TỐ HỮU: SỰ GẮN BÓ MÁU THỊT CÁCH MẠNG VÀ THƠ CA

 

I/ ĐỜI CÁCH MẠNG, ĐỜI THƠ SONG HÀNH

KHỞI ĐẦU CÁCH MẠNG KHỞI ĐẦU THƠ

Tố Hữu là một hiện tượng đặc biệt mới lạ trong thơ ca hiện đại.Bởi ông có hai tư cách, hai vị thế, hai uy danh trong một con người. Đó là nhà cách mạng và nhà thơ hay nhà cách mạng-nhà thơ.

Nói cách khác, ông là nhà cách mạng  làm thơ như ông tự nhận cũng tức là nhà thơ làm cách mạng.

Bước vào hoạt động chính trị-xã hội đầu đời thời bí mật, anh thanh niên 17 tuổi được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương tháng 4/1937.

Trước đó, khi đang học năm thứ 2 bậc Thành chung tại Quốc học Huế, Nguyễn Kim Thành đã được kết nạp vào Đoàn Thanh niên Cộng sản (sau đổi thành Đoàn Thanh niên Dân chủ) vào năm 1935. 

Xét theo lý lịch (ngày sinh là 4/10/1920) như vậy thì tính kỹ càng, anh học sinh Nguyễn Kim Thành đã trở thành đoàn viên Thanh niên Cộng sản vào tuổi 15 và đảng viên Cộng sản vào tuổi chưa đầy 17.

Vậy là, nhà cách mạng trẻ tuổi đã tham gia hoạt động vào lúc thiếu thời, tức tuổi vị thành niên. Những bài thơ đầu tay cũng làm từ năm ấy – 1937, vào tuổi ấy. Tức là, ta đã có một thần đồng thơ Tố Hữu.

Thêm một minh chứng, qua tập hồi ký tự thuật  sau này, cậu bé Nguyễn Kim Thành đã từng hầu trà cũng là “hầu thơ” các bậc cha chú với các bài thơ ứng khẩu xuất sắc và được khen ngợi.

SỰ NGHIỆP CÁCH MẠNG GĂN BÓ SỰ NGHIỆP THƠ

Một sự thật hiển nhiên là khi nghiên cứu Tố Hữu và tôn vinh một danh hiệu bao trùm, thường bao giờ cũng là một định ngữ như một  mệnh đề ngắn gọn. Điểm qua các sách:

  • Nhiều tác giả  Tố Hữu  Người cộng sản kiên trung, nhà văn hoá tài năng, Chính trị Quốc gia, 2003.
  • Hà Minh Đức  Tố Hữu cách mạng và thơ , Văn học, 2004.
  • Đoàn Trọng Huy  Tố Hữu Nhà cách mạng, nhà thơ, Chính trị Quốc gia, 2012.
  • Đoàn Trọng Huy  Tố Hữu  Ngọn cờ đầu vẻ vang thơ ca cách mạng, Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, 2020.
  • Mai Hương… Tố Hữu thơ và cách mạng, Hội Nhà văn, 1996.
  • Mai Hương – Hành trình cách mạng, hành trình thơ (nhân đọc Nhớ lại một thờihồi ký của Tố Hữu ),  Văn nghệ số 7   17/2/2001.
  • Trần Đình Sử  Một thời hoạt động, một thời thơ, ( Đọc Nhớ lại một thời hồi ký của  nhà thơ Tố Hữu ) Văn nghệ  số 41  7/ 2000
  • Phan Trọng Thưởng Tố Hữu nhà thơ cách mạng, Khoa học xã hội,1985.

        Qua một vài sách, báo thời sự  nước ngoài:

  • Horst Szeponik (Đức)  Những  vần thơ của Máu và hoa, báo Wochenpost số 50  1979.
  • Nhan đề phụ :  Gặp gỡ nhà cách mạng và nhà thơ Việt Nam.
  • Douglas Martin – To Huu, 82,Vietnam Poet and Communist Voice, Dies, The New York Times, Dcember, 11, 2002.
  • Associated  Press To Huu, 82, Revolutionnary Poet, Former Official in Vietnamese Government, Los Angeles Times, December, 12,2002

Trên đây chỉ  là mươi thí dụ về chữ nghĩa, văn bản trên nhan đề sách, báo..

