Văn học Mỹ Latin ở Việt Nam

Văn học Mỹ Latin được biết đến ở Việt Nam từ thập niên 60 của thế kỷ XX, đúng lúc nó có được sự phát triển “bùng nổ” nhất, làm thành hiện tượng chủ nghĩa hiện thực huyền ảo vang rội toàn cầu. Tuy nhiên, những tiếp xúc đầu tiên của Việt Nam với nền văn học khu vực này lại không chỉ xuất phát từ phẩm tính huyền ảo đặc trưng của nó.

Chỉ đến những năm 80, nhờ việc dịch thuật và truyền dẫn lý thuyết của dịch giả Nguyễn Trung Đức và cộng sự (Phạm Đình Lợi, Mạnh Tứ, Nguyễn Quốc Dũng,…), với sự góp sức của các dịch giả từ ngữ nguồn Tây Ban Nha hay các ngữ trung gian Pháp, Nga, Anh (như Lê Xuân Quỳnh, Vũ Việt, Dương Tường, Hoàng Thái Anh, Ngô Vĩnh Viễn, Trần Hữu Mai,…), bạn đọc Việt Nam mới thực sự biết đến chủ nghĩa hiện thực huyền ảo Mỹ Latin. Sau bước ngoặt này, việc giới thiệu văn học Mỹ Latin ở Việt Nam cũng rẽ theo ngả khác, dựa theo những tiêu chí khác, như sự tiếp nối danh tiếng của Gabriel García Marquéz hay các tác giả được dán nhãn International Bestseller.

Vì sao lại có những khúc quành này?

Thứ nhất, suốt hai mươi năm, từ bài nói chuyện đầu tiên về văn học Mỹ Latin của René Despestre, Giám đốc văn học của NXB Quốc gia Cuba, tại Viện Văn học (Hà Nội) ngày 21/12/1960, sau được Trọng Đức dịch công bố trên hai số liên tiếp của tạp chí NCVH (số 9 và số 10/1961), các lời giới thiệu các dịch phẩm như là nhận thức định hướng, và các công trình nghiên cứu về văn học Mỹ Latin của chẳng hạn, Đoàn Đình Ca, Lưu Liên, Ca Văn Thỉnh, Lê Xuân Quỳnh, Nguyễn Đức Nam, Nguyễn Viết Thảo,… đều đặt cái nhìn văn học Mỹ Latin trên quan điểm đó là nền/nhà văn “hiện thực tiến bộ”, dù thảng hoặc, như với Nguyễn Đức Nam, “chủ nghĩa hiện thực huyền ảo” đã được nhắc tới (tạp chí Văn Học, số 1/1975).

Ngày 9/5, Phòng Văn học nước ngoài và Phòng Văn học so sánh thuộc Viện Văn học phối hợp tổ chức tọa đàm Chủ nghĩa hiện thực huyền ảo Mỹ Latin. Tham gia tọa đàm, có các diễn giả PGS.TS. Đào Tuấn Ảnh (thuyết trình về chủ nghĩa hiện thực huyền ảo và dấu ấn của dịch giả Nguyễn Trung Đức trong việc chuyển dịch văn học Mỹ Latin), ThS. Đoàn Ánh Dương (thuyết trình về việc tiếp nhận văn học Mỹ Latin ở Việt Nam), các khách mời PGS.TS. Lê Huy Bắc, dịch giả Trần Tiễn Cao Đăng.

Thứ hai, nhìn vào những tác giả và tác phẩm được chuyển sang Việt ngữ. Về phía tác giả, không phải ngay từ đầu, các nhà văn làm thành sự “bùng nổ” của văn học huyền ảo Mỹ Latin những năm 1960-70, cũng là lúc bắt đầu sự chuyển dịch vào Việt Nam, đã được chọn dịch, với bộ bốn nhà văn trẻ gây sóng gió dư luận đương thời, là: Julio Cortázar (Argentina), Carlos Fuentes (Mexico), Gabriel García Marquéz (Colombia) và Mario Vargas Llosa (Peru). Những tác giả được chọn dịch lúc ban đầu, chủ yếu từ phía những nhà văn đặt nền tảng cho sự phát triển của chủ nghĩa hiện thực huyền ảo, là Jorge Amado và Miguel Ángel Asturias (Alejo Carpentier, Juan Runlfo, Jorge Luis Borges, Octavio Paz sẽ được bổ sung dần ở giai đoạn sau). Còn với những tác giả trẻ đã nói ở trên, trong hai tác giả được dịch sớm nhất ở giai đoạn sau, trừ García Marquéz được chuyển dịch khá đầy đủ, tác phẩm sớm nhất của Vargas Llosa được dịch, Dì Hulia và nhà văn quèn (Vũ Việt dịch, NXB Tác phẩm mới, 1986), cũng không phải là tác phẩm làm nên tên tuổi của ông khi phong trào huyền ảo “bùng nổ”. Đây cũng là điều xảy ra với các nhà văn lớp trước. Để về sau, cả hai thế hệ nhà văn này đều được dịch bổ sung những tác phẩm của thời kỳ “bùng nổ” hay những tác phẩm đánh dấu mốc trong sự nghiệp, dù không thật đầy đủ, cùng với không nhiều gương mặt văn học đáng kể sau hai thập niên phát triển thần kỳ ấy, trước khi thị hiếu công chúng Việt Nam lại rẽ quành vào một ngả khác. 

