Lý luận văn học

ĐỔI MỚI CÁI NHÌN NGHỆ THUẬT TRONG TIỂU THUYẾT CHIẾN TRANH (QUA MỘT SỐ TÁC PHẨM TỪ 2000 ĐẾN NAY)


01-05-2021
Kể từ thời điểm Tổ quốc không còn tiếng súng (kết thúc chiến tranh biên giới Tây Nam và chiến tranh biên giới phía Bắc năm 1979 -1989) đến nay tuy đã gần 30 năm nhưng dư âm của chiến tranh, những tổn thương tinh thần và tổn hại về vật chất vẫn còn hiện hữu trong đời sống. Những tác phẩm văn học viết về chiến tranh, tuy có thời điểm trồi sụt nhưng vẫn như một dòng mạch trong dòng chảy của đời sống văn chương. Sự vận động của đời sống văn học, cũng như văn học viết về chiến tranh đã thể hiện được quá trình vận động và biến đổi của đời sống xã hội và ý thức sáng tạo của người cầm bút. Cùng viết về chiến tranh nhưng ở mỗi thời điểm, mỗi giai đoạn đều có những biến chuyển. Với mỗi người viết, cái nhìn về hiện thực chiến tranh là cái nhìn “động” cùng với những thay đổi trong cách tiếp cận và lối viết. Bài viết hướng tới nhận diện và lí giải những đổi mới ở cách nhìn và lối viết trong một số tiểu thuyết viết về chiến tranh từ năm 2000 đến nay. Thời điểm từ năm 2000 được tính đến như một giới hạn cho số tác phẩm khảo sát, cũng là để nhận diện những đổi mới lối viết của các nhà văn trong bối cảnh biến chuyển của đời sống xã hội, của sự phát triển internet và hội nhập quốc tế sâu rộng.

 

Bước sang thế kỉ XXI, đời sống xã hội có những thay đổi mạnh mẽ. Một trong những nhân tố tác động quan trọng đến đời sống xã hội là sự phát triển của internet và truyền thông đa phương tiện. Sự xuất hiện của các trang mạng, các website, blog cá nhân, facebook,… đã làm thay đổi nhiều phương diện của đời sống. Trong thế giới mạng, ý thức và tiếng nói cá nhân được bộc lộ, không gian mạng mở ra những thông tin đa chiều. Bên cạnh đó, nhu cầu nhận thức lại hiện thực, nhu cầu thể hiện tiếng nói cá nhân trước những vấn đề của lịch sử, dân tộc và thời đại lại trở thành một vấn đề thường trực, cần thiết với những người cầm bút.

Văn học những năm đầu thế kỷ XXI cũng đã có những chuyển động đáng chú ý. Mở rộng đề tài sáng tác là một nhu cầu và cũng là thực tế của đời sống văn học, của chủ thể sáng tác trước những biến đổi của đời sống xã hội và đời sống cá nhân. Những đề tài được cho là “nóng”, là “hot” như những vấn đề giới tính và tình dục được nhiều cây bút quan tâm khai thác. Mối quan tâm thị trường tiêu thụ, hướng tới thu hút sự chú ý của người đọc cũng đã chi phối nhiều đến sự lựa chọn đề tài sáng tác. Cũng có những ý kiến tỏ ra nghi ngại khi một bộ phận người đọc hôm nay thờ ơ với những sáng tác về đề tài chiến tranh. Và điều này liệu có dẫn đến những hệ lụy đối với người sáng tác và đời sống văn học trong bối cảnh hiện nay, trong cơ chế thị trường khi mà tác phẩm văn học cũng là một loại hàng hóa, cần phải được đến tay người tiêu dùng, được người đọc tiếp nhận. Những lo ngại này là có cơ sở, tuy nhiên, thực tế là chiến tranh vẫn là một đề tài được nhiều người viết quan tâm khai thác, viết về chiến tranh vẫn là một nhu cầu của người cầm bút, cả những người viết đã kinh qua chiến tranh lẫn những người viết trẻ.

