Nếu như những sáng tác của Xuân Quỳnh thường được giới nghiên cứu nhìn nhận và tìm hiểu trên phương diện thơ tình nồng cháy thì ở bài nghiên cứu này, người viết muốn đi vào một phương diện khác mới mẻ hơn, ít được quan tâm đến, đó là Vấn đề cái chết trong thơ Xuân Quỳnh.
MỞ ĐẦU
Văn học Việt Nam thời kì chống Mỹ cứu nước (1964 -1975) đã phát triển mạnh mẽ và đạt được những thành tựu nhất định trên nhiều thể loại (thơ ca, văn xuôi, kịch, tiểu luận, phê bình văn học); hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình, viết nên cuốn “Biên niên văn học” về cuộc chiến tranh ái quốc vĩ đại của dân tộc. Trong sự phát triển chung đó, có một dòng thơ mới ra đời, đó là thơ của những nhà thơ trẻ, mà sau này chúng ta gọi là thế hệ thơ trẻ thời kì chống Mỹ. Họ viết bằng sức trẻ và nguồn cảm hứng dồi dào của mình, góp phần làm nên diện mạo cho một giai đoạn lớn trong lịch sử văn học dân tộc.
Trong dòng chảy chung ấy, khi hầu hết những nhà thơ đang hướng ngòi bút để khắc họa cuộc chiến tranh hào hùng của dân tộc bằng giọng điệu ngợi ca hào sảng, bằng sự khích lệ động viên của khuynh hướng sử thi và cảm hứng lãng mạn như những cây bút trong giai đoạn trước, thì có một nhà thơ nổi lên như một hiện tượng dám nghĩ, dám làm, dám viết, dám sống với những nhịp đập chân thành từ trái tim mình. Con người ấy cháy mãnh liệt trong tình yêu, yêu hết mình nhưng bằng sự nhạy cảm của một trái tim nghệ sĩ, con người ấy cũng dự cảm được những cô đơn, trắc trở trong tình yêu và hơn nữa là cả cái chết của đồng đội và bản thân mình. Đó là nữ thi sĩ Xuân Quỳnh. Nếu như những sáng tác của Xuân Quỳnh thường được giới nghiên cứu nhìn nhận và tìm hiểu trên phương diện thơ tình nồng cháy thì ở bài nghiên cứu này, người viết muốn đi vào một phương diện khác mới mẻ hơn, ít được quan tâm đến, đó là Vấn đề cái chết trong thơ Xuân Quỳnh.
CHƯƠNG 1: VẤN ĐỀ CÁI CHẾT TRONG VĂN HỌC
1.1- Cái chết trong cuộc sống – cái chết sinh học
Theo Từ điển Tiếng Việt, chết là mất khả năng sống, không còn biểu hiện của sự sống.
Về hình thức diễn đạt, con người hoang sơ tiền cổ đã ghi lại cái chết qua các hình tượng trên các giáp cốt hoặc tường đá, hang động. Về hình thức tống táng, các nền văn hóa văn minh khác nhau đã có những nghi lễ khác nhau: hỏa táng rồi thủy táng tro ở sông Hằng, những xác ướp Ai Cập, những ngôi mộ thênh thang, đông đúc như mộ Tần Thủy Hoàng; hay những ngôi mộ treo, những kiểu điểu táng của người Tây Tạng…
Người Việt cũng rất coi trọng cái chết và thần linh. Chôn cất, tang lễ với đủ chuẩn bị, rồi 49 ngày, 100 ngày, những ngày giỗ, kị, thời gian để tang, lễ Vu Lan... Hồn người quá vãng được tôn kính và luôn tương đối hiện diện trong cõi sống. Rồi sinh ra những quan niệm đạo lý "nghĩa tử là nghĩa tận", "sống ở, thác về"…
Cái chết, về thể xác hay tinh thần, đều đã là đề tài chính của văn học nghệ thuật, là một đề tài tưởng đã cũ như trái đất, như từ khi có con người, song trong mỗi giai đoạn lịch sử khác nhau, nội dung và hình thức biểu hiện của nó cũng có sự thay đổi. Văn chương về cái chết đã có một thời thịnh hành, đó là vào trước thế kỷ XVI. Trong thế giới văn chương, cái chết đã được nhân bản hóa và hiện đại hóa từ mấy thế kỷ gần đây và đã có những tác phẩm vừa độc đáo vừa đa dạng với nhiều thể loại khác nhau. Cái chết nói chung xưa nay vẫn là mối kinh hoàng, là nỗi sợ chính của con người : sợ cõi lạ, cõi hư vô không thể biết vì không thể có kinh nghiệm khi sống, khi còn ở một trạng thái trước, khác. Tuy từng được xem là một cấm kị nhưng cái chết không chỉ là một đối tượng, mà còn là một thứ trực giác, cảm nghiệm cá nhân. Cái chết là một biểu tượng về sự chấm dứt (symbol of the death). Bởi vậy trong văn chương, một cách trực tiếp hay gián tiếp, người ta vẫn viết nhiều về cái chết với những biểu hiện đa dạng, phong phú.
