Lý luận văn học

HIỆN TÌNH PHÊ BÌNH VĂN HỌC NỮ (QUYỀN) Ở VIỆT NAM


20-06-2021
Tóm tắt: Báo cáo này trình bày hiện tình phê bình văn học nữ quyền ở Việt Nam những năm gần đây: tái hiện những tra vấn hiện thời của phê bình văn học về giới nữ và sáng tác văn học trên cơ sở những quan sát, mô tả khái quát về tình thế sáng tác hiện thời của các nhà văn nữ. Chúng tôi bước đầu trả lời câu hỏi, chẳng hạn trong việc diễn giải sáng tác văn học nữ (quyền) phê bình văn học đang thực hành theo những chuẩn mực và định kiến nào đối với giới nữ; nó biện hộ cho quyền lực của nam giới, hợp thức hóa nam quyền hay đang đòi hỏi giải kiến tạo các cấu trúc nữ tính, chống các hình thức áp chế của nam giới; nó góp phần thiết đặt lại các “hành lang pháp lý” đảm bảo cho quyền bình đẳng - tự do sáng tạo ở nữ giới, thúc đẩy sự kiến tạo lại bản sắc nữ giới, đấu tranh cho văn học nữ (quyền) phát triển, tiến tới xây dựng những tiêu chí riêng trong cảm thụ - đánh giá các hiện tượng văn học nữ hay cản trở văn học nữ (quyền), gạt các nhà văn nữ sang bên lề đời sống sáng tác.
 

Trần Thiện Khanh1

1. Phụ nữ học và tình hình tiếp nhận lý thuyết nữ quyền ở Việt Nam

Sau năm 1986, nhất là từ cuối thập niên 90 trở lại đây, nghiên cứu về giới và phụ nữ ở ta có bước chuyển quan trọng. Đây là thời điểm giới chuyên môn nhìn lại, tổng kết, đánh giá những đại tự sự về giới nữ, chỉ ra vị trí của phụ nữ trong xã hội qua nhiều giai đoạn phát triển văn hóa. Đây cũng là thời điểm xuất hiện những đòi hỏi nâng cao địa vị xã hội của phụ nữ, thúc đẩy sự bình đẳng giới.

Năm 1987, Trung tâm nghiên cứu khoa học về phụ nữ (sau đổi thành Trung tâm Nghiên cứu Khoa học về Gia đình và Phụ nữ, nay là Viện Gia đình và giới) được thành lập, với chức năng nghiên cứu cơ bản những vấn đề lý luận và thực tiễn về giới, gia đình và phụ nữ của Việt Nam nhằm cung cấp luận cứ khoa học cho Đảng và Nhà nước trong việc hoạch định đường lối, chính sách đối với sự bình đẳng giới, gia đình và phụ nữ; đào tạo, thực hiện tư vấn về những vấn đề liên quan đến giới, gia đình và phụ nữ...

Bên cạnh việc thể chế hóa như thế, nhiều thành tựu trong nghiên cứu về phụ nữ đã và đang được đưa vào giảng dạy ở các trường đại học. Đã có nhiều công trình dịch thuật, nghiên cứu về phụ nữ nói riêng và giới nói chung được xuất bản ở Việt Nam giai đoạn cuối thế kỉ XX đầu thế kỉ XXI. Bước đầu độc giả Việt Nam đã biết đến một bộ môn mới, gọi là phụ nữ học: không ít khái niệm của phụ nữ học được giới thiệu ở ta, tạo thành cái khung lý thuyết và phương pháp quan trọng cho những tư duy mới, diễn ngôn mới. Các nghiên cứu về phụ nữ ở Việt Nam tập trung vào vấn đề phụ nữ Việt Nam và công cuộc đổi mới đang diễn ra, “phác họa bức tranh đa dạng, nhiều vẻ về vị trí, vai trò người phụ nữ trong sự nghiệp đổi mới kinh tế-xã hội nước ta”2. Nghĩa là ngày nay phụ nữ đang có xu thế trở thành một đối tượng nghiên cứu trung tâm; việc nghiên cứu khoa học ở đây không phải chỉ để thể hiện cái nhìn, sự quan sát của nam giới về giới nữ mà coi trọng việc đứng về phía nữ giới, bắt đầu từ các vấn đề của phụ nữ đề nghiên cứu phụ nữ, nhất là cần thể hiện được tiếng nói của người trong cuộc: phụ nữ nói về mình, về giới mình và vì giới nữ. Phụ nữ học đã và đang cung cấp những tri thức mới để điều chỉnh, xóa bỏ những cái nhìn lệch lạc, định kiến về giới nữ, nó đòi hỏi “các khoa học khác phải xem xét lại những lý thuyết, những phương pháp luận và những luận điểm cơ bản của mình”3.

Nghiên cứu khoa học về giới nữ không thể thảo luận về các thiết chế nam quyền, các cách nhìn, phương pháp do nam giới đặt ra. Những thành tựu của phụ nữ học với tư cách một bộ môn liên ngành có ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực, chủ thể, trong đó có sáng tác và nghiên cứu văn học. Có thể nói, sự phát triển của phụ nữ học ở Việt Nam là một tiền đề gián tiếp thúc đẩy các diễn ngôn phê bình văn học nữ (quyền) phát triển: những nhà phê bình văn học chủ động tiếp nhận, hưởng ứng các lý thuyết nữ quyền, đến lượt mình, họ có sự thay đổi thế giới quan, tri thức, quan điểm về giới và phụ nữ... và dần điều chỉnh các cách đọc mang đậm màu sắc nam quyền trước đấy về văn bản văn học, về mối quan hệ giữa văn học và giới nữ, văn học và nam tính.... Chúng tôi cho rằng, một khi nữ quyền luận được đón nhận rộng rãi ở Việt Nam nó sẽ mở ra nhiều triển vọng trong việc hình thành một thứ mỹ học mới, một sự “giải các thiết chế phổ biến” trong đọc văn, sáng tác văn học,... Đó cũng chính là những thách thức lớn đối với các cách đọc văn học lâu nay.

Năm 1996, với sự cộng tác của Đại sứ quán Pháp ở Việt Nam, sau hơn chục năm nỗ lực chuyển ngữ, dịch giả Nguyễn Trọng Định, Đoàn Ngọc Thanh và nhà xuất bản Phụ nữ đã cho ra mắt bạn đọc một cuốn kinh về Giới nữ (2 tập) của Simone de Beauvoir, nữ văn sĩ Pháp. Simone de Beauvoir viết Giới nữ (Giới tính thứ hai) năm 1949, tác phẩm này được nhiều người xem là bản văn nền tảng của chủ thuyết nam nữ bình quyền, trở thành cuốn sách gối đầu giường của các nhà nữ quyền. Đến nay Giới nữ vẫn là một cuốn sách được giới nghiên cứu, phê bình văn học Việt Nam nhắc đến nhiều nhất. Sau đó mười năm, năm 2007, Nguyễn Hưng Quốc (người Việt ở Úc) cho xuất bản Mấy vấn đề phê bình và lý thuyết văn học tại nhà xuất bản Văn mới, phần phụ lục của cuốn sách này có một mục dành riêng bàn về Nữ quyền luận. Năm 2008 nhà xuất bản Tri thức ấn hành cuốn Căn phòng riêng của Virginia Woolf (Trịnh Y Thư dịch), tập hợp loạt bài thuyết trình của Virginia Woolf xoay quanh chủ đề phụ nữ và tiểu thuyết. Cuốn sách mô tả tình thế của các nhà văn nữ, đánh giá lại vị trí của các tiểu thuyết gia nữ, “nó đặt một câu hỏi then chốt: liệu các nhà văn nữ có thể sáng tạo nên những tác phẩm tầm vóc như của Shakespeare không?”, “mở ra một không gian xã hội rộng lớn hơn để phụ nữ được can dự, định nghĩa lại phụ nữ, giải cấu trúc những biểu tượng định kiến về phụ nữ...”4Căn phòng riêng (xuất bản lần đầu năm 1929) được xem như là “cuốn sách đầu tiên đặt nền móng cho trường phái phê bình nữ quyền luận trong văn học... là một trong những cuốn sách khơi nguồn cho phong trào nữ quyền.”5;’ (Trần Ngọc Hiếu).

