Nhà văn, nhà nghiên cứu phê bình văn học, nhà giáo ưu tú Văn Tâm (tên khai sinh là Nguyễn Văn Tâm) sinh ngày 5/9/1933 - và qua đời ngày 24/6/2004 là một giảng viên thuộc thế hệ các nhà giáo đầu tiên của Khoa Ngữ Văn, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Cuộc đời ông, đặc biệt là từ khi ông mắc căn bệnh hiểm nghèo - tai biến mạch máu não, bị liệt nửa người, không tự đi lại được - thực sự là một cuộc chiến đấu. Chiến đấu để bảo vệ sự trung thực trong khoa học và trong cuộc đời, chiến đấu để giành giật sự sống, vượt lên hoàn cảnh, để có thể có được những giây phút được cầm bút làm việc trở lại và để chứng tỏ mình vẫn đang tồn tại.
Vào tuổi 24, Văn Tâm cho xuất bản công trình nghiên cứu, phê bình văn học đầu tay xuất sắc Vũ Trọng Phụng, nhà văn hiện thực (Nxb Kim Đức, 1957). Đối với một người mới tốt nghiệp đại học mà đã có ngay một chuyên khảo riêng bề thế như vậy cũng là điều hiếm thấy. Chàng trai say mê đọc sách và yêu thích văn học đó ngay từ những ngày còn là học sinh trung học tỉnh Thanh đi sơ tán đã hăng hái sáng tác kịch và say sưa tổ chức biểu diễn hết vở Ánh sáng và bóng tối (Nxb Kim Đức, 1952) lại đến Giải tán (Nxb Thời đại mới, 1953). Nhưng từ khi tốt nghiệp đại học loại Ưu và được giữ lại giảng dạy ở Đại học Sư phạm Hà Nội thì nhà viết kịch trẻ tuổi lại chuyển hướng sang nghiên cứu phê bình và nhanh chóng bị cuốn hút vào không khí đấu tranh tư tưởng và học thuật đang diễn ra sôi nổi lúc bấy giờ trên các giảng đường đại học. Với sự chân thành và hăng hái của tuổi trẻ, ông đứng ra phê phán những tư tưởng không trung thực trong học thuật và dám bênh vực những tư tưởng mới mẻ, động chạm đến ngay cả những người thày của mình. Và sự chân thành đã phải trả giá. Ông buộc phải rời vị trí giảng viên đại học - một vị trí lý tưởng đối với những người làm khoa học lúc bấy giờ để chuyển sang công việc khác. Cuốn sách mà ông công phu sưu tầm tư liệu, ấp ủ bao năm trời với những phát hiện mới mẻ Vũ Trọng Phụng, nhà văn hiện thực đã bị phê phán. Nhà phê bình có cá tính mạnh mẽ, cương trực, “uy vũ bất năng khuất”, một tài năng đã được thể hiện ngay từ tác phẩm đầu tay, tiếc thay, từ đó cũng bắt đầu một số phận long đong, chìm nổi như văn nghiệp nhà văn họ Vũ mà ông yêu quý. Phải hơn 30 năm sau, những ý tưởng khoa học của ông trong cuốn sách này một lần nữa lại được thực tế chứng minh là đúng đắn cùng với việc văn nghiệp của nhà văn họ Vũ được phục hồi trở lại.
Quyết không chịu lùi bước, năm 1964 Văn Tâm cho ra đời công trình dày dặn thứ hai của mình Tản Đà - khối mâu thuẫn lớn (Nxb Khoa học, 1964) dưới một bút danh khác: Tầm Dương, nhưng tiếc thay cuốn sách này cũng trở nên lạc điệu khi con người và văn chương Tản Đà không phải là tâm điểm chú ý của dư luận đương thời. Văn Tâm chính là người đầu tiên đã nghiên cứu Vũ Trọng Phụng và Tản Đà một cách toàn diện và công phu nhất. Điều đó đã thể hiện rõ bản lĩnh khoa học của nhà nghiên cứu khi dám lao mình vào những vấn đề khoa học gai góc, cũng tức là dám đương đầu với số dư luận đang chiếm ưu thế lúc bấy giờ, đang có những đánh giá một cách cực đoan, sai lệch đối với hai nhà văn lớn của dân tộc. Với hai tập chuyên khảo đầu tiên trong lịch sử nghiên cứu Tản Đà và Vũ Trọng Phụng, Văn Tâm đã có công đối với nền nghiên cứu phê bình văn học non trẻ của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Ngày nay, nhiều trang viết của ông, nhiều vấn đề đặt ra từ hai tập sách này vẫn còn nguyên giá trị, mặc dù ở nhiều phần của cả hai bộ sách ông cũng không tránh khỏi những hạn chế tất yếu của một thời.