Đó có thể là cái chết siêu hình trong sáng tác của trường phải siêu thực: các nhà thơ văn trường phái siêu thực nêu lên những tương quan nghịch thường của cá nhân vô thần trước cái chết để rồi chống cái chết như Breton trong Premier manifeste du surréalisme. Với phái siêu thực, cái chết hiện diện và quy hồi qua những hình ảnh sọ người, xương cốt, ma quỷ, quái vật… Ma trở thành nhân vật văn học và giấc mơ được dùng như tâm điểm và bước đầu của sáng tạo. Để chống cái chết, thơ văn siêu thực dùng con người để tra vấn sự im lặng, tìm bí mật của sự hiện diện và biến mất của im lặng như L'Étranger (Người xa lạ) của Albert Camus.
Đó có thể là cái chết lãng mạn như nhân vật chính trong L'Amant của Marguerite Duras chết cái chết lãng mạn : yêu đến chết, yêu dù phải chết. Trước đó, Beaudelaire có nỗi ám ảnh về cái chết như là sự trừng phạt của tình yêu : "đĩ điếm và cái Chết là hai người nữ khả ái... Khi nào thì nhà ngươi muốn chôn ta, đĩ điếm trong vòng tay dơ nhớp?" (Fleurs du Mal). Nhất Linh và Khái Hưng trong Anh phải sống cũng đã để cho người vợ phải chết để tình yêu được trọn vẹn.
Đó có thể là cái chết Á Đông như trong những tác phẩm văn học trung đại viết về cái chết theo quan niệm Đạo giáo, Nho giáo, Phật giáo (có thể kể đến những bài thơ của các Thiền sư, các bài thơ của các Nho sĩ…). Hay cái chết vương vấn ám ảnh trong những sáng tác hoài cổ pha không khí siêu thực của Xuân Thu Nhã Tập trong “Màu thời gian” của Đoàn Phú Tứ.
Hai cuộc chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ 1945 - 1975 với hậu quả là những cảnh chết chóc và những cái chết tàn bạo, bất ngờ; cái chết trong cuộc đời còn đa dạng và quá nhiều, hơn cả tác phẩm của mọi thời đại văn học. Trong thế giới văn chương, dù đã rất hạn chế do chịu ảnh hưởng của khuynh hướng sử thi và cảm hứng lãng mạn, nhưng chúng ta vẫn có những cái chết kí sự và kinh qua của Thảo Trường (Vuốt Mắt - 1969), Thế Uyên (Những Hạt Cát - 1964, Ngoài Đêm - 1965, Nỗi Chết Không Rời - 1966), Nguyên Vũ (Trở Về Từ Cõi Chết - 1967, Chết Không Nhắm Mắt - 1968), Nguyễn Minh Nữu (Những Giọt Máu Giăng Ngang)…
Đó có thể là cái chết kinh dị, trinh thám xuất hiện trong những truyện kinh dị, truyện/ tiểu thuyết trinh thám với những đề tài khủng khiếp và những cái chết tưởng như ngẫu nhiên đã được sắp đặt trước. Những cái chết theo kiểu này thường xuất hiện trong các sáng tác được chuyển thể thành phim kinh dị, phim trinh thám.
Tiểu kết: Như vậy, cái chết không phải đề tài xa lạ gì với văn học. Song như đã nói, mỗi giai đoạn lịch sử lại có những nội dung và hình thức biểu hiện riêng. Trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc, khi cả nước đang hăng hái chiến đấu, khi khuynh hướng sử thi và cảm hứng lãng mạn đang bao trùm bầu trời văn học thì việc cái chết xuất hiện trong văn chương trở thành điều hiếm hoi.
