Về thi pháp nghệ thuật Sơn Nam

Sơn Nam là nhà văn được dư luận dành nhiều sự chú ý (qua các công trình tổng hợp về văn học miền Nam), trong đó có những đánh giá của đồng nghiệp và các nhà nghiên cứu văn học có uy tín, được xem là một trong 12 nhà văn trong công trình của Nguyễn Ngu Í (1965), là một trong 10 gương mặt tiêu biểu trong tác phẩm của Tạ Tỵ (1971).

Sơn Nam là nhà văn đã tạo được tên tuổi trên văn đàn từ lâu. Trước hết là ở miền Nam, sau là trên phạm vi cả nước, nhất là từ sau năm 1975.

Ông là nhà văn được dư luận dành nhiều sự chú ý (qua các công trình tổng hợp về văn học miền Nam), trong đó có những đánh giá của đồng nghiệp và các nhà nghiên cứu văn học có uy tín, được xem là một  trong 12 nhà văn trong công trình của Nguyễn Ngu Í (1965), là một trong 10 gương mặt tiêu biểu trong tác phẩm của Tạ Tỵ (1971).

Sau này, còn nhiều công trình của các nhà văn Nguyễn Quốc Trung, Lê Phú Khải, Hoàng Phủ Ngọc Phan... các nhà nghiên cứu Trần Hữu Tá, Nguyễn Thị Thanh Xuân, Hồ Sĩ Hiệp, Trần Hoài Anh… Cuối năm 2012, đã có cuộc  hội thảo ấn tượng Toạ đàm 50 năm Hương rừng Cà Mau.

Là nhà văn có nghề và bản lĩnh, Sơn Nam sớm khẳng định được cá tính sáng tạo của mình thông qua thi pháp và phong cách nghệ thuật.

Tham luận này tập trung nghiên cứu một số vấn đề nổi bật đáng quan tâm về phương diện thi pháp nghệ thuật văn xuôi Sơn NamMỗi mục cũng chỉ đi vào một số vấn đề chủ yếu, trọng tâm:

-         Quan điểm  nghệ thuật  tiến bộ.

-         Hình tượng thế giới đặc trưng.

-         Hình tượng tác giả đặc sắc.

I/ QUAN ĐIỂM NGHỆ THUẬT TIẾN BỘ QUA SÁNG TÁC VĂN CHƯƠNG, VĂN HOÁ

Sơn Nam là một tấm gương sáng về một đời cống hiến và sáng tạo cho văn học và văn hoá.

Sống và hoạt động, sáng tác là theo lý tưởng tâm niệm một đời, theo một định hướng trên con đường đã chọn: “Quay về nguồn cội văn hoá dân tộc, mà chính xác là đặc trưng của Nam Bộ”. Để rồi, từ nắm bắt hồn cốt dân tộc, thể hiện cái cốt cách đặc sắc, thiêng liêng ấy thành sáng tác văn chương, biên khảo : “bằng lối văn chân chất, chữ nghĩa mộc mạc gần gũi với đời sống thực tế” (Phan HoàngNhà văn Sơn Nam – Nhà Nam Bộ học, Phỏng vấn người Sài Gòn, Trẻ, 1998)

Có thể nói, phong cách nghệ thuật, thi pháp nghệ thuật văn xuôi Sơn Nam cũng bắt nguồn từ hồn cốt đặc sắc ấy, đặc sắc của Nam Bộ cũng là của một miền đất nước.

Ông đã từng tâm sự: “Tôi sống và làm việc có định hướng. Tôi tập trung tất cả thời gian cho công việc mình theo đuổi (...) Cả đời tôi đọc – các loại sách về phong tục tập quán và văn học tiếng Pháp. Tôi tiếp cận và thâm nhập thực tế cuộc sống của người dân Nam Bộ” [12].

Con đường đến với nghề viết của Sơn Nam có những nguyên nhân trực tiếp và sâu xa, xuất phát từ cuộc sống bản thân, cuộc sống của quê hương và những quan niệm về thời đại: “Tự dưng tôi thấy một thôi thúc mãnh liệt là phải viết về những chuyện về vùng đất mà mình đã sinh ra và lớn lên và trải qua một phần trai trẻ. Viết để người Sài Gòn, người xứ khác hiểu về miền Tây Nam Bộ” [3 ].