Sau những “tai nạn nghề nghiệp” đó, Văn Tâm dường như “ở ẩn”. Ông buộc phải chuyển sang dạy văn ở trường phổ thông trung học. Nhà nghiên cứu trẻ tài hoa sau bao ngày buồn bã đã tìm thấy trong công việc mới của mình những ích lợi thiết thực hơn cho cuộc đời sau khi rời xa chốn “đao bút”. Ông cống hiến cả tuổi trẻ của mình cho công việc “trồng người”: đã có rất nhiều thế hệ học trò, trong đó có nhiều học sinh giỏi văn Hà Nội, miền Bắc và toàn quốc đã bước vào đời và trở thành những người tài giỏi có ích cho xã hội từ sự dìu dắt tận tình và từ những bài giảng sâu sắc của ông. Văn Tâm trở thành người bạn để họ tìm đến tâm tình, kho sách của gia đình ông trở thành thư viện lớn đối với họ, ở đó có rất nhiều cuốn sách mà họ không thể tìm thấy ngoài đời. Ông vinh dự được Nhà nước trao tặng danh hiệu: Nhà giáo ưu tú.
Bẵng đi vài chục năm, cây viết sung sức ấy im hơi, lặng tiếng. Tưởng rằng thời gian và sự nặng nề của cuộc đời đã bào mòn sức lực ông. Bởi có nhiều người rơi vào hoàn cảnh tương tự ông đã trở nên mòn cũ, mất thói quen viết, chào thua cuộc đời. Nhưng thật mừng là Văn Tâm đã "tái xuất" văn đàn với một bút lực còn sung mãn, mới mẻ, táo bạo và một vốn tri thức được nhân lên gấp nhiều lần.
Chính công cuộc đổi mới của toàn xã hội đã "cởi trói", đem lại cho những người trí thức tâm huyết với công việc như ông một vận hội mới. Ông như được hồi sinh bởi khát vọng đổi mới nền văn học dân tộc, đổi mới cách nhìn nhận và đánh giá các giá trị văn hóa dân tộc, cũng như mong muốn phục hồi và khám phá trở lại những giá trị văn học đã bị dập vùi hoặc quên lãng một thời đã trở thành máu thịt, cũng là điều tâm huyết mà ông đã phải chờ đợi bức xúc bao năm trời. Niềm say mê sáng tạo trở lại với Văn Tâm. Ông tự tìm lại mình và giúp bạn đọc tìm lại Tản Đà, Vũ Trọng Phụng, Đoàn Phú Tứ, Phùng Quán, Thơ mới và Xuân thu nhã tập..., tìm lại và khám phá nhiều nhà văn, nhà thơ khác nữa. Có lẽ, do có sự đồng cảm sâu sắc, nên Văn Tâm thích tìm đến những tài năng mà số phận cuộc đời hoặc số phận tác phẩm của họ phải chịu sự long đong, vất vả, tìm đến những trào lưu văn học chịu thiệt thòi do những quan điểm còn cực đoan, phiến diện một thời của chúng ta. Qua những hiện tượng văn chương đó, ông đã phát hiện ra những vấn đề lớn lao của văn học và xã hội Việt Nam, khám phá ra vẻ đẹp của văn chương và tình người. Ông bênh vực Vũ Trọng Phụng khi nỗi oan ức của nhà văn lên đến đỉnh điểm, khẳng định tài năng và nhân cách của nhà văn, ông đánh giá cao giá trị văn chương và tinh thần yêu nước đặc thù của Tản Đà giữa lúc mà người ta có những quan điểm không công bằng về nhà thơ, ông “làm sống dậy” “từ trong bóng tối”1 _ một Đoàn Phú Tứ tài hoa tuyệt vời, ông có một thái độ trân trọng trước sau như một đối với bộ phận văn học lãng mạn, đặc biệt là Thơ mới, bị coi là tiêu cực, ông chỉ ra cho mọi người thấy công lao và giá trị đối với sự phát triển văn hóa dân tộc của nhóm Xuân thu nhã tập xưa nay bị coi là tiêu biểu cho chủ nghĩa hình thức bí hiểm, ông bênh vực tác giả Vàng lửa và Kiếm sắc, chứng minh tính cao cả trong hồn thơ Phùng Quán - một nhà thơ còn chưa được đánh giá đúng mức vv... Ông xứng đáng với danh hiệu mà nhà văn Xuân Cang dành riêng gọi ông là “Người rũ bụi đường trường văn học”2.