Những bước khởi đầu của văn học Mỹ Latin ở Việt Nam

Văn học Mỹ Latin được giới thiệu ở miền Bắc Việt Nam trước hết bởi tính chất cách mạng (xã hội) của nó. Đó là thơ văn từ nền văn học Cuba: Thơ An-giê-ri – Quy-ba (nhiều dịch giả, NXB Văn học, 1960; về sau, riêng tác giả Nicolas Guillén còn được Xuân Diệu tuyển dịch một tập: Thơ Nicôla Ghiden, NXB Văn học, 1981), tiểu thuyết Béc-ti-li-ôn 166 [Bertillion 166], Giải nhất về tiểu thuyết do cơ quan trao đổi văn hoá giữa các nước châu Mỹ Latin, của José Soler Puig (Đức Ngọc dịch, NXB Văn học, 1962), kịch Đồng mía, Giải nhất văn học Cuba, của Paco Alfonso (Trần Công Tá dịch, NXB Văn học, 1965), truyện ngắn nhiều tác giả: Truyện ngắn Cuba (Lê Xuân Vũ dịch, NXB Văn học, 1964), về sau, còn hai tuyển tập truyện ngắn Cuba khác cũng được tuyển dịch: Giờ thì em không còn sợ nữa (nhiều người dịch, NXB Văn học, 1980) và Mặt đất và bầu trời (nhiều người dịch, NXB Lao động, 1984). Ngoài nền văn học dân tộc Cuba, thời gian này còn xuất hiện tác phẩm của các tác giả Mỹ Latin khác. Từ nền văn học Chile, thơ của Pablo Neruda (Thơ Pabơlô Nêruđa, Đào Xuân Quý dịch, NXB Văn học, 1961). Từ nền văn học Brazil, tiểu thuyết Những con đường đói khát của Amado (Huy Phương dịch, NXB Văn hóa, 1960). Từ nền văn học Guatemala, tiểu thuyết Ngài tổng thống của Asturias (Đặng Thế Bính, Vũ Cận dịch, NXB Văn học, 1964). Và, từ nền văn học Venezuela, tiểu thuyết Năm người im lặng của Miguel Otero Silva (Vũ Chính dịch, NXB Văn học, 1968)...

Do không có đủ tư liệu, chúng tôi không khảo sát được sự tiếp nhận văn học Mỹ Latin ở đô thị miền Nam. Một vài dấu ấn dễ thấy, có thể thấy trong việc dịch và phổ biến thơ Neruda, Borges; giới thiệu và dịch Asturias (Ngài Tổng thống, Tâm Linh dịch, Phù Sa xuất bản, 1969), Amado (Miền đất hung bạo, Trình bày xuất bản, [?]). Từ sau 1975, xu hướng dịch thuật từ điểm nhìn miền Bắc được tiếp tục, cùng với việc dịch thuật từ các điểm nhìn khác, mà đáng chú ý hơn cả là nhìn từ tính chất hiện thực huyền ảo.

