Truyện Tấm Cám ở Nam Bộ

I. Tình hình truyện Tấm Cám ở Nam Bộ

1.1. Truyện Tấm Cám bằng văn xuôi

Bản kể truyện Tấm Cám xưa nhất hiện còn là Truyện Tấm Cám do G. Jeanneau sưu tầm ở Mỹ Tho, công bố năm 1886, rất tiếc không có bản gốc. Chúng ta chỉ biết được qua tóm tắt của Nguyễn Đổng Chi trong Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam (tập IV, tr.1783-1785). Cùng năm 1886 còn có một bản kể của người Kinh ở Nghệ An do A. Landes sưu tầm, công bố trong Légendes annamities (Sài Gòn, 1886), nhan đề “Histoire de con Tấm et de con Cám”. Trong hai bản cổ nhất hiện có này, điều thú vị là tên gọi và tính cách hai nhân vật chính khác với truyện thông thường chúng ta được biết: Cám là cô gái hiền lành bị hãm hại, Tấm mới là cô gái xấu xí, mưu mô. Hai bản này cũng đều có chi tiết Tấm Cám bị cha mẹ yêu cầu đi bắt cá để phân định chị em (ai bắt nhiều hơn được làm chị), chứ không phải ai xúc tép nhiều hơn được thưởng yếm đỏ như bản kể quen thuộc của Vũ Ngọc Phan. Bản truyện Tấm Cám phổ biến hiện nay trong cả nước (kể cả ở Nam Bộ) là Truyện Tấm Cám do Vũ Ngọc Phan kể (Nxb. Kim Đồng, Hà Nội, 1966). Ba bản kể này đều có thể tìm thấy trong công trình “Về type, motif và tiết truyện Tấm Cám” của GS. Nguyễn Tấn Đắc (Nxb. Thời đại, 2013).

Ngoài ra ở Nam Bộ còn tìm thấy một số bản kể truyện Tấm Cám trong ba công trình là kết quả những chuyến thực tập thực tế của cán bộ và sinh viên Khoa Văn học và Ngôn Ngữ - ĐH QG HCM tại các tỉnh thành Nam Bộ, bao gồm:

Văn học dân gian Bạc Liêu, Chu Xuân Diên (chủ biên), Nxb Văn nghệ TP. HCM, 2005: có 14 dị bản Tấm Cám. Sở dĩ số lượng nhiều đột biến như vậy là do GS. Chu Xuân Diên có chủ đích dặn dò đoàn sưu tầm yêu cầu người dân Bạc Liêu kể lại chuyện Tấm Cám theo trí nhớ của họ.

Văn học dân gian An Giang (tập 1), Nguyễn Ngọc Quang (chủ biên), chưa xuất bản: có 5 bản kể Tấm Cám

Văn học dân gian Hà Tiên, chưa xuất bản: có 1 bản kể Tấm Cám

Như vậy, tổng cộng chúng ta có 22 bản kể Tấm Cám - một số lượng có thể đáp ứng được cho việc so sánh, nghiên cứu.

1.2. Truyện thơ “Con Tấm con Cám”(Đặng Lễ Nghi)

Bên cạnh các bản kể văn xuôi nêu trên, chúng tôi còn tìm thấy truyện thơ “Con Tấm con Cám” viết bằng chữ Quốc ngữ, tác giả là Đặng Lễ Nghi (?-?), in ở Sài Gòn. Hiện thư viện Quốc gia còn lưu lại 4 bản: bản in lần thứ 2 (1915), thứ 4 (1930), thứ 6 (1932) và thứ 7 (1933). Trong bài viết này, chúng tôi khảo sát bản in lần thứ 2 năm 1915, trừ đi bìa lót và trang quảng cáo, nội dung truyện thơ nằm trong 22 trang sách. Đúng với tiêu đề đã được đưa lên từ đầu là “Bổn cũ soạn lại”, Đặng Lễ Nghi được gọi là “Recomposé” (người biên soạn lại), truyện thơ “Con Tấm con Cám” của Đặng Lễ Nghi dựa trên cốt truyện của truyện cổ tích Tấm Cám phổ biến cả nước, được “nhuận sắc” theo phong cách ngôn ngữ Nam Bộ, sử dụng một số nhân vật trong Tây Du, phong thần thay cho bụt, tiên để phù hợp với thị hiếu người bình dân Nam Bộ đương thời.

Chúng tôi xin tóm tắt diễn biến chi tiết truyện thơ “Con Tấm con Cám” này, có kèm theo một số đoạn thơ trích dẫn để người đọc tiện hình dung:

- Ông Bá kết hôn với Lữ Thị, sinh ra Tấm “dung nhan kém người”. Ông Bá cưới vợ lẽ là Thái Nương với hy vọng tìm con trai nối dõi. Thấy ông hết lòng van vái, Thiên đình sai nữ đồng xuống xuống đầu thai làm con Ông Bá. Mong đợi có con trai mà Thái Nương lại sinh ra con gái, dù đứa bé“Khuôn viên đầy đặn xem ra tốt hình” nhưng cũng khiến Ông Bá buồn rầu, đặt tên là Cám. Thái Nương chết do hậu sản.

- Cám lên 9 tuổi thì Tấm 15 tuổi. “Cám thì nhan sắc cung trăng, Khuynh thành quốc sắc ai bằng ai đương”, trong khi đó “Con Tấm hình dạng xấu xa, Tay chơn thô tục sắc da đen sì”. Mẹ con Tấm thấy vậy thì ganh ghét, hành hạ, chửi rủa Cám. Cám lặng lẽ chịu đựng vì “Làm người phải trọn năm hằng, Không sanh có dưỡng cũng rằng mẹ cha/ Biết rằng con vịt mẹ gà, Làm con ngay thảo mới là đạo con”.

- Mụ Tấm (mẹ Tấm) sai hai đứa đi xúc cá xem ai hơn. Cám lặn lội siêng năng xúc đầy giỏ, Tấm mải chơi, khi xế chiều thì bày mưu lừa Cám để trút hết giỏ cá của Cám sang giỏ mình: “Con Tấm chước quỷ thay là, Mới bảo con Cám bẻ hoa xa đường./ Kia bông hoa Diến ngậm sương, Ai mà bẻ đặng ta nhường chị cho”.

- Tấm thấy giỏ cá “Thời may sót lại một con, Vốn là Bống - mú mình tròn nở nang.”, ôm mặt khóc nức nở. Thượng đình sai Đồng Tân xuống trần hóa thành lão ăn mày, dặn dò Cám: “Con mau đem cá mú về, Con nuôi cá mú chớ hề lãng xao./ Khá tầm bàu giếng hố ao, Ngày đêm săn sóc ra vào cho ăn./ Ngày sau nhờ nó vô ngần, Nên thân nên phận ai bằng vinh vang.”

- Cám ngày ngày cho bống mú ăn: “Phận người cơm trắng cá tươi, Phận chị dưa muối khuyên ngươi tạm dùng”. Tấm rình thấy, lựa lúc Cám đi vắng thì giết bống “Làm vảy rồi chặt khúc ra, Khúc kho khúc nướng ăn mà sạch không”

           - Trầng Đàng (hay Trần Đoàn?) dạo chơi thấy Tấm khóc nức nở thì nói: “Con mau về đó con thì tầm xương./ Tầm xương con khá lo lường, Bỏ vào vò lớn đầu giường chon đi./Ông làm phép hóa hài y, Đủ trăm ngày chẵn con thì đào lên”.