Quan sát đời sống văn học có thể thấy từ sau 2000, nhiều tiểu thuyết viết về chiến tranh vẫn hiện diện trong đời sống văn học. Có thể kể đến các tác phẩm Mây cuối chân trời (Nguyễn Trọng Oánh), Bến đò xưa lặng lẽ (Xuân Đức), Những cánh rừng lá đỏ (Hồ Phương), Khúc bi tráng cuối cùng (Chu Lai), Cao hơn bầu trời, Mùa hè giá buốt (Văn Lê), Những bức tường lửaĐối chiến (Khuất Quang Thụy), Lính trận (Trung Trung Đỉnh), Phòng tuyến sông Bồ (Đỗ Kim Cuông), Tiếng khóc của nàng Út (Nguyễn Chí Trung), Rừng thiêng nước trong (Trần Văn Tuấn), Thượng Đức, Đỉnh máu (Nguyễn Bảo), Miền hoang (Sương Nguyệt Minh), Mình và họ (Nguyễn Bình Phương), Xác phàm (Nguyễn Đình Tú), Cơ bản là buồn (Nguyễn Ngọc Thuần),…

Trên nền tảng tư tưởng và quan niệm nghệ thuật truyền thống, các nhà văn đã có sự kế tục và đổi mới lối viết: từ thế hệ người viết từng trải qua và tham gia vào cuộc kháng chiến chống Pháp đến những người viết hiện diện với tư cách nhà văn – chiến sỹ hay nhà văn mặc áo lính đồng hành cùng cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Họ là những người trải qua chiến tranh, tham dự vào cuộc chiến với tư cách người lính hay nhà văn, nhà thơ, nhà báo tác nghiệp tại chiến trường. Nhiều người trong số họ đã từng được định danh với nền văn học đấu tranh giải phóng dân tộc. Với thế hệ nhà văn đã từng kinh qua nhiều thăng trầm của lịch sử, từng chứng kiến những biến thiên của thời cuộc, đồng thời cũng là những người trực tiếp tham dự vào cuộc chiến tranh, họ có những cách nhìn về hiện thực đời sống hôm qua và hôm nay với những đặc điểm đặc thù. Với những nhà văn từng tham gia chiến tranh thì dấu ấn của chiến tranh với tính chất là những trải nghiệm, một phần máu thịt dường như vẫn là vấn đề thôi thúc người nghệ sỹ cầm bút. Rất nhiều những tác giả, nhà văn từng tham gia chiến tranh sau chiến tranh đã có sáng tác về đề tài này. Dấu ấn của thời gian tham gia chiến trận, những kỉ niệm thời trận mạc vẫn luôn được in dấu trên những trang viết của các nhà văn từng kinh qua quãng thời bom rơi đạn lửa. Có những sáng tác gắn liền với các sự kiện cụ thể trong lịch sử dân tộc, có sáng tác ghi lại những thời khắc của chiến tranh, về những người đồng chí đồng đội, về lẽ sống và cái chết. Có thể chiến tranh là một phần trong đời sống của cả một thế hệ, bởi vậy luôn là một khía cạnh được quan tâm và thôi thúc người viết cầm bút. Trở về từ chiến tranh, tất nhiên những giá trị của chiến thắng của độc lập dân tộc là to lớn nhưng một điều không thể phủ nhận: với bất cứ một cuộc chiến tranh nào cũng không thể tránh khỏi những mất mát và đau thương. Âm hưởng về một cuộc chiến tranh hào hùng của dân tộc, của những trận đánh lịch sử vẫn được các nhà văn tái hiện nhưng bên cạnh đó cũng lại có những tác phẩm tiếp cận hiện thực chiến tranh từ góc nhìn đa chiều với những cảm nghiệm về hiện thực. Cùng với độ lùi của thời gian, chiến tranh đã được tiếp cận từ nhiều góc nhìn không chỉ về cuộc sống của những người lính sau chiến tranh, về những dư âm của chiến tranh trong đời sống hôm nay mà ngay cả những vấn đề trong cuộc chiến tranh cũng được tiếp cận từ góc nhìn đa chiều. Không chỉ là ánh hào quang của chiến thắng mà những bi kịch của chiến tranh, thân phận con người trong chiến tranh được nhận thức và lí giải trên tinh thần đổi mới quan niệm về nghệ thuật và thay đổi tư duy sáng tạo. Trong vai trò là nhà văn từng tham gia chiến tranh, các tác giả đã viết về cuộc chiến với những kí ức của người trở về sau chiến tranh mang theo những nỗi niềm và cật vấn. Chiến tranh dường như đã trở thành vấn đề thường được trở đi trở lại trong sáng tác của Bảo Ninh, từ tiểu thuyết đến truyện ngắn, bởi đó là máu thịt, là một phần của cuộc sống như chính ông từng chia sẻ “nếu không trải qua chiến tranh, không từng cầm súng, tôi sẽ không nghĩ tới chuyện một ngày nào đấy cầm bút viết văn”(1). Xuyên suốt chặng đường bốn mươi năm sau ngày đất nước thống nhất, cho đến hôm nay, chiến tranh vẫn là một đề tài lớn. Những nhà văn từng tham gia chiến tranh vẫn viết về chiến tranh, có người coi đó như là trả một món nợ, viết cho những người bạn, những đồng đội đã hi sinh và viết cả cho những người đang sống. Những tâm sự về nghề của nhà văn Khuất Quang Thụy đã phần nào lí giải vì sao các nhà văn từng tham gia chiến tranh lại vẫn luôn coi việc viết về chiến tranh như là số phận và trách nhiệm: “Tôi vào ‘nghề’ này không phải là sự tình cờ, khi còn là người lính chiến trường, tôi chỉ viết vì một khát khao duy nhất: ghi lại được càng nhiều càng tốt những kỉ niệm, những con người, những cảnh ngộ số phận éo le do sự khắc nghiệt của chiến tranh đưa đến. Sau này khi chiến tranh kết thúc, tôi mới có điều kiện để hiểu ra rằng, cuộc chiến ngoài mặt trận dù có ác liệt đến mấy thì cũng chỉ mới là một nửa của cuộc chiến tranh. Vì thế tôi dành nhiều thời gian để viết nhiều hơn về cái ‘nửa’ còn lại của cuộc chiến. Một cuộc đời cầm bút, chỉ loay hoay trong hai ‘mảng’ đề tài ấy đã đủ ngợp rồi. Nhưng biết làm sao, đó là số phận của thế hệ những người cầm bút từng có những năm cầm súng như chúng tôi”(2). Khi đề cập đến những kinh nghiệm và thực tiễn sáng tác, một vấn đề thường được đề cập là vốn sống của nhà văn. Nhà văn có thể có nhiều cách thức để làm đầy những chất liệu trong tác phẩm, tuy nhiên vốn sống, sự từng trải về lĩnh vực, vấn đề, khu vực, đề tài mà người viết đề cập/ tái hiện trong tác phẩm lại mang đến một đặc trưng riêng, có một ý nghĩa quan trọng đến việc “thai nghén’’ và hình thành tác phẩm.