Trong thực tiễn hoạt động nghiên cứu lý luận, phê bình ( và cả  sáng tác). Tố Hữu bao giờ cũng được tìm hiểu, xem xét thấu đáo trên thân thế và sự nghiệp tổng quan tức  cũng trên hai tư cách, vị thế cơ bản: nhà cách mạng, nhà thơ.

Tố Hữu là hiện thân con người dân tộc, tinh thần dân tộc cả trong đời và trong thơ. Con người ấy đã thuộc về cách mạng, từ lâu mang phẩm cách dân tộc- cách mạng  cũng là dân tộc -hiện đại.

Tố Hữu là nhà thơ mang nét phong cách nghệ thuật đặc trưng là sử thi-trữ tình-dân tộc.

Nghiên cứu Tố Hữu theo  phong cách ấy là sự tổng hợp đương nhiên  của các yếu tố dân tộc và cách mạng. Dân tộc Việt Nam là dân tộc cách mạng trong thời đại. Nội hàm phẩm cách dân tộc đã mang tính cách mạng.

Tóm lại, xem xét, tìm hiểu, nghiên cứu Tố Hữu có hiệu quả nhất ở bất kỳ phương diện nào,góc độ nào, phẩm cách nào cũng đều  thấy rõ đặc tính “ hai trong một” như trên trong một con người, môt hồn thơ.

       II/ ĐỜI CÁCH MẠNG, ĐỜI THƠ TƯƠNG TÁC, TƯƠNG HỖ

LÀM THƠ VÌ CÁCH MẠNG, CHO CÁCH MẠNG.

Cách mạng thành công chưa bao lâu, thì toàn quốc kháng chiến bùng nổ

Khẩu hiệu thời chiến là Tất cả cho tiền tuyến. Tất cả để chiến thắng.

Trên mặt trận văn hoá là Kháng chiến hoá văn hoá. Nhà văn trở thành nhà văn- chiến sĩ

Kháng chiến chống Pháp thắng lợi vẻ vang: “Tám năm làm một Điện Biên/ Nên vành hoa đỏ, nên thiên sử vàng”. 

Dân tộc Việt Nam lại tiếp  tục bài ca hào hùng Ta đi tới để tiến hành cuộc kháng chiến chống Mỹ với khí thế  : “ Tất cả hành quân, tất cả thành chiến sĩ”. Suốt 30 năm trải dài lịch sử chiến đâu, vẫn  tư thế hiên ngang quả cảm của người cầm bút như cầm súng:

Vóc nhà thơ đứng ngang tầm chiến luỹ

Bên những chiến sĩ đuổi xe tăng địch ngoài đồng

và hạ trực thăng rơi

Là chiến  sĩ tiên phong xung kích Tố Hữu đã thực hiện nhiệm vụ chính trị xuất sắc được giao. Đó là tư cách, vai trò Tư lệnh tối cao trên mặt trận tư tưởng văn hoá.

Tố Hữu từng nhận trước sau, chủ yếu là một chính khách, là một nhà cách mạng.

Ông nêu rõ trách nhiệm làm cách mạng bằng thơ : thơ văn chỉ phục vụ  đấu tranh cách mạng với lý tưởng cao quý: “Không có gì quý hơn độc lập tự do” như chân lý thời đại theo tuyên ngôn của lãnh tụ vĩ đại Hồ Chí Minh. Thơ ông gắn với tiến trình cách mạng và kháng chiến, trong chiến đấu và sản xuất để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc suốt một đời.