            - Gà giúp Tấm tìm xương, Tấm làm theo lời dặn của Trần Đàng. “Ba trăng đã đủ lại cao mười ngày/ Đào lên xem thấy áo giày, Thử coi rất đẹp nghĩ nay lạ thường./ Áo thì phơi cất đầu giường, Giày mang đạp tuyết dầm sương ngoài đồng”.

            - Giày rơi vào vũng trâu nằm bị ướt, Cám phơi trên sừng trâu. Quạ cắp giày bay đến thả xuống cung vua

- Thái tử thấy giày xinh xắn thì cho rằng giày của tiên và có duyên nợ với mình. Đức vua cho đàn bà con gái trong nước đến thử giày, ai đi vừa thì kết duyên cùng thái tử.

- Cám xin đi thử giày, bị mụ Tấm nhiếc móc, mỉa mai: “Nực cười cho rắn nuốt voi, Cóc kia lắt lẻo đại đòi trèo thang”. Tấm lên kinh thử giày, mụ Tấm bảo Cám lượm đậu: “Đậu xanh đậu trắng lộn mè, Lượm ra cớ thứ chớ hề lộn nhau.”, xong thì sẽ cho đi. Trần Đoàn sai bồ câu xuống giúp Cám.

- Tấm lên đường đi, khóc than vì sợ đến nơi thì hội đã tan, thần tiên hóa phép rút ngắn đường đi lại. Cám thử giày thì “Hài huê con Cám đeo vào, Rất nên vừa vặn khít khao thay là”. Thái tử hứa hẹn “Bây giờ nàng lại bổn gia, Chờ ta tâu lịnh vua cha đặng tàn./ Rồi sai quân sĩ tầm sang, Rước về lầu cát dươn vàng sánh đôi.”

- Cám về kể lại sự tình cho mẹ. Hai mẹ con Tấm bày mưu giết Cám: “Cha con ăn uống hê ha, Ép ăn ép uống say mà biết chi./ Bánh tráng lót lưng chờ khi, Cha mày trăn trở nói thì gãy xương./ Rằng cha mầy ước thường thường, Cau tươi ăn đặng đau xương giảm rày./ Nó nghe vội vã leo cây, Ta làm cho nó té rày tan xương.”

- Tấm thay Cám lên kiệu về cung. Thái tử thấy Tấm khác người con gái đã thử vừa giày, trong lòng sinh nghi có người hãm hại Cám, giả vờ như không có gì nhằm âm thầm theo dõi.

- Cám chết hóa thành chim quành quạch, bay quấn quít bên Thái tử. Thái tử cho rằng đây là tiên nữ hiện hình, cho chim vào ở loan phòng, tự do bay nhảy không ai được đụng đến. Tấm giặt áo cho hoàng tử, quành quạch bay đến: “Chim Quạch kêu bớ Tấm ôi, Áo kia rất quý sao phơi hàng rào./ Bảo cho phơi áo bằng sào, Chớ phơi hàng rào rách áo chồng tao”.

- Tấm giết chim, thái tử về hỏi thì “Con Tấm đặt gối tâu qua, Bởi tôi chửa nghén thèm mà ăn đi./ Thái-tử giận mắng chẳng vì, Quỷ ma ân ái nàng thì có thai.”

- Cám hóa thành cây măng mọc giữa công đường. Thái tử thấy lạ, ngày đêm quấn quýt tâm tình cùng măng. Tấm bẻ măng ăn, vỏ măng đổ ngoài đường xa.

- Cám hóa thành trái thị duy nhất mọc trên cây thị giữa đường. Thái tử đến thì thị thòng xuống; Tấm đến gần thì thị trốn lên cao, ẩn vào trong lá. Có bà già ăn xin nghỉ chân trú nắng, thấy trái thị thì giơ bị ra, gọi thị rớt vào bị bà. Bà già đem về nhà, vú trong chĩnh gạo ba tháng lấy ra thị vẫn còn xanh. Ban ngày bà đi ăn xin, Cám từ quả thị bước ra, “Nấu cơm rửa chén quét nhà, Lều tranh sửa soạn xem đà đẹp thay./ Dọn cơm nhiều món quý rày, Khô lân chả phụng sẵn bày cao lương”. Bà già giả bộ đi xin rồi quay lại rình, thì thấy “Trong vò hiện xuất một nàng, Rất xinh rất tốt thế gian có nào./ Trung dung chẳng thấp chẳng cao, Hình dung yểu điệu má đào tợ tiên”. Tấm kể cho bà cụ về số phận mình vốn là con tiên, bị đày ải chết đi sống lại đã ba lần. Từ đó Cám ở với bà cụ, coi sóc nhà cửa, cơm nước.

            - Thái tử đi săn để khuây khỏa nỗi buồn nhớ Cám. Buổi trưa chàng cùng tùy tùng xin vào trú nắng nhà bà cụ. Bà cụ lấy trầu nước ra mời, “Thái-tử lấy trầu cầm tay, Săm soi thầm nghĩ khen thay miếng trầu”. Bà cụ nói trầu mình tiêm, thái tử không tin bảo bà tiêm lại cho chàng xem. “Con Cám liền hóa con ruồi, Đậu nơi tay bả têm rồi y nhiên”. Thái tử bảo bà tiêm lại, lần này chàng xua con ruồi đậu trên tay bà, quả nhiên bà tiêm rất xấu. Thái tử dọa nạt, bà cụ đành kể sự thật. “Nàng Cám bước ra vội vàng, Chào ông Thái-tử tòa vàng dạo chơi./ Nhìn nhau hột lụy tuôn rơi, Mấy đông cách mặt biển trời đôi phang./ Cùng nhau kể nỗi gian nan, Phân thì hột lụy chứa chan khôn cầm”.

            - Thái tử về cung, hẹn ngày sẽ đến rước dâu. Bà cụ lo lắng nhà tranh vách đất sẽ xấu hổ với đoàn rước dâu của vua. Cám van vái Thượng hoàng, Thượng hoàng sai Tề Thiên Đại Thánh xuống biến nhà tranh thành lâu đài, cỗ tiệc bày biện linh đình.

            - Hoàng tử rước dâu về cung điện. Tấm thấy vậy đến tìm Cám phân bày: “Tình em nghĩa chị đồng bào em ôi/ Chị đà trăm việc lỗi rồi, Chị cam chịu quấy bạc vôi thay là. /Trông ơn lượng rộng hải hà, Xin em tiền sự em mà bỏ đi./ Từ rày chẳng dám lỗi nghì, Thuận hòa em chị hưởng thì vinh hoa.”. Cám bảo “Em không thù oán chị mà tư lương”.

