TIẾP NHẬN VĂN HỌC NHẬT BẢN Ở VIỆT NAM

TIẾP NHẬN VĂN HỌC NHẬT BẢN

Ở VIỆT NAM

 

       Văn hóa, văn học Nhật Bản được người Việt Nam tiếp nhận sau thậm chí rất nhiều so với văn học Ấn Độ, Trung Quốc, Pháp, Liên xô cũ. Tuy văn học Nhật Bản du nhập vào Việt Nam muộn hơn nhưng giờ đây, nền văn học độc đáo này đã nhanh chóng chiếm lĩnh tình cảm của một lực lượng độc giả Việt Nam vô cùng đông đảo. Văn học Nhật Bản không chỉ trở thành đối tượng thưởng thức, nghiên cứu, tiếp thu để sáng tác mà còn trở thành đối tượng giảng dạy trong các nhà trường Việt Nam từ phổ thông đến đại học. Quá trình tiếp nhận văn học Nhật tại Việt Nam diễn ra trên cả bốn lĩnh vực dịch thuật, nghiên cứu phê bình, giảng dạy và sáng tác từ đó đến nay thường được giới nghiên cứu chia làm ba giai đoạn dựa trên những đặc điểm tiếp nhận khác nhau. Giai đoạn thứ nhất là từ đầu thế kỉ XX đến 1954. Thứ hai là giai đoạn từ 1955 đến 1975. Và thứ ba là giai đoạn từ 1976 cho đến nay. Vậy người Việt Nam đã tiếp nhận văn học Nhật Bản như thế nào qua các giai đoạn trên các lĩnh vực dịch thuật, nghiên cứu phê bình, sáng tác và giảng dạy? Việc tiếp nhận đó có những mặt tích cực hay hạn chế nào? Giải pháp ra sao? Đó là những vấn đề chúng tôi đặt ra giải quyết trong bài báo này.

  1. Tiếp nhận trong lĩnh vực dịch thuật

       Căn cứ vào các sử liệu và những chứng tích văn hóa còn lại trên đất Việt Nam, các nhà nghiên cứu khẳng định mối bang giao giữa Việt Nam và Nhật Bản đã được thiết lập chủ yếu trên phương diện thương mại nhờ các thương nhân từ nhiều thế kỉ trước. Ngày nay, sự giao lưu văn hóa đó còn lưu lại những dấu ấn ở Phố Hiến, Hội An, Sài Gòn… Tuy nhiên, quan hệ giữa hai nước trên phương diện văn học phải đến những năm đầu thế kỉ XX mới chính thức diễn ra. Phan Bội Châu và Phan Chu Trinh, hai chí sĩ yêu nước đã đóng vai trò cầu nối cho những giao lưu sớm nhất của văn hóa Nhật Bản và Việt Nam. Nhờ phong trào Đông Du của Phan Bội Châu và phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục của Phan Chu Trinh, độc giả Việt Nam đã có những cuộc tiếp xúc đầu tiên với văn học xứ sở Phù Tang trong những năm đầu thế kỉ XX. Qua những bức Hải ngoại huyết thư gửi về nước, nhà chí sĩ yêu nước Phan Bội Châu đã giới thiệu với đồng bào không chỉ những vấn đề chính trị, kinh tế, xã hội mà cả những giá trị văn hóa tinh thần của xứ hoa anh đào. Tác phẩm Giai nhân kì ngộ của nhà văn Sài Tứ Lang qua bản dịch của Lương Khải Siêu (Giai nhân chi kỳ ngộ) do cụ Phan Chu Trinh chuyển thể từ sáng tác cùng tên bằng chữ Hán được coi là tác phẩm văn học Nhật được giới thiệu đầu tiên ở Việt Nam.

     Thập niên 30-40 của thế kỷ XX, việc dịch văn học Nhật bị gián đoạn do người Việt có xu hướng hướng về phương Tây. Văn học Nhật chỉ được chú ý giới thiệu trở lại khi Nhật vào Đông dương trong Chiến tranh Thế giới thứ II. Trong thời gian này, Nhật Bản đã đỡ đầu cho một số tạp chí như Tây Á, Đại Đông Á, Đông Dương tạp chí, qua đó phổ biến văn hóa Nhật tới người Việt như trà đạo, hoa đạo, tinh thần võ sĩ đạo...

       Từ khi hòa bình lập lại 1955 đến những năm 60, 70 thế kỉ trước, Việt Nam mở rộng giao lưu với nhiều nước trên thế giới trong đó có Nhật Bản. Đặc biệt năm 1973, Việt Nam và Nhật Bản đã ký hiệp định hợp tác toàn diện. Vì vậy, văn học Nhật được giới thiệu ở nước ta nhiều hơn. Việc dịch văn học cũng có sự khác biệt giữa hai miền do đất nước bị chia cắt:

     Ở miền Bắc, cùng với việc được tiếp xúc với văn học của các nước Nga, Mĩ, Pháp… độc giả Việt Nam ngày càng được biết đến nhiều hơn các sáng tác của các nhà văn Nhật Bản như Khu phố không ánh mặt trời, T. Sunao do Trương Chính và Hồng Bích Vân biên dịch, nxb Lao động, H, 1961; Núi đồi yên lặng, T. Sunao, nxb Văn học, H, 1962; Mây gió Hakone, T. Teru, Văn học, H, 1963; Cánh đồng Bansu, M. Yuriko, nxb Văn học, H, 1964; tập truyện Sợi xích trắng, Lao động, H, 1966; Khuôn mặt người khác, nxb Văn học, H, 1969;