Nhà thơ từng tâm sự:

“Bây giờ có người bảo thơ tôi chỉ là  “ thơ thời sự”,tôi đồng ý ngay vì  khi làm thơ tôi đâu có mơ nó tồn tại thiên thu. Lại có người nói thơ tôi là  “thơ phải đạo”. Tôi bảo là anh nói không sai vì  cổ nhân nói “ văn dĩ tải đạo”( văn để chở đạo lý), vậy tôi cũng chỉ làm thơ theo lời dạy của cổ nhân thôi. Xét cho cùng, riêng cho tôi thì cũng chẳng có gì đáng nóinhưng tôi không biết lớp trẻ bây giờ có hiểu sai lạc thời kỳ đẹp nhất của văn nghệ nước ta”.

Là nhà cách mạng lão thành, Tố Hữu đã nêu gương là một chiến sĩ cộng sản trung kiên, một đời thuỷ chung với lý tưởng cách mạng cao quý từ khi được  “Mặt trời chân lý chói qua tim” cho đến những tháng ngày : “ Dập dồn gió bấc , gió tây/ Sóng xô biển cả…”

Dù ai quay hướng, đổi dòng

Con thuyền ta với cờ hồng vẫn đi!

                                                                     Phút giây

Đến những năm cuối đời, vẫn chói chang tâm hồn:

     Bình minh dậy với mặt trời Chân lý

     Tất cả vươn mình dũng cảm, tự tin

                                       Chào mừng năm 2000

Thơ thời nào làm nhiệm vụ lịch sử thời ấy.

Thơ trước 1945 là tiếng hát, lời động viên, hô hào, thúc giục sự nghiệp giải phóng. Thơ 30 năm (1945 – 1975) là tiếng ca hào sảng cùng toàn dân Ra trận cho đến Toàn thắng về ta.

Thơ sau 1975 cho đến cuối đời tiếp tục đấu tranh cho sự nghiệp xây dựng, đổi mới và hội nhập của đất nước. Đấy là xét trên đại thể.

Tuy nhiên, nhà thơ – nhà văn hoá Tố Hữu lại phải tiến hành một cuộc đấu tranh trên một cục diện mới – đổi mới cơ chế, xây dựng chủ nghĩa xã hội theo định hướng kinh tế thị trường cũng là đổi mới tư tưởng – văn hoá.

CÁCH MẠNG HOÁ TƯ TƯỞNG VÀ VĂN HOÁ HOÁ CÁCH MẠNG

Công cuộc xây dựng cuộc sống mới, kinh tế mới đứng trước bao khó khăn, thách thức ghê gớm. Đất nước trong cuộc xây dựng “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” phải đổ bao mồ hôi, nước mắt.

Tiếng hát động viên vẫn vang lên hào sảng:

Từ chiến trường ra ta xốc tới công trường

Người chiến thắng là người xây dựng mới

Một ngọn lửa thiêng đang cháy sáng, lan toả. Ngọn lửa của giàn khoan, là ngọn “lửa hồng” nguy nga từ “Biển Đông rạng rỡ sáng cờ đồ”.

Tuy nhiên, một chiến tuyến mới về tư tưởng – văn hoá đã ngày càng hiện rõ trong thời cơ chế thị trường.

Đó là cuộc chiến đấu chống xuống cấp đạo đức, tha hoá nhân cách mới trong tình hình thời cuộc mới cả trong nước và trên thế giới.

Các tập thơ Một tiếng đờn (1979 – 1982) và Ta với ta (1993 – 2002) đã thể hiện rõ sự tiếp tục vai trò tư lệnh trên mặt trận tư tưởng văn hoá của nhà thơ từng cầm cờ chỉ huy một thời.

Nhà thơ tập trung vào chống những tiêu cực và suy thoái đạo đức, chống “diễn biến hoà bình” như mặt trái của cơ chế thì trường, và diễn biến tiêu cực ý thức chính trị - xã hội.

Thật giả nêu tình trạng lẫn lộn trắng – đen, xấu – tốt qua các hiện tượng xã hội. Lạc đường phát hiện hiện tượng mơ hồ, lầm lẫn trong lựa chọn đường hướng trong tình trạng “say tỉnh, tỉnh say”.Thậm chí, nhà thơ còn lên án những tệ nạn xã hội với những nỗi buồn xót xa, thậm chí đau khổ như “trái tim tự xát muối”.