Vậy là viết trước hết để tự bộc lộ, cũng là thể hiện quê hương với những con người có những cuộc đời riêng biệt mà mang số phận chung của các vùng miền. Để tìm được sự thấu cảm, sẻ chia với một chiều sâu của tâm thức cội nguồn – hồn cốt dân tộc.

Là con người sống trong một thời đoạn lịch sử, những năm đất nước bị xâm lược và kháng chiến, Sơn Nam xác định nhiệm vụ thiêng liêng, cao quý của một nhà văn thức thời: “Viết văn là để viết văn, để yêu nước, chứ không nhằm mục đích yêu nước nào khác” (Nam Bộ xưa nayTrẻ, 2001). Là người luôn khắc khoải về cuộc đời, cảnh tượng nước mất nhà tan một thời, Sơn Nam băn khoăn  tâm sự: “Nước non, hai tiếng quen thuộc, nhưng ý nghĩa cụ thể ra sao? (...) Phải chờ đợi” [12, tr 145].

Đây là ý nghĩ đau đáu thời sắp bước vào đời.

Để làm nên sự nghiệp như mơ ước, phải vượt qua bao khó khăn, cực nhọc. Bởi, nghề văn là một nghề khổ ải, càng làm càng thấm thía: “Đúng ra, như sau này tôi biết là dùng chữ viết giấy để gợi lại ấn tượng hỉ, nộ, ái, ố. Khó lắm... Kể sự việc cho đám bạn đã khó... Nhưng giấy trắng mực đen là thứ vật tĩnh lặng, vô tình... Truyền đạt lại cho người khác thông cảm sự việc quả là khó” [12, tr 235].

Chuẩn bị của nhà văn tương lai là từ rất xa, rất lâu. Đó là sự trang bị nghiêm túc cho hoạt động có ý nghĩa lớn lao.

Sơn Nam chịu học, ham đọc sách và ám ảnh bởi niềm “ham mê văn học”. Chàng thanh niên dành dụm tiền để mua sách, từ văn chương đến văn hoá. Ngoài gia tài dân tộc, còn là những tinh hoa của Trung Quốc, Ấn Độ, phương Tây nhất là Pháp. “Nhờ đọc sách Pháp, tôi giữ ý thức là phải đọc và hiểu được những loại sách “đỉnh cao” để noi gương” [12, tr 149 ]. Đọc trong nhà trường, đọc ở thư viện, nhất là đọc ở trường đời

Người ta đồn đoán: “Ông già đi bộ”. Sơn Nam đã lang thang trên khắp ngả đường Nam Bộ, khắp miền Lục tỉnh từ Rạch Giá, Cần Thơ đến An Giang và miền cực Nam Cà Mau.

Đó là quá trình thâm nhập vào thực tế của đất nước và người dân Nam Bộ, để quan sát, tìm hiểu, khám phá và tích luỹ vốn hiểu biết, vốn sống sinh động và bổ ích về nhiều mặt. Sơn Nam đã tự tạo ra vốn trải nghiệm phong phú như điều kiện tiên quyết của người cầm bút. Ông đã đi thực tế một cách hoàn toàn tự nguyện. Hơn thế, với một niềm say mê hiếm có.

Một quan niệm nghề viết độc đáo đã được hình thành và định hình như sứ mệnh của Sơn Nam. Nghề văn là cao siêu, nhưng rất thực tế. Ông viết là để mưu sinh.

Có lẽ, đây là nhà văn  thế hệ đầu tiên vào thời đó biết sống, và có thể sống bằng ngòi bút của mình. Cái thời mà “Cơm áo không đùa với khách thơ” như Xuân Diệu từng viết. Phải táo bạo và gan dạ lắm mới sống được như thế. Sống trong nghèo nàn, thiếu thốn, vất vả nhưng đầy tự trọng, tự hào với đời sống thanh bạch. Sống bằng tiền nhuận bút, sống nhờ “hợp đồng” lĩnh dần của các tờ báo, các nhà xuất bản trong cảnh “Văn chương hạ giới rẻ như bèo” (Hầu trời, Tản Đà).

Vậy mà, ông cắn răng lại, cứ viết. Đó là nét bản lĩnh của Sơn Nam.

