Vết thương và giọng nói

(Lời dẫn nhập chuyên luận “Unclaimed Experience: Trauma, Narrative, History”)

Trong chương ba cuốn Beyond the Pleasure Principle [Bên kia nguyên lý khoái cảm], Freud đã miêu tả mô thức của một trạng thái tinh thần khổ sở tồn tại dai dẳng một cách khó hiểu trong cuộc đời của những cá nhân nhất định. Từ nỗi băn khoăn trước những cơn ác mộng kinh hoàng hoàn toàn hiểu theo nghĩa đen của những người sống sót từ chiến trận và việc những người trải qua những biến cố đớn đau cứ phải tái diễn biến cố ấy, Freud lấy làm ngạc nhiên bởi cái cách đặc biệt, đôi khi lạ lùng, mà theo đó, các sự kiện thảm họa dường như tự lặp lại đối với những người đã kinh qua nó. Ở một số trường hợp, Freud chỉ ra, những sự lặp lại này rất đáng chú ý vì dường như chúng không phải được khơi lên bởi hành động của con người, mà đúng hơn, chúng xuất hiện như thể những ám ảnh của một kiểu người bị gắn với một kiểu định mệnh nào đó, thứ định mệnh như thể một chuỗi những sự kiện đau khổ mà người ta bị phụ thuộc vào và điều này hoàn toàn nằm bên ngoài mong muốn hay khả năng kiểm soát của người ta. “Hình ảnh nên thơ, gây ấn tượng mạnh nhất của một thứ định mệnh như thế,” Freud viết, “có thể tìm thấy trong câu chuyện được Tasso kể lại trong thiên sử thi lãng mạn Gerusalemme Liberata:

“Nhân vật của tác phẩm này, Tancred, đã vô ý giết chết người tình của mình – Clorinda trong một cuộc đọ kiếm tay đôi, lúc đó, nàng đang ngụy trang trong lớp áo giáp của hiệp sĩ đối thủ. Sau khi mai táng nàng, chàng dẫn quân đi vào một khu rừng thần bí, kỳ lạ khiến cả đạo quân Thập tự chinh lạc lối. Chàng đâm thanh kiếm của mình vào một cái cây cao; nhưng máu chảy ròng từ vết đâm và giọng nói của Clorinda – linh hồn của nàng bị cầm tù trong thân cây – vọng lên oán thán, rằng, một lần nữa, chàng đã lại khiến cho người yêu của mình bị thương.”

Những hành động của Tancred – sát thương người yêu của mình trong trận đấu kiếm và rồi, một cách vô thức, dường như lại tình cờ, làm nàng bị thương một lần nữa – trong văn bản của Freud, đã gợi liên tưởng đến cách mà một kinh nghiệm chấn thương tự lặp lại, chính xác và dai dẳng, thông qua những hành động mà kẻ sống sót không tự biết được và đi ngược với chính ý chí của anh ta. Như câu chuyện của Tasso đã kịch hóa, sự lặp lại tại tâm điểm của thảm họa – cái kinh nghiệm mà Freud sẽ gọi là “loạn thần kinh chấn thương” – xuất hiện như là sự tái diễn dai dẳng của một sự kiện mà người ta không thể đơn giản bỏ lại phía sau.

Tuy nhiên, ở đây, tôi muốn đặt vấn đề rằng vọng âm văn chương của ví dụ mà Freud đưa ra đã vượt ra ngoài tính chất của một minh họa mang màu sắc kịch tính về một sự cưỡng bách lặp đi lặp lại và có lẽ vượt quá cả những giới hạn của khái niệm hay lý thuyết ý thức về chấn thương mà Freud xác lập nữa. Vì, với tôi, điều đặc biệt đáng chú ý ở ví dụ của Tasso không chỉ là hành động sát thương và sự tái diễn không chủ ý và không hề mong muốn của hành động này mà đúng hơn là cái giọng nói xúc động và khổ đau được cất lên, một thứ giọng nói, nghịch lý thay, lại được phát thanh qua vết thương. Tancred không chỉ lặp lại hành động của mình mà, khi lặp lại hành động ấy, lần đầu tiên chàng nghe thấy một giọng nói cất lên muốn chàng phải nhìn lại chuyện mình đã làm. Giọng nói của người tình hướng đến chàng và bằng sự nhắm đến như thế, giọng nói này làm chứng cho cái quá khứ mà chàng đã lặp lại dai dẳng. Bởi vậy, câu chuyện của Tancred đã thể hiện kinh nghiệm chấn thương không chỉ như là sự bí ẩn trong những hành động vô thức, lặp đi lặp lại của một con người mà còn như là sự bí ẩn của một cái/kẻ khác (otherness) hiện hữu trong giọng nói con người cất lên từ vết thương – cái giọng nói làm chứng cho một sự thật mà bản thân Tancred cũng không thể biết được đầy đủ.

