Tri thức đọc hiểu truyện ngắn hiện đại

Truyện ngắn là sự phá vỡ chiều hướng êm ả và sự cân bằng vốn đang trở thành vô nghĩa. Nó đẹp như một tiếng nổ của ánh sáng. ...Trong dạy học truyện ngắn hiện đại, không nghi ngờ gì nữa, cần dạy cho học sinh phương pháp đọc hiểu và không nên lặp lại mãi một sai lầm là chỉ dạy học đọc diễn cảm bên ngoài. Mục đích đọc và đặc điểm thi pháp truyện ngắn hiện đại sẽ quy định sự lựa chọn dạng đọc, kiểu đọc, lối đọc, cách đọc, biện pháp đọc, kĩ thuật đọc...

Trong bối cảnh thông tin cấp tập, ngắn gọn và phong phú, con người muốn tồn tại thì cần phải biết lựa chọn. Truyện ngắn là kết quả của sự lựa chọn của người viết và là tiền đề của sự lựa chọn ở người đọc.
1. Truyện ngắn tự nó đã hàm chứa cái thú vị của những điều sâu sắc trong một hình thức nhỏ xinh, gọn ghẽ và truyền dẫn cực nhanh những thông tin mới mẻ. Đây là thể loại văn học có nội khí "một lời mà thiên cổ, một gợi mà trăm suy".

Truyện ngắn có khả năng sống và chớp lấy sự thật nếu không quá chăm chú vào cái đặc biệt độc đáo nổi lên như một hiện tượng đời sống. Sự thật ấy tiểm ẩn trong cái bình thường, trong những sự kiện hoàn toàn có thực bởi sự truyền ngôn chứ không phải là truyền thuyết để đem lại cho loại truyện ngắn những con người thực sự và sự thật về con người.

Truyện ngắn là sự phá vỡ chiều hướng êm ả và sự cân bằng vốn đang trở thành vô nghĩa. Nó đẹp như một tiếng nổ của ánh sáng. Nó giảm trừ tối đa sự lòng thòng nhân quả hay nói như R.Barthes, truyện ngắn tiềm tàng sự trục trặc, lăn tăn trong quan hệ nhân quả. Lí do đưa đẩy câu chuyện không phải là chuỗi liên tục sự kiện mà là một ám ảnh tâm hồn trong quá trình biến chuyển lương tri ở những thời khắc có ý nghĩa nhất của đời người. Với Chekhov, những thời khắc được xem là có ý nghĩa nhất lại chẳng có chút gì quan trọng cả. Trái lại có những thời khắc bất thường đã đem lại những tư tưởng lớn lao. Lấy thời khắc làm động lực và kết nối câu chuyện được kể, truyện ngắn nói chung ưu tiên cho "quãng giữa”. Phần đầu và phần cuối truyện thường phải được cắt xén đi để tránh sự kéo dài loãng nhạt. Mạch kể trong truyện ngắn không chỉ được sắp xếp theo thời gian tuyến tính mà theo sơ đồ ma trận (matrice) gồm có nhiều chiều khác nhau mà người đọc có thể đột kích thâm nhập cùng một lúc để thấy tất cả những chiều kích ấy cùng có mặt. Truyện ngắn tạo ra chiều hướng tiếp nhận đồng bộ và tiết kiệm thời gian. Có thể hình dung truyện ngắn là bức phù điêu ảo ảnh, là một khối vờn điêu khắc đa sắc về hiện thực.

Lối truyện ngắn quá khứ, mà những tay cự phách nhất như Edgar, Allen Poe, O. Henry, R. Kipling, A. Daudet, Guy de Maupassant đã tạo ra chuẩn mực lâu dài cho cả một thời là “chỉ gây một ấn tượng duy nhất trong tâm trí độc giả” và “chỉ cần một cốt truyện thôi” đã không còn phù hợp với truyện ngắn hiện đại nữa. Truyện ngắn kiểu đó “không có nhiều tiềm năng” (W. Saroyan) và không tạo ra được “sự phân vân giữa cái ngẫu nhiên và cái tất định để làm nên tâm trạng mê hồn bởi sự ảo giác song trùng (ambiguitig) và dường như có lẽ là thế (probabihte) trong nhận thức lương tri”.

