A.P.Pushkin được giới thiệu ở Việt Nam từ rất sớm, khoảng giữa những năm 20 của thế kỷ XX. Tuy nhiên sau hiệp định hòa bình Gionevo, các tác phẩm của Pushkin mới được dịch, nghiên cứu và giới thiệu rộng rãi ở nước ta, đặc biệt vào những dịp kỷ niệm 100, 150, 200 năm ngày sinh của ông, các tác phẩm đã được tái bản và nhiều bài viết, công trình giới thiệu, nghiên cứu Pushkin trên nhiều lĩnh vực.
A.S.Pushkin (1799 - 1837) là nhà thơ Nga vĩ đại, là bậc thầy của chủ nghĩa hiện thực Nga, là “hiện tượng đặc biệt, có thể nói, duy nhất của tinh thần Nga”(N.Gogol).
Sáng tác của Pushkin, với bề ngoài tưởng như giản dị, “trong suốt”, trên thực tế lại không dễ tiếp nhận. Lịch sử phê bình và nghiên cứu sáng tác của nhà văn khẳng định điều đó. Ngay từ năm 1880, F.Dostoevsky trong “Diễn từ về Pushkin” khẳng định rằng Pushkin ra đi đã để lại “một bí ẩn” mà “thiếu ông” thế hệ sau phải “giải đoán” như giải đoán bí ẩn sự tồn tại của chính mình. Sang đến thế kỷ XX, nhà thơ Arsenhi Tarkovsky vẫn tiếp tục tuyên bố: “Không có câu đố nào khó hơn, phức tạp hơn câu đố về Pushkin. Rất nhiều điều ở Pushkin vẫn là điều bí ẩn”[17,230]. Rồi 100 năm sau lời bình luận của Dostoevsky, vào năm 1980, nhà nghiên cứu N.Gey tổng kết: “Thời gian đã cho thấy một cách thuyết phục rằng hiện tượng sáng tác của Pushkin tự nó đã vượt ra khỏi giới hạn của những phương án giải quyết “dứt điểm”… Những khó khăn lớn lao xuất hiện trên cấp độ của những cách tiếp cận phân tích các tác phẩm, thí dụ như “Kỵ sĩ đồng”, “Boris Godunov”, hay thậm chí “Đài kỷ niệm”, đó là chưa nói đến văn xuôi của Pushkin. Dường như tất cả những tác phẩm ấy đã được nghiên cứu “dọc ngang đủ cả”, thế nhưng ta vẫn cảm thấy có một cái gì đó chưa thấu phải để lại sau và có một cái gì đó thật quan trọng, có thể chính là điều cơ bản, vẫn chưa được chạm tới… Bản chất trước tác của Pushkin vẫn chưa được khám phá, vẫn còn “khép kín” trước chúng ta… Chúng ta chưa nắm bắt được logich nội tại của tất cả các thành tố của thế giới ấy, chúng ta chưa “nghe thấy” được tiếng nói của nó, chưa thâm nhập được vào cấu trúc của các hình tượng ngôn từ”[16,8]. Việc nghiên cứu sáng tác của Pushkin sau khi nhà văn qua đời đã hơn 200 năm vẫn là một vấn đề bức thiết đòi hỏi nỗ lực của các nhà nghiên cứu.
A.P.Pushkin được giới thiệu ở Việt Nam từ rất sớm, khoảng giữa những năm 20 của thế kỷ XX. Tuy nhiên sau hiệp định hòa bình Gionevo, các tác phẩm của Pushkin mới được dịch, nghiên cứu và giới thiệu rộng rãi ở nước ta, đặc biệt vào những dịp kỷ niệm 100, 150, 200 năm ngày sinh của ông, các tác phẩm đã được tái bản và nhiều bài viết, công trình giới thiệu, nghiên cứu Pushkin trên nhiều lĩnh vực.
Tiếp nhận qua dịch thuật và xuất bản
Pushkin đã để lại một khối lượng sáng tác đồ sộ với hơn 800 bài thơ, nhiều bản trường ca (hoàn thành và chưa hoàn thành), tiểu thuyết bằng thơ Evgheni Oneghin. Các tác phẩm của Pushkin luôn giản dị về mặt ngôn từ cũng như kết cấu, nhưng lại là một thách thức đối với các dịch giả. Những năm 20 của thế kỉ XX, nhiều tác phẩm của Pushkin được độc giả Việt Nam tìm đọc, dịch và giới thiệu với công chúng. Đa phần các tác phẩm của ông được dịch từ nguyên bản tiếng Nga, một số khác được dịch từ tiếng Pháp, tiếng Anh, tiếng Trung. Ở thời điểm này, tiếp nhận Pushkin cũng như sáng tác phẩm của ông ở hai miền Nam Bắc Việt Nam có sự khác nhau. Theo sự nghiên cứu của Trần Quỳnh Nga “tên tuổi Pushkin được nhắc ở chỗ này, chỗ khác”, ví dụ như tiểu sử tác giả được Trịnh Chiết giới thiệu trong Từ điển danh nhân thế giới năm 1964, hay Nguyễn Hiến Lê giới thiệu chân dung văn học Pushkin, “nhưng sự hiện diện tác phẩm của Pushkin gần như vắng bóng… mới chỉ tìm thấy truyện ngắn Phát súng qua bản dịch của Nguyễn trên tạp chí Bách khoa số 73/1960… Hầu như không có bản dịch thơ nào của Pushkin” [12,184]. Lí giải cho điều này, tác giả cho rằng ở Sài gòn lúc bấy giờ chưa có ai thông thạo tiếng Nga. Quan trọng hơn, việc dịch thuật thơ không mấy phát triển so với văn xuôi.
