Trường phái hình thức Nga (NYRIÖ LAJOS)

I. NHÌN LẠI LỊCH SỬ

Trong những năm đại chiến thế giới lần thứ I, trước Cách mạng Tháng Mười ở Peterburg, có nhóm nghiên cứu chuyên đề Puskin của giáo sư Vengerov gồm các sinh viên trẻ đã nhiệt tình nghiên cứu ngôn ngữ thơ, nhịp điệu, vần và cấu trúc thơ. Cùng thời gian đó cũng có một tổ chức các nhà ngôn ngữ học hoạt động ở Moscow([1]), các thành viên của tổ chức này đã tấn công gay gắt những nguyên lý ngữ pháp mới của Fortunatov. Các thành viên của hai tổ chức ngôn ngữ học trên đây đã lập ra OPOJaZ([2]). Công việc của OPOJaZ bước đầu đều thuận buồm xuôi gió, nhưng trong những năm hai mươi thì các xuất bản phẩm của họ đã gây nên những cuộc tranh luận lớn. Trong các cuộc tranh luận này đã nổi lên tiếng nói của những nhân vật quen biết như Lunacharski, Trosky, Bukharin, Kogan... Sau đó, về trường phái “hình thức” này chỉ còn vang lên những lời phán xét một chiều, để rồi từ nửa sau những năm 30 chỉ có sự im lặng bao trùm lên công việc của họ.

Trên tất cả những điều đó, những kết quả lý luận văn học đã đạt được của các nhà hình thức chủ nghĩa Nga trong những năm hai mươi đã có ảnh hưởng tích cực đến việc phát triển khoa học văn học hiện đại ở nhiều nước sau này. Các tác phẩm của họ đã được dịch ra tiếng Tiệp, tiếng Slovak và tiếng Ba Lan sớm nhất; và những thành tựu khoa học của họ vẫn tiếp tục được phát triển bởi các nhà cấu trúc luận Praha và trường phái Hội nhập Ba Lan.

Có thể nhận thấy ảnh hưởng của họ trong quan điểm về tác phẩm văn học của Ingarden. Ngay cả Wellek và Warren trong cuốn Lý luận văn học cũng đã nhiều lần nhắc đến những kết quả lý luận của các nhà hình thức chủ nghĩa Nga. Mười năm liền người ta liên tục nói về công việc của họ. Ở Mỹ, Viktor Erlich đã viết sách chuyên khảo về họ, trong cuốn sách đó ông nói đến những nguyên lý cơ bản và lịch sử của trường phái([3]). Ở Pháp, người ta đã cho xuất bản tuyển tập các công trình nghiên cứu của các nhà hình thức Nga, và nhân dịp đó Pierre Daix đã viết bài ca ngợi những quan điểm văn học của họ. Nhà xuất bản Mouton et Co. , bằng phương pháp sao chụp, đã xuất bản một số cuốn sách của các nhà hình thức chủ nghĩa Nga, trong số đó có Zhirmunski, Tynianov, Eikhenbaum.

Ở các nước xã hội chủ nghĩa, bầu không khí xung quanh trường phái hình thức Nga cũng đã thay đổi đáng kể. Tại Liên Xô cũ, các tác phẩm của Sklovski, Tomashevski, Tynianov đã được xuất bản. Việc xuất bản lại các tác phẩm này đã làm thay đổi những ý kiến tranh luận về lý thuyết của trường phái hình thức Nga. Trong số những người từ bỏ nhiều luận điểm lý thuyết của mình, người ta thấy có Timofeev, Elsberg. Những người khác, nhất là những người tiếp cận các hiện tượng nghệ thuật từ góc độ ngữ nghĩa học hay lý thuyết thông tin, hoặc những người nghiên cứu tác phẩm văn học bằng phương pháp cấu trúc đều đề cao họ, dựa vào trường phái hình thức Nga và hăng hái tái bản các tác phẩm của các nhà khoa học theo trường phái này. Có thể thấy ngay đến các đối thủ lý luận của các nhà hình thức Nga cũng không thể tồn tại nếu không có những thành tựu lý luận của họ. Trong các công trình nghiên cứu về ngôn ngữ thơ, đây đó ta đều gặp tên tuổi của Sklovski, Tomashevski, Tynianov, Zhirmunski. Đặc biệt giới nghiên cứu văn học ở Tiệp đã quan tâm nhiều đến họ. Zdenek Mathauser trong chuyên khảo của mình về Maiakovski đã viện dẫn các công trình nghiên cứu về thơ và nghệ thuật của các tác giả thuộc Liên Xô cùng với các tác giả thuộc OPOJaZ. Một số tác giả khác thì viết những công trình nghiên cứu về họ, phân tích một cách khoa học “phương pháp hình thức” của họ.

1. Những dữ kiện đầu tiên của sự ra đời trường phái hình thức chủ nghĩa Nga

Có những mối liên hệ khăng khít giữa lịch sử của trường phái hình thức Nga với lịch sử của đời sống nghệ thuật, tư tưởng và lịch sử của đời sống xã hội Nga đầu thế kỷ XX. Từ khoảng đầu thế kỷ này, xã hội Nga đã nằm trong thế chuyển mình, trở thành vũ đài của những thay đổi cơ bản dẫn đến cuộc Cách mạng tháng Mười và sự hình thành nhà nước vô sản đầu tiên trên thế giới. Những mâu thuẫn và xung đột xuất hiện giữa các ngành nghệ thuật xung quanh việc phản ánh sự phát triển của thời kỳ này cũng như thời kỳ sau năm 1917. Đối lập nhau, trên vũ đài của những cuộc đấu tranh về chính trị và xã hội là cái cũ và cái mới, cách mạng và bảo thủ. Trong các lĩnh vực nghệ thuật, những đề xuất mới ra đời. Phần lớn những sáng tạo nghệ thuật mới đã chứng tỏ khả năng đảm nhận vai trò tiên phong của nghệ thuật hiện đại thế kỷ XX. Những đại biểu lớn của hội họa Nga như Kandinski, Malevich, Chagall, Larionov... đã có ảnh hưởng lớn đến số phận sau này của nghệ thuật hiện đại. Có những nghệ sĩ đã mở hướng mới cho ngành điêu khắc và âm nhạc. Văn học cũng trải qua bước phát triển mới, đặc biệt là thơ. Nhiều trường phái thơ ra đời một cách nhanh chóng đã mâu thuẫn với thơ truyền thống. Cùng lúc đó, văn học phát triển lan rộng trong phong trào công nhân với nhiều thể nghiệm và đề xuất mới. Họ thành lập các nhà xuất bản, và tổ chức các tờ tạp chí. Trong các tờ tạp chí này đã diễn ra những cuộc tranh luận về văn học với các đại diện như Lenin, Plekhanov, Lunacharski, Voronski, Bogdanov và Gorki. Lĩnh vực sáng tác văn học cũng cực kỳ phong phú. Những tác phẩm của Gorki và nhiều người khác cùng thời đã báo hiệu sự bắt rễ của nền văn học mang tư tưởng Cách mạng mới. Chính từ những cố gắng này đã nảy sinh lý luận nghệ thuật xã hội chủ nghĩa.

