Hán nôm

CHỮ NÔM TRONG “THIÊN NAM NGỮ LỤC”


19-06-2022
Chữ Nôm là thứ chữ viết xưa nhất của người Việt còn lại đến nay. Hầu như trong mỗi thời kỳ phát triển, chữ Nôm đều mang những dấu ấn đặc trưng khá rõ nét. Điều này thường được thể hiện qua những tác phẩm tiêu biểu. Vì vậy, đi vào nghiên cứu chữ Nôm ở những tác phẩm ấy sẽ có thể giúp ích cho việc tìm hiểu quá trình diễn biến của loại hình văn tự này. Thiên Nam ngữ lục (TNNL) là một tập diễn ca lịch sử ra đời vào cuối thế kỷ XVII. Đây là tác phẩm văn vần đồ sộ nhất trong kho tàng văn học viết bằng chữ Nôm. Giá trị của TNNL đã từng được giới nghiên cứu khẳng định trên nhiều mặt. Ngoài ra, tác phẩm có độ dài 8.316 câu lục bát với trên năm vạn rưởi chữ Nôm còn là nguồn tài liệu quý giá để góp phần tìm hiểu về tình hình chữ Nôm ở một giai đoạn bản lề giữa hai thế kỷ XVII - XVIII.

CHỮ NÔM TRONG
“THIÊN NAM NGỮ LỤC”

NGUYỄN THỊ LÂM

Chữ Nôm là thứ chữ viết xưa nhất của người Việt còn lại đến nay. Hầu như trong mỗi thời kỳ phát triển, chữ Nôm đều mang những dấu ấn đặc trưng khá rõ nét. Điều này thường được thể hiện qua những tác phẩm tiêu biểu. Vì vậy, đi vào nghiên cứu chữ Nôm ở những tác phẩm ấy sẽ có thể giúp ích cho việc tìm hiểu quá trình diễn biến của loại hình văn tự này. Thiên Nam ngữ lục (TNNL) là một tập diễn ca lịch sử ra đời vào cuối thế kỷ XVII. Đây là tác phẩm văn vần đồ sộ nhất trong kho tàng văn học viết bằng chữ Nôm. Giá trị của TNNL đã từng được giới nghiên cứu khẳng định trên nhiều mặt. Ngoài ra, tác phẩm có độ dài 8.316 câu lục bát với trên năm vạn rưởi chữ Nôm còn là nguồn tài liệu quý giá để góp phần tìm hiểu về tình hình chữ Nôm ở một giai đoạn bản lề giữa hai thế kỷ XVII - XVIII.

Hiện nay, Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm còn lưu giữ được 6 dị bản TNNL mang các ký hiệu AB.478, AB.192, AB.315, AB.337, AB.573, AB.38. Hầu hết đó là những bản chép tay không ghi năm tháng, tên người sao chép hoặc nơi tàng trữ. Về nội dung, chỉ có bản mang ký hiệu AB.478 là khá cổ và đầy đủ hơn cả(1). Chữ Nôm ở đây viết khá đều đặn, sắc nét và người sao chép đã tỏ ra trung thành với văn bản được sao chép. Trong văn bản có khá nhiều chữ Nôm cổ, từ ngữ cổ thường thấy ở những sách chữ Nôm đời Lê mà các bản khác không có hoặc ít gặp. Nếu căn cứ vào cấu trúc nội tại thì chữ Nôm trong TNNL chủ yếu bao gồm các loại như sau:

1. Dùng chữ Hán ghi âm Hán Việt.

Loại này bao gồm các từ như: tài, đức, học, nam, nữ... Âm Hán Việt như ta đã biết, đó là những tiếng gốc Hán du nhập vào tiếng Việt từ đời Đường (khoảng thế kỷ VII - VIII) trở về sau và được người Việt đọc với hệ thống ngữ âm gọi là cách đọc Hán Việt. Trong kho tàng từ vựng tiếng Việt những từ gốc Hán đọc với âm Hán Việt còn khá phổ biến nên việc mượn ngay chữ Hán để ghi những từ mượn ở tiếng Hán Việt là điều hoàn toàn có thể chấp nhận được trong quá trình tạo chữ Nôm. Trong tác phẩm TNNL, loại chữ này chiếm tới 55.5%.