      So với miền Bắc, ở miền Nam, số lượng tác phẩm được dịch nhiều hơn hơn và được dịch qua văn bản của nhiều ngôn ngữ như Anh ngữ, Pháp ngữ và đã có một số bản dịch từ Nhật ngữ. Báo Văn nghệ số 57/1966 dăng tải những tác phẩm tiêu biểu như truyện ngắn Nắng mùa hèPhòng tra tấn của S. Ishihara do Nguyễn Minh Hoàng và Nhã Điền dịch. Tạp chí Văn giới thiệu các tiểu thuyết Cô đào miền Izu, Ngàn cánh hạc, Tiếng núi rền, Thủy nguyệt, Nốt ruồi… của văn hào Y. Kawabata. Tiểu thuyết Kim các tự của Y.Mishima được xuất bản tại Nhà xuất bản An Tiêm, Sài Gòn, 1973; Truyện một người đãng trí của  R. Akutagawa do Từ Chương, Sài Gòn, 1970 xuất bản.

      Từ 1976 đến nay, độc giả Việt Nam biết đến nhiều hơn những tác gia nổi tiếng của văn học Nhật do số lượng tác phẩm được dịch nhiều hơn. Điều kiện thuận lợi về chính trị xã hội cho phép sự tiếp nhận tinh hoa văn học thế giới trong đó có văn học Nhật Bản rộng mở hơn. Nguyên nhân trực tiếp có thể kể đến là sự thành lập của Trung tâm Nghiên cứu Nhật Bản tại Việt Nam, thuộc Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Xã hội và Nhân văn Quốc gia nay là Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia năm 1993. Xuất hiện ngày càng đông đảo đội ngũ nghiên cứu văn học Nhật Bản ở các viện nghiên cứu, các trường đại học, trong đó có những người được đào tạo bài bản ở Nhật… Việc dịch văn học Nhật Bản được mở ra rộng hơn trong khoảng hai thập niên cuối của thế kỉ XX. Các dịch giả tập trung dịch nhiều tác phẩm của một số tác gia tiêu biểu chẳng hạn như các nhà văn được giải Nobel hoặc các giải thưởng của Nhật Bản như giải Akutagawa… Đến hai thập niên đầu thế kỉ XXI, các phương tiện truyền thông phát triển mạnh mẽ, bạn đọc Việt Nam được cập nhật nhiều hơn, nhanh hơn những tác phẩm nổi tiếng của Nhật Bản. H. Murakami (sinh 1949) và Y. Banana (sinh 1964) là hai nhà văn đương đại của Nhật được đông đảo độc giả Việt Nam yêu mến đón đọc. Các tác phẩm của M. Haruk như Ngày đẹp trời để xem Kangaru, Sau cơn động đất, Đom đóm, Người tivi, Sau nửa đêm, Biên niên kí chim vặn dây cót, Rừng Nauy, Kafka bên bờ biển, Phía nam biên giới phía tây mặt trời, Nhảy nhảy nhảy, Người tình Sputnik, 1Q84… do các Nhà xuất bản Đà Nẵng, Hội Nhà văn… ấn hành đã đưa văn học Nhật Bản đương đại đến gần hơn với đông đảo bạn đọc. Trong hai năm 2006, 2007, đã có 10 tiểu thuyết của H. Murakami và 4 tiểu thuyết của Y. Banana được dịch sang tiếng Việt từ tiếng Nhật. Tugumi, Kitchen, Amrita, N.P... là những tiểu thuyết được bạn trẻ Việt Nam yêu mến. Nhờ sự cống hiến âm thầm của đội ngũ dịch giả, độc giả Việt Nam đã được tiếp xúc nhiều hơn với những tác gia, tác phẩm đỉnh cao của văn học Nhật Bản.

