Văn hóa dân gian và nhân học

Trong tiểu luận này của một trong những nhà văn hoá dân gian - nhân học hàng đầu, ta nhận thấy rõ quan điểm cho rằng văn hóa dân gian thuộc về một nhánh của nhân học có tên gọi là nhân học văn hóa. Bascom, giáo sư nhân học của trường Đại học California ở Berkeley ý thức đầy đủ về những khó khăn khi dựa vào một tiêu chuẩn “truyền miệng”. Ông nói: “Toàn bộ văn hoá dân gian đều lưu truyền bằng miệng, nhưng không phải tất cả những gì được truyền miệng đều là văn hoá dân gian.” Tuy vậy, như Utley đã chỉ ra, Bascom có xu hướng giới hạn văn hoá dân gian trong cái mà sau này ông gọi là nghệ thuật ngôn từ, bao gồm truyện kể văn xuôi (thần thoại, truyện cổ tích, truyền thuyết), câu đố và tục ngữ, nhưng không kể vũ điệu dân gian, y học dân gian và tín ngưỡng (mê tín) dân gian. Bascom đi xa đến mức cho rằng, đối với nhà nhân học, văn bản các bản dân ca và những bài hát khác là văn hoá dân gian, nhưng âm nhạc của chúng thì lại không phải. Hầu hết các nhà nghiên cứu văn hoá dân gian đều thấy định nghĩa văn hoá dân gian này là quá hẹp. Mặt khác, khái niệm của Utley về văn học dân gian thực ra hoàn toàn giống khái niệm nghệ thuật ngôn từ của Bascom.

Những mối quan hệ song đôi giữa văn hoá dân gian với, một mặt, các khoa học nhân văn và, mặt khác, với khoa học xã hội đã được thừa nhận một cách rõ nét. Chúng được phản ánh trong toàn thể hội viên của Hội này (tức là Hội Văn hoá dân gian Hoa Kỳ – ND) và trong chính sách luân phiên chủ tịch hội, cũng như trong các cuộc gặp gỡ giữa Hội Ngôn ngữ hiện đại và Hội Nhân học Hoa Kỳ. Mặc dù các cách tiếp cận văn học và nhân học vừa là cốt yếu vừa là bổ sung, hai nhóm các nhà nghiên cứu văn hoá dân gian có khuynh hướng làm việc độc lập chứ không cùng nhau trong các lĩnh vực có cùng một mối quan tâm, theo đuổi các cách giải quyết của riêng mình, không hề giống nhau về khái niệm, phương pháp và mục đích. Tình trạng biệt lập về trí tuệ này không phải là phổ biến, nhưng nó đủ phổ thông để biểu thị những khó khăn thực tế đối với Hội này và tạp chí của họ, và để được nhắc đến trong ba diễn văn nhậm chức chủ tịch gần đây1. Bài viết này là một nỗ lực nhằm lấp đi hố ngăn cách bằng việc trình bày nhận thức của tôi về cách tiếp cận nhân học đối với văn hoá dân gian; Tôi hy vọng rằng một trong số các bạn có thể đáp lại bằng việc trình bày quan điểm của khoa học nhân văn.

Trong số bốn ngành của nhân học, nhân học văn hóa, cũng được dùng dưới thuật ngữ nhân học xã hội, dân tộc học (ethnology), hoặc dân tộc học mô tả (ethnography), có quan hệ mật thiết nhất với văn hóa dân gian. Nhân học thể chất (physical anthropology), tiền sử học hay khảo cổ học đều không có mối quan hệ trực tiếp nào với văn hoá dân gian, mặc dù khảo cổ học đôi khi có thể cung cấp thông tin về sự phát triển và sự di dân thời quá khứ, rất hữu ích cho nghiên cứu văn hoá dân gian. Ngôn ngữ học phần nào có liên quan mật thiết hơn, bởi vì phong cách biểu cảm ngôn từ của một truyện cổ hay cách ngôn bị chi phối bởi thuật ngữ và cấu trúc ngữ pháp, và cũng vì các nhà ngôn ngữ học thấy truyện kể dân gian và huyền thoại là những biện pháp thích hợp để thu thập các văn bản ngôn ngữ mà kết quả là một số trong những truyện cổ của Thổ dân da đỏ châu Mỹ được ghi âm và dịch cẩn thận nhất đã được các nhà ngôn ngữ học xuất bản. Tuy nhiên, văn hoá dân gian hoàn toàn nằm trong lĩnh vực thứ tư, nhân học văn hoá, liên quan đến việc nghiên cứu phong tục tập quán, truyền thống và các thể chế của các dân tộc đang sống.

Khi nhà nhân học đi đến các vùng biển phía Nam hay châu Phi để nghiên cứu và ghi lại lối sống của một dân tộc riêng biệt, anh ta miêu tả các kỹ thuật làm ruộng, đánh bắt cá và săn bắn; hệ thống chiếm hữu đất đai, sự thừa kế và các giai đoạn khác của quyền sở hữu tài sản; thuật ngữ về quan hệ thân tộc và bổn phận, thể chế của hôn nhân và gia đình, các đơn vị khác trong phạm vi cơ cấu xã hội và chức năng của chúng; hệ thống luật pháp và chính trị, thần học, các lễ nghi, những chuyện yêu thuật, những khái niệm về linh hồn và thế giới bên kia, các điềm báo, những kỹ xảo bói toán và các khía cạnh khác của tôn giáo và thế giới quan của họ; nhà ở, trang phục và cách trang điểm thân thể; nghệ thuật tạc gỗ, nghề làm gốm thủ công, chế tác kim loại và những môn nghệ thuật tạo hình và điêu khắc; âm nhạc, khiêu vũ và kịch của họ. Những nghiên cứu loại này, mà chúng ta vẫn gọi là mô tả dân tộc học, có thể chỉ cung cấp một sự mô tả chưa đầy đủ, nếu chúng không bao gồm truyện kể dân gian, truyền thuyết, thần thoại, câu đố, tục ngữ và các dạng khác của văn hoá dân gian đã được con người sử dụng.