2. Dùng chữ Hán ghi âm tiền Hán Việt.

Các âm tiền Hán Việt (còn gọi là Hán Việt cổ) bao gồm những tiếng gốc Hán được du nhập vào tiếng Việt từ khoảng đầu đời Đường trở về trước, nghĩa là trước khi hệ thống âm Hán Việt hình thành, ví dụ như: buồm, bùa, mùi, tuổi... Vì thâm nhập vào tiếng Việt đã lâu, được đồng hóa rất mạnh nên những tiếng này hiện nay nói chung không còn cái vẻ xa lạ đối với người Việt nữa. Vì không nhận ra mối quan hệ lịch sử giữa chúng nên có người đã lầm lẫn với loại Nôm dùng chữ Hán mà đọc theo nghĩa. Thực ra buồm, mùa, mùi, tuổi là âm cổ của phàm, vụ, vị, tuế. Đây là loại chữ Nôm còn mang dấu vết phụ âm đầu Hán Việt cổ(2). Về sau, càng ngày người ta càng có xu thế quên đây là những tiếng gốc Hán nên có khi dùng một chữ Hán khác để phiên âm hoặc thêm một bộ phận biểu ý vào mà thành chữ hình thanh. Vì vậy, số lượng chữ thuộc loại này ngày càng ít đi và trở thành tài liệu quý hiếm đối với những người nghiên cứu ngữ âm lịch sử. Trong TNNL loại này chỉ chiếm tỉ lệ 0,04%.

3. Dùng chữ Hán ghi âm hậu Hán Việt.

Trong cách đọc chữ Nôm, có những tiếng bắt nguồn từ cách đọc Hán Việt, nhưng chúng lại có một âm đọc khác được sản sinh ra theo sự biến đổi của ngữ âm Hán Việt. Đó là các âm hậu Hán Việt hay còn gọi là Hán Việt hóa. Chính âm đọc thứ hai này đã đưa chúng vào một vị trí sâu hơn trong tiếng Việt. Ví dụ như các trường hợp: gần - cận; ven - biên; gác - các; dừng - đình... trong TNNL, loại này chiếm tỉ lệ khoảng 0,5%.

4. Dùng chữ Hán ghi âm Nôm một cách chính xác.

Có hiện tượng dùng chữ Hán để ghi âm Nôm một cách chính xác là do giữa hệ thống ngữ âm tiếng Việt và hệ thống ngữ âm Hán Việt có hiện tượng đồng âm. Những người tạo chữ Nôm đã biết lợi dụng điều này trong khi mượn những tiếng Hán Việt để ghi những tiếng thuần Việt đồng âm nhưng không đồng nghĩa. Ví dụ dùng chữ “bán” (với nghĩa một nửa) để ghi “mua bán”, dùng “ta” với nghĩa là “chút ít” để ghi “chúng ta”... Tuy nhiên, những chữ thuộc loại này không nhiều lắm, trong văn bản TNNL chỉ có khoảng 0,4%.

5. Dùng chữ Hán ghi âm Nôm một cách không chính xác.

Do hệ thống ngữ âm Hán Việt nghèo hơn hệ thống ngữ âm thuần Việt mà trong điều kiện dùng chữ Hán đọc với cách đọc Hán Việt để ghi tiếng thuần Việt thì hiện tượng ghi thiếu chính xác là một lẽ dĩ nhiên. Ví dụ các trường hợp dùng “biệt” ghi “biết”, dùng “cố” ghi có, dùng “quần” ghi “còn”... Trong TNNL loại này chiếm khoảng 10,43%. Theo các nhà nghiên cứu, loại chữ ghi âm không chính xác ở thời kỳ đầu xuất hiện tương đối nhiều. Về sau, chúng được bổ sung thêm các bộ thủ hoặc chữ Hán biểu ý để thành chữ hình thanh nên số lượng có bị giảm dần.

