Xuân Quỳnh, một cô gái mồ côi nghèo khổ: lớn lên giữa một thời kì đất nước phài đương đầu với vô vàn khó khăn về kinh tế, về chiến tranh… Nhưng Xuân Quỳnh, khác nào một cây xương rồng kiên cường và kì diệu trên sa mạc, đã vắt kiệt sức mình để nở những bông hoa quý cho cuộc đời.
Xuân quỳnh- một đời thơ, một đời người
Xuân Quỳnh (1942-1988) là nhà thơ nữ tiêu biểu của thế hệ nhà thơ sinh ra ở thập kỉ 40 và “ra ràng” với những tác phẩm thơ trẻ ở thập kỉ 60.
Thế hệ các nhà thơ này hoàn toàn thuộc về thời kì “lịch sử dân tộc vừa lật sang trang mới” (cuộc kháng chiến chống Pháp kết thúc thắng lợi). Sau lưng họ, thời đại phong kiến thuộc địa đã bị đẩy lùi vào dĩ vãng. Trước mắt họ là cả một chân trời vô cùng xán lạn của đất nước đang bắt đầu bước vào thời kì phục hưng. Họ là những “con người mới” của thời đại phục hưng ấy.
Đối với họ, các thi nhân thời tiền chiến và thời kì kháng chiến chống Pháp là những bậc thầy, những người anh, người chị. Nhưng có lẽ không một ai trong số họ có ý tưởng “giẫm vào vết chân” của các bậc tiền bối đáng kính ấy. Mặt khác, do đầu óc họ còn quá trong trẻo, trí tuệ của họ còn được mở mang tương đối toàn diện, họ không trở thành những nhà thơ minh họa. Trái lại, một số lớn nhà thơ, họ viết về cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước, ra đời trong cảnh đạn bom khốc liệt, lại đầy ắp rung cảm chân thực, đầy ắp tính nhân bản mà rất ít tính chất giáo điều.
Tựa như “những mạch nước ngầm sôi sục”, họ thầm lặng dồn sức lực cho một cuộc cách tân thơ trong giai đoạn mới. Trên thực tế, những sáng tạo và cống hiến của các nhà thơ thuộc thế hệ những năm 60 này là không thể phủ nhận. Đã xuất hiện những tài năng thơ thực thụ mà Xuân Quỳnh không phải là gương mặt duy nhất. Đã có những dịch giả thơ cự phách. Đã có những tác phẩm thơ ưu tú. Có thể nói thế hệ các nhà thơ nhà văn trẻ này là lực lượng sáng tác quan trọng của văn học Việt Nam suốt bốn thập kỉ qua.
Một vài người trong số họ đã là nguyên nhân gây nên “những cơn sóng gió” trên diễn đàn văn học, làm tốn khá nhiều giấy mực và hơi sức của các nhà phê bình văn học. Chúng ta tin rằng tất cả những điều đó sẽ được lịch sử văn học tổng kết đánh giá một cách thỏa đáng trong một tương lai không xa.
Tuy nhiên thế hệ các nhà thơ này cũng đã phải trải qua những bước đi dò dẫm, cũng mang trong mình không ít nhược điểm, cũng đã từng nếm mùi thất bại. Một số người, trên thực tế chỉ được vài ba bước đầu tiên rồi chững lại, hụt hững và mất hướng. Tại sao vậy? Bởi vì họ chưa biết khơi một dòng thông giữa ao chuôm thơ của họ với bể nguồn vô tận thi ca: đó là số phận hàm chứa cái đẹp của con người thời đại, của dân tộc và của nhân loại. Một số nhà thơ nhiếp ảnh thường chỉ phù du trên bề mặt của một cuộc sống nhỏ hẹp, đến một lúc nào đó bỗng cảm thấy bị cạn kiệt cả về đề tài và lẫn hồn thơ. Một số khá đông khác không hiểu thấu rằng một bài thơ hay được quyết định bởi cái linh hồn chất đọng trong đó. Thiếu hụt cả ý lẫn tình, họ sa vào bệnh hình thức chủ nghĩa, thích gây cảm giác lạ bằng cách dùng nhiều câu chữ kì cục. một số người bất cập với sự sáng tạo, quay về mô phỏng thơ xưa, nhiều nhất là mô phỏng thơ Nguyễn Bính. Thơ lục bát nở rộ ở giai đoạn mới, tuy nhiên nội dung chưa được phong phú. Những bài thơ lục bát diễn tả những nỗi buồn chán và nỗi thất tình chiếm tỉ lệ hơi nhiều.
