Thơ gọi tên điều gì

Thơ vốn thường được ví với chủ nghĩa thần bí và chủ nghĩa khiêu dâm (eroticism). Sự tương đồng giữa chúng là rõ ràng; sự khác biệt giữa chúng không kém phần hiển nhiên. Khác biệt đầu tiên, cũng là sự khác biệt quan trọng nhất của những khác biệt này là ý nghĩa, hay đúng hơn, là đối tượng của thơ ca, tức điều mà thi sĩ gọi tên.

Thơ vốn thường được ví với chủ nghĩa thần bí và chủ nghĩa khiêu dâm (eroticism). Sự tương đồng giữa chúng là rõ ràng; sự khác biệt giữa chúng không kém phần hiển nhiên. Khác biệt đầu tiên, cũng là sự khác biệt quan trọng nhất của những khác biệt này là ý nghĩa, hay đúng hơn, là đối tượng của thơ ca, tức điều mà thi sĩ gọi tên. Kinh nghiệm thần bí – bao gồm cả kinh nghiệm của những giáo phái vô thần như Phật giáo nguyên thủy hay đạo Tantra – là sự kiếm tìm mối liên lạc với với một điều thiện siêu nghiệm. Đối tượng của hoạt động thi ca về bản chất là ngôn ngữ: dù cho tín ngưỡng hay đức tin của là thơ nhà gì đi nữa thì anh ta bận tâm với ngôn ngữ hơn là những gì mà thứ ngôn từ này chỉ định. Điều này không có nghĩa thế giới thi ca thiếu vắng ý nghĩa hay ý nghĩa của nó chỉ mang tính chất ngoại biên. Tôi chỉ đơn giản muốn nói rằng: trong thơ, ý nghĩa là thứ không thể tách rời ngôn từ, trong khi đó ở lời nói hàng ngày, thậm chí ngay trong diễn ngôn của cái thần bí, ý nghĩa nằm trong cái mà ngôn từ quy chiếu đến, ở một cái gì đó bên ngoài ngôn ngữ. Kinh nghiệm của nhà thơ, trên tất cả, là kinh nghiệm ngôn từ; trong thơ ca, mọi kinh nghiệm đều ngay lập tức mang đặc điểm của kinh nghiệm ngôn từ. Điều này đúng với các thi sĩ ở mọi thời đại, song kể từ chủ nghĩa lãng mạn, mối bận tâm về ngôn từ này trở thành điều mà ta có thể gọi là ý thức thi pháp (poetic consciousness), một thái độ ít được chú ý trong truyền thống cổ điển. Các thi sĩ ở những thời đại trước đó cũng ý thức rất sắc sảo về giá trị của từ ngữ không kém các thi sĩ hiện đại nhưng họ kém nhạy cảm hơn về vấn đề ý nghĩa. Thi pháp thần bí (hermeticism) của Góngora không hàm ẩn sự phê bình ý nghĩa trong khi đó thi pháp của Mallarmé hay Joyce trước hết là sự phê bình và đôi khi còn là sự phá hủy ý nghĩa. Thơ hiện đại không tách rời sự phê bình ý nghĩa., điều này, đến lượt mình, lại trở thành hình thức triệt để nhất, khốc liệt nhất của sự phê phán hiện thực. Ngôn ngữ giờ đây chiếm lĩnh vị trí vốn từng bị chiếm lĩnh bởi các thần linh hay một thực thể, thực tại bên ngoài nào đó. Bài thơ không quy chiếu đến bất cứ thứ gì khác ngoài chính nó; cái mà một từ quy chiếu là một từ khác. Ý nghĩa không cư trú bên ngoài bài thơ mà ở bên trong nó; không nằm trong những gì từ ngữ nói mà trong những gì từ ngữ nói với nhau.