Sau chiến tranh, với một độ lùi thời gian cần thiết, nhiều nhà văn đã có ý thức về việc đổi mới cách nhìn về chiến tranh: cảm hứng sử thi nhạt dần và thay vào đó là cảm hứng nhận thức lại hiện thực, viết về chiến tranh từ những cảm nghiệm cá nhân, nhiều tác phẩm đã hướng đến việc thể hiện tính nhân loại phổ quát, khắc họa nỗi đau của những con người bị cuốn vào dòng xoáy của cuộc chiến tranh, những mất mát đau thương của những con người ở cả hai bên chiến tuyến.

Trong nhiều tác phẩm tiểu thuyết hơn một thập niên gần đây đã thể hiện được cái nhìn đa diện, phức cảm về chiến tranh. Không chỉ lấy hào quang của chiến thắng làm điểm quy chiếu, các nhà văn có ý thức đề cập đến những tổn thất, sức hủy diệt của chiến tranh (Đỉnh máu Nguyễn Bảo, Đối chiến – Khuất Quang Thụy). Viết về chiến tranh từ cảm quan của một người từng tham gia cuộc chiến, nhìn sâu vào những vấn đề của cuộc chiến, với tiểu thuyết Lính trận nhà văn Trung Trung Đỉnh đã tái hiện một “sự thật trần trụi”. Không nhằm tái hiện một cuộc chiến hay khắc họa chân dung những người lính mà qua việc kể về một chặng đường hành quân của người lính vượt Trường Sơn vào Tây Nguyên và tham gia trận đánh Plei me - Ia Đrăng, tác phẩm đã cho thấy những hình ảnh chân thực, đời thường của những người lính, những khó khăn những người lính phải đối mặt trước khi đến với cuộc chiến sinh tử ngoài mặt trận. Đa phần những người lính là những chàng trai trẻ, là những người nông dân mặc áo lính, vừa mới giã từ giảng đường đại học ra chiến trường. Họ đã vượt qua vô vàn những gian khổ trong suốt chặng đường hành quân, đối mặt với cuộc sinh tử với những giây phút cam go ngoài mặt trận. Các chi tiết, sự kiện và tình huống trong tác phẩm hướng đến việc diễn tả những trạng thái tâm lí, tình cảm của những người lính. Xuyên suốt tác phẩm là những dòng hồi ức của nhân vật tôi về chính mình và những người đồng đội. Tác giả không che đậy con người cá nhân với những phần khuất lấp của nó mà con người được khắc họa với các sắc thái và bản tính tự nhiên của mỗi nhân vật. Những ám ảnh về chiến tranh vẫn đeo đẳng trong kí ức nhân vật tôi – một trong số ít ỏi những người lính có cơ hội được trở về từ chiến trường trong khi hầu hết những người đồng đội đã hy sinh ngoài mặt trận.