2. Những công trình nghiên cứu hiện nay quan niệm về truyện ngắn hiện đại như sau:

- Truyện ngắn hiện đại hoàn toàn mang đầy đủ tính thi ca, là thể loại có đẳng cấp tinh vi và toàn bích của văn học. Ngôn ngữ truyện ngắn không phải là sự thông báo mà như một công trình toán học để tạo ra một thế giới riêng trần trụi trong sự hài hòa tiếng nói và những mảnh vỡ hiện thực từ những yếu tố khác nhau hợp lại. Truyện ngắn hiện đại chấp nhận sự hỗn độn và tính bất quy luôn lấp lánh ánh sáng nhận thức.

- Truyện ngắn hiện đại là một sản phẩm khá lạnh lùng. Người ta đánh giá cao truyện ngắn hiện đại bởi sự sáng tạo hạt nhân kĩ thuật, bởi sự tỉnh khô và tảng lờ những chi tiết không dồi dào tri thức. Truyện ngắn hiện đại đem lại cảm giác phơi bày sự bí mật của cuộc đời. Nói như nhà văn Mĩ F.O. Connor, “truyện ngắn hiện đại luôn tìm cách hình thành cái bí ẩn và có ít khả năng lí giải điều đó”.

Truyện ngắn hiện đại là một sản phẩm có những đường biên bắt đầu chạm tới được cái gì đó không thể nói ra lời mà lại gợi lên sự kì diệu của một mãnh lực. Sức mạnh lớn lao của mãnh lực đó là sự công phá để giải tỏa năng lực thể nghiệm nguyên tử của từ “Một từ xuất chiêu từ mật ngữ trồi lên, cuộc đời chấp nhận, ý nghĩa bừng lên. Mặt trời xuất hiện, trái đất lặng thinh. Và tất cả chẳng mấy chốc trốn vào trong nó. Một từ, một sự huy hoàng. Một cánh bay. Một ngọn lửa, một tia chớp hồi sinh. Một giải sao lấp lánh rồi tăm tối. Không gian bao la trống trải, thế giới và tôi còn lại trong từ” (Goftfried Benn). Ngôn ngữ có vẻ đẹp bí ẩn của truyện ngắn thực ra là kết quả đáng ngạc nhiên, bất ngờ lần đầu tiên nó được vận dụng để diễn tả mối quan hệ mới của cuộc sống. Truyện ngắn hiện đại hình thành nên sự soi sáng trong thi pháp truyện kể giữa ánh chạng vạng và ánh bình minh. Nó bước vào sự cực nhọc sáng tạo, chứ không tìm cách điều đình sự tán thưởng và thỏa mãn của người đọc.

Cái làm nên tính chất trật tự của truyện ngắn hiện đại là tinh thần, là quy luật của thế giới tinh thần này có tên là cách diễn đạt, sự chạm khắc và phong cách viết. Tất cả những gì còn lại chỉ là thứ yếu. Truyện ngắn hiện đại không nhằm vào đối tượng miêu tả. Nó là sự sản sinh suy tư cho người đọc. Giữa dấu hiệu và điều được miêu tả hàm chứa một sự kịch biến vì tư tưởng và hiện thực không thể hòa hợp làm một thành lí tưởng hiện thực trong truyện ngắn hiện đại như trong ngôn ngữ ngây thơ của truyện ngày xưa.

- Truyện ngắn hiện đại không bao giờ là một dòng chảy trực tiếp tuôn trào từ trái tim hoặc từ tính ẩn dụ cũ kĩ mà lại không phá vỡ cách nói phản chiếu từ đời sống giao tiếp của ngôn ngữ đương thời. Lí thuyết của truyện ngắn hiện đại thuộc về việc sử dụng ngôn ngữ không cần cật vấn và có thể tảng lờ bình diện cú pháp mà lưu ý mối quan hệ giữa những yếu tố có mặt và những yếu tố vắng mặt trong truyện ngắn. Đó là bình diện ngữ nghĩa. Chắc chắn truyện ngắn hiện đại ngày càng ít đưa lại sự diễn đạt trực tiếp tình cảm như thế kỉ trước. Nó ít thể hiện và tham dự vào nỗi niềm cần được khuây khỏa như truyện ngắn quá khứ. Truyện ngắn hiện đại phát triển vượt ra ngoài sự tô đậm vào nghệ thuật ngôn từ và không tìm kiếm sự trả lời những câu hỏi chỉ đặt ra về sự thánh thiện, nhất là không thể cứ "băn khoăn đi kiếm lẽ yêu đời” theo kiểu nhà ngục văn chương mà lí giải nhục hình trần thế và cuộc đấu tranh với số phận để vượt qua giới hạn. Sự lớn lao của truyện ngắn hiện đại là chỗ nó không tìm kiếm sự tuyệt hảo, sự kết thúc trong yên tĩnh mà cố tình làm dịu êm số phận. Truyện ngắn hiệnđại không sát hạch hiện thực mà là khảo sát cuộc sống, mà cuộc sống không phải là những gì diễn ra, cuộc sống là những vùng đất của những khả năng của con người, là tất cả những gì con người có thể trở thành, tất cả những gì nó có thể là nó. Sống có nghĩa là tồn tại trong thế giới với những hiểm nguy luôn tước đoạt con người, do đó cần hiểu cả nhân vật lẫn thế giới của truyện ngắn hiện đại là những khả năng.