Tôi cho rằng chính sự xúc động của câu chuyện văn chương này  - câu chuyện đã đặt sự không biết, sự lặp lại của tình trạng bị thương và sự chứng giám của một giọng kêu khóc cận kề nhau – đã thể hiện tốt nhất trực cảm của Freud cũng như hứng thú say mê của ông về những kinh nghiệm chấn thương. Nếu Freud dùng văn học để mô tả kinh nghiệm chấn thương thì đó là vì văn học, giống như phân tâm học, chú ý đến mối quan hệ phức tạp giữa sự biết và không biết. Và chính tại điểm đặc biệt này, nơi mà sự biết và sự không biết giao cắt nhau, ngôn ngữ văn chương và lý thuyết phân tâm học về chấn thương có sự gặp gỡ. Ví dụ được lấy từ thơ của Tasso thực chất, theo diễn giải của tôi, còn hơn cả một ví dụ văn chương về một thứ sự thật mênh mông hơn thuộc khu vực phân tâm học hay thuộc về kinh nghiệm; có thể đọc ra từ đó cả một câu chuyện giàu tính thơ. Như là một ngụ ngôn mang những ý nghĩa rộng hơn, tôi cho rằng ở ví dụ này, ta còn có thể đọc ra được những ngụ ý không thể diễn đạt ra của lý thuyết về chấn thương trong trước tác của Freud và còn thấy được, ngoài những ngụ ý đó, mối liên kết đặc biệt quan trọng giữa văn học và lý thuyết mà những trang tiếp theo của cuốn sách này sẽ khám phá.

 Một vết thương kép

Như là sự tái diễn việc gây ra vết thương, hành động của Tancred gợi lại ý nghĩa nguyên thủy của bản thân của từ chấn thương (trong cả tiếng Anh và tiếng Đức): từ chấn thương (trauma)vốn bắt nguồn từ tiếng Hy Lạp, ban đầu có nghĩa là vết thương trên thân thể. Trong cách sử dụng sau này, đặc biệt trong các văn bản y học và tâm lý trị liệu, tập trung nhất trong văn bản của Freud, thuật ngữ chấn thương được hiểu không phải như một vết thương trên thân thể mà ở tinh thần. Nhưng điều dường như được Freud gợi ý trong cuốnBeyond the Pleasure Principle là: vết thương trong tinh thần – lỗ thủng trong kinh nghiệm tinh thần về thời gian, bản ngã và thế giới – không giống như vết thương trên thể xác, nghĩa là, không phải như một sự kiện giản đơn và có thể hàn gắn; đúng hơn, nó là một sự kiện, giống như lần thứ nhất Tancred đâm Clorinda trong hình hài ngụy trang, diễn ra rất nhanh, quá đỗi bất ngờ đến độ không thể nhận thức được đầy đủ, và vì thế mà nằm ngoài vùng ý thức cho đến khi nó lại được tái hiện lặp đi lặp lại trong những cơn ác mộng và hành động của người còn sống. Tương tự như việc Tancred không nghe thấy tiếng kêu của Clorinda cho đến khi đâm nàng lần thứ hai, chấn thương không định vị trong sự kiện bạo lực thuần túy, xảy ra ban đầu trong quá khứ của cá nhân mà đúng hơn, nó được xác định theo cách mà bản chất không thể đồng hóa/tiêu hóa được của nó – cái cách khiến cho nó không thể được nhận biết được ngay từ đâu – quay trở về ám ảnh người sống ở giai đoạn sau này.