Với nhà nhân học, văn hoá dân gian là một trong số những bộ phận quan trọng nhất cấu thành nền văn hoá của một dân tộc. Nó quan trọng chỉ khi nó là một trong số những điều phổ biến; nghĩa là, không có nền văn hoá nào được biết đến mà không bao gồm văn hoá dân gian. Không một nhóm người nào, cho dù biệt lập hay cho dù công nghệ của họ có đơn giản đến đâu, từng được phát hiện mà không sử dụng hình thức nào đó của văn hoá dân gian. Vì điều này, và vì những truyện cổ và tục ngữ giống nhau có thể được cả hai – xã hội có chữ viết và không có chữ viết - biết đến, văn hoá dân gian là cây cầu nối giữa các xã hội có chữ viết và không có chữ viết. Mặc dầu một số nhà nhân học, vì lý do này hay khác, không để tâm đến văn hoá dân gian, vẫn thấy rõ ràng rằng mọi công trình nghiên cứu mô tả dân tộc học mà không lưu ý đến văn hoá dân gian thì chỉ có thể là một sự mô tả cục bộ và chưa đầy đủ về văn hoá như một tổng thể. Hơn nữa, bởi vì văn hoá dân gian đáp ứng việc phê chuẩn và công nhận giá trị của các thể chế tôn giáo, xã hội, chính trị và kinh tế, và đóng một vai trò quan trọng với tư cách là biện pháp giáo dục trong sự chuyển giao từ thế hệ này sang thế hệ khác, không thể có một sự phân tích thấu đáo về mọi bộ phận khác của văn hoá mà không nghiên cứu văn hoá dân gian một cách nghiêm túc.

 “Văn hoá” là khái niệm cơ bản trong nhân học ngày nay. Mặc dù khái niệm này đã được định nghĩa khác nhau theo từng trường hợp, các nhà nhân học cố nhiên đã có sự nhất trí chung: văn hoá nghĩa là gì. Và các nhà nhân học hầu như không thể bàn luận các đề tài mà không sử dụng khái niệm văn hoá. Văn hoá vẫn dùng để chỉ “di sản xã hội” của con người và “cái phần con người tạo ra trong môi trường”. Nó chủ yếu bao gồm mọi hình thức ứng xử mà con người có được thông qua việc học, và được mô hình hoá trong sự tuân thủ những chuẩn mực nhất định đã được phê chuẩn. Các nhà nhân học đưa vào đó tất cả các phong tục tập quán, truyền thống và thể chế của một dân tộc cùng với những sản phẩm và kỹ thuật sản xuất của họ. Vì thế, đương nhiên truyện kể dân gian hay tục ngữ là một bộ phận của văn hóa.

Thuật ngữ văn hoá do Edward Tylor đưa vào tiếng Anh năm 18652, và được định nghĩa trong cuốn sách Văn hoá nguyên thuỷ (Primitive Culture) của ông năm 1871 là “phức hệ tổng thể bao gồm tri thức, tín ngưỡng, nghệ thuật, đạo đức, phong tục, mọi năng lực và thói quen khác mà con người, với tư cách một thành viên xã hội, có được” 3. Trong lần xuất bản thứ hai của công trình trước đó, Tylor thừa nhận rằng ông chủ yếu rút ra từ những bài viết của Steinheil và “từ bộ sưu tập vô giá về những sự việc xảy ra trong lịch sử của nền văn minh trong Allgemeine Cultur-Geschichte der Menschheit và Allgemeine Culturwissenschaft của Dr. Gustav Klemm quá cố của Dresden” 4. Cả hai công trình của Klemm sử dụng từ Văn hoá (Cultur), cuốn thứ nhất xuất bản trong mười tập vào giữa những năm 1843-1852. Trong cuốn thứ hai được xuất bản làm hai tập vào năm 1854 và 1855, Klemm dùng Văn hoá với nghĩa bao hàm “phong tục, thông tin và kỹ năng: cuộc sống gia đình và cộng đồng trong chiến tranh và hoà bình; tôn giáo, khoa học và nghệ thuật”; và ông nói: “Nó hiển nhiên trong một cành cây được định hướng một cách có chủ ý; trong việc cọ xát những thanh củi để lấy lửa;  trong sự hoả thiêu thi hài của người cha đã chết; trong những hình vẽ trang trí  trên cơ thể một người nào đó; trong sự truyền đạt trải nghiệm quá khứ cho thế hệ mới.” 5

Không cần phải nhắc nhở các nhà nghiên cứu văn hoá dân gian giữa những nét tương tự giữa các định nghĩa này và hàm ý William John Thoms chỉ “những cách ứng xử, phong tục, lễ kỷ niệm, những chuyện mê tín, những bài ca balat, cách ngôn, v.v., của thời hoàng kim” trong bức thư của ông gửi cho The Althenaeum năm 1846, trong đó chữ văn hoá dân gian (folklore) lần đầu tiên được đưa vào tiếng Anh6. Những điểm tương đồng này chủ yếu là bằng chứng cho lập luận về quy mô của văn hoá dân gian, điều vẫn gây khó khăn cho chúng ta. Mặc dù về phương diện lịch sử, trong tiếng Anh, thuật ngữ “văn hoá dân gian” có trước thuật ngữ “văn hoá” gần mười hai năm, nhưng văn hoá đã được chấp nhận trong các khoa học xã hội theo nghĩa mà các nhà nhân học sử dụng, trong khi cuộc tranh luận về văn hoá dân gian  vẫn còn tiếp diễn, ngay cả giữa các nhà nghiên cứu văn hoá dân gian.

