Văn học trong thời đại tiêu dùng

Trong những năm gần đây, sáng tác của nhà văn thế hệ 8x đã trở thành hiện tượng nổi bật ở Việt Nam và đặc biệt là ở Trung Quốc, tồn tại xung quanh nó là một nghịch lí trớ trêu: tác phẩm của những cây bút này là điểm nóng trên thị trường sách báo, nhưng lại nguội lạnh trên diễn đàn văn học chính thống.

Trong những năm gần đây, sáng tác của nhà văn thế hệ 8x đã trở thành hiện tượng nổi bật ở Việt Nam và đặc biệt là ở Trung Quốc, tồn tại xung quanh nó là một nghịch lí trớ trêu: tác phẩm của những cây bút này là điểm nóng trên thị trường sách báo, nhưng lại nguội lạnh trên diễn đàn văn học chính thống. Trong con mắt của phần lớn các nhà phê bình, những người trưởng thành, tác phẩm của nhà văn 8x là loại tác phẩm của trẻ con, ít giá trị nghệ thuật, nhưng điều đó vẫn không ảnh hưởng đến số lượng xuất bản sách của những cây bút này, chẳng hạn như nhà văn Hàn Hàn (Trung Quốc) xuất bản hàng vạn bản, “4.000 cuốn“Chuyện tình New York” của Hà Kin (Việt Nam) đã biến mất khỏi quầy sách chỉ trong tháng đầu tiên kể từ khi ra mắt”(Ba nữ nhà văn 8X Việt Nam đang được săn tìm – Theo Hạnh Đỗ, Tiền Phong). Thực tế này đòi hỏi chúng ta phải có một cách nhìn nhận khác đối với sáng tác của nhà văn thế hệ 8x nhằm phát hiện ra quy luật vận hành riêng của nó. Mục tiêu sáng tác quan trọng nhất của thế hệ 8x là đạt số lượng lớn trong xuất bản, tiêu thụ, được đông đảo bạn đọc thừa nhận. Độc giả cũng là một kiểu người tiêu dùng, khi sáng tác văn học đặt mục tiêu hàng đầu vào việc đáp ứng nhu cầu thị trường, kích thích sức tiêu thụ hàng hóa sẽ tạo nên sự biến đổi mạnh mẽ trên tổng thể hoạt động văn học, từ sáng tác, xuất bản, quảng bá, lưu thông. Khi nghiên cứu về sáng tác của thế hệ này, chúng ta có thể tập trung nhìn nhận nó trong chỉnh thể quá trình hướng tới chinh phục đông đảo độc giả với tư cách là lực lượng tiêu thụ, cũng như lí giải nó từ môi trường văn hóa mới hiện nay.

Sự xuất hiện của nhà văn 8x và sự xác định thị trường của các nhà xuất bản

Sự xuất hiện của nhà văn thế hệ 8x ngay từ đầu đã gắn liền với nhu cầu lợi nhuận của các tạp chí, nhà xuất bản. Tháng 1 năm 1999 Tạp chí Mầm non của Hội Nhà văn Thượng Hải đã phát động Cuộc thi sáng tác Khái niệm mới, cuộc thi hướng tới các cây bút đang học trong nhà trường này thu được kết quả tốt đẹp không ngờ, họ không chỉ phát hiện ra nguồn tiềm năng sáng tác dồi dào từ học đường mà quan trọng hơn là đã phát hiện ra lực lượng bạn đọc đông đảo cũng từ nơi đó. Theo thống kê, năm 2005 có khoảng 1000 cây bút 8x thường xuyên công bố tác phẩm, nhà văn đăng kí trên internet có hơn 2 vạn(­­­3). Nhân vật tiêu biểu xuất hiện sớm là Hứa Giai với tác phẩm tiêu biểu “Tôi yêu ánh nắng mặt trời”, Hàn Hàn với tác phẩm tiêu biểu: “Tâm trùng môn”. Đặc biệt là 2-2-2004, ảnh của nữ nhà văn Xuân Thụ đang trên trang đầu tạp chí châu Á “Thời đại”, cũng vào tháng 6 cùng năm, nhà văn tiêu biểu cho tiểu thuyết tiên phong đã cho ra đời cuốn “Trùng Kim Thuộc – tinh tuyển ngũ hổ tướng phái thực lực 8x” khiến các cây bút 8x gây được sự chú ý rộng rãi, hiện tượng 8x trở thành hiện tượng văn học nổi bật trên văn đàn thế kỉ này