6. Dùng chữ Hán đọc theo nghĩa.

Đây là các chữ Nôm mượn nghĩa trực tiếp từ chữ Hán. Ví dụ các trường hợp: khóc - khấp, ong - phong, giáo - sóc, trộm-đạo, câu - điếu... Trong TNNL chữ Nôm mượn nghĩa chỉ chiếm tỉ lệ 0,1%. Có người đã không phân biệt loại chữ này với những chữ Nôm mượn âm phi Hán Việt (tiền Hán Việt và hậu Hán Việt). Gần đây, Lã Minh Hằng có nêu lên những tiêu chí để nhận diện chữ Nôm mượn nghĩa(3) cũng là để khắc phục tình trạng nói trên.

7. Ghép bộ với chữ.

Ví dụ chữ “trăng” (= nguyệt + lăng), chữ “cháy” (= hỏa + chí), Chữ “đá” (= thạch + đa)...

8. Ghép chữ với chữ.

Ví dụ chữ “ba” (= ba + tam), chữ “bảy” (= bãi + thất), chữ “cỏ” (= thảo + cổ)...

Có thể nói lối chữ sáng tạo chủ yếu được tạo ra do hai phương thức này. Theo cụ Đào Duy Anh, chữ Nôm đã vay mượn khoảng 60 bộ trong tổng số 214 bộ thủ của chữ Hán. Ngoài ra, còn có thêm hai bộ “cự” và “tư” của chữ Nôm(4). Thực ra, trong một số trường hợp hai bộ ấy còn đóng vai trò biểu âm. Ví dụ chữ “tròn” được ghi bằng (cự + luân), chữ “trai” được ghi bằng (tư + lai) trong sách Chỉ nam ngọc âm vốn là những chữ Nôm mang dấu vết tổ hợp phụ âm đầu KL, TL trong tiếng Việt cổ(5). Khi bộ phận biểu ý là một bộ thủ thì nó chỉ biểu thị ý nghĩa một cách khái quát. Còn khi là một chữ Hán cụ thể thì nó chỉ biểu thị ý nghĩa một cách rất cụ thể, nghĩa là có tính chất xác chỉ. Trong TNNL còn có những chữ được tạo ra do ghép một bộ thủ với một chữ Nôm mà cụ Vũ Văn Kính gọi là hình thanh Nôm, như chữ “lời” ghi bằng (khẩu + trời), chữ “vuông” ghi bằng (phương + bông) nhưng ít gặp. Có lẽ giai đoạn đầu, hai loại chữ kể trên không có nhiều lắm, vì chữ Nôm được tạo ra chủ yếu theo lối giả tá, nhưng về sau chúng tại có xu thế phát triển do nhu cầu chính xác hóa ngày càng cao. Trong TNNL, loại này có khoảng 22,7%.

9. Ghép âm với âm.

Trong TNNL, những chữ Nôm thuộc loại này rất ít nhưng cũng rất đáng lưu ý vì chúng ghi được các tổ hợp phụ âm đầu KL, BL, TL trong tiếng Việt cổ. Ví dụ:

- Chữ “trống” ghi bằng (cổ + lộng)> klống > trống.

- Chữ “trăng” ghi bằng (ba + lăng)> blăng > trăng.

- Chữ “lời” ghi bằng (ma + lợi)> mlời > lời...

Những chữ Nôm như trên còn thấy khá phổ biến trong các tác phẩm Nôm từ thế kỷ XVII trở về trước như Quốc âm thi tập, Hồng Đức Quốc âm thi tập, Chỉ Nam ngọc âm, Truyền kỳ mạn lục... Điều này chứng tỏ chữ Nôm trong TNNL đã phản ánh đúng cách phát âm đương thời. Từ điển Việt - Bồ -La của Alexandre de Rhodes xuất bản tại Rôm năm 1651 còn ghi lại cho chúng ta ba tổ hợp phụ âm đôi là BL, TL, ML. Nhưng có lẽ trước đó còn có cả KL, bởi vì chắc không phải ngẫu nhiên mà sách An Nam dịch ngữ chú từ “trâu” bằng (cách + lâu)(6). Có thể do nguồn hình thành lâu đời của chữ Nôm mà ở đây còn có thể tìm thấy những tình trạng của tiếng Việt xưa hơn mà tư liệu chữ Quốc ngữ ở thế kỷ XVII không có. Trong TNNL, loại này có tỉ lệ 0,09%.

