TRƯƠNG ÁI LINH NGƯỜI TÌNH CỦA THƯỢNG HẢI

Tại Thượng Hải ngày nay, có một quán cà phê gắn biển hiệu Colorful (Thiên Thái Thư Phòng), nhưng lại được biết đến dưới cái tên phổ biến hơn là “quán cà phê Trương Ái Linh”. Quán cà phê này nằm ở tầng trệt của khu chung cư số 195 đường Thường Đức. Trên bức tường bên ngoài quán là một tấm biển duyên dáng giới thiệu chung cư Thường Đức như nơi nhà văn Trương Ái Linh đã từng sống trong khoảng thời gian hơn sáu năm, cũng là nơi bà đã sáng tác một số tác phẩm để đời, và vì thế, như lời khẳng định trên tấm biển, tòa chung cư này “chiếm một trang đặc biệt trong lịch sử văn học hiện đại Trung Quốc”. Bên trong quán cà phê, tủ sách trưng bày các tác phẩm của Trương Ái Linh và các bức tường treo tranh ảnh chân dung của bà. Đó chỉ là một trong những cách mà thành phố này tưởng nhớ đến nữ tác giả tài hoa đã từng phải lòng và gắn bó với nó trong cả cuộc sống lẫn sự nghiệp.

      Trương Ái Linh, vốn tên là Trương Anh, nữ nhà văn nổi tiếng của nền văn học hiện đại Trung Quốc, sinh ngày 30 tháng 9 năm 1920 ở khu phía Tây của “Thượng Hải công cộng tô giới” (còn gọi là “Anh Mỹ tô giới”). Cha và mẹ bà - ông Trương Chí Nghi và bà Hoàng Tố Quỳnh đều xuất thân trong gia đình dòng dõi quan lại nhà Thanh và đều có tư tưởng Tây học. Trương Ái Linh tiếp nhận nền giáo dục theo kiểu mới tại gia đình và tại các trường bà đã theo học ở Hồng Công và Thượng Hải. Bà học Anh văn, hội họa, dương cầm..., đồng thời cũng sớm tiếp xúc với các tác phẩm văn chương cổ điển của Trung Quốc. Năm 10 tuổi, bà đã được đổi tên gốc Trương Anh thành Trương Ái Linh theo tên tiếng Anh Eileen Chang khi theo học tại các trường học này. Sức đọc của bà rất đáng nể, bao gồm cả văn học Trung Quốc và văn học phương Tây, cả văn chương cổ lẫn kim. Sau này, khi bà cầm bút viết, những tác phẩm đó lại tạo thành lớp trầm tích tự nhiên trong sáng tác của bà.

      Cuộc sống cá nhân của Trương Ái Linh gặp khá nhiều trắc trở. Năm bà lên 10 tuổi, cha mẹ bà ly hôn, bà sống với cha cho đến năm 18 tuổi thì chuyển sang sống với mẹ. Bản thân bà đã trải qua hai cuộc hôn nhân. Năm 23 tuổi, bà có mối tình sét đánh với ông Hồ Lan Thành - khi đó 37 tuổi và đã kết hôn. Cuộc hôn nhân của họ kéo dài từ năm 1944 đến năm 1947. Năm 1955, Trương Ái Linh rời Hồng Công sang Mỹ và định cư tại đây. Năm 1956, bà gặp nhà biên kịch người Mỹ Ferdinand Reyher và nửa năm sau họ kết hôn. Họ sống với nhau cho đến khi Reyher qua đời năm 1967. Trương Ái Linh sống và sáng tác một cách rất lặng lẽ cho đến khi bà qua đời vì bệnh tim mạch trong cảnh cô đơn không ai hay biết tại căn hộ bà thuê ở California.

      Không giống với cuộc sống cá nhân nhiều trắc trở, sự nghiệp văn chương của Trương Ái Linh khá thuận buồm xuôi gió. Khi mới ngoài 20 tuổi, bà đã nổi danh trên văn đàn Thượng Hải. Bắt đầu là một số bài tản văn và bình luận điện ảnh, sau đó là các truyện ngắn và tiểu thuyết như “Tâm kinh”, “Tình yêu nghiêng thành”, “Giới nghiêm”, “Hoa hồng đỏ và hoa hồng bạch”... Lấy bối cảnh đô thị mà nguyên mẫu là Thượng Hải và Hồng Kông, những tác phẩm của bà đi sâu thể hiện những diễn biến tâm lý của con người một cách sâu sắc và tinh tế lạ thường. Cho đến khi qua đời vào năm 1995, bà đã để lại một gia tài văn chương gồm nhiều thể loại từ truyện ngắn, truyện vừa, tiểu thuyết, tản văn đến kịch bản điện ảnh, chuyên luận và dịch phẩm.

      Mặc dù đã từng có những sáng tác lẻ tẻ trước đó nhưng tài năng văn chương của Trương Ái Linh chỉ bắt đầu được biết đến một cách rộng rãi từ khi bà chuyển từ Hồng Kông về Thượng Hải năm 1942, đặc biệt là sau khi truyện “Vụn trầm hương: Lư hương thứ nhất” được đăng tải trên Tạp chí Tử La Lan gây tiếng vang trên văn đàn Thượng Hải. Ở Trung Quốc đại lục, từng có một quãng thời gian bắt đầu từ khoảng những năm 1950 việc nghiên cứu tác phẩm của bà bị gián đoạn do nguyên nhân lịch sử, rồi lại phục hồi và trở nên mạnh mẽ hơn bao giờ hết từ khoảng những năm 1980. Cho đến nay, giới nghiên cứu văn học nhìn chung đều thống nhất rằng tên tuổi và sự nghiệp văn chương của Trương Ái Linh là một phần không thể thiếu trong lịch sử văn học hiện đại Trung Quốc.