Còn ở miền Bắc, năm 1958, trường ca Người tù ở Capcadơ được in trên tạp chí Văn học số 24/1959 do Hoàng Trung Thông dịch. Trên Tạp chí Văn học số 187/1962 và số 31/1964 xuất hiện hai bài thơ trữ tình của Pushkin Gửi Traadaep và Chiếc xe đời do Thúy Toàn dịch từ nguyên bản tiếng Nga. Đây là hai bản dịch được trích từ tập bản thảo Thơ Pushkin của Thúy Toàn hoàn thành những năm 50 thế kỷ XX.
Năm 1966, nhà xuất bản Văn học cho xuất bản tuyển tập Thơ trữ tình của A.S.Pushkin gồm hai phần, phần thơ trữ tình với 63 bài thơ, phần trường ca với Người tù Capca và Đoàn người Tsưgan do các dịch giả Thúy Toàn, Hoàng Trung Thông, Tế Hanh, Xuân Diệu, Hoàng Yến và Việt Thương dịch với số lượng 2360 bản. Ngày nay tuyển tập Thơ trữ tình được tái bản nhiều lần với số lượng lớn. Điều này cho thấy tình yêu của độc giả Việt Nam đối với nhà thơ không bao giờ phai nhạt và sự trường tồn qua năm tháng của các sáng tác Pushkin.
Những trích đoạn của tiểu thuyết bằng thơ Evghenhi Oneghin đã được nhiều dịch giả như Hoàng Xuân Nhị, Hoàng Minh Châu, Nguyễn Xuân Sanh, Việt Thương, Đỗ Hồng Chung, Hoàng Hải dịch từ bản tiếng Pháp, tiếng Anh, tiếng Nga. Vào cuối những năm 50, đầu năm 60, ở Việt Nam giới sân khấu và âm nhạc đã dàn dựng thành công vở nhạc kịch Evghenhi Oneghin của Traicovsky (Cao Xuân Hạo dịch lời và nội dung tác phẩm ) trên sân khấu Nhà hát lớn và được công chúng đón nhận một cách nồng nhiệt. Nhân dịp kỉ niệm 150 năm ngày mất của Pushkin (1837-1987), lần đầu tiên tiểu thuyết bằng thơ Evghenhi Oneghin được Thái Bá Tân dịch đầy đủ toàn bộ tác phẩm. Nhà xuất bản Đại học và Trung học chuyên nghiệp đã xuất bản với số lượng lớn và được tái bản trong những năm sau. Dịch giả Việt Thương là người say mê Pushkin, người dịch các tác phẩm của ông với số lượng lớn. Bản trường ca Rutxlan và Liudmila do Việt Thương dịch cũng được giới thiệu và xuất bản năm này. Bên cạnh đó, những bài thơ trữ tình của Pushkin được dịch và giới thiệu trong Thơ và kịch Pushkin chọn lọc do trường ĐHSPNN Hà Nội xuất bản và hợp tuyển văn thơ Calina đỏ do NXB Đà Nẵng. Cũng trong năm này truyện thơ Ông lão đáng cá được Hồ Quốc Vĩ dịch mới.
Sang những năm 90, xuất hiện nhiều bản dịch mới của nhiều dịch giả khác nhau như Lương Trọng Lãnh với tập thơ Dựng đài kỷ niệm, Lê Đức Thụ, Trần Vĩnh Phúc, Nguyễn Tùng Lương, Phạm Thị Thu Hà, Trần Minh Tâm với tập Thơ trữ tình Nga Việt. Năm 1999, kỉ niệm 200 năm ngày sinh của Pushkin, Trung tâm Văn hóa – Ngôn ngữ Đông Tây phối hợp với nhà xuất bản Văn học cho xuất bản tuyển tập về Pushkin gồm 5 tập, trong đó có quyển thơ, trường ca với 154 bài thơ và 7 bản trường ca. Cũng trong thời gian này tuyển tập thơ Tôi yêu em của Pushkin được in song ngữ Nga Việt do khoa tiếng Nga trường ĐHSP thành phố Hồ Chí Minh xuất bản.