Nếu làm tái sinh lại cuộc tranh luận này bằng cách tiếp tục theo đuổi nó, thì mục đích của bài viết này sẽ bị thất bại, nhưng cần phải đưa nó đi xa hơn một chút bằng việc làm sáng tỏ quan điểm nhân học. Với các nhà nhân học, văn hóa dân gian là một bộ phận của văn hoá, chứ không phải là toàn bộ văn hóa. Nó bao gồm thần thoại, truyền thuyết, truyện cổ, cách ngôn, câu đố, văn bản của các bài dân ca và các bài hát khác với các hình thức khác ít quan trọng hơn, nhưng không bao gồm nghệ thuật dân gian, vũ điệu dân gian, âm nhạc dân gian, trang phục dân gian, y học dân gian, phong tục dân gian  hay tín ngưỡng dân gian. Tất cả những lĩnh vực này là những bộ phận quan trọng của văn hoá, cũng là một bộ phận của mọi ngành mô tả dân tộc học trọn vẹn. Tất cả chắc chắn đều đáng để nghiên cứu, cho dù trong các xã hội có chữ viết hay không có chữ viết.

Trong các xã hội không có chữ viết, mà theo truyền thống là mối quan tâm hàng đầu của các nhà nhân học, tất cả các thể chế, truyền thống, phong tục, tín ngưỡng, quan điểm và nghề thủ công đều được chuyển giao bằng miệng, chỉ dẫn bằng lời nói và bằng ví dụ. Trong khi các nhà nhân học nhất trí rằng văn hoá dân gian cần được định nghĩa là những gì dựa trên sự truyền miệng, thì họ không nhận thấy đặc điểm này chính là điểm phân biệt văn hoá dân gian với phần còn lại của văn hoá. Toàn bộ văn hoá dân gian được truyền bằng miệng nhưng không phải tất cả những gì truyền miệng là văn hoá dân gian. Bởi mối liên quan của nó với các xã hội không có chữ viết, các nhà nhân học vẫn chưa đối diện trực tiếp với một trong số các vấn đề hiện tại trong văn hoá dân gian, như là vấn đề xác định mối quan hệ giữa văn hoá dân gian  và văn học, hay vấn đề phân biệt văn hoá dân gian  với giả văn hoá dân gian (fake-lore), nhưng họ chú ý nhiều hơn đến các vấn đề về tiếp biến văn hoá và chú ý đến việc nghiên cứu các xã hội có chữ viết của châu Âu, Á và châu Mỹ.

Nội dung của văn hoá được phân tích theo những khía cạnh của nó hay theo những thành phần chính, chẳng hạn như kỹ thuật, kinh tế, tổ chức chính trị và xã hội, tôn giáo và nghệ thuật. Văn hoá dân gian cố nhiên rơi vào phạm trù cuối cùng với tư cách một hình thức biểu cảm thẩm mỹ cũng quan trọng như nghệ thuật tạo hình và điêu khắc, âm nhạc, khiêu vũ hay kịch. Tất cả các khía cạnh của văn hoá có quan hệ tương hỗ với nhau ở những mức độ khác nhau, bởi vì văn hoá dân gian, thông qua các chức năng của nó, là một sự phê chuẩn về phong tục và tín ngưỡng, cả tôn giáo lẫn thế tục. Tuy nhiên, hệ thống phân loại này tỏ ra hữu dụng như là một cơ sở cho so sánh xuyên văn hoá và cho việc mở rộng những khái niệm và kỹ thuật chuyên dụng để phân tích. Việc sử dụng thuật ngữ văn hoá dân gian để bao hàm các lĩnh vực như nghệ thuật dân gian, y học dân gian, tín ngưỡng dân gian và phong tục dân gian đã phớt lờ hệ thống phân loại trên, vốn đã chứng tỏ được tính hữu dụng của mình đối với sự phân tích có hệ thống, và tập hợp tất cả những hiện tượng của trật tự khác, đòi hỏi các phương pháp phân tích khác.

Như vậy, văn hóa dân gian được nghiên cứu trong nhân học vì nó là một bộ phận của văn hoá. Nó là một bộ phận của những truyền thống và phong tục được biết đến của con người, một bộ phận của di sản xã hội. Có thể phân tích nó cùng cách ta sử dụng để phân tích các phong tục và truyền thống khác, theo hình thức và chức năng hay theo những mối quan hệ tương hỗ  với các khía cạnh khác của văn hóa. Nó biểu thị cùng những vấn đề về sự phát triển và biến đổi, và nó phải tuân thủ cùng những quá trình phổ biến, sáng tác, chấp nhận hay phản đối và hoà nhập. Giống như các khía cạnh khác của văn hoá, nó có thể được sử dụng cho việc nghiên cứu những quá trình này hay những quá trình tiếp biến văn hoá, bố cục theo mẫu có sẵn, quan hệ giữa văn hoá và môi trường hay giữa văn hóa và tính cách.