Các nhà xuất bản khi được thị trường hóa thì đều phải theo đuổi lợi nhuận, họ đều có kế hoạch lăng xê các cây bút trẻ nhằm câu khách. Sự nổi tiếng của một số nhà văn 8x cũng một phần do các phương tiện truyền thông hỗ trợ. Trương Duyệt Nhiên được nhà xuất bản Văn nghệ Xuân Phong đánh bóng, tạo nên một hình tượng Ngọc nữ trong giới sáng tác trẻ. Quách Kính Minh dưới sự lăng xê của nhà xuất bản đã thay thế Hàn Hàn, trở thành nhân vật thủ lĩnh mới của văn học trẻ. “Nhà xuất bản Triều Hoa Bắc Kinh tuyên bố bỏ ra 100 vạn Nhân dân tệ để tạo nên hiện tượng Lâm Thiên Vũ, biến cây bút 8x này trở thành nhân vật đứng đầu mới của nhà văn thế hệ 8x”.

Nguyên tắc sao chép văn hóa trong sản xuất công nghiệp dưới tác động của truyền thông đã chi phối rất lớn đến hoạt động sáng tác của thế hệ 8x. Khi một tác phẩm được truyền thông lăng xê, nó liền lập tức tạo ra một xu hướng sáng tác theo nó. Chẳng hạn cuốn “Tam trùng môn” của Hàn Hàn, dưới sự lăng xê của truyền thông liền tạo ra xu hướng “tuổi trẻ phá phách”, xu hướng viết về “tuổi trẻ tàn khốc” rộ lên sau khi “Búp bê Bắc Kinh” của Xuân Thụ ra đời. “Tuổi trẻ ưu sầu” được tạo ra sau khi “Ảo thành” của Quách Kiến Minh xuất bản. Không ngừng đưa ra các hiện tượng mới thu hút công chúng luôn là yêu cầu của sản xuất công nghiệp văn hóa. Vì thế 2-2-2004 tờ “Thời đại tuần báo” của Mĩ đưa Xuân Thụ lên trang bìa dẩy Xuân Thụ, Hàn Hàn trở thành nhân vật trọng điểm của trào lưu linglei. Để đáp ứng, thì cùng năm đó, 10-3 tờ “Nam phương đô thị báo” lại chọn các đại diện khác. Trong sản xuất văn hóa đương đại, các hiện tượng đều tồn tại ngắn ngủi, nhanh chóng nổi tiếng, rồi lại nhanh chóng chìm đi, vì thế, các nhà văn 8x hướng tới làm thế nào để nổi tiếng nhanh để thu được một khoản tiền lớn, rồi chấp nhận chìm lắng.

Lộ trình xuất hiện của nhà văn 8x khác rất xa so với truyền thống. Thế hệ 8x lại trực tiếp liên hệ với nhà xuất bản, nhà sách, thông qua các phương tiện truyền thông mà không cần phải đi qua con đường đăng bài trên các tạp chí tỉnh lẻ, tạp chí trung ương, tạp chí chuyên ngành, gây sự chú ý của giới phê bình rồi mới xuất bản sách. Thế hệ 8x xuất hiện trong thế kỉ mới, dưới sự điều khiển của các nhà xuất bản, dựa vào sự lăng xê của thị trường, thông qua các phương tiện truyền thông như tạp chí, dặc biệt là internet để xuất hiện trước người đọc. Cách gọi 8x cũng là xuất phát từ mục đích kinh doanh, nhà xuất bản, phê bình văn học, phương tiện truyền thông hợp lực lại để tạo ra một thương hiệu vì mục đích thu lợi nhuận. Phần lớn các nhà văn 8x thường công bố tác phẩm của mình trên mạng trước như một sự thử nghiệm phản ứng của độc giả, nếu họ nhận được nhiều sự ủng hộ của cư dân mạng thì sẽ có nhà xuất bản tìm đến. Có được sự hưởng ứng của cư dân mạng, cũng có thể về mặt nghệ thuật của tác phẩm là xuất sắc, cũng có thể không, nhưng với nhà xuất bản, chỉ cần có độc giả, có thị trường là đủ.