Độc giả Việt Nam đến với sáng tác văn xuôi của Pushkin tương đối muộn và, có thể nói, không thật sự hào hứng như đối với thơ của ông. Cuối những năm 20 – đầu những năm 30 của thế kỉ XX, các tác phẩm văn học Nga mới bắt đầu được dịch và giới thiệu ở Việt Nam với những tác phẩm văn xuôi của L.Tolstoy, A.Chekhov, M.Gorky… Mãi đến năm 1954, sáng tác của Pushkin mới đến được với độc giả Việt Nam. Năm 1957, trên tạp chí Sinh viên, số 12, đăng bản dịch tiếng Việt đầu tiên tác phẩm văn xuôi của Pushkin Lão chủ xe đòn đám ma do Chu Khắc dịch. Năm 1960, Nhà xuất bản Văn hóa cho xuất bản tác phẩm Dubrovsky, Người con gái viên đại úy do Cao Xuân Hạo dịch. Năm 1961, bản dịch Tuyển tập truyện ngắn của A.Pushkin được xuất bản của Nguyễn Duy Bình, Phương Hồng, Thủy Nguyên, Hoàng Tôn được Cao Xuân Hạo hiệu đính với số bản 10.080 cuốn và được Nhà xuất bản Cầu Vồng tái bản. Năm 1985, Nhà xuất bản Đại học và Trung học chuyên nghiệp cho ra đời Truyện ngắn A.S.Pushkin do Đỗ Hồng Chung dịch. Năm 1999, nhân kỉ niệm 200 năm ngày sinh nhà thơ thiên tài A.S.Pushkin, Nhà xuất bản Văn học kết hợp với Trung tâm văn hóa và ngôn ngữ Đông tây cho ra mắt Alexandr Pushkin - Tuyển tập tác phẩm gồm 5 tập và tập 1 mang tựa đề Văn xuôi Pushkin.
Pushkin là người yêu thích những tác phẩm kịch, đặc biệt là những vở kịch của Molie ngay từ khi còn nhỏ. Từ những năm 1820-1830, ông đã dành nhiều thời gian và công sức nghiên cứu lịch sử kịch Châu Âu để cách tân nền kịch Nga. Cuộc cải cách ấy bắt đầu bằng vở bi kịch lịch sử Borix Godunov, tiếp đến là chùm bi kịch nhỏ: Hiệp sĩ keo kiệt, Mozart và Salieri, Người khách đá, Bữa tiệc trong thời dịch hạch. So với thơ, trường ca, tiểu thuyết bằng thơ Evgheni Oneghin, các tác phẩm kịch của Pushkin được độc giả Việt Nam đón nhận khá hờ hững. Những vở kịch của Pushkin được dịch và giới thiệu ở Việt Nam từ những năm 60 của thế kỷ XX. Năm 1977, vở kịch Boris Godunov được Đỗ Hồng Chung dịch và giới thiệu trong chuyên luận Pushkin – nhà thơ Nga vĩ đại. Năm 1979, vở kịch Ruxanca được Vương Trí Nhàn dịch và in trên báo Văn nghệ số 5. Năm 1987, Tuyển kịch Puskin do NXB Sân khấu xuất bản gồm bi kịch Borix Godunov (Thúy Toàn dịch) và ba vở bi kịch nhỏ (Thái Bá Tân dịch). Đến năm 1999, sáu vở kịch của Pushkin đã được dịch đầy đủ và trong đó có những tác phẩm kịch được tái bản nhiều lần.
Như vậy, việc dịch và xuất bản các sáng tác của Pushkin trong hơn 2 thế kỷ qua đã nói lên nhiều điều về sức cuốn hút kì lạ và thị hiếu của độc giả Việt Nam. Các tác phẩm quan trọng của Pushkin đều được dịch và giới thiệu ở Việt Nam với tần xuất lớn. Một tác giả nước ngoài đến được với độc giả và được độc giả yêu mến như vậy là nhờ một phần rất quan trọng ở đội ngũ dịch giả. Họ là những con người không chỉ biết giỏi về ngoại ngữ, mà quan trọng hơn họ là những người hiểu rõ nền văn hóa dân tộc Nga, yêu mến nước Nga và ít nhiều đã truyền tải được những nét đặc sắc về cuộc sống, tâm hồn con người Nga. Bên cạnh đó là sự ủng hộ nhiệt thành của các nhà xuất bản để tác phẩm sớm đến tay người đọc, góp phần làm phong phú sự hiểu biết các nước khác trên thế giới.
Tiếp nhận qua nghiên cứu phê bình và ảnh hưởng sáng tác
Nghiên cứu phê bình là cầu nối giữa tác giả với người đọc nhằm đánh giá thẩm định những giá trị của tác phẩm và mở ra xu hướng tiếp nhận cho độc giả.
Tên tuổi của Pushkin được biết đến giữa những năm 20, nhưng việc nghiên cứu cuộc đời và các sáng tác của ông phải đến giữa những năm 50 của thế kỷ XX. Cho đến nay, theo khảo sát của chúng tôi đã có khoảng 80 bài viết nghiên cứu được đăng trên các tạp chí, báo, kỷ yếu hội thảo, trong đó có hơn 30 bài viết về Pushkin nói chung, 8 bài về tiểu thuyết bằng thơ Evghenhi Oneghin, 18 bài viết về thơ trữ tình của Pushkin, 15 bài về văn xuôi, 6 bài viết từ góc độ so sánh, 3 bài viết về kịch. Riêng Hội thảo Pushkin và Gogol trong nhà trường được tổ chức năm 2009 tại trường ĐHSP Hà Nội đã có 33 bài viết, trong đó 24 bài viết về Pushkin. Các bài viết đều đánh giá cao vai trò, sự ảnh hưởng của Pushkin và nghiên cứu tác phẩm của ông từ nhiều góc độ, từ đó làm sáng tỏ sự cách tân nghệ thuật của Pushkin ở mọi thể loại.