Nhìn tổng quát, chúng ta có thể thấy một căn bệnh nặng của thơ giai đoạn này là: rất nhiều bài thơ không hề được xây dựng trên một hình tượng văn học mang chất thơ, một dòng ý tưởng đậm đặc hoặc một luồng cảm xúc tập trung nào. Trái lại cả bài thơ chỉ là một cuộc kể lể dài dòng những suy nghĩ tản mạn, đôi khi ngoắt ngoéo khiến người đọc dù kiên nhẫn đến mấy cũng phải mệt mỏi.
Chính vì vậy một yêu cầu búc xúc “nâng cao thơ” đang được đặt ra, và các nhà thơ trẻ cũng đang không ngừng tu dưỡng, tự điều chỉnh, để có những bài thơ thực sự giá trị. Thế hệ các nhà thơ “đăng đàn” trong những năm 60 chỉ là những thế hệ mở đầu của “phong trào thơ trẻ”. Đỉnh cao của thi ca Việt Nam thời đại mới hãy còn phía trước.
Phải trải qua nhiều thập kỉ thai nghén, lịch sử và đất nước mới sản sinh ra được những con người tài hoa và xuất chúng như cặp Xuân Quỳnh- Lưu Quang Vũ. Nói như Nguyễn Công Trứ, họ chính là “khí đẹp của con sông chung đúc lại” (Dã thị giang sơn chung tú khí). Cuộc hôn nhân của Xuân Quỳnh và Lưu Quang Vũ là cái duyên tất yếu của hai tài năng. Chị đã có những giây phút thăng hoa trong tình yêu nhưng cũng có những lúc phải đóng vai của một người hạnh phúc. Phải chăng đó là một tình yêu, mà người tạo hóa, không ai tạo ra nổi.
Xuân Quỳnh, một cô gái mồ côi nghèo khổ: lớn lên giữa một thời kì đất nước phài đương đầu với vô vàn khó khăn về kinh tế, về chiến tranh… Nhưng Xuân Quỳnh, khác nào một cây xương rồng kiên cường và kì diệu trên sa mạc, đã vắt kiệt sức mình để nở những bông hoa quý cho cuộc đời.
Cũng giống như hầu hết nữ sĩ Đông Tây Kim Cổ, Xuân Quỳnh làm thơ cốt để diễn tả cuộc sống của chính mình về tất cả mọi phương diện: những khát khao, những tình cảm, những suy nghĩ, và “sự sống” của một người phụ nữ. Vì lẽ đó hầu hết thơ của chị đều là thơ trữ tình. Đất nước, thiên nhiên, thời đại đều được phản ánh vào thơ chị thông qua cái lăng kính trữ tình đó. Thơ Xuân Quỳnh khác nào một cuốn nhật kí bỏ ngỏ và ai ngờ, chính vì vậy mà thơ chị được đông đảo quần chúng- nam, nữ, phụ lão và cả ấu, cả lính nữa nâng niu và nồng nhiệt đón nhận. Họ bị thu hút bởi những gì rất “Hồ Xuân Hương” nơi chị: Một người phụ nữ xinh đẹp, chân chất, đôn hậu, rất mực yêu đời và vui tính nhưng cung rất mực sắc sảo và “đáo để”, còn thơ chị thật là “cực kì”!
Léc- môn- tốp, văn hào Nga thế kỉ XIX, đã hóm hỉnh chia đàn bà ra làm hai loại. thứ nhất là hạng đàn bà “man rợ”, tức là những đàn bà “hồn nhiên, chỉ có tình cảm mà thiếu hụt về trí tuệ”. Thứ hai là hạng đàn bà “trí tuệ”, tức là những đàn bà khôn ngoan, trí xảo, nhưng lại thiếu hụt về tình cảm. nhà văn hào Nga đã vô cùng thất vọng vì không kiếm đâu ra một người đàn bà nào có đủ cả hai phẩm chất tình cảm và trí tuệ. Xuân Quỳnh của chúng ta, đáng quý thay, là mẫu phụ nữ viên mãn cả về tình cảm lẫn trí tuệ. Và không chỉ thế, chị còn là mẫu mực của người phụ nữ đức hạnh, điều mà văn hào Nga hình như “không dám” đòi hỏi ở phụ nữ quý tộc Nga thời đại ông.
Với bản chất thông minh, với trí tuệ phát triển Xuân Quỳnh đã ứng xử và giải quyết mọi vấn đề phức tạp mà cuộc sống đặt ra. Chị đã định hướng dứt khoát cho con đường sự nghiệp của mình: đó là nghiệp thơ. Chị quyết định chấm dứt cuộc hôn nhân mà chị biết là mình đã lầm. Chị quyết định xây dựng tình yêu và hôn nhân với “chú đại bàng non trẻ” Lưu Quang Vũ mà chị biết chắc trong đó có tình yêu và hạnh phúc đích thực.