Sự xuất hiện của 8x cho thấy một xu hướng văn học chuyển sang thị trường hóa, điều này tạo ra xung đột rất lớn đối với văn học truyền thống. Nhà văn 8x trước hết đạt được sự thừa nhận của thị trường và sự ủng hộ của cư dân mạng, sau đó mới dần dần đi vào tầm ngắm của giới phê bình văn học, mô hình sản xuất văn học theo kiểu thương mại hóa này đả kích rất lớn đối với thể chế văn học hiện có, ít nhất nó nói với chúng ta một sự thật: trong điều kiện hiện nay, nhà văn không nhất thiết phải nằm trong thể chế văn học mới có thể có được sự thừa nhận của xã hội, đặc biệt là sự thừa nhận của độc giả. Phương tiện truyền thông hiện đại và xã hội thương mại không chỉ mang đến cho 8x điều kiện thuận lợi mà còn mang đến cho văn học một không gian văn hóa mới làm thay đổi sản xuất văn học, tiêu thụ và truyền bá, tiếp nhận văn học, mang lại luồng sinh khí mới cho toàn bộ văn học.

Tận lực đáp ứng thị hiếu của một lớp độc giả trẻ tuổi

Sáng tác của thế hệ 8x trở thành điểm nóng của thị trường vì nó đã tạo ra “món ăn” hợp khẩu vị với lớp độc giả trẻ tuổi, nắm bắt được nhu cầu, tâm lí của giới trẻ. Các nghiên cứu về thế hệ 8x ở Trung Quốc đều thống nhất nhận định: 8x là thế hệ được sinh ra và lớn lên trong thế giới vật chất thời hậu cách mạng. Họ phần lớn là con một trong gia đình, được cưng chiều nhưng cũng chịu nhiều áp lực từ sự kì vọng con cái “thành rồng, thành phượng” của các bậc phụ huynh. Họ cũng chịu áp lực của sự cạnh tranh khốc liệt trong các kì thi, trong việc học hành quá tải. Là con một trong gia đình, họ bị cách li, hạn chế trong giao lưu, khuyết thiếu các giá trị. Tất cả tạo nên tâm lí ưu sầu khó có thể vơi bớt. Vì thế, họ tìm được nơi giải tỏa khi tiếp cận những tác phẩm của thế hệ 8x. “Tam trùng môn” của Hàn Hàn đã chỉ ra ba vòng kiềm tỏa đặt lên mỗi học sinh, đó là: trường học, gia đình, xã hội. Nhân vật chính Lâm Vũ Tường không chịu được sự kiềm tỏa này đã bỏ đi như một sự giải thoát cho những ưu sầu, giải thoát khỏi áp lực. Cách giải quyết này được độc giả thanh thiếu niên hưởng ứng vì họ tìm được hình bóng cuộc sống của bản thân trong đó. Sự ủng hộ của họ trở thành động lực thúc đẩy các cây bút 8x tham gia sáng tác. Ở một chừng mực nhất định “Búp bê Bắc Kinh” của Xuân Thụ, “Ảo thành” của Quách Kiến Minh, “Hồng X” của Lý Sỏa Sỏa… đều thể hiện sự phản kháng đối với thế giới. Lớp độc giả 8x này luôn tìm thấy được sự đồng cảm khi đọc những tác phẩm viết về áp lực và sự phản kháng của những nhà văn cùng trang lứa.

Điều cơ bản hơn cả là do độc giả và tác giả có cùng thân phận, họ đều là những học sinh trung học, bao gồm cả sinh viên đại học, vì thế rất dễ có sự đồng cảm, hưởng ứng. Sự hưởng ứng của độc giả 8x với nhà văn 8x không chỉ là sự đồng cảm qua những điều được viết trong tác phẩm, mà quan trọng hơn là sự thành công của tác giả trở thành tấm gương, thành gợi ý để họ thực hiện những ấp ủ của mình, trong đó có nhu cầu được xã hội công nhận. Thế hệ 8x ở Trung Quốc có nhu cầu rất lớn thoát khỏi áp lực của gia đình, nhà trường, được khẳng định bản thân, vì thế, họ hưởng ứng Hàn Hàn, Xuân Thụ phủ nhận thể chế giáo dục chính thống, đem sự thất bại của cuộc sống trường học và giáo dục trong nhà trường thể hiện ra. Sự thành công của các nhà văn cùng trang lứa khiến độc giả vô cùng ngưỡng mộ. Hàn Hàn sau khi thành công liền mua được chiếc xe đua mà mình yêu thích, Xuân Thụ sau khi thành danh có thể tiếp tục theo đuổi sở thích âm nhạc của mình; điều quan trọng là họ thực hiện được ước nguyện của mình: xa rời trường học đầy áp lực, xa rời việc thi cử mệt mỏi, viết vài cuốn tiểu thuyết ăn khách, kiếm được số nhuận bút không nhỏ. Trải nghiệm cuộc sống thông qua những sáng tác cùng trang lứa, ở một mức độ nhất định đã thỏa mãn nhu cầu của độc giả thanh thiếu niên. Chính việc phát hiện ra khẩu vị của lớp độc giả trẻ tuổi đông đảo đã tạo nên thành công bất ngờ của văn học 8x.