Đổi mới cách nhìn về hiện thực chiến tranh không đơn thuần là nhận thức lại hiện thực chiến tranh mà còn là việc viết về chiến tranh với một cảm quan mới. Miền hoang là tiểu thuyết đầu tay của Sương Nguyệt Minh sau nhiều tập truyện ngắn đã xuất bản trước đó. Tác phẩm đã giành được giải thưởng sách hay năm 2015 và là một cuốn tiểu thuyết hấp dẫn và ám ảnh. Ngay từ khi mới ra mắt độc giả, cuốn tiểu thuyết đã gây được sự chú ý của dư luận bởi cách nhìn về chiến tranh của tác giả  - một người lính từng chiến đấu ở biên giới Tây Nam và là Quân tình nguyện Việt Nam ở Campuchia. Tác phẩm viết về những ngày tháng lạc rừng của 4 con người ở hai chiến tuyến: một cô y tá câm, một lính áo đen, một trung đoàn trưởng bị thương giập nát một ống chân trong nhóm tàn quân Pol Pot và một chiến sĩ quân tình nguyện Việt Nam bị bắt làm tù binh. Toàn bộ cuốn tiểu thuyết với hơn 600 trang in này chủ yếu tập trung vào việc khắc họa những trạng thái đời sống của những con người ở hai bên chiến tuyến. Nỗi ám ảnh chiến tranh không còn là nỗi ám ảnh về bom rơi, đạn lạc mà là nỗi ám ảnh về những cảm giác và trạng thái khi con người rơi vào một tình huống do hoàn cảnh chiến tranh gây nên, phải đối mặt với rất nhiều cam go, đối diện với cái chết, với đói và khát, đối mặt với bản năng sinh tồn, phải chống chọi và vật lộn với muôn vàn khó khăn và hiểm nguy để tồn tại và tìm đường trở về. Trong những ngày tháng lạc giữa rừng hoang, chống chọi với đói khát, với nỗi hoang mang, sợ hãi, không ít lần Tùng (người lính quân tình Việt Nam) đã khôn nguôi nhớ về thời thơ ấu, nhớ về hình ảnh người mẹ như một cách tìm sự cứu rỗi. Không ít lần anh tự vấn: “vì sao mình lại phải có mặt ở cái đất nước xa xôi, man rợ tối tăm này” “vì sao bọn pol pot lại diệt chủng đồng bào họ một cách tàn độc như vậy”, “vì sao những người lính như anh và Du lại “mắc kẹt ở cuộc chiến tranh này”. Hai con người ở hai bên chiến tuyến, cả Sa ly (cô gái câm) và Tùng đều tìm thấy sự đồng cảm, bởi với Sa ly cô cũng là một nạn nhân của cuộc nội chiến đẫm máu, nếu Khmer Đỏ không tràn về Phnom Pênh, rất có thể cô đã là một sinh viên y khoa đang theo học ở Liên Xô hay Cộng hòa Pháp. Nhiều câu hỏi của chính nhân vật trong tiểu thuyết đã là một tiếng nói phản biện. Khai thác hiện thực ở một cách nhìn khác để thấy được sự tàn khốc của chiến tranh, Miền hoang là cuốn tiểu thuyết được viết từ tâm thế của một người có tham dự trong cuộc chiến tranh với nhiều cật vấn.