Tuy nhiên, vượt lên tất cả vẫn là chủ âm tin tưởng, lạc quan mạnh mẽ.

Nhà thơ vẫn tập trung vào nhiệm vụ xây dựng và hoàn thiện nhân cách con người mới.

Trong tiếng ca hào sảng của thời cuộc mới, nổi lên là tiếng hát của một tâm hồn thanh thản, yêu đời, một bản lĩnh đầy khí phách như hiện thân của Con Người:

Thương nhau, cho nở nụ cười cùng hoa

Đó cũng là khát vọng cuộc đời nở hoa, cuộc sống cách mạng có văn hoá “văn hoá hoá cách mạng”.

CÁCH MẠNG HỖ TRỢ ĐỜI THƠ, NGƯỜI THƠ

1/ Tìm đường tới cách mạng cũng là tìm và thấy được đường thơ cách mạng.

Từ ấy là tuyên ngôn lý tưởng cách mạng.

Nhà thơ tiếp tục tuyên truyền, và thực hiện lý tưởng ấy, dấn thân thực sự vào hoạt động cách mạng, vào tù ra tội, gây dựng phong trào... Phấn đấu suốt một đời vì lý tưởng đó, người thanh niên cộng sản đã trở thành một chính khách lớn trong cơ quan lãnh đạo tối cao của Đảng và Nhà nước.

Từ ấy cũng đồng thời có thể được xem là tuyên ngôn tư tưởng nghệ thuật.

Cái “vườn hoa lá” ấy chứa đựng hồn cách mạng, hồn thơ – một tâm hồn đã thuộc về quần chúng nhân dân, mang khát vọng và hành động cách mạng.

Vậy là, lý tưởng “mặt trời chân lý” đã mở đường đồng thời cho nhà cách mạng – nhà thơ Tố Hữu.

Ngay từ đầu, Tố Hữu đã làm thơ rất tự giác với sáng tạo nghệ thuật.

Dòng thơ tù với những ngày tù, đêm tù, trưa tù nói lên Tâm tư trong tù” – “Tiếng hát đi đày” của nhà thơ trẻ, góp phần khơi ra một dòng mạch thơ ca mang màu sắc đặc trưng.

Lịch sử văn học hiện đại Việt Nam đã xác nhận thơ ca trong tù của Hồ Chí Minh, Phan Chu Trinh, Phan Bội Châu, Hoàng Văn Thụ,... là một dòng mạch đặc sắc của trào lưu văn học cách mạng thời đoạn 1930 – 1945.

Thơ mới mở ra một thời đại mới cho thơ ca. Thơ văn Hồ Chí Minh, Tố Hữu góp phần mở ra một quỹ đạo mới cho văn học cách mạng, trong dòng chảy mênh mông, mãnh liệt. Trong đó, dòng chảy thơ Tố Hữu chính là một chi lưu mạnh mẽ nhất.

2/ Cách mạng tạo nên con người thơ Tố Hữu

Dấn thân vào Máu lửa, Xiềng xích, Tố Hữu đã hình thành nhân cách của chiến sĩ cách mạng. Đồng thời, ông cũng tạo dựng được cho mình một cốt cách thi nhân.

Biết rõ Đời cách mạng, ngay khi mới dấn thân nhập cuộc chưa bao lâu với “gươm kề tận cổ, súng kề tai”, người tù trẻ đã tìm ra “bạn đời” từ trong nhà lao, trại giam, từ ngày “thân sống chỉ còn một nửa” (Trăng trối).

Nhưng, một điều rất lạ là, con người thơ ấy, trong giam hãm, vẫn khôn nguôi Nhớ người, Nhớ đồng, biết lắng nghe “Một tiếng rao đêm”, và cả tiếng gọi mùa: “Khi con tu hú gọi bầy” (Khi con tu hú).

