Vương Hà Khánh tự (Vương Hà Khánh viết chữ)

- Dòng bên trái đề: 劉平陽禮故傳Lưu Bình Dương Lễ cổ truyện (Truyện cổ Lưu Bình Dương Lễ)

Giữa dòng thứ nhất và dòng thứ 2 có dòng chữ “Vương Thành Bích, xóm Khuôn Làng, Tùng Bá, Vị Xuyên, Hà Tuyên” viết bằng bút mực màu xanh. Đây có lẽ là tên và địa chỉ của người lưu giữ cuốn sách này trước đây.

Chính văn gồm 28 tờ, mỗi tờ 2 trang, mỗi trang 8 dòng, mỗi dòng khoảng 21 đến 24 chữ, chữ viết không đều tay, khoảng 5 tờ đầu tương đối dễ đọc, những tờ tiếp theo viết rất khó đọc, chỉ 1 tờ đầu có dấu mực đỏ ngắt câu, những tờ tiếp theo không thấy có.

2. Về nội dung tác phẩm

Toàn bộ văn bản gồm 1297 câu thơ thất ngôn, chia thành 6 đoạn:

Đoạn 1: Vào thời vua Đại Nam trị vì thiên hạ, vua ngay thần trung, đất nước thái bình. Có một người tên là Dương Lễ, quê quán ở xứ Sơn Tây, đang muốn tìm thày thụ giáo. Dương Lễ gặp một người tên là Lưu Bình. Hai người đều ham chuộng thơ văn, liền cắt máu ăn thề làm bạn với nhau, rồi cùng lên đường về kinh đô theo học. Người thiên hạ về đông như hội, trai gái tươi cười xinh xắn như hoa. Lưu Bình được một người con gái xinh đẹp cho trọ nhờ và chỉ nơi có thày dạy học. Hai người được thày tận tình truyền dạy văn chương chữ nghĩa và đạo lý làm người.

Đoạn 2: Vua xuống chiếu kén tìm Trạng nguyên. Lưu Bình và Dương Lễ hay tin, bèn từ biệt thày và bạn học để đi thi. Dương Lễ đỗ Trạng nguyên, được làm quan, sống trong một phủ đệ sa hoa. Trong khi đó, Lưu Bình thi trượt, phải sống lang thang vất vưởng, rồi trở về quê. Cuộc sống khó khăn, quanh năm mất mùa đói kém, lại gặp cảnh loạn lạc, Lưu Bình chợt nghĩ đến người bạn kết nghĩa năm xưa, bèn tìm đến nhà Dương Lễ. Nhớ đến lời thề nguyền kết nghĩa, nhớ cảnh cùng nhau mười năm đèn sách thuở xưa, Dương Lễ không ra gặp mặt mà sai đày tớ hắt hủi Lưu Bình, bưng ra mời bát cơm nguội cùng quả cà chua nhằm khích chí bạn. Lưu Bình cả giận bỏ về. Dưỡng Lễ gọi ba người vợ ra, có ý muốn cậy nhờ một người thay chàng đi nuôi bạn ăn học. Vì sợ thiên hạ đàm tiếu tiếng thị tiếng phi, hai người vợ đầu từ chối không đi, riêng người vợ thứ ba là nàng Châu Long thấy vậy liền nhận lời để giúp chồng thỏa ý nguyện.

Đoạn 3: Châu Long từ biệt chồng, một mình nàng cất bước ra đi. Giữa đường, nàng trông thấy một cái quán, gọi là quán Nghênh [Nghinh] Hương, liền ghé vào nghỉ chân. Tại đây, nàng gặp Lưu Bình trên đường về quê cũng đang tạm dừng chân. Hai người trò chuyện hồi lâu. Lưu Bình thuật lại đoạn đời gian nan vất vả của mình, còn Châu Long thì kể rằng cha mẹ gả nàng cho một người giàu có, nhưng nàng không chịu nổi cuộc sống ở đó, bèn tự ý bỏ đi. Khi thấy Lưu Bình ngỏ ý muốn quyết chí đèn sách học hành, Châu Long liền ưng thuận theo chàng về quê để nuôi chàng ăn học.

Đoạn 4: Châu Long mang số tiền Dương Lễ giao cho nàng đem theo để cất lại ngôi nhà và đón thày về dạy học cho Lưu Bình. Còn nàng ở riêng trong một căn phòng nhỏ, ngày đêm đảm đang quán xuyến gia đình, không chút vương vấn nguyệt hoa. Thấm thoắt đã qua ba mùa hoa nở, Châu Long hết lòng chăm lo cho Lưu Bình ăn học mà lòng nàng không lúc nào nguôi nỗi nhớ mong chồng.