Với những người viết trẻ, ý thức về sự đổi mới lối viết luôn là một vấn đề được quan tâm. Với người viết trẻ, viết về chiến tranh vẫn là một thử thách đối với họ, ở chỗ họ đã lựa chọn một đề tài bản thân không có nhiều trải nghiệm trận mạc; bên cạnh đó người viết trẻ thường có ý thức đổi mới lối viết trong khi vẫn còn những rào cản khi nhà văn khai triển đề tài. Với quan niệm “nhà văn cũng theo tâm thế thời đại mình đang sống mà cầm bút, mà sáng tác”, Nguyễn Đình Tú (Xác phàm) đã tiếp cận và viết về chiến tranh theo một hướng khác, với sự lồng ghép câu chuyện của hai thế hệ. Cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc được kể lại qua giấc mơ của con trai một người lính đã hy sinh. Câu chuyện về quá trình chuyển giới của Nam không đơn thuần là một cách thức khai thác hiện thực mang hơi thở của đời sống đương đại mà được xem như một nguyên cớ để có thể kể câu chuyện về trận chiến đấu nhiều ngày đêm trên trận địa ác liệt vùng biên giới. Không đơn thuần kể lại một câu chuyện chiến đấu từng diễn ra trong quá khứ, với sự pha trộn của nhiều chất liệu hiện thực, sự đan cài của hai câu chuyện trong một diễn biến của cốt truyện, tác phẩm có thêm màu sắc của đời sống đương đại. Và cũng có thể xem đây là một cách thức để tìm kiếm thêm những kênh tiếp nhận khác với người đọc.

Viết về chiến tranh, Nguyễn Ngọc Thuần (Cơ bản là buồnđã đi sâu vào đời sống tâm lí, thân phận của những con người ở hai chiến tuyến. Những chấn thương cả về thể xác lẫn tâm hồn vẫn còn đeo đẳng với nhiều con người cả những người lính Việt Nam lẫn những cựu binh Mĩ và cả với thế hệ là những đứa trẻ sinh ra sau chiến tranh. Một hiện thực nhức nhối là có những đứa trẻ sinh ra sau chiến tranh đã bị nhiễm chất độc màu da cam từ thế hệ cha ông mình. Những người lính Mỹ tham chiến đã mắc phải “hội chứng Việt Nam” những sang chấn trong đời sống thể chất và tinh thần. Tác phẩm đã đề cập tới một thực tế về những người lính Mỹ tham chiến: trong chiến tranh nhiều người trong số họ trở thành những con bệnh: “có những ngày cả tiểu đội rơi vào trạng thái lờ đờ, một số người phải ra nhà vệ sinh nổ súng để gây huyên náo, để cảm thấy dễ chịu hơn. Và sau đó việc này đã trở nên lây lan không kiểm soát được giữa các tiểu đội. Đạn bắn vãi lên trời”. Sau chiến tranh họ vẫn còn bị tác động nặng nề bởi di họa chiến tranh. Không ít những người lính Mĩ trở về với một cơ thể và tâm hồn đầy thương tích. Không chỉ với những người phụ nữ ở Việt Nam mà cũng có những người vợ cựu binh Mĩ bốn lần mang thai thì cả bốn lần đều bị sảy. Nhiều người trong số họ đã mất khả năng sinh con hoặc sinh ra những đứa con không lành lặn do di chứng của chất độc hóa học. Tác phẩm đặt ra vấn đề mang tầm nhân loại phổ quát: nỗi buồn chiến tranh, bởi suy cho cùng chiến tranh dù ở bất cứ nơi đâu cũng là buồn.

Nhận thức về chiến tranh, về cái giá của độc lập dân tộc là một vấn đề được trở đi trở lại trong nhiều sáng tác văn học thời kì này. Không có cuộc chiến nào là không có mất mát và đau thương. Chiến tranh qua đi, vấn đề đặt ra là khắc phục những di chứng chiến tranh. Nhiều sáng tác gần đây đã hướng tới việc đi tìm những hòa giải, sự hòa hợp trong gia đình và các quốc gia, dân tộc. Với tiểu thuyết Màu rừng ruộng, bên cạnh đề cập đến những vết thương chiến tranh, tác phẩm còn bộc lộ một khía cạnh là quá trình đi tìm hài cốt liệt sĩ qua đó nảy nở một câu chuyện tình yêu của người con cựu binh Mĩ và người lính Việt Nam.