Sự phát triển của một mục văn hoá dân gian bất kỳ có thể so sánh được với sự phát triển của mọi phong tục, thể chế, kỹ thuật hay hình thức nghệ thuật. Nó có thể được một cá nhân nào đó sáng tác vào thời điểm nào đó. Có thể cho rằng nhiều truyện cổ tích hay cách ngôn, giống như nhiều sáng tác khác, bị bác bỏ hoặc vì không làm thoả mãn một nhu cầu được chấp nhận hay thuộc tiềm thức, hoặc vì chúng không tương hợp với những mô hình và truyền thống đã được chấp nhận của văn hoá dân gian hay của văn hoá như một tổng thể. Nếu chúng được chấp nhận, thì chúng phụ thuộc vào việc kể lại, giống như tất cả các đặc điểm văn hoá trong một xã hội không có chữ viết phụ thuộc vào việc nói lại và diễn lại. Một yếu tố của văn hoá vật chất, chẳng hạn như cái cuốc, cái bát hay cái mặt nạ đương nhiên có sự tồn tại độc lập nhất định một khi nó được sáng tạo ra, nhưng để bản thân nghề thủ công duy trì được, các đồ vật này phải được làm đi làm lại mãi. Về phương diện này, những yếu tố phi vật thể, tuy vậy, hoàn toàn có thể so sánh với truyện kể dân gian và tục ngữ; nghi lễ phải được trình diễn, tín ngưỡng và quan điểm phải được biểu lộ, thuật ngữ về quan hệ thân tộc phải được dùng, đặc quyền và bổn phận về quan hệ họ hàng phải được thực hiện. Trong quá trình kể lại hay làm lại, sự biến đổi xảy ra mỗi khi những loại mới được đưa vào, và những sự cách tân này lại phải tuân thủ sự chấp nhận hay phản đối. Trong khi quá trình này tiếp diễn, mỗi sáng tác mới được điều chỉnh dần dần cho thích hợp với nhu cầu của xã hội và với những mô hình văn hoá tồn tại từ trước, những cái có thể biến đổi phần nào theo sáng tác mới.

Trong một số xã hội, đối với một số hình thức văn hoá dân gian, cố nhiên khi đã vững chắc, người kể có thể biến đổi một truyện được nhiều người biết đến bằng cách thay đổi một số nhân vật hay sự việc theo một cách độc đáo, hay bằng việc xuyên tạc cốt truyện, trong khi trong các lĩnh vực quan hệ thân tộc, kinh tế, luật pháp hay tôn giáo, sự phù hợp thống nhất lại cần đặc biệt chú trọng đến. Tuy nhiên, về phương diện này, văn hoá dân gian không khác với nghệ thuật tạo hình và điêu khắc, âm nhạc hay vũ điệu, đều có thể trông đợi tính sáng tạo của người thực hiện. Vì thế, yếu tố dân gian trong văn hoá dân gian không đưa ra vấn đề gì mới mẻ hay đặc biệt như các nhà nhân học nhìn nhận nó. Tuy vậy, nhà nhân học thích nghiên cứu vấn đề về tính sáng tạo khuyết danh chứ không phải của tập thể. Với tư cách một nhà nhân học, một người có thể đưa ra câu hỏi về sự khác biệt đáng kể liên quan đến tính sáng tạo giữa một bên là các biến thể của một truyện cổ cá biệt khi được từng cá nhân người kể là người Zuni hay Navajo, chẳng hạn, kể lại với một bên là những bản đang thịnh hành đã được ghi lại về một người rất thành công, một điều huyền bí hay trai gái hẹn hò. Nhìn đại thể, có cùng những câu hỏi như ai là người đầu tiên sáng tác những chủ đề này, trong quá khứ chúng đã được làm lại như thế nào, và những biến thể có trước đã ảnh hưởng như thế nào đến sản phẩm của người kể chuyện hay nhà văn nào đó. Trong văn học có triển vọng có thể trả lời những câu hỏi đó, còn trong văn hoá dân gian, người ta không bao giờ có thể hy vọng tìm được lời giải, song điều đó không có nghĩa rằng những quá trình liên quan là khác nhau về cơ bản.

Theo cùng một cách tương tự như vậy, sự lan truyền truyện kể dân gian từ xã hội này sang xã hội khác hoàn toàn có thể so sánh với sự phổ biến của thuốc lá, một lễ nghi hay khái niệm tôn giáo, một công cụ hay một kỹ xảo, hay một nguyên tắc pháp luật. Lại có vấn đề về sự chấp nhận và sự khước từ: nếu được chấp nhận, sự biến cải tiếp theo phải đặt mục mới này vào những mô hình văn hóa khác, một quá trình mà các nhà nhân học gọi là sự hoà nhập. Lại có cùng những vấn đề về việc lý giải sự phân bố hiện tại của một đặc điểm hay một phức hệ văn hoá nào đó, một truyện kể dân gian hay một câu tục ngữ nào đó. Có ai lý giải vấn đề này theo sự di cư như anh em Grimm tin tưởng; theo sự vay mượn như những người theo Truyền bá luận (Diffusionism) khẳng định; hay theo sự sáng tạo độc lập như trường phái Phúng dụ Tự nhiên (Nature Allegorical School) và thuyết Tiến hoá văn hóa (Cultural Evolutionism) thừa nhận? Các nhà nhân học đã đương đầu với các vấn đề tương tự như vậy trong nhiều năm, và đã thu thập rất nhiều tư liệu liên quan. Các nhà văn hóa dân gian học có thể tận dụng đáng kể vô số những cuộc thảo luận nhân học về điểm này và tận dụng những nguyên tắc đa dạng, chẳng hạn như những năng lực hạn chế, sự phân bố cận kề, cấu trúc song song, sự hội tụ, hình thức và số lượng, những cái được mở rộng với tư cách là một cơ sở cho việc lựa chọn giữa những sự lý giải loại trừ lẫn nhau này. Họ cũng có thể lợi dụng một sự khảo sát những công trình nghiên cứu như sự phân tích của Spier về Vũ điệu Mặt trời của thổ dân da đỏ Bắc Mỹ vùng Đồng bằng lớn hay những cuộc thảo luận về khái niệm khu vực - tuổi và những giới hạn của nó7. Những thứ này có nhiều điều gợi ý có ý nghĩa cơ bản đối với những người sử dụng phương pháp của các Hội viên Văn hóa dân gian Phần Lan (Finnish Folklore Fellows).