Năm 2011, nhà xuất bản Tri thức phát hành cuốn Sự thống trị của nam giới của Pierre Bourdieu (Lê Hồng Sâm dịch), một công trình vừa tiếp nối vừa phát triển tư tưởng của Virginia Woolf. Công trình này góp phần tạo ra “cuộc cách mạng trong nhận thức” về giới, đòi hỏi “trả lại tính chất võ đoán, ngẫu nhiên cho căn nguyên khác biệt giữa nam và nữ như ta thường (không) hiểu biết”. Cũng trong năm 2011, bản dịch công trình Nghiên cứu văn hóa, lý thuyết và thực hành của Chris Barker (Đặng Tuyết Anh dịch) được xuất bản, Chương 9, phần 3 của cuốn sách này đề cập đến những cách kiến tạo xã hội khác nhau về nam tính, nữ tính, bản sắc giới tính, bản sắc tình dục, sự thể hiện về giới tính của các diễn ngôn... trong văn hóa đương đại. Năm 2012, Phương Lựu xuất bản công trình Lý thuyết văn học hậu hiện đại (Nxb. Đại học Sư phạm) trong đó tác giả đã dành riêng một chương bàn về phê bình nữ quyền (những tiền đề lí thuyết, quá trình phát triển và các loại hình phê bình nữ quyền....). Năm 2013, Nguyễn Thị Thanh Xuân công bố bản dịch công trình Nữ quyền và tự truyện: văn bản, lý thuyết phương pháp (Nxb. Hội Nhà văn xuất bản ) do Tess Cosslett, Celia Lury và Penny Summerfield chủ biên. Đây là công trình đầu tiên giới thiệu một trong những vấn đề trung tâm trong lý thuyết về nữ quyền: tự truyện - vừa được hiểu như một thể loại vừa như một phương pháp, một hoạt động. Cùng năm 2013, Nxb. Văn hóa thông tin cho ấn hành tuyển tập Văn hóa, xã hội và tình dục do Richard Parker và Peter Aggleton chủ biên, đem lại cho độc giả một góc nhìn mới, sâu sắc về sự kiến tạo của đời sống tình dục và các quyền tình dục, gợi lên một số vấn đề có thể thảo luận về chủ đề tính dục trong các sáng tác văn học Việt Nam. Năm 2015, Nxb. Hồng Đức cho ấn hành công trình Bí n nữ tính (Nguyễn Vân Hà dịch) của Betty Friedan tiếp tục khơi gợi sự tái diễn giải, tái định vị về vai trò, vị trí của phụ nữ, giải cấu trúc hình ảnh phụ nữ, tính nữ được kiến tạo bởi các phương tiện truyền thông, các nghiên cứu hàn lâm, bệnh viện, trường học...

Sự phát triển của phụ nữ học, sự du nhập của lý thuyết nữ quyền, lý thuyết về giới của phương Tây như mô tả sơ lược trên đây cùng với sự tiếp nhận cởi mở các lý thuyết khác như phân tâm học, chủ nghĩa giải cấu trúc, chủ nghĩa hậu hiện đại... đã tạo thành những tiền đề quan trọng cho văn học nữ (quyền) và phê bình văn học nữ (quyền) ở ta có những bước chuyển mới.

Quan sát các công trình nghiên cứu, dịch thuật, các bài viết thông tin về lý thuyết về nữ quyền và việc thực hành mô tả chân dung các nhà văn nữ (quyền) tiêu biểu trên thế giới trong thời gian qua, chúng tôi thấy nổi lên hai điểm đáng chú ý sau:

- Ngày càng có nhiều phụ nữ tham gia sáng tác và nghiên cứu văn học

Nền văn học nhiều nước đang được nữ hóa; cùng một thời điểm trên văn đàn nhiều quốc gia có tới 5, 6 thế hệ nhà văn nữ hoạt động sôi nổi (Trung Quốc, Nga, Nhật Bản, Anh, Việt Nam...). Các sáng tác của phụ nữ hết sức táo bạo xét về mọi khía cạnh. Trước đây, những cơ quan nghiên cứu hàn lâm dường như chỉ dành riêng cho phái mày râu, hiện nay tình hình đổi khác; chúng ta thấy đã xuất hiện các nữ viện sĩ (như Lygia Fagundes Telles, Neslida Pinón, Rachel de Queirox của Viện Văn học Brasil, Viện Hàn lâm Pháp có thêm 2 nhà khoa học nữ tham gia, và tỉ lệ này ở Viện Hàn lâm Goncourt cũng tăng lên đáng kể...)

Các nhà văn nữ xuất hiện như một chủ thể trên nhiều văn đàn. Họ chiếm hầu hết vị trí sáng giá trong nhiều giải thưởng văn học chính thống. Cục diện văn học đã thay đổi cơ bản: các nữ tác giả nếu không qua mặt các đồng nghiệp nam thì cũng buộc các nhà văn nam đứng trước một cuộc cạnh tranh đáng nể. Văn học nữ có xu hướng trở thành một thương hiệu thu hút độc giả. Giới chuyên môn dùng những danh từ, cụm danh từ chẳng hạn như “thế kỉ nàng”, “âm thịnh”, “sự phục sinh”, “sự nở rộ”... của các thực hành kiến tạo nữ tính để diễn tả thời kì phát triển rộng khắp, rực rỡ và chưa từng thấy của văn học nữ giới.

Có thể nhắc đến ở đây khá nhiều trải nghiệm của giới nữ mà từ thực tế đó chúng ta sẽ thấy được sự xuất hiện của nhà văn nữ, văn học nữ (quyền) có ý nghĩa quan trọng hay tính bước ngoặt ra sao trong lịch sử văn học nhiều dân tộc. Chẳng hạn nhà văn nữ Algeri, Assia Djebar, tác giả đầu tiên của khu vực Magreb (Bắc Phi) được bầu vào Viện Hàn lâm văn học năm 2005, chia sẻ rằng: “Magreb là nơi không cho phép viết văn. Phụ nữ càng không được viết gì. Họ chỉ biết thêu thùa, xăm mình và dệt thảm... Nếu bất chấp dư luận người phụ nữ cứ viết để bày tỏ ý kiến thì người đó bị xếp ngang hàng với những vũ nữ tức những kẻ phóng đãng, kém phẩm hạnh” (Văn nghệ số 32/2005). Trên Văn nghệ Trẻ số 10/2002, Vũ Công Hoan giới thiệu tản văn “Đàn bà sáng tác” của Trương Kháng Kháng, một nhà văn nữ quyền tiêu biểu của Trung Quốc. Bài viết của nhà văn Trương kháng Khánh là một văn bản bộc lộ rõ nét sự chuyển biến về ý thức sáng tác của nữ giới, khẳng định sự thực là một thời kỳ văn học nữ mới đã mở ra trước mắt chúng ta, và đó là chuyện đương nhiên. Trương Kháng Kháng ví thời kỳ nở rộ của sáng tác nữ với mùa xuân, ban đầu còn lác đác một vài nhành hoa đẹp nổi trội hẳn lên sau hoa tươi cứ lan dần, xuất hiện nhiều chủng loại mới nhập khẩu, lại được lai tạo, ghép chiết, thành một giống hoa mới, đến mức đàn ông không thể nhận biết được và ngay đến đàn bà lấy sáng tác để sinh sống cũng luôn luôn cảm thấy đội ngũ của mình đang ngày một đổi mới: “ngoài những nhà văn nữ, nhà báo nữ, biên tập viên nữ chuyên sáng tác để mưu sống, còn có diễn viên nữ, giám đốc nữ, giáo sư nữ, nhân viên tiếp thị nữ, họa sĩ nữ... Quả thật, dường như phàm là một đàn bà ai cũng biết sáng tác”, đến mức tưởng chừng như “cánh đàn ông đã bị những cái tên màu sắc rực rỡ kia chèn ép, xua đuổi và che lấp”. Trước kia nữ giới là đối tượng miêu tả, khám phá, đánh giá, lý giải của nam giới thì nay - theo Trương Kháng Kháng - nữ giới đã trở thành một chủ thể kiến tạo thế giới quan, sáng tạo là một lối sống của họ, bổ sung vào đời sống của họ; họ có quyền đem chuyện trong lòng phô diễn ra trên trang giấy một cách tự nhiên, thẳng thắn và chân thành, “đàn bà sáng tác là chuyện hiển nhiên, không cần phải nghi ngờ”; “đàn bà sáng tác chân chính vẫn là tôi làm theo cách của tôi, ai muốn nói gì mặc họ” - nhà văn Trương Kháng Kháng nhấn mạnh. Giới phê bình văn học Trung Quốc cũng cho rằng: trước đây những suy nghĩ, trải nghiệm của nữ giới bị gạt ra khỏi phạm vi văn học, sự vắng mặt chủ thể nữ tính trong một thời kì dài đã định đoạt một sự thực lịch sử: các bộ văn học sử thực chất là văn học sử nam tính. Đến nay, tình trạng này đã ít nhiều được cải thiện.