10. Ghép ý với ý.

Về loại chữ Nôm được tạo thành do các bộ phận biểu ý ghép lại, trong TNNL chúng tôi chỉ thấy có năm chữ  ,  ,  , , 眾 (trời, mấy, sánh, tro, chúng). Ngoài ra, còn một số chữ như  , , 辸,  (đời, giêng, giếng, ngà, gồm, lạy, cũ, xem, vôi, vắn, trống). ở đây, chữ Nôm được tạo thành bởi một bộ phận biểu ý và một bộ phận đọc với âm phi Hán Việt vừa có tác dụng biểu ý và vừa có tác dụng biểu âm, ví dụ chữ “vắn” do chữ “đoản” (nghĩa là ngắn) + bán (một nửa). “Bán” ở đây vừa thể hiện ý nghĩa của chữ Nôm, lại vừa gợi âm đọc của chữ do mối quan hệ giữa hai thanh mẫu b > v. Xét về mặt cấu tạo thì chúng có thành phần ý + (âm + ý). Do tỉ lệ nghiêng về biểu ý nên có ý kiến coi đây là những chữ Nôm ý + ý có cấu trúc đặt biệt(7). Trong TNNL những chữ thuộc loại này chỉ chiếm tỉ lệ 0.06%.

11. Ghép chữ với ký hiệu phụ.

Ký hiệu phụ trong văn bản Nôm TNNL thường là “dấu nháy” hoặc chữ “khẩu”. Lại có khi được thể hiện bằng “hai dấu chấm” đặt bên trái của chữ. Ví dụ chữ “gặp” ghi bằng (hai chấm + cập); chữ “vội” ghi bằng (hai chấm + bội)... Đây là loại ký hiệu thường thấy trong những tác phẩm Nôm của Maiorica giữa thế kỷ XVII hoặc trong Càn nguyên ngự chế thi tập của Trịnh Doanh đầu thế kỷ XVIII. Các loại ký hiệu phụ trên đây hoàn toàn không có ý nghĩa gì mà chỉ có tác dụng báo cho người đọc biết ở đây dùng giả tá là không chính xác và khi đọc phải đọc chệch đi so với cách đọc Hán Việt. Sự sáng tạo ở đây tuy chưa nhiều nhưng nói không có sáng tạo là không đúng, bởi vì với những chữ này người Trung Quốc vẫn không thể nhận ra mặt chữ của họ. Trong TNNL, loại chữ này có khoảng 5,7%.

Một điều dễ nhận thấy là chữ Nôm ở 6 loại đầu có dạng đồng nhất với chữ Hán, ta vẫn quen gọi là lối chữ giả tá. Còn ở các loại khác thì chỉ đồng nhất với chữ Hán theo từng bộ phận mà thôi, đó là những chữ Nôm do người Việt sáng tạo. Trong TNNL, chữ giả tá chiếm tới 71,3%, trong khi đó chữ sáng tạo chiếm 28,6%, tập trung nhiều nhất ở hai loại ghép bộ vào chữ và ghép chữ với chữ (có khoảng 23,7%). Con số này phần nào cho thấy ở TNNL lối chữ giả tá (sử dụng nguyên hình chữ Hán) còn cao nhưng lối chữ sáng tạo đã khá phát triển (so với Quốc âm thi tập là 17,6%; Chỉ nam ngọc âm 18% và Maiorica 21%)(8).

