Ngôn ngữ

Đặc điểm âm học của phụ âm đầu trong tiếng Việt


01-07-2021
     Trong tiếng Việt phổ thông, từ chầu được dùng để biểu đạt các nghĩa chỉ tên gọi sự vật và chỉ hoạt động. Tùy theo ngữ cảnh giao tiếp và đối tượng được biểu hiện, nó được người Việt ở các địa phương sử dụng không phổ biến nhưng khá đồng đều giữa các nghĩa trên. Tuy nhiên, trong phương ngữ Quảng Bình và Quảng Trị, từ chầu thường được hiểu, được dùng với nghĩa chỉ điểm thời gian “hồi”, “lúc”, “dạo”, “ngày” và chỉ sự chờ đợi với các nghĩa biểu đạt và các sắc thái cảm xúc khác nhau.      Bài viết này sẽ phân tích giá trị biểu hiện của từ chầu trong phương ngữ Quảng Bình và Quảng Trị để từ đó góp phần làm rõ mối quan hệ giữa ngôn ngữ toàn dân với phương ngữ và đặc điểm ngôn ngữ văn hóa vùng miền.

Giá trị biểu hiện của từ “Chầu” trong phương ngữ Quảng Bình và Quảng Trị

TỪ THU MAI
(Phòng Đào tạo – KHCN, Phân hiệu Đại học Huế tại Quảng Trị)

     1.1. Nằm trong vùng phương ngữ Bình Trị Thiên, phương ngữ Quảng Bình và Quảng Trị gần như giống nhau hoàn toàn. Ở đây, hệ thống từ địa phương không chỉ phản ánh những đặc điểm riêng về các mặt ngữ âm, từ vựng mà còn thể hiện rõ cách mà người bản địa sử dụng chúng trong hoạt động giao tiếp và tạo nên bản sắc ngôn ngữ – văn hóa vùng miền.

     Là một yếu tố trong phương ngữ vùng này, từ chầu được người địa phương sử dụng với các nghĩa biểu đạt và các sắc thái cảm xúc khác nhau.

     1.2. Theo Từ điển tiếng Việt của Hoàng Phê, từ chầu được hiểu theo các nghĩa khác nhau. Với nghĩa chỉ tên gọi sự vật, chầu là một danh từ các nghĩa: 1. buổi hát ả đào; 2. bữa ăn uống hoặc vui chơi giải trí; 3. khoảng thời gian, hồi, lúc. Với nghĩa chỉ hoạt động, chầu là một động từ cũng có ba nghĩa dùng chỉ: 1. hầu (chầu vua); 2. hướng vào, quay vào cái khác được coi là trung tâm (rồng chầu mặt nguyệt); 3. thêm cho người mua một số đơn vị hàng bán lẻ với tỉ lệ nào đó (bán một chục cam, được chầu hai quả).

     Tùy theo ngữ cảnh giao tiếp và đối tượng được biểu hiện, từ chầu đã được người Việt ở các địa phương sử dụng dù không phổ biến nhưng lại khá đồng đều giữa các nghĩa chỉ tên gọi sự vật hiện tượng và chỉ hành động. Dù xuất hiện trong các tác phẩm văn học cổ hay trong khẩu ngữ hàng ngày, chầu vẫn được nhân vật giao tiếp ở các thế hệ, các địa bàn hiểu và dùng đúng tiêu điểm nghĩa, phù hợp thực tế khách quan được phản ánh.

     Tuy nhiên, trong phương ngữ Quảng Bình và Quảng Trị, từ chầu chỉ thường được hiểu, được dùng với nghĩa chỉ điểm thời gian “hồi”, “lúc”, “dạo”, “ngày” và nghĩa chỉ sự chờ đợi.

     Trường hợp này là khá phổ biến, biểu hiện mối quan hệ giữa từ trong ngôn ngữ toàn dân và từ trong phương ngữ mà người viết sẽ trình bày sau đây.

2. Nội dung

     2.1. Ý nghĩa biểu đạt của từ “chầu” trong kết cấu “chầu +X”

     2.1.1. Cách dùng kết cấu “chầu +X” để biểu đạt thời gian

     Với nghĩa chỉ “hồi”, “lúc”, từ chầu đã tham gia vào các kết cấu “chầu + X” để biểu thị các điểm thời gian khác nhau. Tùy theo ngữ cảnh mà kết cấu này được hiểu và dùng theo các nghĩa biểu đạt thời điểm trong quá khứ, hiện tại hay tương lai.

     1. Thông thường, kết cấu “chầu + X” được dùng để biểu đạt điểm thời gian ở thì quá khứ với hai dạng là biểu đạt thời gian được xác định tương đối và biểu đạt thời gian không được xác định.

