MỞ ĐẦU
Khởi dựng sự nghiệp văn học từ 1999, đến nay, Vi Thùy Linh đã đàng hoàng, chững chạc tự khẳng định tư cách nhà thơ của mình- một nhà thơ có tài năng, có nội lực, trường sức chứ không phải ngắn hạn, vụ mùa. Tuy thế, vài ba năm gần đây, độc giả lại có cơ hội tiếp cận Vi Li ở một góc nhìn mới: tùy bút. Thơ Linh có chất văn xuôi và văn xuôi Linh lại đầy chất thơ. Đọc tùy bút, có thể thấy một Vi Thùy Linh vừa quen, vừa lạ.
Hai cuốn tùy bút của Vi Thùy Linh ra đời cách nhau không bao lâu. Tùy bút ViLi xuất bản năm 2012, Hộ chiếu tâm hồn xuất bản năm 2014. Có lẽ, sức hút của thơ Linh quá lớn nên người đọc có phần sao nhãng với tùy bút của cô, mặc dù, 2 cuốn sách này đã được tổ chức ra mắt độc giả một cách khá “rầm rộ”. Cho đến nay, ngoài những bài viết ngắn mang tính chất giới thiệu tác phẩm mới trên các phương tiện truyền thông, đáng chú ý nhất là 3 bài viết: Vi Thùy Linh, một con chim yến của GS Vũ Khiêu (lời đầu của tập ViLi tùy bút), Một tình yêu không thể kìm giữ của Nguyễn Quang Thiều (lời tựa tập Hộ chiếu tâm hồn) và Tùy bút Vi Thùy Linh của Hoàng Thụy Anh (đọc ViLi tùy bút- nhavantphcm.com.vn). Dù viết theo lối giới thiệu sách, bày tỏ cảm tưởng hay phê bình, nghiên cứu thì các tác giả đều phát hiện và khẳng định ở tùy bút ViLi chất thơ, chất tình, chất trí tuệ; thái độ lao động nghệ thuật nghiêm túc và đầy nhiệt huyết. Với những gì Linh đã cống hiến, đã dốc tâm cho tùy bút, thiết nghĩ rất nên có một cái nhìn toàn diện, hệ thống về tùy bút ViLi, để thấy được mạch sáng tạo, sự tiếp nối, biến đổi trên chặng tiếp sau lộ trình 15 năm Thơ của cô.
NỘI DUNG
Làm thơ từ tuổi 19, đôi mươi, đến nay, dù đã trở thành một người phụ nữ trung niên từng trải, Vi Li vẫn vẹn nguyên một tình yêu nồng nàn, say đắm với cuộc đời. Tùy bút là “giai đoạn tiếp của hành trình tình yêu”. Trong thơ, độc giả đã có ấn tượng khó phai mờ với một “thi sĩ của ái quyền” thì nay, trong văn xuôi, người ta vẫn thấy Vi Li- một nhà văn của tình yêu, tình yêu với quê hương, đất nước, với những người thân yêu, với cái đẹp, với Anh. Linh luôn nhìn thế giới bằng nhãn quan của một người tình, dù vui hay buồn, dù hạnh phúc hay trăn trở lo âu đều nồng nàn mê đắm. Tùy bút Vi Thùy Linh là lời tỏ tình với thiên nhiên, với những “ái thành”, với cuộc đời.
Hầu hết các thiên tùy bút của Linh đều xuất hiện nhân vật Anh như một đối ảnh tâm hồn, “Anh là Tình yêu lớn, biểu trưng hiện hữu của cái đẹp, thiên lương, lãng mạn, niềm tin và mơ ước. Anh- nguyên cớ sáng tạo của ViLi” (19,1). Giăng mắc khắp tùy bút ViLi là một không gian tình ái, tình yêu nhuộm màu cả thế gian, dù Linh ở hiện tại hay Linh về quá khứ, dù đang đứng trên mảnh đất quê hương hay đang giữa Pari, Varsawa…, tất cả những nơi Linh đã qua đều là những “ái thành”. Chia sẻ, hòa quyện cảm xúc và thể xác, đồng cảm khát vọng, Linh cùng Anh mở mang thế giới. Không thể tưởng tượng, nếu không có tình yêu, thế giới trong mắt Linh sẽ thế nào!