Trong TNNL cũng có tình hình một chữ có thể có nhiều cách đọc cách viết. Chẳng hạn về phụ âm đầu: thông thường nếu âm đầu trong hệ thống âm Hán Việt trùng với âm đầu trong hệ thống tiếng Việt thì người ta sẽ dùng chữ Hán có âm đầu Hán Việt để ghi. Song cũng có nhiều trường hợp phải mượn chữ gần âm. Ví dụ: để ghi chữ Nôm có phụ âm đầu v [v] người ta dùng chữ Hán có phụ âm đầu b [b] như dùng “bản” ghi “vốn”, dùng “bối” ghi “với”. Lại có khi dùng chữ Hán có phụ âm đầu ph [f] như dùng “phi” ghi “vậy”, dùng “phức” ghi “vức”... Thực ra, đây là những chữ Nôm mang dấu vết phụ âm đầu tiếng Việt cổ. Hiện nay, giữa tiếng Việt và tiếng Mường còn có sự tương ứng: vào - bào, với - bới, vạch - bạch, vả - bả... Hoặc ở trong dân ca vùng Bắc Trung bộ:

Ta cũng gói cơm bầu nác,
Cũng đi phở (vỡ) ruộng lầy.

(Thơ ca dân gian Nghệ Tĩnh)

Như vậy, những cách ghi như trên chứng tỏ người viết chữ Nôm đã ghi đúng âm đọc ở thời kỳ lịch sử của nó. Tác phẩm cũng còn lưu lại khá nhiều chữ Nôm thể hiện dấu vết của vần Việt cổ. Chẳng hạn, ở các trường hợp ghi “bầy” (= bài), nấy (= nãi), “câu” (= cú), “dầu” (= du)... Sự đối lập giữa a-â, âu-u là những hiện tượng vẫn thường gặp, như ở tiếng Việt và tiếng địa phương Bắc Trung bộ: trái - trấy, gái - gấy, dâu - du, bầu - bù:

Ả em gấy như trấy cau non,
Ả em du như bù nác nẻ...

(Thơ ca dân gian Nghệ Tĩnh)

Ngoài ra, các trường hợp ghi “chìm” (= trầm), “tìm (= tầm), “kíp” (= cấp), “kịp” (= cập)... là những chữ Nôm còn mang dấu vết vần Hán Việt cổ đã từng được giới nghiên cứu khẳng định và chứng minh(9).

Như vậy, những cách ghi như trên không phải là một sự tùy tiện dễ dãi mà trái lại, hình như ở đây có sự cân nhắc lựa chọn. Đằng sau những cách ghi đó là những mối quan hệ ngữ âm vốn có trong lịch sử tiếng Việt. Bên cạnh đó, sự tồn tại của những tổ hợp phụ âm đầu KL, BL, ML trong văn bản là gắn liền với hệ thống ngữ âm tiếng Việt từ thế kỷ XVII trở về trước. Sang các thế kỷ tiếp theo, khi các tổ hợp phụ âm đầu đã hoàn toàn biến mất thì các chữ Nôm mang các tổ hợp phụ âm đó cũng dần dần được cải cách, các yếu tố khó hiểu, rườm rà sẽ bị lược bớt và thay bằng các yếu tố mới dễ hiểu, phù hợp hơn. Ví dụ:

- Chữ “trước”: TNNL ghi (cư + lược). Chinh phụ ngâm, Truyện Kiều ghi (tiên + lược).

- Chữ “trống”: TNNL ghi (cổ + lộng) Chinh phụ ngâm, Truyện Kiều ghi (lộng + sinh).

- Chữ “trăng”: TNNL ghi (ba + lăng) Chinh phụ ngâm, Truyện Kiều ghi (nguyệt + lăng).

- Chữ “lời”: TNNL ghi (ma + lợi) Chinh phụ ngâm, Truyện Kiều ghi (khẩu + trời)...