Hơn nữa, bởi lẽ mọi quy luật văn hoá có thể được áp dụng với văn hoá dân gian cũng như các khía cạnh khác của văn hoá, dữ liệu về văn hoá dân gian có thể được sử dụng để kiểm nghiệm những lý thuyết và giả thuyết về văn hoá như một tổng thể; và ngược lại, các lý thuyết về văn hoá đã được chấp nhận và phát triển có thể có đóng góp vào việc tìm hiểu văn hoá dân gian. Vì vậy, chẳng có gì ngạc nhiên khi nhiều trường phái lý thuyết nhân học được coi là những trường phái văn hóa dân gian, trong đó kể cả Các nhà nhân học Mỹ (American Anthropologists), các nhà Chức năng luận (Functionalists), các nhà Truyền bá luận (Diffusionists) và các nhà Tiến hoá văn hoá luận (Cultural Evolutionists).

Lý thuyết về tiến hoá văn hóa do Spencer, Tylor, Morgan và những người khác phát triển, còn là một điểm khác trong sự bất đồng giữa các nhà nhân học và một số nhà văn hoá dân gian học khác. Mặc dù lý thuyết này được các nhà nghiên cứu nửa sau của thế kỷ XIX chấp nhận hầu như không thắc mắc gì và đã được nhiều nhà nhân học và văn hoá dân gian học kỳ cựu thời bấy giờ phát triển và đi vào chi tiết hơn nữa, nhưng nó bị các nhà nhân học thế kỷ XX chỉ trích nặng nề. Sự phân tích cho thấy rằng toàn bộ lý thuyết dựa trên một số giả thuyết mà những người trình bày không bao giờ thành công trong việc chứng minh, những giả thuyết sau này đã bị bác bỏ, ít nhất là trong một số trường hợp đặc biệt. Bởi lẽ toàn bộ lý thuyết đứng vững hay sụp đổ theo những sự thừa nhận ấy, nên nó bị các nhà nhân học và đa số các nhà văn hoá dân gian học phản đối. Tuy vậy, ngày nay vẫn có một số nhà văn hoá dân gian học định nghĩa văn hoá dân gian là tàn dư còn sót lại từ những giai đoạn sớm nhất của nền văn minh, là “những dấu vết còn lại mờ ảo của những lễ tôn giáo cổ xưa còn hợp thành tổ chức trong cuộc sống của những người dốt nát và quê mùa” hay là “một hoá thạch còn sống động, không muốn chết.” 8 Những sự lý giải này xuất phát trực tiếp từ lý thuyết tiến hoá văn hoá, cái quả thực đã không làm sáng tỏ về văn hoá dân gian, mà về cái hoá thạch còn sống động không muốn chết. Lý thuyết tiến hoá văn hoá chủ yếu do các nhà nhân học phát triển; nó bị chỉ trích chủ yếu bởi các nhà nhân học; và nó bị bác bỏ bởi các nhà nhân học. Có thể hiểu được sự bối rối của các nhà nhân học khi thấy các nhà văn hoá dân gian học hay kinh tế học hay người nào khác nữa lặp lại một lý thuyết nhân học mà chính mình phản đối. Họ thiên về cho rằng sự tranh cãi này có thể là một sự bất hoà riêng tư trong phạm vi gia đình, và muốn nó có thể bị giấu kín mãi mãi trong căn phòng riêng thuận tiện nào đó.

Các nhà nhân học đã đi đến kết luận, rằng sự tìm kiếm cội nguồn, cuối cùng, cho dù bằng phương tiện của cách tiếp cận tiến hoá văn hoá hay của khái niệm khu vực -tuổi, là một sự tìm kiếm vô vọng, thiếu các tài liệu lịch sử và bằng chứng khảo cổ học. Trong văn hoá dân gian, trong đó khảo cổ học chẳng có ích chút gì, và trong đó việc chứng minh bằng tư liệu không đem đến những câu trả lời trực tiếp, những nỗ lực tái tạo lịch sử trên một quy mô thậm chí bị giới hạn hơn có thể dẫn tới những kết quả chỉ theo khả năng có thể xảy ra chứ không theo sự việc được chứng minh, và có một mối nguy hiểm thường trực về việc bị lôi kéo vào lĩnh vực suy tư thuần tuý, mà vì nó, người ta không bao giờ có thể hy vọng phát hiện ra bằng chứng ủng hộ. Kết luận này đã đạt được sau nhiều nỗ lực quan trọng tái tạo lịch sử có sử dụng nhiều dữ liệu, và mặc dù các nhà nhân học không hoàn toàn bỏ rơi vấn đề về sự phân bố những truyện cổ riêng biệt, thì những vấn đề về sự phổ biến và nguồn gốc có thể đang ngày càng ít được chú ý tới và được tiếp cận với sự thận trọng ngày càng cao. Mặt khác, các nhà nhân học đang chuyển sang các vấn đề mà nay đang được cảm thấy là ngang hàng hay quan trọng hơn và nhạy cảm hơn đối với việc nghiên cứu. Sự liên quan tới các vấn đề khác này là một điểm khác, những cái, ở một mức độ nào đó, phân biệt nhà nhân học với các nhà văn hoá dân gian học.