       Tìm hiểu tình hình dịch thuật văn học Nhật Bản ở Việt Nam, chúng tôi nhận thấy       các tác phẩm được dịch còn khiêm tốn về số lượng so với văn học của các nước khác nhất là Anh, Nga, Pháp, Trung Quốc… Đó là vì một số lý do sau đây. Trước hết, hoàn cảnh lịch sử đã khiến việc giao lưu văn hóa giữa hai nước bị gián đoạn một thời gian dài nên việc chuyển ngữ văn học Nhật Bản bị ngưng trệ khá lâu. Một lí do nữa là tác phẩm văn học Nhật Bản cả cổ đại lẫn hiện đại đều không hề dễ tiếp nhận do nền văn học ấy dựa trên nền tảng mĩ cảm Thiền tông hết sức tinh tế, uyên áo. Việc chuyển ngữ sao cho bản dịch truyền tải được những sắc thái tư duy độc đáo của người Nhật là một thách thức đối với bất cứ dịch giả lão luyện nào. Trong một thời gian dài, hầu như, tác phẩm văn học Nhật Bản được dịch từ ngôn ngữ trung gian như Anh, Pháp, Nga, Trung … Những tác phẩm được dịch sớm nhất từ chữ Hán hoặc Pháp. Sau đó là các bản dịch từ tiếng Nga, Anh. Nếu các dịch giả miền Nam trước 1975 chuyển ngữ từ tiếng Anh, Nhật thì các dịch giả miền Bắc chủ yếu chuyển ngữ từ tiếng Nga, Pháp, Trung. “Dịch tất phản” vốn là đặc điểm của dịch thuật, huống hồ lại dịch qua một ngôn ngữ trung gian. Gần đây, một số dịch giả tu nghiệp từ Nhật về đã công bố những bản dịch từ nguyên tác tiếng Nhật. Như vậy, hoạt động dịch thuật văn học Nhật ở Việt Nam đã có những chuyển biến tích cực đáng ghi nhận. Một hạn chế nữa của việc dịch văn học Nhật Bản là chưa có sự lựa chọn theo hệ thống nên chưa cân đối về thể loại, về tác gia, về giai đoạn, về khuynh hướng… Văn xuôi Nhật Bản được dịch chiếm số lượng chủ yếu, lến tới khoảng 70%, còn lại là thơ, kịch, truyện tranh…). Có tình trạng này trước hết là do thành tựu văn học hiện đại Nhật Bản đạt được trên các thể loại văn xuôi như tiểu thuyết, truyện ngắn, truyện trong lòng tay nổi trội hơn so với thơ (hai nhà văn được giải Nobel là Y. Kawabata và K. Ôe đều là những cây bút văn xuôi). Nhiều cây bút xuất sắc của văn học Nhật hiện đại chưa được dịch và giới thiệu ở Việt Nam như M. Ogai, F. Shimei, S. Nagoya, M. Yukio, T. Yunichiro, N. Hiroshi, Y. Riichi, D. Osamu, I. Masugi, I.Yashushi… (văn sĩ), Y. Tsuji, T. Shimizu, M. Sasaki, Y. Arakawa, K. Ijima, S. Kido, K. Nomura, I. Takuboku, M. Yoshioka, G. Yoshimasu, S. Tanigawa, M. Oka… (thi sĩ). Xuất phát từ yêu cầu của thị trường, các dịch giả thường dịch những tác phẩm ăn khách. Nên các tác phẩm tiêu biểu cho mỗi trào lưu, khuynh hướng sáng tác vốn rất phong phú ở Nhật, chẳng hạn, các phẩm tiêu biểu cho văn học hiện thực, vô sản, lãng mạn… chưa được chú ý. Trong khi đó, thị trường sách Việt Nam cụ thể là sách cho thiếu nhi tràn ngập các loại truyện tranh. Nhiều thế hệ độc giả nhỏ tuổi trong thập niên 80 của thế kỉ trước đã say mê bộ truyện tranh Doraemon. Bộ truyện có tính giáo dục cao, hình thức nghệ thuật hấp dẫn bởi yếu tố hài hước, hóm hỉnh đã trở thành “món ăn tinh thần” cho nhiều thế hệ độc giả nhỏ tuổi. Tuy nhiên, gần đây, truyện tranh Nhật Bản ồ ạt vào Việt Nam hầu như chưa được thực sự được chọn lọc.

       Vậy giải pháp để phát triển dịch thuật văn học Nhật Bản trong tương lai là gì? Theo chúng tôi, trước hết, các dịch giả cần chú ý giới thiệu toàn diện hơn bức tranh văn học Nhật Bản. Bên cạnh các tác phẩm tự sự, cần chú ý giới thiệu những tác phẩm thơ, kịch; cũng như những tác phẩm tiêu biểu cho nhiều trào lưu, khuynh hướng, những giai đoạn khác nhau của mỗi thời kì… Các cơ quan hữu trách về xuất bản cần có trách nhiệm, nghiêm khắc hơn nữa trong việc kiểm duyệt nội dung sách truyện, nhất là truyện tranh thiếu nhi. Cần tăng cường đội ngũ dịch giả giỏi tiếng Nhật, có sự am hiểu sâu sắc về nền văn hóa Nhật Bản để có thể truyền tải tinh tế những độc đáo của văn hóa Nhật Bản trong tác phẩm. 

  1. Tiếp nhận trong lĩnh vực nghiên cứu phê bình

       Trong vòng 50 năm gần đây, văn học Nhật Bản đã được nghiên cứu và giảng dạy tại Việt Nam. Đến những thập niên cuối thế kỉ XX và gần hai mươi năm của thế kỉ XXI, hoạt động nghiên cứu diễn ra sôi nổi. Hiện tượng này là tất yếu vì khi bản dịch được hoàn tất và xuất bản, quá trình tiếp nhận mới chuyển sang giai đoạn thứ hai là đánh giá, thẩm định mà trước hết là của giới nghiên cứu, những người giảng dạy văn học trong nhà trường, các nhà văn và đông đảo độc giả. Vậy văn học Nhật Bản đã được nghiên cứu theo những hướng nào? Khảo sát những công trình nghiên cứu văn học Nhật Bản, chúng tôi nhận thấy có những hướng như sau:

       Trước hết là những công trình giới thiệu một thể loại hoặc một tác gia của Nhật Bản, những trào lưu, khuynh hướng nổi bật được công bố trong những năm 60, 70 của thế kỉ trước như Tiểu thuyết Nhật Bản của Mai Chương Đức, Tạp chí Văn học (miền Nam) số 90- 6/1969; Vài nét về thơ Nhật Bản I. Takuboku của Vĩnh Sính, Tạp chí Văn học (miền Nam), 6/1969; Yếu tố Eros trong truyền thống văn học Nhật Bản của Uyên Minh, Tạp chí Văn học (miền Nam) số 6/1969; Vài đặc điểm của văn nghệ Nhật Bản 1945-1950 của Lê Trường Sa, Tạp chí Văn học (Miền Nam), số 144/1972; Văn học Nhật Bản hiện đại từ thời Minh Trị tới nay của Nguyễn Tuấn Khanh, Viện TTKHXH, 1998; Một số nét đặc trưng của văn học Nhật Bản của Trần Hải Yến, Tạp chí Nghiên cứu Nhật Bản số 4/1999, Tổng quan văn học Nhật Bản, NXB Giáo dục của Nguyễn Nam Trân, Hợp tuyển văn học Nhật Bản (2010, NXB Lao động) của Nguyễn Thị Mai Liên.