Sau Cách mạng Tháng Mười, trong đời sống nghệ thuật đã xảy ra những xung đột căng thẳng. Trong khi các thể nghiệm táo bạo xuất hiện và các cuộc tranh luận sôi nổi diễn ra thì nền nghệ thuật mở ra những triển vọng mới của chủ nghĩa xã hội ngày một cứng cáp và mau chóng trở thành trung tâm chú ý của thế giới. Có thể nói, những con đường mới được mở ra trong văn học, âm nhạc, hội hoạ, điện ảnh và điêu khắc đã cho thấy ý nghĩa phổ cập của nền nghệ thuật xã hội chủ nghĩa.

Chúng ta cũng cần phải xác định một cách sơ lược các trào lưu trường phái của khoa học văn học mà các nhà hình thức chủ nghĩa Nga đã phát triển tiếp tục, hoặc phủ nhận. Những đại biểu của khoa học văn học truyền thống quả thực đã đứng bất động trước các hiện tượng mới mẻ của sự phát triển nghệ thuật thời kỳ mới. Với phương pháp khoa học đã lỗi thời, họ không thể tiếp cận được những thành tựu khác của văn xuôi. Chính vì vậy, trong lĩnh vực khoa học văn học Nga ở những thập niên đầu thế kỷ XX đã xuất hiện các dấu hiệu khủng hoảng sâu sắc. Theo A. N. Veselovski, khoa học văn học đã rơi vào trạng thái “rémillius”. Roman Jakobson đã phê phán việc nghiên cứu văn học: người ta đã lưu hành “những tư liệu văn học như những tài liệu sai lầm và thứ yếu”. Và như thế thì không hề có chuyện nghiên cứu văn học gì ở đây. Còn Tynianov thì đã so sánh tình trạng của khoa học văn học lúc đó giống như “số phận thuộc địa”, nghĩa là khoa học văn học đã đánh mất tính độc lập của nó, hoàn toàn phụ thuộc vào những ngành nghiên cứu xa lạ.

Sự phê phán trên đây nhằm vào trường phái “lịch sử văn hoá” mà từ nửa sau thế kỷ XIX đã lan rộng thành xu hướng có ảnh hưởng lớn, cho đến những thập niên đầu của thế kỷ XX vẫn còn có uy tín. Những đại biểu của trường phái lịch sử văn hoá Nga như Pypin, Vengerov và những người khác đã xuất phát từ vai trò xã hội của văn học, và chỉ nghiên cứu các hiện tượng thuộc về nội dung của tác phẩm văn học. Họ hoàn toàn bỏ qua đặc trưng của văn học như một hình thái ý thức xã hội được thể hiện bằng cả hình thức nghệ thuật. Kết quả là những hiện tượng văn học và mọi vấn đề của văn học đều được họ lý giải trong tiến trình lịch sử xã hội, triết học chung chung. Ví dụ trong chuyên khảo dày 2.000 trang rất phổ cập của Pypin - cuốn Lịch sử văn học Nga - chúng ta không hề gặp một trang nào dành cho phân tích mỹ học. Văn học, theo các quan niệm của trường phái lịch sử văn hoá, như là một phần văn hoá tinh thần chung, và vai trò của nó là minh hoạ lịch sử văn hoá của mọi thời đại.

Những cố gắng mới đầu thế kỷ đã báo hiệu ý hướng “trẻ hoá” của khoa học văn học Nga, và những người đại diện của nó đã đụng đến các vấn đề “hình thức” của văn học. Trước hết chúng tôi cần nhắc đến trường phái Ngôn ngữ học-Tâm lý. Người khởi xướng và là người phát triển nó là Potebnia. Các công trình của ông, trong mức độ đáng kể, đã bắt đầu khởi động tư duy về thi pháp học. Những vấn đề cơ bản thuộc về lý luận thi pháp được ông tiếp nhận chủ yếu từ Humboldt, Herder và Hamann, rằng mỗi từ mang trong bản thân nó tác phẩm nghệ thuật hoàn chỉnh. Ông đã phân biệt được hình thức bên ngoài của từ như là yếu tố vỏ âm, và hình thức bên trong là hình ảnh và nghĩa, là nội dung. Potebnia cho rằng tính chất cơ bản của thơ xuất phát từ hình ảnh. Ông rút ra kết luận: nghệ thuật là tư duy bằng hình ảnh. Lý luận của ông đã được chủ nghĩa tượng trưng Nga vận dụng vào các nguyên tắc nghệ thuật của nó.

Các nhà tượng trưng Nga không chỉ là những nhà thơ nổi tiếng mà còn là những nhà lý luận thơ tinh tế. Tưởng như khoa học văn học kinh viện đang co mình lại trước những vấn đề mới của thơ, còn các nhà thơ tượng trưng thì lại tự mình đảm nhiệm việc biên soạn các công trình khoa học, về đổi mới thơ. Những bài viết mở đường về lý luận của Blok, Briusov, nhất là cuốn Chủ nghĩa tượng trưng của Andrei Belyi đã gây được tiếng vang tốt trong tầng lớp thanh niên. Chính những nhà mỹ học triết học cũng đã dựa vào các nguyên tắc nghệ thuật của chủ nghĩa tượng trưng.