Văn Tâm là một trong những người đi tiên phong góp phần tích cực đổi mới nghiên cứu và phê bình văn học, đổi mới cách tiếp nhận, cách tân các tiêu chí thẩm mỹ, bổ sung công cụ cho việc nhìn nhận và đánh giá văn học, cũng như đổi mới cách giảng dạy văn học trong Nhà trường. Những bài viết của ông vừa mang tính phương pháp luận, vừa có tính thuyết phục cao bởi những lập luận sắc bén và những tư liệu đáng tin cậy mà ông chỉ ra cho bạn đọc. Ông là một trong những khuôn mặt không thể thiếu của văn học thời kỳ đổi mới. Chỉ trong vài năm quay lại văn đàn, ông đã cho ra đời vài cuốn sách gây ấn tượng trong bạn đọc như Giảng văn văn học lãng mạn (Nxb Giáo dục, 1991), Góp lời “thiên cổ sự” (Nxb Văn học, 1992. Tặng thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam, 1993), Đoàn Phú Tứ - con người và tác phẩm (Nxb Văn học, 1995)... Giữa lúc ông đang hăng hái với những kết quả học thuật đã đạt được, lúc mà tư duy, trí tuệ của ông dường như đã được giải phóng thì bệnh tật lại cướp đi của ông sức khỏe cần thiết.
Đọc Văn Tâm từ lâu, nhưng trước khi ông mất vài năm do công việc tôi mới có dịp được tiếp xúc nhiều với ông và may mắn được chứng kiến những năm tháng cuối cùng của một cuộc đời lao động không ngưng nghỉ. Mặc dù bị bạo bệnh, thời kỳ đầu tưởng như không qua nổi, luôn phải nhờ người chăm sóc, nhưng Văn Tâm không ngừng làm việc bằng cánh tay yếu ớt còn chưa bị liệt của mình. Một ngày bình thường của ông cũng hết sức bận rộn. Ông dành nhiều thời gian để đọc sách, nhất là sách Phật học, đặc biệt là Thiền, một lĩnh vực mà nhà nghiên cứu say mê tìm hiểu từ lâu, nhưng như ông tâm sự, ông chỉ thực sự thấu hiểu những triết lý cao siêu đó từ khi phải đối diện trực tiếp với cái chết. Và cũng nhờ có tri thức sâu rộng về mặt này mà Văn Tâm đã viết được một loạt bài về ảnh hưởng Phật giáo trong văn hóa, văn học Việt Nam, trong đó nổi bật là việc khám phá ra chiều sâu độc đáo trong hai vở kịch của Đoàn Phú Tứ: Thiền học trong hai vở kịch nổi tiếng Ngã ba và Thằng cuội ngồi gốc cây đa của nhà viết kịch trứ danh này. Sắc thái Thiền học ấy, theo Văn Tâm, độc đáo thay, là “đợt sóng tràn bờ” sau bao năm thu hẹp dòng của dòng chảy văn chương Thiền học Việt Nam khởi nguồn mênh mang từ thời Lý-Trần. Có được phát hiện này một mặt là do Văn Tâm đã tìm về bối cảnh ra đời của tác phẩm, xem xét tâm trạng của người viết lúc đó, nhưng điều cơ bản hơn, là ở đây có sự đồng cảm giữa nhà phê bình và nhà viết kịch. Ở Văn Tâm, có lẽ một phần do những “tai nạn” mà số phận bắt ông phải gánh chịu, ông trở nên chuyên tâm tìm hiểu Thiền học và Phật học nói chung, và trên con đường đi tìm niềm an ủi cho thân phận mình, ông đã tìm thấy sự gần gũi với những niềm sâu kín của nhà văn họ Đoàn. Mỗi phát hiện của Văn Tâm đều gắn với những trải nghiệm của cuộc đời ông và nhiều khi đó là những trải nghiệm cay đắng phải đánh đổi bằng một giá rất đắt... Hàng ngày ông dành thời gian ngồi Thiền, nhờ vợ dìu đi dạo và lúc nào thấy làm việc được là cầm bút ngay. Mỗi khi có việc đến gặp ông, tôi đều phải sắp xếp thời gian