Với quan niệm giản dị nhưng thực tế, coi tác phẩm là thứ hàng hoá đặc biệt, nên người viết phải coi chất lượng là hàng đầu. Bởi đó là tài năng, trách nhiệm, cũng là lương tâm: “Phải viết cho đàng hoàng, phải có lương tâm nghề nghiệp thì các báo, các nhà xuất bản họ mới mua của mình” [2 ]. Tác phẩm phải vừa “nóng hổi tính thời sự”, vừa đậm chất văn chương qua cách viết hấp dẫn.

Chính vì vậy, ông là người rất tôn trọng bạn đọc: “Lẽ dĩ nhiên, người làm báo (người sáng tác) đã cao niên, và người phê phán là tất cả độc giả, thuộc mọi lứa tuổi, nên lối hành văn phải táo bạo hơn” [10, tr143 ]. Táo bạo hiểu theo nghĩa là đổi mới, sáng tạo.

Như vậy, Sơn Nam là người truyền bá lý thuyết tiếp nhận văn học hiện đại, coi độc giả như người thẩm định, và hơn thế, con là người đồng sáng tạo. Nhà văn có cái nhìn xa trông rộng rất chính xác: “Còn có độc giả gần xa, còn có sự phán xét của người đời nay, người đời sau” [10, tr76 ]. Đó chính là cái chân trời cao rộng, phóng khoáng của nhà văn như ông nói.

Trách nhiệm gắn liền với tài năng. Sơn Nam là người một đời học  hỏi, tích luỹ và chắt lọc tinh hoa vốn sống, trải nghiệm để làm nên trang sách. Ông quan niệm những tri thức, tình cảm, trải nghiệm phải biến thành dòng chảy tâm huyết trên trang viết. Vốn sống ấy phải được ngấm nghía qua nghiên cứu, nghiền ngẫm, suy nghiệm.

Phương châm sống và viết là: “Độc vạn thư bất như hành thiên lý lộ” (Đọc một vạn quyển sách không bằng đi một ngàn dặm đường). Suốt đời đi và viết, đi nhiều, tức sống nhiều mới viết được nhiều. Các thể loại văn chương, biên khảo văn hoá hỗ trợ cho nhau, tạo nên từ vốn  trải nghiệm và thấm thía hồn cốt dân tộc là như vậy. Việc sử dụng là tuỳ theo, nhưng tốt nhất là tránh ăn xổi, ở thì: “Mười năm sau, hoặc đôi ba ngày nữa... dùng các tài liệu này. Dùng bây giờ, là hấp tấp, viết thành truyện ngắn thì được, nhưng truyện ấy giống như nồi cơm sống, chưa chín” [10, tr 116 ].

Thấu hiểu sự đời mới viết được về cuộc đời, thấu cảm con người mới viết được về phận người.

Tự mình ông noi  gương và khuyến cáo mọi người viết: “Người viết văn bị bắt buộc soi gương đối bóng với những hồn ma cũ của ông Hàn Thuyên, ông Nguyễn Du, ông Phan Bội Châu” [10, tr 76 ].

Viết cách nào, kiểu nào, theo văn phong nào, phương pháp nào, chủ nghĩa nào... lại là sự chọn lựa và cách thức lao động nghệ thuật của mỗi nhà văn.

Một cách khách quan, những bạn đọc tâm huyết ở nhiều thành phần xã hội, các đồng nghiệp và các nhà nghiên cứu có trình độ đã và còn khám phá ra những dấu ấn đặc sắc của Sơn Nam. Từ những tác phẩm cụ thể đến toàn bộ văn nghiệp.

Sơn Nam đã hiện lên với thần thái, cốt cách và phong cách nghệ thuật ở các công trình gần đây qua sự nghiệp văn học, văn hoá, quan niệm văn chương, văn học, nghệ thuật chính xác, tiến bộ quán xuyến một đời: Đó là Sơn Nam [15], Toạ đàm 50 năm Hương rừng Cà Mau [16], Văn hoá Nam Bộ qua cái nhìn của Sơn Nam [4].

II/ HÌNH TƯỢNG THẾ GIỚI ĐẶC TRƯNG

Hình tượng thế giới hiểu theo nghĩa rộng là cảnh quan, môi trường, là hiện thực đời sống, mà ở đó con người sinh sống và hoạt động trong trường kỳ diễn biến lịch sử.

Thế giới là hiện thực khách quan, nhưng cách nhìn nhận, cảm thụ lại thông qua thế giới quan của chủ thể.