Người đi tiên phong trong việc nghiên cứu văn học Nga nói chung và Pushkin nói riêng là GS Hoàng Xuân Nhị. Năm 1957, giáo trình đầu tiên về văn học Nga được ra đời với tiêu đề Lịch sử văn học Nga thế kỉ XIX (gồm 3 tập) với 130 trang giới thiệu về cuộc đời và các thể loại sáng tác của. Năm 1970, giáo trình Lịch sử văn học Nga thế kỷ XIX do GS Nguyễn Hải Hà chủ biên đã được xuất bản. Phần viết về Pushkin do Nguyễn Văn Giai biên soạn với 55 trang viết về cuộc đời và sự nghiệp sáng tác của Pushkin. Tiếp theo là bộ Lịch sử văn học Nga (1982) do các thầy cô giáo của trường ĐHSP và trường ĐH Tổng hợp viết chung. Từ đó đến này, ở Việt Nam đã xuất bản nhiều bộ giáo trình mới về văn học Nga và ngày càng khẳng định tên tuổi Pushkin, khẳng định tài năng nhiều mặt trong những sáng tác của ông như Văn học Âu – Mĩ (2006), Giáo trình văn học Nga (2011).
Đỗ Hồng Chung có thể coi là nhà “Pushkin học” đầu tiên ở Việt Nam. Năm 1979 nhà xuất bản Đại học và trung học chuyên nghiệp đã xuất bản cuốn chuyên luận Pushkin – nhà thơ Nga vĩ đại của ông với số trang dày dặn (gẩn 600 trang). Cuốn sách gồm hai phần giới thiệu đầy đủ về thân thế sự nghiệp của Pushkin và tuyển tập những tác phẩm tiêu biểu về mọi thể loại của ông.
Bên cạnh những bộ giáo trình, chuyên luận, chúng tôi thấy xuất hiện nhiều bài viết, bài nghiên cứu về Pushkin dưới mọi góc độ. Xuất hiện nhiều bài viết và những cuốn sách giới thiệu về cuộc đời và sự nghiệp sáng tác của Pushkin, khẳng định tài năng và vị trí của nhà thơ trên văn đàn Nga và thế giới. Lần đầu tiên trên tạp chí Sông Hương số 30 đã đăng bài Nhân lễ bách chu niên một nhà đại thi hào Nga: Pouchkine. Bài báo đã giới thiệu sơ qua những nét khái quát về cuộc đời Pushkin. Thời kì sau này xuất hiện nhiều cuốn sánh nghiên cứu về Pushkin như Pushkin của Hồ Sĩ Vịnh (1983); A.S.Pushkin mặt trời thi ca Nga của Phạm Thị Phương (2002); Pushkin trước ngưỡng cửa của thế kỉ XXI của nhiều tác giả (2002), Tác gia, tác phẩm văn học nước ngoài trong nhà trường - Pushkin của Lê Nguyên Cẩn (2006), Thành Đức Hồng Hà; Kể chuyện về Pushkin của Hoàng Thúy Toàn và Nguyễn Hữu Duy (2007); Văn học Nga trong nhà trường của Hà Thị Hòa (2007); Alêchxanđrơ Pushkin và Tôi yêu em của Hà Thị Hòa (2008). Các bài viết Tình yêu của tôi đối với Puskin của Tế Hanh (1987), Thi hào Nga Puskin với Việt Nam của Thúy Toàn (1994), Mặt trời của thơ ca nước Nga, đại thi hào thế giới tiến bộ: A.X.Puskin của Trần Trọng Đăng Đàn (1997), Thiên tài Puskin của Hoàng Minh Châu (1997), Một tình yêu và sự nghiệp lớn lao của Nguyễn Khoa Điềm (1999), Puskin và vấn đề phương Đông của Vũ Thế Khôi (1999), Pushkin - nhà thơ của dân tộc Nga của Trần Thị Phương Phương (1999)… Mỗi cuốn sách, mỗi bài viết giúp cho độc giả hiểu sâu hơn về cuộc đời, sự nghiệp sáng tác của Pushkin, giúp bạn đọc khám phá những giá trị thẩm mĩ của thơ văn Pushkin, vị trí và vai trò của ông trong nền văn học Nga, cũng như văn học thế giới.
