Truyền thuyết về thần sông Tô Lịch

TRUYỀN THUYẾT VỀ THẦN SÔNG TÔ LỊCH

 

1. Về văn bản

Tô Lịch là dòng sông cổ xưa của Thăng Long – Hà Nội, một nhánh của sông Hồng, do quá trình con người chinh phục dòng sông Cái tạo thành. Trước đây, Tô Lịch đã từng là dòng nước trong xanh, tươi mát, nơi người ta có thể đi thuyền ngắm cảnh kinh thành:

Nước sông Tô vừa trong vừa mát

Em ghé thuyền đỗ sát thuyền anh

Dừng chân kể lể sự tình

Sông bao nhiêu nước thương mình bấy nhiêu.

Cùng với giá trị về lịch sử (quá trình hình thành vùng đất trong sông (Hà Nội), tạo lập địa bàn cư trú của con người), dòng sông còn có ý nghĩa thiêng liêng trong tâm thức dân gian, được truyền tụng qua những chuyện truyền miệng. Tô Lịch là tên sông và cũng là tên của vị thần sông (Tô Lịch giang thần). Hai chữ Tô Lịch lần đầu tiên được sử sách nhắc đến là vào thế kỷ VI, trong các sách Lương t, Trần thư của Trung Quốc khi nói vắn tắt về sự kiện Nam Việt Đế Lý Bí cho đắp dựng một tòa thành bên một dòng sông xưa trên đất Hà Nội cổ (545), được gọi là “Tô Lịch giang thành” (thành sông Tô Lịch). Như vậy, Tô Lịch xuất hiện là danh xưng của một con sông. Tuy nhiên, tên con sông lại bắt nguồn từ một người, tên Tô Lịch, vào cuối thế kỉ thứ III – đầu thế kỷ IV, về sau được tôn làm thần, phong lên tới chức Thành hoàng Thăng Long.

Sách Lĩnh Nam chích quái ghi lại sự tích về thần sông Tô Lịch như sau: Thành Đại La ngày xưa được xây dựng trên phần đất của làng Long Đỗ. Làng này nằm bên bờ sông nhỏ chạy ra sông Cái (sông Hồng). Tương truyền, xưa kia trong làng có nhà họ Tô, tuy gia tư không giàu có lắm, nhưng mọi người ăn ở với nhau thật là hiếu nghĩa, hòa thuận.

Đó là vì gia đình này từ nhiều đời nay luôn luôn có ba thế hệ cùng sống chung trong một nếp nhà, nhưng do chăm chỉ làm ăn, lại biết trên kính dưới nhường, nên chẳng hề xảy ra chuyện gì to tiếng. Đối với dân làng, họ cũng đối xử khoan dung và làm nhiều việc nhân nghĩa, nên được mọi người kính nể.

Sang đến đời Tô Lịch, chẳng những ba đời, mà cả ba anh em trai, tuy đều có gia đình riêng, nhưng vẫn cùng ăn cùng làm, vậy mà trong nhà luôn luôn êm ấm. Còn đối với dân làng, những khi giáp hạt hoặc những năm mất mùa, họ sẵn sàng bỏ thóc gạo ra cứu trợ người nghèo hoặc cho dân làng vay không lấy lãi. Vì thế lại càng được mọi người mến phục.

Thời ấy, Giao Châu đang bị nhà Tấn cai trị (264 – 420). Nhà Tấn có lệ đề cử những người hiền đức, hiếu nghĩa vào các chức vị ở địa phương nên người anh cả Tô Lịch được phong chức cai quản Long Đỗ. Ông điều hành và xử đoán các việc có lý có tình, lại biết thương yêu quý trọng mọi người nên hương ấp ấy yên vui, mọi người chăm lo sản xuất và không xảy ra những chuyện như tranh giành, đánh chửi nhau hoặc cờ bạc, trai gái, trộm cướp.

Tiếng lành đồn xa, vì thế khi ông còn sống, dân chúng trong vùng lân cận khi gọi tên làng Long Đỗ, thường lại hay nói: “Đấy là làng ông Tô Lịch”.

Khi Tô Lịch già yếu rồi mất, dân chúng trong vùng tiếc thương, đã lập đền thờ ông để tưởng nhớ, và cái tên làng Tô Lịch mãi mãi được lưu truyền.