Điều mà câu chuyện dụ ngôn về vết thương và giọng nói nói với chúng ta, cũng là trọng tâm của những trang viết của Freud về chấn thương, cả trong điều mà nói và trong những chuyện kể mà nó cứ kể đi kể lại dai dẳng, là: chấn thương có lẽ còn hơn cả một tình trạng bệnh tật, một sự ốm đau hay một trạng thái tinh thần bị tổn thương; bao giờ nó cũng là câu chuyện về một vết thương cất lên tiếng khóc, tiếng khóc ấy hướng đến chúng ta, nó muốn kể cho chúng ta về một hiện thực hay một sự thật nào đó không thể biết được nếu theo một cách khác. Sự thật này, trong sự xuất hiện bị trì hoãn và địa chỉ đến muộn của nó, không chỉ được kết gắn với cái đã biết, mà còn với cả cái vẫn còn chưa được biết trong chính những hành động và ngôn ngữ của chúng ta.

Trong cuốn sách này, tôi muốn khám phá những cách thức mà các văn bản thuộc một thời kỳ nhất định – bao gồm văn bản phân tâm học, văn bản văn chương và lý thuyết văn chương – vừa nói về, đồng thời vừa nói qua chuyện kể sâu sắc về kinh nghiệm chấn thương. Thay vì trực tiếp mô tả những trường hợp thực tế của những người bị chấn thương còn sống, và cũng thay vì cố gắng giải thích trực tiếp việc nghiên cứu tâm thần học chấn thương, các chương trong cuốn sách này sẽ khám phá những cách thức phức tạp mà theo đó, cái được biết và cái chưa được biết liên đới với nhau trong ngôn ngữ của chấn thương và trong những chuyện kể gắn liền với nó. Dù văn bản mà tôi đọc có liên quan đến lý thuyết về chấn thương cá nhân hay lịch sử tập thể (như văn bản của Freud) hay đó là chuyện kể về hai con người bị ràng buộc với nhau trong những kinh nghiệm thảm họa mà cả hai từng nềm trải (như chuyện kể của Duras và Resnais), thì mỗi một văn bản này, theo cách đặc thù của mình, đều liên quan đến một vấn đề cơ bản của việc lắng nghe, nhận biết và thể hiện những gì phát sinh từ những kinh nghiệm thực tế của con người khi bị rơi vào tình trạng khủng hoảng bởi sự chấn thương tinh thần. Nếu kinh nghiệm chấn thương, như Freud đã gợi mở, là một thứ kinh nghệm  không được đồng hóa trọn vẹn ngay khi nó xuất hiện, vậy thì những văn bản này, đến lượt mình, đều đặt ra câu hỏi: đâu là ý nghĩa của sự truyền phát và lý thuyết hóa một thứ khủng hoảng được đánh dấu không phải bởi một thứ tri thức đơn giản, mà bởi cái cách mà nó đồng thời vừa khước từ vừa đòi hỏi sự chứng nhân của chúng ta? Tôi muốn lập luận rằng một câu hỏi như thế, cho dù nó được nảy sinh từ bên trong một văn bản văn chương hiểu theo nghĩa nghiêm ngặt hay trong một văn bản thuần lý thuyết, không bao giờ được đặt ra trực tiếp mà trên thực thế, nó buộc phải được nói ra bằng một thứ ngôn ngữ bao giờ cũng mang tính văn chương dưới hình thức nào đấy: một thứ ngôn ngữ thách thức, thậm chí ngay ca khi nó khẳng định, sự hiểu của chúng ta.

Tương tự như vậy, trong nỗ lực diễn giải của mình, ở những chương bàn về văn bản phân tâm học và ở chương bàn về văn chương và lý thuyết văn chương, tôi cố gắng không chỉ men theo mỗi luận điểm của tác giả trong sự quy chiếu trực tiếp về kinh nghiệm chấn thương (quan niệm của Freud về chấn thương được phác thảo trong Beyond the Pleasure Principle vàMoses and Monotheism [Moses và Nhất thần giáo], quan điểm về sự quy chiếu và hình tượng thân xác suy sụp trong trang viết của de Man, Kleist và Kant, những tự sự bện xoắn lại với nhau về những kinh nghiệm của cá nhân qua những thảm họa lịch sử trong kịch bản và bộ phim Hiroshima, Mon Amour [Hiroshima, Tình yêu của tôi], cách Lacan đặt lại vấn đề về chấn thương khi ông diễn giải lại văn bản của Freud), mà đúng hơn, ở đây, nỗ lực chủ yếu của tôi mà tìm ra trong mỗi văn bản này một câu chuyện khác, câu chuyện hay hành trình của văn bản (textual itinerary) về những hình ảnh hay ngôn từ cứ tái xuất hiện dai dẳng. Những hình tượng then chốt mà việc phân tích văn bản của tôi sẽ phơi mở và làm nổi bật sự tồn tại dai dẳng của chúng – hình tượng về “cuộc xuất hành”, “sự sụp đổ”, “sự bốc cháy”, hay “sự bừng tỉnh” – để rồi từ đây sinh ra những câu chuyện mà trên thực tế, chúng được hiện lên từ “bóng chữ”, nghĩa là từ sự bất định của các cấu trúc tu từ và hình tượng – một bình diện của tính văn chương không thể bị quy giảm thành một dạng đề tài của văn bản hay những gì mà lý thuyết đã mã hóa; và thứ “bóng chữ” này, vượt ra ngoài những gì ta có thể biết hay có thể lý thuyết hóa về nó, cứ tồn tại dai dẳng một cách bướng bỉnh, nhất quyết muốn làm nhân chứng cho một vết thương đã bị quên lãng.