Thơ trữ tình Pushkin chiếm một vị trí đặc biệt trong nền văn học Nga. Bằng ngôn từ và kết cấu giản dị, trong sáng nhưng hàm súc cô đọng, thơ Puskin khiến bao trái tim độc giả rung động trước tinh thần đấu tranh vì tự do cho nhân dân và tình yêu quê hương đất nước, tình yêu đôi lứa nồng cháy. Thơ Pushkin được dịch ra nhiều thứ tiếng và Tôi yêu em trở thành một trong những bài thơ tình nổi tiếng thế giới. Xuất hiện nhiều bài nghiên cứu về thơ Pushkin như Puskin, nguồn thơ thấm sâu cảm quan lịch sử hiện thực của Nguyễn Kim Đính (1979), Bức tranh, khúc nhạc và con người trên “Con đường mùa đông” nước Nga của Trần Hinh (1991), Mối quan hệ giữa nhà thơ A.S.Pushkin với cách mạng tháng Chạp 1825 của Nguyễn Huy Hoàng (2009), Bài thơ “Tôi yêu em” của Phạm Thị Phương (2002), Cách mạng Pháp trong thơ của Pushkin của Hà Thị Hòa (2009), Sức xuân của những hình tượng nghệ thuật Pushkin của Trần Vĩnh Phúc (2009), Thời gian trong bài thơ Gửi của A.Pushkin của Nguyễn Thị Thu Thủy (2009),Trở lại với bài thơ Tôi yêu em của Pushkin của Phạm Xuân Hoàng (2009), Tôi yêu em hay cái tôi kiêu hãnh – độ lượng của niềm đau khôn tả của Lê Huy Bắc (2009)
Trong toàn bộ sáng tác của Pushkin, tiểu thuyết bằng thơ Evghenhi Oneghin trở thành tác phẩm trung tâm trong sự nghiệp sáng tác của ông, tác phẩm hiện thực đầu tiên của nền văn học Nga. Giới nghiên cứu phê bình ở Việt Nam đánh giá cao tài năng của Pushkin “Tiểu thuyết Evghenhi Oneghin bộc lộ tập trung, nổi bật tài năng của Pushkin, thể hiện những quan sát lạnh lùng của trí tuệ và những nhận xét cay đắng của trái tim”[6, 179]
Pushkin là nhà văn Nga đầu tiên đưa văn xuôi nghệ thuật lên ngang hàng với thơ ca. Pushkin khai phá một hướng đi mới và góp phần đặt nền móng cho văn xuôi Nga hiện đại. Ông đã cải cách nền văn xuôi Nga đương thời, khơi nguồn cho N.Gogol, M.Lermontov, I.Turghenev, F.Dostoevsky, L.Tolstoy, A.Chekhov… làm nên khuynh hướng văn xuôi hiện thực tâm lý xã hội Nga đặc sắc với những hình tượng sống động, tính tư tưởng sâu sắc, với tinh thần nhân văn cao cả. Vai trò khởi đầu của Pushkin trong lịch sử văn xuôi Nga từng được chính F.Dostoevsky khẳng định trong lá thư gửi N.N.Strakhov ngày 5 tháng 4 năm 1870: “Pushkin, Lomonosov là những bậc thiên tài. Xuất hiện với “Người da đen của Piốt Đại đế” và “Tập truyện ông Belkin” - nghĩa là xuất hiện dứt khoát với thiên năng của một tiếng nói mới trước đó chưa từng được nói ra ở bất cứ đâu và bất cứ khi nào. Xuất hiện với “Chiến tranh và hòa bình” – có nghĩa là đã xuất hiện sau tiếng nói mới của Pushkin…” [14,452].
Nghiên cứu văn xuôi Pushkin từ góc độ nghệ thuật tự sự đã trở thành một hướng đi mới mẻ để tìm hiểu những giá trị cách tân văn xuôi của Pushkin và sức sống trường tồn theo năm tháng của các tác phẩm văn xuôi Pushkin. Ở Việt Nam văn xuôi Pushkin, mặc dù được các nhà nghiên cứu, phê bình quan tâm, nhưng chỉ dừng lại những bài viết đơn lẻ. Nhận xét về truyện ngắn Pushkin, GS Hoàng Xuân Nhị viết: “Đó là sự tái tạo nhằm diễn tả cuộc sống của con người bình thường trong tác phẩm một cách trung thực, không tô vẽ… Truyện ngắn của Pushkin có giá trị hiện thực to lớn. Nó xây dựng được “hình tượng con người nhỏ bé” đại diện cho những tầng lớp thấp kém trong xã hội. Truyện ngắn đánh dấu sự hình thành của phương pháp sáng tác mới theo chủ nghĩa hiện thực” [10,103]. Đỗ Hồng Chung cho rằng: “Văn xuôi Pushkin rất gần với chúng ta ngày nay, thứ văn xuôi gọn chắc, tiết kiệm ngôn từ, nội dung phong phú” [2,134], “Pushkin làm được việc sáng tạo văn học và ngôn ngữ Nga vì đã đi từ cái gốc Nga truyền thống, gốc Nga nhân dân, gốc Nga thời đại” [2,185]. “Pushkin đã xây dựng một nền văn học thực sự dân