            - Tấm thấy Cám trắng đẹp thì hỏi nhờ đâu. Cám bảo rằng tiên dạy tắm nước sôi hàng ngày sẽ trắng đẹp. Tấm làm theo thì chết tươi. Cám cho người làm mắm Tấm gửi về cho mẹ. Mẹ Tấm ăn đến cuối hũ, thấy tay của con thì đau khổ lên kinh đòi kiện Cám hãm hại con bà, ông Bá khuyên can.

            - Cám cho người về rước cha mẹ lên kinh hưởng vinh hoa phú quý. Ngọc Hoàng Thượng Đế thấy Lữ Thị gian ác hãm hại con tiên thì sai Thiên lôi xuống đánh chết mụ. Thái tử được vua cha truyền ngôi, thi hành nhiều chính sách giúp dân, quốc gia thái bình, lòng dân hoan hỉ.

Có thể thấy, truyện thơ “Con Tấm con Cám” đã được Đặng Lễ Nghi “nhuận sắc” Nam Bộ rất rõ. Phong cách ngôn ngữ của “Con Tấm con Cám” mang chất Nam Bộ đậm đặc với nhiều phương ngữ, đại từ xưng hô, cách diễn đạt mộc mạc kiểu Nam Bộ:

“Ra nơi ao lạn (cạn?) thả liền, Mú ôi bậu ở cho yên chốn nầy.” (tr.6)

Bần nhơn mà lại đòi đi, Làm biếng kiếm chuyện lánh ni việc làm.” (tr.8)[1]

Nhìn chung, “Con Tấm con Cám” có giá trị nghệ thuật chưa cao, câu thơ nhiều khi vụng về, điệp từ, điệp ý, gần với văn nói, nhiều chỗ gò ép cho hiệp vần nên nói ngược ngạo:

“Mùa hè trời nắng chang chang,

Con Tấm lấy áo tử hoàng ra phơi.” (tr.12)

Tuy nhiên, nhìn nhận khách quan bước đầu, đây là một câu chuyện được kể trơn tru, hấp dẫn, vừa có cao trào, vừa có những đoạn miêu tả nội tâm não nùng tha thiết, chắc chắn đáp ứng thị hiếu người bình dân đương thời, thể hiện qua số lần được tái bản khá nhiều (7 lần).

II. Một số vấn đề đặt ra khi nghiên cứu truyện Tấm Cám ở Nam Bộ

2.1. Về sự nhập nhằng trong tên gọi và tính cách hai nhân vật chính

Khảo sát các truyện kể Tấm Cám ở Nam Bộ ta thấy có một hiện tượng thú vị là trong nhiều bản kể, khác với cách kể mà chúng ta quen thuộc (Tấm hiền, Cám ác), tồn tại nhiều cách kể trong đó Cám mới là người chị hiền lành, Tấm là cô em độc ác. An Giang có 5 truyện thì trong đó có 1 truyện Tấm là nhân vật phản diện, Bạc Liêu 14 truyện thì có 4 truyện Tấm là nhân vật phản diện, trong bản của G. Jeanneau sưu tầm ở Mỹ Tho (1886) thì Tấm cũng là cô gái độc ác. Nguyễn Văn Hầu trong “Diện mạo văn học dân gian Nam Bộ (tập 1)” cũng thấy đặc điểm này: “Truyện Con Tấm con Cám dưới vòm trời Giản Phố cũng có nhiều chi tiết khác biệt và nhân vật chính bị đảo ngược lại. Ở đây con Cám mới là vai chính chớ không phải nó bị đóng vai phụ như lúc còn làm con Cám ở miền Bắc. Triết lý giản đơn của người bình dân miền Nam là Giàu út ăn khó út chịu. Vậy con Cám là em út trong nhà, tất phải chịu đựng nhiều đắng cay để cuối cùng mới được vọt lên đến tận điểm cao của hạnh phúc”[2]. Đưa ra nhận định và cách lý giải này, có lẽ Nguyễn Văn Hầu chưa biết đến bản thần tích làng Cát Lư, huyện Văn Lâm (Hưng Yên) - một làng ở ven sông Đuống[3]. Có rất nhiều làng ở vùng hai bên bờ sông Đuống có thờ Tấm Cám và có ghi chép thần tích về Tấm Cám. Trong thần tích này, cũng có sự đảo lộn tên so với truyện thông thường, nhân vật chính hiền lành có tên là Cảm, từ đó được gọi tên Nôm là Cám và Cám được đồng nhất với Ỷ Lan phu nhân. Như vậy, việc Cám và Tấm hoán đổi tên gọi cho nhau không phải là hiện tượng đặc trưng Nam Bộ mà là có tính phổ biến cả nước, bản Truyện Tấm Cám do A. Landes sưu tầm ở Nghệ An (1886) thì Cám cũng là nhân vật chính lương thiện.

Sự nhập nhằng trong tên gọi Tấm Cám có lẽ là do chi tiết thi bắt cá (hay xúc tép) để phân chị em - một chi tiết mà theo Nguyễn Tấn Đắc thì cổ xưa hơn chi tiết ai bắt được nhiều cá thì được thưởng yếm đỏ. Lý do Nguyễn Tấn Đắc đưa ra là do người hiện đại thấy việc bắt cá phân chị em phi lý nên thay bằng chiếc yếm đỏ; tuy nhiên thời cổ xưa, vai chị được nhiều quyền lợi hơn nên ai cũng muốn làm chị - đây là một chi tiết hợp lý theo tư duy người xưa. Do chi tiết này mà có sự đảo lộn tên của hai nhân vật, được kể trong Truyện Tấm Cám 6 (Bạc Liêu): “Tấm nghe lời Cám đi hái hoa. Trong lúc đó, Cám trút sạch giỏ tép của Tấm và về trước. Thế là, Cám được làm chị và lấy tên là Tấm, ngược lại Tấm phải làm em và mang tên Cám” (tr.143). Từ đó Tấm là chị (độc ác) và Cám là em (hiền lành). Bản kể của G. Jeanneau (Mỹ Tho, 1886) cũng kể Tấm Cám là hai chị em sinh đôi, Tấm được chiều chuộng còn Cám bị hắt hủi. Người cha sai đi bắt cá phân chị em. “Cám bắt được nhiều hơn, nhưng Tấm bảo đưa giỏ cho mình giữ hộ để đi hái rau thơm về kho cá. Cám trở về thì bao nhiêu cá đã bị Tấm lấy mất chỉ còn một con bống mú. Do đó Tấm được làm chị[4].