Chúng tôi cần phải nói đến một cố gắng đáng kể nữa trong khoa học văn học Nga thời đó. Nửa sau thế kỷ XIX, nhiều trường phái nghiên cứu dân tộc học - folklore - ra đời ở nước Nga. Đầu thế kỷ, trường phái này được A. N. Veskovski đại diện với một trình độ cao. Những cuốn sách của ông viết về lịch sử thi pháp cũng đã mở ra chương mới trong khoa học văn học. Trong các tác phẩm của mình, với sự kết hợp giữa văn học và folklore, ông đã áp dụng phương pháp so sánh lịch sử. Và như vậy, sự hình thành khoa học văn học so sánh Nga đã gắn liền với tên tuổi của ông.

2. Sự xuất hiện của OPOJaZ

Khi mới xuất hiện, các nhà hình thức chủ nghĩa Nga đã có những cuộc tranh luận với trường phái lịch sử văn hóa, với chủ nghĩa Potebnia, với Veselovski và các nhà tượng trưng chủ nghĩa. Lý luận văn học của trường phái hình thức chủ nghĩa cùng với việc giải quyết các mâu thuẫn đã từng bước xây dựng và mở rộng phạm vi nghiên cứu. Một trong những nhà lý luận khởi đầu là Victor Sklovski, người đã xác định phương hướng lý luận của OPOJaZ bằng các bài viết sâu sắc và gợi mở. Lúc đầu, trường phái hình thức chủ nghĩa có Iakubinski, Brik, Polivanov, sau đó quanh những hạt giống này còn có Eikhenbaum, Jakobson, sau nữa có Tynianov và Tomashevski. Mặc dù với thời gian, những quan điểm của Zhirmunski và V.Vinogradov trên nhiều điểm cơ bản đã tách khỏi lý luận nghệ thuật của OPOJaZ, nhưng trong việc hình thành thi pháp của chủ nghĩa hình thức, họ đã có vai trò đáng kể. Liên quan tới lịch sử của chủ nghĩa hình thức còn có Propp, người đã vận dụng phương pháp của chủ nghĩa hình thức trong cuốn Hình thái học truyện cổ tích của mình. Còn nhiều người khác nữa cũng đã đóng góp bằng cách nào đó vào việc hình thành lý luận văn học của trường phái hình thức chủ nghĩa.

Các nguyên lý lý luận văn học không ra đời bằng con đường lý thuyết suông dễ dãi. Những kết luận và nguyên lý lý luận được đúc kết trong công việc “phê bình” và trong nghiên cứu lịch sử văn học. Trong lĩnh vực nghiên cứu lịch sử văn học Nga cũng đã có những thành tựu như trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học văn học Nga thế kỷ XIX. Người ta quan tâm đến các tác phẩm của Puskin, Lermontov, Gogol, Tolstoi và Dostoievski. Sự quan tâm này đã dẫn đến việc ra đời nhiều chuyên khảo có giá trị, họ đã mở ra những luận điểm có giá trị, những luận điểm “lý luận” cơ bản. Ngay cả trong những trường hợp họ tiếp cận văn học bằng phương pháp suy diễn thì ảnh hưởng của văn học sử cũng đóng vai trò quan trọng.

Trong tờ Lef, tạp chí của các nhà vị lai chủ nghĩa, Brik và Arvatov - những đại biểu của chủ nghĩa xã hội học hình thức - đã đề cao hoạt động của các nhà hình thức chủ nghĩa. Maiakovski cũng nhắc đến họ với một sự thừa nhận. Có những khái niệm mới như “lời tự tạo”, “lời ngoài logic tư duy” đều có thể tìm thấy trong từ điển của các nhà hình thức chủ nghĩa và các nhà vị lai chủ nghĩa. Các nhà vị lai chủ nghĩa ngay từ đầu đã nhấn mạnh sự cần thiết của việc trả lại giá trị thực của từ ngữ. Các nhà hình thức chủ nghĩa cũng có những ý kiến tương tự. Trong hồi ký của mình, Eikhenbaum cho rằng “việc giải phóng từ ngữ thơ khỏi gông cùm của những xu hướng tôn giáo và triết học” là nhiệm vụ cơ bản của nhóm hình thức chủ nghĩa đầu tiên (điều này cũng được các nhà thơ tượng trưng nhiệt tình ủng hộ). Đầu đề của một trong những bài viết đầu tiên của Sklovski là Giải phóng từ ngữ (1914). Không phải ngẫu nhiên mà phần lớn các công trình của các nhà hình thức chủ nghĩa đều được xuất bản cùng với các công trình của các nhà vị lai chủ nghĩa.

Trong thời gian đầu, hoạt động của OPOJaV là nhằm xác định những hiện tượng riêng biệt, sự tồn tại và chức năng của ngôn ngữ thơ. Cố gắng này được thể hiện trong tuyển tập các bài nghiên cứu xuất bản năm 1916-1917 nhan đề: Hợp tuyển các bài nghiên cứu về lý luận ngôn ngữ thơ. Năm 1919, OPOJaZ xuất bản hợp tuyển đầu tiên của loạt bài nghiên cứu mang tên Thi pháp. Hợp tuyển này cho thấy phạm vi quan tâm cũng như quan điểm cơ bản của các nhà hình thức chủ nghĩa về thơ. Các tác giả đã cố gắng xác định vai trò của ngôn ngữ trong tác phẩm như là yếu tố đặc biệt tạo điều kiện cho sự tồn tại của tác phẩm văn học.

Những thành tựu của ngôn ngữ học hiện đại đã đóng vai trò lớn trong việc hình thành lý luận văn học của các nhà hình thức chủ nghĩa Nga. Trước hết là các bài giảng về ngữ âm của Baudouin de Conrtenay và Scherba. Có hai thành viên của OPOJaZ là học trò của Baudouin de Courternay. Trong các tác phẩm nghiên cứu về thi pháp học, họ đã vận dụng những thành tựu về ngữ âm của các thầy. Còn nhà nghiên cứu văn học trẻ tuổi trong Nhóm các nhà ngôn ngữ học Moscow cũng đã học được nhiều ở các công trình Scherba. Nhóm này trước đó đã làm quen với lý thuyết Saussure. Nổi lên trong số họ là tên tuổi của Jakobson, Tomashevski.