CHƯƠNG 2: NHỮNG CÁI CHẾT TRONG THƠ XUÂN QUỲNH
2.1- Thống kê tần số xuất hiện cái chết trong thơ Xuân Quỳnh
Danh ngôn thế giới có câu: “Sự chết là con lạc đà đen quỳ đợi ngay trước cổng nhà của tất cả mọi người.” (Abe- el -Kader)
Sinh, lão, bệnh, tử là quy luật của tự nhiên. Không ai tránh khỏi cái chết giống như không ai đi ngược lại được với quy luật của tự nhiên, bởi vậy không ai là không nghĩ đến nó. Nhưng vấn đề là người ta quan tâm đến nó nhiều hay ít và bộc lộ sự ám ảnh đó dưới hình thức nào. Đối với nhiều văn nghệ sĩ, tác phẩm nghệ thuật là nơi thăng hoa và giải thoát thích hợp nhất cho những dự cảm và triết lý của họ về cái chết. Xuân Quỳnh cũng vậy, những dự cảm về sự chia lìa, tan tác, chết chóc xuất hiện rất nhiều trong sáng tác của bà, đặc biệt là trong thơ. Cho dù nổi lên là nhà thơ tình yêu xuất sắc nhất trong văn học Việt Nam hiện đại nửa cuối thế kỉ XX song trong thơ bà, chúng ta không chỉ tìm thấy những khoảnh khắc thăng hoa của trái tim, những nỗi nhớ vượt không gian, thời gian rộng lớn mà còn tìm thấy cả những cái chết.
Người viết đã tiến hành khảo sát tần số xuất hiện cái chết, sự chia lìa, tang tóc trong thơ Xuân Quỳnh qua một số tập thơ. Thống kê 6 tập thơ mà Xuân Quỳnh công bố lúc còn sống người viết có được số liệu thống kê như sau:
BẢNG THỐNG KÊ TẦN SỐ XUẤT HIỆN CÁI CHẾT TRONG THƠ XUÂN QUỲNH
STT |
Tên tập thơ |
Năm xuất bản |
Số bài |
Tỷ lệ % |
1 |
Chồi biếc |
1963 |
9 |
50% |
2 |
Hoa dọc chiến hào |
1968 |
21 |
75% |
3 |
Gió Lào cát trắng |
1974 |
31 |
86% |
4 |
Lời ru trên mặt đất |
1978 |
24 |
75% |
5 |
Sân ga chiều em đi |
1983 |
44 |
71% |
6 |
Tự hát |
1984 |
31 |
89% |
Tổng cộng các tập, ta có tỷ lệ bình quân là 76%. Đó là hiện tượng hi hữu trong thơ ca cách mạng Việt Nam.
2.2- Cái chết của những con người trong chiến tranh
Bản lĩnh của Xuân Quỳnh trong bối cảnh chiến tranh khi người ta không khuyến khích viết về nỗi buồn và cái chết, sợ nó ảnh hưởng không tốt đến lòng tin và sức chiến đấu của mọi người, là ở chỗ bà dám nghĩ và dám viết về những điều người ta luôn trốn tránh. Vốn là người đa cảm, Xuân Quỳnh không thể thờ ơ được trước cái chết của đồng bào mình sau “Mười hai ngày” gánh chịu những trận mưa bom B52 của giặc:
Mười hai ngày cùng tận của lòng đau
Cô Ngọc Tường chết ở Bạch Mai
Chiếc áo cưới thay cho vải liệm
Gió đông bắc thổi qua nền gạch vụn
Trên máu người bị giết ở Khâm Thiên.
Đọc những câu thơ trên, cái chết xuất hiện không chỉ một lần. Song cách khắc họa cái chết của Xuân Quỳnh không đem đến không khí bi lụy, bế tắc mà nổi bật lên là lòng căm thù sâu sắc. Với lòng căm thù ấy, có gì hơn là cầm súng chiến đấu để trả thù cho những đồng bào vô tội đã hi sinh? Bởi thế, đâu phải cứ viết về cái chết là làm nhụt chí chiến đấu! Dành hết trí lực để quan tâm nhiều đến cái chết của đồng bào cho nên đã có những lúc bà sẵn sàng xoá tên người yêu ra khỏi bộ nhớ của mình:
Dẫu trong em một tình yêu đã mất
Em không còn đủ sức nghĩ về anh.