Đến thời sau, có tên quan cai trị là Lí Nguyên Gia lập đền thờ Tô Lịch và có ý dâng sớ để triều đình phong tước. Đêm hôm ấy, Lí bỗng thấy một trận gió ảo tới, rồi bụi cuốn cát bay mù mịt. Tan cơn gió, trước mặt Lí hiện ra một cụ già phương trượng, râu tóc bạc trắng, vận trang phục màu tía, cưỡi hươu trắng đến trước mặt mắng. Đến thời Cao Biền sang dẹp quân Nam Chiếu cướp phá và ở lại làm tiết độ sứ (866), y cho xây dựng phủ to lớn, nguy nga hơn nhiều. Lại xây đắp La Thành cũng bề thế, vững chắc hơn rất nhiều so với thời Lí Nguyên Gia. Biền cậy mình có vũ công lớn, bản thân lại là tay tướng số lão luyện, có nhiều thuật phép và mưu mẹo thâm hiểm, nên y tưởng rằng sẽ bất chấp và khuất phục được tất cả. Một buổi sớm, Biền ra đứng ở bờ sông Cái, phía đông thành Đại La, để ngắm nhìn các thế đất và tìm huyệt định yểm. Bỗng nhiên, một trận bão nổi lên, lá rụng cát bay mù mịt và nước sông cũng dâng sóng lên cuồn cuộn. Đứng trên mặt sóng là thần Tô Lịch mà y đã từng gặp mặt, nhưng bây giờ trang phục thật uy nghi, tề chỉnh, lại cưỡi trên một con hươu trắng. Thần xuống cảnh cáo Cao Biền. Một tháng sau, khi đã chuẩn bị xong xuôi, Biền xây dựng đàn tràng để niệm chú, bắt quyết. Bùa yểm của Biền là kim đồng thiết phủ. Đêm hôm ấy, Biền xõa tóc, cầm kiếm đứng giữa đàn tràng, miệng lẩm bẩm còn tay thì khua khoắng lia lịa. Bỗng nhiên, sấm chớp nổi lên đùng đùng, nước mưa đổ xuống như trút. Trong cơn mưa gió, có tiếng thiên binh thần tướng hò reo vang lừng. Rồi trong khoảnh khắc, trái với ý đồ của Cao Biền, kim đồng thiết phủ bật ra khỏi đất rồi biến ngay thành tro bụi, bay đi mù mịt... Biền khiếp đảm, ngã vật ra đất, hai mắt trợn ngược, bọt mép sùi ra, nom thật gớm guốc, thảm hại. Quân sĩ phải vực y vào trong trướng, một hồi lâu sau Biền mới tỉnh. Y than thầm:

- Xứ này nhân kiệt địa linh, không thể nào chế ngự được. Ta ở lâu ắt sẽ chuốc lấy tai họa.

Đây lại nói về thần Tô Lịch, do có nhiều công đức với dân chúng nên Ngài được lập là Thành hoàng. Ngài lại có nhiều công đức với cả đất nước, vì đây là đất của quốc đô Thăng Long sau này, như đã mấy lần Ngài cho Lí Nguyên Gia, rồi Cao Biền, biết thế nào là đất có chủ. Dân chúng lập đền thờ phụng Ngài hết sức tôn nghiêm, thành kính. Các triều đại trước đây cũng đều có sắc thượng phong, coi Ngài như vị Thành hoàng thứ hai của quốc đô, sau thần chính khí Long Đỗ vậy. Hằng năm, nhà vua đều cử quan đại thần đến đây để làm lễ quốc tế. Đến khi người Pháp cai trị, đã san bằng đền thờ thần Tô Lịch để xây dựng Nhà thờ Lớn.

2. Phân tích, bình giảng

Tên của vị thần gắn liền với tên của một nhánh sông Hồng chảy qua khu vực Hà Nội – dòng sông mà nhiều đời từng là con đường huyết mạch của kinh thành, vừa bảo vệ vừa nuôi dưỡng sự sinh tồn của nhân dân (và cả triều đình) trong thành. Cho nên, việc thừa nước hay thiếu nước của dòng sông này có quan hệ mật thiết với đời sống và sự phát triển của Thăng Long – Hà Nội. Vậy nên, yếu tố nước đã được hình dung và ngưỡng vọng bằng một vị thượng đẳng – thành hoàng bảo trợ cho cả kinh thành. Hiện nay, ở đình Tân Khai (54 Hàng Cót) còn lưu giữ thần tích và thờ thần Tô Lịch.