Hiện tượng bùng nổ các nhà văn nữ ở nhiều nước diễn ra trong khi trào lưu giải phóng phụ nữ đang phát triển mạnh, trong bối cảnh tư tưởng nữ quyền, bình đẳng giới hiện diện khắp nơi. Phụ nữ ngày nay không những thấy rằng giới mình có quyền viết văn, dùng văn học để biểu hiện cuộc sống nữ tính, ý thức nữ tính mà còn phần nào giành được quyền thẩm định các giá trị văn học nghệ thuật. Họ đang cố gắng vẽ lại hình ảnh về giới mình, đang viết lại các bộ văn học sử, đang chống lại tình trạng mất tiếng nói, mất bản sắc, họ nỗ lực kháng cự tiếng nói quyền lực nam giới; bước dần từ vùng tối của vô thức ra ánh sáng của ý thức, dịch chuyển từ ngoại vi vào trung tâm.

- Tồn tại song song hai thái độ tiếp nhận văn học nữ (quyền)

Nhiều người xem sự phát triển mạnh mẽ của văn học nữ (quyền) là bước chuyển hợp lý, hợp quy luật: thể hiện sự phản ứng lại việc một thời gian dài phụ nữ bị đặt ở vị trí bên lề đời sống sáng tác hay phụ nữ chỉ xuất hiện như là phù hiệu mà các nhà văn nam miêu tả như dục vọng của mình, phản ứng lại một thời gian dài phụ nữ bị xem là đối tượng tiêu thụ các tác phẩm của nam giới, và dường như họ không có quyền nói lên tiếng nói của mình, giọng nói của mình. Sự xuất hiện của nữ giới với tư cách chủ thể diễn ngôn, chủ thể trải nghiệm, chủ thể tư duy, chủ thể thẩm mỹ đánh dấu sự di chuyển từ chỗ suốt một thời kì dài họ vắng mặt đến chỗ họ hiện diện đàng hoàng trong văn học.

Có một số ý kiến xem sáng tác nữ (quyền) là biểu hiện sự lệch lạc văn hóa, một số tác giả nữ đơn thuần là trút bỏ dục vọng của mình vào không gian văn học mới, nhiều chi tiết tình dục được họ miêu tả theo lối tự nhiên chủ nghĩa, các sáng tác của nữ trở thành thứ hàng hóa của thời đại tiêu dùng... Trong tác phẩm của các nhà văn nữ dường như không có một người đàn ông lý tưởng, nhà văn nữ thiên trọng nữ tính, quá khắt khe với đàn ông, nhìn đàn ông méo mó, cực đoan. Có thể thấy sự phê phán này không chỉ ở các nhà phê bình nam giới mà có ngay trong cách nhìn của nữ giới, những người vừa có ý thức khai thác sự sai khác trong góc nhìn của phụ nữ so với cách nhìn của nam giới vừa phản đối việc nhấn mạnh quá đáng và lợi dụng danh nghĩa sai khác. Một số nhà phê bình xem các tác phẩm của nữ giới như một sự thách đố đạo đức và nhân luân xã hội, gây náo loạn về văn hóa, thể hiện khuynh hướng mỹ học suy đồi, điên loạn hoặc cho rằng có không ít tác giả nữ chưa kiên trì xây dựng văn học nữ quyền mà đã thỏa hiệp và phụ thuộc vào xã hội nam quyền, đồng lõa a dua với dục vọng của nam giới. Văn học của họ điên cuồng dùng thân xác để kiểm nghiệm đàn ông, họ đeo mặt nạ của chủ nghĩa nữ quyền giả hiệu, sự dung tục đó làm nhơ bẩn thế giới nữ tính...

2. Quan niệm văn học của nhà văn nữ và những diễn giải của phê bình văn học nữ (quyền) ở Việt Nam hiện thời

Cũng như nhiều nước trên thế giới, nghiên cứu, phê bình văn học không còn là tòa lâu đài của nam giới nữa. Giờ đây chúng ta thấy xuất hiện nhiều nhà phê bình, nghiên cứu văn học nữ, họ tập trung nhiều ở các Viện, trường đại học. Tỉ lệ nữ giới bổ sung vào đội ngũ nghiên cứu, phê bình văn học tại các Viện hàn lâm, các khoa văn học/ ngữ văn ở Việt Nam ngày càng cao.

Về mặt thực hành: Nhìn chung từ năm 2000 đến nay, đội ngũ dịch giả, nghiên cứu, phê bình văn học nữ ở ta hoạt động chủ yếu trong khung khổ các lý thuyết, sự cảm thụ và diễn giải cũ. Đối tượng nghiên cứu, phê bình của họ chủ yếu không phải là các sáng tác nữ, nhà văn nữ, những hiện tượng văn học bên lề, mà là các hiện tượng được dựng lên bởi ngôn ngữ nam quyền, là sáng tác ở dòng chính của nam giới, sáng tác của “những cây đại thụ”, những danh nhân văn hóa, thi hào, văn hào, “những tác gia” thời đại mới, những đề tài văn học mang đậm sắc thái tuyên truyền chính trị, những vấn đề to lớn của lý luận và lịch sử văn học, những vấn đề văn hóa và lịch sử mang tầm vóc quốc gia, khu vực, thậm chí nhân loại. Đó là một bức tranh chưa hoàn chỉnh về nghiên cứu văn học sử và lý luận văn học, phê bình văn học của giới nữ.

Chưa có nhiều nhà nghiên cứu, phê bình, dịch giả nữ nhận giành được vị trí chủ biên, chủ trì các công trình, đề tài nghiên cứu lớn, trọng điểm, có tác dụng thay đổi các diễn ngôn, các tri thức, các thẩm quyền. Phần nhiều họ vẫn hoạt động trong khung khổ do nam giới vạch ra, sắp đặt, điều khiển và hợp thức hóa. Hình thức hoạt động chủ yếu của phê bình nữ là viết tiểu luận, biên soạn, sưu tầm, hiếm khi độc giả được tiếp cận những chuyên luận, chuyên khảo độc lập của họ; mà nếu có công trình riêng được xuất bản thì phần lớn chúng cũng là những sản phẩm phái sinh - hoặc khởi từ trường quy, từ các khung chương trình được thiết lập sẵn hoặc được tiến hành dưới áp lực của những vô thức, những quyền lực ngôn ngữ và văn hóa thống trị của nam giới... Nghĩa là vẫn còn sự bất bình đẳng trong sự kiến tạo các giá trị. Nghĩa là những nghiên cứu của họ vẫn chưa được đặt vào vị trí danh dự, chưa thực sự dành riêng cho giới nữ, chưa hẳn vì sự phát triển phụ nữ học, khoa học văn học.

Sự mất cân bằng về quyền lực phát ngôn giữa các nhà văn nữ và nhà văn nam trước hầu hết vấn đề của đời sống văn học chưa được cải thiện. Chẳng hạn, một tờ báo tổ chức bàn thảo về một vấn đề văn học đang được độc giả quan tâm hoặc một Hội Văn học nghệ thuật nào đó tổ chức tọa đàm, hội nghị thì y như rằng tiếng nói của nam giới cất lên thể hiện một quyền lực chủ thể mạnh mẽ, trong khi tiếng nói nữ giới trở nên nhỏ yếu, lép vế và.... chung cục cách giải quyết vấn đề luôn luôn do nam giới quyết định, kết luận. Các nhà nghiên cứu, phê bình nữ xuất hiện hầu hết không phải như một chủ thể có một thứ mỹ học riêng trong thẩm định - đánh giá văn học, sự đọc – sự viết của họ ở đâu cũng gần như một sự tiêu thụ các giá trị do nam giới tạo ra và nối dài chủ âm - trọng âm của nam giới. Âm hưởng chính trong văn bản nghiên cứu, phê bình văn học của nữ giới là ngợi ca, ngưỡng mộ, thán phục... các văn bản văn học của các nhà văn nam.