     Để biểu đạt thời gian trong quá khứ với một chuẩn mốc xác định về một thời điểm đang được nói tới – thời điểm mà người nói và người nghe đều hiểu là sự tình được nói đến đã từng diễn ra trong quá khứ, người địa phương ở Quảng Bình và Quảng Trị thường dùng các cấu trúc cụm danh từ như chầu nớ (hồi đó, hồi nọ, dạo đó, dạo nọ), chầu trước (hồi trước, dạo trước, lúc trước…) và chầu tê (hồi kia, hồi trước, trước kia, trước đây, dạo trước).

     Để biểu đạt thời gian trong quá khứ một cách chung chung, không xác định khoảng thời điểm, người ta thường dùng các cấu trúc như bựa chầu (trước kia, hồi trước, hồi kia), mọi chầu, mọi hồi (những lúc trước, những hồi trước). Theo đó, bựa chầu dù vẫn có nghĩa chỉ “trước kia”, “hồi trước”, “hồi kia” như chầu nớ nhưng do cấu trúc chầu nớ có đại từ “nớ” được dùng để chỉ trỏ thời điểm “đó”, “ấy”, “kia” nên nghĩa của nó mang tính xác định hơn nghĩa của mọi chầu.

     Cũng để biểu đạt thời gian quá khứ gần, cách xa hiện tại không lâu, người ta thường dùng các tổ hợp ghép như chầu tê và chầu tệt (chỉ ngày đã qua cách ngày hiện tại hai ngày và ba ngày, theo hướng đếm ngược ngày này – ngày hôm qua – ngày chầu tê – ngày chầu tệt) cùng tổ hợp láy chầu tê chầu tệt (ngày kia ngày kìa trong quá khứ).

     2. Được dùng để biểu đạt thời gian ở thì hiện tại, chầu được dùng trong tổ hợp chầu nichầu này với nghĩa chỉ “hồi này”, “dạo này”, “độ này”. Ở hai cụm từ này, yếu tố “ni” và “này” có tính chất xác định điểm mốc hiện tại, thời điểm mà người nói, người nghe đang thực hiện cuộc giao tiếp. Điều đặc biệt là dùng để chỉ thời điểm hiện tại có thể có các yếu tố “ni”, “nay”, “này” nhưng người Quảng Bình chỉ dùng chầu nichầu này mà không dùng chầu nay.

     3. Biểu đạt ý nghĩa chỉ thời gian ở thì tương lai, trong phương ngữ Quảng Bình, Quảng Trị có các cấu trúc ghép chầu tê/chù tê/chủ tê và chầu tệt/ chù tệt/ chủ tệt và cấu trúc láy chầu tê chầu tệt/chù tê chù tệt/chủ tê chủ tệt. Trong đó, các cấu trúc chù tê/chủ tê được dùng chỉ thời điểm ngày và được hiểu là “ngày kia”, tức sau ngày hiện tại ba ngày, theo thứ tự đếm xuôi ngày mai – ngày mốt – ngày chầu tê/chù tê/chủ tê). Tương tự như vậy, chù tệt/ chủ tệt được dùng chỉ thời điểm ngày và được hiểu là “ngày kìa”, tức sau ngày hiện tại bốn ngày, cũng theo thứ tự đếm xuôi ngày mai – ngày mốt – ngày chù tê/chủ tê – ngày chù tệt/ chủ tệt. Còn các cấu trúc láy chù tê chù tệt/chủ tê chủ tệt có nghĩa khái quát chỉ chung “ngày mai ngày mốt”, “ngày mai ngày kia” thuộc về thời gian ở thì tương lai.

     Có thể nhận thấy, về mặt ngữ âm, trong phương ngữ Quảng Bình và Quảng Trị có hiện tượng chầu biến âm thành chù/chủ theo qui luật biến âm từ vần “âu” biến thành “u” (thâu – thu, nâu – nu, sâu – su…) của phương ngữ Trung Trung Bộ. Trong đó, các tổ hợp có chứa chầu được dùng cho điểm thời gian ở thì quá khứ (chầu tê, chầu tệt), hiện tại (chầu ni, chầu này) và tương lai (chầu tê, chầu tệt, chầu tê chầu tệt) còn các tổ hợp có chứa chù/chủ thông thường được dùng chỉ điểm thời gian ở thì tương lai (chù tệt/chủ tệt, chù tê chù tệt/chủ tê chủ tệt).

     2.1.2. Nhận xét về cách dùng các cấu trúc “chầu + X”

     1. Trong phương ngữ Quảng Bình và Quảng Trị, có hiện tượng một điểm thời gian được biểu đạt bằng các từ ngữ khác nhau, có chứa chầu. Chẳng hạn:

     – Biểu đạt điểm thời gian thuộc quá khứ gần, có vẻ như được xác định trong cách hiểu của mình: chầu nớ, chầu trước, chầu tê.

     – Biểu đạt điểm thời gian ở quá khứ xa, không xác định hoặc khó xác định cụ thể: bựa chầu, mọi chầu, chầu tê, chầu nọ, chầu nớ.

     – Biểu đạt điểm thời gian hiện tại: chầu ni, chầu này.