Thần Tô Lịch đã hiển linh báo mộng cho các nhân vật ở đời sau: từ Lí Nguyên Gia, Cao Biền đến vua Lí Thái Tổ. Lí Nguyên Gia thấy ở cổng bắc thành Long Biên có dòng nước chảy ngược, địa thế khả quan mới dời phủ lị đến đó. Họ Lí muốn thờ thần Tô Lịch làm thành hoàng. Lần tìm trong sử sách, chúng tôi thấy, hiện tượng chảy ngược của sông Tô Lịch là có thật. Đại Việt sử toàn thư đã chép: “Mùa hạ, tháng 4, sông Tô Lịch chạy ngược (sông này hễ có mưa to thì nước rút, tràn và chảy ngược)”.

Sông Tô Lịch bao quanh kinh thành, vừa là lớp hào sâu bảo vệ, vừa là con đường thủy vào ra kinh thành. Tô Lịch thực là một đoạn của sông Hồng chảy qua Thăng Long, do quá trình vượt đất lập làng của con người mà nhắn sông này bị cắt đứt với dòng sông mẹ. Mỗi khi có mưa to thì xảy ra hiện tượng chảy ngược, tạo ra những hiểm họa đe dọa cuộc sống của nhân dân xung quanh. Vì thế, ngay từ xa xưa, nhân dân đã tôn thờ vị thủy thần sông Tô, để cầu mong cuộc sống bình yên.

Dân chúng cùng với triều đình vừa tôn kính vừa tìm cách chinh phục dòng sông này. Những công việc trị thủy đã được tiến hành bằng cả công sức lao động và hành động ma thuật. Theo Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam (NXB Khoa học xã hội, 1972), dân gian lí giải điều này bằng truyện Tại sao sông Tô Lịch và sông Thiên Phù hẹp lại. Theo đó, nhà vua đau mắt nên phải bắt người ném xuống tế thần sông. Thuở ấy ở phía tây bắc thành Thăng Long có hai con sông nhỏ Tô Lịch và Thiên Phù hợp với nhau để thông ra sông Cái, ở chỗ cứ như bây giờ là bến Giang Tân. Mọi người ra ngã ba sông dựng đàn cúng hà bá để cầu thần chữa bệnh cho hoàng đế. Sáng hôm sau, quân lính bắt hai vợ chồng ông bà hàng dầu ném xuống sông (sau khi ông bà mất, dân gian gọi là ông Dầu, bà Dầu). Sau đó, hai vợ chồng ông bà Dầu về trả thù, nhà vua sợ hãi phải cho lập đền thờ ở ngã ba sông, thờ làm phúc thần. Mỗi năm cứ đến ba mươi tháng giêng là có những viên quan thuộc Bộ Lễ được phái đến cúng ông bà Dầu với những món ăn mà họ ưa thích (cơm nếp, gà mái ghẹ, bánh rán).

Tình hình văn bản truyện Ông Dầu, bà Dầu cho thấy có một quá trình vận động lâu dài của truyện này. Đó là con đường trầm tích và phong hóa các lớp văn hóa dân gian: từ những chứng tích của xã hội cổ đại nguyên thủy (hiến sinh, trị thủy) đến truyền thuyết, truyện cổ tích,... Những hiện tượng thuộc về thực tiễn xã hội phong kiến thâm nhập một cách tự nhiên qua vai trò của người kể chuyện – tác giả – độc giả, làm biến đổi màu sắc xã hội – lịch sử của bối cảnh câu chuyện kể. Việc quân lính bắt hai vợ chồng ông bà Dầu ném xuống sông phản ánh nghi thức hiến tế thần sông của thời cổ đại. Việc hiến tế đó thể hiện lòng thành kính của con người đối với vị thần tự nhiên, với khát vọng làm hoà, cầu mong cuộc sống yên bình. Dân gian gắn hành động này với vị vua triều Lí là cách lí giải của người đời sau về tục lệ cổ (hiến tế) mà người ta cố tìm một lí do để biện minh (bệnh đau mắt của nhà vua). Có lẽ người đời sau muốn phản ứng lại tục hiến tế đó cho nên dân gian hướng sự phản ứng, phê phán sang giai cấp cầm quyền. Sự phê phán mạnh mẽ tục hiến tế đó còn thể hiện ở cách lí giải con đường suy vong của nhà Lí.