Nhà văn sáng tạo nên hình tượng không gian và thời gian, nhằm bộc lộ lập trường, quan điểm, quan niệm thẩm mỹ của bản thân. Theo lý luận văn học, không gian và thời gian nghệ thuật là khái niệm, biểu hiện những hình thức tồn tại của thế giới nghệ thuật. Không gian và thời gian nghệ thuật, vì vậy, mang tính biểu tượng và tính quan niệm.

Không gian và thời gian nghệ thuật đã góp phần tạo nên thế giới đã được nghệ thuật hoá. Trong văn xuôi Sơn Nam, ta thấy được một hình tượng thế giới đặc trưng, làm nổi bật thi pháp cùng phong cách nghệ thuật độc đáo.

Ở đây, xin chỉ đi vào phân tích mảng không gian nghệ thuật đặc trưng của Sơn Nam, chủ yếu theo biệt danh “Ông già Nam Bộ”, “Nhà văn miệt vườn”. Bởi lẽ, như nhà văn từng tâm sự: ông là  “con người của đồng quê”, mang “ dòng máu, tâm hồn nông dân”, Với ông. đồng bằng sông Cửu Long “ là giấc mơ, là chân trời sáng tác một đời”.

Dĩ nhiên, đây là không gian được mở ra và trải dài trong thời gian lịch sử một đời. Nói cách khác, nó thấm nhuần cảm quan lịch sử – văn hoá: một không gian nghệ thuật được đan lồng qua thời gian nghệ thuật.

Thuật ngữ văn học đã xác định: “Không gian nghệ thuật chẳng những cho thấy cấu trúc nội tại của tác phẩm văn học, các ngôn ngữ tương đương, mà còn cho thấy các quan niệm về thế giới, chiều sâu cảm thụ của tác giả hay một giai đoạn văn học” (Lê Bá Hán…Từ điển thuật ngữ văn học, Đại học Quốc gia Hà Nội, 1999).

Quả vậy, không gian nghệ thuật trong tác phẩm Sơn Nam là không gian được cảm thụ của tác giả và qua đó, truyền tải thành cảm thụ của bạn đọc.

Cần nhớ ngay rằng, Sơn Nam là tác giả của nhiều công trình chuyên biên khảo lớn, nhỏ về Vùng đất mới trong lịch sử từ xa xưa cho tới nay. Tác phẩm được xuất bản là 28, bài viết lẻ trên báo chí là 48 . Các biên khảo tập trung viết về địa lý, lịch sử, văn hoá với nhiều địa danh, địa chỉ, danh nhân, con người,... và phong tục, tập quán. Có khi thiên về mặt này hoặc mặt khác: Đất Gia Định xưa (1997), Tiếp cận đồng bằng sông Cửu Long (2000), 1893 – Sài Gòn 100 năm trước (1993)... hoặc Lịch sử An Giang (1997), Lịch sử khẩn hoang miền Nam (1997), hoặc tổng hợp: Gò Công: Cảnh cũ người xưa (1999), Đất Gia Định – Bến Nghé xưa – Người Sài Gòn (2014).

Sở dĩ phải nêu qua mảng sáng tác biên khảo này vì nhằm làm rõ cảm quan lịch sử – văn hoá như cảm hứng, nhận thức nổi trội của nhà văn hoá Sơn Nam trên các trang viết của nhà văn Sơn Nam.

Các nhận xét, bình luận đều tập trung vào mấy mảng không gian nghệ thuật chính bao gồm cả không gian thiên nhiên, không gian sinh hoạt và không gian đời tư.

Không gian sông nước miền Nam được coi như không gian nghệ thuật chi phối hầu hết các tác phẩm văn xuôi của Sơn Nam.

Có những quang cảnh rộng lớn như không gian thoáng đãng bao la của vùng sông nước mênh mông, chằng chịt kênh rạch, lại có không gian hạn hẹp hơn, được chuyển dịch trên ghe, xuồng thấm đượm không gian đời tư.

Sống đắm mình nơi sông nước, bến bãi, con người nắm được từng con nước, luồng cá... như quy luật thiên nhiên, từ đó thích ứng để kiếm sống, sinh hoạt. Như cách trồng lúa – Ruộng Lò Bom, nghề đánh cá – Con cá chết dại, Người mù giăng câu... Làm ăn, đi lại, buôn bán trên sông nước khi sóng yên, nước lặng, cũng như khi lũ lụt, ngập úng.