Linh dành biệt nhỡn cho mùa xuân bởi với Linh, mùa xuân là “mùa của yêu tin”, “gương của thời gian”, là “mùa xanh”, mùa tình, mùa nhớ, mùa trở về, mùa sinh sôi, mùa của yêu đương, tất cả mọi sự vật đều hưng phấn sống… Xuân là biểu tượng của tuổi trẻ, sắc đẹp.
Với Linh, “đời là những chuyến đi”. Đi không phải chỉ là sự chuyển động, dịch chuyển không gian địa lí, vật lí. “đường đi, đâu cứ nhìn bằng mắt, bước đi, đâu phải là chân. Người ta đến với nhau bằng tinh thần” (223,1) “đi là tiến lên, trở về”, “đi bằng ý nghĩ, bằng văn hóa.. (226,1). Linh về quá khứ, đi tới tương lai: “về nơi tôi đã sinh ra”, “cùng bà trên đường đá xanh”, “hướng tới bối cảnh ngày chưa đến”. Đi là để tìm mình, hiểu mình. Linh đã đi từ Bắc chí Nam, từ trong đến ngoài nước, từ Đông sang Tây và lưu dấu, ghi giữ rất nhiều ấn tượng. Linh trải tình yêu nồng nàn, đắm đuối với mọi vùng đất, mọi mặt người. Những miền đất mà Linh đã tới, những địa chỉ đáng sống trên bản đồ đời, đối với Linh đều là những “ái thành”- thành phố của tình yêu, để yêu thương. Linh đi theo đường cong chữ S, “Bay trên sông Thao”, yêu Đà Nẵng- thành phố hệt một “tráng niên dồi dào sinh lực, phát triển với tốc độ vượt bão. Mang phẩm chất tiên phong quả quyết, Đà Nẵng thanh xuân triền miên”. Mỹ Khê “quyến hương choáng ngợp” ngân lên trong Linh như một điệp khúc, một bản tình ca (Mỹ Khê Mỹ Khê). Linh cảm nhận được nhịp Sài Gòn- một thành phố trẻ bộn bề hối hả suốt ngày đêm, ào ào nồng nhiệt triền miên. Linh say đắm những đường cong Paris, dòng chảy tâm hồn Pháp, mê mải với những mĩ kiều, yêu trên cánh đồng nước Pháp… Ái thành mãi mãi chính là Thăng Long. Hiện lên trong tùy bút Vi Thùy Linh là một Hà Nội của hôm nay: “Hà Nội ru bic thời thị trường”, hiện đại, năng động, thức thời, đang biến đổi và phát triển nên cũng ồn ào, hối hả, tạp đa. Linh luôn trăn trở: “tôi đã làm được gì cho Hà Nội của mình? Thăng Long, chuyển mình những khúc vươn cồng kềnh sau 4 năm mở rộng: nhiều thất lạc, mất mát, xô lệch, lai tạp, rạn vỡ đang diễn ra mỗi ngày, không thể che khuất bởi ngợi ca và hy vọng” (17,1).
Yêu thiên nhiên, yêu cuộc sống, yêu những vùng đất đến thế, tất yếu, Linh chẳng thể không yêu người: những người thân yêu trong gia đình, những bậc tài danh… Với Linh, ông nội, bà nội, đặc biệt là bà nội cùng những kỉ niệm thời thơ ấu đầm ấm yêu thương chính là “miền linh thánh” trong tâm tưởng- điểm tựa chở che, nương tựa, nâng đỡ cho Linh trên đường đời.
Yêu đời nên cũng đau đời. Linh xót xa trước những vẻ đẹp đang bị xâm hại, đang dần dần biến mất. Linh đau lòng trước kiến trúc, cảnh quan, quy hoạch đô thị của Hà Nội, đau lòng chứng kiến hồn cốt Thăng Long đang ngày một phôi pha, phiền muộn khi “chỉ tìm được lưu ảnh Hà Nội lãng mạn, thánh sạch”. Hà Nội hiện tại “thống thếnh rỗng nếp thanh lịch hào hoa, tao nhã, phong lưu”, con người đang dần tha hóa, bào mòn cảm xúc, mất dần khả năng tưởng tượng… Trân trọng, nâng niu, thương nhớ từng cái cây, từng con đường, cây cầu, cánh đồng, cái hồ…, Linh phổ tình mình vào thế giới, sống, yêu cho đến hết đam mê. Đọc tùy bút Vi Thùy Linh, ta ý thức hơn được trách nhiệm công dân của chính mình, trách nhiệm gìn giữ, bảo tồn và phát huy những giá trị, những vẻ đẹp ngàn đời, những vẻ đẹp khiến cho cuộc đời này đáng giá hơn, đáng sống hơn.