Do chi tiết bắt cá phân chị em đó mà nhiều dị bản có sự nhập nhằng, lẫn lộn giữa tên gọi và tính cách hai nhân vật. Tuy nhiên, việc Tấm chị hay Cám chị thì cũng không làm thay đổi nội dung cốt truyện, nên trí nhớ dân gian không có sự phân biệt. Họ chỉ nhớ có hai chị em, người tên Tấm, người tên Cám xung đột với nhau. Trong thực tế, “tấm” là hạt gạo vị vỡ thành các mảnh nhỏ, gọi là hạt tấm, “cám” là phần vỏ mỏng bao quanh hạt gạo, thường được xát ra khi xay xát gạo và bỏ đi hoặc cho lợn ăn. Việc hai bản kể Tấm hiền, Cám ác và Tấm ác, Cám hiền tồn tại song song càng cho thấy từ đầu, Tấm Cám vốn là hai cái tên dân dã dành cho con gái ở nông thôn, không có sắc thái khinh miệt hơn hay coi trọng hơn như một số phân tích sau này. Việc Tấm được cố định là người chị hiền lành, Cám là cô em độc ác có lẽ mới xuất hiện sau này, khi truyện Tấm Cám được đưa vào sách giáo khoa và sử dụng bản kể năm 1966 của Vũ Ngọc Phan là một bản tương đối mới. Trước đó, thời kỳ chữ viết chưa được phổ cập, trong dân gian vẫn tồn tại song song 2 cách kể: Tấm hiền, Cám ác và Tấm ác, Cám hiền. Bằng chứng là, trong 14 người kể truyện Tấm Cám ở Bạc Liêu, chỉ có 2 người nhỏ tuổi (sinh năm 1988 và 1989) và kể rất giống bản của Vũ Ngọc Phan được đưa vào sách giáo khoa. 12 người còn lại, người lớn tuổi nhất sinh năm 1915, người nhỏ tuổi nhất sinh năm 1966; tính đến thời điểm sưu tầm 2002-2003 thì tuổi cao nhất là 87-88 tuổi, thấp nhất là 36-37 tuổi. Như vậy 12 người còn lại khá cao tuổi và trong họ tồn tại cả 2 cách kể : Tấm hiền, Cám ác và Tấm ác, Cám hiền.

Như thống kê của Nguyễn Tấn Đắc[5], tất cả các dân tộc Việt Nam- gồm cả người Kinh (Việt), người dân tộc và các nước Chăm, Campuchia, thì đều lấy tên hai cô gái xung đột nhau làm tên truyện. Điều này cộng với việc khảo sát vai trò của người dì ghẻ trên diện rộng các truyện kiểu Tấm Cám (rất nhiều truyện không có người dì ghẻ, người dì ghẻ không chết…) đã dẫn Nguyễn Tấn Đắc đến kết luận type truyện “Tấm Cám” nói về xung đột giữa hai cô con gái trong một gia đình và có thể xảy ra ở bất kỳ thời đại nào, xã hội nào. Nhận định này khác với nhận định thông thường của chúng ta (điển hình là GS Đinh Gia Khánh) cho rằng xung đột chính trong truyện là xung đột dì ghẻ - con chồng, nảy sinh trong xã hội chuyển từ mẫu hệ lên phụ hệ.

            2.2. Qua so sánh truyện Nôm “Con Tấm con Cám” và các bản kể văn xuôi thấy được ảnh hưởng qua lại giữa văn học dân gian và văn học viết

Qua khảo sát so sánh 14 truyện ở Bạc Liêu, 5 truyện ở An Giang, 1 truyện ở Hà Tiên và truyện thơ “Con Tấm con Cám”, chúng tôi thấy truyện thơ là bản kể truyện Tấm Cám chi tiết nhất, đầy đủ các tình tiết nhất, từ những tình tiết cổ xưa cho đến những tình tiết xuất hiện sau này. Hầu như tất cả các bạn kể đều là dạng rút gọn, hoặc chưa đầy đủ truyện thơ.

Có thể nói truyện thơ đã thu hút tất cả các dị bản truyện Tấm Cám về mình. Khi sáng tác “Con Tấm con Cám”, Đặng Lễ Nghi đã dựa vào những bản kể ông được biết. Đến lượt mình, truyện thơ lại góp phần tham gia vào quá trình lưu truyền truyện Tấm Cám. Đó là ảnh hưởng qua lại giữa văn học dân gian và văn học viết, mà nếu chỉ nghiên cứu thuần túy truyện thơ Nôm “Con Tấm con Cám” hoặc truyện cổ tích Tấm Cám thì việc hình dung ra quá trình lưu truyền câu chuyện đặc sắc bậc nhất này trong dân gian là chưa trọn vẹn. Chỉ một số ít người sành sỏi nói thơ có thể ngâm ngợi những truyện thơ này. Người bình dân sau khi nghe xong có thể không nhớ nổi lời thơ, nhưng cốt truyện, diễn biến câu chuyện thì rất dễ nắm bắt. Dẫn chứng là 20 truyện mà chúng tôi tập hợp được (đều là những truyện được kể lại sau năm 1911, tức thời điểm xuất hiện truyện thơ), có thể nói không có tình tiết nào nằm ra ngoài truyện thơ “Con Tấm con Cám” được tóm tắt chi tiết ở trên. Nếu có thể đưa ra một bản kể truyện Tấm Cám đầy đủ tình tiết và đặc trưng của Nam Bộ, chúng ta hoàn toàn có thể dựa vào truyện thơ “Con Tấm con Cám”. Dĩ nhiên, nếu cần thiết, có thể phục hồi lại một số tên gọi cho dân dã hơn. Do muốn nương theo thị hiếu của người dân Nam Bộ đầu TK XX vốn ham đọc và nghe kể các truyện phong thần, truyện Tây Du nên tác giả đã đưa Ngọc Hoàng, Tề Thiên Đại Thánh, Lã Đồng Tân, Trần Đoàn vào để thay thế nhân vật bụt.

Khảo sát 14 truyện Bạc Liêu, chúng tôi thấy 12 truyện thu thập từ những người lớn tuổi đều khá thống nhất về các chi tiết nêu trên và các chi tiết đều mang đặc thù của Nam Bộ, chẳng hạn như không phải Tấm hóa thành cây xoan đào mà đều hóa thành bụp măng, không phải chim vàng anh mà là chim te te hoành hoạch, con cá bống có khi là cá bống mú, có khi là cá hú; đều không có đi hội đánh rơi giày mà treo giày lên sừng trâu phơi, con quạ cắp giày thả xuống cung vua. Chỉ có 2 truyện do thiếu niên kể (sinh năm 1988 và 1989, đến thời điểm sưu tầm là 2002-2003 thì chỉ mới 14-15 tuổi) là có những chi tiết của miền Bắc như chim vàng anh, cây xoan đào (truyện Tấm Cám 10). Thậm chí cậu bé sinh năm 1988 còn kể Tấm bắt được con cá vàng, Tấm hóa thành con gà cục tác suốt ngày nên mẹ con Cám tức quá bắt gà làm thịt đổ xương vào cây thị, cây thị mọc ra một trái (truyện Tấm Cám 5). Truyện này ngắn, chi tiết có thể do cậu bé này “sáng tạo” ra dựa trên trí nhớ mang máng của mình nên rất “hiện đại”. Hai trường hợp này càng khẳng định việc về sau này, khi chữ viết được phổ cập, truyện Tấm Cám (bản của Vũ Ngọc Phan) được đưa vào sách vở, sách giáo khoa, thì người trẻ hầu hết đều biết truyện Tấm Cám Bắc Bộ do Vũ Ngọc Phan ghi lại (1966). Còn trước đó, ở Nam Bộ lưu truyền một truyện Tấm Cám đã được bản địa hóa, mang màu sắc Nam Bộ rất rõ nét, mà nội dung chi tiết có thể tìm thấy trong truyện thơ “Con Tấm con Cám” kể trên.    