Có thể nói, hồn cách mạng tạo ra hồn thơ cho thi nhân.

Ngay từ khi động bút làm thơ, nhà thơ đã bộc lộ qua tuyên ngôn Từ ấy:

Tôi buộc lòng tôi với mọi người

Để tình trang trải khắp muôn nơi

Chính vì vậy, ngay từ những ngày chưa được giải phóng, Tố Hữu đã có những bài thơ hoà nhập bao hồn người – những hồn quần chúng lao khổ.

Đó là thế giới trẻ thơ (Hai đứa bé, Tương tư, Đi đi em, Chú bé hát rong), người phụ nữ đi ở vú (Vú em), ông già khốn khó (Chiều, Lão đầy tớ)...

Đỉnh cao là sự cùng hoà nhập kỳ diệu.

Trong những ngày tuyệt thực, cận kề chết đói là sự giao cảm “của đôi linh hồn khổ”, của hai bàn tay – tay tù và tay lính gác ngục xiết chặt nhau (Đôi bạn). Ngay từ rất sớm, Từ ấy đã là tiếng hát tâm hồn của nhà thơ trẻ.

Điệu tâm hồn ấy ngày càng xao động tình người, để tạo ra những tác phẩm thơ cách mạng từ Việt Bắc, Ra trận đến Máu và hoa.

Ngọn lửa cách mạng rực cháy trong hồn thơ suốt một đời cầm bút của Tố Hữu. Đó là một mối duyên tơ kỳ lạ và thú vị.

Chuyện thơ là một tự bạch ruột gan nhất:

   Rằng: Thơ với Đảng nặng duyên tơ

Cùng thấu nhân tình nên vẫn thơ!

Chính vì trái tim cùng nhịp đập với cuộc sống con người, mà nhà thơ càng trở nên rất nhân tình, nhân hậu.

Tố Hữu sống với đầy đủ mọi cung bậc tình cảm của con người bình thường: tình yêu, tình gia đình.

Có điều, là con người cách mạng, chính khách luôn hướng tới sự hoà hợp riêng – chung. Trái tim “Rất chân thật chia ba phần tươi đỏ/ Anh dành riêng cho Đảng phần nhiều/ Phần cho thơ và phần để em yêu”.

Những năm cuối đời – vào tuổi 70, 80 – với trách nhiệm Đặc phái viên Trung ương Đảng, Tố Hữu có dịp đi sâu vào đời sống hiện thực trong đổi mới đầy chuyển biến, ngổn ngang, xáo trộn. Thơ vì vậy cũng “đời” hơn, và “người” hơn.

Vẫn là tiếng ca vui, tin tưởng cuộc đời mới, nhưng đã xen lẫn những trăn trở, buồn bực, khổ đau. Ta thấy được sự bộc bạch chân thật chưa từng có:

Mới bình minh đó đã hoàng hôn

Đang nụ cười tươi, bỗng lệ tuôn

Đời thường sớm nắng, chiều mưa vậy

Khuấy động lòng ta biết mấy buồn!

........................................

Có khổ đau nào đau khổ hơn

Trái tim tự xát muối cô đơn

Ca sĩ hào hùng, lạc quan bậc nhất, nay lại nói tới buồn như một điều cấm kị !

Nhưng đó là tấm lòng hết sức chân thật. Bởi có điều đáng buồn thật.

Nhưng, từ xưa, Tố Hữu đã cắt nghĩa có năm bảy đường buồn:

Buồn ta là của buồn đời

Buồn ta không chảy thành đôi lệ hèn

Buồn ấy phải như ngọn lửa, như mặn nồng để làm nên cái vui đời!

Nhưng tới mức là đau khổ. Đó là nỗi đau đời trước những tiêu cực xã hội như niềm nhân ái thẳm sâu cõi lòng.

Có gì rất riêng như sự cô đơn. Sự cô đơn của vắng lặng, sự cô đơn của sự tự nghiệm tuổi già, và cả sự cô đơn có tính triết học của bản thể thi sĩ.