(Mười hai ngày)
Song riêng “Vết đạn trên tường” thì cứ ám ảnh bà, bởi nó là hiện thân của sự chết chóc :
Nhiều việc quá, khó ai mà nhớ hết
Riêng vết đạn trên tường không dễ nào quên.
Không riêng gì Xuân Quỳnh mà bất cứ ai thời đó cũng bị ám ảnh bởi cái chết, bởi “Các bãi sông đầy bom nổ chậm”, “Mọi con đường mang nỗi đau đạn lửa”… đang ngày đêm đe dọa sự sống còn của con người. Sự hiểm nguy và chết chóc đã trở nên quá quen thuộc với con người thời đó – những con người “đã quen nhiều gian khổ/ đã quen nhiều hy sinh”. Trong “ngàn cái chết” mà Xuân Quỳnh gặp, có nhiều đồng đội vừa mới kề vai sát cánh với bà:
Các anh nằm bên những ngã ba
Nơi bom dội không còn ngọn cỏ.
Hay:
Dòng nước lợ mang máu anh về bể
… Máu của cô nhuộm đỏ bờ lau …
Viết về chiến tranh, viết về cái chết, Xuân Quỳnh không dùng cách nói giảm nói tránh như những nhà thơ cùng thời, bà dám nhìn thẳng vào sự thật để nói, để viết. Bà cứ nói thật những nỗi đau mà chính bà cũng đã từng trải, từng đau; cứ viết về máu đồng đội, máu mình từng chảy:
Máu đồng đội và máu tôi đã đổ
Trên cát này mà gió quạt vừa se.
(Gió Lào cát trắng)
Máu của em, máu của anh
Thấm bên góc phố, chân thành ngày xưa.
(Lai lịch một tình yêu)
Thơ Xuân Quỳnh đề cập quá nhiều đến cái chết, mặc dù bà vẫn biết rằng “Người chết sẽ chẳng bằng lòng nếu chúng tôi quá đau thương”. Bởi vậy, bà cũng biết “Hát với con tàu” nhưng tiếng hát ấy vẫn không át được tiếng gầm thét của con tàu lao ra trận tuyến. Và, vẫn không xua tan được nổi ám ảnh về cái chết vì chính bản thân Xuân Quỳnh cũng đang xông xáo lao vào những nơi ác liệt nhất: “Tôi sẵn sàng đem hiến cả đời tôi/ Cho cát trắng và gió Lào quạt lửa”, “Sống đất này, chết cũng đất này thôi”…
Viết về cái chết của những con người trong chiến tranh, thơ Xuân Quỳnh vừa phản ánh một cách chân thực cuộc chiến tranh gian khổ mà hào hùng của dân tộc, vừa thể hiện lòng căm thù giặc sâu sắc, vừa thể hiện niềm xót thương trước những hi sinh mất mát của dân tộc về cả vật chất lẫn tinh thần.
2.3- Cái chết của tình yêu và con người trong tình yêu
Một cách tổng quan có thể thấy rằng những cái chết xuất hiện trong thơ Xuân Quỳnh xoay xung quanh hai vấn đề chính (cũng là trong hai tư cách chính của bà: chiến sĩ – thi sĩ), đó là cái chết của những con người trong chiến tranh và cái chết của tình yêu và con người trong tình yêu. Phần trên người viết đã dẫn chứng về cái chết của những con người trong chiến tranh. Dưới đây người viết sẽ trình bày một số biểu hiện về cái chết của tình yêu và con người trong tình yêu:
Này anh, em biết
Rồi sẽ có ngày
Dưới hàng cây đây
Ta không còn bước.
(Chồi biếc)
Hay:
Ơi trời xanh – xin trả cho vô tận
Trời không xanh trong đáy mắt em xanh
Và trong em không thể còn anh
Nếu ngày mai em không làm thơ nữa.