Với sự đổi mới trong tư duy nghệ thuật, trong bối cảnh đời sống xã hội đương đại, khi mà tinh thần tự vấn, tinh thần đối thoại được khơi dậy, các nhà văn đã cho thấy khát vọng và ý thức đổi mới lối viết, đổi mới cách nhìn về chiến tranh. Cùng với việc các cựu binh Mỹ xuất bản các sáng tác cũng như công bố các ghi chép và tự thuật cá nhân trong bối cảnh giao lưu và hội nhập quốc tế sâu rộng, cùng với việc xuất bản các nhật kí chiến trường của những người lính đã hy sinh ngoài mặt trận đến với đông đảo người đọc (Nhật kí Đặng Thùy Trâm, Mãi mãi tuổi 20 – Nguyễn Văn Thạc,…), nhiều nhà văn – chiến sĩ trở về từ chiến trường đã ở vào độ tuổi có đủ sự từng trải và chiêm nghiệm, để nhận thức về/ nhận thức lại hiện thực/ đời sống trong quá khứ, các sáng tác của nhà văn hải ngoại đã bổ sung thêm cái nhìn đa chiều về hiện thực chiến tranh và người lính; các cây bút tiểu thuyết đã cho thấy ý thức đổi mới lối viết của nhà văn trong bối cảnh mới. Tâm thế của người đọc hôm nay cũng đã có những thay đổi đáng kể. Người đọc mong đợi được tiếp cận những góc nhìn đa chiều trong những tiểu thuyết viết về chiến tranh hôm nay. Cùng với sự xuất hiện và phát triển của internet, truyền thông đa phương tiện và việc được tiếp nhận nhiều kênh thông tin (hơn một thập kỉ gần đây đánh dấu sự xuất hiện của các mạng xã hội và Việt Nam là đất nước có số lượng cư dân sử dụng internet với tỷ lệ cao trên tổng số dân so với các nước trong khu vực và trên thế giới); nhiều người đọc hôm nay không dễ dàng chấp nhận những tác phẩm được viết đơn giản, một chiều mà đã có ý thức sàng lọc và hứng thú tiếp nhận những sáng tác văn học với đa dạng góc nhìn và các cách thể hiện, tiếp cận khi viết về đề tài chiến tranh.

Trong bối cảnh đương đại, nhất là những năm gần đây, các tiểu thuyết viết về chiến tranh chưa phải là những cuốn sách bán chạy. Những tác phẩm best seller thường thuộc về những sáng tác viết về đời sống của giới trẻ, được viết bởi những người trẻ. Sau Nỗi buồn chiến tranh (Bảo Ninh), Chim én bay (Nguyễn Trí Huân), Ăn mày dĩ vãng (Chu Lai) từng là những sáng tác thành công về đề tài chiến tranh gây được tiếng vang trong đời sống văn học; từ năm 2000 đến nay, chưa có nhiều những tác phẩm đỉnh cao đáp ứng được mong mỏi của đông đảo người đọc như một cao trào của những năm cuối thập kỉ 80, đầu những năm 90 của thế kỉ trước nhưng nhiều tác phẩm viết về chiến tranh vẫn gây được sự chú ý của dư luận. Nhiều cuộc vận động viết về chiến tranh cách mạng, các cuộc thi tiểu thuyết đã trở thành một cú hích để người cầm bút có điều kiện và cơ hội thể hiện năng lực sáng tạo (dù rằng cũng có những tác phẩm chưa có nhiều đổi mới trong cách tiếp cận hiện thực và lối viết, nhiều tác phẩm được in ra nhưng chưa hẳn đến được với người đọc và được người đọc đón nhận). Chưa có nhiều những sáng tác viết về chiến tranh của những người trẻ – những người không trực tiếp tham gia chiến tranh nhưng vẫn có những hạt nhân để thấy rằng chiến tranh vẫn là “vùng đất” có thể tiếp tục khai phá và thành công.

 

TS. Lê Hương Thủy

Viện Văn học

 https://www.khoanguvandhsphue.org/

---------------------------

(1) Bảo Ninh: “Đường đến văn chương”. Tạp chí Văn nghệ quân đội, số 823, cuối tháng 6/2015.

(2) Hội Nhà văn Việt Nam: Nhà văn Việt Nam hiện đại. Sđd, tr.974

Post by: admin
01-05-2021