Một dấu vết cho thấy truyện thơ đã ảnh hưởng đến cách kể của người sau chính là truyện Tấm Cám 12 (Bạc Liêu). Mở đầu truyện Tấm Cám 12, người kể đọc một đoạn thơ kể chuyện mào đầu 20 dòng:

“Vua đời nào, đàn bà nói chuyện, chuyện sao lạ lùng.

Có người ở xứ mênh mông

Tên là ổng bả vợ chồng làm sông

Sinh ra con Tấm đầu lòng

Hình dung thô tục tay chân cọc cằn

Lão e thất hiếu lỗi tang

Không trai nối hậu từ đường không tang

Ông nằm luống những viên than

Muốn kiếm một nàng về kiếm con trai

Mụ Cám làm phước hôm nay

Thấu đến trương tòa phật đế mới hay

Liền sai nhi nữ Bồng Lai

Xuống cùng thái tử duyên hài sánh đôi

Vợ đã chín tháng đủ thôi mười ngày

Sanh ra nhi nữ Bồng Lai

Tên là con Cám mặt mày tốt tươi

Mụ Tấm chê nhú chê cười

Tưởng cưới vợ bé nối đời con trai

Ai dè gái hết nhì hai

Bèo tay liễu yếu cũng dâng bèo tay”

(truyện “Tấm Cám 12”, in trong Văn học dân gian Bạc Liêu, tr.165)

Sau đó bà Bùi Thị Hen (sinh năm 1926) mới tiếp tục kể chuyện bằng văn xuôi. Phần thơ mào đầu Tấm Cám 12 không khớp với truyện “Con Tấm con Cám”, tuy nhiên nội dung thì tương tự nhưng được trình bày vắn tắt hơn: Có hai ông bà đã có một đứa con gái là Tấm, sau đó lấy vợ lẽ để mong sinh con trai nối dõi, ai ngờ lại sinh một đứa con gái nữa đặt tên là Cám. Cám là tiên nữ trên trời đầu thai nên dung nhan xinh đẹp hơn người. Nguyên nhân bản kể Tấm Cám 12 vừa thơ vừa văn xuôi rất có thể là do bà Bùi Thị Hen không nhớ nổi truyện thơ dài, chỉ nhớ được 20 câu mào đầu, nhưng cốt truyện thì bà kể rất rành mạch, không khác gì truyện thơ “Con Tấm con Cám” (Đặng Lễ Nghi). Dấu vết câu chuyện vốn là truyện thơ dài còn thể hiện ở chỗ thỉnh thoàng bà chêm vô một câu lục bát. Như cảnh cá bống nổi lên ăn, bà kể: “Mỗi lần nghe tiếng gọi ấy, con Bống nổi lên ăn, “đập đuôi chói nước, mắt chừng ánh sa”” (Văn học dân gian Bạc Liêu, tr. 166). So sánh với “Con Tấm con Cám (Đặng Lễ Nghi) thì thật bất ngờ là quả có một câu tương tự như vậy: “Mú nghe quày quả vẫy vùng, Quạt đuôi dỡn nước mắt trừng tợ sao” (tr.6). Hai cách diễn đạt tương đương cho thấy chắc chắn truyện Tấm Cám bao đầu được kể bằng thơ, tuy nhiên trí nhớ bình dân về sau này chỉ còn giữ lại cốt truyện và một số định ngữ/ câu thơ mà họ ấn tượng.

Trong “Diện mạo văn học dân gian Nam Bộ”, Nguyễn Văn Hầu cũng trích dẫn một số đoạn trong “thơ con Tấm con Cám” (ông không có Tài liệu tham khảo nên không rõ trích dẫn từ đâu, so sánh với bản “Con Tấm con Cám” (Đặng Lễ Nghi) cũng thấy nhiều điểm khá tương đồng:

Bản của Nguyễn Văn Hầu:

“Lấy sào thọt đánh ác tàn,

Mỏi tay Cám té chẳng toàn châu thân.

Gãy tay, lọi cổ, lọi chân,

Hồn nàng xa cách dương trần còn chi!” (tr.103)

Bản của Đặng Lễ Nghi:

“Mẹ con mưu đã sẵn bày, Cầm sào thọt đánh đôi tay rã rời.

Con Cám rơi xuống tức thời, Tam hồn thất phách dạo chơi huỳnh tuyền.” (tr.10)

Hay những cặp thơ giống nhau y khuôn:

“Trách ai lòng dạ đảo điên,

Dứt niềm tòng bá, dứt duyên Châu Trần”

(Bản Nguyễn Văn Hầu, tr.104; bản Đặng Lễ Nghi, tr.17)

Như vậy khả năng là đầu TK XX, tại Nam Bộ lưu truyền nhiều bản truyện thơ Tấm Cám khác nhau.

2.3. Vấn đề diễn xướng truyện Tấm Cám

Theo Nguyễn Văn Hầu, có hai thể văn dành để kể chuyện cổ. Có những truyện người ta chỉ kể bằng văn xuôi (như truyện Ông tà kiện ông Địa, Con chai nà, Nhành cao yển cố…). Những truyện như Phạm Công Cúc Hoa, Nàng Út, Lâm Sanh Xuân Nương, Con Tấm con Cámthì có thể kể ra bằng văn vần hay văn xuôi tùy thích.

Người bình dân Nam Bộ xưa gọi “Con Tấm con Cám” và những truyện tương đương là “thơ”, “bổn thơ” và có một giọng hát đặc biệt gọi là “nói thơ” dành để ngâm nga các bổn thơ ấy. Dân gian không bao giờ gọi là “truyện Lục Vân Tiên” mà nói gọn là “thơ Vân Tiên”.

Nguyễn Văn Hầu khi phân loại văn học dân gian Nam Bộ đã dùng hai hình thức, hai cấp độ phân loại. Ở cấp độ thể loại, ông chia thành: tục ngữ, câu đố, truyện cổ, ca dao. Đây là cách phân loại dựa trên nội dung phản ánh, thi pháp đặc thù; cách phân loại này có thể áp dụng cho văn học dân gian của tất cả các vùng miền và cả nước nói chung. Ở cấp độ thứ hai, ông đưa ra các thể loại có tính địa phương, đặc trưng riêng ở Nam Bộ: hò, vè, nói thơ, thơ rơi và các điệu dân ca khác; đây là cách phân loại theo hình thức diễn xướng. Như vậy rõ ràng đây là một cách hiểu rất tiến bộ về thể loại văn học dân gian. Alan Dundes - một nhà folklore học nổi tiếng người Mỹ - cũng đã từng cho rằng: dù phân loại là để có sự gọn gàng, ngăn nắp, thuận tiện cho nghiên cứu, nhưng cũng phải nhận thức rằng có những thể loại chung cho folklore thế giới và cũng có cả những những thể loại riêng đặc thù có tính địa phương (local). Vì vậy khi phân loại không thể “đánh đồng” hay giản lược các thể loại đặc thù, địa phương này vào các thể loại chung, phổ biến, làm như thế sẽ mất đi tính đa dạng vốn có của folklore thế giới.