Là một người trẻ tuổi, nồng nàn, quyết liệt ngay từ khi mới xuất hiện, nay Linh lại chọn cách sống chậm. Linh muốn “sống sâu, sống kĩ và thơ hơn” để không bỏ sót, không hoài phí nhiều vẻ đẹp, nhiều giá trị, tinh hoa vẫn chờ thưởng lãm, khám phá, gìn giữ. Trong vòng quay chóng mặt của cuộc sống đô thị, khi người người hối hả sống vội, sống gấp, Linh lại thiết tha bồi hồi trở về với quá khứ, với những giá trị truyền thống, những vẻ đẹp cổ điển để thấm thía hơn hiện tại. Điều này ta đã thấy trong cái cách Linh yêu người, yêu đời (như đã nói ở trên). Linh viết nhiều về Tết, về những mùa xuân trước vì thời gian quá khứ đồng nghĩa với thời gian tuổi trẻ, với hoài niệm ấu thơ. “Tết là tấm vé để trở về”, “xuân cho ta được hồi sức trẻ, hình dung về ngày mai…”. Linh hằng mong “Hãy chậm lại chậm lại nhịp sống, tốc độ đi, những quay cuồng, thất vọng, những hồi hộp, mơ tưởng, chờ đợi, tìm kiếm, thất lạc và hạnh ngộ” (24,1) “Hãy quý giá từng khoảnh khắc yêu, được yêu, được làm điều mình mong muốn, có được dù một chút điều mình mong đợi. Mỗi ngày sống là một ngày chạy đua” (86,1). Linh yêu thiết tha những vẻ đẹp trong trẻo, nguyên sơ. Linh viết nhiều về quê hương bản quán, về làng quê (Việt Nam, Pháp, Ba Lan…)- miền che chở- nơi chứa đựng khát vọng ngàn đời: bình yên; những cánh đồng “bao la thanh yên”- những “cánh đồng cứu rỗi”- nơi sinh sôi, cũng là nơi yên nghỉ của những kiếp người. Linh đã mơ có một cánh đồng để nguyên, không bao giờ gặt, cứ giữ nguyên sóng vàng trĩu hạt. Với Linh, những cánh đồng không chỉ cung cấp lương thực, lúa ngô, rau khoai, hoa trái, chúng cân bằng sinh thái, tinh thần chúng ta. Mỗi khi bức bối, ngột ngạt người ta thường ra ngoại ô, tìm đến cánh đồng, miền quê nhằm trấn tĩnh, thư giãn, mộng mơ. Và để thở… Còn cánh đồng, thì còn nơi để chúng ta, con cháu chúng ta chiêm ngưỡng, nghỉ ngơi, nuôi ý nghĩ chân thành, sâu sắc về lao động, về sự sống và cái chết. Còn cánh đồng, chúng ta còn thiên lương, còn mùa mùa tâm hồn gieo gặt (151,1).
Linh sống thiên về xúc cảm, trước hết bằng cảm nhận chứ không phải hành động. Linh đã thức nhọn giác quan, cảm xúc, cảm giác cho người đọc. Linh yêu sự tĩnh lặng, im lặng. Chị rưng rưng trước sự chuyển động của một cái nhích kim chuyển dịch từ năm cũ sang năm mới. “Cả năm chỉ sáng mùng 1 Tết có sự tĩnh lặng trên đường Hà Nội. Tôi yêu sự tĩnh lặng đến mức chỉ muốn tất cả đi bộ, thở khẽ”(74,1). Linh thích sự im lặng, “Im lặng , để người khác nghe thấy mình… Im lặng, nỗi buồn đau lắng lại và niềm vui không nói nên lời”. “Có kẻ đến già vẫn thích tụ tập ồn ào, tôi chỉ thích từ trên cao, góc khuất và tĩnh, quan sát tất cả. Để chiêm ngắm và thưởng lãm, để lắng nghe, có độ sâu cảm nhận, ở bất cứ đâu, cũng không thể ngập chìm vào ô hợp ồn ào”. Linh khóc những cái cây ngã xuống trong mùa giông bão, “ngửi hương, là có được hình dung về sự vật, về người, “sống chậm với những chuyến tàu”. Có lúc, Linh ước ao: “Giá thế giới là cuốn phim câm khổng lồ trong chốc lát, cho mỗi vẻ đẹp lướt chậm và ngưng đọng”…(43,2). Linh tập quên bớt lo âu, tham vọng, tính toán, tập biết run rẩy, hồn nhiên, đa cảm, đam mê để giữ được sự nhạy cảm non tơ mơ mộng của mỗi giác quan, tâm hồn.