Tham dự vào đời sống văn học hiện nay có hàng trăm nhà văn, nhà thơ nữ thuộc nhiều thế hệ. Nhiều tuyển tập văn xuôi, thơ, nghiên cứu phê bình của các tác giả nữ do chính nữ giới tuyển chọn, biên soạn, giới thiệu được xuất bản. Nhìn qua các tuyển tập, sưu tập chúng ta gương mặt phụ nữ trong văn học có sự thay đổi đáng kể. Những năm 30, 40 của thế kỉ trước trên bề mặt các diễn ngôn về nữ giới chúng ta thấy xuất hiện hàng loạt những nữ hiệp, hiệp nữ, thục nữ, trinh nữ, nữ trung, nữ lưu văn học, nữ tú tài, nữ ca, nữ tắc, thôn nữ, khuê nữ, hiếu nữ, huấn nữ, nữ thán, nữ nhi, phụ nữ tiết liệt, nữ đức hạnh, nữ sử... Sau đó, dưới áp lực của diễn ngôn cách mạng, ta thấy xuất hiện một bảng danh từ riêng, tập trung kiến tạo những tấm gương chiến đấu và lao động sản xuất như nữ tự vệ, nữ xã viên tiên tiến, nữ anh hùng, nữ du kích, nữ chiến sĩ, phụ nữ bất khuất, người phụ nữ mới xây dựng và bảo vệ tổ quốc, phụ nữ nông dân, thanh niên xung phong... Ngày nay chúng ta lại thấy xuất hiện nhiều tập sách mang tên những cây bút nữ, nữ sĩ, truyện ngắn nữ, tác giả nữ, nữ kí giả, nữ tướng, nữ đặc nhiệm, kỳ nữ, thánh nữ, nhà thơ nữ, văn xuôi nữ... Thực vậy, phải từ những năm 80 trở lại đây, nhiều phụ nữ sáng tác văn học mới được gọi là tác giả, là nhà văn, nhà thơ và văn học nữ giới mới chính thức được xem như một hiện tượng đáng chú ý, là một bộ phận quan trọng của nền văn học. Đã có nhiều nhà văn, nhà thơ nữ được giao quyền kiểm duyệt, “gác cửa” tại các cơ quan báo chí văn học nghệ thuật, các nhà xuất bản văn học, các tổ chức xã hội chính trị nghề nghiệp...

Nhiều nhà văn nữ đòi hỏi sự bình đẳng trong viết lách (Nguyễn Thị Châu Giang...), tự tin trong những diễn giải, mô tả, khám phá nhân sinh của mình, họ khẳng định mạnh mẽ tư cách nhà văn “viết để khẳng định mình là nhà văn, một nhà văn Việt Nam”. Một số phụ nữ ý thức được giá trị cá nhân vừa tự đề cao mình trong nghề văn vừa chỉ ra định kiến, thiên kiến của nam giới đối với giới mình: “tôi yêu những phụ nữ viết văn. Họ thông minh và nhạy cảm. Thế nhưng phần lớn nam giới có vẻ e ngại phụ nữ viết văn, làm báo. Họ không dám gắn kết số phận của họ với phụ nữ viết văn” (Như Bình).

Các nhà văn nữ ngày nay không chỉ viết cho mình mà còn viết về giới nữ nói chung, họ công khai viết với ý thức tham dự các cuộc thi văn chương tức là chủ động cạnh tranh với các đồng nghiệp nam. Đối với nhiều nhà văn nữ “viết văn là một công việc nhọc nhằn nhưng đầy đam mê...”, viết văn như một cách bù đắp và cân bằng giữa bộn bề công việc mưu sinh. Nghề văn đối với nữ giới lúc nào cũng có áp lực, nhiều người viết trẻ không dám theo đuổi văn chương như một nghề, viết văn từ chỗ đam mê trở thành một thách thức, từ một chuyện cần chuyên nghiệp hóa trở thành công việc làm những lúc rảnh rỗi hoặc sau khi đã hoàn thành các nghĩa vụ gia đình. Sự viết của phụ nữ luôn phải đối diện với không ít điều kiện hóa từ phía gia đình, xã hội. Nhà văn Nguyễn Thị Diệp Mai cho biết: trong việc viết văn nữ giới thường có nhiều trở ngại hơn nam. Nam giới có thể bỏ qua tất cả chuyện lặt vặt khi vào mạch viết, còn nữ thì dù có cảm xúc mấy cũng phải dừng lại lo cơm nước, nhà cửa, con cái, công việc cơ quan... trăm thứ lặt thường ngày. Dù có ý tưởng, chủ đề cốt truyện rồi đó nhưng giới nữ còn gian nan hơn nhiều trong chuyện tìm chất liệu thâm nhập thực tế, nhất là những đề tài xã hội hiện đại đòi hỏi trầm mình dài ngày ở nơi nào đó không phải là nhà mình...

Bên cạnh một số phụ nữ viết văn luôn tỏ ra thiếu tự tin về kinh nghiệm, tri thức và tài năng, hiện nay đã có một lớp tác giả bạo dạn thể hiện “mơ ước viết được những tác phẩm có giá trị”. Họ tự tin về sự trải nghiệm cuộc sống của bản thân, tự tin khẳng định mình “là một người phụ nữ đã sống hết mình với cá tính nữ”, luôn muốn “tìm hướng mở cho nhân vật nữ” của mình, thậm chí cả quyết “không bao giờ muốn nhân vật nữ của mình phải kết thúc bi kịch, phải tìm được hướng thoát ra và vươn lên” (Y Ban). Nhà văn Y Ban cho biết người đàn bà trong truyện Người đàn bà đứng trước gương là nhân vật thành công như ý của mình? “Đó là một nhân vật dũng cảm: cô ta dám làm một việc mà chưa một phụ nữ nào dám làm: cởi bỏ xiêm áo đứng trước gương nhìn tận mắt các chỗ xấu của mình để vươn lên cái tốt đẹp hơn.”. Nữ nhà văn này đã bắt đầu xét lại những khuôn vàng thước ngọc, những định kiến, không cam chịu “phụ nữ làm văn chương sẽ phải chịu một số phận bất hạnh”, Y Ban tâm niệm “đức năng thắng số”, và kêu gọi giới nữ không để số phận đánh đắm con người mình, phàm là phụ nữ không thôi chịu thiệt thòi “do đó phải biết dành lấy hạnh phúc cho mình trước khi phải chịu bất hạnh”.

Có một vấn đề đặt ra ở đây là khi sáng tác người viết cần có ý thức thường trực mình là phụ nữ không, và họ có buộc phải viết khác những gì mà nam giới đã viết không? Trước vấn đề này, ý thức nữ quyền bộc lộ ở các nhà văn nữ không triệt để. Chúng ta thường thấy có sự thỏa hiệp trước các nghĩa vụ và trách nhiệm ở giới nữ; diễn ngôn của họ luôn xuất hiện tính chất hai mặt - nữ giới vừa kháng cự vừa chấp nhận những luân lí, luật lệ bao bọc họ, nữ giới vừa muốn bình đẳng, độc lập vừa hướng về những người khác giới và muốn được mềm yếu trước họ. Nhà thơ Tuyết Nga khẳng định “với tôi, khi viết một bài thơ là khi tôi đắm mình sâu nhất vào trong đời sống, trong số phận của riêng mình. Khi ấy tôi chỉ còn một ý thức duy nhất là phải cảm nhận hết và thể hiện hết được chính mình. Tôi chẳng bao giờ quan tâm đến việc tôi giống hay khác người khác...”, nhưng ở chỗ khác chị lại “muốn mình là một phụ nữ trước khi là một người làm thơ và nếu phải chọn một trong hai thứ thì tôi sẽ chọn làm phụ nữ...”. Nhà thơ Phan Huyền Thư nhấn mạnh: “chẳng có ý thức giới tính nào kè kè canh giữ rung động và tư duy của tôi. Tôi thường sống mà quên mất mình là phụ nữ.” Chị đặt câu hỏi: “điều gì khiến cho các nhà văn, nhà thơ nữ được bình đẳng với nam giới?” rồi khẳng định “Tài năng. Chính vì vậy tôi không thích một cái nhìn định kiến về nữ giới trong lĩnh vực sáng tạo nghệ thuật.” Thế nhưng Phan Huyền Thư lại “thấy bất ổn trước một tương lai mà vai trò và vị trí của nam giới đang ngày một mờ nhạt...”, “Tôi rất nhiều khi không làm tròn nghĩa vụ và trách nhiệm của mình. Chẳng hạn lúc làm mẹ tôi lơ đễnh làm vợ, lúc cống hiến cho xã hội lại sao nhãng việc cơm canh bếp núc... nhưng tôi biết thỏa hiệp với những món nợ ấy bằng một lời hứa. Tôi luôn hứa với chính mình để làm tròn trách nhiệm với chồng con, với bạn bè, với công việc... chừng nào người ta còn vẩn vơ đến nữ tính và nhà thơ nữ trong thơ, tôi cho rằng chừng đó nhận thức về thơ còn tụt hậu.”. Còn nhà thơ Ly Hoàng Ly lại cho rằng, “tôi luôn ý thức mình là phái nữ trong cuộc sống hàng ngày, còn viết là lúc tôi ý thức và vô thức đan lẫn vào nhau,... Trời sinh ra có phái nam, phái nữ thì chẳng lẽ thơ lại không có âm, dương.”