Bước ngoặt dịch thuật văn học Mỹ Latin ở Việt Nam: Nguyễn Trung Đức và cộng sự và ngoài ra nữa

Bạn đọc Việt Nam được tiếp xúc với văn học Mỹ Latin ở cả xu hướng nội dung và nghệ thuật của nó, có thể nói, được bắt đầu với nỗ lực của dịch giả Nguyễn Trung Đức và cộng sự, một nhóm dịch giả chuyển dịch văn học Mỹ Latin từ nguyên ngữ Tây Ban Nha. Nếu chỉ tính mật độ xuất hiện các dịch phẩm, dễ thấy một sự bùng nổ ở nửa sau thập kỷ 80s của thế kỷ trước. Đây không đơn thuần là hệ quả của Đổi mới (1986), dù xuất bản văn học giai đoạn này thực sự được hậu thuẫn từ công cuộc đổi mới. Và xét ở mặt ý thức hệ, văn học nghệ thuật Mỹ Latin, ở cả bộ phận tinh hoa và đại chúng của nó, đáp ứng khá nhiều nhu cầu của người đọc Việt Nam lúc này. Chúng tôi sẽ trở lại vấn đề này ở phần sau.

Riêng với Nguyễn Trung Đức, sự thực là, để có một sự bùng nổ như đã nói, ông có một quá trình tích lũy nhận thức và trải nghiệm đáng kể. Những quan sát đầu tiên của ông vẫn là văn học tiến bộ Tây Ban Nha và văn học Cuba, thể hiện ở các tiểu luận về thơ Tây Ban Nha chiến đấu (tạp chí Văn Học, số 6/1975), chủ nghĩa hiện thực và sắc thái Mỹ Latin trong tiểu thuyết của Carpentier (tạp chí Văn Học, số 2/1977), nội dung cách mạng và hình thức dân tộc của thơ Guillén (tạp chí Văn Học, số 2/1988). Ngoài những thám mã bước đầu về quan niệm “cái thực tại kỳ diệu Mỹ Latin” như là sự kết hợp giữa “cơ sở triết học [của] nhận thức hiện thực Mỹ Latin” với việc “tái hiện [hiện thực đó] dưới góc độ cái kỳ diệu”, mà sau này được ông tu chỉnh và phát triển thành tiểu luận Luận thuyết “cái thực tại kỳ diệu Mỹ Latin” của Alejo Carpentier (tạp chí Văn Học, số 8/1995), thì phải đến tiểu luận về tiểu thuyết Chuyện buồn không thể tin được của Erendira ngây thơ và người bà bất lương của García Marquéz (tạp chí Văn Học, số 2/1981), vấn đề “chủ nghĩa hiện thực huyền ảo” mới được ông trình bày trực diện. Và sau đó là sự đâm cành rẽ nhánh bao quát văn học huyền ảo Mỹ Latin ở cả việc dịch thuật và diễn giải.

Chuyển dịch García Marquéz là một niềm đam mê và một dấu ấn đậm nét của Nguyễn Trung Đức. Sau bài giới thiệu đã nói đến ở trên, sáu năm sau, Nguyễn Trung Đức dịch và in tiểu thuyết Chuyện buồn không thể tin được của Erendira ngây thơ và người bà bất lương trong tập sách cùng với sáng tác của João Guimarães Rosa: Thời cơ của Matraga (NXB Mũi Cà Mau, 1986). Đây cũng là năm cùng với Phạm Đình Lợi, Nguyễn Quốc Dũng, ông dịch và giới thiệu Trăm năm cô đơn (NXB Văn học), tiểu thuyết lớn nhất và có ảnh hưởng quốc tế sâu rộng nhất của nhà văn này. Sự xuất hiện của bản dịch làm thành một chấn động đối với đời sống văn học Việt Nam cũng đang dần sôi động nhờ những chuyển biến trong đời sống chính trị xã hội từ Đổi mới.

Sau thành công của Trăm năm cô đơn, các tiểu thuyết khác của García Marquéz dần được Nguyễn Trung Đức chuyển dịch: Giờ xấu (NXB Thanh niên, 1989), Tướng quân giữa mê hồn trận (NXB Văn học & NXB Hội Nhà văn, 1990), Tình yêu thời thổ tả (NXB Văn học, 1995). Cùng với Nguyễn Trung Đức, có thêm các bản dịch tiểu thuyết García Marquéz của Đoàn Đình Ca (Tin tức về một vụ bắt cóc, NXB Đà Nẵng, 1999), Lê Xuân Quỳnh (Hồi ức về những cô gái điếm buồn của tôi, NXB Tổng hợp Tp.HCM., 2005; và cũng trong năm, tại nhà xuất bản này, Lê Xuân Quỳnh cũng công bố bản dịch hồi ký Sống để kể lại của García Marquéz). Trước và cùng với việc dịch các tiểu thuyết, Nguyễn Trung Đức và cộng sự cũng dịch khá nhiều truyện ngắn García Marquéz in trong các tập: Ngài đại tá chờ thư (NXB Văn học, 1983), Mười hai truyện phiêu dạt (NXB Quân đội nhân dân, 1995), Dấu máu em trên tuyết (NXB Đà Nẵng, 1997), Người chết trôi đẹp nhất trần gian (NXB Hải Phòng & NXB Đồng Nai, 1987). Cũng như tiểu thuyết, các tập truyện này sau được tái bản nhiều lần, ở dạng nguyên bản hoặc chuyển thành các hợp tuyển, cùng với sự xuất hiện của một bản dịch mới của Phan Quang Định (Những người hành hương kì lạ, NXB Thanh niên, 2002).