Nguyễn Văn Hầu ở chương 1 cuốn “Diện mạo văn học dân gian Nam Bộ” (tập 1) đã trình bày truyện cổ tích nằm trong truyện cổ; sau đó ở chương hai, ông phân loại theo hình thức diễn xướng và ở Nam Bộ có hai hình thức diễn xướng truyện cổ tích là kể bằng văn xuôi và “nói thơ”. Nói thơ thường được chia thành hai loại:

- Nói thơ Vân Tiên: dành cho các bổn thơ dài như Lục Vân Tiên, Thạch Sanh, Lý Thông, Lâm Sanh - Xuân Nương, Phạm Công - Cúc Hoa, Con Tấm con Cám… áp dụng thang âm điệu thức oán, nên sắc thái lời nói thâm trầm, mụ mẫm, não nùng[6].

- Nói thơ Bạc Liêu: thường dùng cho các bổn thơ ngắn, mang màu sắc dân ca trữ tình với làn điệu êm nhẹ.

Eugène Bajot trong quyển sách dịch truyện Lục Vân Tiên sang tiếng Pháp có tiêu đề “Histoire du Grand Lettre Louc - Véan - Téian” (Nxb. Challamel, Paris, 1887) kể lại sinh hoạt diễn xướng truyện thơ Lục Vân Tiên ở Nam Kỳ thời bấy giờ mà ông đã tận mắt chứng kiến: “Cần phải nhìn thấy trên các ngả đường, người An Nam ngồi xổm xung quanh một người cùng khổ quần áo rách rưới, thường là một kẻ mù lòa, kể chuyện Lục Vân Tiên, có khi đến hàng giờ mà người nghe không biết chán, gõ nhịp bằng một cái sanh gồm mấy đồng tiên xâu vào đũa”[7].

Tại miền Nam có rất nhiều “bổn thơ” như vậy, nổi tiếng nhất là những bổn: Thoại Khanh Châu Tuấn, Phạm Công Cúc Hoa, Lâm Sanh Xuân Nương, Bạch Viên Tôn Các , Trần Minh Khố Chuối, Thạch Sanh Lý Thông, Con Tấm con Cám, Dương Ngọc, Nàng Út, chàng Nhái kiểng tiên, Lang Châu cùi, Chàng Lía, Cha Hồ chú Nhẫn, Sáu Trọng Hai Đẩu, Năm Tị, Thầy Thông Chánh, Sáu Nhỏ, Ông Trương Tiên Bửu, Cậu Hai Miên.

Ban đầu, truyện thơ lưu truyền bằng miệng. “Có khi tác giả ứng khẩu thành từng thứ, từng đoạn, rồi thử tự mình nói thơ hoặc đưa ra cho ai đó “nói” lên cho bà con trong xóm nghe. Nếu thơ “nghe đặng” thì làm thêm thứ khác, bằng không thì sửa chữa rồi lại mới tiếp theo, thêm mãi cho đến khi trọn vẹn đầu đuôi. Có khi thơ được ghi lên giấy bằng chữ Nôm và tác giả dạy cho những người tốt giọng học thuộc để ngâm nga, truyền khẩu”[8]. Đầu TK XX, khi thấy quần chúng đón nhận truyện thơ một cách quá hăm hở, đã có phong trào nhiều trí thức đứng ra lượm lặt theo truyền khẩu rồi chép lại bằng chữ quốc ngữ, hoặc vịn vào các bổn Nôm tìm được mà phiên sang chữ quốc ngữ. Các tác giả này đứng tên vào tác phẩm để chịu trách nhiệm xuất bản, gọi tác phẩm đó là “bổn cũ soạn lại”. Có thể kể đến những “soạn giả” như Khấu Võ Nghi, Cử Hoành Sơn, Đặng Lễ Nghi, Phạm Văn Thình, Nguyễn Kim Đính… Phong trào đem thơ in chữ quốc ngữ này diễn ra sôi động với lượng tác phẩm dồi dào và đều đặn, kéo dài từ đầu TK XX cho đến khi thế chiến thứ hai bùng nổ. Cuốn được xem là sớm nhất là cuốn Thạch Sanh Lí Thông do Đặng Lễ Nghi soạn, Đinh Thái Sơn xuất bản năm 1907; cuốn được xem là muộn nhất là Thằng Lía do Cử Hoành Sơn soạn, nhà in Xưa Nay ấn hành năm 1939. “Con Tấm con Cám” là truyện thơ quốc ngữ nằm trong phong trào sôi động đó. Theo thư mục tại Thư viện quốc gia, Con Tấm con Cám (Đặng Lễ Nghi) được tái bản 7 lần cho thấy sự hưởng ứng nồng nhiệt của nhân dân đối với hình thức truyện thơ này.

Đặng Lễ Nghi khi “bổn cũ soạn lại” thành truyện Con Tấm con Cám rất có thể đã dựa vào truyện Nôm phiên sang chữ Quốc ngữ, dựa vào những bản kể đang lưu hành. Đến lượt mình, truyện Nôm “Con Tấm con Cám” lại tiếp tục ảnh hưởng đến cách người dân kể truyện Tấm Cám sau này. Việc này có thể lý giải cho thắc mắc được Nguyễn Tấn Đắc đưa ra khi ông khảo sát thuần túy 14 truyện sưu tầm được ở Bạc Liêu trong 2 năm 2002-2003: Tại sao ở Nam Bộ lại chứa motif bắt cá để phân định chị em - vốn là một motif cổ hơn so với motif bắt cá ai để được thưởng yếm đỏ. Miền Bắc tuy là cái nôi sản sinh ra truyện Tấm Cám của người Kinh, tuy nhiên lại được ghi chép khá muộn – bản sớm nhất là của Vũ Ngọc Phan (Nxb. Kim Đồng, Hà Nội, 1966), ngoại trừ những thần tích gắn với Ỷ Lan phu nhân chú trọng yếu tố truyền thuyết, dã sử hơn là truyện cổ tích. Trong khi đó, truyện ở miền Nam tuy ra đời sau và được Nam Bộ hóa nhưng lại được ghi chép sớm (từ cuối thế kỷ XIX, năm 1886 với 2 học giả người Pháp). Truyện Tấm Cám ở Nam Bộ một mặt lấy cảm hứng từ truyện Bắc Bộ được lưu dân đem vào trong quá trình di dân mở cõi, một mặt rất có thể lại tiếp thu những motif từ các cộng đồng dân tộc ít người trong quá trình cộng cư; như tình tiết con quạ quắp giày thả vào cung vua, nhà bà lão hàng nước hóa thành lâu đài gần giống với truyện “Chiếc giày vàng” của người Chăm.

            2.4. Truyện thơ “Con Tấm con Cám” trong mối quan hệ với truyện thơ Nôm và truyện cổ tích

“Con Tấm con Cám” do Đặng Lễ Nghi soạn lại theo phong cách truyện thơ Nôm nhưng dấu ấn cổ tích rất rõ nét. Các tình tiết cổ tích đều được giữ lại, thậm chí cả chi tiết “trả thù” ở cuối truyện của Tấm được miêu tả rất kỹ.

Tấm được Đặng Lễ Nghi dụng công xây dựng, miêu tả tâm lý như là một người con gái có tấm lòng nhân hậu:

“Tôi là trái thị ngọn cây, Thấy bà già cả thân nay cơ hàn.