(Nếu ngày mai em không làm thơ nữa)
Với tâm hồn nhạy cảm của một người con gái, của một thi sĩ tinh tế, bên cạnh những câu thơ nồng nàn yêu thương, Xuân Quỳnh cũng lo lắng về sự tan vỡ, về nỗi chia li. Bà lo tình yêu sẽ đi qua cuộc đời mình như cơn gió mồ côi bởi trong suy nghĩ của Xuân Quỳnh, tình đang hiện hữu cũng là tình đang biến mất. Người yêu là một điều gì xa xăm, khó nắm bắt:
Anh, con đường xa ngái
Anh, bức vẽ không màu
Anh, ngàn nỗi lo âu
Anh, câu thơ nổi gió…
Mà em người đời thường
Biết là anh có ở!
(Anh)
Thần Chết thường là bạn đồng hành với Thời Gian. Những người đa tình, ham sống thường rất ghét Thời Gian. Nữ sĩ Xuân Hương than thở “Ngán nỗi xuân đi, xuân lại lại” (Tự tình II); Xuân Diệu cũng chua chát thốt lên : “Mà xuân hết nghĩa là tôi cũng mất” (Vội vàng). Phải chăng vì cũng mang trong mình chữ “Xuân” nên Xuân Quỳnh cũng không khỏi lo âu và tự hỏi “Mùa xuân sẽ về đâu/ Khi nơi này xuân hết?” (Mười bảy tuổi) (?). Là một người nhạy cảm, Xuân Quỳnh rất lo sợ cho thân phận tình yêu :
Em đâu dám nghĩ là vĩnh viễn
Hôm nay yêu, mai có thể xa rồi
Niềm đau đớn tưởng như vô tận.
(Nói cùng anh).
Yêu nhiều và lo lắng quá nhiều thứ trong cuộc sống đời thường như vậy đã làm cho con tim Xuân Quỳnh mệt mỏi. Bà đã cảm nhận điều đó trong bài “Tự hát”:
Em lo âu trước xa tắp đường mình
Trái tim đập những điều không thể nói
Trái tim đập cồn cào cơn đói
Ngọn lửa nào le lói giữa cô đơn.
Bà đã biết trước đời mình như một ngọn đèn le lói sắp tắt. Tháng 6/1988, Xuân Quỳnh bị đau tim nặng phải vào bệnh viện. Trên giường bệnh, bà làm bài thơ “Thời gian trắng” thể hiện rõ sự ám ảnh về cái chết :
Em ở đây không sớm không chiều
Thời gian trắng, không gian toàn màu trắng
Trái tim đập sau làn áo mỏng
Từng đập vì anh, vì những trang thơ
Trái tim nay mỗi phút mỗi giờ
Chỉ có đập cho mình em đau đớn
Trái tim này chẳng còn có ích
Cho anh yêu, cho công việc, bạn bè.
Bà đã nhìn thấy rõ ràng Thần Chết đang đợi mình. Nhưng cuối cùng tạo hóa cũng không nỡ đem đi một Xuân Quỳnh trên giường bệnh như thế. Xuân Quỳnh đã “được” chết bên gia đình và bên người yêu thương, tuy rằng cái chết có đau đớn. Có ý kiến cho rằng đó là kết thúc đẹp nhất cho mối tình lãng mạn của Xuân Quỳnh – Lưu Quang Vũ.
Với mảng thơ viết về tình yêu, những dự cảm về sự chia ly, về cái chết càng tô đậm lên vẻ đẹp trong tâm hồn người con gái Xuân Quỳnh. Nếu như niềm hi vọng, lạc quan, sự nồng nàn, mãnh liệt thể hiện sự hiện đại của Xuân Quỳnh thì nỗi lo âu, những dự cảm lại thể hiện nét truyền thống của bà. Sự hòa quyện này làm nên một nàng thơ Xuân Quỳnh đầy nữ tính.