Có thể nói, trong văn bản TNNL phần lớn được ghi theo kiểu chữ Nôm đời Lê. Có những chữ nhất loạt được ghi theo kiểu chữ Nôm đời Lê như: trước, sau, xưa, một... Có những chữ được ghi theo cả lối chữ đời Lê và đời Nguyễn nhưng vẫn nghiêng về lối chữ đời Lê. Ví dụ: chữ “trả” xuất hiện 25 lần thì 15 lần ghi theo kiểu chữ Nôm đời Lê; chữ “trống” xuất hiện 7 lần thì 6 lần ghi theo kiểu chữ Nôm đời Lê; chữ “con” xuất hiện 312 lần thì 275 lần ghi theo kiểu chữ Nôm đời Lê... Những trường hợp được thể hiện bằng cách viết của cả hai thời kỳ như vậy đối với TNNL cũng là điều dễ hiểu. Bởi đó là cuốn sách ra đời vào thời nhà Lê nhưng văn bản được sao chép ra sớm nhất là vào đầu thời Nguyễn(10). Do tính chất kế thừa và ổn định của văn tự, chữ Nôm trong TNNL vẫn còn bảo lưu được lối viết cổ. Tuy nhiên, lối chữ sáng tạo đã có một bước phát triển mới so với các tác phẩm trước TNNL; điều này như một dấu hiệu báo trước sự phát triển mạnh mẽ của nó ở những giai đoạn tiếp theo.

Mặt khác, chữ Nôm trong TNNL còn gắn liền với khá nhiều từ Việt cổ mà hiện nay đã biến mất hoặc còn nhưng nghĩa đã thay đổi. Ví dụ các từ: Bui (duy, chỉ); Ca (ở, tại); Mựa (chớ, đừng); Tua (nên)... Đặc biệt, tác phẩm còn ghi lại được một số từ đơn tiết tiếng Việt thể hiện bằng hai mã chữ Nôm như La đá (hòn đá); Bà cắt (chim cắt); Bồ cóc (con cóc). GS. Nguyễn Ngọc San gọi đó là những từ cổ bao gồm một âm tiết mờ và một âm tiết tỏ (hay một âm tiết phụ tố và một âm tiết căn tố)(11). Ta có thể tìm thấy các ví dụ tương tự trong các tác phẩm Đại báo phụ mẫu ân trọng kinh, Quốc âm thi tập, Chỉ nam ngọc âm giải nghĩa... Từ Việt cổ hiện nay không còn thấy xuất hiện trong ngôn ngữ thành văn nữa, nhưng lẻ tẻ chúng vẫn được sử dụng trong khẩu ngữ ở một số địa phương. Đại bộ phận những từ thuộc loại này đã trở nên xa lạ và khó hiểu đối với độc giả phổ thông hiện nay nên khi phiên âm chúng ra Quốc ngữ cần có sự chú thích rõ ràng.

Qua một số nội dung trình bày sơ bộ trên đây, TNNL đã có thể phần nào giúp ta hình dung được diện mạo của chữ Nôm và tiếng Việt ở giai đoạn cuối thế kỷ XVII. Việc đi sâu vào những tác phẩm tiêu biểu như TNNL chắc chắn sẽ đem lại nhiều điều bổ ích cho việc tìm hiểu quá trình phát triển của chữ Nôm và công tác nghiên cứu lịch sử tiếng Việt.

CHÚ THÍCH

(1), (10) Nguyễn Thị Lâm: “Về các văn bản TNNL hiện còn”. Tạp chí Hán Nôm số 4-1997.

(2) Vương Lực: Hán ngữ sử luận văn tập. Bắc Kinh 1958, tr.363.

(3),(7) Lã Minh Hằng: Các ký tự Hán với chức năng biểu thị ý nghĩa trong chữ Nôm Việt. Luận án Tiến sĩ Ngữ văn. Hà Nội 1999.

(4) Đào Duy Anh: Chữ Nôm-Nguồn gốc, cấu tạo, diễn biến. Nxb. KHXH. Hà Nội 1975.

(5),(8) Chỉ nam ngọc âm giải nghĩa. Trần Xuân Ngọc Lan phiên âm và chú giải. Nxb. KHXH. Hà Nội 1985, tr.45 và 50.

(6) Vương Lộc: An Nam dịch ngữ. Nxb. Đà Nẵng - Trung tâm từ điển học 1995.

(9) La Thường Bồi - Chu Tổ Mô: Hán Ngụy Tấn Nam Bắc triều văn bộ diễn biến nghiên cứu. Khoa học xã hội xuất bản xã, tr.54.

(11) Nguyễn Ngọc San: “Thử đưa ra quan niệm và giải thích về chữ Nôm cổ”. Tạp chí Hán Nôm số 3-1993.

Post by: admin
19-06-2022