Độc giả thanh thiếu niên của văn học 8x còn là một lực lượng tiêu thụ văn hóa, văn học to lớn. Trương Di Vũ cho rằng “họ đều là con một, xuất hiện vào thời kì giầu có nhất trong lịch sử trung Quốc; họ muốn mua sách, thế là Quách Kinh Minh biến thành anh hùng văn hóa; họ muốn chơi game, thế là Trần Thiên Kiều biến thành đại gia game online… sức tiêu thụ văn hóa của họ càng ngày càng lớn”. Họ đã tạo nên một thị trường đọc sách đặc thù với sức mua lớn nhất. Với kinh tế ngày một khấm khá, họ là đội quân chủ lục tiêu thụ sách. Đối tượng độc giả này khi tiêu thụ sản phẩm văn hóa thường không có sở thích cố định, chỉ cần phù hợp với yêu cầu thẩm mĩ và khẩu vị của họ, họ liền lập tức mua và tiêu thụ, dù phải mượn tiền. Hơn nữa, trong thời đại này, văn học hướng tới đề cao chức năng giải trí, tiêu thụ, mang đến sự tưởng tượng và sự an ủi cho cá nhân. Thị trường văn học hiện nay là địa bàn của giới trẻ, vì “bậc trung niên không đọc sách nữa rồi, hoặc là chỉ đọc sách có tính ứng dụng, cho nên thị trường văn học thực sự đã chuyển cho giới trẻ, thanh thiếu niên là chủ lực của thị trường văn học, đọc sách, mua sách, viết sách đều là thế hệ này” (Xem: Năm nhà phê bình văn học, khách mời của của website Sina bàn về hiện trạng văn học,http://book.news.sina.com.cn, 27-7-2004).