Câu chuyện về một tai nạn

Tâm điểm của những chuyện kể này, do đó, là một dạng chứng ước bí ẩn không chỉ về bản chất bạo lực của các sự kiện mà còn là bằng chứng cho thấy chấn thương kháng cự lại một sự hiểu giản đơn về nó. Hiểu như thế, chúng ta cũng có thể rút ra được một trong những bài học quan trọng từ những nỗ lực trở đi trở lại của Freud khi ông tìm cách nắm bắt và khái niệm hóa chấn thương. Vì cái quay trở lại ám ảnh nạn nhân chấn thương trong ví dụ đầu tiên của Freud về chấn thương, như tôi sẽ nhấn mạnh khi diễn giải hai tác phẩm Beyond the Pleasure Principle và Moses and Monotheism, không phải là bất kỳ sự kiện nào khác mà chính là – điều này rất quan trọng – vụ tai nạn diễn ra một cách hoàn toàn  bất ngờ, gây sốc. Ví dụ về vụ tai nạn xe lửa – trong vụ tai nạn đó, người ta bước ra khỏi hiện trường mà không bị hề hấn gì mà phải đến những tuần sau này, anh ta luôn phải chịu đựng những triệu chứng của cú sốc kinh hoàng này – theo Freud, là minh họa rõ nét nhất cho cú sốc gây chấn thương của một thứ bạo lực thường xuất hiện trong đời sống. Thế nhưng hình ảnh trở đi trở lại của vụ tai nạn trong văn bản của Freud, như một minh họa cho tính chất bất ngờ, ngẫu nhiên của chấn thương, dường như đặc biệt mang tính thuyết phục, thậm chí có thể xem là một ví dụ điển hình về chấn thương theo đúng nghĩa của nó, không chỉ vì nó miêu tả những gì chúng ta có thể biết các sự kiện gây chấn thương mà còn vì, điều này thậm chí sâu sắc hơn, nó kể với chúng ta biết nó là thứ mà trong các sự kiến chấn thương vốn không thể nắm bắt được chính xác. Biến cố tai nạn, như nó xuất hiện trên văn bản của Freud và qua những tự sự chấn thương khác, không đơn thuần chỉ thể hiện mức độ dữ dội, khốc liệt của sự đụng độ mà còn chuyên chở tác động của chính bản chất khó hiểu của nó. Cái quay lại ám ảnh nạn nhân, như những chuyện kể này nói với chúng ta, không chỉ là hiện thực của sự kiện bạo lực mà còn là hiện thực của cách thức theo đó thứ bạo lực này chưa hề được nhận biết đầy đủ.