Số bà ở chốn trần gian, Tháng ngày lao khổ dạo làng kiếm ăn.

Thương thay già yếu khó khăn, Không con cùng cháu biết rằng cùng ai.

Phong vân mạt trắc hôm mai, Lấy ai giúp đỡ trong ngoài cậy nương.

Thấy bà như vậy mà thương, Giúp bà sau đặng dựa nương thanh nhàn.” (tr.17)

Thái độ của Tấm khi gặp lại Cám sau khi đã kết hôn cùng hoàng tử cũng không có gì là thù hằn hay mưu toan trả thù:

“Sửa sang cung điện tới rày, Nàng Cám thấy chị ra nay hỏi chào.

Cám rằng chị chớ lo xa, Em không thù oán chị mà tư lương.” (tr.21)

Ngay cả cái cách trả lời của Cám khi Tấm hỏi “Sao em xinh lịch tốt thì hơn xưa?” cũng có vẻ hoàn toàn thành thật:

“Nàng Cám nghe hỏi liền thưa, Tiên dạy nấu nước tắm trưa mỗi ngày.

Nước kia nấu một chảo đầy, Nhảy vào đó tắm mặt mày trắng thay.

Trắng mình lại trắng chơn tay, Phép tiên truyền dạy xưa nay tắm hoài.” (tr.21)

Khi tì nữ sang báo, Cám sang chỗ chị thì chính Tấm lúc đó cũng bất ngờ khi thấy chị mình đã chết:

Nực cười lòng chị gian tà, Làm dữ gặp dữ nay đà bạch minh.

Bấy lâu lòng dạ bất bình, Bây giờ mình lại giết mình khi không.” (tr.22)

Tuy nhiên, ý nghĩ trả thù tàn khốc của Cám đến thật bất ngờ và không hợp lý về mặt phát triển tâm lý nếu so với cô Tấm cách đó ít lâu:

“Mẹ thì lòng ở chẳng công, Giết ta ngày trước giựt chồng cho con.

Bây giờ việc tại lầu son, Mẹ nào có rõ mất còn việc chi.

Âu ta chặt khúc thây thi, Muối vào trong khạp gởi đi về nhà.

Nói rằng thịt tốt của bà, Mẹ thì ở chốn bổn gia nào tàn.

Tính rồi mổ lấy ruột gan, Xắt bằm đem bỏ ven đàng dặm xa.

Thịt xương lóc miếng chặt ra, Đầu tay muối dưới thịt mà muối trên.

Đậy điệm ràng rịt bốn bên, Biên chữ Quý-nhục đề trên rõ ràng.

Truyền quân mau khá lên đàng, Hãi môn điệu lại gia đàng giao lai.” (tr.22)

Thậm chí Cám chưa thỏa mãn, còn sai con chim quạ bay đến nhà nói với mụ Tấm việc mình ăn thịt con:

“Nói việc nàng Cám ở kinh, Sai con Ô-thước đăng trình hồi gia.

Tới nơi biên ngoại lân la, Chờ mụ ăn thịt nói ra cho tàn.

Chim quạ trực chỉ gia đàng, Hãi-môn tối đó ngỏ toan bày lời.

Hiên ngoài bay đậu gần nơi, Mụ Tấm ăn thịt quạ thời nói ra.

Tiếng kêu quạ láu vang xa, Thịt con ăn hết gọi là ngọt ngon.

Thịt con ăn béo lại dòn, Thịt con ăn lại khen ngon cớ gì.” (tr.23)

Chi tiết trả thù tàn nhẫn cuối truyện, nếu xét theo quy luật tâm lý cũng như sự thống nhất về tính cách Cám được tác giả trình bày từ trước thì rõ ràng lạc lõng, không phù hợp. Như vậy dù đã dụng công miêu tả tâm lý nhân vật, nhưng tác giả truyện thơ vẫn chưa thoát khỏi ảnh hưởng của văn học dân gian. Điều này càng cho thấy nếu chỉ nghiên cứu truyện thơ quốc ngữ thuần túy bằng lý luận của văn học viết thì không thỏa đáng. Truyện thơ có mầm mống của văn học viết, của miêu tả tâm lý nhưng chỉ dừng ở mức sơ khai, chưa thoát khỏi thi pháp văn học dân gian. Tác giả xem sự trừng phạt của Cám đối với Tấm chỉ là một sự trừng trị cai ác theo quy luật “ác giả ác báo”:

“Truyện nầy xem đáng gắn ghi,

Hại nhơn nhơn hại lẽ ni rõ ràng.

Những là ganh ghét lòng gian,

Một ngày làm dữ dữ toan theo mình.” (tr.24)

Nhân dân về sau khi kể lại truyện Tấm Cám cũng không thấy gì bất ổn trong việc “trả thù” của Tấm nên vẫn tiếp tục lưu truyền, có lẽ với họ, đó thuần túy là “ác giả ác báo” và sự trừng trị nghiêm khắc với cái ác, cái xấu. Trong 21 dị bản Tấm Cám sưu tầm ở Nam Bộ mà chúng tôi có được, nếu không phải là Tấm làm mắm thì sẽ là thái tử (Tấm Cám 4 (Bạc Liêu), tr.142; Tấm Cám 14 (Bạc Liêu), tr.179; Tấm Cám 4 (An Giang), tr.323), quản gia của thái tử (Tấm Cám 11, Bạc Liêu, tr.164), vua (Tấm Cám 5, An Giang, tr.328), thậm chí bà lão (Tấm Cám 3, An Giang, tr.319). Bên cạnh đó còn nhiều cách trừng trị khác như bị sét đánh chết. Điều này cho thấy việc “làm mắm” là một hành động có tính chức năng không hơn không kém và dân gian không gắn nó với tính cách hay đạo đức của Tấm. Rõ ràng, với truyện dân gian, không thể khảo sát gói gọn trong 1, 2 truyện mà phải khảo sát trên diện rộng các dị bản để đưa ra được những nhận định khách quan.

Bên cạnh việc chưa thoát khỏi chất dân gian trong miêu tả tâm lý không nhất quán, truyện thơ Quốc ngữ “Con Tấm con Cám” của Đặng Lễ Nghi ảnh hưởng rất rõ của truyện thơ Nôm TK19. “Con Tấm con Cám” dưới ngòi bút Đặng Lễ Nghi mang dáng dấp một câu chuyện tài tử - giai nhân rất rõ với mô hình gặp gỡ - gia biến - đoàn tụ. Nhân vật thái tử vốn rất mờ nhạt và có tính “chức năng” trong truyện cổ tích (phần thưởng cho cô gái bất hạnh chịu nhiều thử thách) thì đến “Con Tấm con Cám” của Đặng Lễ Nghi lại được dụng công miêu tả rất kỹ về tính cách, diễn biến tâm lý:

Khi nhặt được chiếc giày xinh đẹp quạ thả xuống cung vua:

“Nghĩ suy cớ sự lạ thay, Giày đâu quạ xớt bỏ rày dinh ta.

Xem giày trong dạ xót xa, Thấy giày ai khiến cho ta động tình.