Chúng ta hãy xem chất trí tuệ của Xuân Quỳnh thể hiện như thế nào:
“Chẳng dại gì em ước nó bằng vàng
Trái tim em, anh đã từng biết đấy
Anh là người coi thường của cải
Nên nếu cần anh bán nó đi ngay”
(Tự hát)
Với những dòng thơ sau đây, Xuân Quỳnh thổ lộ tâm tư nhưng chính là để tự khẳng định mình trước một người chồng mà chị biết anh ta vốn không phải là hạng “gà mờ”:
“Em trở về đúng nghĩa trái tim em
Biết khao khát những điều anh mơ ước
Biết xúc động qua nhiều nhận thức
Biết yêu anh và biết được anh yêu”
(Tự hát)
Cổ nhân nói “Nhất cố khuynh nhân thành, tái cổ khuynh nhân quốc” (Ngó một lần nghiêng thành người, ngó lần nữa đổ nước người), để khẳng định cái mãnh lực bất khả kháng của sắc đẹp. Riêng Xuân Quỳnh thể hiện cái mãnh lực của mình bằng những lời nói sâu sắc. những lời nói ấy theo cách ví von của Vôn- te, có thể làm cho những trái tim bằng đồng cũng phải mềm nhũn ra!
Giàu trí tuệ, nên cũng như Hồ Xuân Hương xưa kia, Xuân Quỳnh đã đóng vai trò tham mưu đắc lực, đã san sẻ “cái khôn” cho chị em cùng giới, để đối đáp và xử sự với phái mày râu:
“Những cái chính chúng ta thường chả nói
Mà bọn con gái mình hay nói xấu nhau
Bọn con trai nghe lỏm đôi câu…
Họ khinh chúng ta và lời cửa miệng:
“Chuyện đàn bà”
Ta yêu người con trai không phải vì mình
Mà họ yêu ta vì họ yêu chính họ
Được yêu hai lần, họ cao lên một bậc
Ta không được yêu cảm thấy thấp dần đi
Vì chính ta cũng chẳng yêu ta…”
(Thơ viết cho mình và những người con gái khác)
Xuân Quỳnh nhận thức được tính bi kịch vĩnh cửu của cuộc sống: đó là sự ngắn ngủi của đời người. Hình như chị còn liên tưởng được số phận của mình: rất có thể Xuân Quỳnh- đóa hoa quỳnh mùa xuân- sẽ chỉ nở và tỏa hương được vài giờ trong đêm tối rồi tàn lụi. Bởi thế, chị đã sống hối hả, nồng cháy, sống hết mình với cuộc đời, với thơ và tình yêu, với hạnh phúc và gia đình, như sợ tất cả những điều quá ư tốt đẹp ấy sẽ vụt qua như ánh chớp:
“Chi chút thời gian từng phút từng giờ
Như kẻ khó tính từng hào keo kiệt
Tôi biết chắc mùa xuân rồi cũng hết
Hôm nay non mai có sẽ già…”
(Có một thời như thế)
Ngoài đạo đức cao quý và tình cảm sâu sắc, chính trí tuệ sáng suốt, lành mạnh là sức mạnh thần kì đã nâng đỡ Xuân Quỳnh trong những bước khó khăn, giúp chi tồn tại, chịu đựng được cả những chà xát của cuộc sống trần gian, làm cho tài năng của chị thăng hoa. Xuân Quỳnh là người chiến thắng tất cả, vượt qua tất cả để hướng về phía hạnh phúc chói lọi và tuyệt vời của tình yêu và sự nghiệp. Chị cũng là người biết giữ gìn và biết tận hưởng hạnh phúc cuộc sống ở mức tối đa có thể được hưởng. Xuân Quỳnh chính là đỉnh cao của những con người “nhân bản chủ nghĩa” thời hiện đại.
“Thơ tình tôi viết cho tôi
Qua cay đắng với buồn vui đã nhiều
Vẫn còn nguyên vẹn niềm yêu
Như cây tứ quý đất nghèo nở hoa”
(Thơ tình tôi viết)
Màng thơ đặc sắc nhất của Xuân Quỳnh chính là mảng thơ về tình yêu. Điều gì đã làm nên sự đặc sắc ấy?