       Tiếp theo là những công trình tìm hiểu tác gia, thể loại văn học, đặc điểm tác phẩm của các nhà văn, nhà thơ tiêu biểu như K. Oe và những huyền thoại về cuộc đời của Nhật Chiêu, Kiến thức ngày nay số 155/1994, K. Oe đoạt giải Nobel văn chương của Bích Phương, Kiến thức ngày nay, số 1155/1994; Vài cảm nghĩ khi đọc Đèn không hắt bóng của nhà văn Nhật Bản D.Watanabe của Nguyễn Chúc, Tác phẩm mới, số 4/1992; Natsume Soseki: Con người và tác phẩm của Nguyễn Tuấn Khanh, Tạp chí Nhật Bản và Đông Bắc Á, số 6/2005, Văn xuôi Nhật Bản hiện đại của Nguyễn Văn Sĩ, Báo Văn nghệ số 1/1993… Kawabata Yasunari, nhà văn Nhật Bản đầu tiên được nhận giải Nobel Văn chương năm 1968 trở thành đối tượng nghiên cứu của nhiều công trình. Kawabata Yasunari, cuộc đời và tác phẩm của Lưu Đức Trung, NXB Giáo dục, 1997 và Văn hóa Nhật Bản và Kawabata Yasunari của Đào Thị Thu Hằng, NXB Giáo dục, H, 2007 là hai cuốn sách giới thiệu khá toàn diện và sâu sắc về nhà văn này. Các bài báo khác khai thác những phương diện khác nhau trong quan niệm thẩm mĩ, hình thức nghệ thuật, nội dung tư tưởng… của nhà văn qua các tác phẩm thuộc hai thể loại là tiểu thuyết và truyện trong lòng tay. Năm 2011, hội thảo “Kawabata trong nhà trường” đã được tổ chức tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Hội thảo đã quy tụ được bài viết của 25 nhà nghiên cứu ở những vị trí công tác khác nhau ở trong nước và quốc tế. Các tác giả đã thể hiện tình yêu, sự ngưỡng mộ đối với nhà văn cũng như mong muốn tri âm cùng nhà văn. Ba phạm vi nghiên cứu cơ bản của những bài báo này là những nét độc đáo trên hai phương diện nội dung và nghệ thuật trong toàn bộ sáng tác của Kawabata Yasunari; những đặc điểm tác phẩm thuộc một thể loại của Kawabata; nội dung tư tưởng và thi pháp một số tác phẩm cụ thể của Kawabata.

      Thứ ba là những bài báo nghiên cứu các thể loại và những vấn đề cụ thể của văn học Nhật Bản. Số lượng bài viết có nội dung này chiếm tỉ lệ lớn. Có thể kể đến bài viết nghiên cứu, giới thiệu những đặc điểm của thơ ca hiện đại Đôi điều về thơ Nhật Bản của Nguyễn Xuân Sanh, Tác phẩm mới, số 4/1992; Thu và thơ Nhật Bản của Nguyễn Vỹ, Phổ thông số 43/ 1982; Nghiên cứu, giới thiệu văn xuôi có bài Tiểu thuyết Nhật Bản của Mai Chương Đức, Văn học (miền Nam), 1969; Văn xuôi Nhật Bản của Bùi Trọng Bình, Tác phẩm mới số 4/1992; Văn xuôi Nhật Bản hiện đại của Nguyễn Văn Sĩ (Báo Văn nghệ số 1/1993).

       Bên cạnh đó còn có những bài viết so sánh văn học Nhật Bản với văn học các nước nhằm mục đích phát hiện những nét độc đáo của văn học Nhật Bản. Những bài viết có nội dung này tập trung vào quá trình hiện đại hóa văn học Nhật Bản trong bối cảnh Đông Á qua hội thảo Văn học Việt Nam và Nhật Bản trong bối cảnh Đông Á được tổ chức bởi Khoa Văn học và Ngôn ngữ, ĐHKHXH & NV, ĐHQG TP HCM năm 2012. Hội thảo thu hút 52 tham luận trong đó có 20 tham luận về văn học hiện đại Nhật Bản. Những nội dung như tìm hiểu văn học Nhật Bản trong bối cảnh Đông Á, so sánh văn học Nhật Bản với một nền văn học khác và tìm hiểu những tác giả, trào lưu, những vấn đề của văn học Nhật Bản cận hiện đại được quan tâm bàn thảo hơn cả. Nghiên cứu văn học Việt Nam và Nhật Bản trong thời đại toàn cầu hóa Thế kỉ XXI là vấn đề được đặt ra bàn luận trong hội thảo do khoa Văn học và Ngôn ngữ, ĐHKH XH & NV, ĐHQG TP HCM tổ chức tháng 12 năm 2013. Các nhà nghiên cứu đã luận bàn về những vấn đề đặt ra đối với việc nghiên cứu văn học Việt Nam và Nhật Bản trong một thời kì mà cả thế giới trở thành “một ngôi làng toàn cầu” (global village). Các bài báo trong hội thảo tập trung vào bốn nội dung chính: 1) tổng quát về quá trình hội nhập của văn học Việt Nam và Nhật Bản trong thời đại toàn cầu hóa. 2) tìm hiểu văn học Nhật Bản hoặc so sánh văn học Việt Nam và Nhật Bản hoặc so sánh với văn học các nước khác trong khu vực Đông Á, châu Á và thế giới thời tiền hiện đại. 3) văn học Việt Nam và Nhật Bản trong bối cảnh toàn cầu hóa thời hiện đại. 4) lí thuyết nghiên cứu và văn học dịch.