Ở phương diện đề tài và nhân vật văn học... quan niệm của các nhà văn nữ hiện nay cũng có nhiều điểm rất đáng quan tâm. Nhà thơ Anh Thơ quan niệm: “Thơ giải phóng cuộc đời bình lặng của lớp người con gái dưới thời phong kiến. Tôi yêu thơ như yêu một lẽ sống ý nghĩa nhất của đời tôi...”. Thuận quan niệm “Tình dục là một phần của cuộc sống.... là một đề tài phong phú hơn những rung động đơn thuần về xác thịt.... với tôi, tình dục là một đề tài văn học như những đề tài khác.” Bàn về việc xây dựng nhân vật trung tâm trong thời kỳ đổi mới xây dựng và phát triển đất nước, nhà văn Lê Minh đề xuất một cách tiếp cận: “Ở Việt Nam ta, từ sau cách mạng tháng Tám... con người Việt Nam, nhất là giới nữ, được thoát khỏi vòng nô lệ của đế quốc phong kiến vượt khỏi ngưỡng cửa chỉ loanh quanh trong gia đình, đã hòa mình rất nhanh chóng với mọi hoạt động của cộng đồng khiến cho con người bừng nhận thức, rất nhạy bén những giá trị nhân phẩm của bản thân... Tôi cũng đã khẳng định cái tâm lí tự ti, hẹp hòi, đố kị là rơi vào tất cả những ai bị đày ải trong cuộc sống tù túng, dốt nát, bị chèn ép không lối thoát, bất kể là nam hay nữ - với những dẫn chứng cụ thể và thú vị.... Tiếc thay, hôm nay trong một số tác phẩm văn học của nhà văn thế hệ đương thời cũng vẫn xây dựng nhân vật phụ nữ như “đồ chơi, búp bê”, như “sợi dây leo ăn bám”, tưởng đó là phát hiện mới không theo lối mòn để cổ vũ phụ nữ Việt Nam, hoặc xây dựng một thứ nhân vật phụ nữ “phá phách, trác táng, bất cần nhân phẩm”. Họ phơi bày cái tôi ích kỉ, cách biệt và đối lập với cộng đồng, cái tôi tự vuốt ve mình, cái tôi xéo lên mọi giá trị đạo đức, cái tôi tàn bạo thấp hèn mất hết tính người, cái tôi chỉ đòi hưởng thụ vật chất bất cần đến cống hiến, đến trí tuệ. Họ tự vỗ ngực, đó là khám phá táo bạo, đó là lạ!.... Đúng là trước đây trong những giai đoạn gay cấn của đất nước... mọi người Việt Nam đã quên mình hy sinh cho Tổ quốc và cái tôi với cộng đồng được hết sức đề cao. Song không vì thế mà cho rằng Đảng và Nhà nước ta đã bỏ quên việc giáo dục về cái tôi cho tự thân.... Phụ nữ Việt Nam biết gắn bó quyền lợi của bản thân, hòa hợp trong nghĩa vụ với gia đình, với Tổ quốc, - đó chính là cái tôi rất đặc trưng của phụ nữ Việt Nam đã từ thời xa xưa được truyền nối, mà Bà Trưng, Bà Triệu là những mẫu phụ nữ điển hình của sự kết hợp hài hòa và cao đẹp, cái tôi bản thân trong cái tôi với cộng đồng...”

Trong khi các đồng nghiệp nam vẫn luôn diễn giải nữ tính theo cấu trúc văn hóa của họ - đối với nhà văn nam giới, phụ nữ ngày nay vẫn cần giữ nguyên vẹn những đức tính đã trở thành một loại gien của các thế hệ nữ Việt Nam như “trung hậu đảm đang - lấy chồng gánh cả giang sơn nhà chồng”... thì đã xuất hiện nhiều nhà văn nữ vượt khung, xây dựng nhân vật nữ theo quan điểm độc lập của chính giới nữ, “nhìn nhận nhân vật nam của mình dưới cái nhìn của người nữ”. Giới nữ có ý thức rõ rệt về bản thân, cuộc sống của giới mình, “những gì mà chúng tôi viết ra: khổ đau hay hạnh phúc đều ghi đậm một dấu ấn, đó là những dòng chữ trực tiếp từ trái tim đàn bà của chúng tôi” (Đỗ Bạch Mai). Một số nhà văn nữ muốn giải cấu trúc những định kiến về giới nữ. Nhà văn nữ Hoàng Ngọc Hà khẳng định mạnh mẽ “tôi không chấp nhận đàn bà là phái yếu. Họ chưa bao giờ yếu, mà họ là sức mạnh bền bỉ dẻo dai để giữ cho gia đình êm thấm, cho xã hội ổn đinh, cho cuộc đời tươi vui.”, “tính ích kỉ cá nhân của đàn bà không phải vì bản thân, cả sự phấn đấu vương lên cũng không vì danh vọng của mình, mà sâu xa hơn họ hướng về con của mình”, “tôi yêu nhân vật phụ nữ nghĩa là tôi yêu người đàn bà trong mình, và từ đó tôi yêu mọi số phận đàn bà trong cuộc đời. Tôi luôn ngẫm nghĩ về họ, và thầm lén đem họ về trong nhật kí của tôi. Có thể nói mỗi người đàn bà là một thiên tiểu thuyết trữ tình mà dữ dội... họ là chiều sâu văn hóa dân tộc. Họ là linh hồn của gia đình, những đứa con không thể trưởng thành nếu không có một bà mẹ tốt” (Văn nghệ Trẻ số 10 /2001). Từ nhân sinh quan như thế nhà văn nữ hướng ngòi bút của mình vào vấn đề bản chất con người, đi tìm những tính phổ quát, phổ biến, họ nhìn cuộc đời qua lăng kính phụ nữ, xuất phát từ chỗ đứng của phụ nữ: “đối với tôi cốt truyện không quan trọng, các tuyến nhân vật chính diện, phản diện tôi cũng chẳng quan tâm. Tôi chỉ có hứng thú đi tìm cách lý giải những thực tại hằng xảy ra quanh mình, muốn tìm ra bản chất con người sau những sự kiện. Mà tìm điều ấy một cách sâu sắc nhất là ở những người đàn bà” (Hoàng Ngọc Hà).

Phê bình hiện tại thừa nhận trong đời sống văn học đương đại đã và đang xuất hiện một lực lượng đông đảo các tác giả nữ. Bên cạnh những tác giả bước vào làng văn từ thời kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ đã xuất hiện những thế hệ mới. Nhiều bài phê bình cho thấy nữ giới ám ảnh về mối xung đột sâu sắc giữa thân phận nữ với các thiết chế xã hội, thiết chế gia đình, và nam quyền hiện hành (Y Ban, Đỗ Hoàng Diệu...). Một trong những đề tài không thể thiếu trong sáng tác của các cây bút trẻ hiện nay là viết về thân phận phụ nữ, cảm thông với số phận phụ nữ trong chiến tranh cũng như thời bình (Hoàng Kim Dung, Nguyễn Thị Như Trang, Lâm Thị Mỹ Dạ, Bùi Sim Sim...), có tác giả nữ cầm bút từ sự thôi thúc kể về cuộc đời của mẹ, của những người phụ nữ như mẹ. Tác giả Nguyễn Thị Châu Giang nhận xét “phụ nữ cô đơn ngay trong chính gia đình mình, trong cuộc sống hàng ngày mà họ phải đương đầu và họ không có cách gì giải tỏa được”. Tác giả Kỳ Phong nhận định “trong những trang viết hiện đại của các tác giả nữ, nỗi đau thân phận của đàn bà đã được giãi bày đến tận cùng gan ruột mà các cây bút nam (có thể) không cảm nhận hết được”. Đọc Ô cửa giêng hai, Phạm Đình Ân nhận thấy “Hoàng Kim Dung chú ý nhiều đến thân phận người cùng giới, san sẻ vui buồn cùng họ.”. Ngô Minh nhấn mạnh: khảm vào tâm hồn Lâm Thị Mỹ Dạ “hình ảnh người mẹ một đời âm thầm nuốt nỗi đau riêng vào lòng, côi cút nuôi con bằng tất cả nghị lực bươn chải... chị làm thơ nhiều về mẹ, về con, về tình yêu”. Đỗ Bạch Mai viết: bài thơ Người đàn bà mang trái tim thổn thức của Trần Lan là một sự cảm thông da diết của chị với những người đàn bà đã đi qua cuộc chiến tranh; chỉ có trái tim đàn bà mới có thể cảm thấu hết được sự mất mát, hy sinh, sự đau khổ và chịu đựng, những lỡ làng về hạnh phúc và những hy sinh cao thượng... và dù đã có thể vượt qua được tất cả thì những người đàn bà đó vẫn giữ được cho mình một trái tim thổn thức.... Ở tập thơ này Trần Lan Vinh dành nhiều cho đề tài tình yêu - đó là cái mạnh và cũng là cái yếu của những người đàn bà làm thơ nói chung.” Lý giải về điều này, nhà văn Như Bình cho rằng “phụ nữ viết văn thường mang một tính cách quyết liệt, mạnh mẽ, và bản lĩnh. Nhưng trên tất cả, họ có một trái tim quá nhạy cảm và sâu sắc, tâm hồn của họ phong phú và đa cảm. Họ chịu sự giằng xé, dày vò của nội tâm. Họ hiểu nỗi đau của họ hơn hết thảy. Việc ghi lại những cảm xúc này trên trang giấy không ai có thể làm tốt hơn chính họ. Tuy nhiên, không thể nói vì viết văn mà các tác giả nữ gặp nhiều bất hạnh hay vì họ gặp khó nhiều bất hạnh nên đã tìm đến văn chương để giải tỏa”.