Trên không gian đặc trưng này, còn sản sinh ra nền văn hoá Nam Bộ: những giọng hò bánh bò, lời hát huê  tình và đặc biệt là nghệ thuật hát bội – Bà Chúa Hòn, Hát bội giữa rừng,...

Để có được cuộc sống yên bình, làm ăn sinh sống, đời người đã  trải qua những thời đoạn lịch sử. Con người phải đổ mồ hôi để khai hoang, mở cõi trong những đợt di dân, lại còn phải đổ máu chống khủng bố của bọn xâm lược (Chuyện năm xưa, Con ngựa đất, Chiến khu 9,...) để bảo vệ, giữ gìn  không gian sinh sống, hoạt động, để tạo ra được đồng bằng Nam Bộ trù phú như vốn quý của một miền Đất nước cho tới hôm nay.

Thiên nhiên sông nước đặc trưng cũng chính là nơi thể hiện thế giới tâm hồn con người Nam Bộ với những nét tính cách, tư tưởng, tình cảm đặc sắc.

Không gian miệt vườn cũng là một bức tranh về không gian độc đáo vùng Nam Bộ.

Miệt vườn thể hiện rõ bàn tay cải tạo thiên nhiên của bao thế hệ nối tiếp nhau khai phá, bồi đắp, vun trồng. Lập vườn là công trình gian khổ, cực nhọc, phải khai hoang, phá rậm để có đất đai. Từ đó, lại còn phải ươm trồng, vun xới để cây ra hoa, kết trái. Rồi lại phải hái lượm, thu hoạch, tái gieo trồng như một quy trình không ngưng nghỉ.

Quang cảnh nhanh chóng thay đổi: ong bay, bướm lượn thơ mộng trên tấm thảm mênh mông của xứ sở xanh tươi, mang lại hình dáng mới cho cảnh quan thiên nhiên.

Và màu sắc mang ý nghĩa văn hoá cũng nảy sinh. Hãy lướt qua đôi lời miêu tả: “... địa hình, địa vật phía đồng bằng sông Cửu Long, mà nơi phát triển nhất là “Miệt Vườn” – khu vực giàu, có văn hoá sớm nhờ nghề cây ăn trái, cụ thể là Mỹ Tho, Cai Lậy, Cái Bè ăn qua Vĩnh Long... Đặc trưng của Miệt Vườn là nước ngọt, tương đối cao ráo, không bị lũ lụt đáng kể như vùng Cà Mau, Đồng Tháp Mười, đời sống sung túc” [12, tr 413].

Đây là cảnh Rằm tháng Giêng ở một ngọn rạch: “Tháng Giêng, buổi chiều thật êm ả (...) Mùa lúa chín từ đồng khơi đưa về nồng ấm (...) Mớ lá khô nằm đó, vàng sẫm như lát đường cho chim cò, rùa rắn. Ngọn rau muống từ giã bờ rạch, bò lên mé rừng, dây ốm tong teo, nhưng dẻo dai, lá nhỏ cuốn tròn lên mấy chùm bông tím đang rũ xuống, kết trái, thứ trái nhỏ tròn như cái nút áo. Bươm bướm bay tung tăng đậu trên đó” (Sơn Nam, Đi và ghi nhớ, Văn hoá Sài Gòn, 2008, tr 271).

Tình người, tình đất gắn bó máu thịt trên trang viết. Hoa người, hoa đất quấn quyện qua sắc thái văn hoá. Sắc thái ấy bao trùm toàn bộ cảnh quan thiên nhiên và cảnh tượng sinh hoạt. Từ văn hoá vật chất đến văn hoá phi vật thể. Văn hoá tinh thần khó nắm bắt, nhưng với cảm nhận tinh tế, dễ nhận ra qua văn hoá ứng xử, văn hoá tín ngưỡng, văn hoá nghệ thuật.

Đặc sắc nhất chính là những tác phẩm rặt Nam Bộ: hát bội, hát huê tình, hát vọng cổ... Văn hoá Nam Bộ – với lịch sử hình thành khoảng 300 năm mang sắc thái cội nguồn của văn hoá miền Trung – nơi xuất phát di dân và khác biệt với văn hoá đồng bằng hoặc trung du  Bắc Bộ.