      Haruki Murakami là nhà văn đương đại Nhật Bản được yêu thích nhất hiện nay không chỉ ở Nhật. Trải qua 40 năm hoạt động văn học nghệ thuật không mệt mỏi, kể từ khi sáng tác đầu tay Lắng nghe gió hát xuất hiện năm 1979 và được nhận giải thưởng Nhà văn mới Gunzo, tới nay, Haruki Murakami đã nhận được nhiều danh hiệu mà các nhà văn khác đều ước mơ: “Nhà văn Nhật Bản được yêu thích”, “nhà văn best-seller”, “nhà văn được giới trẻ yêu thích”, “một siêu sao”... Trên sân khấu văn học Nhật Bản đương đại, luôn luôn là Murakami ở tiền cảnh. Trên văn đàn thế giới, ông cũng là nhà văn đương đại thành công. Tác phẩm của Murakami được dịch ra 38 thứ tiếng và trở thành “tấm giấy thông hành” đưa ông đến với các nền văn hoá khác nhau. Tiểu thuyết của Murakami đã được tìm hiểu xem xét từ nhiều góc độ khác nhau. Ở mỗi góc nhìn, các nhà nghiên cứu khám phá được những giá trị mới mẻ trong sáng tác của ông. Từ góc nhìn thi pháp, vẻ đẹp của những phương diện như kết cấu, biểu tượng, thủ pháp kể chuyện, yếu tố huyền ảo, thế giới nhân vật trong tiểu thuyết của Murakami được khám phá. Một số đặc điểm nổi bật trong lối tự sự của Murakami như bí ẩn, yếu tố huyền… đã được các nhà tự sự học phát hiện. Tiểu thuyết của Murakami cũng được tiếp cận từ triết học với nhiều trường phái khác nhau trong đó tập trung vào những yếu tố của triết học hiện sinh, Thiền... Cũng có công trình tìm hiểu tiểu thuyết của Murakami từ lý luận về vô thức tập thể của K.G. Jung, từ đó làm rõ một phương diện của biểu tượng là cổ mẫu và các môtip nghệ thuật.

       Quan sát bức tranh nghiên cứu phê bình văn học Nhật Bản, chúng ta có thể nhận thấy mặc dù khởi đầu muộn hơn so với các nền văn học khác song việc nghiên cứu văn học Nhật Bản ở Việt Nam có sự phát triển nhanh chóng, nhất là trong thập niên đầu của thế kỉ XXI. Sức hấp dẫn của văn học Nhật Bản đối với giới phê bình là không thể phú nhận. Kết quả nghiên cứu đã góp phần quảng bá sâu rộng cũng như nêu ra những định hướng đúng đắn cho độc giả Việt Nam trong việc tiếp nhận những tinh hoa của văn học Nhật Bản. Song thành tựu văn học Nhật Bản rất lớn, để đáp ứng những yêu cầu của cả hai phía: giới sáng tác và độc giả, những nhà nghiên cứu phải nỗ lực, cố gắng nhiều hơn trong thời gian tới. Đội ngũ nghiên cứu văn học Nhật Bản của Việt Nam còn khiêm tốn số lượng. Trong đó, số người được đào tạo bài bản về văn hóa, văn học và Nhật ngữ không nhiều. Vì vậy, việc tăng cường lực lượng nghiên cứu trẻ có chuyên môn, am hiểu sâu sắc về văn hoá Nhật Bản, có trình độ Nhật ngữ là một việc quan trọng trước mắt.  Để có sự toàn diện trong nghiên cứu văn học Nhật Bản, việc định hướng nghiên cứu cũng hết sức cần thiết. Điều này có thể tiến hành thông qua các hội thảo hoặc các chương trình, đề án nghiên cứu…

 

  1. Tiếp nhận trong lĩnh vực giáo dục    

      Việc giảng dạy văn học Nhật Bản trong các nhà trường Việt Nam cũng bắt đầu muộn hơn so với các nền văn học khác. Văn học Trung Quốc, Nga, Pháp được đưa vào giảng dạy khoảng từ thập niên 50 của thế kỉ XX,. Trong khi đó, phải đến những năm 70, 80 của thế kỉ XX, văn học Nhật cũng như Mỹ, Đức mới được đưa vào nhà trường. Văn học các nước châu Á nói chung và văn học Nhật Bản nói riêng được giảng dạy với số lượng hết sức khiêm tốn và không ổn định nếu so với văn học châu Âu.

      Chương trình phổ thông cũ giới thiệu hai tác phẩm là truyện cổ tích Nàng tiên có bộ áo chim công ở bậc THCS và truyện Thuỷ nguyệt của Kawabata ở bậc THPT. Sau cải cách, truyện Nàng tiên có bộ áo chim công được đưa ra khỏi chương trình, còn thơ haiku của M. Basho được giảng dạy ở lớp 10. Thuỷ nguyệt trở thành tác phẩm đọc thêm ở lớp 12.

