TÌNH CÔ VÀ TRÒ

Qua bài viết này, tôi muốn nói một điều: tôi trân quí tất cả các thầy cô giáo đã từng dạy tôi, trong đó có cô. Trong suốt quá trình tôi học ĐH cô luôn là nguồn cổ vũ, động viên cho tôi phấn đấu và tôi đã lấy cô làm chỗ dựa tinh thần cho mình để vượt qua nhiều gian khó, cô Phan Thu Hiền ạ.

Hôm tôi viết bài kể về kỉ niệm của tôi với GS. Nguyễn Hoàng Tuyên trên trang facebook cá nhân, thầy Nguyễn Mạnh Quỳnh khóa K40 đã phản hồi thế này: “Dân Văn SP1 học VHNN sướng nhất nghe thầy Tuyên kể thần thoại Hi Lạp, thầy Tửu tóm tắt Faust, thầy Phi bình thơ Đường, thầy Thứ giảng Tam Quốc, thầy Trung tán Tagor, thầy Hà với Sông Đông êm đềm.” Nhưng khóa K41 của chúng tôi có thêm một may mắn nữa khi được học một cô giáo trẻ trung xinh đẹp, đầy nữ tính, nói năng nhỏ nhẹ cuốn hút và hết sức sắc sảo đó là cô Phan Thu Hiền - cô giáo dạy môn Văn học Ấn Độ. Cô dạy hai sử thi nổi tiếng nhất của Ấn Độ là Ramayana và Mabharata. Mỗi lần cô lên lớp, sinh viên cứ há hốc mồm ra nghe như nuốt lấy từng lời. Cô lại còn ăn mặc rất sành điệu, mỗi buổi lên lớp là một bộ quần áo khác nhau rất kiểu cách. Hồi đó khóa K41 của chúng tôi có 3 lớp ( lớp A, B, C), lúc đầu tôi học lớp B sau đó để việc học môn chung tiếng Anh cho tiện thì tôi lại bị chuyển sang lớp A. Có lần tôi đã hỏi cô: “ Làm sao mà mỗi lần lên lớp cô lại không mặc lại bộ đồ đã mặc hôm trước hả cô? Cô nói:  cô phải ghi vào một cuốn sổ tay, hôm nay ở lớp A, B, C cô đã mặc bộ nào để buổi học sau cô thay bộ khác sẽ không bị trùng. Cô lại còn được một anh chồng ga lăng là họa sĩ đến chờ phía dưới giảng đường A2, cứ vừa hết giờ là có tiếng còi xe máy thì y như rằng cô đã có người đến đón. Cô chính là người phát hiện ra lỗi bị ngọng của dân Thái Bình là tôi và cô dành cho tôi mỗi tuần một buổi ra nhà cô ở khu Thành Công để cô sửa lỗi chính tả và lỗi diễn đạt cho tôi và tôi đã tiến bộ rõ rệt. Đây là một bài học rất thiết thực giúp tôi tự tin hơn rất nhiều trong việc sử dụng tiếng Việt chuẩn để dạy tiếng Việt tại nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào. Ra nhà cô, tôi vừa được học miễn phí lại còn được rất nhiều quà, tôi nhớ nhất là món bánh gai Nam Định của quê cô vừa to lại vừa ngon. Tôi còn thấy ở nhà cô một chiếc xe Chaly  mới cứng màu trắng rất đẹp nhưng cô lại không  dám đi xe máy mới tiếc chứ nên đi đâu là cô lại phải có vệ sĩ “ chồng” đi cùng .

Đến năm 1993 thì cô theo gia đình chuyển vào Nam công tác vì bố cô được bổ nhiệm chức Tổng Giám đốc Công ty Vietsovlghter. Từ đó cô - trò xa nhau, tôi và cô chủ yếu liên hệ với nhau bằng những lá thư viết tay gửi qua Bưu điện( những lá thư đó bây giờ tôi vẫn còn giữ để  làm kỉ niệm). Thỉnh thoảng cô trò chúng tôi gặp lại nhau ở Hà Nội mỗi khi cô ra lo  thủ tục để chuẩn bị bảo vệ luận án TS. Mỗi lần cô ra, tôi lại nhiệt tình mượn xe đạp của anh người yêu là xe đạp Thái Lan hiệu Standart  có yên đệm ngồi rất êm và chở cô đi khắp Hà Nội. Hồi đó tôi cứ ước ao, giá như tôi có xe máy thì tốt biết bao. Tôi sẽ chở cô đi vừa nhanh vừa tiện. Tôi là một sinh viên không giỏi, không giàu nhưng lại có một tình cảm quí mến rất chân thành với các thầy cô giáo.