Như đã nói, khoảng hai chục năm trở lại đây, các nhà văn nữ có ý thức làm các tuyển tập, sưu tập văn học về giới mình. Một điều đặc biệt khác nữa là chính các tác giả nữ lại là những người đọc, viết phê bình về các tuyển tập đó chứ không phải các đồng nghiệp nam. Bích Thuận đọc Tuyển văn tác giả nữ Việt Nam (Nxb. Phụ nữ, 2000) nhận thấy: 67 truyện của các tác giả “toát lên tính cách truyền thống của người phụ nữ Việt Nam từ thời xa xưa đến thời đương đại.... tập tuyển có những phụ nữ, có những cô gái của thời kỳ ba sẵn sàng, ba đảm đang như Nguyễn Cẩm Thạnh, Bích Thuận, Lê Minh Khuê, Dương Thị Xuân Quý,... các tác giả nữ không bỏ qua chuyện hôn nhân gia đình vốn là vấn đề thiết yếu của phụ nữ.”. Cũng Bích Thuận trong bài điểm sách Tuyển tập Thơ văn nữ Việt Nam (Nxb. Hội Nhà văn, 2005) khái quát một chặng đường văn học nữ: Năm 1957, khi thành lập Hội Nhà văn Việt Nam, các nhà văn nữ lúc đó đếm trên đầu ngón tay (Bích Thuận, Nguyễn Thị Cẩm Thạnh, Thanh Hương...). Các sáng tác của các nhà văn nữ tiếp cận với phương pháp hiện thực xã hội chủ nghĩa. Sau ngày hòa bình các nhà văn nữ đứng vào đội ngũ viết văn ngày một đông hơn, sáng tác của các chị ngày một phong phú hơn với Lê Minh, Cẩm Lai, Vũ Thị Thường... Những ngày hòa bình tiến lên chủ nghĩa xã hội, văn thơ của các nhà văn nữ càng nở rộ, nhiều chị đã có đôi mươi đầu sách, đây là thời kỳ rạng rỡ nhất của bút pháp sáng tác mới mà các nhà văn chúng ta tình nguyện sáng tác theo phương pháp này... khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước ngày một sôi nổi thì cũng là lúc xuất hiện nhiều cây bút nữ như Xuân Quỳnh, Phan Thị Thanh Nhàn, Lâm Thị Mỹ Dạ, Nguyễn Thị Hồng Ngát, Trần Thị Mỹ Hạnh, Hà Phương, Dương Thị Xuân Quý, Nguyễn Thị Ngọc Tú, Nguyệt Tú, Nguyễn Thị Như Trang, Lê Minh Khuê, Trần Thị Thắng, Đoàn Lê, Đặng Anh Đào, Dạ Ngân, Lê Giang, Lê Thị Mây,... Ở giai đoạn này màu sắc bi hùng của cuộc kháng chiến đã được các tác giả nữ khai thác triệt để... Sau những năm 1990 đến đầu những năm 2000, cùng với các nhà văn nữ thế hệ chống Pháp, chống Mỹ, thế hệ nhà văn nữ mới xuất hiện thổi một luồng gió mới vào văn học như Phan Thị Vàng Anh, Võ Thị Hảo, Nguyễn Thị Thu Huệ, Trầm Hương, Trần Thùy Mai,...

Bích Thu đọc Truyện ngắn của các nhà văn nữ Việt Nam (Nxb. Giáo dục, 2001), Các nhà thơ nữ Việt Nam – sáng tác và phê bình (Nxb. Giáo dục, H, 2001) nhận xét: “Hai tập sách này tuyển chọn tác phẩm của 91 tác giả với tiêu chí: các tác giả nữ là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam từ khi thành lập 1957 đến 2000, các tác giả nữ nổi tiếng trong văn học trước 1945”. “Từ trước đến nay, người đọc đã tiếp cận một vài cuốn sách tập hợp sáng tác của các cây bút nữ, nhưng để có được một cái nhìn toàn cảnh về đội ngũ và tác phẩm của chị em, hiểu được một cách khá đầy đủ về gương mặt của từng người: tiểu sử, lời tự bạch, nhận định của đồng nghiệp, và sáng tác tiêu biểu thì đây mới là bộ sách đầu tiên về con người và văn chương nữ giới, không chỉ ở lĩnh vực sáng tác mà cả ở lĩnh vực lý luận phê bình... Những người phụ nữ làm thơ, viết văn như đều muốn gửi gắm, ký thác những nỗi niềm, tâm trạng, những buồn vui ấm lạnh của chính mình trên các trang viết... Những năm 80, 90 là thời kì nở rộ sáng tác của các cây bút xuất hiện từ thời chống Mỹ và từ sau ngày đất nước thống nhất.... Bên cạnh phẩm chất nổi bật trong tác phẩm của các cây bút nữ, thấm đẫm tình đời, tình người, mang đậm chất nhân văn là những cách thể hiện, những phương thức biểu cảm khác nhau trong đề tài, bút pháp, giọng điệu, ngôn từ, tạo nên một bức tranh giàu màu sắc, đường nét về các nhà văn nữ Việt Nam hiện đại”.

Bàn về người trẻ viết phê bình, ngay cả nhà phê bình văn học nữ (như Nguyễn Thị Minh Thái..) cũng không đặt hy vọng vào các nữ phê bình gia. Lâu nay mỗi khi nhắc đến sự khủng khoảng của phê bình dường như người ta không tính tới sự hiện diện của phê bình, nghiên cứu văn học nữ. Trong câu chuyện nâng cao nền lý luận phê bình văn học, chức năng, vai trò phát hiện các tác phẩm mới, tác giả mới... phê bình văn học nữ cũng chưa được tính đến. Nếu có thì phần nhiều đề cập đến khuynh hướng phê bình báo chí, các nhà phê bình báo chí, hoặc phê bình văn học nữ bao giờ cũng bị các nhà phê bình nam giới vạch ra những thiếu sót về cách viết, cách chọn đối tượng, chất lượng học thuật chưa cao, còn dàn trải và nặng về cảm tính...

Phê bình đương đại đang cố gắng chỉ ra điểm khác biệt ở các trang viết hiện đại về số phận phụ nữ, đó là các cây bút đã viết rất táo bạo, xây dựng nên những motif phụ nữ dám đương đầu, dám yêu, dám sống hết mình. Có điều này là bởi người phụ nữ thời nay đã tự khẳng định được mình trong mọi lĩnh vực, trong đó có cả văn chương. Quan niệm phụ nữ cam chịu, luôn phải gánh chịu mọi tai ương, như một số cây bút nữ quan niệm, đã thay đổi trong văn chương nữ trẻ. Người phụ nữ trải qua những tai ương, đã dần làm chủ cuộc đời mình, họ hé mở những góc khuất tâm hồn để được thông cảm, sẻ chia.

Từ những điều đã trình bày ở trên có thể rút ra mấy điểm sau:

1. Phê bình văn học Việt Nam hiện tại thiên trọng văn học nam giới hơn văn học nữ giới. Trong các bảng thống kê, điểm danh đội ngũ, nhiều nhà phê bình dành sự quan tâm nhiều hơn đến các tác giả nam, đối với họ công lao làm nên diện mạo mới cho văn xuôi Việt Nam thập niên cuối thế kỉ XX hay công lao tạo ra một hình thức mới phần lớn thuộc về các nhà văn nam, còn những gương mặt nữ xuất hiện chỉ như một sự điểm xuyết vào bức tranh văn học đó.