Trong cuốn Thi pháp thứ nhất - xuất bản phẩm đầu tiên của OPOJaZ, Ikakubinski đã thử nghiệm tách biệt ngôn ngữ thơ khỏi ngôn ngữ thông thường. Còn O.Brink thì với bài nghiên cứu về sự lặp lại của âm mà xác định lý luận về ngôn ngữ thơ. Các bài viết đáng chú ý của tuyển tập này là của Sklovski và Eikhenbaum.

Trong bài Về thơ và về ngôn ngữ ngoài logic tư duy, Sklovski cho rằng trong thơ ngôn ngữ không chỉ có logic mà còn có cả hiện tượng ngoài logic nữa. Sklovski đã nhấn mạnh chức năng gợi cảm của ngôn ngữ thơ. Trong một bài viết khác, với đầu đề Nghệ thuật như là thủ pháp, ông đã xác định tính chất cơ bản của nghệ thuật qua việc tạo dựng các yếu tố làm nên tác phẩm. Theo cách lý giải của ông thì bản thân nội dung không có sự tồn tại riêng trong tác phẩm, ông cho rằng nội dung cũng chỉ là một trong những nguyên liệu xây dựng nên tác phẩm mà thôi. Sklovski nghiên cứu vai trò “tự động hoá” trong nghệ thuật. Ông nhìn nhận nhiệm vụ và ý nghĩa của nghệ thuật qua khả năng cảm hoá con người với việc chống lại ảnh hưởng tự động của nó. Ông gọi chức năng này là lạ hóa.

Bên cạnh việc lý giải những vấn đề thuộc ngôn ngữ thơ thì trong thời kỳ này những vấn đề khác cũng hấp dẫn các nhà hình thức chủ nghĩa, như vấn đề cấu trúc, cốt truyện, nhân vật và nhịp điệu của tác phẩm. Trong các bài viết đáng lưu ý, Sklovski và Eikhenbaum đã phân tích những đặc điểm của cấu trúc văn xuôi. Ở những bài viết khác ông còn chỉ ra các thủ pháp đặc trưng của cấu trúc văn xuôi.

Đầu những năm hai mươi, các nhà nghiên cứu lịch sử văn học mới cũng tham gia nhóm các nhà hình thức chủ nghĩa. Trong số những người này có Tynianov và Tomashevski. Họ đã chấp nhận lý thuyết của OPOJaZ. Còn những người khác như Zhirmunski và Vinogradov thì đã đồng tình với nhiều nguyên lý và cách đặt vấn đề của chủ nghĩa hình thức, nhưng họ vẫn không chấp nhận một số luận điểm của OPOJaZ. Năm 1919, Zhrirmunski đã viết bài giới thiệu về OPOJaZ. Năm 1921, trong bài viết Những vấn đề của thi pháp, ông đã phân tích một cách khả quan các luận điểm lý luận của OPOJaZ, nhưng trong chừng mực nhất định ông đã tách mình ra khỏi quan điểm nghệ thuật của OPOJaZ, nhất là quan điểm có liên quan đến tính chất bên trong của tác phẩm.

Chúng ta dễ nhận thấy từ những năm 20 trở đi đã có sự thay đổi cơ bản trong phương pháp, trong việc lựa chọn đối tượng của các nhà hình thức chủ nghĩa. Khởi đầu các bài báo của họ chủ yếu mang tính chất thông báo, sau đó họ đã lấy công việc nghiên cứu chuyên đề làm trọng tâm. Xuất phát từ quan niệm về chức năng bên trong của thơ, họ xác định các yếu tố tạo thành thơ, tìm ra những nguyên tắc cơ bản thuộc về cấu trúc đã làm nên tính chất thơ. Họ quan niệm tác phẩm văn học là một chỉnh thể thống nhất, sinh động và có kết cấu. Với những luận điểm đó, lý luận văn học của trường phái hình thức Nga đã đạt đến một trình độ mới trong quan niệm về tính nội tại của văn học. Quan điểm tác phẩm văn học như là một hệ thống chính là đóng góp quan trọng của trường phái hình thức Nga trên con đường xây dựng hệ thống lý luận văn học riêng của mình. Tynianov với quan niệm tác phẩm văn học là đơn vị được tổ chức và khép kín, đã đưa tác phẩm văn học như một vấn đề lớn vào trọng tâm nghiên cứu của lý luận văn học. Điều này chính là điểm xuất phát để ông xem toàn bộ văn học là một hệ thống duy nhất.

3. Tranh luận xung quanh OPOZaJ

Cùng với việc uy tín lý luận của các nhà hình thức chủ nghĩa ngày một gia tăng là những cuộc tranh luận xảy ra xung quanh họ. Một trong những biểu hiện đầu tiên của cuộc tranh luận là lời nói đầu do Zhirmunski viết cho lần xuất bản bằng tiếng Nga cuốn Gehalt und Gestalt im Kunstwerk de Dichters của Oscar Walzel. Trong bài viết, Zhirmunski đã từ bỏ nhiều luận điểm cơ bản trong quan niệm lý luận văn học của chủ nghĩa hình thức. Chính vì vậy mà Eikhenbaum đã gọi ông là “kẻ phản bội”. Cuộc tranh luận căng thẳng cũng đã xảy ra giữa trường phái hình thức chủ nghĩa và những người đại diện cho quan điểm xã hội học văn học. Sau Cách mạng, đầu những năm 20 yêu cầu về xã hội học và vị trí của lý luận văn học ngày càng cao. Những người đại diện cho phương pháp xã hội học đã nghiên cứu tác phẩm văn học và sự tác phẩm văn học trong mối quan hệ trực tiếp với cấu trúc kinh tế, xã hội và đấu tranh giai cấp. Bản thân điều đó cũng cho thấy rằng quan điểm của họ đã va chạm với nguyên lý tính tự trị của văn học do trường phái hình thức Nga đề xướng. Nguyên lý này là một chướng ngại vật đối với phương pháp xã hội học. Chúng ta không được phép làm đơn giản hoá cuộc tranh luận này của hai trường phái bằng cách xem đó là cuộc tranh luận giữa quan điểm văn học mác xít và tư sản. Quả là một số người đại diện nhất định của trường phái xã hội học nào đó đã từng bước đến gần với chủ nghĩa Marx, họ làm việc trong những điều kiện thuận lợi và trong thực tế họ đã trở thành những người nghiên cứu văn học mác xít. Nhưng điều đó không có nghĩa là ngay từ đầu đã là như vậy. Lifshis đã nhận xét về vai trò một thời của mình đối với trường phái xã hội học như sau: “Xã hội học dung tục không hề có mối quan hệ nào với chủ nghĩa Marx ngoài sự trùng khớp một vài thuật ngữ mà thôi”. Ông còn nói thêm: “cuộc đấu tranh về chính trị đã từng bước vạch rõ mối liên hệ bên trong của nhóm phái hữu và bọn Troski với các trào lưu mác xít dung tục”. Sự thật là có một số phần tử “mác xít” gần với trường phái xã hội học vào đầu những năm hai mươi đã phê phán kịch liệt Maiakovski, cho nhà thơ là kẻ tuyên truyền những tư tưởng tiểu tư sản, là nghệ sĩ hình thức theo phái chủ nghĩa hình thức, vô chính phủ. Không phải ngẫu nhiên khi Lunacharski trong thời gian này mặc dù đại diện cho quan điểm mác xít trong mỹ học, nhưng trong nhiều vấn đề ông đã tự nhận những quan điểm của mình giống với quan điểm của các nhà hình thức chủ nghĩa. Trong nhiều hiện tượng, ông đã có cách nhìn giống họ về những đặc trưng của nghệ thuật hiện đại. Cần phải lưu ý rằng một số đại diện của chủ nghĩa hình thức là đảng viên đảng Bônsêvích, họ đã chiếm vị trí quan trọng trong việc lãnh đạo nền văn học xã hội chủ nghĩa. Quan điểm nghệ thuật của họ thiên về ủng hộ cái mới, điều đó không có gì mâu thuẫn với một nền văn học xây dựng trên nền tảng xã hội mới.