Trước hết vì Xuân Quỳnh có một “nhân bản yêu đương” cực kì mãnh liệt, là một người con gái có thể “sống chết vì tình”. Dạng phụ nữ như Xuân Quỳnh, đã từng được như thi hào Nguyễn Du mô tả:
“Thúy Kiều sắc sảo khôn ngoan
Vô duyên là phận hồng nhan đã đành,
Lại mang lấy một trữ tình
Khư khư mình buộc lấy mình vào trong.
Vậy nên những chốn thong dong
ở không yên ổn, ngồi không vững vàng,
ma dẫn lối, quỷ đưa đường
lại tìm những chốn đoạn trường mà đi…”
(Truyện Kiều)
Xuân Quỳnh không giấu giếm bản chất ấy của mình:
“…Nếu tôi yêu được một người
Tôi yêu anh ta hơn anh ta yêu tôi nhiều lắm
Tôi yêu anh dẫu ngàn lần cay đắng…”
(Thơ viết cho mình và những người con gái khác)
Xuân Quỳnh là người hành động nên chị nhất định không chấp nhận kiểu sống “đói lòng ngồi gốc cây sung”. Trái lại chị đã “đi khắp chốn tìm người tôi yêu”, đồng thời gạt bỏ những gì là “mạo danh tình yêu”. Và khi đã đạt được tình yêu rồi thì chị sống với tất cả chiều sâu thăm thẳm của trái tim:
“Ôi con sóng nhớ bờ
Ngày đêm không ngủ được
Lòng em nhớ đến anh
Cả trong mơ còn thức”
(Sóng)
“Khi anh nói yêu em, trái tim em đập chừng mạnh quá
Mạnh đến nỗi em tưởng là nghe rõ
Tiếng tim anh đang đập vì em
Em yêu anh, yêu anh như điên…’
Khác hẳn với những người đàn bà “sống trong vương quốc của tình yêu mà không biết được biên giới của vương quốc ấy”, Xuân Quỳnh là một phụ nữ khoonh những có khát vọng mà còn có đủ khả năng đi đến tận cùng biên giới và tận cùng đáy sâu của vương quốc tình yêu. Phải chăng ở những điểm tận cùng đó mà những câu thơ tuyệt tác đã ra đời:
“Chỉ có thuyền mới hiểu
Biển mênh mông nhường nào
Chỉ có biển mới biết
Thuyền đi đâu về đâu
Ngày nào không gặp nhau
Biển dạt dào thương nhớ
Những ngày không gặp nhau
Lòng thuyền đau rạn vỡ”
(Thuyền và biển)
Một điều nổi bật trong thơ Xuân Quỳnh là chị không chỉ yêu say đắm mà còn đặt tình yêu lên ngai vàng của sự tôn thờ tuyệt đối. Xuân Quỳnh rất có lí: ở cõi đời này tình yêu chẳng phải điều thực sự đáng tôn thờ hay sao? Vả chăng Xuân Quỳnh, bằng tất cả những phẩm chất hội tụ trong con người mình, chị đã đạt được một mối tình yêu đáng tôn thờ. Người chồng, trong mắt Xuân Quỳnh, lúc nào cũng như một người tình mà chị yêu đắm đuối, cũng cảm thấy như chàng có thể vuột khỏi tay:
“Tới thăm anh rồi em lại ra di
Đôi mắt lo âu, lời âu yếm chia sẻ
Lúc anh đến, anh đi thành quá khứ
Anh thuộc về những người ngoài cánh cửa.”
(Thời gian trắng)
“Anh, con đường xa ngái
Anh, bức vẽ không màu
Anh, nghìn nỗi lo âu
Anh, dòng thơ nổi gió
Mà em người đời thường
Biết là anh có ở!”
(Anh)
Ai cũng nói thơ Xuân Quỳnh ngày một hay hơn. Có một nghịch lí trong thơ chị. Đó là càng hạnh phúc thì lại càng lo âu khắc khoải. Và càng lo âu khắc khoải thì lại càng đắm say, da diết. Cũng vì tôn thờ tình yêu thái quá, có lúc Xuân Quỳnh đã có linh cảm chẳng lành về hạnh phúc của mình. Thơ của chị ngày càng ám ảnh, nung đốt lòng người.