Bài thơ là một nỗi niềm có vẻ rất riêng, nhưng vẫn có cái chung. Tâm trạng cá nhân cũng mang tính đại diện. Nghĩ đến mình, và đến người. Chuyện trong nước mà động tới cả thế giới: chuyện “bình minh”, rồi “hoàng hôn”, chuyện “sớm nắng chiều mưa”.

Bài thơ tâm sự mang cả thời sự và thế sự - Một tâm sự cô đơn, một “xót đau” thời cuộc: “Thế giới hồng”  vỡ tan: “Anh em đồng chí rơi đâu hết” (Thăm Bác chiều đông, 1995).

Đời cách mạng giúp nhà thơ thành người, mãi mãi nên người với tầm vóc ngày càng lớn lao.

Làm thơ với Tố Hữu là một phép Dưỡng sinh: di dưỡng sức lực và di dưỡng tinh thần:

Lòng không bợn chút bùn đỏ

Biết đâu trăm tuổi còn thơ với đời!

Nói cách khác, thơ cũng là một biệt dược tu thân của nhà thơ cách mạng.

Tố Hữu là con người biết thức tỉnh. Thời trải nghiệm máu lửa đã sớm rút ra bài học giàu ý nghĩa triết lý về khôn dại, về chiến thắng và chiến bại (Dậy mà đi).

Sau này, khi tham gia chính sự, trong Bộ Tham mưu tối cao, Tố Hữu từng phải lo toan, gánh vác bao trọng trách, đối phó biết bao thử thách lớn lao về quốc sự. Có cái được, và chưa được, thậm chí mất mát, thua thiệt trong sự nghiệp thăng trầm.

Đêm cuối năm là một tâm sự của người trong cuộc trong giờ phút thiêng liêng:

    Đêm cuối năm. Riêng một ngọn đèn

Dở hay khôn dại những chê khen

Trước đèn, tự cật vấn, tự phản biện, tự phân tích.

Tố Hữu là con người biết lắng nghe: “Lắng nghe cuộc sống gọi hàng giờ” nên khó ngủ quên trên vòng nguyệt quế!

“Cuộc sống gọi hàng giờ” đòi hỏi sự tiếp cận thật sâu sát, kịp thời với những biến đổi mau lẹ của thời cuộc.

Nhất là trong tình hình diễn biến phức tạp, “rối rắm bao con đường”. Không có định hướng đúng rất dễ Lạc đường – sa chân, lỡ bước nguy hiểm, như hiện tượng thời cuộc thế giới.

Nhà thơ đã có lúc tự nghiệm, cũng là tự ngụ:Có thể đôi lần mắt ta lạc lối” (Anh cùng em). Đó là bản tình ca đôi lứa, cũng là “bản tình ca cuộc sống”.

Ta đây mang hàm nghĩa cả “tôi” và “ta” – tức chúng ta. “Lỗi lầm” nhất thời như “bóng mây qua” trên cả bầu trời cá nhân và nhân thế. Vấn đề là phải biết nhận thức rõ, và phải biết thanh lọc tâm hồn để lấy lại sự trong sáng của phẩm chất: “Lương tâm đều vẫn trong như ngọc” (Tâm sự).

Hơn ai hết, Tố Hữu là người biết làm cuộc “khám phá cả chính mình”, và biết tự vượt mình.

Trong hoạt động chính sự, có lúc không tránh khỏi sự hiểu lầm, nhưng chính khách chỉ giữ sự im lặng, và để cho lịch sử phán xét.

Vượt lên mọi bức xúc là tấm lòng thanh thản. Thậm chí có điều còn oan khuất chăng nữa, thì thời gian sẽ minh định, giải toả.

Nhà thơ tin tưởng mãnh liệt vào sự thật.

Tháp tùng Bác Hồ vãn cảnh Chùa Hương (1992), nhà thơ như thấy: “Róc rách còn nghe suối Giải oan”, và có ước muốn cho mình, cho người:

Ước gì đời mãi xanh tươi xanh lá

Thanh thản chùa Hương cả thế gian

Ngay sau hai năm Tố Hữu, Tạm biệt cuộc đời đã có bao tiếng nói bè bạn, sẻ chia, đồng cảm và giải toả cho hương hồn nhà thơ – chính khách.