tộc, một nền văn học của nhân dân, của nhân loại. Tác phẩm của Pushkin phán ánh sâu sắc, toàn diện những đặc điểm dân tộc Nga, vượt ra khỏi những khuôn khổ cũ có tính chất trừu tượng, giáo huấn khô khan, từ bỏ những qui phạm ước lệ, gò bó, những hình thức cầu kì, trống rỗng, nhằm thể hiện chân thực, chính xác, đầy đủ cuộc sống và con người” [2,185]. Lưu Liên trong bài Thiên tài Pushkin và thiên tiểu thuyết Người con gái viên đại úy (1994) và Hà Thị Hòa với bài viết Tiểu thuyết Con gái viên đại úy – đỉnh cao của văn xuôi Pushkin (2004) tiếp cận văn xuôi Pushkin từ góc độ lịch sử. Nhân kỉ niệm 200 năm ngày sinh Pushkin, Viện Văn học và Trung tâm khoa học xã hội và nhân văn Quốc gia đã tổ chức Hội thảo kỉ niệm ngày sinh Pushkin. Trong đó, chúng tôi thấy có hai bài viết về văn xuôi Pushkin của Nguyễn Kim Đính và Lưu Văn Bổng. Trong Truyện Con đầm pích của A.Pushkin (So sánh với truyện Giấy tờ của Aspern), Lưu Văn Bổng so sánh hai tác phẩm theo phương pháp loại hình học để tìm hiểu Pushkin có ảnh hưởng đến nhà văn H.James hay không và sự ảnh hưởng ấy như thế nào. Nghệ thuật tự sự của Pushkin được phân tích sâu sắc đặc biệt trong bài Pushkin khởi điểm của văn xuôi hiện thực Nga thế kỉ XIX của Nguyễn Kim Đính. Trong 23 trang viết, tác giả đề cập tới nhiều bình diện của nghệ thuật tự sự văn xuôi Pushkin. Nhận xét về người kể chuyện và giọng điệu trong Tập truyện ông Belkin, nhà nghiên cứu viết: “Pushkin đã sớm dứt ngay được với kiểu thuật truyện với giọng điệu duy nhất của cái tôi – tác giả. Đọc kỹ lại Tập truyện ông Belkin, chúng ta thấy tác giả “chăm sóc” kĩ càng như thế nào hình tượng người thuật truyện và giọng điệu của người đó… sắc thái đa dạng của giọng điệu gắn liền với những người kể chuyện khác nhau, gắn liền với nội dung của từng câu chuyện cụ thể. Cái tinh tế ở đây là ông Belkin thuật thành truyện những câu chuyện do nhiều người khác kể cho ông nghe và giọng điệu người kể đã để lại những dấu ấn nhất định trong lời thuật của ông Belkin”[3,51-52]. Nguyễn Kim Đính đánh giá về kết cấu tự sự: “Dưới góc độ nghệ thuật, mỗi tác phẩm của Pushkin là một chỉnh thể đạt mức hoàn hảo, nhưng trong khuôn khổ hoàn chỉnh đó lại là cốt truyện không hoàn kết, mở cả về quá khứ và tương lai” [3,55]. Đây là một trong những luận điểm cơ bản về nghệ thuật tự sự của Pushkin. Nguyễn Hải Hà trong bài viết Cái hoang đường trong văn học Nga thế kỉ XIX đề cập tới cái hoang đường và cái thực trong sáng tác văn xuôi Pushkin và đi tới nhận xét về vai trò của yếu tố hoang đường trong văn xuôi Pushkin. Nguyễn Trường Lịch với Từ Người con gái viên đại úy của Pushkin đến Taras Bulba của Gogol, bàn về tính lịch sử và tính thời sự của tiểu thuyết lịch sử (2009) cho độc giả hiểu một cách thấu đáo tính lịch sử chứa đựng trong từng tác phẩm. Cả Pushkin và Gogol đều xây dựng tác phẩm lịch sử gắn liền với số phận nhân dân Nga chống lại chính quyền nông nô hà khắc. Năm 2009, khoa Ngữ Văn trường Đại học Sư phạm Hà Nội tổ chức Hội thảo A.Pushkin và N.Gogol trong nhà trường và thu hút được nhiều sự quan tâm của các nhà nghiên cứu phê bình và đặc biệt là các thầy cô giáo giảng dạy văn học Nga trong các trường Đại học và Cao đẳng. Các bài viết Một số đóng góp của văn xuôi A. S. Pushkin đối với văn học Nga đầu thế kỉ XIX (2009) của Hà Văn Lưỡng, Một số vấn đề về nghệ thuật tiểu thuyết Người con gái viên đại úy của Pushkin của Dương Ánh Tuyết, Trần Phương Thảo (2009), Truyện ngắn A.Pushkin – những tìm tòi khám phá của Nguyễn Thị Vượng (2009) đã nghiên cứu văn xuôi Pushkin ở một số bình diện: kết cấu, ngôn ngữ, giọng điệu, điểm nhìn… và có những đóng góp nhất định vào việc nghiên cứu văn xuôi Pushkin ở Việt Nam.