Nhưng chính lúc đó, trong các quan niệm nghệ thuật của trường phái hình thức Nga lại xuất hiện những mâu thuẫn. Lý luận đề cao tính tự trị và độc lập của nghệ thuật của họ bên cạnh những ưu điểm cũng gặp nhiều điểm bất cập, tạo điều kiện cho những người xã hội học dung tục tấn công.

4. Phương pháp xã hội học và chủ nghĩa hình thức

Những người theo phương pháp xã hội học đã tăng cường các hoạt động phê bình của họ. Tờ tạp chí Báo chí và Cách mạng số 5-1924 đã phát động cuộc tranh luận xung quanh “phương pháp hình thức chủ nghĩa”. Bài viết mở đầu cuộc tranh luận do đại biểu của trường phái hình thức Nga là Eikhenbaum viết. Trong các bài viết của mình, Eikhenbaum đã nhắc tới các cuộc tấn công đối với phương pháp hình thức chủ nghĩa, cụ thể là sự phê phán của Troski. Ông nhấn mạnh rằng lý luận văn học của chủ nghĩa hình thức nhằm đưa khoa học văn học tiến lên phía trước trên bình diện khoa học. Ông đã biện giải về sự tồn tại của trường phái hình thức trước phương pháp xã hội học là phương pháp xã hội học đã quan niệm một cách máy móc xuất xứ xã hội của văn học. Nhắc lại sự lưu ý của Troski rằng các nhà hình thức chủ nghĩa cần phải quan tâm đến thế giới quan của người nghệ sĩ, ông cho rằng chính đó là điều mà “khoa học duy tâm thường nghiên cứu, là điều mà bản thân Troski phản đối và chúng tôi cũng vậy”. Ông viết tiếp: “Trường phái hình thức chủ nghĩa là phong trào cách mạng vì đã giải phóng khoa học văn học ra khỏi những truyền thống cũ và lỗi thời”.

Một số người khác như Sakulin và Kogan khi tranh luận với Eikhenbaum tự nhận mình theo phương pháp xã hội học nhưng vẫn công nhận trên một chừng mực nhất định sự hợp lý của phương pháp hình thức. Có thể nói tạp chí Báo chí và Cách mạng đã phản ánh những mâu thuẫn căng thẳng giữa những người theo phương pháp xã hội học. Tuy vậy, nhiệt tình sáng tạo của các nhà hình thức chủ nghĩa không vì thế mà giảm sút, họ cố gắng làm sáng tỏ những vấn đề lý luận được đề cập đến trong các cuộc tranh luận. Cũng từ đấy, trong các bài nghiên cứu họ đã đề cập đến mối quan hệ giữa văn học và hiện thực, sự phát triển của văn học, phẩm chất nghệ sĩ, và chức năng của văn học. Đã có sự gặp gỡ (ở một mức độ nào đó) giữa phương pháp hình thức và phương pháp xã hội học phù hợp với chủ nghĩa Marx. Từ đầu những năm hai mươi, trong tạp chí Lef, Brik đã viết bài bảo vệ phương pháp hình thức. Ông đã nhấn mạnh rằng tổ chức OPOJaZ là người đào mồ chôn thi pháp duy tâm, và điều kiện duy nhất để phương pháp mác xít trở thành phương pháp khoa học là phải tiếp nhận phương pháp hình thức. Akvatov tiếp tục đi sâu hơn, ông đã phân tích các tác phẩm văn học bằng phương pháp xã hội học hình thức, mà một ví dụ điển hình là sự phân tích rất có giá trị bài thơ Chiến tranh và thế giới của Maiakovski do ông thực hiện. Akvatov cũng đã nghiên cứu tính chất hợp nhất của hai phương pháp hình thức và xã hội học, và những yếu tố bổ sung lẫn nhau của hai phương pháp này. Ông gọi phương pháp hình thức là một cuộc cách mạng, bởi vì theo ông phương pháp hình thức làm cho khoa nghiên cứu văn học trở thành khoa học. Theo Akvatov, một trong những thành tựu của lý luận hình thức chủ nghĩa là đã đưa yếu tố sản xuất lên hàng đầu của quá trình sáng tạo nghệ thuật, xem đó là hình thức riêng của sản xuất xã hội. Thậm chí ông cho rằng với việc từ bỏ “mỹ học nội dung”, lý luận văn học của nhóm OPOJaZ đã vượt xa thứ lý thuyết sai lầm được phổ biến ở các nhà Kant mới tại Đức và Pháp, nhất là lý thuyết về môi trường cho rằng nội dung quyết định hình thức. Tuy nhiên ông cũng lấy làm tiếc rằng các nhà hình thức chủ nghĩa đã từ bỏ việc làm sáng tỏ quy luật của tiến trình lịch sử văn học, và chương trình khoa học của họ chỉ được hạn chế trong việc liệt kê theo trật tự thời gian các sự kiện văn học, hoặc mô tả hình thái cấu trúc mà thôi.