Không thể đọc Góngora và Mallarmé, Donne và Rimbaud theo cùng một cách. Cái khó của thơ Góngora là cái khó ngoại hiện: đó là cái khó của ngữ pháp, của ngôn ngữ họ, của các huyền thoại. Thơ Góngora không mờ tối; nó  phức tạp. Cú pháp thơ của ông rất bất thường, có những điển tích huyền thoại và lịch sử phủ trùm lên, ý nghĩa của mỗi cụm từ rất mơ hồ. Song một khi những vấn đề rắc rối và những sự bí ẩn quấy rầy này được giải quyết, ý nghĩa của bài thơ lại trở nên rõ ràng. Điều này cũng đúng với Donne, một thi sĩ khó hiểu không kém Góngora, người viết với một bút pháp thậm chí còn rậm rạp hơn. Sự khó hiểu của thơ Donne là sự khó hiểu về ngôn ngữ, trí tuệ và thần học. Nhưng khi độc giả tìm được chìa khóa, bài thơ sẽ mở toang như một hòm thánh. Những bài thơ hay nhất của Donne đều thể hiện nỗi nghịch lý giữa dục cảm, trí tuệ và tôn giáo. Ở hai nhà thơ này, những quy chiếu đều gắn với những gì bên ngoài bài thơ: thiên nhiên, xã hội, nghệ thuật, huyền thoại, thần học. Thi sĩ nói bằng con mắt của Polyphemus, sự trắng muốt của Galatea, nỗi sợ hãi cái chết, sự hiện hữu của một thiếu nữ. Trong những tác phẩm chính của Rimbaud, thái độ thơ ca đã hoàn toàn khác. Trước hết, thơ Rimbaud là sự phê phán hiện thực cùng những “giá trị” nâng đỡ hay biện chính cho nó: Thiên chúa giáo, luân lý, cái đẹp; thứ hai, đó là một nỗ lực đặt những nền tảng cho một hiện thực mới: một tình bằng hữu kiểu mới, một chủ nghĩa khiêu dâm kiểu mới, một con người mới. Tất cả điều này trở thành sứ mệnh của thi ca, “thuật giả kim của Ngôn từ”. Mallarmé còn nghiêm ngặt hơn. Tác phẩm của ông – nếu đây quả là từ phù hợp để gọi mấy ký hiệu để lại trên những trang bản thảo, những dấu vết của một cuộc thám hiểm vô tiền khoáng hậu và một vụ đắm tàu – là một cái gì đó còn hơn cả một sự phê bình và phủ định hiện thực: nó là mặt tương ứng của tồn tại (being). Ngôn từ là mặt tương ứng của hiện thực: không phải hư vô mà là Ý niệm, là ký hiệu thuần khiết không quy chiếu về bất cứ cái gì cả, nó không phải là tồn tại, cũng không phải là phi tồn tại. “Sân khấu của tinh thần” – Tác phẩm của Ngôn từ đó – không những là bản song trùng của vũ trụ: nó là một hiện thực đích thực. Ở tác phẩm của Rimbaud và Mallarmé, ngôn ngữ quy chiếu lại chính bản thân nó, nó không còn làm công việc chỉ định, biểu thị, nó không phải biểu tượng của, cũng không quy chiếu đến, những hiện thực bên ngoài, dù đó là những khách thể vật lý hay khách thể siêu cảm giác. Đối với Góngora, cái bàn là một “cây thông vuông”; với Donne, Chúa Ba ngôi là “hài cốt đối với triết học nhưng là sữa đối với đức tin”. Rimbaud không nhắm đến thế giới này, đúng hơn, ông hướng đến Ngôn từ mà thế giới này trụ trên đó:

Đã tìm thấy rồi!

Gì kia? Sự vĩnh cửu.

Là biển trải đến vô cùng

Dưới mặt trời.

Sự khó hiểu của thơ hiện đại không nảy sinh từ độ phức tạp của nó – Rimbaud giản dị hơn nhiều so với Góngora hay Donne – mà đúng hơn từ chỗ, giống như kinh nghiệm thần bí hay ái tình, nó đòi hỏi một sự từ bỏ tất cả (và đồng thời, tương ứng với điều này, là sự cảnh giác tất cả). Nếu ngôn từ của bài thơ không hề tối tăm, vậy thì tôi cho rằng sự khó hiểu này không phải mang bản chất trí tuệ mà mang bản chất đạo đức. Đó là một kinh nghiệm hàm ẩn sự phủ định thế giới bên ngoài, dù đó là một thế giới lâm thời, như một suy tư triết học. Nói ngắn gọn, thơ hiện đại là một nỗ lực phủ định tất cả những ý nghĩa mang tính quy ước vì thơ ca, bản thân nó, đã trở thành ý nghĩa tối hậu của đời sống và của con người; do đó, nó cùng lúc là sự phá hủy và sáng tạo ngôn ngữ – đó là sự phá hủy ngôn từ và ý nghĩa, lãnh địa của sự im lặng, nhưng đồng thời, đó cũng là hành trình ngôn từ đi tìm Ngôn ngữ. Những kẻ khinh miệt cuộc kiếm tìm này, xem đó như là “sự điên rồ tột bậc” thì nhiều vô kể. Thế nhưng, trong suốt hơn một thế kỷ qua, vẫn có một vài kẻ đơn độc, trong số đó có những người cao quý nhất, tài năng nhất của nhân loại kể từ khi hiện diện trên mặt đất này, đã không ngần ngại dành cả đời mình để đeo đuổi sứ mệnh phi lý này.

Hải Ngọc dịch

Nguồn: Octavio Paz, “What Does Poetry Name?”, in trong Alternating Current, bản dịch Anh văn của Helen Lane, NY: Arcade Publishing 1990, trang 3-5.


Source: 
15-10-2020
Tags