Sống chậm nên Vi Thùy Linh có điều kiện cảm nhận Thăng Long từ cái nhìn đa chiều. Thụ hưởng những thành quả của cuộc cách mạng khoa học công nghệ thế giới, sống trong thời đại kĩ thuật số, Linh nhận rõ những thiếu hụt, những nguy cơ đáng báo động về xã hội, về nhân văn. Linh hoài niệm về quá khứ, về Hà Nội xưa với những cột điện sắt và hòm thư sơn vàng- hiện hữu của một thế giới tinh thần phong phú, tình cảm con người vẫn còn ấm áp. Linh cảm thấy chống chếnh khi những hòm thư bưu điện dần biến mất trong thành phố, có thể sẽ trở thành niềm hoài cổ (Những hòm thư dần biến mất trong TP….). Linh xót thương cho những nàng công chúa Việt với số phận éo le, bi kịch trong vòng xoáy của lịch sử, quyền bính và giao tranh (Nỗi buồn của những nàng công chúa). Linh hoài niệm cây cầu Long Biên lịch sử- một trong những di sản cổ nhất của Hà Nội- cây cầu đẹp, nên thơ trong kí ức- chủ nhân, vật chứng của bao kỉ niệm; ước ao “hãy để cây cầu lịch sử này thành cây cầu nghệ thuật, bớt công năng vận chuyển nhọc nhằn cho nó, để cầu được bền lâu cùng Thủ đô của chúng ta- một TP ngàn năm đã mất quá nhiều di sản, sự cổ kính” (Cây trâm cài qua dải lụa hồng). Cầu Thê Húc, đền Ngọc Sơn, Bờ Hồ, phố cổ, chợ Ngọc Hà, ga Hàng Cỏ, Hồ Tây, chợ Bưởi… mỗi cái tên, chỉ cái tên thôi đã đủ sức ngân lên bao cảm xúc rưng rưng trong tùy bút ViLi. Đó là những thực thể đang hiện hữu, cũng là những bóng mờ quá khứ cùng với cả một lai lịch trong trường kì lịch sử. Với những gì đã trải trong tùy bút, nhiều khi, ViLi làm cho người đọc không khỏi kinh ngạc trước những hiểu biết sâu rộng, kĩ lưỡng về lịch sử, văn hóa, địa lí, nghệ thuật, về đời sống nghệ sĩ… Linh sống kĩ và viết kĩ. Linh luôn có cái nhìn xuyên thời gian, từ hiện tại mà ngược về quá khứ, rồi lại thao thiết hướng tới tương lai. Linh “nâng niu những vẻ đẹp của quá khứ và kiến tạo chuỗi vẻ đẹp mới trên từng cm tuyệt lãm Ái thành”. Tuy không phải là nguyên quán nhưng Hà Nội vẫn là nơi Vi Thùy Linh sinh ra và lớn lên, gắn bó, cho Linh bao cảm xúc sống sáng tạo. Linh có cái tinh tế của một người Hà Thành, cái tinh tế của một nhà thơ. Có lẽ, chỉ ViLi mới cảm thấy và gọi tên một “Hà Nội dấu hương”: lần theo dấu hương mà gọi tên Hà Nội, hương làm nên Hà Nội và Hà Nội đáng nhớ là vì những mùi hương; để rồi xao xuyến, tiếc nuối, nhớ thương… Linh cảm nhận hồn vía của Hà Nội qua cái đẹp, cái quyến rũ, níu bước chân người của hương thơm. Hương Hà Nội, là hương từ cây, từ các loại hoa. Linh “gắng sức lọc hương giữa ô hợp mùi người tứ xứ, hàng triệu động cơ rối loạn Hà Thành”, cầu cho dấu hương Hà Nội trở về, “Hương của khói thiêng từ các đền chùa, từ bàn thờ mỗi nếp nhà thành kính chờ âm dương màu nhiệm. Hương của tinh thần ngưỡng vọng tổ tiên, linh ứng nguồn cội. Hương của văn hiến kinh kì phóng chiếu kinh tuyến Hồng Hà. Hương của văn hóa Thăng Long truyền phổ những vỉa giá trị trường tồn… Hà Nội dấu hương là những kết tạc hào hoa, phóng khoáng, kỳ công của thiên nhiên, của con người đan hòa sinh sôi truyền đời, nối vào không gian, thời gian hữu hạn- không cùng những cơn mơ phồn sinh, linh thánh” (332,1).