      Ở các trường đại học và cao đẳng, văn học Nhật Bản được giảng dạy cùng với văn học Trung Quốc, Ấn Độ, Đông Nam Á. Tuỳ trường, tuỳ ngành học, văn học Nhật Bản được giảng dạy riêng (Khoa Nhật Bản học, ĐHKHXH & NV, ĐHQG Hà Nội) hoặc giảng dạy như một phần của môn Văn học Châu Á (Khoa Văn, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh…). Thời lượng dành cho môn Văn học Châu Á dao động từ 45 đến 60, 75 tiết, tương đương với 3,4 hoặc 5 tín chỉ. Riêng ở Khoa Ngữ Văn, Đại học Sư phạm Hà Nội, Toàn bộ Văn học Châu Á chỉ được giảng dạy trong 45 tiết (3 tín chỉ), nên thời lượng dành cho văn học Nhật Bản là rất ít, khoảng 9 tiết. Với thời gian ít ỏi đó, văn học Nhật Bản chỉ có thể được giới thiệu sơ lược các thời kỳ, sau đó tập trung vào thơ haiku là hình thức thơ được giảng dạy ở chương trình phổ thông, nhằm giúp các sinh viên sau này ra trường có thể giảng dạy tốt thể thơ này. Những tác gia cận hiện đại như Akutagawa Ryusunoke hay Kawabata Yasunari… chỉ có thể được tìm hiểu thông qua thời gian làm bài tập niên luận, khoá luận tốt nghiệp, báo cáo khoa học hoặc luận văn thạc sĩ và cũng chỉ giới hạn trong một số lượng sinh viên, học viên cao học hạn chế.

      Cũng ở bậc cao học thuộc Khoa Ngữ Văn, Đại học Sư phạm Hà Nội, văn học Nhật Bản cùng với Ấn Độ chỉ có một chuyên đề tự chọn 45 tiết cho một số ít học viên học theo học chuyên ngành phương Đông. Chúng tôi chọn chuyên đề Những mối quan hệ giữa tôn giáo - triết học và văn học Ấn Độ, Nhật Bản. Lí do chọn là vì đề tài này giúp học viên tiếp cận được cốt tuỷ tinh thần của văn học các nước phương Đông là chịu ảnh hưởng sâu đậm của tôn giáo - triết học. Riêng phần văn học Nhật Bản, chúng tôi chọn giới thiệu ảnh hưởng của Thiền tới thơ haiku.

      Ở bậc đào tạo tiến sĩ, từ năm học 2015 – 2016 trở về trước, văn học Nhật Bản cũng như Ấn Độ không có trong chương trình đào tạo do không có mã ngành. Hai năm trở lại đây, từ năm học 2016 – 2017, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội mở mã ngành Văn học Nước ngoài, Mã số 62.22.02.45; nay đổi thành 9220242.

       Như vậy, văn học Châu Á nói chung và văn học Nhật Bản nói riêng chưa được chú trọng trong chương trình giáo dục và đào tạo của các nhà trường tương xứng với vai trò, ảnh hưởng của nó đối với đời sống văn hoá, văn học Việt Nam. Trong tương lại, chúng tôi mong muốn văn học châu Á nói chung và văn học Nhật Bản nói riêng được chú ý dành cho dung lượng lớn hơn ở tất cả các cấp học. Đội ngũ giảng viên giảng dạy văn học Nhật Bản tại các trường đại học cũng cần có sự phối hợp, liên kết trong đào tạo, nhất là ở các cấp sau đại học để có một chương trình thống nhất, đồng bộ, tránh trùng lặp về đề tài luận văn, luận án, khoá luận, chuyên đề giảng dạy,… 

  1. Tiếp nhận trong lĩnh vực sáng tác

     Tác phẩm đầu tiên của Việt Nam học tập sáng tác văn học Nhật Bản dưới hình thức phóng tác là Giai nhân kì ngộ của cụ Phan Chu Trinh, được chuyển thể từ Giai nhân chi kì ngộ của nhà văn Sài Tứ Lang qua bản dịch của Lương Khải Siêu ngay từ những thập kỉ đầu tiên của thế kỉ trước.

     Tiếp theo, việc tiếp nhận văn học Nhật Bản trong sáng tác phải kể đến thể loại thơ haiku. Thơ haiku Nhật Bản đã du nhập vào Việt Nam và được các nhà thơ Việt Nam học tập để sáng tác từ khoảng từ thập niên 60 - 70 thế kỉ trước. Trong phạm vi khảo sát còn giới hạn, chúng tôi nhận thấy nhà thơ Chế Lan Viên có những bài thơ học tập hình thức haiku Nhật Bản từ rất sớm:

        Anh chỉ còn là nắm tro xương trong bình (9 âm tiết)

        Em ơi em đừng khóc (5 âm tiết)

        Ngoài vườn hoa cỏ mọc (5 âm tiết).

       Bài thơ bao gồm 19 âm tiết, phù hợp với số lượng âm tiết của một bài haiku cổ điển 5/7/5 hoặc 5/9/5. Về nội dung, bài thơ nêu lên triết lí vô thường của cuộc sống cũng như mỗi quan hệ chuyển hóa kì diệu của sự sống. Đó chính là một triết lí sâu sắc của Thiền tông được tiếp thu từ Lão Trang mà haiku hay biểu đạt.