Bên cạnh García Marquéz, chúng tôi muốn nhấn mạnh đến những bao quát xa rộng hơn của Nguyễn Trung Đức, điều mà qua đó, ta có thể nhận thấy ý hướng giới thiệu văn học Mỹ Latin như là một nền văn học kỳ ảo. Đầu tiên là Carpentier. Nguyễn Trung Đức đã dành 2 tiểu luận và dịch một tiểu thuyết cho tác gia và nhà lập thuyết hàng đầu của chủ nghĩa hiện thực huyền ảo này. Với tác giả này, đáng tiếc là bên cạnh Sự tráo trở của phương pháp (NXB Tác phẩm mới, 1981), không có thêm Vương quốc trần gian (1949), tác phẩm đánh dấu quan niệm “cái thực tại kỳ diệu Mỹ Latin” và Baroque Concert (1974), tác phẩm hiện thực hóa quan niệm “tính baroque mới” như một đặc tính nghệ thuật của văn học kỳ ảo Mỹ Latin trong quan niệm của Carpentier. Bởi với Asturias, bên cạnh việc Ngô Vĩnh Viễn đã chuyển dịch thêm Mắt những người đã khuất (NXB Văn học, 1986), Nguyễn Trung Đức vẫn truy nguyên Asturias đến tập truyện ngắn đầu tiên làm nên phong vị huyền ảo của nhà văn này: Huyền thoại Guatemala (tạp chí Văn học nước ngoài, số 6/1999), và với Amado là Cacao (Hội Văn học nghệ thuật Nghĩa Bình xuất bản, 1986). Bên cạnh đó là giới thiệu mới Rulfo (với tiểu thuyết Padro Paramo, NXB Mũi Cà Mau, 1987), O.Paz (với Thơ văn và tiểu luận, NXB Đà Nẵng, 1998), L.Borges (với Tuyển tập, NXB Đà Nẵng, 2001). Đó là những nỗ lực đáng kể cho sự hình thành diện mạo văn học Mỹ Latin.

Bên cạnh Nguyễn Trung Đức và cộng sự (chủ yếu trong việc chuyển dịch García Marquéz), phải kể đến đóng góp của các dịch giả khác trong việc giới thiệu tiếp tục về Amado (Đất dữ, Dương Tường & Hà Huy Thái dịch, NXB Văn học, 1980; Miền đất quả vàng, Trần Hữu Mai dịch, NXB Văn học, 1985; Têrêda, Vũ Đình Bình dịch, NXB Tác phẩm mới, 1986; Hảo hán nơi trảng cát, Hoàng Thái Anh dịch, NXB Hà Nội, 1986; Gabriela, Nhành quế và Hoa đinh hương, Anh Trần dịch, NXB Đồng Nai, 1988; Biển cả và ái tình, Nguyễn Trung Đức dịch, NXB Phụ nữ, 1989; Dona Flor và hai người chồng, Đỗ Thúy Uyên, Đặng Phương Thảo dịch, NXB Đà Nẵng, 1989; Lê Nhung dịch, Nhã Nam & NXB Văn học, 2011; Biển chết, Lê Đình Hùng dịch, NXB Đà Nẵng, 2003); Vargas Llosa, nhất là khi nhà văn này đạt Nobel năm 2010 (Trò chuyện trong quán La Catedral, Phạm Văn dịch, Nhã Nam & NXB Hội Nhà văn, 2011; Thành phố và lũ chó, Lê Xuân Quỳnh dịch, Nhã Nam & NXB Văn học, 2012). Giới thiệu các tác giả mới, như Isabel Adende (Ngôi nhà của những hồn ma, Mạnh Tứ, Đoàn Đình Ca dịch, NXB Văn học, 1987; Êva Luna, Đoàn Đình Ca dịch, NXB Hà Nội, 1993), Roberto Bolaño (Đêm Chile, Bùi Trọng Nhự, Bách Việt & NXB Phụ nữ, 2007), Alberto Ruy Sánchez (Tên của khí trời, Trần Tiễn Cao Đăng dịch, Nhã Nam & NXB Hội Nhà văn, 2009; Đôi môi của nước, Thi Hoa dịch, Nhã Nam & NXB Hội Nhà văn, 2009; Làn da của đất, Thi Hoa, Thanh Phương dịch, Nhã Nam & NXB Hội Nhà văn, 2011), Paulo Coelho với hàng loạt tác phẩm: Nhà giả kim (Lê Chu Cầu dịch, Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây & NXB Lao Động, 2002; Ngọc Cầm Dương dịch, Alphabooks & NXB Phụ nữ, 2006), O Zahir (Lê Xuân Quỳnh dịch, Alphabooks & NXB Văn học, 2006), Quỷ dữ và nàng Prym (Ngọc Phương Trang dịch, Bách Việt & NXB Phụ nữ, 2007), Phù thủy phố Portobello (Lê Khánh Toàn dịch, Bách Việt & NXB Phụ nữ, 2007), Veronika quyết chết (Ngọc Phương Trang dịch, Bách Việt & NXB Phụ nữ, 2008), 11 phút (Quý Vũ dịch, Bách Việt & NXB Phụ nữ, 2009), Cẩm nang của người chiến binh ánh sáng (Đỗ Hoàng Tùng dịch, Bách Việt & NXB Phụ nữ, 2009), 24 giờ cô độc ở Cannes (Bùi Khánh Vân dịch, Bách Việt & NXB Phụ nữ, 2010),…