Đối tượng phản ánh lành mạnh của truyện ngắn hiện đại bao gồm cả ánh sáng và bóng tối, cả cái tích cực và cái tiêu cực. Ma vương và Quỷ biện là thảm họa của cuộc sống. Truyện ngắn hiện đại không thể cứ tiếp tục sai lầm là hí hoáy viết mãi những câu văn hiện tượng (phenotex) mà phải bắt ngòi bút viết được những câu văn khởi nguồn (genotexte) đào sâu vào sự nguy khốn trong thế giới của những mưu mô chẳng những còn manh nha mà đang tác oai tác quái tạo nên tấm thảm kịch nhân sinh. Đó là sự tập trung dần quyền lực với tham vọng kéo dài đi liền với sự thần thánh hóa, sự quan liêu hóa hoạt động xã hội trong các cơ quan thành những mê cung bất tận. Truyện ngắn hiện đại rất có ưu thế thâm nhập vào thế giới công sở quan liêu và viên chức.

Đây là thế giới của sự phục tùng có tính chất công vụ mà mục đích và phạm vi hoạt động ở ngoài tầm hiểu biết của con người đang thực hiện. Đây là thế giới của các cử động đang trở thành máy móc và không ai hiểu nổi. Họ làm việc với những kẻ vô danh và với hồ sơ lưu trữ. Đây là thế giới của biểu tượng quyền uy rất trừu tượng và cũng rất thực tế. Quyền lực mang trong nó tính mong manh bởi vì nó bị tiêu tan khi con người chia rẽ, nghĩa là nó mất tính chủ động mà luôn lệ thuộc vào kẻ khác. Theo nghĩa này quyền lực là mô hình hoạt động không để lại bất kì một sự nghiệp nào sau đó. Chủ đề này đáng để truyện ngắn hiện đại cảnh báo những nguy cơ tha hóa của con người.

Truyện ngắn hay, không phải là đẹp quá chừng, thật trôi chảy và ám ảnh mà thôi. Thế giới này đang cần sức mạnh nhận thức, đó là con đường cấp thiết để con người có thể chống lại nguy cơ dã thú. Một truyện ngắn có giá trị không phải là một tác phẩm được đọc một hơi khoan khoái về nó mà là ở chỗ người viết đưa ra và bảo vệ tới cùng những nhận thức khác thường và độc đáo của nó một cách dũng cảm, chống lại những thao túng bên ngoài để tự diễn giải về mình một cách trung thực hơn. Nói như Giả Bình Ao, sáng tác văn học hay, là “thật khi làm giả, giả thành thật, giả khi làm thật, thật cũng giả”.

3. Nhiều truyện ngắn hiện đại đã được dạy và học trong nhà trường. Là người quen mặt với phương pháp và nhân danh sự hoài nghi, tôi có thể nói rằng không thể trông cậy nhiều vào hiệu quả dạy văn mà chỉ học văn mà trước hết là cần phải học đọc. Riêng đọc văn đã thấy nhiều dạng đọc, kiểu đọc, cách đọc, phương pháp đọc, biện pháp đọc, kĩ năng đọc, kĩ thuật đọc và nó chỉ ra trăm lối đọc khác nhau. Đó là đọc đúng, đọc hay, đọc diễn cảm, đọc nhập vai, đọc thành tiếng, đọc thầm, đọc tóm tắt, đọc toàn bộ, đọc trích, đọc thể nghiệm, đọc thử, đọc lướt, đọc chéo, đọc nhanh, đọc chậm, đọc nhẩm, đọc thuộc lòng, đọc nối tiếp, đọc mẫu, đọc theo, đọc đồng thanh, đọc cá nhân, đọc thăm dò cảm thụ, đọc bình chú, đọc thêm, đọc kĩ, đọc sâu, đọc sáng tạo, đọc vẹt, đọc hồi cố, đọc ngược cho mình, đọc cho người khác nghe, đọc nghệ thuật, đọc minh họa, đọc thi, đọc sơ bộ, đọc chơi, đọc lại, đọc bậy, đọc sai, đọc hiểu…