Tìm hiểu kịch Pushkin, các nhà nghiên cứu quan tâm tới sự cách tân nghệ thuật kịch của Pushkin với sự phá bỏ khuôn khổ truyền thống của kịch cổ điển, phá bỏ qui tắc tam duy của nền văn học phương Tây, đưa tới một nền kịch Nga hoàn toàn mới về đề tài, ngôn ngữ, nhân vật như Một số đặc điểm kịch của A.X.Puskin qua tác phẩm “Bori Godunov” và “Hiệp sĩ keo kiệt” của Đỗ Hải Phong (1999), “Người khách bằng đá” và loại hình bi kịch ngắn của Tất Thắng (1999), Moda và Xalieri - lời cảnh báo cho mọi thời đại của Lê Sơn (1999), Về kịch của A.Pushkin của Lê Nguyên Cẩn (2009).
Nghiên cứu từ góc độ so sánh cũng nhận được nhiều bài viết: Dostoevski và trường phái Pushkin của Phạm Thị Phương (1993), Mối quan hệ giữa A.Pushkin và N.Gogol của Lê Đức Thụ (2009), A.X.Puskin và Tagor – những “mặt trời” của thi ca nhân loại của Nguyễn Thị Mai Liên (2009), Từ Người con gái viên đại úy của Pushkin đến Tarax Bunba của Gogol – Bàn về tính lịch sử và tính thời sự của tiểu thuyết lịch sử của Nguyễn Trường Lịch (2009), Pushkin và Gogol – Hai kiểu sáng tác trong văn học Nga của Đào Tuấn Ảnh (2013)
Sau chuyên luận Pushkin – nhà thơ Nga vĩ đại của Đỗ Hồng Chung, sau khi những tác phẩm cơ bản của Pushkin được dịch ở Việt Nam, sau một thời gian Pushkin được đưa vào học trong chương trình phổ thông trung học, văn xuôi của Pushkin đã bắt đầu được chú ý đến. Ta có thể nhấn thấy dấu ấn của Con đầm pích trong sáng tác Nguyễn Huy Thiệp. Huyền thoại phố phường và Con đầm pích có nhiều nét tương đồng về nội dung và nghệ thuật. Cả hai tác phẩm đều tập trung vào một chủ đề mới trong văn học - sự ra đời con người tư sản với những dục vọng tiền bạc. Để đạt được mục đích của mình, họ dám chà đạp lên nhân phẩm, đạo đức của con người, thậm chí gây tội ác. Cốt truyện được xây dựng trên khát vọng làm giàu của con người. Ghermann và Hạnh đều xuất thân từ tầng lớp nghèo trong xã hội, luôn phải tự nhủ với bản thân tiết kiệm để tồn tại. Nhưng sống giữa cuộc sống giàu sang của giới quý tộc, cả hai đều rơi vào ảo tưởng và mong muốn làm giàu một cách nhanh chóng để đổi đời. Vì bí mật ba con bài, Ghermann sẵn sàng trở thành tình nhân của bà lão bá tước, dám bán linh hồn cho quỉ dữ. Vì tấm vé xổ số, Hạnh quyết định trở thành nhân tình của bà Thiều ngay lập tức. Âm mưu của họ đều thất bại, cả hai đều trở thành kẻ điên và bị tống vào bệnh viện tâm thần. Yếu tố kì ảo là thủ pháp nghệ thuật mà Pushkin sử dụng để miêu tả khát vọng làm giàu của Ghermann cũng được Nguyễn Huy Thiệp chú ý đưa vào trong tác phẩm của mình tuy có phần mờ nhạt. Mặc dù tác phẩm của Nguyễn Huy Thiệp có sự vay mượn của Pushkin nhưng bạn đọc vẫn nhận ra sự khác biệt trong cách miêu tả, cách xây dựng tình huống để nhân vật bộc lộ bản chất thật.
Viết về sự ảnh hưởng của Pushkin nói chung và tác phẩm Con đầm pích nói riêng có bài viết của Bùi Thanh Truyền với Huyền thoại phố phường và Con đầm pích nhìn từ quy luật giao lưu văn học (2010), Phạm Thị Phương với Những con số bí ẩn trong truyện ngắn Con đầm pích của A. Pushkin (2010), Phan Huy Dũng – Tiếp nhận ảnh hưởng để đổi mới và sáng tạo (Nghĩ về một vấn đề đương đại qua nghiên cứu so sánh Huyền thoại phố phường của Nguyễn Huy Thiệp với Con đầm pích của A.S.Pushkin) (2012).