2.4- Nguyên nhân xuất hiện những cái chết trong thơ Xuân Quỳnh
2.4.1 - Nguyên nhân khách quan
Nguyên nhân khách quan dẫn đến Xuân Quỳnh viết nhiều về cái chết là do những ám ảnh của chiến tranh. Xuân Quỳnh không phải là người đứng ngoài cuộc mà bản thân bà đã từng cầm súng chiến đấu, từng đổ máu, từng nếm trải nỗi đau của chiến tranh, từng chứng kiến bao đồng đội đã hi sinh, bao làng quê đổ máu nên trong tâm thức của Xuân Quỳnh, chiến tranh gắn liền với cái chết, với hi sinh và đổ máu. Điều ám ảnh này người viết tin rằng không chỉ có ở một mình Xuân Quỳnh mà với bất cứ ai cũng đều có. Song, do những điều kiện của chiến tranh chỉ được viết về chiến thắng, về sự lạc quan nên phần lớn những sáng tác văn học giai đoạn 1964 – 1975 không đề cập nhiều đến cái chết. Vì vậy, với những sáng tác của mình, Xuân Quỳnh thể hiện một bản lĩnh cứng cỏi, bạo dạn khi dám nghĩ, dám viết những điều nhiều người nghĩ mà không dám viết.
Có một nguyên nhân khách quan khác mà theo người viết cũng nên đề cập đến, đó là số phận nghiệt ngã của Xuân Quỳnh. Có nhiều người cho rằng những vấn đề tâm linh thường không có cơ sở, nhưng soi chiếu vào cuộc đời Xuân Quỳnh, ta có thể thấy dường như những dự cảm về cái chết, số phận nghiệt ngã của bà là do định mệnh. Dự cảm nhiều về cái chết, về sự chia li trong thơ xuất phát từ những linh cảm về cuộc đời, số phận nghiệt ngã mà chỉ những người có tâm hồn đặc biệt mới có. GS. Chu Văn Sơn từng viết: “Cuộc đời và thơ Xuân Quỳnh là một nỗ lực thoát khỏi chơ vơ định mệnh (…) và phải đến khi tai nạn phũ phàng ập xuống quá bất ngờ, người đời mới thấy rằng những dự cảm lo âu suốt một đời người, một đời thơ ấy sao mà linh nghiệm”. Có lẽ số phận đã để cho Xuân Quỳnh nhìn thấy trước được tương lai để nỗ lực vượt thoát, nhưng cuối cùng sự nghiệt ngã vẫn đổ ập lên đầu người đàn bà xấu số. Lưu Khánh Thơ cũng nhận định: “Có cái gì như là định mệnh khi chị kết thúc cuộc đời cùng chồng con vào một ngày tháng 8 đau xót. Chị vĩnh biệt chúng ta vào mùa thu. Những bông hoa cúc vàng mà chị đã từng yêu, từng nói đến trong các bài thơ đã phủ kín ngôi mộ. Những bông hoa phúng điếu, tưởng niệm rồi sẽ tàn.”
Có người đã “xem tướng số” qua đôi mắt và giọng nói của Xuân Quỳnh như sau: Đôi mắt “Vừa chăm chắm, vừa phiền muộn và đâu đó hình như có những giọt nước mắt ngấp nghé chỉ muốn trào qua bờ mi. Đặc biệt nhất là giọng nói, bao giờ giọng nói của Quỳnh cũng run rẩy nghẹn ngào như có tiếng khóc ở bên trong. Bằng vào hai thông số đặc biệt ấy của chân dung, người ta không thể đoán định một số phận tốt hơn cho Xuân Quỳnh.” (Nguyễn Thị Minh Thái – “Một giọng thơ tình ám ảnh”). Có lẽ ở Xuân Quỳnh có một sự sắp đặt sẵn nào đó của tạo hóa, cho bà một tài năng xuất chúng, một nhan sắc hiếm có và cũng “cho” bà một cuộc đời không kém phần bất hạnh.
Từ ngàn xưa, con người đã lo nghĩ về cái chết, về sự chia lìa, như một nhà nghiên cứu văn học đã nhận định: “Nỗi day dứt vào bậc nhất trong suy cảm trữ tình của con người bao đời nay là day dứt về chuyện CÒN – MẤT của những gì với mình là quý giá thiêng liêng. Người càng giàu tiên cảm, giàu dự cảm lo âu về mất mát rủi ro, thì day dứt càng ám ảnh hơn”. Thơ Xuân Quỳnh tràn ngập những suy tư, trăn trở về việc sống – chết. Vì sao mà hình thành một cái Tôi Xuân Quỳnh mang nhiều ám ảnh về cái chết như vậy? Nguyên nhân chủ quan dẫn đến điều này là do tuổi thơ Xuân Quỳnh và bản thân con người bà.