Sơn Nam đã từng tự bạch: “Tôi sinh ra ở đất U Minh, nơi đó là những cánh rừng tràm bạt ngàn kéo dài tới Rạch Giá, qua Sóc Trăng, Bạc Liêu và đến tận Cà Mau (...) Mùa len trâu, Hương rừng Cà Mau... được viết ra từ ký ức quê nhà mãi mãi không bao giờ phai nhạt” ( Nguyễn Mạnh TrinhSơn Nam – Ông già  Ba Tri của Nam Bộ, http//www. vietnamreview  3/10/2008 )

Thiên nhiên trong tác phẩm của ông, vì vậy mang đặc điểm nổi bật là bí ẩn, khắc nghiệt, hoang dã, (nhất là từ thuở xa xưa), rồi trở nên hồn nhiên, hiền hoà, trù phú như ngày nay. Có nơi, có lúc những nét đó còn xen kẽ đan lồng kỳ thú. Nhà văn đã có dịp so sánh qua hương thơm, màu sắc... bảng lảng bóng hình xưa: “Hương rừng ngào ngạt mùi hương xa lạ, nhưng quen thuộc (...), rừng xánlạn, ai dám nói là rừng âm u” [7, tập 2, tr 274 - 275].

Thiên nhiên ưu đãi, con người tạo dựng. Và từ đó là một sản phẩm đặc sắc nhất, mà nhà văn đã khai thác và mang đến cho bạn đọc ấn tượng “văn hoá sông nước”, “văn minh miệt vườn” như dấu ấn của Sơn Nam. Cảm quan văn hoá chính là hạt nhân của thi pháp, phong cách nghệ thuật Sơn Nam.

Xin phép được bỏ qua hai không gian nghệ thuật cũng mang dấu ấn nhà văn, nhưng không đậm nét bằng: không gian đô thị và không gian đời tư hay không gian nổi trội của tâm lý, suy tư.

III/ TÁC GIẢ VÀ HÌNH TƯỢNG TÁC GIẢ NỔI BẬT QUA TRANG VĂN

Sơn Nam (1926 – 2008) là một đời văn với văn nghiệp rất đáng trân trọng.

Ông có một nhân thân tốt, một lai lịch rõ ràng, thuần nhất, như con người lập nghiệp và thành danh từ cây viết.

Như nhiều lần tự bạch, Sơn Nam đúng là con người được sinh ra từ vùng sông nước, miệt vườn miền Tây Nam Bộ. Tuy nhiên, hầu như ông đã đặt chân lên khắp Vùng đất mới Nam Bộ.

Xuất thân trong một gia đình không lấy gì làm khá giả ở nông thôn, ông ráng học để mở mày mở mặt với đời, và cũng để làm rạng danh vùng quê hương có một lịch sử đẹp đẽ  và sáng láng về văn hoá.

Chàng thanh niên Phạm Văn Tài – tên khai sinh – có một chí hướng khác người, và một định hướng mưu sinh khác lạ  là cầm bút và mưu sinh bằng cây bút.

Năm 1952 là một bước ngoặt trong đời  riêng. Với tư cách một cán bộ văn hoá ở Rạch Giá, nhà văn xuất hiện với 2 tác phẩm được giải ở Chiến khu 9: Truyện vừa Bên rừng Cù lao Dung và ký sự Tây đầu đỏ được giải Nhất và Nhì Văn nghệ Cửu Long do Uỷ ban kháng chiến hành chính Nam Bộ trao tặng.

Tặng thưởng như cú hích quan trọng của đầu đời văn nghiệp. Từ đó, ông thâm nhập đời sống từ thành phố đến các vùng miền, để tìm hiểu và viết về con người Nam Bộ.

Qua sự nghiệp văn chương, khảo cứu, Sơn Nam đã tự bộc lộ nhân cách đẹp của  người một đời đam mê vì nghiệp viết.

Chính qua đó, bạn bè, văn nghệ sĩ càng hiểu rõ con người với toàn bộ thân thế và sự nghiệp. Họ vẽ nên những bức “chân dung” tính cách chính xác và đẹp đẽ về nhà văn qua việc trao tặng những biệt danh, biệt hiệu. Có thể kể qua: “Ông già Ba Tri”, “Ông già Nam Bộ”, “Nhà Nam Bộ học”, “Pho từ điển sống về miền Nam”, “Một linh hồn sống của văn hoá Nam Bộ”. Hoặc một cách hình ảnh, họ vinh danh ông là “Con nai hiền của bình nguyên”, “Cây đước lớn miền châu thổ sông Cửu Long”, “Sơn Nam, dề lục bình Nam Bộ”...