Câu chuyện về vụ tai nạn, bởi thế, bằng một cách gián tiếp, đã đưa chúng ta đến một hiện thực bất ngờ của câu chuyện chấn thương –  nơi định vị của sự tính quy chiếu. Chính mối liên kết giữa tự sự và hiện thực là điều mà tôi muốn khám phá trong chương sách bàn về quan điểm của de Man về tính quy chiếu, một quan điểm thực chất đã kết hợp hình ảnh quy chiếu với một tác động, cụ thể là tác động của việc sụp ngã. Trong phân tích của tôi về tác phẩm của de Man, đặc biệt là qua cách ông đặc những văn bản triết học của Kant và văn bản văn chương của Heinrich von Kleist, tôi muốn chỉ ra lý thuyết phê bình về sự quy chiếu của de Man cuối cùng đã biến thành một tự sự như thế nào, một thứ tự sự gắn bó không thể tách rời với ý niệm về sự suy sụp (fall) (mà đây có lẽ là cách dịch của riêng de Man về khái niệm-kinh nghiệm chấn thương). Câu chuyện về sự quỵ sụp của thân thể – mà tôi đọc từ văn bản của de Man như là câu chuyện về tác động của sự quy chiếu – bởi vậy, rất bất ngờ, đã va đập với câu chuyện về chấn thương, và câu chuyện chấn thương thì lại không thể nào thoát ra khỏi mối ràng buộc với một sự trở lại của tính quy chiếu. Sự diễn dịch về quy chiếu qua chấn thương, nghĩa là, sự nhận thức về chấn thương từ mối liên hệ gián tiếp của nó với quy chiếu, không phủ nhận cũng không loại trừ khả năng quy chiếu mà chính xác hơn, nó nhấn mạnh đến tính chất không thể thoát khỏi tác động đến muộn của sự quy chiếu.

Chấn thương và lịch sử

Câu chuyện về chấn thương, do đó, là câu chuyện về một thứ kinh nghiệm đến muộn, nó hoàn toàn không phải là sự kể lại việc thoát ly một hiện thực – chạy trốn cái chết, hay áp lực của tính quy chiếu của chấn thương, mà đúng hơn, nó là sự chứng nhận cho cái tác động vô hạn của chấn thương lên một cuộc đời. Trong câu chuyện của Tasso, như ta đọc từ tác phẩm của Freud, Tancred không thoát khỏi hiện thực của tác động từ cái chết, tức từ vết thương mà chàng gây ra dẫn đến cái chết của Clorinda, mà thay vào đó, chàng phải sống lại biến cố đó đến hai lần. Khủng hoảng ở tâm điểm nhiều tự sự chấn thương – như tôi sẽ chỉ ra cụ thể khi diễn giải các văn bản của Freud, Duras và Lacan – thường xuất hiện dưới dạng một câu hỏi khẩn thiết: Chấn thương là sự đối mặt với cái chết, hay đó là một thứ kinh nghiệm vẫn đang diễn biến của việc sống qua biến cố gây chấn thương? Điểm đặc trưng nhất của những chuyện kể này, như tôi sẽ phân tích, do đó, là một hình thức kể đúp (double telling), là sự dao động giữa sự khủng hoảng về cái chết và sự khủng hoảng tương tự về đời sống: giữa chuyện kể về bản chất không thể chịu đựng nổi của một sự kiện và bản chất không thể chịu đựng nổi của ngay cả việc còn sống sót sau sự kiện đó. Hai chuyện kể này, vừa không tương thích nhau và vừa hoàn toàn không thể tách rời nhau, cuối cùng tạo nên tính phức tạp của cái mà tôi gọi là lịch sử trong các văn bản mà mình đọc: trong Moses and Monotheism, đó là quan hệ phức tạp của câu chuyện về người Do Thái và câu chuyện của người Thiên chúa giáo; trong Beyond the Pleasure Principle, đó là sự đan bện của việc đối mặt với cái chết và đối mặt với đời sống; trong Hiroshima Mon Amour và trong cách Lacan diễn dịch giấc mơ về đứa trẻ bị thiêu cháy, đó là mối liên kết sâu sắc giữa cái chết của người mình yêu thương và cuộc sống vẫn cứ tiếp diễn của người còn sống. Ở những văn bản này, như tôi sẽ chỉ ra, sự không tách rời giữa câu chuyện về cuộc đời một con người với câu chuyện về một cái chết, giữa hình thức kể đúp vừa bất khả vừa tất yếu, đã cấu thành nên tính chất chứng nhân lịch sử của chúng.

Giọng nói của kẻ khác

 Tư tưởng chính của cuốn sách này có thể được minh họa, theo một cách khác, qua câu chuyện của Tasso – và qua ví dụ của Freud – về vết thương than khóc. Dẫu cho trong câu chuyện về chàng Tancred, những nhát kiếm vô thức lặp đi lặp lại và sự đau khổ mà chàng nhận ra qua tiếng kêu mà chàng nghe thấy tượng trưng cho kinh nghiệm của một cá nhân bị chấn thương bởi chính quá khứ của mình – sự lặp lại của chính chấn thương của chàng cùng lúc với việc nó nhào nặn nên đời chàng, thì cái vết thương cất tiếng kia không phải là vết thương của chính Tancred mà là chấn thương của người khác. Cố nhiên, có thể hiểu giọng nói khác kia – giọng nói của Clorinda bên trong ngụ ngôn của ví dụ mà ta đang nói ở đây – là biểu hiện của kẻ khác bên trong một bản ngã vẫn còn lưu giữ ký ức về những sự kiện chấn thương “không cố ý” về quá khứ của người đó.