     – Biểu đạt điểm thời gian dự báo trong tương lai, người ta thường dùng các tổ hợp từ ghép chù tê/chủ tê, chù tệt/ chủ tệt và cấu trúc láy chù tê chù tệt/chủ tê chủ tệt.

     2. Trong phương ngữ Quảng Bình và Quảng Trị luôn có hiện tượng một từ được dùng biểu đạt ý nghĩa cho nhiều thời điểm khác nhau. Các từ chầu, chầu tê/chù tê/chủ tê được dùng chỉ thời điểm, thời đoạn trong quá khứ, hiện tại và tương lai. Chẳng hạn, với câu “Hôm chầu tê tôi có ghé nhà cô ấy” thì chầu tê được hiểu là ngày hôm kia trong quá khứ. Còn với câu “Ngày chầu tê tôi sẽ đi Hà Nội” thì chầu tê là ngày kia trong tương lai.

     Điều đáng lưu ý là cùng cấu trúc chầu tê/chù tê/chủ tê như nếu kết hợp với yếu tố đứng trước nó là “hôm” (hôm chầu tê, hôm chù tê, hôm chủ tê, hôm chầu tệt, hôm chù tệt, hôm chủ tệt) thì được dùng biểu đạt điểm thời gian trong quá khứ, nhưng nếu kết hợp với yếu tố đứng trước nó là “ngày” (ngày chầu tê/ngày chù tê/ngày chủ tê, ngày chầu tệt/ngày chù tệt/ngày chủ tệt) thì lại được dùng biểu đạt điểm thời gian trong tương lai.

     2.2. Ý nghĩa biểu đạt của từ “chầu” trong một số tổ hợp từ ngữ khác

     Ngoài giá trị biểu đạt ý nghĩa thời gian như đã trình bày trên, dù không phổ biến nhưng từ chầu được người Quảng Bình, Quảng Trị dùng chỉ sự chờ đợi với thái độ phản ứng tiêu cực.

     Chẳng hạn như câu “Chầu mãi mà chưa thấy nó về” có nghĩa như câu “Chờ mãi mà chưa thấy nó về” nhưng lại có sắc thái biểu hiện sự sốt ruột khi phải chờ đợi.

     Hoặc là, câu “Thè rèo trâu đực còn hơn chầu chực bựa ăn” có nghĩa biểu đạt “chẳng thà phải chăn giữ trâu đực còn hơn phải chờ đợi bữa ăn”, được thể hiện với thái độ khó chịu…

     Ngoài ra, nghĩa “chờ đợi” của chầu còn được hình tượng hóa trong từ láy chầu hâu. Từ láy này thường kết hợp với động từ “ngồi” trước nó, thành cụm động từ ngồi chầu hâu, biểu hiện trạng thái ngồi chờ một cách uể oải, mệt mỏi…

3. Kết luận

     Về mặt kết cấu, từ chầu có thể xuất hiện với tư cách là thành tố chính trong các cụm danh từ chỉ thời gian hoặc xuất hiện với tư cách hình vị cơ sở trong các từ láy tư. Theo đó, các cấu trúc ghép thường có ý nghĩa biểu đạt khoảng thời gian gần, dễ xác định trong quá khứ, tương lai và cả khoảng thời gian hiện tại. Còn ý nghĩa biểu đạt của các từ láy tư lại có giá trị biểu hiện thời gian mang tính khái quát, chung chung.

     Về mặt nghĩa, từ chầu vừa có khả năng biểu đạt khoảng thời gian trong quá khứ, hiện tại và tương lai, vừa có khả năng biểu đạt trạng thái hành động, tâm lí gắn với sự chờ đợi, thái độ phản ứng tiêu cực của đối tượng thực hiện hành vi, trạng thái đó.

     Như vậy, mặc dù có giá trị biểu hiện theo một nét nghĩa chỉ khoảng thời gian của từ chầu trong tiếng phổ thông nhưng chầu trong phương ngữ Quảng Bình và Quảng Trị có các nét nghĩa đa dạng hơn và mang đặc trưng của người địa phương nơi đây./.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

     [1]. Hoàng Thị Châu (2009). Phương ngữ học tiếng Việt, Nxb ĐHQG Hà Nội.

     [2]. Đỗ Hữu Châu (1981). Từ vựng ngữ nghĩa tiếng Việt, Nxb Giáo dục, Hà Nội.

     [3]. Nguyễn Thị Bạch Nhạn (2 ). Từ vựng phương ngữ Bắc Trung Bộ, đề tài cấp Bộ.

     [4]. Hoàng Phê chủ biên (1992). Từ điển tiếng Việt, Trung tâm từ điển ngôn ngữ, HN.

     [5]. Võ Xuân Trang (1997). Phương ngữ Bình Trị Thiên, Nxb KHXH, Hà Nội.

Nguồn: Tạp chí Khoa học và Công nghệ,
Trường Đại học Khoa học – Đại học Huế, Tập 4, Số 2 (2016

Post by: admin
01-07-2021