"Một bài thơ hay không bao giờ ta đọc qua một lần mà bỏ xuống được”, Nguyễn Đình Thi còn viết tiếp “Và khác với cách đọc riêng bằng tri thức, lần đọc thứ hai chậm hơn, đòi hỏi nhiều cố gắng hơn, nhiều chỗ chúng ta dừng lại hơn. Đã đọc lại, còn đọc chậm". Chế Lan Viên cũng phụ họa thêm: "Ta nhớ Tố Như đọc chậm lại Kiều - đọc chậm từng vầng trăng, từng nỗi buồn li biệt".

Dù có liệt kê ra hàng trăm lối đọc đi nữa thì vấn đề tối thượng vẫn là đọc văn để làm gì? và muốn có được kết quả có tính hiệu ứng thẩm mĩ trong mục đích đọc văn càng phải tính đến năng lực đọc có hiểu không, hiểu gì, hiểu thế nào nên sinh ra khái niệm đọc hiểu. Dạy học văn hiện nay, trong đó có dạy học truyện ngắn hiện đại cần dạy cho học sinh đọc hiểu chúng.

Đọc hiểu mang tính toàn diện. Trước tiên đọc hiểu là nội dung cần đạt của nghiên cứu và giảng dạy văn học, sau đó mới là vấn đề của phương pháp. Cơ sở chung của nội dung và phương pháp là lí luận đọc hiểu. Về điều này Hoài Thanh đã lưu ý: "Đọc thơ Nguyễn Trãi, nhiều khi người đọc khó mà biết có đúng là thơ Nguyễn Trãi không. Đúng là thơ Nguyễn Trãi rồi thì cũng không phải là dễ hiểu đúng. Lại có khi chữ hiểu đúng, câu hiểu đúng mà toàn bài không hiểu”.

Đọc văn mà không biết một tí gì thì càng khó dạy đúng. Nhưng chắc chắn dạy đọc hiểu tốt thì học sinh sẽ hiểu nhanh hơn, hiểu kĩ càng, hiểu sâu sắc hơn, hiểu chính xác hơn, hiểu đầy đủ hơn và hiểu thêm ra được nhiều điều khó hiểu.

Cái khó của đọc hiểu là ở chỗ làm sao tìm được một hệ thống bao gồm những quy tắc chặt chẽ chi phối sự đa dạng của những cách đọc. Người đọc luôn phải ứng xử bằng cảm giác đối với gì trừu tượng của nội dung thể hiện trong truyện ngắn hiện đại. Song lại đánh giá nó theo những cách khác nhau, có khi lại dùng thước tấc cũ. Đọc hiểu truyện ngắn hiện đại không phải là mô tả, giải thích thể loại cùng cách dùng từ, đặt câu, mô tả tâm lí nhân vật hay tóm lược nghĩa lộ thiên của truyện mà phải đọc ra được nghĩa ẩn kín của tác phẩm.

Theo chú giải học Hermeneutik thì ngoài sự hiểu ra không có gì còn có ý nghĩa hơn đối với chúng ta, nên thế giới hiện ra bằng sự biểu thị ngôn ngữ của nó. Hiểu là nói ra được cái điều đã hiểu. Nguyên lí chú giải học theo Gadamer là con người phải cố gắng tìm hiểu tất cả những gì có thể hiểu được. Vậy mức độ cao nhất của đọc hiểu là hiểu toàn diện và đầy đủ và hiểu sâu sắc văn bản đọc. Gadamer lại nhấn mạnh sự hiểu không đơn giản chỉ là hiểu văn bản truyện mà là hiểu tư tưởng của chúng vì chính tư tưởng cho biết giá trị người của mọi hiện tượng thuộc về con người và xã hội của chúng. Vì thế hiểu cấu trúc tư tưởng truyện ngắn hiện đại là quan trọng hơn cả. Đó là kết quả của hiểu thấu đáo mối quan hệ hữu cơ giữa ba tầng cấu trúc ngôn ngữ, cấu trúc hình tượng và cấu trúc tư tưởng của tác phẩm văn học.