Truyền thông hiện đại và sức thu hút độc giả của nhà văn

Sự xuất hiện của truyền thông hiện đại, đặc biệt là sự xuất hiện của internet đã làm thay đổi mãnh liệt phương thức sáng tác, truyền bá và tương tác của văn học. Không gian internet cho phép mọi người đều có thể trở thành nhà văn, sáng tác được tự do hơn, đơn giản hơn, đặc biệt là sự truyền bá trở nên dễ dàng chưa từng thấy. Ngày nay, gia nhập vào lĩnh vực văn học nhà văn 8x không cần phải ôm bản thảo chạy đến các toàn soạn, nhà xuất bản, chỉ cần họ muốn, internet sẽ giúp họ. Phương thức xuất bản của cá nhân trên mạng là: không biên tập, không kĩ thuật, không thể chế, không thành bản, không hình thức. Chỉ cần một máy tính, một con chuột, một dây mạng là có thể thoải mái thể hiện tư tưởng của mình trên mạng. Các nhà văn 8x hầu như ai cũng có không gian trên mạng, và đều có các fan trên mạng của mình. Internet tạo ra tính tương tác nhiều chiều, không chỉ giữa người viết và người đọc mà còn tương tác giữa người đọc với nhau. Tác phẩm của anh một khi đã công bố trên mạng, ý kiến của bạn đọc có thể truyền đến bạn bất kì lúc nào, đồng thời công người tiếp nhận còn có thể căn cứ vào sở thích, vào sự lí giải của bản thân tiến hành chỉnh sửa, bổ sung đối với tác phẩm của bạn, tạo ra một văn bản mới. Sự xuất hiện của internet mang đến sự thể nghiệm văn học hoàn toàn mới: đồng cảm không gặp trở ngại, đọc ngay lập tức, phản hồi, sáng tác tức thì, khiến cho sáng tác và truyền bá cá nhân có được một không gian mở chưa từng có. Các nhà văn 8x đều tận dụng ưu thế của internet, để tác phẩm của họ chiếm được số lần vew nhiều nhất trên mạng, tạo cơ sở tốt để họ tiến vào truyền thông giấy mực. Sự hỗ trợ của intenet đối với các cây bút 8x là không thể phủ nhận. “Ảo thành” của Quách Kiến Minh chính là bắt đầu từ xuất hiện trên website Mầm mống, sau đó mới được nhà xuất bản Xuân Phong phát hiện và xuất bản. “Búp bê Bắc Kinh” của Xuân Thụ cũng là hiện tượng tương tự. Chính internet đã mang đến con đường để các sáng tác 8x bước vào tầm ngắm của các nhà xuất bản. Khi tác phẩm có lượng view lớn trên mạng, thì việc được các nhà xuất bản xuất bản chỉ là chuyện một sớm một chiều. Việc sáng tác, công bố trên mạng, nhà văn đạt được sự tự do tối đa, đồng thời, các nhà văn đều hướng tới mục đích gây được sự chú ý của độc giả. Bởi vì số lượt truy cập và sự ủng hộ của độc giả mạng sẽ là cơ sở quyết định cơ bản tác phẩm đó có lọt vào tầm ngắm của các nhà xuất bản hay không. Như thế, độc giả trên mạng không chỉ khiến các nhà văn 8x nhanh chóng gây được sự chú ý, nhanh chóng thành danh, mà còn góp phần mang đến cho họ nguồn lợi nhuận không nhỏ. Sự kết hợp giữa internet và nhà xuất bản dần dần dưa văn học vào con đường thương mại hóa. .

Văn học 8x, sản phẩm tất yếu của xã hội tiêu dùng Trung Quốc

Có thể nói, hiện tượng 8x là kết quả phát triển tất yếu trong hoàn cảnh văn hóa Trung Quốc thế kỉ mới. Nền kinh tế thị trường, xã hội tiêu dùng đã định hình một cách tương đối rõ nét ở quốc gia rộng lớn này. Phương tiện truyền thông hiện đại xuất hiện tạo ra sự biến động mạnh mẽ trong lĩnh vực văn hóa. Thẩm mĩ hóa đời sống thường nhật trở thành xu hướng rõ nét tác động mạnh mẽ đến hoạt động sáng tạo, nghiên cứu văn học, tính tiêu dùng, tiêu khiển của văn học được đề cao, các trào lưu thời thượng xuất hiện. Trưởng thành trong hoàn cảnh xã hội tiêu dùng, tâm lí tiêu dùng, nhu cầu tiêu dùng, phương thức tư duy tiêu dùng đã ngấm sâu vào thế hệ 8x. Họ làm quen với sự giao thoa giữa thị trường và văn hóa, văn hóa và khoa học kĩ thuật, văn học và truyền thông. Cái mà họ quan tâm không còn là văn học thỏa mãn nhu cầu tinh thần con người, mà là làm thế nào tận dụng lợi thế của bản thân tạo nên sức thu hút trên thị trường, quan tâm đến nhu cầu của người tiêu dùng. Những cây bút 8x ngay từ khi bắt đầu sáng tác đã biết cách làm thế nào để thích hợp với thị trường, phối hợp với nhà xuất bản, tự đánh bóng bản thân, lăng xê bản thân. Chú ý đến cá tính hóa, cá nhân hóa, gây sự chú ý, thừa nhận của xã hội, bên cạnh việc khẳng định bản thân còn là hình thức thu hút sự chú ý của độc giả. Các cây bút 8x rất biết tận dụng sức mạnh truyền thông để quảng bá hình ảnh của mình. Họ tham gia các hoạt động phỏng vấn, tặng chữ kí, tận dụng không gian internet, nhằm biến mình trở thành thần tượng của giới trẻ, tấn công vào tâm lí tiêu dùng của con người hiện đại. Có những người mua sách của Hàn Hàn chỉ vì để xem trong đó có kiểu ảnh nào mới nhất của nhà văn. Một điều đáng chú ý là không ít tác phẩm của các nhà văn Trung Quốc được dịch ra tiếng Việt và thu hút được lượng người đọc tương đối đông, nhưng các bài dịch về nhà văn Trung Quốc thế hệ 8x chủ yếu tập trung vào những tin tức mang tính chất giật gân câu khách chẳng hạn như những bài dịch tin: “Nhà văn 8x Trung quốc – thế hệ vàng xỉn màu”(Hà Linh dịch), “Nữ nhà văn 8x thách thức Kim Dung”(Phan Võ tổng hợp), “Những nhà văn 8x chưa nở đã tàn”(theo Thu Thủy, trên Tiền Phong), “Những nhà văn 8x triệu phú ở Trung Quốc”(Theo Thu Thủy, Tiền Phong/CRIonline), hoặc dịch những bài phỏng vấn về các nhà văn 8x nổi bật như “Nhà văn 8x Trương Duyệt Nhiên, viết khi tôi cô độc” (Theo Nhuệ Anh, Văn nghệ trẻ) … Ngay 10h45 phút ngày 23-10-2011 trên Xalo tin tức Việt Nam đăng tin “Trung Quốc: 15 gương mặt tiêu biểu của văn học 8x”… Những bản dịch tin kiểu này cho thấy họ đã coi những nhà văn của thế hệ này là một kiểu minh tinh màn bạc, và người đọc tìm đến họ nhằm thỏa mãn nhu cầu tiêu dùng văn hóa hơn là thỏa mãn nhu cầu thẩm mĩ nghệ thuật.