Cùng với suy nghĩ này, các nhà nhân học nhất trí rằng đổi thay trong văn hoá dân gian có thể được nghiên cứu thuận lợi trong quá trình hơn là thông qua sự tái tạo dựa trên cơ sở những sự phân bố. Khoảng sáu lăm năm trước Cushing đã nhìn xa trông rộng, ghi lại câu chuyện cổ Italia “Gà trống và chuột nhắt” (The Cock and the Mouse) do một người cấp tin Zuni đã được nghe chính Cushing kể câu chuyện này một năm trước kể lại, ông đã cho các nhà nghiên cứu văn hoá dân gian một chút ít dữ liệu cực kỳ quý giá. So sánh các bản Italia và Zuni làm nổi bật nhiều đặc điểm tu từ học Zuni và không chỉ cho thấy “nguyên bản đã trải qua biến đổi gì trong khoảng thời gian ngắn như vậy và nó đã được điều chỉnh như thế nào để thích hợp với môi trường và cách thức tư duy Zuni, mà còn cung cấp một cái nhìn khái quát về phương pháp sáng tác truyện kể dân gian của thổ dân da đỏ” 9. Vẫn khó thấy được cách làm thế nào để theo đuổi việc nghiên cứu loại này mà không phụ thuộc vào những tình huống ngẫu nhiên, nhưng ta mong muốn có nhiều hơn nữa những mẫu mực như thế về sự so sánh và phân tích, bởi vì ở đây, ta có thể tiếp cận những động lực của văn hoá dân gian trên cơ sở vững chắc của sự việc đã biết và được ghi lại chứ không phải là qua suy luận, xác xuất hay nghiên cứu.

Vấn đề vai trò sáng tạo của người kể chuyện ngày càng được quan tâm. Thông qua những ví dụ như của Cushing, thông qua việc so sánh các truyện cổ, và nhất là thông qua việc so sánh các biến thể của cùng một truyện trong phạm vi một truyền thống văn hoá dân gian nào đó, hy vọng biết được mức độ và loại tự do mà người kể được phép hay có thể chờ đợi ở người đó dưới những hình thức đa dạng và trong những xã hội khác nhau. Theo hướng này, Benedict thực hiện một sự phân tích thật xuất sắc về văn hoá dân gian Zuni, trong đó bà chỉ ra những mối quan tâm và trải nghiệm của người kể chuyện được phản ánh trong những truyện cổ họ kể. Các nghiên cứu khác đã hay đang được xuất bản10.

Vấn đề những đặc điểm tu từ của văn hoá dân gian được coi là có tầm quan trọng hàng đầu, mặc dù nhà nhân học cảm thấy thiếu tự tin khi tiếp cận nó, bởi vì nhiều nhà văn hoá dân gian học được đào tạo về văn học và được trang bị tốt hơn nhiều để nghiên cứu nó cũng như phân tích truyện cổ về cốt truyện, tình tiết, mâu thuẫn, đỉnh điểm, động cơ thúc đẩy và sự phát triển nhân vật. Tuy vậy, trong bài diễn văn nhậm chức chủ tịch của mình, Utley nói: “Một số trong đa số các nhà nghiên cứu hay chỉ trích một cách thông minh về văn học dân gian là các nhà nhân học: Gladys Reichard, Franz Boas và Paul Radin. Chẳng hạn, tôi tin rằng (Winnebago Hero-Cycles) những chu kỳ nhân vật của Winnebago chứa đựng một phân tích tinh tế về những ý nghĩa thi ca của một mảng văn học truyền khẩu hơn mọi thứ mà chúng ta, những thành viên của hội ngôn ngữ hiện đại, đã làm11”.

Các nhà nhân học cũng quan tâm đến vị trí của văn hoá dân gian trong chu trình của cuộc sống hàng ngày, trong môi trường xã hội của nó và trong thái độ của những dân tộc bản xứ đối với văn hoá dân gian của chính họ. Không thể xác định những sự việc này chỉ từ các văn bản truyện cổ, cũng không xác định được một truyện cổ được coi là sự kiện lịch sử hay hư cấu, tuy vậy, không có chúng, người ta chỉ có thể suy xét về bản chất của văn hoá dân gian và ý nghĩa đầy đủ của nó.