Giày này vốn của Thiên-đình, Ắt là tiên nữ gởi mình nước ta.

Không thông quê quán cửa nhà, Phơi giày chim quạ tha mà bỏ đây,

Suy đi nghĩ lại cớ nầy, Ắt là cũng có riêng tây dươn tình.

Phải chi kết đặng bố kinh, Sánh cùng tiên nữ thời mình mới an.

Sầu riêng chi xiết thở than, Biết làm sao đặng nghĩa vàng sánh đôi.

Sầu riêng khó đứng khó ngồi, Đau lòng xót dạ ai ôi có tàn.” (tr.7)

Khi cho người về quê đón Cám sau lần gặp gỡ ở vũ hội, thấy không phải Cám xinh đẹp mà một người con gái khác, thái tử không phải “đành chịu” chung chung như truyện cổ mà mưu tính, cân nhắc rất kỹ càng về hành động:

“Con Tấm về tới thành vàng, Thái tử tiếp rước thấy nàng khác thay.

Âm thầm trong dạ nghĩ suy, Nàng này ta nhắm quả thì dối gian.

Nàng này chẳng chút dung nhan, Tay chơn thô tục sánh trang cấy cày.

Xem tường diện mạo mặt mày, Quả người nô bộc tớ đày chi chi.

Lòng ta luống những ngại nghi, Có ai mưu độc hại thì tiên nương.

Khiến nên tráo chát tào khương, Khiến nên phu phụ hai đường xa nhau.

Khó bề rõ đặng đuôi đầu, Mối mang mưu hại biết đâu mà tầm.

Bàng hoàng khôn biện ngã tâm (?), Làm thinh để dạ âm thầm liệu toan.

Giả vờ hăm hở rước nàng, Để nơi cung viện cho an tấm tình.” (tr.11)

Nỗi nhớ nhung người đẹp được láy đi láy lại:

“Dạo chơi lòng chẳng giảm phiền, Xót lòng thương bấy người tiên với mình.

Xót xa chi xiết buồn tình, Biết bao giờ đặng thấy hình tiên nga,

Thương vì cốt cách mặt hoa, Tay chơn yểu điệu thiệt là người tiên.” (tr.11-12)

Khi chim quành quạch bị Tấm giết, thái tử ngày đêm nhớ nhung chim vốn là hiện thân của người đẹp:

“Thái tử buồn bực bâng khuâng, Thương thay chim Quạch vong thân suối vàng.

Khôn cùng châu lụy thở than, Trách ai xuôi khiến hai đàng sâm sương.

Nghĩ suy chi xiết nỗi thương, Chim ôi mi có biết tường lòng ta.

Canh thâu than trách sự tình, Bao giờ đặng gặp chim linh giải phiền.

Buồn vì nệm chích gối nghiêng, Ngày nào đặng gặp người tiên toại lòng.

Trách ai lòng dạ bưởi bòng, Khiến gây nỗi thảm để lòng vấn mang.” (tr.13)

“Trách ai gây thảm gây sầu, Thương mây nhớ gió canh thâu than dài.

Đã đành thiên các phân hai, Sâm sương tưởng lộ dươn hài[9] trớ trinh.” (tr.13-14)

“Nói việc Thái-tử đền vàng, Lỡ dươn đôi lứa dạ càng sầu riêng.

Trách ai lòng dạ đảo điên, Dứt niềm tòng bá dứt duyên châu trần.

Dương gian mà chẳng đặng gần, Âm ty một giấc có lần gặp nhau.

Tưởng thôi dạ lại thêm đau, Tương tư bát ngát dàu dàu chẳng an.” (tr.17-18)

Như vậy qua truyện thơ “Con Tấm con Cám” có thể thấy các truyện thơ quốc ngữ Nam Bộ là một sự nối dài của truyện thơ Nôm, một sự bản địa hóa truyện thơ Nôm tại Nam Bộ đầu thế kỷ XX. Thi pháp của truyện thơ Quốc ngữ là thi pháp của truyện thơ Nôm. Truyện thơ Nôm vốn là một truyền thống lâu dài trong Văn học Việt Nam từ Thiên nam ngữ lục (TK XVII) đến thành tựu rực rỡ ở Truyện Kiều (TK XIX). Truyện Kiều đã khẳng định một thị hiếu của người dân Bắc Bộ, lan sang Nam Bộ[10]. Tiếp nối Truyện Kiều, Các tác phẩm truyện thơ Quốc ngữ Nam Bộ tuy thành tựu nghệ thuật không cao, còn nôm na, dân dã nhưng lại có một sức lan tỏa cao trong cộng đồng bản địa cho thấy ý nghĩa lịch sử của nó.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Nguyễn Tấn Đắc (2013), Về type, motif và tiết truyện Tấm Cám, Nxb. Thời đại, Hà Nội.
  2. Nguyễn Văn Hầu (2004), Diện mạo văn học dân gian Nam Bộ, Nxb. Trẻ, TP.HCM.
  3. Đinh Gia Khánh (1999), Sơ bộ tìm hiểu những vấn đề của truyện cổ tích qua truyện Tấm Cám, Nxb. Hội Nhà văn, Hà Nội.
  4. Khoa Ngữ văn và Báo chí (2005), Văn học dân gian Bạc Liêu, Nxb. Văn nghệ TP.HCM.
  5. Đặng Lễ Nghi (1915), Con Tấm con Cám, Impr. de I''Union, Sài Gòn.

Nguồn: Những vấn đề văn học và ngôn ngữ Nam Bộ, NXB.ĐHQG TP.HCM, 2016, tr.228-241

 


[1] Từ đây, chúng tôi xin trích dẫn giống như Đặng Lễ Nghi đã trình bày trong bản in - mỗi cặp lục bát đặt trong một dòng thơ.

[2] Nguyễn Văn Hầu (2004), Diện mạo Văn học dân gian Nam Bộ, Nxb. Trẻ, tr.44

[3] Thần tích này được GS. Đinh Gia Khánh chép lại trong “Sơ bộ tìm hiểu những vấn đề của truyện cổ tích qua truyện Tấm Cám, Nxb. Văn học, Hà Nội, 1968, tr. 157-158).

[4] Nguyễn Tấn Đắc, sđd, tr. 411.

[5] Nguyễn Tấn Đắc, sđd, tr.139.

[6] Lê Giang - Lư Nhất Vũ (chủ biên, 1995), Dân ca Đồng Tháp, Nxb. Tổng hợp Đồng Tháp, tr.57-58.

[7] Bản dịch của Lê Xuân Ninh, trong Một số tư liệu về cuộc đời và thơ văn Nguyễn Đình Chiểu, Nxb. Khoa học, H., 1965, tr.28-29. Dẫn theo Kiều Thu Hoạch, Truyện Nôm: lịch sử phát triển và thi pháp thể loại, tr. 215.

[8] Nguyễn Văn Hầu, sđd, tr.100.

[9] hình hài người yêu

[10] Thậm chí khi miêu tả Cám, Đặng Lễ Nghi dùng luôn cả câu thơ tả Thúy Vân trong Truyện Kiều là “Mây thua nước tóc tuyết nhường màu da” (tr.4)


Source: 
10-10-2020
Tags