Mẹ Xuân Quỳnh mất khi bà còn quá nhỏ, cha thường xuyên đi làm xa và sau này lấy vợ khác rồi vào Nam sinh sống, Xuân Quỳnh sống chủ yếu với bà nội. Suốt đời Xuân Quỳnh sống thiếu thốn tình cảm của cha mẹ. Theo lời Đông Mai (Chị ruột Xuân Quỳnh) “Nỗi đau mất mẹ đã ám ảnh suốt một đời Quỳnh”. Bà đã sớm hình thành nỗi đau của một đứa trẻ bơ vơ côi cút giữa dòng đời: “Tuổi thơ tôi lạc lõng giữa đời/ Như một cánh chim bơ vơ mất tổ” (Tiếng mẹ). Có lẽ vì thiếu thốn tình thương nên Xuân Quỳnh luôn lo sợ sự yêu thương mong manh sẽ rời bỏ bà mà đi như chính cha mẹ mình. Tâm hồn cô quạnh ấy thật đáng thương biết bao!
Một tuổi thơ buồn như thế có lẽ đã góp phần làm nên chính con người Xuân Quỳnh: âu lo, mỏng manh, đa tình, nhạy cảm. Nếu không có một sự nhạy cảm mãnh liệt thì chắc chắn Xuân Quỳnh sẽ không bao giờ viết được những câu thơ đi vào lòng người như thế!
CHƯƠNG 3: NGHỆ THUẬT BIỂU HIỆN CÁI CHẾT TRONG THƠ XUÂN QUỲNH
3.1- Biểu hiện trực tiếp qua từ ngữ
Cái chết trong thơ Xuân Quỳnh được bộc lộ và thể hiện trực tiếp qua từ ngữ như chết, hi sinh, máu, giết… chủ yếu trên mảng thơ viết về cái chết của những con người trong chiến tranh. Với mảng đề tài này, bà dùng lối nói trực tiếp để nhấn mạnh, tô đậm ấn tượng mạnh mẽ về cái khốc liệt, loạn lạc; không khí tang thương, chết chóc trước sự hủy diệt của chiến tranh:
Mười hai ngày cùng tận của lòng đau
Cô Ngọc Tường chết ở Bạch Mai
Chiếc áo cưới thay cho vải liệm
Gió đông bắc thổi qua nền gạch vụn
Trên máu người bị giết ở Khâm Thiên.
(Mười hai ngày)
Dùng một loạt từ ngữ cùng trường nói về cái chết như chết, vải liệm, máu, giết…, cái chết chóc, tang thương hiện hẳn lên trên bề mặt câu chữ. Hiện thực nghiệt ngã được phô bày một cách chân thực và đậm nét nhất. Có lẽ người đọc sẽ ám ảnh mãi cái hình ảnh “chiếc áo cưới thay cho vải liệm”, bởi tưởng chừng như là biểu tượng của tình yêu mà đỉnh cao là hôn nhân, nay chiếc áo cưới đã trở thành vài liệm, con người từ ngưỡng cửa của hạnh phúc bị tụt lại phía sau, chênh vênh, choáng váng bởi bom đạn, rồi từ giã cuộc đời trên màu trắng tinh khôi của chiếc áo tân hôn. Còn gì đau đớn hơn? Viết đến đây, người viết lại liên tưởng đến nhân vật Phương trong tiểu thuyết “Nỗi buồn chiến tranh” của Bảo Ninh, hạnh phúc đã chạm đến bàn tay mà còn bị cướp mất. Đau đớn thay! Căm giận thay!
Những năm tháng không yên
Cây rừng ngã, cây rừng lửa cháy
Chất độc Mỹ rải đầy nương rẫy
Những đám mây mang hình nấm giết người.
(Những miền đất)
Lối nói nửa trực tiếp, nửa gián tiếp này của Xuân Quỳnh tạo ra một hiệu ứng rất mạnh. “Những đám mây mang hình nấm giết người” kia phải chăng vốn chẳng ghê sợ đến thế, nhưng cái chết chóc của hiện thực trên mặt đất chiến tranh đã bốc lên, nhuốm lấy, nhuộm vào và nhào nặn nó thành hình hài của cái chết?