Có thể nói, ngoài Vargas Llosa được giới thiệu bởi những tác phẩm làm nên vị trí của ông trong thời đoạn “bùng nổ” những năm 60s, không nhiều những giới thiệu về Cortazar và Fuentes ở vài tạp chí của người Việt ở nước ngoài, các dịch phẩm khác chịu sự quy chiếu của thị trường văn học, khiến việc chuyển dịch văn học Mỹ Latin ở Việt Nam hiện nay mang tính chất khác hẳn so với hai thập niên cuối của thế kỷ trước.

Sự tiếp nhận, những ảnh hưởng bước đầu và các cơ hội bị bỏ lỡ

Ngoài sự hấp dẫn tự thân của văn học kỳ ảo Mỹ Latin, lý do đầu tiên của việc chuyển dịch sang Việt ngữ, sự tiếp nhận nền văn học này ở Việt Nam có lẽ còn chịu sự tác động của những nhân tố khác. Chúng tôi muốn nói đến các văn bản văn hóa quy chiếu quá trình chuyển dịch và tiếp nhận này.

Thứ nhất, nếu như quan điểm về “hiện thực tiến bộ”, thậm chí là cách mạng, đã khiến Amado, Asturias được chuyển dịch vào Việt Nam ở giai đoạn đầu (Amado là nhà văn đảng viên Cộng sản; Asturias, trước khi đạt Nobel một năm, đã đạt giải thưởng Hòa bình Lenin 1966) thì hình như tính chất đối kháng giữa dân tộc và đế quốc, thể hiện ở tính nước đôi của việc đi tìm tính thống nhất Mỹ Latin và đặc sắc từng dân tộc riêng biệt, chúng tôi gọi là diễn ngôn bản sắc dân tộc, đã góp phần vào việc tiếp nhận văn học Mỹ Latin ở Việt Nam giai đoạn sau đó, khi nó tương thích với ý hệ trí thức Việt Nam thời đổi mới. Borges, Paz, Carpentier, Rulfo đều thể hiện quan điểm này. Thứ hai, ở mặt khác, các dịch phẩm văn học này cũng có được hiệu ứng của sự “bung ra” của thị trường sách những năm đầu đổi mới. Với một hệ thống xuất bản và phát hành tư nhân dưới danh nghĩa nhà nước thời kỳ này, có đủ mùi vị kỳ ảo và tính dục, dù không thể trộn lẫn với văn học dung tục đương thời, văn học Mỹ Latin vẫn đã chinh phục được bạn đọc rộng rãi. Mà trong số bạn đọc đại chúng ấy, đại đa số đều là “khán giả trung thành” của phim truyện truyền hình, nhất là trước Đơn giản tôi là Maria và Người giàu cũng khóc, hai bộ phim (lấy chất liệu) Mỹ Latin nhanh chóng được phổ cập và gây thành cơn sốt nhờ sự phổ rộng của truyền hình, lại cũng chính là nơi phổ biến nhiều hơn hết “công nghệ hoa hậu” Venezuela.