Trong lúc thảo luận về “một lực lượng viết văn xuôi trỗi dậy cũng có nghĩa là đời sống đang vỡ ra, mở ra nhiều hướng mới” người ta thấy những gương mặt nữ mờ đi, hoặc bị xếp đặt ở hàng sau chứ không phải ở vị trí tiền phong danh dự nào. Bàn thảo về ưu điểm của văn học nữ, giới phê bình thường đính kèm vào đấy những khuyết điểm, hạn chế. Nhà phê bình chú ý xem xét sự tồn tại lâu dài hay yểu mệnh của nhà văn nữ hơn những đóng góp của họ đối với đời sống thể loại, nói đến khối lượng tác phẩm mà nhà văn nữ tạo ra để quy về tình yêu nghề, sự chịu khó, sức bền, sức chịu đựng của họ trước bao nhiêu khó khăn, áp lực. Phụ nữ viết văn thành công là bởi vì họ “giàu nghị lực”: Trước câu hỏi của phóng viên nữ “chị có cho rằng phụ nữ thường không tiến xa trên con đường văn học”, Đặng Thị Thanh Hương khẳng định “nhiều người cho rằng văn chương là con đường không dài với phụ nữ, theo tôi, điều đó phần nào đúng. Không phải vì phụ nữ không đủ tài, đủ trí và đủ lực như nam giới mà bởi tại cuộc sống, và thiên chức muôn đời trong nền tảng đạo lý phương Đông khiến phụ nữ luôn đặt chức phận đàn bà lên phía trước, và họ lui về phía sau”. So sánh mình với các đồng nghiệp nam, nhà văn nữ đã tự tin về tài trí của mình song họ cũng thú nhận những giới hạn mà giới mình không vượt qua nổi, họ cảm nhận thấy rất rõ những gì ràng buộc, cản trở mình; họ quy phục “nền tảng đạo lý phương Đông”, thiết chế gia đình, cam chịu chức phận đàn bà, hay luôn ám ảnh về thiên chức muôn đời làm mẹ, làm vợ, với nỗi lo thường nhật chứ không còn thời gian để đau đáu với nghề viết. Không ít nhà văn nữ đắm đuối chuyện văn chương nhưng vẫn coi văn chương là nghiệp chứ không hẳn là một nghề, họ tự hào về danh hiệu nhà văn nhưng cũng tỏ ra lo ngại vì danh hiệu ấy.

2. Phê bình văn học đặt trọng tâm vào các sáng của người viết trẻ hơn các sáng tác của nhà văn đã có thâm niên trong sáng tác, viết lách. Phê bình văn học tỏ ra hoài nghi những giá trị mà các nhà văn trẻ tạo dựng/ giành được, trong mắt họ nhà văn trẻ đương thời nào cũng là những người không có gì đảm bảo, ổn định, chắc chắn. Đối với họ “cái đảm bảo đích thực là tác phẩm sống trong thời gian và bạn đọc”. Các nhà văn nữ cũng trở thành một nỗi lo đối với nhà phê bình, họ lo vì nhà văn nữ “thiếu bản lĩnh sống và nghệ thuật” (rẽ ngang qua con đường khác văn chương), chán nản vì “cái tôi tự cảm dài lê thê của họ”.

Hình ảnh các nhà văn nữ, nhà thơ nữ phần nhiều được nhìn nhận từ cái nhìn bên ngoài, theo con mắt của đàn ông, tiêu chuẩn truyền thống của nam giới. Đối với họ, sự thành công, sức hấp dẫn, dư ba, bản thể của sáng tác nữ được thể hiện ở cách viết nhẹ nhàng, đằm thắm, thủ thỉ, bình dị, mềm mại. Bùi Việt Thắng “thấy Chu Thu Hằng là người đắm đuối với đời, đau đáu với công việc và khá tinh tế trong hành xử nên văn chị mềm mại. Mềm mại và lặng lẽ, lặng lẽ nghe nhìn, xúc động run bật để viết... Nhân vật nữ của Chu Thu Hằng thật đáng yêu vì nghị lực sống và còn vì họ đẹp. Đẹp nhất là gương mặt (trái với tiêu chí hiện đại – thứ nhất là vóc dáng)... Trần Khánh Thành đọc Giàn thiêu, nhận xét: Võ Thị Hảo là cây bút giàu nữ tính. Phần nữ tính tốt đẹp nhất của chị là nhân hậu, nhân hậu như cơn mưa mùa hạ, như nước mắt an ủi những số phận đau thương... Cách diễn giải như thế không chỉ tìm thấy ở các trang viết của nam giới mà cả ở không ít tác giả nữ viết phê bình. Chính các nhà phê bình nữ vẫn nghiêng về quan điểm cho rằng điểm đáng quý của người đàn ông là sự mạnh mẽ, còn ở phụ nữ đó là sự dịu dàng và tình yêu; phụ nữ trong sáng tác văn học được hình dung là những người tinh tế, nhạy cảm, rộng lượng, chịu khó, đắm đuối, đa đoan, yếu mềm - đó vừa là một thế giới khác, vừa là một thế giới quen thuộc, gần gũi. Chính họ cũng thấy trên tất cả, “phụ nữ có một trái tim quá nhạy cảm và sâu sắc, tâm hồn của họ phong phú và đa cảm. Chính vì vậy họ luôn đứng cô độc, chông chênh giữa ranh giới của sự khao khát, hoài bão và thực tế nghiệt ngã của cuộc đời. Họ chịu sự giằng xé của nội tâm; thường gặp nhiều trắc trở trong cuộc đời – trắc trở chứ không phải là bất hạnh” (Văn nghệ Trẻ xuân Canh Thìn số 3,4,5/2001). Không phải ngẫu nhiên, trong thẩm bình đánh giá văn học nữ, vẫn đề giọng điệu thường được quan tâm miêu tả trước tiên (Văn nghệ trẻ số 1 và 2 năm 2000...).

Tâm thức khác biệt giới tính đưa đến nhiều định kiến cố hữu trong sáng tác và phê bình văn học nữ. Chính tâm thức này duy trì, củng cố sự bất bình đẳng trong việc đánh giá thẩm định giá trị các sáng tác văn học nữ thêm vững chắc. Trong thực tiễn diễn ngôn về nữ giới phụ nữ luôn bị giam nhốt trong một thế giới riêng: thế giới tình cảm. Dường như phụ nữ chỉ có mỗi “khuôn mặt” là yêu chân thành, nồng nàn và tha thiết, cá tính của họ nếu có cũng là cá tính trong tình yêu - dám yêu và dám thổ lộ tình yêu, một kiểu yêu “nồng nàn” nhưng bao giờ cũng phải đính kèm với sự bình dị”, ngay cả khi họ khôn ngoan thì cũng phải khôn ngoan một cách dịu dàng; phụ nữ biết yêu thương xét cho cùng là để được yêu thương lại, càng giản dị nữ tính bao nhiêu thơ nữ càng quyết rũ tâm hồn người đọc bấy nhiêu. Phê bình thơ nữ dù bàn về nét riêng có nào ở phụ nữ thì cuối cùng cũng dẫn đến chuyện ca tụng “thiên chức ngàn đời của người phụ nữ”. Bao bọc thiên chức ấy, dĩ nhiên, luôn luôn là không gian gia đình, không gian tổ ấm. Phê bình của giới nữ, vì thế, là nơi duy trì sự thống trị của nam giới, nơi bảo lưu rất nhiều định kiến về nữ giới - chẳng hạn khi bàn về Xuân Quỳnh không ít tác giả khẳng định logic của Xuân Quỳnh là thế giới nội cảm của phụ nữ, thơ chị là thơ của phụ nữ, cuộc sống trong thơ chị là cuộc sống có người phụ nữ dịu dàng, tinh tế, vị tha.... Nói về nhà văn Nguyễn Thị Anh Thư, tác giả Phong Điệp nhận xét văn của chị “giàu nữ tính, giản dị và nhân hậu. Chị dường như không có ý định làm văn. Những trang viết của chị là những câu chuyện đời thường được kể lại bằng chất giọng mộc mạc, hồn hậu, giàu tính thuyết phục và dễ đi vào lòng người”. Phê bình nữ có xu hướng đồng nhất văn và người, người viết ngoài đời lúc nào cũng phải “dịu dàng, nhỏ nhẹ”, và trong văn lúc nào chị ta bộc lộ là một người giàu nữ tính, đa cảm, tinh tế và thường hoài niệm.

Không ít nữ nhà văn nữ đã thể hiện sự mặc cảm tự ti cố hữu về giới mình. Chẳng hạn, họ cho rằng “Khi người đàn bà ngồi trước trang giấy họ phải dũng cảm gạt sang một bên: những khó khăn của cuộc sống vật chất, từ miếng cơm manh áo, đến giấc ngủ cho con, chén thuốc cho chồng, bát gạo trong thùng, chai dầu trong bếp... Trong các cuộc chơi chúng tôi không dám chơi hết mình như đàn ông, chén rượu không bao giờ uống quá nửa, nói không bao giờ hết lời... Phụ nữ, người mẹ, người vợ... những khái niệm ấy bao giờ cũng gắn liền với sự hy sinh, vị tha, chịu đựng, bao dung, kiên trì, bền bỉ... Với chức năng của những người đàn bà, chúng tôi thu vào lòng mình tất cả những phẩm chất ấy, để rồi khi ngồi trước trang viết chúng tôi lại như con tằm nhả tơ, cứ rút tơ từ trong lòng mình để viết, để thể hiện” (Đỗ Bạch Mai).