Kết luận

Đứng trước một hiện tượng văn học mới trong bối cảnh lịch sử, kinh tế xã hội đặc thù, trước tiên nên lí giải sự xuất hiện, tồn tại của nó, từ đó phát hiện hiện ra quy luật vận động bên trong. Sự lãnh đạm của giới phê bình văn học đối với sáng tác của những cây bút thế hệ 8x phần lớn do các nhà phê bình này xuất phát từ quan điểm cũ về hoạt động văn học, về bản chất, chức năng của văn học, họ không chấp nhận xu hướng thị trường hóa văn học, không chấp nhận việc tác phẩm xuất bản tràn lan mà không có tác phẩm xuất sắc, xuất hiện gây ồn ào một thời gian rồi chìm vào quên lãng. Cho dù các nhà phê bình văn học có hưởng ứng hay không hưởng ứng thì hiện tượng văn học 8x vẫn tồn tại ở Việt Nam và Trung Quốc, trở thành một bộ phận của văn học đương đại mỗi nước, đem lại một luồng sinh khí mới. Cho dù các nhà phê bình có muốn hay không muốn thì sự thật, Việt Nam và Trung Quốc vẫn đang chịu sự chi phối mạnh mẽ của nền kinh tế thị trường, đặc điểm của xã hội tiêu dùng với sự lên ngôi của văn hóa đại chúng vẫn đang ngày một rõ nét, lãnh địa của văn học đang bị các lĩnh vực khác, đặc biệt là truyền thông hiện đại xâm nhập một cách mạnh mẽ. Trong bối cảnh văn hóa mới như vậy, độc giả thực sự trở thành thượng đế của văn học, và hiện tượng văn học 8x xuất hiện như một minh chứng rõ nét điều này.

 Nguồn: Văn nghệ Trẻ

Tài liệu tham khảo:

1. Từ Đa Dư(Trung Quốc): Nhận chứng văn học 8x: vũ đạo của ngòi bút. Nxb Công nghiệp điện tử, Bắc Kinh, 2011

2. Thẩm Tình(Trung Quốc)Thấu thị nội hàm tư tưởng sáng tác văn học 8x. Tạp chí khoa học Trường ĐHSP Hà Nam, 11-2005

3. Chu Vĩnh Mai(Trung Quốc)Bước đầu nghiên cứu hiện tượng văn học của các nhà văn 8x.Tạp chí khoa học trường Cao đẳng Lâm Thương, 3-2007

4. Giang Băng(Trung Quốc): Ý nghĩa văn học sử của văn học 8x. Tạp chí Tranh luận văn nghệ, số12-2009.

5. Nguyễn Thanh Sơn: “Văn học Việt Nam đang phải trả giá”. Thể thao văn hóa, 2-2011

6. Nguyễn Huy Thiệp và dòng văn 8X. Việt Báo, 8- 2006


Source: 
15-10-2020
Tags