“Em lo âu trước xa tắp đường mình
Trái tim đập những điều không thể nói
Trái tim đập cồn cào trong cơn đói
Ngọn lửa nào le lói giữa cô đơn…”
(Tự hát)
Thơ tình của chị đã đẩy tình yêu lên đến tầm bi kịch: tình yêu tuyệt đích có thể sẽ kết thúc cách nào đó thật bất ngờ, trước khi tuổi già sộc đến:
‘Đọc bài thơ yêu em thấy sự chia xa
Và bỗng nhiên em lại bơ vơ
Tay vẫn vụng, trán dô ra như trước…’
(Thơ viết cho mình)
‘Nếu từ giã thuyền rồi
Biển chỉ còn sóng gió
Nếu phải cách xa anh
Em chỉ còn bão tố’
(Thuyền và biển)
Tình yêu trong thơ Xuân Quỳnh thật là nồng nàn, sâu sắc và đượm nỗi thoảng thốt lo âu, tất cả được diễn đạt bằng một ngôn ngữ giản dị, trong sáng, hầu như không cách điệu. Đó là thứ thơ đạt tới tầm cao của nghệ thuật nhưng vẫn dễ hiểu với đông đảo quần chúng, vẫn có thể gây được những niềm xúc động khác thường:
“Em trở về đúng nghĩa trái tim em
Là máu thịt đời thường ai chẳng có
Vẫn ngừng đập lúc cuôc đời không còn nữa
Nhưng biết yêu anh ngay cả khi chết đi rồi”
(Tự hát)
Và rồi cái bất ngờ nhất xảy ra với Xuân Quỳnh. Chị đã đột ngột từ giã chúng ta ra đi vĩnh viễn cùng với chồng và con trong một tai nạn thảm thương, để lại biết bao thương tiếc cho tất cả những ai yêu thơ chị, yêu kịch Lưu Quang Vũ.
Thế nhưng chính cái sự kết thúc ấy đã khiến cho tình yêu mà chị tôn thờ trở thành bất tử, đã làm Xuân Quỳnh và thơ Xuân Quỳnh dường như càng đẹp ngời thêm lên bởi một vừng sáng kì diệu của huyền thoại.
Bài thơ cuối cùng của Lưu Quang Vũ tặng chị được viết trong cuốn sổ công tác ghi chép dày đặc những công việc. bài thơ có đầu đề rất giản dị: “Thư viết cho Quỳnh trên máy bay”. Anh đã gửi vào đây biết bao nỗi niềm, sự cảm thông chia sẻ, tình yêu thương, ân nghĩa sâu nặng và cr những lời “ tự thú” chân thành:
“Có phải vì mười lăm năm yêu anh
Trái tim em đã mệt?
Cô gái bướng bỉnh
Cô gái hay cười ngày xưa
Mẹ của các con anh
Một tháng nay nằm viện.
Chiếc giường trắng, vách tường cũng trắng
Một mình em với giấc ngủ chập chờn
Thương trái tim nhiều vất vả lo buồn
Trái tim lỡ yêu người trai phiêu bạt
Luôn mắc nợ những chuyến đi, những giấc mơ điên rồ, những ngọn lửa không có thật
Vẫn là gã trai nông nổi của em
Người chồng đoảng của em
15 mùa hè chói lọi, 15 mùa đông dài
Người yêu ơi
Có nhịp tim nào buồn khổ vì anh?
Thôi đừng buồn nữa, đừng lo phiền
Rồi em sẽ khoẻ lên
Em phải khoẻ lên
Bởi ta còn rất nhiều dặm đường phải đi
Nhiều việc phải làm nhiều biển xa phải tới
Mùa hè náo động dưới kia
Tiếng ve trong vườn nắng
Và sau đê sông Hồng nước lớn
Đỏ phập phồng như một trái tim đau
Từ nơi xa anh vội về với em
Chiếc máy bay bay dọc sông Hồng
Hà Nội sau những đám mây
Anh dõi tìm: đâu, giữa chấm xanh nào
Có căn phòng bệnh viện nơi em ở?