Họ cũng quan tâm tới mối quan hệ giữa văn hóa dân gian và phần còn lại của văn hoá, từ hai quan điểm khác nhau. Thứ nhất, có một mức độ mà ở đó, văn hoá dân gian phản ánh văn hoá thông qua việc kết hợp chặt chẽ những sự mô tả các lễ nghi, kỹ năng kỹ xảo và những chi tiết văn hoá khác. Thứ hai, và quan trọng hơn, có sự thật là các nhân vật trong truyện cổ tích và huyền thoại có thể làm những việc mà ngoài đời thường bị coi là chướng tai gai mắt. Chỉ dẫn ra đây một ví dụ, Ông Coyote ngủ với mẹ vợ mình, nhưng trong cuộc sống hàng ngày, thổ dân da đỏ Mỹ nào tìm thấy sự thích thú trong những truyện cổ này thì phải hoàn toàn xa lánh mẹ vợ. Từ thời thuyết thần thoại bắt nguồn từ lịch sử (Euhemerus) đến nay, các nhà nghiên cứu văn hoá dân gian đã cố gắng giải thích hay thanh minh sự khác nhau rõ nét giữa văn hóa dân gian và cách ứng xử thực tế. Đa số các lời giải thích này ngày nay không được chấp nhận, nhưng vấn đề vẫn còn lại với chúng ta như là một trong số những điểm hấp dẫn nhất của văn hóa dân gian và làm nảy sinh những vấn đề quan trọng về bản chất của trào tiếu, những ẩn ý tâm lý và chức năng của văn hóa dân gian.

Cuối cùng, các nhà nhân học đang bắt đầu ngày càng quan tâm hơn đến những chức năng của văn hóa dân gian – những gì nó làm cho những người kể nó. Thêm vào chức năng giải trí hay tiêu khiển, văn hóa dân gian còn phê chuẩn đức tin, quan điểm và thể chế đã được thiết lập, cả thiêng liêng lẫn thế tục, và nó đóng một vai trò quan trọng trong việc giáo dục của các xã hội không có chữ viết. ở đây không thể đưa ra một sự phân tích đầy đủ về vấn đề này, hay thậm chí về một cuộc thảo luận những dữ liệu rất mang tính gợi ý hàm chứa trong đó mà đã được tích lũy từ nhiều khu vực khác nhau trên thế giới. Song, ngoài vai trò truyền đạt văn hóa từ thế hệ này sang thế hệ khác và cung cấp sự giải thích duy lý khi bàn đến tín ngưỡng hay quan điểm, văn hoá dân gian được sử dụng trong một số xã hội để gây sức ép với những người đi chệch khỏi những chuẩn mực quy định. Hơn nữa, ngay cả chức năng giải trí hiện nay cũng không thể được chấp nhận là một lời giải trọn vẹn, bởi vì, hiển nhiên rằng đằng sau nhiều sự hài hước là một ý nghĩa sâu xa, và rằng văn hoá dân gian được dùng làm một lối thoát tâm lý khỏi nhiều ức chế, không chỉ về tình dục, mà xã hội áp đặt lên cá nhân.

Nói một cách thẳng thắn, một nhà nhân học thường cảm thấy những đồng nghiệp của mình trong lĩnh vực văn hoá dân gian thường quá bận tâm với vấn đề về nguồn gốc và sự tái tạo mang tính lịch sử mà bỏ qua các vấn đề ngang hàng hay quan trọng hơn mà người ta có thể hy vọng tìm được những giải pháp thỏa đáng cho chúng. Anh ta trông cậy họ trong việc phân tích văn học về văn hóa dân gian, với việc hợp tác về những vấn đề phong cách và vai trò sáng tạo của người kể chuyện. Anh ta hoan nghênh sự hợp tác trong việc ghi lại những thái độ địa phương đối với văn hoá dân gian và cảnh huống xã hội của nó, trong việc phân tích mối quan hệ của văn hoá dân gian với văn hoá và cách ứng xử, và cuối cùng, trong việc cố gắng xác định những chức năng của nó.

Theo cách nhìn nhận của tôi, cách hiệu quả nhất để nối lại quan hệ giữa các nhóm nhà nghiên cứu văn hoá dân gian khác nhau là bằng một mối quan tâm chung đến các vấn đề chung chứ không phải bằng sự tin cậy, như trước đây, vào một mối quan tâm chung trong một nhóm chủ đề. Để kết luận, tôi muốn khẳng định với các bạn, rằng những nhận xét này dĩ nhiên không dựa trên những sự thừa nhận rằng các nhà nhân học hoàn toàn không có lỗi, và vì lý do đó, tôi nhắc lại lời mời ban đầu, rằng một trong số các bạn hãy nói về chủ đề này từ quan điểm của khoa học nhân văn.

Chú thích

 

1. Bài này được in lại từ Journal of American Folklore (Tạp chí Văn hóa dân gian Mỹ), tập 66 (1953), 283-90, với sự cho phép của tác giả và Hội Văn hoá dân gian Mỹ.

2. Melville J. Herskovits, “Folklore after a Hundred Years: A Problem in Redefinition [Văn hoá dân gian sau một trăm năm: Một vấn đề trong sự đánh giá lại]”, Journal of American Folklore, tập 59, No. 232 (1946), 89-100; A. H. Gayton, “Perspectives in Folklore [Các quan điểm trong Văn hoá dân gian], Journal of American Folklore, tập 64, No. 252 (1951), 147-50; Francis Lee Utley, “Conflict and Promise in Folklore [Xung đột và điều hứa hẹn trong văn hoá dân gian]”, Journal of American Folklore, tập 65, No. 256 (1952), 111-19. Bài viết của tôi được trình bày tại cuộc hội nghị hàng năm lần thứ sáu tư của Hội Văn hoá dân gian Hoa Kỳ tổ chức tại El Paso, Texas, tháng 9/ 1952.

3. E. B. Tylor, Researches into the Early History of Mankind and the Development of Civilization [Những nghiên cứu về sơ sử nhân loại và sự phát triển của nền văn minh] (Boston, 1878, xuất bản lần đầu tiên năm 1865), tr. 3, 4, 150-91.