Đoạn 5: Vua ban chiếu mở khoa thi kén Trạng nguyên. Lưu Bình từ biệt Châu Long và thày dạy học để lên kinh đô ứng thí, hẹn ngày trở về sẽ sum họp gia đình. Đến khi vua cho yết bảng đề danh, chàng đỗ ngôi đầu Trạng nguyên, được vua ban bạc vàng gấm vóc. Chàng một niềm xin được hồi hương. Vua lập tức xuống chiếu cho chàng vinh quy nhậm chức. Trong khi đó, ở nơi quê nhà, nàng Châu Long hay tin Lưu Bình đã đỗ Trạng nguyên, nàng liền vui mừng sắp đặt nhà cửa gọn gàng ngăn nắp, khóa trái cửa lại, gửi gắm xóm giềng để trở về phủ Dương Lễ. Về tới nơi, nàng thuật lại cho chồng hết thảy mọi điều. Dương Lễ hết lời khen ngợi vợ. Lưu Bình giục binh mã nhanh chóng lên đường trở về quê cũ. Nhưng khi về tới nơi, chàng thấy cửa nhà khóa im ỉm, chẳng thấy Châu Long đâu cả. Chàng sai người tìm kiếm khắp cả xa gần biết bao ngày nhưng bóng dáng nàng vẫn biệt vô âm tín. Lưu Bình rất đỗi buồn bã, nhớ nhung, lại thêm phần cảm kích trước tấm lòng của người con gái xinh đẹp, nết na. Ngẫm ngợi hồi lâu, chàng nhủ lòng không nhẽ nàng là người cõi tiên xuống giúp. Chàng lại tìm đến nhà quan Dương Lễ và được Dương Lễ ân cần đón tiếp, hỏi han. Lưu Bình buồn rầu thuật lại chuyện gia đình.

Đoạn 6: Dương Lễ lần lượt cho gọi ba người vợ ra mời rượu Lưu Bình. Khi nhìn thấy Châu Long thì chàng chợt hiểu.

3. Đôi điều nhận xét

- Về tác giả: Giống như hầu hết các tác phẩm truyện thơ Nôm Tày khuyết danh, Lưu Bình Dương Lễ cổ truyện cũng không ghi tên người sáng tác mà chỉ ghi tên người sao chép là Vương Hà Khánh.

- Về văn tự: tác phẩm hoàn toàn được viết bằng chữ Nôm của đồng bào dân tộc Tày Nùng, trong đó tỉ lệ chữ theo kiểu tự tạo khá nhiều, xen lẫn vào đó còn có cả những kiểu chữ vay mượn từ chữ Nôm Việt và chữ Hán.

- Về thể loại: tác giả thuật lại câu chuyện bằng thể thơ thất ngôn trường thiên khá phổ biến trong nền văn học dân tộc Tày Nùng, lời thơ trong sáng, giản dị, dễ hiểu; ý thơ sinh động, mạch lạc, giàu tình cảm, đậm chất giáo dục.

- Về nội dung: Tác phẩm phản ánh khá trung thực những tình tiết câu chuyện so với truyện Lưu Bình Dương Lễ viết bằng chữ Nôm Việt.

- Tuy vậy, cũng cần phải nhìn nhận một cách khách quan rằng tác phẩm này sẽ được đánh giá cao hơn nữa nếu như không mắc một số lỗi như: một số câu bị lạc vận (khoảng 20 trường hợp), hoặc một số câu bị thiếu hoặc thừa chữ (khoảng 84 trường hợp).

Qua đây có thể thấy, tác phẩm đã thể hiện được cốt truyện bằng thứ văn tự, ngôn ngữ dân tộc Tày Nùng với một thi pháp khá điêu luyện. Đây chính là bằng chứng để chúng ta phải nhìn nhận rằng, cùng với những truyện thơ Nôm khác(1), nền văn học dân tộc thiểu số Tày - Nùng đã đạt được những thành tựu rất đáng tự hào.

Thiết nghĩ, bản thân câu chuyện Lưu Bình Dương Lễ vốn đã mang trong mình sức sống trường tồn bởi tính nhân văn sâu sắc của nó. Song, bằng vào văn bản truyện thơ Nôm Tày này, chúng ta càng nhận thức được rằng chính những giá trị cao đẹp của câu chuyện đã đưa nó đến gần hơn với mọi tầng lớp nhân dân Việt Nam bất kể vùng miền, bất kể ngôn ngữ, bất kể dân tộc đa số hay thiểu số. Và trong một xã hội đang không ngừng phát triển, khi mà nhiều người vẫn khẳng định rằng việc giáo dục giá trị đạo đức không kém phần quan trọng so với giáo dục tri thức thì tác phẩm này thực sự đã mang lại cho chúng ta những bài học nhất định. Vì thế, chúng tôi đã tiến hành phiên âm, dịch nghĩa, chú thích tác phẩm này ra Tiếng Việt nhằm cung cấp tư liệu tốt hơn cho độc giả và những nhà nghiên cứu văn học, ngôn ngữ, văn tự… Hi vọng rằng trong thời gian không xa, bản dịch tác phẩm này sẽ tới tay độc giả và những người quan tâm.

 

Chú thích:

(1) Xem thêm bài Giới thiệu tư liệu truyện thơ Nôm Tày hiện đang được lưu giữ tại Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm, Hoàng Phương Mai, Thông báo Hán Nôm học năm 2007, H. 2008; và bài Công tác biên dịch và nghiên cứu truyện thơ Nôm Tày: đôi nét về thành tựu và triển vọng, Hoàng Phương Mai, Thông báo Hán Nôm học năm 2009, H. 2010./.

(Thông báo Hán Nôm học 2011, tr.768-773)

Post by: admin
26-05-2022