Sơn Nam là nhà báo, nhà văn. Trên phương diện khảo cứu, ông còn có tư cách nhà lịch sử, nhà văn hoá, nhà xã hội học. Tất cả những tư cách ấy đan xen, biến hoá trên những trang văn.

Điều quan trọng là, người đọc, bạn văn, nhà nghiên cứu thấy rõ trình độ tri thức, tài năng, và quan trọng hơn là những nét tính cách cơ bản của tác gia.

Trong bài viết Chủ nhân của rừng tràm (1997), tác giả viết: “Ông Sơn Nam viết truyện không chỉ bằng tâm hồn một nhà văn yêu thương xứ sở, mà còn là vốn tri thức lịch lãm của một nhà khảo cứu, nhà địa phương học” [14 ]. Sơn Nam là một tâm hồn thật đẹp Bản chất tâm hồn ấy đã được khắc hoạ từ lâu: “Tâm hồn Sơn Nam bình dị, thật bình dị như cỏ cây và thanh thoát như khí trời. Những lời nói và hoạt động văn chương, cũng như giữa cuộc sống đều toát ra sự hiền hoà, chân thực chẳng riêng với mình, còn với người” [19 ].

Giản dị, hiền hoà, nhân hậu, thanh bạch như cốt cách Sơn Nam mà nhiều người nhận thấy. Tuy nhiên, còn một đức tính nổi trội là  kiên nghị qua cuộc sống riêng và kiên cường trong đời viết. Qua đó, ta thấy được nghị lực và niềm tin vươn lên trong sự nghiệp cá nhân.

Ông kết hợp được trong con người và văn phong tính phóng khoáng nhưng lại nghiêm cẩn, dân dã nhưng đàng hoàng, cổ kính nhưng hiện đại... Bản tính hiền hậu, nhưng khi cần cũng biết dữ dội, quyết liệt như khi nhập vào dòng văn chương tranh đấu một thời.

Sơn Nam cũng không giấu niềm tự hào cá nhân, và đó cũng nằm trong niềm tự hào chân chính, lớn lao của quê hương, đất nước và dân tộc.

Hình tượng tác giả là thuật ngữ lý luận văn học chỉ một khái niệm. Đó là “người sáng tác ra tác phẩm văn học để lại dấu ấn nhân cách mình ở thế giới nghệ thuật do mình tạo ra”.[1] 

Trong thơ, có khái niệm “cái tôi trữ tình”. Vào văn xuôi nghệ thuật, thì đó chính là hình tượng tác giả.

Trong sự phát triển của lịch sử văn học, nội dung của nhân cách tác giả như tính cách, thế giới quan, đặc biệt là lập trường tư tưởng – thẩm mỹ ngày càng nhập sâu vào cơ cấu nghệ thuật của tác phẩm. Với  nghệ thuật tự sự có thể là chính nhân vật, hoặc người trần thuật với tư cách là hình thức gián tiếp có mặt của tác giả ngay bên trong tác phẩm của mình.

Nói hình tượng tác giả, hoặc “tiếng nói tác giả”, tức là nói đến dấu ấn cá nhân của những lớp ngôn từ nghệ thuật. Do đó  còn có quan niệm coi hình tượng tác giả là “hình tượng lời nói”.

Trong nhiều sáng tác, Sơn Nam hay dùng cách trần thuật chủ thể: “Bằng phương pháp này, người trần thuật có điều kiện phơi bày tất cả những gì sâu thẳm nhất của tâm hồn” [17]. Nhân vật với vai trò người trần thuật xưng “tôi” là một hình thức hoá thân của tác giả (Hình bóng cũ, Hai con cá, Mây trời và sóng biển, Ngó lên Sở Thượng, Thơ núi Tà Lơn, Ngày mưa đầu mùa,... nhất là Hồi ký). Dĩ nhiên, Sơn Nam còn sử dụng linh hoạt cả phương pháp trần thuật khách thể hay trần thuật khách quan.