thật sát sao để khỏi phạm vào những giây phút hiếm hoi đó. Ông nói với tôi: “Đối với mình lúc này, mỗi giây phút đều hết sức quý giá”. Văn Tâm viết khá vất vả, như vật lộn với trang giấy. Ông ngồi gò bó trên ghế, dùng chiếc ba-toong nối dài thêm cánh tay mình để khều những dụng cụ cần thiết cho việc viết như chiếc bút xóa, thước kẻ, cái kính... Bàn tay phải run run cầm bút, mỗi khi viết xong một bài, thường là mất một thời gian khá dài, mái tóc bạc của ông càng trở nên bơ phờ hơn, sự mệt mỏi hiện rõ trên khuôn mặt. Chữ ông run và khó đọc, vợ ông, bà Cao Thị Xuân Cam, ái nữ của Nhà nghiên cứu văn học, Hán học, Nhà nghiên cứu lịch sử tư tưởng nổi tiếng GS Cao Xuân Huy, thường phải tô lại từng chữ, đọc lại cho ông nghe và giúp ông chữa từng câu trước khi cho đi đánh vi tính. Với ông, bà vừa là thư ký, vừa là hộ lý, bác sĩ, đạo hữu... và trên hết là một người vợ rất mực thủy chung, hiền dịu, đảm đang, người bạn đời nâng đỡ cho ông từng giấc ngủ, bước đi. Chính bà là người đã làm dịu bớt đi trong ông những bi kịch mà cuộc đời và số phận đã liên tiếp giáng xuống người trí thức tài hoa - người mà dường như triết lý “chữ tài, chữ mệnh khéo là ghét nhau” vẫn luôn theo đuổi trên mỗi bước đường đời. Tôi chợt nhận thấy ở trong con người đang phải gồng mình để chiến thắng bệnh tật ấy tiềm tàng một nghị lực phi thường, một sự đam mê cháy bỏng đối với công việc, một năng lực không chịu đầu hàng hoàn cảnh. Một lần nữa Văn Tâm lại chiến thắng số mệnh, nhưng lần này rõ ràng là trong một hoàn cảnh khắc nghiệt hơn rất nhiều. Ông thuộc vào số những người cầm bút hy hữu trên đất nước ta đã viết văn trong một hoàn cảnh thật đặc biệt.
Mỗi khi trao đổi công việc với ông, nghe ông kể lại những lần ông phải bỏ ra rất nhiều công sức, tiền bạc để tìm kiếm tư liệu liên quan đến một tác giả nào đó, đôi mắt ông lại sáng bừng lên niềm vui của sự sáng tạo. Trên khuôn mặt bị căn bệnh hiểm nghèo làm cho mất cân đối của Văn Tâm lại nở nụ cười hóm hỉnh. Niềm vui ấy như được nhân lên gấp bội mỗi khi bài viết của ông được in ra. Ông thường sử dụng hết tiền nhuận bút (nếu nhuận bút quá thấp thì ông bỏ thêm tiền túi) để mua sách báo gửi biếu bạn bè khắp các miền của đất nước. Tôi chợt hiểu ra rằng, bên cạnh sự phóng khoáng, hào hoa, Văn Tâm còn muốn chứng tỏ cho bạn bè chiến hữu gần xa - những người đã nghĩ rằng trong hoàn cảnh của ông, có lẽ chỉ tồn tại được đã là khó lắm rồi, còn nói gì đến viết lách - biết rằng, Văn Tâm vẫn đang tồn tại đây và không chỉ tồn tại mà còn viết một cách “ngon lành” nữa, vẫn có bài in báo và có sách xuất bản đều đặn. Ông thường ký bên cạnh lời đề tặng chữ Tâm theo mẫu tự Hán đã được cách điệu: gồm “Một vầng trăng khuyết ba sao giữa trời”. Trên bầu trời Văn chương chữ Tâm là cái đích đến như thiên tài Nguyễn Du tác giả Truyện Kiều đã từng viết: “Chữ Tâm kia mới bằng ba chữ Tài”. Đối với Văn Tâm lúc này viết chính là cách “nối mạng” với thế giới bạn bè, người thân, học trò, bạn đọc..., là cách hữu hiệu nhất để ông nối dài cuộc đời trong hoàn cảnh không thể khác được của mình.