Có lúc Linh ao ước: “Giá mà thời gian của đời người chậm như chuyến tàu này”. “Khi lòng thật lắng, người ta mới có thể bỏ qua ồn ào, cay đắng, chua chát, đón nhận bình thản tuổi tác, thời gian… Đi qua những tháng năm hào phóng, liều lĩnh, càng chắt chiu, dè sẻn, trân trọng từng ngày sống. Mỗi ngày đêm sống phong phú tận lực, đời ngắn đi, song ta lại “lãi” một ngày” (74, 1). Sống chậm để ý thức hơn về giá trị của cuộc sống, để tận hưởng kĩ lưỡng cuộc sống là cách ứng xử của ViLi.
3. Tùy bút Vi Thùy Linh- khát khao sáng tạo tiếng Việt thành một sinh thể
“Khát khao mãnh liệt của tôi là sáng tạo tiếng Việt thành một sinh ngữ quyến rũ và thách thức”, “Công phu chau chuốt tiếng Việt tâm hồn là cách yêu chậm, kỹ, tuyệt cùng, mong sống thêm lần nữa cuộc đời hữu hạn bằng sáng tạo đam mê…” (17-1). Vậy, Linh đã sáng tạo bằng cách nào?
Không cho phép mình cẩu thả trong văn chương, Linh vô cùng cẩn trọng trong từ ngữ, câu chữ. Linh sống, đam mê với từng con chữ, “Luôn nghiêm túc, dốc sức tìm kiếm tác tạo những mới lạ, ẩn khuất mà thể hiện, ngưng tụ và cống hiến bằng ngôn ngữ tiếng Việt tinh tế, thăng hoa, lay thức của khát vọng”. Linh “thường trực khởi hành trước trang giấy trắng”. Nhiều cây bút không mấy hệ trọng việc đặt tên cho một sáng tác, thông thường đó là việc làm sau cùng, một thủ tục để hoàn tất việc khai sinh cho tác phẩm. Đối với Linh, đó lại là việc khó nhọc đầu tiên. “Đặt được titre ưng ý thì mới có cảm hứng, cấu trúc tác phẩm. Titre là chủ đề, là cánh cửa”. Những tác phẩm tùy bút của Linh ngay từ cái tên đã tràn đầy cảm xúc, tràn đầy sức gợi: Hương xuân, Sinh nhật tim, Đà Nẵng, tốc độ vượt bão, Sài Gòn khóa sol, Những đường cong Paris, Paris tình tự mùa hè, Yêu trên cánh đồng nước Pháp, Paris 36 lần yêu, Tháng tư thương tháng tám, Hà Nội dấu hương, Ái thành mãi mãi, Phố Tạ Hiện- ngã tư quốc tế không “đèn vàng”, Hộ chiếu tâm hồn, Tô chữ S Việt Nam bằng tên đảo…Ý thức rất rõ nhiệm vụ lớn nhất của nhà văn không phải là việc dùng ngôn ngữ để thể hiện cảm xúc của mình như một cách trần thuật đơn thuần, mà là phải làm giàu tiếng mẹ đẻ của mình, Linh đã xây dựng và sở hữu một vốn từ vựng cho riêng mình. Linh thích những mĩ từ (đôi khi có phần cầu kì, điệu đà): ái phòng, ái thành, ái thanh, nguyệt lịch, nông lịch, hợp linh, trinh tĩnh, lưu linh hợp sóng, môi dệt môi, phổ diệp lục, miên ái, tín điệp, miên thanh, miên hương, trinh hương, chương hôn, chuyến môi tuyệt đỉnh, mướt nhớ, hoài nghi thất tán, lưu ảnh hợp hôn lịch sử, hỗn hoang, cơn siêu linh mải muốt, lưu ảnh ái miên, hợp linh, cuồng lưu, phóng thích áp lực lo âu phi nước đại, mảnh muốt, căng miết, môi dệt môi, dậy thì những giấc mơ…- những cách diễn đạt đầy tính tạo hình, tạo ảnh, tác động mạnh mẽ vào nhãn giới, vào thế giới cảm giác, cảm xúc của người đọc:
- Tôi thích tấm ảnh Hoàng Kim Đáng chụp Nguyễn Tuân mũ len râu bạc ngước mắt lên cây đào Nhật Tân cựa nụ. Làng đào thổ huyết máu đào, Nguyễn Tuân hai mươi lăm năm rồi không còn du xuân Hà Nội
- …sông Thao khỏa mình hồng nuột giữa bối cảnh ngụ tình, gọi tiên về nô đùa quên xiêm áo…
- Đường láng mịn nhiều khúc quanh, nhìn về phía trước, mặt chạm sông mà ngỡ đang lượn ôm ven biển. Theo đê lướt chậm qua vùng eo gợi cảm núi đồi, sông cuốn lưng trời phơi mở đường đường cong gần xa, son hòa màu cọ. Buổi chiều hiền như con bê vàng cùng bầy bò tha thẩn chân đê cỏ mượt. Ai phơi lụa dòng Thao theo làn da thở… (107, 1)
- Ôm từ phía sau, Anh nâng em lên bát ngát, mình bay trên sông từ độ cao 55m. Tựa Anh, em đo lại khung trời. Trên ngực Anh, em thấy đường đời quyện xiết, mình vẽ được bản đồ tình yêu. (123, 1)
Linh tư duy bằng hình ảnh, cảm, nghĩ bằng hình ảnh. Sở trường của một nhà thơ đã được phát huy ở tùy bút. Những câu văn xuôi của Linh chất ngất, tầng lớp hình ảnh, tạo nên một không gian 3D đầy ấn tượng. Để tải được hình ảnh, tất yếu, cấu trúc những câu văn cũng điệp trùng, đầy nhịp điệu, nhiều khi tưởng rất khó chọn được chỗ dừng.
- Nắng tràn trề rất trẻ, nắng chạy theo người, nắng tỏa kính vạn hoa không nếp nhăn trong muôn bóng- hình nắng tạo, qua kẽ lá, phố phường, trên cao, ấp bóng anh, em, in vào màu da xứ sở, phả trong hơi thở người người tinh mơ lam lũ ở các chợ đầu mối đến buổi đêm rực rỡ đèn màu bừng bừng chốn ăn chơi, nắng phổ quang kiến trúc Tp và kiến trúc phận người (129,1).
- Chỉ có lúa và cỏ vẫn trổ lịch trăng. Anh ngồi bên sông, chân trần bờ cỏ. Em nằm trong Anh. Mình đang tỉnh hay mơ. Đồng dâng lúa cỏ dâng xanh sông dâng sóng người dâng tình, mình hợp linh dòng truyền thụ ngoạn mục…
- Em thấy không, nụ nụ sao đang bay, trăng cong liềm sóng. Liềm sóng gặt mây về những chân trời “Đôi mắt em dài hai cánh thuyền thoi”… (305, 1)
- Mù mịt mưa. Mù mịt nhớ. Mù mịt hôn/ Biển nức nở hạnh phúc. Biển dạt dào say đắm. Biển mệt nhoài thổn thức.
Vũ trụ trong cái nhìn của Linh là một không gian luyến ái, giăng mắc đầy những sợi tơ tình, tình giữa thiên nhiên với thiên nhiên, giữa anh và em, con người và thiên nhiên, hòa quyện, hợp linh. Không thiếu những hình ảnh đượm màu tính dục (vẫn là sở trường của Linh) nhưng vẫn nuột nà, nhuần nhị, thể hiện khát khao giao cảm tuyệt đối cả thể xác và tâm hồn.