4. E. B. Tylor, Primitive Culture: Researches into the Development of Mythology, Philosophy, Relision, Art, and Custom [Văn hoá nguyên thuỷ: Những nghiên cứu về sự phát triển của huyền thoại học, triết học, tôn giáo, nghệ thuật và phong tục], Tập 1 (London, 1871), 1.

5. Taylor, Researches into the Early History of Mankind, tr. 13.

6. C. Klemm, Allgemeine Culturwissenschaft (Leipzig, 1854-1855), Tập 1, 217; Tập 2, 37. Những đoạn dịch lấy từ The History of Ethnological Theory [Lịch sử lý thuyết dân tộc học] của Robert H. Lowie (New York, 1937), tr, 12.

7. W.J. Thoms (“Ambrose Merton”), “Folklore [Văn hoá dân gian]”, The Athenaeum, No.982 (1846), 862-63; Duncan Emrich, “ ‘ Folklore [Văn hoá dân gian]’: William John Thoms.” Caliphornia Folklore Quarterly, Tập 5, No. 4 1946), 355-74. Đáng lưu ý rằng mặc dù Thoms không bao giờ đưa ra một định nghĩa chặt chẽ về văn hoá dân gian, nhưng sự mô tả này được lặp lại đúng từng từ một  trong Notes and Queries [Những chú giải và thắc mắc], Xêri đầu tiên, Tập 1 (1850), 223. [Chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi thấy rằng Thoms, người sáng lập và biên tập viên của Notes and Queries cũng viết tin tức năm 1850. Trong Notes and Queries,Thoms phát hiện ra một cách sưu tập văn hoá dân gian từ phía độc giả theo những dòng ông đề xuất trong bức thư Athenaeum của mình. Thành quả của nỗ lực ban đầu ấy trong việc thu thập văn hoá dân gian  từ phía các độc giả định kỳ  có thể thấy trong Choice Notes from Notes and Queries: Folklore [Lựa chọn những lời chú giải từ Những chú giải và thắc mắc: Văn hoá dân gian] (London, 1859) – Chú thích của người biên tập].

8. Leslie Spier, The Sun Dance of the Plains Indians: Its Development and Diffusion [Vũ điệu Mặt trời của thổ dân da đỏ Bắc Mỹ vùng Đồng bằng lớn: Sự phát triển và sự lan truyền của nó], Những báo cáo nhân học của Bảo tàng Lịch sử tự nhiên Mỹ, Tập  16, No. 7 (New York, 1921); Edward Sapir, Time Perspective in Aboriginal American Culture, A Study in Method [Quan niệm thời gian trong văn hoá bản địa Mỹ, Một công trình nghiên cứu về phương pháp]. Canadian Geological Survey, Anthropological Series, Tập 90, No. 13 (Ottawa, 1916); Clark Wissler, Man and Culture [Con người và văn hoá] (New york, 1923) và The Relation of Nature to Man in Aboriginal America [Quan hệ của tự nhiên với con  người trong thổ dân Mỹ] (New York, 1926); Roland B. Dixon, The Building of Culture [Sự xây dựng văn hoá] New York, 1928); W. D. Wallis, Culture and Progress [Văn hoá và sự tiến bộ] New York, 1930); Margaret T. Holgen, “Geographical Distribution as a Criterion of Age [Sự phân bố địa lý như một tiêu chuẩn của tuổi /thời đại]”, American Anthropologist, Tập 44 (1942), 345-68; Melville J. Herskovits, Man and His Works [Con người và sản phẩm của anh ta] New York, 1948); A. L. Kloeber, Anthropology [Nhân học], bản đã chỉnh lý (New York, 1948). [Khái niệm khu vực -tuổi (hoặc khu vực -thời đại), theo nghĩa rất đơn giản, là khái niệm rằng sự phân bố của một đặc điểm văn hoá càng rộng thì tuổi của đặc điểm văn hoá đó có thể càng cao. Nguyên lý này được các nhà thực hành một phương pháp nghiên cứu văn hoá dân gian được gọi là phương pháp Phần Lan sử dụng, mặc dầu nguyên lý này không được gọi cụ thể là giả thuyết “khu vực -tuổi”. Về một ví dụ của một công trình nghiên cứu theo phương pháp Phần Lan (hay lịch sử -địa lý), xin xem “Truyện người chồng của ngôi sao” (The Star Husband Tale) của Stith Thompson trong tập này. – Chú thích của người biên tập].

9. The Funk and Wagnalls Standard Dictionary of Folklore, Mythology, and Legend [Từ điển chuẩn mực của Funk và Wagnalls về Văn hoá dân gian, huyền thoại và truyền thuyết] do Maria Leach chủ biên, Tập 1 (New York, 1949), 401.

10. F. H. Cushing, Zuni Folk Tales [Truyện cổ dân gian Zuni] (New York, 1931), tr. 411-22. [Ví dụ nổi tiếng này được in lại trong tập này. – Chú thích của người biên tập].

11. Ruth Benedict, Zuni Mythology [Huyền thoại Zuni], 2 tập, Columbia University Contribution to Anthropology [những đóng góp của Đại học Columbia cho nhân học], No. 21 (New York, 1935), Tập 1, xxxvii-xlii; Gladys A. Reichard, “Individualism and Mythological Style [Chủ nghĩa cá nhân và phong cách huyền thoại],” Journal of American Folklore, tập 57 (1944), 16-25.

12. Utley, bdd, tr. 112.

(In trong sách: Folklore thế giới: Một số công trình nghiên cứu cơ bản, Ngô Đức Thịnh, Frank Proschan chủ biên (2005), Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội).


Source: 
15-10-2020
Tags