Muốn đọc hiểu một truyện ngắn hiện đại phải có cách nhìn (Vision) trong đó bao gồm sự định hướng và mức độ am hiểu. Điều đó buộc ta phải xét đến quy trình đọc hiểu bắt đầu từ sự tiếp cận rồi phân tích, đến cắt nghĩa và bình giá nhận định tác phẩm. Truyện ngắn hiện đại không hướng tới kết thúc mà hướng vào sự mở đầu. Vấn đề căn bản ở đây không phải là “Kết thúc bằng cách nào” mà là “mọi chuyện bắt đầu từ đâu”. Chữ mở đầu và câu văn thứ nhất của truyện ngắn là câu văn thao túng toàn bộ sự định hướng phát triển mạch truyện và người đọc. Nó chứa chất và châm ngòi, nó là sự đặt nền móng thận trọng và gian nan. Câu văn mở đầu truyện ngắn là câu văn chân thực nhất vì nó nảy sinh trong khoảnh khắc sáng tạo, thể hiện mong ước sôi sục nhất. Đó là tất cả những gì cần để khởi động câu chuyện, nó làm thất vọng sự đợi chờ kết thúc quen thuộc của người đọc. Đưa kết thúc vào thì truyện ngắn hiện đại lại trở nên không trọn vẹn. Truyện ngắn hiện đại không có tham vọng mô hình hóa toàn bộ cuộc sống mà chỉ có thể là một trường hợp nào đấy của hiện thực bỗng nhiên và chớp nhoáng làm cho toàn bộ cuộc sống nổi rõ hơn bởi sự bí ẩn của nó được khám phá nhờ tri thức của tác giả biết ghi nhận sự việc thường không ai ghi nhận, biết cảm giác những giá trị bị người đời bỏ qua, biết đưa ra nhiều khía cạnh của thế giới chúng ta hằng quen thuộc và xếp đặt lại theo cách mà chúng ta không hề nghĩ tới. Truyện ngắn hiện đại đi tìm sự giải thích có tính hữu hạn đối với sự vô hạn của toàn bộ cuộc sống. Tính hữu hạn ấy là sự nếm trải đầu tiên (Ersterleben) của mỗi người đọc. Sự cố gắng của mỗi người đọc là phải nắm vững sự nếm trải đầu tiên đó trong mối quan hệ tồn tại của mình với những ý nghĩ của mình trong ngôn ngữ hình tượng. Điều này dẫn tới sự hiểu biết tính văn học thông qua hình thức hóa và sự diễn đạt ngôn ngữ nghệ thuật truyện ngắn. Truyện ngắn xuất hiện như là sự biểu lộ một cái nhìn, một sức vọng tưởng, một nỗi niềm tâm trạng, một suy tư của sự nếm trải. Có nếm trải mới biết đến cái sâu xa.

Muốn đọc hiểu một truyện ngắn hiện đại phải lưu ý tới người kể chuyện đã đành, không có người kể chuyện không có truyện ngắn nhưng người kể chuyện luôn ẩn mình. Ngay những truyện ngắn với người kể xưng tôi cũng là một thứ lảng tránh chủ thể phát ngôn. Nhà văn muốn làm mất cái tôi cá nhân mình để có được cái tôi nghệ thuật.

Ngoài người kể chuyện ra, ta cần biết còn tồn tại người tiếp nhận truyện kể (narrtaire). Nó là mắt xích trung gian giữa người kể chuyện và người đọc. Nó giúp vạch rõ hơn khuôn khổ truyện và xác định đặc tính người kể chuyện góp phần nêu bật những yếu tố chủ đề và sự phát triển cốt truyện.

Bỏ qua người tiếp nhận truyện kể thì khó có thể hiểu những gì bên ngoài ngôn ngữ truyện.