Khả năng liên tưởng tưởng tượng phong phú, dồi dào nhiều khi đẩy tùy bút Vi Li đi rất xa, làm người đọc phải ngạc nhiên vì độ hấp dẫn, thú vị đến bất ngờ của nó. Giữa mùa xuân và loài rắn, thiết tưởng chẳng có một mối liên hệ nào. Ấy thế mà từ chỗ liên tưởng mùa xuân với thời gian, ví thời gian như nước chảy, thoi đưa (cổ nhân đã làm), chị lại hình dung thời gian trườn vô lường như con rắn quyền năng. Từ chỗ miêu tả những đặc điểm dễ gây kinh hãi của loài này, Vi Li dắt chúng ta sang Ấn Độ gặp những ông thầy phép thuật có khả năng điều khiển rắn lắc lư theo điệu nhạc. Với Ấn Độ giáo, rắn là thần, tượng trưng cho sự bất tử. ở Úc, rắn tượng trưng cho nước, thực thể tâm linh lâu đời. Ở Trung Mĩ, rắn là loài giao thoa giữa thế giới sống và chết. Ở Mexico, rắn là thần bảo hộ gia đình. Ở Iran, Campuchia, rắn đều được coi là loài vật thiêng. Sau khi đã chu du khắp các nước Âu, Á, Linh lại đưa người đọc đến với ngành công nghiệp thời trang. Hình ảnh rắn, da rắn được đưa vào làm họa tiết trên áo, túi sách, giầy dép. Chưa kịp hết ngạc nhiên, Linh lại liên hệ đến ngành y học với những tác dụng lớn lao của loài rắn. Rồi chúng ta lại phiêu du lên vườn địa đàng gặp Adam và Eva, chứng kiến sự lừa dối của quỷ Sa tan. Từ vườn địa đàng, ta lại trở về mặt đất, trở lại Việt Nam với trò “rồng rắn lên mây” gắn bó với tuổi thơ mỗi người, rồng rắn về những phiên chợ Tết. Đến đây, Linh thiết lập lại đường link với mùa xuân (52, 2).
Nhớ Thạch Lam, Nguyên Hồng, Vi Li viết 2 tùy bút giả tưởng: Gặp Thạch Lam ở Cẩm Giàng và Nguyên Hồng- trên chuyến tàu đời. Thu 2013, ViLi tìm về Trại Cẩm Giàng- nơi tưởng niệm Tự lực văn đoàn- nhóm sáng tạo lừng danh nhất của văn học Việt Nam thế kỉ XX để gặp Thạch Lam. Trong trí tưởng tượng của Linh, tất cả vẫn vẹn nguyên, trong veo. Hình như thời gian đã bỏ qua nơi đây, ngưng đọng, bảo lưu nguyên khối, vĩnh viễn hóa tất cả từ cái cây, ngọn cỏ, tiếng chim hót, tiếng cười tao nhân... Thạch Lam vẫn như tuổi 32 hay không tuổi dẫn Vi Li đi trong khu vườn xanh. Vi Li “nắm đôi bàn tay ngón dài mềm ấm” của ông, yêu thương, cộng cảm. Không khí Cẩm Giàng, cũng là không gian nghệ thuật trong tác phẩm Thạch Lam vẫn như hơn 70 năm trước. cảm phục vô ngần trước nhân cách, văn tài Thạch Lam- tác giả của “thứ văn tinh tế vô cùng duy mỹ, duy tình, điềm tĩnh mà chất chứa yêu thương con người, cuộc sống. Thạch Lam cùng văn chương của ông mãi mãi tuổi thanh xuân. Còn với Nguyên Hồng, ViLi lại gặp ông ở một nơi đặc biệt: tại Pháp, trong lòng đất, trên tàu điện ngầm ở kinh đô ánh sáng. Linh tìm thấy một đường link giữa Việt Nam và nước Pháp, giữa Nguyên Hồng và V. Hugo. Linh nhận ra độ phổ rộng của một trái tim nhân đạo, luôn biết cúi xuống, xót thương những thân phận nghèo khổ; nhận thấy tính nhân loại trong những sáng tác của Nguyên Hồng.
Liên tưởng tưởng tượng đã chắp cánh cho tùy bút Vi Li đi xa, mang đến cho nó vẻ đẹp miên mê, hấp dẫn. Nhưng Linh vẫn có khả năng làm chủ được ngòi bút, để đi xa rồi lại về gần. Cảm xúc dạt dào nhưng vẫn được quản thúc trong ý thức thường trực tự giác về viết- một công việc nhọc nhằn, đòi hỏi tình yêu và tinh thần trách nhiệm.