Theo lời nguyền của ông bà Dầu, sông Thiên Phù hẹp dần, lấp dần, đến ngày nay chỉ còn là một lạch nhỏ bên Nhật Tân. Sông Tô Lịch cũng thế, ngày nay chỉ là rãnh nước bẩn đen ngòm. Duy có miếu thờ ông Dầu, bà Dầu thì hằng năm dân vùng Bưởi vẫn mang lễ vật theo sở thích của ông bà lúc sống đến cúng lễ vào ngày ba mươi tháng một. Lời kể của nhân dân vùng Bưởi cũng tương tự như thần tích làng Xuân Cảo, nhưng bản thần tích đã giải thích rõ hơn: sông Thiên Phù và Tô Lịch gặp nhau làm xói vào góc thành nên vua hay đau mắt. Muốn chữa thì phải lấp sông nhưng lấp không xong. Truyền thuyết ở vùng Cầu Giấy cũng kể về vợ chồng Chiêu Ứng tự nguyện nhảy xuống sông hiến tế cho thủy thần để thủy thần không làm hại cuộc sống của dân làng. Cách kể rằng ông bà bị bắt ném xuống sông hay tự nguyện hiến tế phản ánh cách nhìn, lập trường khác nhau giữa triều đình và dân chúng đối với sự việc này.

Như vậy, những tư liệu dân gian đã chứng tỏ sự có mặt của tục thờ thần sông Tô Lịch ở Thăng Long – Hà Nội. Việc thần sông được triều đình phong là Quốc đô thành hoàng đã chứng tỏ vai trò của dòng sông này đối với quá trình tồn tại, phát triển của kinh thành. Sự lệ thuộc của con người vào những mặt lợi – hại của con sông đã nâng tầm vóc của vị thần địa phương trở thành vị thành hoàng cao cả – Quốc đô thành hoàng.

Việc con sông ngày nay càng hẹp lại đã chứng tỏ sự thành công trong quá trình chinh phục tự nhiên, mở đất lập làng của người Thăng Long. Sự hi sinh của những nhân vật trong truyền thuyết là cách thức nhân dân bày tỏ tình cảm của mình với những người có công trong quá trình chinh phục vùng đất này. Hình tượng vị thần sông địa phương được nâng lên tầm vóc quốc gia qua việc được phong thành hoàng và được lựa chọn làm đại diện cho thần nhân đất Việt chống lại những thế lực âm binh của phong kiến phương Bắc.

Sự hiển linh, âm phù thắng thế của thần Tô Lịch càng chứng tỏ sức sống mãnh liệt của tín ngưỡng dân gian bản địa trước sự thâm nhập của tín ngưỡng ngoại lai, nhưng quan trọng hơn cả là khẳng định sức mạnh tâm linh, sức mạnh tinh thần của người dân Thăng Long trong quá trình đấu tranh dựng nước và giữ nước. Sự chiến thắng của thần Tô Lịch trước bùa phép trấn yểm của Cao Biền cho thấy sức mạnh tâm linh to lớn của vùng đất Thăng Long. Khí thiêng sông núi đã đập tan những âm mưu và thủ đoạn tà đạo của Cao Biền.

Sự thắng thế của thần cũng đã tạo niềm tin cho nhân dân trong cuộc đấu tranh với phong kiến phương Bắc: những thế lực hắc ám của bọn cai trị không thể chiến thắng được thần linh đất Việt thì người dân nước Việt hoàn toàn có thể đánh thắng các thế lực xâm lược. Như vậy, sức mạnh của tín ngưỡng dân gian đã đóng góp một cách thực tế vào công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, biến sức mạnh tinh thần thành những thành quả cụ thể.

(Nguyễn Việt Hùng, Bình giảng truyền thuyết (sách dùng trong nhà trường), NXB Giáo dục Việt Nam, 2013)

 


Source: 
10-10-2023
Tags