      Trương Ái Linh từng nói: “Tôi thậm chí chỉ tả những chuyện nhỏ nhặt giữa đàn ông và đàn bà, trong tác phẩm của tôi không có chiến tranh cũng không có cách mạng, tôi nghĩ rằng con người khi đang yêu thì mộc mạc hơn và cũng tự nhiên hơn khi đang ở trong chiến tranh hay cách mạng.” Bình luận về điều này, nhà nghiên cứu Trần Tử Thiện cho rằng: “Thực ra, trong truyện của Trương Ái Linh cũng có chiến tranh, nhưng bà không miêu tả mưa bom bão đạn, cái mà bà miêu tả là nhân tính đã bị bóp méo như thế nào trong chiến tranh. Như vậy càng khó viết hơn.”[1] Truyện “Giới nghiêm” (hay Phong tỏa) mà chúng tôi chọn dịch dưới đây có thể coi là một trường hợp như vậy.

      Miêu tả Thượng Hải trong thời chiến, Trương Ái Linh chọn thời điểm “giới nghiêm”. Hãy xem cách bà nhìn thành phố khi mới có lệnh giới nghiêm:

      “Giả thử không có lệnh giới nghiêm, hẳn chiếc xe điện cứ chạy mãi về phía trước. Giới nghiêm rồi.

      Chuông đã reo. “Leng keng keng keng keng keng”, mỗi tiếng “keng” lại nhỏ hơn một chút, từng chút từng chút kết thành một đường thẳng vô hình, cắt đứt thời gian và không gian.

      (…)

      Cái thành phố khổng lồ đang ngủ gật trong ánh nắng, nặng nhọc dựa mái đầu lên vai người ta, nước miếng từ từ rớt xuống theo quần áo người ta, một sức nặng không thể tả nổi đang đè lên mỗi người.

      Hình như xưa nay Thượng Hải chưa bao giờ yên tĩnh đến vậy - ngay giữa ban ngày ban mặt!”

      Và đây là sự sực tỉnh của thành phố sau khi lệnh giới nghiêm kết thúc:

      “Lệnh giới nghiêm đã kết thúc rồi. Chuông đang reo “Leng keng keng keng keng keng”, mỗi tiếng “keng” lại nhỏ hơn một chút, từng chút từng chút kết thành một đường thẳng vô hình, cắt đứt thời gian và không gian.

      Một cơn gió cuồng nhiệt thổi qua cái thành phố to lớn này.”

      Giữa hai hồi chuông mở đầu và kết thúc lệnh giới nghiêm đó, xuất hiện duy nhất một chi tiết có thể trực tiếp gợi cho người ta nghĩ đến chiến tranh: “Đường phố chợt nhộn nhạo lên, hai chiếc xe tải chở đầy lính ầm ầm phóng qua”. Còn thì, giữa cái khoảng thời gian và không gian bị lệnh giới nghiêm cắt đứt ấy, Trương Ái Linh chỉ tập trung vào miêu tả những con người bị mắc kẹt trên một chuyến xe điện của thành phố.

      Một trong những điều làm nên sức hút lâu dài của sáng tác Trương Ái Linh là cái cách bà quan tâm đến những con người bình thường đến độ tầm thường, nhỏ bé đến độ nhỏ mọn, tưởng chừng như hoàn toàn vô danh giữa một thành phố rộng lớn và trong dòng chảy lịch sử. Như Lã Tôn Trinh - kế toán của ngân hàng Hoa Mậu và Ngô Thúy Viễn – trợ giảng môn Anh văn ở trường đại học Thân Quang trong truyện “Giới nghiêm”. Hai con người mờ nhạt, hai số phận mờ nhạt tình cờ gặp nhau trên một chuyến xe điện trong cái khoảng thời gian mà thành phố Thượng Hải đang “ngủ gật” bởi lệnh giới nghiêm. Họ ngồi cạnh nhau trong một tình thế bất đắc dĩ, rồi bằng cách nào đó, họ trò chuyện, thậm chí phải lòng nhau, để rồi lại chia tay nhau một cách cũng rất ư mờ nhạt ngay khi tiếng chuông kết thúc lệnh giới nghiêm vừa vang lên. Những chi tiết vụn vặt, những mẩu chuyện không đầu không cuối, và giọng văn bình thản, pha chút giễu cợt nhưng lại vẫn toát lên vẻ thê lương, day dứt vô cùng đặc trưng của văn phong Trương Ái Linh…

      Truyện “Giới nghiêm” được đăng tải lần đầu tiên trên tạp chí “Thiên địa” số 2 năm 1943, sau đó được tuyển vào tập Truyền kỳ do Thượng Hải Tạp chí xã ấn hành vào tháng 8 năm 1944. Tuyển tập này bao gồm 10 truyện ngắn và truyện vừa mà bà sáng tác trong khoảng thời gian hai năm 1943, 1944, và là một mốc đánh dấu sự nổi danh của bà trên văn đàn Thượng Hải đương thời.

 


[1] Trần Tử Thiện: “Ngày nay đọc Trương Ái Linh như thế nào?”, http://www.taiwan.cn/wh/dswh/wtyw/201012/t20101201_1627403.htm


Source: 
19-10-2020
Tags