Chính nhờ tác động của các ý kiến phê bình mà các nhà hình thức chủ nghĩa ngày càng đảm nhận thêm việc nghiên cứu mối liên hệ giữa văn học và các hiện tượng xã hội khác, cũng như việc viết lý luận của lịch sử phát triển văn học. Thực ra những vấn đề lý luận của sự phát triển văn học đã được họ nghiên cứu trong các tác phẩm trước đây. Từ Sklovski, Jakobson đến Eikhenbaum đều xem sự phát triển của văn học mang tính tự trị và giải thích nó bằng những quy luật bên trong.

Tynianov cũng đồng ý như vậy, nhưng ông tiếp tục phát triển thêm. Trong cuốn sách của ông nhan đề Vấn đề ngôn ngữ thơ, Tynianov đã nghiên cứu tác phẩm văn học trong thực tiễn độc lập, không lặp lại của nó. Ông viết: “Chức năng nằm trong (được đưa vào) tác phẩm quyết định cái gì sẽ làm nên tính văn học. Chức năng không phải là những dữ kiện vĩnh hằng, với sự phát triển của văn học những chức năng cơ bản nhất cũng thay đổi, lỗi thời và thay vào đó là những chức năng khác xuất hiện”. Ông cho rằng không nhất thiết phải xem tác phẩm là một hệ thống, mà thực ra, hệ thống là toàn bộ (tất cả) quá trình văn học. Trong việc diễn đạt vấn đề này, bài viết chung của Jakobson và Tynianov đã đi sâu hơn. Họ nhận định rằng, thiếu quan điểm về tính tự trị thì không thể hiểu được các hiện tượng văn học.

Cuối những năm hai mươi thì áp lực phê phán ngày càng đè nặng lên trường phái hình thức chủ nghĩa. Mặc dù vậy, trong nửa sau của thập niên việc xuất bản các công trình nghiên cứu cá nhân cũng được tiến hành. Lúc này, cuốn Lý thuyết văn xuôi (1925-1929) của Sklovski, cuốn Thông báo văn học (1924) và Văn học (1927) của Eikhenbaum đã được xuất bản. Riêng cuốn Lý luận văn học (1925-1931) của Tomashevski được xuất bản tới 6 lần. Cuốn Những vấn đề lý luận văn học (1928) của Zhirmunski và tuyển tập Những kẻ chuộng cũ và những người đổi mới (1929) của Tynianov cũng ra mắt bạn đọc. Nhiều cuốn sách khác viết về Tolstoi và Lermontov cũng được xuất bản. Từ “cái kho” của các nhà hình thức chủ nghĩa, 5 tuyển tập các bài viết mang tên “thi pháp” đã ra đời trong thời gian 1919 đến 1928.

Thời gian đó, một số các nhà hình thức chủ nghĩa cho in những bài viết của họ ở Lef, hoặc ở tờ Lef mới.

Phương pháp hình thức từng bước đề cập đến các hiện tượng văn học. Nhiều người đã vận dụng phương pháp hình thức để nghiên cứu văn học dân gian, sân khấu. Giá trị nhất trong số đó là tác phẩm Hình thái học truyện cổ tích của Propp.

Các nhà hình thức chủ nghĩa, nhất là Sklovski, Eikhenbaum và Tynianov, đã đụng đến cả những vấn đề nghệ thuật điện ảnh. Bằng nhiều nhận định lý luận có giá trị họ đã làm giàu thêm cho lý luận mỹ học điện ảnh.

II. CÁC QUAN ĐIỂM LÝ LUẬN VĂN HỌC CỦA TRƯỜNG PHÁI HÌNH THỨC NGA

Quan điểm lý luận của các nhà hình thức chủ nghĩa Nga phát triển chậm, nhưng trong hướng ổn định. Những thành tựu của họ không làm cho họ trở thành giáo điều, cứng nhắc, lúc cần thiết họ cũng biết gạt bỏ những luận điểm không còn giá trị khoa học nữa. Họ đã không thần tượng hoá các phương pháp khoa học của mình. Eikhenbaum trong khi trả lời các nhà phê bình đã khẳng định rằng, không có một phương pháp cố định nào hết, việc mở rộng công việc nghiên cứu đến nhiều hiện tượng văn học mới tất yếu phải tạo ra các phương pháp mới.

Những quan điểm lý luận của họ xoay quanh vấn đề ngôn ngữ thơ, tác phẩm như là một hệ thống thống nhất, và những vấn đề của quá trình văn học.

Ngôn ngữ văn học, nhịp điệu và âm điệu - sự tìm kiếm những tính chất điển hình của ngôn ngữ thơ.

Những đặc trưng của ngôn ngữ văn học đã được các nhà lý luận lãng mạn chú ý đến. Từ cuối thế kỷ XIX, nhất là đầu thế kỷ XX, các khoa học như tâm lý học, dân tộc học và triết học đã ngày càng chú ý đến các hiện tượng ngôn ngữ. Sự tiến bộ có ý nghĩa quyết định có thể nhận thấy đầu thế kỷ ở ngay trong bản thân khoa ngôn ngữ học. Trước hết, chúng ta cần phải dựa vào những kết quả xác định hướng phát triển của ngôn ngữ học hiện đại của Saussure (những kết quả này được các nhà hình thức Nga biết đến từ trước). Nhất là những thành tựu nghiên cứu về ngữ âm của các nhà ngôn ngữ học mà các nhà lý luận hình thức Nga dựa vào.