Cần lưu ý rằng, trong mắt người đọc, sự tiếp nối logic là loại quan hệ đáng tin cậy hơn nhiều so với truyện kể theo mạch thời gian. Dẫu sao khi đọc truyện có sự tiếp nối logic, đó cũng chính là sự giải thích ngầm của nhà văn về mối quan hệ nhân quả ở đời thì nhàn nhã hơn. Mạch truyện theo tuyến thời gian tỏ ra trung tính nhưng có khả năng đem lại nhiều hồ nghi và nghĩ ngợi cho người đọc. Nhưng trong truyện ngắn hiện đại, thời gian được thuần dưỡng, biến đổi theo yêu cầu của người kể chuyện muốn làm rõ nhịp sống trong suy tưởng người đọc. Điều này lưu ý chúng ta khi đọc truyện ngắn hiện đại cần phân biệt truyện kể và cốt truyện. Cứ khăng khăng bám riết cốt truyện như nguyên tắc phân tích bất di bất dịch thì chỉ tìm thấy sự cứng nhắc cổ điển vì cốt truyện chủ yếu được xây dựng trên quan hệ nhân quả làm mất hứng thú và niềm vui tìm tòi của người đọc khi có người “mách nước” kề bên.

Đọc truyện ngắn hiện đại mà hiểu được những điều đã đọc như thế nào mới là điều cần nói. Không phải một lúc có thể đọc truyện đã hiểu được ngay. Phải có thời gian và phải luyện tập qua thực hành đọc hiểu. Nguồn gốc, quá trình phát triển và sự biến đổi ý nghĩa của từ ngữ và đoạn văn liên quan đến trình độ ngôn ngữ của người đọc. Nhiều truyện tuy ngắn nhưng phải đọc thật chậm để hiểu rõ ý nghĩa nội dung, nhưng trong nhiều trường hợp ngược lại cần bao quát được mối liên hệ chung giữa các ý tưởng mà muốn thế phải đọc lướt thật nhanh. Khi đọc cần tập trung tinh thần, cố gắng theo dõi sát sao qua trình đọc, nghĩa là phải đọc kĩ để hiểu thấu đáo, phân tích sâu, ghi chép đầy đủ, nhớ chính xác và lĩnh hội đầy đủ toàn bộ truyện ngắn.

Cần đọc trọn vẹn truyện ngắn, đó là thái độ văn hóa và là phương pháp đọc văn phổ biến nhất, vì như thế để có tối đa sự phù hợp giữa ý nghĩ người đọc và ý nghĩa của truyện. Không đọc hết truyện, người đọc chưa thể phán đoán, nhận định tác phẩm một cách toàn diện.

Nghe đọc cũng có tác dụng tăng cường ấn tượng về truyện vì người đọc tiếp thu nội dung tác phẩm chẳng những bằng con mắt riêng của mình mà còn bằng “cặp mắt của người khác và nhất là để rèn luyện cách nghe đọc thì mới hiểu đầy đủ và sâu sắc giá trị của tác phẩm”.

Đọc đi đọc lại là một biện pháp đọc kĩ bên cạnh đọc chậm là kiểu đọc đào sâu vào quá trình đọc hiểu vì nó tạo ra ấn tượng vật chất về nhịp điệu của truyện ngắn, một thứ nghĩa ở ngoài nghĩa cần hiểu. “Trong đời sống của con người, không có quyền lực mạnh hơn nhịp điệu” (Papvlop).

Trong dạy học truyện ngắn hiện đại, không nghi ngờ gì nữa, cần dạy cho học  sinh phương pháp đọc hiểu và không nên lặp lại mãi một sai lầm là chỉ dạy học đọc diễn cảm bên ngoài. Mục đích đọc và đặc điểm thi pháp truyện ngắn hiện đại sẽ quy định sự lựa chọn dạng đọc, kiểu đọc, lối đọc, cách đọc, biện pháp đọc, kĩ thuật đọc trong kho tàng lí luận và thực tiễn nghiên cứu và dạy học văn đã tích lũy qua sự phát hiện của nhiều người.

J.P. Sartre nói: “Con người mang bản chất kể chuyện” nên việc nghiên cứu và dạy đọc hiểu truyện ngắn hiện đại sẽ còn là câu chuyện dài dài nữa./.

(Trích trong "Phương pháp dạy học Ngữ văn Trung học phổ thông - Những vấn đề cập nhật", NXB ĐHSP< 2006)


Source: 
19-10-2020
Tags