Văn Tâm viết thành công ở rất nhiều lĩnh vực như: thơ, văn xuôi cả cổ lẫn kim, sân khấu (kịch, chèo), hát nói, hội họa, điện ảnh... Những bài viết của ông về Hề chèo (Hề chèo - một mảnh hồn dân tộc), Hội họa (Tranh hồn quê Việt Trương Đình Hào), Hát nói (Thể phách và tinh anh hát nói - ca trù) là những kỳ công mà người viết chắc chắn phải thâm nhập và nhập thân một cách hết sức sâu vào lĩnh vực mà mình tìm hiểu mới có thể viết được. Ông luôn đặt đối tượng nghiên cứu vào bề rộng và chiều sâu văn hóa dân tộc và nhân loại để làm bật ra những chiều kích mới, mà những bài viết như Vũ Trọng Phụng trong “Rừng cười nhiệt đới” và Cảm thức nhân loại trong “Nhật ký trong tù” là những ví dụ điển hình. Ở bài viết nào sự hiểu biết của ông cũng đến mức thấu đáo, cặn kẽ và mới mẻ. Đó là những bài viết cô đọng, tài hoa, giàu thông tin và hết sức công phu. Đó cũng là những bài viết ngồn ngộn tư liệu nhưng lại mang đậm phong thái lịch lãm, đầy chất nghệ sĩ của người viết, là sự dồn nén tri thức để bật ra thành câu chữ, làm thay đổi nhận thức và cách cảm của bạn đọc ngay cả ở những vấn đề tưởng như đã không còn gì để bàn cãi. Với những cuốn sách và những bài viết của mình, Văn Tâm đã xác định tư cách chuyên gia về Tản Đà, Vũ Trọng Phụng và Đoàn Phú Tứ, chuyên gia về văn học lãng mạn Việt Nam, đặc biệt là Thơ mới. Ở ông đã hình thành một dạng văn hóa đọc, một cách cảm văn học kiểu Văn Tâm, chỉ nói những điều mình biết trên nền của một vốn tri thức sâu sắc, vừa thấm đượm tình người trong từng trang viết, đọc và viết trên nền của một thứ văn hóa hướng tới và tôn trọng người viết, người đọc, bảo vệ đến cùng cái đẹp và chân lý. Điều đó thật có ý nghĩa trong thời buổi văn hóa tranh luận trên sách báo của chúng ta gần đây có những lúc, những người đã đi quá đà, biến các diễn đàn văn học thành nơi để mạt sát và hạ nhục nhau. Trong nhiều bài viết của mình, Văn Tâm đả phá kịch liệt lối nghiên cứu văn học theo kiểu xã hội học dung tục, minh họa, "gác cổng", hiếu hỉ, mà ông là một trong những nạn nhân trong nhiều năm. Từ lâu ông đã chính thức tuyên chiến với loại văn chương phê bình, nghiên cứu kiểu này. Trong nhiều bài viết của ông có thể thấy rõ tính chiến đấu trong từng lập luận. Người bị phê phán khó có thể bắt bẻ lại được bởi ông có đầy đủ chứng cứ trong tay. Có thể thấy rõ ở Văn Tâm sự hòa quyện giữa những phẩm chất của nhà khoa học và nhà phê bình.
Nhiều bài trong Vườn khuya một mình (Nxb Văn hóa thông tin, 2001), cuốn sách được ông cho ra đời trong những ngày đau yếu, là những bài viết sâu sắc như: Thiền học trong hai vở kịch của Đoàn Phú Tứ (1999), Thể phách và tinh anh hát nói - ca trù, Thể phách thơ Việt Nam - khát vọng tự do (2000), Hồ Dzếnh - từ trái tim ân hận (2001)... Ông Kawaguchi Kenichi, Giáo sư Trường Đại học Ngoại ngữ Tokyo, khi giới thiệu bài Thể phách thơ Việt Nam - khát vọng tự do trên tạp chí Tổng hợp văn hóa nghiên cứu, số 3/1999 xuất bản tại Tokyo, Nhật Bản đã gọi đó là "một văn phẩm tuyệt tác". Những tháng cuối cùng của cuộc đời mình, Văn Tâm còn căng sức ra để hoàn thiện một loạt bài viết dài hơi, công phu như “Ông vua phóng sự đất Bắc” với thể ký viết về những đóng góp của Vũ Trọng Phụng cho sự phát triển của thể ký trong văn học Việt Nam hiện đại, bài Thơ trong gió của Bằng Việt, trong đó nhà phê bình đề cập đến sự trở lại thành công của Bằng Việt và dự báo một cuộc cách tân trong thơ ca đang tới gần, bài Khuynh hướng cao cả của hồn thơ Phùng Quán ca ngợi vẻ đẹp cao cả đầy nhân cách của con người và thơ ca Phùng Quán...