       Sau này, phong trào haiku đã phát triển ở Việt Nam. Câu lạc bộ haiku Thành phố Hồ Chí Minh do PGS Lưu Đức Trung thành lập năm 2007, Câu lạc bộ haiku Hà Nội thành lập sau đó hai năm. Các câu lạc bộ này quy tụ nhiều thành viên trên khắp các tỉnh thành trong cả nước. Mỗi câu lạc bộ lại có nội san riêng ra hàng năm. Nhiều thành viên trong câu lạc bộ ra tuyển tập riêng và có cả những tuyển tập chung. Ngoài ra còn có những cá nhân khác cũng tham gia sáng tác.

     Từ năm 2007, Tổng lãnh sự quán Nhật Bản tại Thành phố Hồ Chí Minh kết hợp với Báo Tuổi Trẻ đã định kì 2 năm 1 lần tổ chức cuộc thi thơ haiku tiếng Việt và haiku tiếng Nhật cho người Việt và người nước ngoài ở Việt Nam tham dự. Các cuộc thi này rất hào hứng có tác dụng lớn trong việc phổ biến và thúc đẩy phong trào sáng tác thơ haiku ở Việt Nam. Đồng thời hàng năm tại thành phố Hội An có sự kiện Văn Hóa Hữu Nghị Hội An - Nhật Bản mở cuộc thi thơ Haiku Việt từ 2012. Hai năm gần đây, Đại sứ quán Nhật Bản ở Việt Nam, Japan Airlies và quỹ Japan Foundation tổ chức cuộc thi sáng tác thơ haiku cho học sinh THCS. Các em tham gia rất đông và thơ của các em được Ban Tổ chức đánh giá cao.

        Thơ haiku do người Việt sáng tác có một số đặc điểm sau.

Haiku Việt cũng viết về đề tài thiên nhiên nhưng là thiên nhiên thuần Việt. Bên cạnh đó, haiku Việt cũng viết về những để tài khác như thế sự, tình yêu, tình cảm gia đình, tình yêu quê hương đất nước. Không nhất thiết phải có quý ngữ (kigo). Nếu có, thường gián tiếp.

        Haiku Việt không có đầu đề, không nhất thiết có quý ngữ (kigo). Một câu chia thành 3 dòng.

       Không áp dụng cấu trúc 5-7-5 âm tiết như haiku Nhật Bản. Nếu máy móc sáng tác theo 5-7-5 thì câu thơ sẽ rất dài, triệt tiêu mất đặc thù cực ngắn, cô đọng của haiku truyền thống Nhật. Thơ haiku Việt rất linh động trong số lượng từ tùy từng bài và dao động trong phạm vi 5 đến 14 từ.

      Haiku Việt cũng chú trọng đến vần điệu, có thể dùng vần chân: hai dòng bắt vần với nhau hoặc dùng vần lưng.

     Thơ haiku Việt ca hát về vẻ đẹp Việt Nam, về cái đẹp của thiên nhiên gấm vóc, của những thuần phong mĩ tục, của tâm hồn, tính cách con người Việt Nam ngay thẳng, bình dị mà cao quý vô ngần. Và như vậy, “haiku Việt ôm choàng cuộc sống trong mọi nẻo đời. Ở đây và bây giờ” (Nhật Chiêu – Nắng mới lên từ thơ haiku). Những âm giai Nhật Bản và tâm hồn lục bát Việt Nam hòa quyện tạo thành một bản “hòa âm” mới “đa thanh”, đem đến cho con người tình yêu và niềm tự hào về quê hương, đất nước mình.

    Haiku Việt chủ yếu học tập thơ haiku Nhật hiện đại đã được cách tân từ thời kì Minh Trị nên tự do, cởi mở hơn so với haiku truyền thống. Haiku Việt đã phần nào thể hiện được vẻ đẹp Việt Nam như chúng tôi đã phân tích. Tuy nhiên, cho đến nay, nó chưa thực sự được công nhận như một thể thơ chính thức trong nền văn học Việt Nam. Mặt khác, nhiều nhà nghiên cứu cũng chưa thỏa mãn rằng những sáng tác đó đúng là thơ haiku. Về nguyên nhân, có thể thấy rõ trước hết là những người sáng tác haiku đều không phải là những nhà thơ, càng không phải là những haijin tức người chuyên sáng tác haiku. Họ là những trí thức thuộc các ngành nghề khác nhau, vì say mê mà sáng tác. Họ cũng không am hiểu nhiều về haiku Nhật Bản. Chủ yếu họ sáng tác theo cảm hứng, không tuân thủ theo luật thơ haiku một cách chặt chẽ. Có thể quảng bá sâu rộng hơn những đặc điểm của haiku Nhật Bản để bồi dưỡng thêm kiến thức cho những người say mê haiku để họ sáng tác đúng hơn theo hình thức thơ haiku. Ở Nhật có sách dạy sáng tác haiku cho người lớn và trẻ em, chúng ta cần giới thiệu những cuốn sách này ở Việt Nam…

       Tóm lại, văn học Nhật Bản đã được người Việt đón nhận trên cả bốn lĩnh vực dịch thuật, nghiên cứu phê bình, giảng dạy và sáng tác. Quá trình tiếp nhận này diễn ra theo quy luật tiếp nhận. Trên cả bốn lĩnh vực, việc tiếp nhận đều để lại những thành tựu đáng chú ý. Tuy nhiên, trong tương lai, việc giao lưu, tiếp nhận văn học Nhật Bản cần được thúc đẩy hơn nữa. Hai bên cần tăng cường trao đổi nhân lực nghiên cứu, trao đổi văn hóa để có những hiểu biết sâu rộng về nhau hơn, từ đó góp phần thúc đẩy những thành tựu tiếp nhận văn học giữa hai nước, cao hơn là thúc đẩy sự hợp tác sâu rộng hơn giữa hai nước.