Tiếp nhận qua giảng dạy
A.S.Pushkin là tác giả văn học Nga đầu tiên được đưa vào chương trình giảng dạy trong nhà trường, từ bậc đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp đến nhà trường phổ thông. Trong các trường Cao đẳng, Đại học, sinh viên sẽ học nhiều hơn và sâu hơn về Pushkin và các tác phẩm của ông để thấy được sự vĩ đại của nhà thơ, khám phá sự cách tân nghệ thuật trong mọi thể loại sáng tác của Pushkin, xứng đáng với vị trị là người “mở đầu của mọi mở đầu”. Hằng năm, sinh viên khoa Văn luôn chọn Pushkin làm đề đề tài nghiên cứu của mình. Đối với họ Pushkin vừa rất gần, rất giản dị nhưng luôn là bí ẩn. Theo thống kê của chúng tôi, ở khoa Văn trường ĐHSP Hà Nội có 12 khóa luận, 6 luận văn, 1 luận án, 25 báo cáo về mọi thể loại sáng tác của ông. Nhiều tác phẩm của Pushkin được đưa vào giảng dạy ở mọi cấp học như Tôi yêu em, Con đường mùa đông, Con đầm pích, Ông lão đánh cá và con cá vàng với các bài phân tích, bình luận của các nhà nghiên cứu như Nguyễn Hải Hà - Tôi yêu em (1991), Anh Nga với Một bài thơ tình nổi tiếng của Puskin được giảng dạy ở PTTH, Phạm Thị Phương với Vài trao đổi về việc giảng dạy tác phẩm của Puskin trong nhà trường phổ thông (2002), Thành Đức Hồng Hà với Tôi yêu em (2006), Hà Thị Hòa với “Con đường mùa đông” của A.X.Puskin và “Con đầm pích” của A.X.Puskin (2007), Đỗ Hải Phong với Thơ trữ tình của A.Pushkin trong chương trình PTTH ở Việt Nam (2009). Các bài phân tích mong muốn học sinh hiểu rõ giá trị trường tồn trong sáng tác của Pushkin.
Sau những Hội thảo khoa học kỉ niệm “200 năm ngày sinh Pushkin” tại Viện Văn học và Đại học Sư phạm Hà Nội, đặc biệt là sau Hội thảo “Pushkin và Gogol trong nhà trường” năm 2009, có thể thấy Pushkin thực sự thu hút giới nghiên cứu ở Việt Nam, nhất là trong phạm vi chuyên ngành Văn học Nga ở các trường Đại học và Cao đẳng. Việc nghiên cứu Pushkin ở Việt Nam cần có những thể nghiệm gắn với những khuynh hướng tiếp cận được ý thức rõ ràng hơn để làm nổi bật được những khía cạnh đặc sắc của văn xuôi Pushkin như những tiêu điểm nghiên cứu.
Thư mục tham khảo
1.Lưu Văn Bổng (1999). Truyện Con đầm pích của Pushkin.// Alexandr Pushkin. Tuyển tập tác phẩm. NXB Văn học - Trung tâm văn hóa và ngôn ngữ Đông Tây, Tập 5, tr. 56-67.
2. Đỗ Hồng Chung (1979), Pushkin – Nhà thơ Nga vĩ đại, NXB Đại học và Trung học chuyên nghiệp
3. Nguyễn Kim Đính (1999), Pushkin – khởi điểm của văn xuôi hiện thực Nga thế kỷ XIX.// Alexandr Pushkin. Tuyển tập tác phẩm, NXB Văn học - Trung tâm văn hóa và ngôn ngữ Đông Tây, tập 5, tr. 24-35.
4. Nguyễn Hải Hà (chủ biên) (2001), Lịch sử văn học Nga thế kỷ XIX, NXB Giáo dục
5. Nguyễn Hải Hà (2006 ), Cái hoang đường trong văn học Nga thế kỷ XIX, Tạp chí văn học, số 6, tr. 21-34.
6. Nguyễn Hải Hà (1999), Evghenhi Oneghin của Pushkin – kiệt tác văn học thế giới, tr 179
7. Hà Thị Hòa (2004), Tiểu thuyết Con gái viên đại úy– đỉnh cao của văn xuôi Pushkin // Kỉ yếu hội thảo Những nhà nghiên cứu trẻ, Đại học Sư phạm Hà Nội, tr. 203-207
8. Nhiều tác giả (1990), Lịch sử văn học Nga thế kỷ XIX, NXB Đại học và Trung học chuyên nghiệp.
9. Nguyễn Trường Lịch (2009), Từ Người con gái viên đại úy của Pushkin đến Taras Bulba của Gogol, bàn về tính lịch sử và tính thời sự của tiểu thuyết lịch sử // Kỉ yếu hội thảo A.Pushkin và N.Gogol trong nhà trường, Đại học Sư phạm Hà Nội.
10. Lưu Liên (1994), Thiên tài Pushkin và thiên tiểu thuyết Người con gái viên đại úy, Tạp chí Văn học, Số 6, tr. 24-33.
11. Hoàng Xuân Nhị (1962), Lịch sử văn học Nga TK XIX, NXB Văn hóa. 52
12. Trần Quỳnh Nga (2002), A.S.Pushkin trong di sản văn hóa, văn học Việt Nam, Pushkin trước ngưỡng cửa của thế kỷ XXI, tr 184.
13. Nhiều tác giả (1997), Lịch sử văn học Nga, NXB Giáo dục.
14. Đỗ Hải Phong (2006), A.Pushkin // Văn học Âu – Mĩ, NXB Đại học Sư phạm.
15. Гей Н.К. (1980), Проза Пушкина: Поэтика повествования, М.
16. Достоевский Ф. М. (1996), Cобрание сочинений в пятнадцати томах, Санкт-Петербург, “НАУКА”, Том пятнадцатый.
17. Тарковский А. (1981), Собрание сочинений, т. 2. , "Художественная литература", М.