Trái tim anh trong ngực em rồi đó
Hãy giữ gìn cho anh
Đêm hãy mơ những giấc mơ lành
Ngày yên tĩnh như anh luôn ở cạnh
Ta chỉ mới bắt đầu những ngày đẹp nhất
Vở kịch lớn, bài thơ hay nhất
Dành cho em, chưa kịp viết tặng em
Tấm màn nhung đỏ thắm
Mới bắt đầu kéo lên
Những ngọn nến lung linh quanh giá nhạc
Bao nỗi khổ niềm yêu thành tiếng hát
Trái tim hãy vì anh mà khoẻ mạnh
Trái tim của mùa hè, tổ ấm chở che anh…”
Cùng với nó là bài thơ “Và anh tồn tại”:
“Giữa bao la đường xá của con người |
Xuân Quỳnh là người được yêu tha thiết và chị cũng yêu không kém phần mãnh liệt. Ở chị- một người luôn khao khát tình yêu thì cách bộc lộ tình yêu cũng mang một nét mãnh liệt riêng. Tình yêu khi dành cho con (chùm thơ xuân cho ba đứa con nhỏ), khi là tình yêu dành cho chồng(hát ru chồng những đêm khó ngủ…). Lẽ tự nhiên, một người sinh ra đã chịu đựng nỗi chơ vơ, côi cút, thiếu thốn một phần tình cảm của người thân thì giờ đây Xuân Quỳnh như đang muốn bù đắp lại ít nhiều, muốn những người thân luôn được yêu thương. Chị đã chịu đựng những mặc cảm côi cút. Vì thế, có thể thấy rằng: cuộc đời và thơ Xuân Quỳnh là một nỗ lực vượt thoát nỗi chơ vơ định mệnh đó. Chính vì thế mà chị suốt đời yêu thương, luôn thường trực ở hồn thơ này một khát khao đến khắc khoải: khát khao được gắn bó và che chở. Dĩ nhiên ở một người bản tính nhân hậu, chuyện ấy là song phương: vừa được gắn bó với đời vừa được đời gắn bó, vừa che chở người và được người chở che. Đó là nội dung hệ trọng của hạnh phúc theo quan niệm của Xuân Quỳnh. Và đời chị là hành trình tìm kiếm hạnh phúc như thế. Chị phải trở thành thi sĩ của tình yêu, phải đặt kì vọng vào tình yêu, điều ấy dường như là tất yếu. Bởi vì tình yêu vừa là cứu tinh vừa là cứu tinh vừa là cứu cánh của thi sĩ. Chị gửi tình yêu vào thơ như một nỗi niềm, một tâm sự sâu lắng. Đó là những bài thơ giản dị, chân xác, đôi khi chỉ bằng một câu hỏi tưởng như bâng quơ cũng đã mở ra một thế giới tình yêu đầy biến động. Trước Xuân Quỳnh chưa có một người phụ nữ nào làm thơ bằng những lời cháy bỏng, tha thiết và nồng nàn đến vậy. Tình yêu trong thơ chị đẹp và trong sáng quá. Dù có những gian truân cách trở, nhưng bao giờ cũng trọn vẹn, cũng đến được những tận cùng hạnh phúc như con sóng nhỏ đến với bờ xa. Tình yêu với Xuân Quỳnh, trước nhất, cao nhất và sâu xa nhất không thể là gì khác hơn một “sự gắn bó giữa hai người xa lạ”, “bằng tình yêu không thể tách rời, khi đó em là máu thịt của anh rồi- nếu cắt đi em sẽ ngàn lần đau đớn”. Chị nghiệm ra bản chất máu thịt ấy ở cả sóng và bờ, đồi đá ong và cây bạch đàn, con đường và bàn chân, đường ray và con tàu, tình yêu và thi ca… mà đậm chất nhất là thuyền và biển. Thế là, còn thiêng liêng hơn cả những thủy chung, những duy nhất, tình yêu với Xuân Quỳnh là niềm khát khao được gắn bó với con người và cõi sống này.
Tuy không sinh ra và lớn lên từ quê biển, nhưng cảm xúc về “biển”, về “sóng”, về “thuyền” của Xuân Quỳnh thấm đẫm chất triết lí nhân gian của người xứ biển, quyện lẫn chất trữ tình đậm chất nhân văn của thời đại. Chất thơ trữ tình của Xuân Quỳnh đan quyện cái đắm đuối của cảm xúc trẻ trung vừa đồng thời là niềm lo âu hạnh phúc của người đã qua trải nghiệm, đem đến cho người đọc niềm cảm chân thành, sự lôi cuốn lãng mạn, nóng hổi tình đời, tình người.
Xuân Quỳnh đã từng nói: “Vì thích thú nên làm văn học và cảm thấy như mình được sống thêm một cuộc đời khác nữa. Khi mới vào nghề bị xô đẩy, khinh rẻ nên tôi quyết phải sống mà sống tức là phải viết. nói được niềm vui nỗi khổ của chính mình, tôi cảm thấy cái sung sướng không mấy ai có! Như người khác không yêu mà mình được yêu. Như người khác chỉ biết im lặng mà mình biết nói, và nói lên được thành tiếng.”
Xuân Quỳnh là một tài năng thơ có giọng điệu, gương mặt riêng. Trong cuộc sống đời thường, Xuân Quỳnh rất biết trân trọng hiện tại, biết cách tận hưởng hạnh phúc, sống say mê với thời của mình. Hãy xem cách thể hiện trong bài thơ “Sóng”:
Dữ dội và dịu êm
Ồn ào và lặng lẽ
Sông không hiểu nổi mình
Sóng tìm ra tận bể.
Ôi con sóng ngày xưa
Và ngày sau vẫn thế
Nỗi khát vọng tình yêu
Bồi hồi trong ngực trẻ.