     Năm 1998, cô bảo vệ luận án TS.  Tôi đã đứng ra giúp cô lo liệu một số việc. Đọc những lời nhận xét của thầy hướng dẫn và thầy phản biện tôi càng hiểu thêm về cô và quí trọng cô hơn. GS. Lưu Đức Trung – thầy hướng dẫn luận án TS. của cô đã nhận xét : “Cần mẫn, chăm chỉ, say mê trong học tập và nghiên cứu. Chịu khó học hỏi, tìm tòi  tài liệu sách báo trong nước và ngoài nước để nâng cao trình độ học vấn. Có tinh thần độc lập suy nghĩ, có bản lĩnh trong nghiên cứu, tác phong làm việc khoa học, thận trọng, chu đáo. Có nhiều vấn đề nghiên cứu đạt hiệu quả cao. Đã hoàn thành luận án đúng thời hạn”. GS. Phản biện Phan Ngọc thì nhận xét: “Về độ tin cậy. Trước hết văn bản tác phẩm Mahabharata mà chị Thu Hiền dựa vào là bản dịch toàn vẹn tác phẩm gồm 110.000 sloka, mỗi sloka gồm 2 câu thơ … chứ không phải một bản dịch tóm tắt. Chỉ đọc nó thôi cũng mất vài tháng. Có lẽ chị là người đầu tiên ở Việt Nam chịu khó tìm được văn bản dịch quí giá này và đọc nó… Điều đáng khen và rất có ích cho NCS mà chị Thu Hiền đã đạt được là giữ thái độ khiêm tốn … Cái mới của tác giả là trình bày rất sáng rõ và có sức thuyết phục sự khác nhau giữa sử thi phương Tây mà Iliat là mẫu mực với sử thi Ấn Độ mà Mabharata là mẫu mực… Tác giả không bó hẹp vào câu chuyện chiến tranh giữa hai  gia đình mà xét cả những phần thưởng thường bị bỏ qua …Ưu điểm của NCS là trình bày khách quan, sáng rõ và gọn gàng không hề có dấu vết tán dương hay chê bai… Tôi cho công trình này là một luận văn hiếm có về mức độ, về thái độ nghiêm túc và thận trọng trong việc đánh giá”.

    Và tôi thấy mình đã thật may mắn khi được học cô và thân thiết với cô, nhờ cô mà tôi có thêm nghị lực để không ngừng phấn đấu. Cô đã từng viết thư cho tôi một cách rất trìu mến và chân thành: “ Thành phố Hồ Chí Minh, 16/03/2000. Hiền “ con”  thân mến! Hiền “ lớn” mới nhận được thư Hiền “con” nhân ngày 08/03. Chúc Hiền “con” vạn sự tốt lành, thực hiện thành công luận văn Thạc sĩ và chóng lên xe hoa, hoàn thành mọi ước mơ của mình. Hiền “lớn” gửi tặng Hiền “ con” 3,6 mét gấm Thái Tuấn để may một bộ áo dài (áo + quần) cho những dịp Hội nghị, lễ hội, bảo vệ luận án. Màu vàng nhạt sẽ không làm xám da đi. Hiền “ con” may xong, lúc nào mặc, chụp ảnh gửi cho Hiền” lớn” nhé”! Và sau này cô còn gửi cho tôi một bức thư trong đó có câu: “Cảm ơn cuộc đời đã cho Hiền” lớn” được gặp Hiền “ con” để có mối thân tình qua từng ấy thời gian” khiến tôi vô cùng xúc động.

Tôi nhớ có một lần tôi mơ thấy một GS. ở trong khoa từ trần, khi gọi điện cho cô, tôi có nói lại chuyện này với cô: “Em sẽ gọi điện cho thầy ấy để hỏi thăm sức  khỏe cô ạ” nhưng cô đã khuyên tôi: “ Nếu không có việc gì thật cần thiết thì em không nên gọi điện cho các thầy vì như thế sẽ làm đứt mạch suy nghĩ  khi các thầy đang làm việc”.

Rồi cô đi dạy tiếng Việt ở Hàn Quốc 2 năm, cô và trò vẫn liên lạc qua email, cô kể chuyện cô vừa dạy tiếng Việt vừa có những chuyến đi thực tế với sinh viên Hàn Quốc rất vui. Trong một lần cô cùng đoàn lãnh đạo cốt cán trường ĐHKHXH & NVTP Hồ Chí Minh sang thăm Lào, tôi đã nhờ học trò của tôi đánh ô tô ra khách sạn đón cô và một số thầy cô vào thăm căn nhà chị Dậu của chúng tôi. Lúc đó, tôi lại ước ao: giá như tôi có ô tô riêng tôi đã có thể chủ động lái xe chở cô đi tham quan Viêng Chăn một vòng.

Bây giờ cô đã là PGS.TS. làm Trưởng khoa Hàn Quốc học của trường ĐHKHXH & NV TP Hồ Chí Minh , cô vẫn viết rất đều và rất khỏe, đi công tác nước ngoài liên tục. Tôi và cô vẫn thường xuyên liên hệ qua email hoặc qua điện thoại.  Có lần cô đã nói với tôi: gọi cô là “ chị” xưng “ em” cũng được nhưng tôi nói: “ Một chữ cũng là thầy, nửa chữ cũng là thầy”, dù cô có đối xử với tôi như 1 người em, 1 người bạn, 1 người học trò thì tôi vẫn không bao giờ quên: cô là người thầy mẫu mực của tôi.

Qua bài viết này, tôi muốn nói một điều: tôi trân quí tất cả các thầy cô giáo đã từng dạy tôi, trong đó có cô. Trong suốt quá trình tôi học ĐH cô luôn là nguồn cổ vũ,  động viên cho tôi phấn đấu và tôi đã lấy cô làm chỗ dựa tinh thần cho mình để vượt qua nhiều gian khó, cô Phan Thu Hiền ạ.


Source: 
01-10-2020
Tags