Bước đầu tiên của hoạt động nghiên cứu lý luận văn học của họ là nghiên cứu những đặc trưng và quy luật thực chất của văn học. Theo Jakobson thì đối tượng của khoa học văn học không phải là văn học mà là “tính văn học”, nghĩa là cái đã làm cho văn học trở thành văn học. Những biểu hiện này được họ tìm trong chức năng của ngôn ngữ thơ. Sklovski cho rằng một trong những chức năng quan trọng của ngôn ngữ thơ là nó có khả năng làm chấm dứt tính chất máy móc của nhận thức. Còn Jakobson thì nhận định: “Thơ là chức năng thẩm mỹ của ngôn ngữ”. Tynianov cũng nghĩ như vậy khi ông xác định chức năng xã hội của văn học trong ngôn ngữ. Zhirmunski thì cho rằng mặc dù văn học đụng đến nhiều tình huống khác nhau của đời sống tâm hồn con người, nhưng đối tượng của sự phân tích văn học không phải là thế giới tình cảm, mà là từ: “Thơ là nghệ thuật của từ, lịch sử thơ ca là lịch sử của nghệ thuật ngôn từ”. Về việc xây dựng khoa học văn học ông viết: “Chất liệu của thơ là từ. Việc xây dựng cơ sở của hệ thống thi pháp cần phải được thực hiện bởi sự phân loại các dữ kiện ngôn ngữ”. Sklovski đã thấy sự giống nhau giữa cấu trúc của các tác phẩm văn học và cấu trúc thống nhất của các phong cách ngôn ngữ. Chính các motif nhất định của văn học, thậm chí đến đề tài của các truyện ngắn cũng ra đời nhờ sự phát triển các ẩn dụ.

Trong những bài viết đầu, tưởng như họ chỉ nghiên cứu những vấn đề liên quan giữa cú pháp và nhịp điệu, giữa sự lặp lại của từ và âm vị của nó, nhưng thực ra họ đã bộc lộ quan điểm của mình về lịch sử văn học. Nếu về mặt khái niệm họ chưa xác định được thì cần phải kiểm tra các dữ kiện khách quan của tác phẩm, những dữ kiện này là điều kiện để thực tế hoá chúng thành tác phẩm.

Các nhà hình thức chủ nghĩa bác bỏ lý luận của các nhà tượng trưng chủ nghĩa, kể cả yếu tố tượng trưng mang hình ảnh của ngôn ngữ thơ. Họ lấy việc mở ra các thành tố của từ làm mục đích nghiên cứu. Họ xem từ là nguyên liệu, và đồng thời nó với đá, với phấn sơn và với sự vận động. Nhiệm vụ của người nghệ sĩ là khám phá ra những giá trị của ngôn từ. Ngôn từ không chỉ là ký hiệu mà còn là bản thân “sự việc”, là nguyên liệu xây dựng, nó tồn tại theo những quy luật riêng. Các từ không vào tác phẩm để rồi không tháo ra được như gạch trong tường nhà. Từ cũng phải kết hợp với nhiều “yếu tố từ” (Tynianov). Khi đóng vai trò “thi sĩ”, từ đã phát huy những yếu tố mà trong chức năng thông tin - thông báo của ngôn ngữ hàng ngày bị bỏ qua, không nhận thấy, vì chúng chỉ là những chủ ngữ máy móc mà thôi. Trong ngôn ngữ thơ, ngược lại với điều đó, những thành phần ẩn kín của từ cũng chuyển động và chúng đều mang ý nghĩa thẩm mỹ. Các nhà lý luận hình thức Nga còn chú ý đến các yếu tố âm vị của ngôn ngữ thơ, nhất là tính chất biểu cảm của nó khác với ngôn ngữ hàng ngày. Khi phân tích truyện ngắn Cái áo khoác của Gogol, Eikhenbaum đã rút ra nhận định rằng, trong tác phẩm này vỏ bọc của từ đã rời bỏ nghĩa logic và trở thành giá trị độc lập. Theo các nhà hình thức, từ đối với tư duy người nghệ sĩ không phải là những đường ống xa lạ, những kẻ trung gian lạnh lùng. Chính vì thế mà Sklovski tuyên bố: “Từ ngữ trong thơ không phải là công cụ thể hiện suy nghĩ mà chúng thể hiện chính bản thân chúng; và bằng bản chất của mình mà chúng xác lập nên hiệu quả của tác phẩm”([4]).

Việc mở rộng các điều kiện và yếu tố riêng của ngôn ngữ thơ trong nghiên cứu lý luận đã cho kết quả, bởi vì các nhà nghiên cứu trước đấy chỉ tiếp cận với ngôn ngữ thơ về mặt giao tiếp mà thôi. Các nhà hình thức rút ra nhận xét có ý nghĩa khoa học sâu sắc rằng “Chức năng của ngôn ngữ thơ không thể hiện ở việc thông báo trực tiếp các thông tin”. Các hiện tượng của ngôn ngữ thơ ca được hình thành theo những quy luật của tác phẩm trong quá trình tiếp nhận, và những đặc trưng của ngôn ngữ mà bình thường trong ngôn ngữ giao tiếp hằng ngày, hoặc trong ngôn ngữ khoa học chúng chỉ đóng vai trò thứ yếu, phụ thuộc, khi đó bỗng xuất hiện. Ngay từ giai đoạn đầu các nhà lý luận hình thức Nga đã thấy chức năng của ngôn ngữ thơ khác với ngôn ngữ khoa học là hướng về sự biểu cảm. Các yếu tố của ngôn ngữ đều có thể đạt đến vai trò độc lập trong việc biểu đạt thẩm mỹ. Yếu tố âm vị của từ trong ngôn ngữ hàng ngày chỉ là đường ống thông báo tư duy, còn trong sự thống nhất được tổ chức, tập hợp của ngôn ngữ thơ các mối liên hệ về âm của từ cũng đồng thời là thành phần tạo nên ấn tượng thẩm mỹ. Bởi vì một khi ý nghĩ nhà thơ được gọi trong hình thức ngôn ngữ, thì cách âm của từ cũng lọt vào vùng ý thức đã được rọi sáng. Như vậy, âm đóng chức năng độc lập trong tác phẩm, và các yếu tố khác như ngữ nghĩa, cú pháp có thể sẽ chịu sự chi phối bởi những quy luật riêng của âm.