Trước muôn trùng sóng bể
Em nghĩ về anh, em
Em nghĩ về biển lớn
Từ nơi nào sóng lên?
- Sóng bắt đầu từ gió
Gió bắt đầu từ đâu?
Em cũng không biết nữa
Khi nào ta yêu nhau
Con sóng dưới lòng sâu
Con sóng trên mặt nước
Những con sóng nhớ bờ
Ngày đêm không ngủ được
Lòng em nhớ đến anh
Cả trong mơ còn thức
Dẫu xuôi về phương Bắc
Dẫu ngược về phương Nam
Nơi nào em cũng nghĩ
Hướng về anh – một phương.
Ở ngoài kia đại dương
Trăm nghìn con sóng đó
Con nào chẳng tới bờ
Dẫu muôn vời cách trở
Cuộc đời tuy dài thế
Năm tháng vẫn đi qua
Như biển kia dẫu rộng
Mây vẫn bay về xa
Làm sao được tan ra
Thành trăm con sóng nhỏ
Giữa biển lớn tình yêu
Để ngàn năm còn vỗ.
Bài thơ nói về tâm trạng, tình yêu mãnh liệt của người con gái khi yêu. Hãy đến với bài thơ bằng nhạc điệu, bài thơ là âm điệu của một cõi lòng bị sóng khuấy động, đang rung lên đồng điệu cùng với nhịp sóng biển. rực rạo đến xôn xao, khát khao đến khắc khoải. Có một hình tượng sóng được vẽ lên bằng âm điệu, một âm điệu dập dồn, chìm nổi, miên man như hơi thở chạy suốt cả bài.
Sắc điệu trữ tình của bài thơ được gợi lên từ hình tượng sóng. Cả bài thơ là những con sóng tâm tình xôn xao trong lòng người con gái đang yêu khi đứng trước biển ngắm nhìn những con sóng vô hồi, bất tận. Sóng là một hình tượng ẩn dụ, đó là sự hóa thân của cái tôi trữ tình của nữ sĩ, lúc thì hòa nhập, lúc có sự phân thân của “em”- người con gái đang yêu một cách say đắm. sóng đã khơi gợi một hồn thơ phong phú, hồn nhiên, sôi nổi.
Thật tự nhiên và thơ mộng. sóng luôn hướng vào bến bờ. Em là sóng nhỏ cũng luôn hướng về phía anh. Tình yêu của người con gái như là một quy luật cuộc sống mãi không thay đổi. Và tình yêu ấy sẽ mãi trường tồn, trở nên bất biến. sao mà khát khao đến mãnh liệt.
“Dữ dội và dịu êm
Ồn ào và lặng lẽ”
Đó là bản chất của sóng. Hay đó là tâm trạng của sóng? Khi hiền hòa, khi dữ dội, khi thì ồn ào xô bờ, có khi lại lặng lẽ. Sóng có đủ những cung bậc tâm trạng, cảm xúc. Sóng biểu hiện tình yêu với bờ:
“Sông không hiểu nổi mình
Sóng tìm ra tận bể”
Thì ra chỉ có tìm đến bể sóng mới thật là mình, mới hiểu được chính mình. Và quan trọng nhất sóng có được tình yêu. Sóng và bờ ở đây đã trở thành cặp hình ảnh đi liền với nhau. Có sóng thì có bờ, mà đã có bờ là nhất định có sóng. Cái này không có nếu cái kia không tồn tại. Vì lẽ đó nó được coi là hình ảnh tiêu biểu của sự gắn kết. Anh và em giống như sóng với bờ kia! Và không hiểu nổi mình em sẽ tìm đến anh. Lẽ dĩ nhiên là vậy…
Cả bài thơ là một tình yêu vô bờ bến. Sóng yêu và tận hưởng tình yêu. Như thi sĩ Xuân Quỳnh hết đời yêu chân thành. Tình yêu là không bao giờ thay đổi. Trước sau vẫn thế. Tình yêu là vĩnh cửu, là bất biến với thời gian. Con sóng dù có ở đâu, dưới lòng sâu, trên mặt nước, sóng vẫn nhớ bờ, khát khao, cháy bỏng. Đến nỗi thi sĩ phải trải lòng chân thực:
“Ngày đêm không ngủ được
Lòng em nhớ đến anh
Cả trong mơ còn thức”