………………………..

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Đào Thị Thu Hằng, Văn hoá Nhật Bản và Kawabata Yasunari, Giáo dục, 2007.

2. Đoàn Lê Giang, Chương Văn hoá Nhật Bản trong giáo trình Đại cương văn hoá phương Đông, GS Lương Duy Thứ chủ biên, ĐHQG TP HCM, 2000.

3. Đoàn Lê Giang, Con đường hiện đại hoá văn học của các nước khu vực văn hoá chữ Hán, Nghiên cứu Văn học, 7/2010.

4. Hasebe Heikichi, Văn hoá và văn học Nhật Bản - Đặc điểm chung và sự tiếp nhận ở góc độ cá nhân, Luận án Tiến sĩ Ngữ Văn, Trung tâm KHXH&NV Quốc gia, 1997.

5. Hà Văn Lưỡng, Dịch thuật và nghiên cứu văn học Nhật Bản tại Việt Nam, http:// www.thongtinnhatban.net/fr/t2689.html

6. Hữu Ngọc, Dạo chơi vườn văn Nhật Bản, Văn nghệ, 2006

7. Khương Việt Hà, Các khuynh hướng phản tự nhiên chủ nghĩa trong văn học Nhật Bản đầu thế kỷ XX, Văn học 8/2005

8. Lê Trường Sa, Vài đặc điểm văn học Nhật Bản 1945-1950, Tạp chí Văn học, Miền Nam 144/1972

9. Lưu Đức Trung, Kawabata Yasunari Cuộc đời và tác phẩm, Giáo dục, 1997

10. Mai Chương Đức, Tiểu thuyết Nhật Bản, Tạp chí Văn học (Miền Nam), số 90-6/1969

11. Mai Chương Đức, Kawabata – nhà văn Nhật Bản đầu tiên được giải Nobel văn học, TC Văn học (Miền Nam), 144-3/1972

12. Nhật Chiêu, Thế giới Kawabata Yasunari (hay là cái đẹp: hình và bóng), TC Văn học 3/2000

13. Nguyễn Nam Trân, Tổng quan lịch sử văn học Nhật Bản, Giáo dục, 2011

14. Nguyễn Thị Thanh Xuân (chủ biên), Văn học Nhật Bản ở Việt Nam, ĐHQG TP HCM, 2008

15. Nguyễn Tuấn Khanh, Văn học Nhật Bản từ thời Minh Trị đến nay, Viện TTKHXH, 1998

16. Nguyễn Văn Năm, Mây gió Hakonê: tiểu thuyết của Takakurate, TC Văn học 2/1964

17. N.T.Fedorenko, “Kawabata - Con mắt nhìn thấu cái đẹp”, Thái Hà dịch, Văn học Nước ngoài, 4/1999

18. Sei Kubota, Tình hình văn học hiện đại Nhật Bản, TC Văn học 6/1965

19. Shuichi Kato, Makoto Ueda… (Nguyễn Thị Khánh dịch), Văn học Nhật Bản, Viện TTKHXH, 1998

20. Trần Hải Yến, Một số nét đặc trưng của văn học Nhật Bản, Nghiên cứu Nhật Bản, 4/1999

21. Vĩnh Sính, Vài nét về thơ Nhật Bản I. Takuboku, TC Văn học số 90, Sài Gòn, 6/1969

 

                                      TIẾP NHẬN VĂN HỌC NHẬT BẢN Ở VIỆT NAM

 

         So với các nền văn học trong khu vực châu Á như Trung Quốc, Ấn Độ, văn học Nhật Bản được tiếp nhận ở Việt Nam muộn hơn rất nhiều. Tuy du nhập vào Việt Nam muộn hơn nhưng giờ đây văn học Nhật Bản đã chiếm lĩnh tình cảm của một số lượng công chúng Việt Nam vô cùng đông đảo. Văn học Nhật Bản không chỉ trở thành đối tượng thưởng thức, nghiên cứu mà còn trở thành đối tượng giảng dạy trong các nhà trường Việt Nam từ phổ thông đến đại học. Vậy văn học Nhật Bản đã được tiếp nhận như thế nào trên các phương diện như nghiên cứu, dịch thuật, sáng tác và giảng dạy? Việc tiếp nhận đó có những mặt tích cực hay hạn chế nào? Giải pháp ra sao? Đó chính là những vấn đề chúng tôi đặt ra và giải quyết trong bài báo này.

      Từ khóa: tiếp nhận, văn học, Nhật Bản, nghiên cứu, giảng dạy

 

Thông tin tác giả:

Nguyễn Thị Mai Liên, PGS. TS

Khoa Ngữ Văn, Đại học Sư phạm Hà Nội

136 Xuân Thủy, Cầu Giấy, Hà Nội

ĐT: 0936 170 688

Email: mailien.edu@gmail.com

 

 


Source: 
29-07-2021
Tags