Như vậy là, từ bạn đọc tinh hoa đến bạn đọc bình dân, văn học Mỹ Latin đã đáp ứng được cả nhu cầu tư tưởng và nhu cầu giải trí, để nó có thể chiếm được vị trí đáng kể trên thị trường sách văn học Việt Nam bấy giờ.

Song có thể nói, bất chấp việc văn học huyền ảo Mỹ Latin có quá nhiều điểm tương thích với văn học Việt Nam, ngoại trừ truyền thống tiếp xúc bền bỉ với văn học châu Âu của nó, sự ảnh hưởng vào văn học Việt Nam lại không tương xứng với tiềm năng của những nỗ lực chuyển dịch này, dẫu chưa đầy đủ hết các đặc trưng làm nên sức hấp dẫn của nền văn học Mỹ Latin thống nhất trong đa dạng. Điều đáng chú ý hơn hết ở đây là, một cách gián tiếp, sự du hành của bộ phận văn học (được định danh là) hiện thực huyền ảo Mỹ Latin vào Việt Nam, đã có những tác động tới ý thức nghệ thuật của nhà văn. Không thể phủ nhận vai trò của sự chuyển dịch văn học Mỹ Latin trong việc nó góp phần vào sự dịch chuyển mô hình văn học Việt Nam từ sự quy chiếu của diễn ngôn hiện thực sang diễn ngôn hư cấu, bằng việc nhận thấy/chấp nhận những chân trời khác ngoài chân trời “hiện... thật”. Trong các nhìn nhận chi tiết và trực diện hơn, hai vấn đề có thể nói là then chốt nhất trong những ảnh hưởng, là chủ đề lời nguyền và chất liệu dòng tộc, khi nó tìm được sự hô ứng với thực tại Việt Nam, dù dấu vết không mấy rõ ràng. Và cũng chủ yếu chỉ từ trong cái bóng cả của García Marquéz, đặc biệt là Trăm năm cô đơn. Trường hợp Borges và Paz lại tạo ảnh hưởng theo một hướng khác, kích thích suy tư nhiều hơn là mô phỏng phương thức nghệ thuật. Theo điểm nhìn này, có thể tìm thấy những dấu ấn tiếp nhận ở Nguyễn Minh Châu (Phiên chợ Giát), Nguyễn Huy Thiệp (Giọt máu), Tạ Duy Anh (Bước qua lời nguyền), Nguyễn Đình Chính (Đêm thánh nhân), Khôi Vũ (Lời nguyền hai trăm năm), Vũ Huy Anh (Trăm năm thoáng chốc), Châu Diên (Người sông Mê) và cả một không khí huyền ảo rất đặc trưng của Nguyễn Bình Phương, dẫu chỉ gợi liên tưởng tới García Marquéz (như viết ngắn ở bìa 4 tiểu thuyết Những đứa trẻ chết già mới được NXB Trẻ tái bản) chứ không thể quy chiếu vào sự tiếp nhận hay ảnh hưởng.

Văn học huyền ảo Mỹ Latin đã kết thúc khoảng thời gian kỳ diệu nhất của nó ở Việt Nam, dù có sự tái xuất của Amado và Vargas Llosa cùng sự hiện diện của một lớp nhà văn mới như Bolaño, Ruy Sánchez và Coelho. Bởi với những chuyển dịch này, văn chương Mỹ Latin không chỉ hiện diện như một giá trị tự thân, mà trong liên thông với các thiết chế văn hóa toàn cầu, mà giải thưởng hay nhãn hiệu bestseller là một quy chiếu. Hàng loạt các cơ hội của việc tương tác đã bị bỏ lỡ, từ cái nhìn thực tại dân tộc và cách mạng xã hội, đến những phản ứng trái chiều hơn, nhưng cũng kích thích hơn, là ý hướng chống lại chế độ gia trưởng. Những lối nghĩ khác, những phản ứng khác về cùng vấn đề thân thuộc từ kinh nghiệm Mỹ Latin, theo đó, cũng chìm xuống khi văn học Việt Nam không còn giữ được cái hào khí của những năm đầu tái hòa nhập với cộng đồng thế giới ở hai thập niên cuối cùng của thế kỷ trước./.

Nguồn Tia sáng


Source: 
15-10-2020
Tags