Thử hỏi có tình yêu nào mãnh liệt hơn thế? Nồng nàn hơn thế? Trong mơ người ta không thể kiểm soát được chính mình, vậy mà em vẫn luôn nghĩ về anh, như một nhu cầu không thể thiếu. Tìềm thức của em luôn hướng về anh chẳng khác nào người đi giữa biển đêm hướng tìm ngọn hài đăng tìm phương hướng. “Còn thức” tức là cả trong mơ hay khi thức em vẫn luôn trước sau như một. Anh quả đúng là bến bờ, bến đậu, là đích đến. Sóng xa vời cách trở vẫn tìm được tới bờ, cũng như anh và em sẽ vượt qua mọi khó khăn để đến với nhau, để sống trong hạnh phúc trọn vẹn của lứa đôi
“Ở ngoài kia đại dương
Trăm ngàn con sóng vỗ
Con nào cũng tới bờ
Dù muôn vàn cách trở”
Cuối cùng sóng đã nói hộ nhà thơ nỗi khát vọng được sống trọn vẹn trong tình yêu. Tình yêu lứa đôi đẹp đẽ, nồng nàn như trăm ngàn con sóng nhỏ giữa đại dương mênh mông, muốn được hòa nhịp vào biển lớn của tình yêu cộng đồng:
“Làm sao được tan ra
Thành trăm con sóng nhỏ
Giữa biển lớn tình yêu
Để ngàn năm còn vỗ”
Cả bài thơ, nếu kể đến nhan đề, thì tác giả đã mười một lần nhắc đến từ “sóng”. Sóng vỗ như tâm tình xôn xao. Sóng như tâm trạng người con gái, tâm trạng của một người nhiều yêu thương, luôn khát khao và lo âu trăn trở. Hạnh phúc nhưng không hề bình yên thỏa mãn. Sóng vỗ trên đại dương mênh mông cũng chính là sóng vỗ trong lòng người con gái.
Hình như Xuân Quỳnh ít phải bận tâm việc đi tìm hạnh phúc biểu hiện, chị cũng không mất công nhiều lắm trong việc lựa chọn hình ảnh, chải chuốt ngôn ngữ. nhà thơ đã từng phát biểu: “Đừng lo đi tìm ngôn ngữ. cảm xúc sẽ tự chọn được ngôn ngữ của mình”. Trong khi các thể loại văn học đang có xu thế tìm tòi sự đổi mới, Xuân Quỳnh có một quan điểm rất đơn giản “cái hay bao giờ cũng mới”. Xuân Quỳnh không có ý định trau chuốt nghệ thuật thơ mình. Chị đến với bài thơ một cách hồn nhiên nhưng liền mạch về cảm xúc, trong sáng trong cách diễn đạt. chính điều đó đã tạo nên nét riêng trong thơ Xuân Quỳnh. Đặc sắc trong thơ chị có lẽ nổi bật là giọng điệu thơ. Thơ chị có một giọng điệu riêng rất dễ nhận ra. Giọng điệu ở đây không phải là cách nói mà là cảm xúc, là giọng điệu của tâm hồn. một giọng điệu không kiểu cách, khiên cưỡng mà luôn tự nhiên, phóng khoáng. ở trong bài thơ “Sóng”, Xuân Quỳnh đã để cho mạch cảm xúc dẫn dắt, tạo nên mạch thơ nhẹ nhàng, thấm đượm tâm hồn người đọc nhất là những tâm hồn đã và đang yêu.
Xuân Quỳnh đã để lại cho bạn đọc không ít những bài thơ giá trị như bài thơ “Sóng”. Đó là một phần hành trang của các bạn trẻ từ xưa đến nay. Cuộc đời có lẽ là qua ngắn ngủi với một người tài năng như chị. Để hôm nay có những vần thơ đầy tiếc thương:
“Những năm đáng sống nhất
Chị đả trải qua rồi
Sống hết mình để sống
Yêu hết mình để yêu
Còn lại gì nuối tiếc.
Hoa cúc vàng thu chiều
Sóng đã nằm trong sóng
Mây trắng vẫn còn bay
Ngẩn ngơ trời cao rộng
Ai biết mùa thu này
Căn phòng nhỏ còn đây
Câu thơ dang dở chữ
Nước mắt dẫu đong đầy
Cũng chỉ là nỗi nhớ
Đã lẫn vào cỏ cây
Đã về cùng cát bụi
Để lại dương gian này
Mọi buồn vui trần thế
Sóng đã ra tận bể
Trái tim yêu còn yêu
Trái tim yêu còn khổ
Trái tim yêu còn đau
Cùng tình yêu muôn thuở
Nước mắt rơi lặng lẽ
Thầm thương người tài hoa
Thôi cũng đừng tiếc nữa
Biết đâu… hơn sống già.”
(“Về một nhà thơ chết trẻ”- Hà Phương)