Tôi cho rằng việc lắng nghe giọng nói và lời kể được phát ra từ vết thương của kẻ khác chính là điều mà Freud làm qua các văn bản của mình. Lý thuyết của Freud không chỉ bàn về chấn thương mà còn được viết trong tình trạng chấn thương. Câu chuyện của Tancred, do đó, cũng chính là câu chuyện về bản thân lối viết phân tâm học. Hình tượng Tancred mà vết thương cất tiếng nói kia hướng đến, nói theo cách khác, không chỉ là dụ ngôn về chân thương và về sự lặp lại lạ lung của nó mà, điều này còn mang ý nghĩa phổ quát hơn, đó còn là dụ ngôn về bản thân lý thuyết phân tâm khi nó lắng nghe một giọng nói mà nó không biết được hoàn toàn thế nhưng nó lại phải làm nhân chứng cho giọng nói ấy.

Việc nghe ra địa chỉ của một kẻ khác nữa, một địa chỉ vẫn giữ nguyên sự bí ẩn thế nhưng nó đòi hỏi người ta phải nghe và đáp lại, là thứ, nói theo cách khác, cũng là nội dung chính yếu của trong các văn bản của Duras và Lacan. Trong Hiroshima Mon Amour, sự lắng nghe này là điều có ý nghĩa đặc biệt quan trọng mà ta thấy qua cuộc gặp gỡ giữa nhân vật nam và nữ, giữa người phụ nữ Pháp – người đã chứng kiến chàng tình nhân người Đức của mình chết trong chiến tranh như thế nào và người đàn ông Nhật Bản mất toàn bộ gia đình của mình bởi vụ ném bom ở Hiroshima và hóa ra anh lại là kẻ duy nhất nghe được và đón nhận được địa chỉ mà nhân vật nữ hướng đến vượt qua khoảng cách văn hóa và cả những tác động của những chấn thương khác nhau mà mỗi người phải chịu đựng. Điều này có một ý nghĩa sâu sắc. Tương tự, việc lắng nghe ra kẻ khác đang cất lời nhắm đến chúng ta trở thành tâm điểm trong sự diễn giải lại câu chuyện mà Freud kể về giấc mơ về một đứa trẻ bị  mà Lacan đã tiến hành trong tác phẩm của mình khi ông nhấn mạnh đến sự đối mặt bất ngờ giữa người cha và đứa trẻ: giữa đứa trẻ bị chết vì sốt cao, thi thể bất ngờ bốc cháy từ một cây nến bị đổ một cách tình cờ với người cha, hoàn toàn không biết gì về vụ bốc cháy ở phòng kế bên, người nghe thấy trong giấc mơ của mình giọng nói của đứa con đang cầu khẩn cha nó, thì thầm vào tai cha, đến xem vụ cháy, “Cha ơi, cha không thấy con đang bốc cháy sao?” Chính lời khẩn cầu của một kẻ khác, người muốn mình được nhìn thấy, nghe thấy, chính cái tiếng gọi này mà kẻ khác đó buộc chúng ta phải tỉnh thức (cụ thể ở đây là tỉnh dậy đến xem vụ cháy) đã dội âm, theo những cách khác nhau, xuyên suốt các văn bản mà cuốn sách này tìm cách đọc và cũng là thứ với cách hiểu mà cuốn sách này đưa ra, sẽ cấu thành một cách đọc mới, một cách lắng nghe mới mà ngôn ngữ chấn thương và cả sự chịu đựng câm lăng liên tục tái diễn đòi hỏi cần phải có. Một đòi hỏi cấp thiết và mang ý nghĩa sâu xa.

Hải Ngọc dịch

Nguồn: Cathy Caruth, Unclaimed Experience: Trauma, Narrative, History, Baltimore & London: The John Hopkins University Press, p.1-10.


Source: 
15-10-2020
Tags