KẾT LUẬN
Tùy bút là thể loại giáp gianh giữa thơ và văn xuôi, là nơi bộc lộ rõ cái tôi chủ quan của người cầm bút. Cùng với thơ, tùy bút chính là hộ chiếu tâm hồn Vi Li- một người phụ nữ thông minh, giàu cảm xúc, thành thực, trải nghiệm, trẻ trung, sôi nổi, sống tận lực, tận tâm, hết mình với hiện tại và cũng luôn trân trọng quá khứ, có ý thức trách nhiệm công dân và cũng luôn đi đến tận cùng cảm xúc của cá nhân mình, biết sống chậm, sống kĩ để biết trân trọng, nâng niu từng phút giây quý giá của cuộc đời. Những trải nghiệm đời sống đã khiến Linh sâu hơn, sắc hơn. Là một nhà thơ viết tùy bút, tùy bút Vi Thùy Linh hẳn đã rất giàu chất thơ. Linh có khả năng “thức nhọn giác quan” cho người đọc. Trước những cảm giác, cảm xúc của Linh về sự sống, về cái đẹp, về cuộc đời, có lẽ chúng ta khó có thể sống mờ, sống nhạt, sống vội để hoài phí đi hương sắc của đời. Sự am hiểu những tri thức về văn hóa, lịch sử, địa lí kim cổ, trong và ngoài nước đã mang đến cho tùy bút Vi Li tính thời sự, khả năng cung cấp thông tin một cách thú vị. Những khi ấy, Linh đã phát huy vai trò, năng lực của một nhà báo. Dạt dào và mê đắm, tỉnh táo và khôn ngoan, Linh ru độc giả bằng cảm xúc, thức độc giả bằng những rung chuông, cảnh báo để người ta sống có vị hơn, có tình hơn, có trách nhiệm hơn. Nếu mong muốn của Vi Thùy Linh là mỗi người, khi đọc tùy bút ViLi sẽ có một tình yêu đẹp, ham sống và yêu hơn cuộc sống này (18, 1), thì có lẽ Linh đã làm được điều ấy.
Nếu có gì tiếc nuối thì sẽ là: đôi khi Linh vẫn hơi cầu kì, xểnh xoảng, nhiều lời. Từ Vi Li tùy bút đến Hộ chiếu tâm hồn, đây đó, Linh đã có sự lặp lại chính mình. Dù vậy, qua tùy bút, một lần nữa, Vi Li lại tự cấp hộ chiếu, visa cho chính mình để độc giả, chẳng thể nhầm chị với ai. Và, có lẽ, sẽ chẳng ai nghi ngờ về tâm huyết, nội lực, khả năng tiến về phía trước của một cây bút sung sức… Chúng ta có quyền hy vọng!
Chú thích:
1. Vi Li tùy bút- NXB Hội Nhà văn, 2012
2. Hộ chiếu tâm hồn- NXB Kim Đồng, 2014
Tóm tắt
Nhiều năm nay, Vi Thùy Linh đã trở nên quá quen thuộc với người đọc. Độc giả chủ yếu biết đến chị với tư cách là một nhà thơ- thi sĩ của tình yêu. Nhưng ViLi còn là nhà văn viết tùy bút. Tùy bút sẽ cung cấp thêm một góc nhìn vừa quen vừa lạ về ViLi. Cùng với thơ, tùy bút chính là “hộ chiếu tâm hồn” Vi Li- một người phụ nữ thông minh, giàu cảm xúc, thành thực, trải nghiệm, trẻ trung, sôi nổi, sống tận lực, tận tâm, hết mình với hiện tại và cũng luôn trân trọng quá khứ, có ý thức trách nhiệm công dân và cũng luôn đi đến tận cùng cảm xúc của cá nhân mình.
Vi Thuy Linh essay- “soul passport”
For recent years, Vi Thuy Linh has become so familiar to readers. Readers know her primarily as a poet of love. But Vili is also an essay writer. Essay writing will provide an additional perspective which is both strange and familiar on Vili. Along with poetry, essay is the "soul passport" of Vi Li- an woman which is intelligent, emotional, honesty, experienced, youthful, vibrant, paddle and conscientious living, living her best with present and always cherish the past, having responsibility of a citizen and always goes through to the end of her personal feelings.
PGS. TS. Đặng Thu Thuỷ
Khoa Ngữ văn, Đại học Sư phạm Hà Nội