Tôi bỗng hiểu ra rằng, mọi nỗ lực của ông từ luyện tập, chạy chữa để thoát khỏi sự tàn phế, ngồi Thiền hàng ngày để hồi phục sức khỏe, đến việc đọc rất nhiều sách Phật cuối cùng không phải để tồn tại một cách bình thường mà chính là để giành giật lấy từng phút quý báu cho khát vọng được viết, được làm việc, được say mê tìm kiếm cái đẹp của văn chương. Tiếc thay những giây phút ấy trong hoàn cảnh sức khỏe của ông thật hiếm hoi. Ông đã lao động cho đến những giây phút cuối cùng của cuộc đời mình. Đó là một cuộc chiến đấu thật sự để vượt lên số phận, một cuộc chiến đấu không cân sức nhưng vô cùng cao đẹp mà Văn Tâm đã là người chiến thắng.
Ngay sau khi cuốn Vườn khuya một mình ra đời, tôi đã đề nghị Văn Tâm làm một cuốn Tuyển tập những tác phẩm và bài viết của ông nhưng ông chưa đồng ý, có lẽ nhà phê bình nghĩ rằng mình vẫn còn sức viết tiếp, nhất định danh mục các bài viết của ông còn phải dài hơn nữa. Và Văn Tâm lại miệt mài đọc, viết, viết, đọc... Chỉ đến những ngày cuối cùng ốm triền miên, nghĩ mình không qua nổi, ông mới đồng ý làm Tuyển tập, nhưng tiếc thay cuốn sách không kịp ra mắt trước khi ông từ giã cõi đời.
Ngày cuối trước khi ông mất, tôi tới thăm ông. Văn Tâm nắm chặt bàn tay tôi xúc động ứa nước mắt khi tôi báo cho biết đã có nơi nhận in sách của ông, ông phải gắng vượt qua đợt này để nhìn thấy sách của mình. Văn Tâm khẽ gật đầu, trong đôi mắt không còn linh hoạt của ông, tôi bỗng đọc thấy niềm tha thiết được trở dậy tiếp tục làm việc, được tiếp tục viết và hưởng niềm vui từ những trang sách của mình. Ông giơ bàn tay yếu ớt trên cơ thể đã trở nên bất động vẫy vẫy như khích lệ, động viên và vĩnh biệt tôi. Đêm ấy Hà Nội nóng kinh khủng, căn hộ nhỏ bé của tôi lại mất điện không thể ngủ nổi, người ta thông báo có vài trạm điện trong thành phố bị nổ do quá tải và con người chiến đấu để giành giật từng phút sự sống ấy đã ra đi.
Mỗi lần được chứng kiến sự gắng sức của Văn Tâm để được sống, được viết, nước mắt tôi lại trào dâng, thương, phục và tự hào về ông hơn. Sau lúc ông mất tôi luôn nghĩ đến một viễn cảnh để tự an ủi mình: ở phía sau bầu trời có vầng trăng khuyết và và những ngôi sao lấp lánh kia, giờ này chắc Văn Tâm đang trò chuyện tâm tình với những nhà văn thân yêu của ông. Họ: Tản Đà, Vũ Trọng Phụng, Đoàn Phú Tứ, Hồ Dzếnh, Phùng Quán... mỗi người một kiểu, đang hồ hởi chào đón nhà phê bình dũng cảm và nhân ái của mình, người “giũ bụi đường trường” cho họ, người đã dành những giây phút cuối cùng của cuộc đời mình để bảo vệ họ, để chứng minh cho mọi người thấy được sự cao cả, đẹp đẽ và chân thành trong nhân cách, cũng như trong những áng văn chương bất hủ của họ. Ở nơi đó, chắc rằng nụ cười hóm hỉnh của ông sẽ bừng sáng trên khuôn mặt không còn dấu vết của bệnh tật, của những ưu phiền trắc trở mà cuộc đời đã bắt ông phải gánh chịu.
Vũ Thanh