Khi viết về tình yêu, đặc biệt là nhắc đến cái chết, sự chia li, tàn tạ, Xuân Quỳnh tuyệt đại đa số né tránh những từ ngữ chết chóc. Cùng thể hiện nội dung chết chóc, bi thương, song với mảng đề tài này, Xuân Quỳnh lại lựa chọn lối biểu hiện gián tiếp qua các hình ảnh thơ lấy từ thiên nhiên hay cuộc sống con người làm biểu tượng ẩn dụ. Bởi lẽ con người yêu thương, khát khao cháy bỏng ấy muốn yêu và được yêu hơn bao giờ hết; dù có những dự cảm, song đấy không phải điều Xuân Quỳnh mong muốn, vì vậy bà phải nói tránh đi, khác đi.
Chỉ chút thời gian từng phút từng giờ
Như kẻ khó tính từng hào keo kiệt
Tôi biết chắc mùa xuân rồi sẽ hết
Hôm nay non, mai cỏ sẽ già.
(Có một thời như thế)
Cách nói “Hôm nay non, mai cỏ sẽ già” của Xuân Quỳnh có khác gì Xuân Diệu “Xuân đương tới nghĩa là xuân đương qua/ Xuân còn non nghĩa là xuân sẽ già”? Dùng sự tàn phai nhanh chóng của cỏ cây để nói về sự tàn phai nhanh chóng của tình yêu, Xuân Quỳnh quả thực tinh tế biết bao. Hay cho cái tâm hồn nhạy cảm kia đang run lên từng hồi bởi lo sợ, bởi những dự cảm không lành cho một tình yêu “chưa tìm thấy”.
Xuân Quỳnh như cánh chuồn báo bão bé nhỏ, mỏng manh, cô đơn, lạc lõng trước sóng gió cuộc đời. Cánh chuồn ấy mỏng manh báo tin bão tới, rồi chao đi chao lại tìm kiếm một chốn yên lành cho mình trong sự khắc nghiệt của bão tố cuộc đời mà chẳng thấy:
Và mây, mây khắp chốn lang thang
Chặn bốn phía những cỏ cây tội nghiệp
Cho cơn lốc dữ tợn về bẻ nát
Trái đất này sẽ nhận chìm trong mưa
Không tìm đâu một chỗ nương nhờ!
Mỏng manh thế làm sao chịu nổi
Chuồn chuồn ơi báo làm chi bão tới
Trời bão lên rồi mày ở đâu?
(Chuồn chuồn báo bão)
Viết về cái chết nhiều như thế liệu Xuân Quỳnh có hết âu lo? Có hết không những trăn trở của một trái tim nghệ sĩ? Câu hỏi đó có lẽ sẽ còn khắc khoải mãi bởi dù nữ thi sĩ có mất đi, thời gian có mãi trôi thì thơ của bà vẫn còn lại với thời gian, bất tử trong những trang thơ nồng nhiệt, bất tử trong những dự cảm âu lo. Những vần thơ viết về cái chết của Xuân Quỳnh không chỉ đậm nét hiện thực mà còn thấm đẫm tấm lòng của một người chiến sĩ cộng sản, của một người đồng đội khóc thương cho những đồng đội mình; thấm đẫm tình yêu và lòng khát yêu của một cô gái trẻ.
Với cách sử dụng ngôn ngữ đầy truyền thống, Xuân Quỳnh có những cách thể hiện cái chết rất khác nhau. Khi chiến tranh rực lửa, Xuân Quỳnh tái hiện cái chết một cách trực tiếp, đáng sợ. Khi yêu thương, âu lo trong tình yêu, cái chết được Xuân Quỳnh thể hiện một cách gián tiếp, nhẹ nhàng nhưng cũng muôn lần ám ảnh. Có lẽ, văn học Việt Nam sau Xuân Quỳnh khó có thể tìm thấy một tâm hồn thơ phong phú và nhạy cảm như thế!
1. Nữ sĩ Xuân Quỳnh, cuộc đời để lại – Ngân Hà biên soạn – NXB Văn hoá thông tin, H. 2001.
2. Quan niệm về hạnh phúc của Xuân Quỳnh trong thơ, Luận văn Thạc sĩ Khoa học Ngữ Văn, Lương Thanh Hưởng, 2011.
3. Xuân Quỳnh – Một nửa cuộc đời tôi (Đông Mai) – Trích Xuân Quỳnh – Thơ và đời – Vân Long sưu tầm và tuyển chọn, NXB Văn hóa thông tin, 2004.