3. Đề tài tình dục trong văn học nữ là đối tượng soi xét, chỉ trích của phê bình văn học đương đại. Nhiều độc giả xem việc đưa vào văn học các hình ảnh thân xác, các cảm xúc nhục dục, đồng nhất lối viết này của người trẻ với tính hiện đại, cách tân, sự bạo dạn; nhưng cũng có nhà phê bình xem đó là ví dụ tiêu cực, cho thấy giới trẻ đang đánh mất lòng tự trọng. Trường hợp Đỗ Hoàng Diệu chẳng hạn. Truyện Bóng đè của chị nhận rất nhiều lời phê phán nặng nề: người cho rằng đó là tác phẩm câu khách, quái dị và kinh tởm, là thứ rác rưởi văn chương, nhục dục bệnh hoạn, buông thả theo ham muốn cá nhân, thô tục, tầm thường, thiếu tính giáo dục, làm suy đồi đạo đức, xúc phạm đến những điều thiêng liêng, sổ toẹt những gì chúng ta đang có, đang làm... Nhưng cũng có nhà văn xem đó là biểu hiện của sự cởi trói, đổi mới, là những nhân tố cần có trong văn học Việt, và không thể đọc Bóng đè từ con mắt của nhà đạo đức học.

4. Nhiều nhà văn nữ đề nghị quan tâm tới giá trị những trang viết của giới nữ, họ tuyên bố chúng tôi “quan tâm tới việc: tại sao phải viết? Viết để giải tỏa, giãy bày chính tâm hồn mình. Có lẽ vì thế trang viết của người đàn bà chân thực, không có sự lên gân, cao ngạo. Chúng tôi không tuyên ngôn cho một cái gì ghê gớm nhưng chúng tôi nói tới những nỗi niềm mong ước, trăn trở của những người mẹ, người vợ... Thiên chức của người đàn bà là muốn che chở cho người khác, vì thế mà chúng tôi hay hướng tới những đối tượng bé bỏng, mềm yếu như những em bé, cụ già... Người đàn bà trước trang giấy, tức là đối diện với những thiên chức cao đẹp nhất.... Cuối cùng là chúng tôi mong muốn gì ư? Hãy thắp sáng thêm những ngọn lửa trong tâm hồn chúng tôi, hãy tạo điều kiện cho những trang viết của tôi” (Đỗ Bạch Mai). Trong vô thức nhà văn nữ bị các thiết chế nam quyền “theo dõi”, tiết chế, kìm hãm bản năng viết, bản năng giới tính; mặc dù họ có ý thức chống lại các quy định do nam giới đặt ra đấy, nhưng cuối cùng - không có cách nào khác hơn - họ lại trở về vị trí cũ, về tâm thế bị động, chờ đợi; họ muốn viết cho mình, đứng về phía giới mình, lên tiếng bênh vực nữ giới và phản kháng thế lực đàn áp, nhưng sau cùng họ không thể trung thành mãi với việc lựa chọn như thế, họ bị bắt buộc phải đi theo cách định chế, khế ước xã hội, nếu không sẽ bị loại trừ, nghĩa là họ không được tự do lựa chọn.

Trước những sự kiện, hiện tượng văn học thu hút sự quan tâm của công chúng, chúng ta thấy vẫn thiếu vắng tiếng nói, quan điểm của nữ giới. Trên các diễn đàn văn chương, hầu như chỉ thấy các gương mặt đồng nghiệp nam, những tiếng nói, những suy tư mạnh mẽ của các nhà văn nam giới đủ mọi thành phần, vùng miền. Nữ giới nếu có xuất hiện cũng bị chìm lấp, cũng bị thu nhỏ lại, hòa vào bè nam. Nữ giới gần như vẫn bị đặt bên lề, chưa được thực sự chú ý, coi trọng, có tiếng nói của họ cũng được mà không cũng không sao; nhiều nhà văn nữ không chưa có ý thức kiến tạo cho mình một bản sắc, họ suy tư và phát ngôn theo cách nhìn của nam giới, đặt các vấn đề như chính nam giới đã bàn bạc, quyết định/ họ trở thành những người phụ họa.

5. Giới là sản phẩm kiến tạo xã hội/văn hóa. Không có sự khác biệt tự nhiên, tiên thiên, bất đi bất dịch giữa giới nam và giới nữ. Sự khác biệt giữa hai giới này không phải do các yếu tố sinh học quy định, mà do cấu trúc văn hóa xã hội xác lập. Sự kiến tạo nữ tính/nam tính ở mỗi thời kỳ, xã hội, nền văn hóa khác nhau. Văn học nữ đương đại Việt Nam kiến tạo nữ tính chủ yếu vẫn theo khuôn mẫu đã được thực hành trong các diễn ngôn truyền thống. Giới nữ cơ bản vẫn bị giam trong các huyền thoại về nữ tính phổ biến trong xã hội (về tình yêu, hôn nhân, gia đình, công việc, vị trí xã hội....). Phụ nữ trong văn học đương đại Việt Nam, trên đại thể, vẫn là những con người cũ: si tình, sùng bái tình yêu, hoặc tự si mê mình theo các ngụy tín (đề cao cái tôi, ngắm nghĩa cơ thể của mình trong gương, tôn vinh người đàn ông, phụ thuộc vào đàn ông, coi tình yêu là lẽ sống và hôn nhân là số phận của mình, họ thích sự thụ động, chờ đợi sự công nhận/chinh phục của đàn ông cũng như sự bảo vệ, che chở của đàn ông, thích gắn bó với không gian gia đình, công việc nội trợ, với thiên chức làm vợ, làm mẹ..).

Tài liệu tham khảo

[1]  Trần Thị Vân Anh, Lê Ngọc Hùng, Phụ nữ, giới và phát triển, Nxb. Phụ nữ, Hà Nội, 1996 Simone de Beauvoir, GIới nữ, 2 tập (Nguyễn Trọng Định, Đoàn Ngọc Thanh dịch), Nxb. Phụ nữ, 1996

[2]  Betty Friedan, Bí n nữ tính (Nguyễn Vân Hà dịch), Nxb. Hồng Đức, 2015

[3]  Gloria Bowles, Renate Duelli Klein chủ biên, Nghiên cứu phụ nữ, lý thuyết và phương pháp (Nguyễn Kim Khánh dịch), Nxb. Phụ nữ, 1996

[4]  Chris Barker, Nghiên cứu văn hóa, lý thuyết và thực hành (Đặng Tuyết Anh dịch), Nxb. Văn hóa - Thông tin, 2011

[5]  John C.Schafer, Đọc Phạm Duy và Lê Vân - tư duy về nam và nữ giới (Cao Thị Như Quỳnh, Nguyễn Trương Quý dịch), Nxb. Hồng Đức, 2015.

[6]  Phạm Văn Hưng, Tự sự của trinh tiết, Nxb. Đại học quốc gia Hà Nội, 2016

[7]  Trần Thiện Khanh, Phùng Gia Thế, Văn học và giới, Nxb. Thế giới, 2016

[8]  Phan Khôi, Vấn đề phụ nữ ở nước ta (Lại Nguyên Ân giới thiệu, tuyển chọn), Nxb. Phụ nữ, 2017

[9]  Trần Huyền Sâm, Nữ quyền luận ở Pháp và tiểu thuyết nữ Việt Nam đương đại, Nxb. Phụ nữ, 2016

[10]  Đạm Phương nữ sử, Vấn đề phụ nữ ở nước ta (Đoàn Ánh Dương tuyển chọn, giới thiệu), Nxb. Phụ nữ, 2018

[11]  Tes Cosslett, Celia Lury và Penny Summerfield, Nữ quyền và tự truyện: Văn bản, lý thuyết, phương pháp, Nxb. Hội Nhà văn, 2013

[12]  Lê Thị Nhâm Tuyết, Đặc thù giới ở Việt Nam và bản sắc dân tộc, Nxb. Văn hóa - Thông tin, 2011

[13]  Richard Parker, Peter Aggleton, Văn hóa, xã hội và tình dục, Nxb. Văn hóa -Thông tin, 2013

[14]  Trần Lê Hoa Tranh, Văn xuôi nữ Trung Quốc cuối thế kỉ XX đầu thế kỷ XXI, Nxb. Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, 2010

[15]  Virginia Woolf, Căn phòng riêng (Trịnh Y Thư dịch), Nxb. Tri thức, 2008

Post by: admin
20-06-2021