Tướng Đồng Sĩ Nguyên – nguyên Uỷ viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng đã viết:

“Giá, lương, tiền là vấn đề sôi động. Lúc bấy giờ, bàn đi tính lại gần hai năm trời trong Bộ Chính trị, Hội đồng Bộ trưởng, với cương vị trực, anh đành chịu hết trách nhiệm. Đâu phải sai lầm từ Tố Hữu. Là nhân chứng trong cuộc, tôi xin thành tâm nói lên điều đó, không phải thanh minh, nhưng đừng hiểu sai lịch sử”

(Bài viết trong Tố Hữu – Người cộng sản kiên trung, nhà văn hoá tài năng, Chính trị Quốc gia, 2004, trang 45).

Gần đây nhất, trên Hồn Việt số 150 (tháng 8/2020), ông Đoàn Duy Thành – nguyên Phó Thủ tướng, người bạn tri âm, tri kỷ của Tố Hữu cũng có bài viết, nhấn mạnh sự việc đã qua:

“Sau khi xảy ra như thế rồi, thì Trung ương kiểm điểm, khi đó tập trung vào anh Tố Hữu (...) và đồng chí Trần Phương – Phó Thủ tướng, Uỷ viên Trung ương (...). Đáng lẽ chúng ta không nên để một vài cá nhân bị thiệt thòi như thế”.

Vậy là, cách mạng soi sáng tinh thần, thanh lọc tâm hồn cho Tố Hữu.

Con người khám phá và cải tạo thế giới. Nhà thơ khám phá cả chính mình, và tu chỉnh, tôn tạo thế giới tâm hồn bản thân.

Đời cách mạng, đời thơ song hành, tương tác, tương hỗ lẫn nhau là như vậy.

Tố Hữu – nhà chính khách, nhà thơ như người trong cuộc đời hoạt động, luôn có ý thức cách mạng, đổi mới, sáng tạo.

Vì vậy, ông không bao giờ có chút chậm trễ, tụt hậu trong đời và trong thơ. Hơn thế, ông rất sát sao, người và thơ mạnh bước trong thời cuộc.

Tố Hữu là nhà thơ hàng đầu với dân tộc “nhịp bước cùng thời đại”. 

Chính vì vậy, nhà thơ thời sự - thời đại đã để lại một di sản thơ ca – có thể nói là đồ sộ và hết sức quý giá. Đó là một pho sử thi như “tấm lòng vàng”, cũng là kim bản vị - bảo chứng vàng thơ ca tồn tại vĩnh cửu trong lịch sử văn học và văn hoá dân tộc./.

 

 

 

 

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1] Đoàn Trọng Huy (2012), Tố Hữu – Nhà cách mạng, nhà thơ, NXB Chính trị Quốc gia.

[2] Đoàn Trọng Huy (2020), Tố Hữu – Đời thơ, người thơ, NXB Thuận Hoá.

[3] Đoàn Trọng Huy (2020), Tố Hữu – Ngọn cờ đầu vẻ vang thơ ca cách mạng, NXB Tổng hợp TP Hồ Chí Minh.

[4] Nhiều tác giả (1999), Tố Hữu – Về tác gia và tác phẩm, NXB Giáo dục.

[5] Nhiều tác giả (2003), Tố Hữu sống mãi trong lòng nhân dân và đất nước, NXB Văn học, Trung tâm Nghiên cứu Quốc học.

[6] Nhiều tác giả (2004), Tố Hữu – Người cộng sản kiên trung, nhà văn hoá tài năng, NXB Chính trị Quốc gia.

[7] Tố Hữu (2008), Toàn tập – Tập I – Thơ ca, NXB Văn học.

PGS. TS. Đoàn Trọng Huy


Source: 
07-12-2020
Tags