Sklovski đã phê phán Potebnia vì ông ta không tách biệt ngôn ngữ thơ và ngôn ngữ thông thường. Potebnia đã chia từ ra ba thành phần chính: hình thức bên ngoài, hình thức bên trong và nghĩa của nó. Hình thức bên ngoài của từ gồm các hiện tượng âm học, hình thức bên trong là hình ảnh nối nội dung với hình thức. Ông cho rằng, hình ảnh mang ý nghĩa tượng trưng. Theo lý luận của ông thì hình ảnh đóng vai trò chính trong tác phẩm, và hình thức bên ngoài chỉ là cái vỏ bên ngoài, hay nói cách khác, chỉ là người tiễn đưa những “ý tưởng thẩm mỹ”. Các nhà hình thức Nga thì cho rằng các yếu tố âm vị của từ không chỉ “tiễn đưa nội dung thẩm mỹ”, mà còn là những yếu tố định trước của thơ.

Trong tham luận viết về những vấn đề thơ, Belyi đã suy nghĩ nhiều về vai trò của từ trong tác phẩm văn học. Nhưng trong các bài nghiên cứu đáng chú ý của ông, tính đa hướng của âm vẫn chưa được quan niệm triệt để, bởi vì ông xuất phát từ chỗ cho rằng “âm” phải thể hiện “một điều gì đó”. Ông không định riêng cho âm một giá trị độc lập. Belyi đã gắn một số âm nhất định với nội dung biểu cảm. Theo ông, trong một số bài thơ của Blok, các phụ âm r, d, t được lặp đi lặp lại có tác dụng thể hiện không khí bi thương về phương diện hình thức. Belyi cho rằng âm bị phụ thuộc so với nội dung. Các yếu tố tạo thành âm trong thơ chỉ là hình thức bề ngoài của nội dung thẩm mỹ. Eikhenbaum đã tranh luận với ý kiến này, vì Belyi đã ngang nhiên công bố rằng, hình thức bề ngoài “chỉ đưa đẩy” nội dung mà thôi. Các nhà hình thức thì lại cho rằng nội dung chỉ là phần tạo thành hình thức, là chất liệu của tác phẩm, vì vậy hình thức không phải là sự trang trí bề ngoài của nội dung thẩm mỹ, hoặc của “tư duy nghệ thuật” mà là yếu tố tích cực trong việc hình thành đối tượng thẩm mỹ. Brik khi phê phán lý thuyết phối âm của các nhà tượng trưng đã nhận định: “Cho dù chúng ta có tìm kiếm bao nhiêu mối quan hệ giữa hình ảnh và âm điệu thì có một điều chắc chắn là cách âm và sự hoà âm không chỉ là phần thêm vào cho dễ nghe”. Zhirmunski cũng nói tương tự: “Cách âmcủa ngôn ngữ không xa lạ đối với nhà thơ. Nó không chiếm vị trí trống rỗng trong tác phẩm, nó không phải là tiếng động lộn xộn nhằm đưa đẩy các hình ảnh, mà là công cụ cơ bản của sự thể hiện nghệ thuật([5]).

Các nhà hình thức chủ nghĩa quan niệm bản thân ngôn ngữ thơ đã được tổ chức và sắp đặt. Tynianov gán cho từ nhiều chức năng. Từ là con tắc kè hoa, vì trong từng loại văn bản khác nhau thì không chỉ sắc thái mà các màu sắc của từ cũng thay đổi. Yếu tố ngôn ngữ thơ được tạo ra trong tác phẩm không hề làm mất giá trị vốn có của nó mà ngược lại, những phẩm chất mới của nó được lên tiếng. Điều đó, như ta đã thấy - liên quan đến hình thể, ngữ nghĩa của từ, đến hình thái, thậm chí cả cú pháp nữa. Theo Sklovski, trong ngôn ngữ giao tiếp thông thường, với mục đích làm cho dễ hiểu, cần phải làm cho sự tiếp nhận thông tin được dễ dàng, nhưng trong nghệ thuật, ngược lại, nhận thức là việc tự thân, vì thế cần phải phức tạp hoá và làm chậm lại quá trình nhận thức. Ngôn ngữ nghệ thuật được “phức tạp hóa” nhằm phục vụ điều đó, nó tạo điều kiện và tăng cường tính tích cực của người tiếp nhận. Cái mà Spencer gọi là “sự tiết kiệm sức lực” không liên quan gì đến đặc trưng của ngôn ngữ thơ, vì ngôn ngữ thơ không cố gắng nhằm máy móc hoá sự nhận biết. Zhirmunski lưu ý rằng, ngôn ngữ khoa học đang cố gắng bằng các ký hiệu toán học trừu tượng để xua đuổi từ ngữ. Tynianov đã kiểm tra các hiện tượng khác nhau của ngôn ngữ thơ theo chức năng của chúng. Trong ngôn ngữ thơ, ông tìm những nguyên tắc cấu thành các yếu tố nghĩa, âm và hình thái của từ. Trong mối quan hệ phức tạp của sự cấu thành tác phẩm, ông đã phát hiện ra sự tiến triển và biến đổi của hình thức. Sklovski đã nhận xét rằng, khi từ nằm trong một văn bản mới thì nó nhận một hình thái mới, và nó tự phong phú lên với nghĩa mới đó. Ông gọi đó là “sự chuyển dịch ngữ nghĩa”. Một từ đã quen, khi được xuất hiện trong một văn cảnh ngôn ngữ mới thì nó cũng trở nên sinh động với sắc thái ngữ nghĩa mới. Sự chuyển dịch ngữ nghĩa là một trong những chức năng quan trọng và cơ bản của ngôn ngữ thơ. Các nhà lý luận hình thức Nga cũng lưu ý đến những từ không đóng vai trò thể hiện một nội dung thông tin nào cả, nhưng sự có mặt của chúng trong cấu trúc của bài thơ là để góp về âm, vì thế chúng cũng có ý nghĩa thẩm mỹ...

 

Trương Đăng Dung dịch

từ bản tiếng Hungary, Nxb. Akadémia, Budapest, 1970

 


([1])Tổ chức này được thành lập năm 1915, và Roman Jakobson là một thành viên.

([2])Hội nghiên cứu ngôn ngữ thơ ca.

([3])Victor Erlich, Russian Formalism, History - Doctrine, 1955.

([4])V.Sklovski, Лимерамуа и Кинемамограф, Berlin, 1923.

([5])V.M. Zhirmunski, Вопросы теории литературы, Leningrad, 1928.

Nguồn:vanhoanghean.com.vn


Source: 
17-05-2021
Tags