Điểm nhìn trần thuật  được  nhà văn sử dụng linh hoạt. Tuy nhiên, trong truyện của Sơn Nam, điểm nhìn của nhân vật thường như trùng khít với điểm nhìn của tác giả. Nhân vật nói năng, suy nghĩ, hành động theo ý gần như của tác giả. Rất nhiều trường hợp nhân vật phát ngôn thay tác giả. Hầu hết nhân vật là sự hoá thân của nhà văn.

Trong Vạch một chân trời có chuyện phiêu lưu của Hai Tam và Tư Bá. Có chuyện tình yêu và cả chuyện đấu tranh mạnh mẽ để giành lại đất đai của Tổ quốc. Đây chính là tình yêu quê hương, đất nước được gửi vào người dân miền Nam. Nỗi niềm của Sỹ (Chim quyên xuống đất) cũng chính là tâm tư của người viết trước cảnh nước mất nhà tan: “... tiếng gọi của sông núi ở gần, ở xa (...) Chớ quên rằng ta là giống Lạc Hồng...”.

Hình ảnh Sơn Nam được thấy rõ qua tính cách của con người Nam Bộ trên những trang viết, nhất là ở những  điển hình tích cực. Đó là hình ảnh con người yêu nước, dũng cảm, mưu trí trong sự nghiệp Nam tiến và bảo vệ Tổ quốc, cũng là những con người nghĩa khí, hào hiệp, giàu lòng nhân ái. Đó chính là hình tượng tác giả lung linh sáng tỏ từ tác phẩm đi vào lòng người – những bạn đọc nối tiếp các thế hệ.

Một bạn văn đã nói rất chính xác và ấn tượng : ‘ Với Sơn Nam thì phải nói là  người và tác phẩm hoà làm một… Đọc tác phẩm là có thể biết được con người anh”.[14]  

Sơn Nam – nhà văn danh tiếng Nam Bộ, đã được bạn đọc khắp nơi trao tặng cho biệt hiệu đẹp. Đó là nhà văn, nhà văn hoá, nhà xã hội học độc đáo, có tầm vóc lớn lao. Ông đã sống cuộc đời cầm bút thanh cao. Hình ảnh nhà văn cao đẹp còn mãi trong lòng nhân dân, đất nước là tặng thưởng cao quý nhất với một cuộc đời, một hương hồn  thanh khiết.

 

 

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1] Lại Nguyên Ân (1999), 150 thuật ngữ văn học, Đại học Quốc gia Hà Nội.

[2] Võ Đắc Danh (2008), Hạt bụi nghiêng mình nhớ đất quê, Tuổi trẻ số 221 (5544).

[3] Hồ Sĩ Hiệp (1986), Vài nét về văn xuôi kháng chiến Nam Bộ, Văn nghệ quân đội.

[4] Lê Tùng Hiếu (2013), Lời giới thiệu – Văn  hoá Nam Bộ qua cái nhìn của Sơn Nam, Tuổi trẻ.

[5] Sơn Nam (2006), Hương quê – Tây đầu đỏ, Trẻ.

[6] Sơn Nam (2009), Biển cỏ miền Tây, Trẻ.

 [7] Sơn Nam (2011, 2012), Hương rừng Cà Mau tập 1 – 2 – 3, Trẻ.

[8] Sơn Nam (2003), Vạch một chân trời, Chim quyên xuống đất, Trẻ.

[9] Sơn Nam (2006), Bốn truyện vừa, Trẻ.

[10] Sơn Nam (2009), Hình bóng cũ, Trẻ.

[11] Sơn Nam (2006), Dạo chơi & Tuổi già, Trẻ.

[12] Sơn Nam (2009), Hồi ký, Trẻ.

[13] Sơn Nam (2003), Theo chân người tình & Một mảnh tình riêng, Trẻ.

[14] Nhiều tác giả (1997), Bình văn, Giáo dục.

          [15] Nhiều tác giả (2009), Đó là Sơn Nam, Thanh niên.

          [16] Nhiều tác giả (2012), Toạ đàm 50 năm Hương rừng Cà Mau, Trẻ, Tuổi trẻ.

          [17] Trần Đình Sử (1998), Dẫn luận thi pháp học, Giáo dục.

          [18] Trần Hữu Tá (2000), Nhìn lại một chặng đường văn học đã qua , Trẻ.

          [19] Tạ Tỵ (1970, 1971), Mười khuôn mặt văn nghệ hôm nay (1, 2), Kim Lai, Lá Bối.


Source: 
12-10-2020
Tags