Cùng với sự hình thành phát triển của kinh tế thị trường, những năm 90 văn học Trung Quốc đã diễn ra quá trình thị trường hóa một cách mạnh mẽ. Trong khuôn khổ bài viết này, người viết hướng tới giới thiệu bối cảnh dẫn tới hiện tượng thị trường hóa văn học, đồng thời chỉ ra những chuyển biến của đời sống văn học Trung Quốc trong quá trình thị trường hóa, từ vấn đề đội ngũ nhà văn, thực tiễn sáng tác, xuất bản, truyền bá và tiêu thụ, từ đó chỉ ra thị trường hóa là con đường tất yếu của văn học trong bối cảnh văn hóa mới. Từ khóa: Thị trường hóa văn học, Kinh tế thị trường, Văn học Trung Quốc
Từ những năm 90 của thế kỉ trước, thị trường hóa văn học Trung Quốc diễn ra mạnh mẽ. Khi hiện tượng này mới diễn ra, có không ít ý kiến trái chiều, nhưng dù khen hay chê, phê bình hay ủng hộ, hưởng ứng hay thờ ơ, thì hiện tượng này vẫn tồn tại và không ngừng phát triển. Năm 1997 Lí Hân Phúc, Quách Nhuệ đã khẳng định: “Văn học thị trường là chạy theo nhu cầu thị trường, thông qua phương thức vận hành thị trường tiến hành sáng tác và xuất bản, phục vụ nhu cầu văn hóa công chúng thị trường, có số lượng độc giả lớn, sẽ trở thành chủ lực của văn học trong tương lai”[1]. Quá trình thị trường hóa ảnh hưởng đến toàn bộ đời sống văn học, từ vấn đề đội ngũ nhà văn, hoạt động sáng tác, xuất bản, truyền bá và tiêu thụ.
Thị trường hóa văn học gắn liền với sự hình thành và phát triển của kinh tế thị trường. Từ năm 1978 Trung Quốc tiến hành cải cách mở cửa, với hàng loạt chính sách nhằm thúc đẩy kinh tế phát triển, trong đó quan trọng nhất là đã thúc đẩy sự chuyển đổi từ mô hình kinh tế kế hoạch sang mô hình kinh tế thị trường. Về cơ bản, đến những năm 90 của thể kỉ 20, Trung Quốc đã hoàn tất bước chuyển đổi này. Sự phát triển của kinh tế thị trường đã tác động mạnh mẽ đến toàn bộ xã hội, trong đó có hệ thống văn hóa. Quan hệ thị trường, ý thức hàng hóa trở thành vấn đề nổi bật trong cục diện văn hóa Trung Quốc thời bấy giờ, các đơn vị quản lí văn hóa, hoạt động văn hóa nói chung đã có những chuyển biến lớn. Từ năm 1949, các đơn vị quản lí văn hóa được coi là đơn vị sự nghiệp, hoạt động dưới sự chỉ đạo về tư tưởng đường lối và được bảo trợ về nguồn kinh phí. Nhà nước quản lí những người làm công tác văn hóa văn học nghệ thuật thông qua các hiệp hội văn học nghệ thuật. Thế nhưng, bắt đầu từ năm 1988, khái niệm “thị trường văn hóa” lần đầu tiên được Liên hiện tổng cục công thương quốc gia Trung Quốc sử dụng, từ đó thị trường văn hóa dần dần được mở rộng. Thể chế văn hóa được đổi mới, các cơ quan xuất bản, báo chí, truyền hình bắt dầu thực hiện mô hình “đơn vị sự nghiệp, quản lí doanh nghiệp”. Năm 1992 Quốc vụ viện Trung Quốc đã chính thức xếp sự nghiệp văn hóa vào sản nghiệp thứ ba bên cạnh sản nghiệp thứ nhất (nông nghiệp), sản nghiệp thứ hai (công nghiệp, xây dựng), cho phép các đơn vị này huy động nguồn vốn ngoài xã hội và phát huy vai trò điều tiết của thị trường. Năm 2000, trong văn bản chính thức của trung ương đã nhắc tới khái niệm “sản nghiệp văn hóa”, thúc đẩy hoàn thiện xây dựng, quản lí giám sát thị trường văn hóa. Đây là những cơ sở quan trọng thúc dẩy sản xuất văn hóa tinh thần hướng tới thị trường hóa tham gia vào quá trình cạnh tranh lành mạnh thu được lợi ích kinh tế. Sang thế kỉ mới, Trung Quốc triển khai mạnh mẽ chủ trương “văn hóa hóa kinh tế, kinh tế hóa văn hóa”.
Ảnh hưởng mạnh mẽ nhất đến quá trình thị trường hóa văn học Trung Quốc chính là sự thay đổi vai trò và phương thức hoạt động của nhà xuất bản, tạp chí. Trước kia, đặc biệt là từ khi thành lập Cục quản lí sự nghiệp xuất bản quốc gia (1973), nhà xuất bản là đơn vị chuyên phụ trách xuất bản, mang tính phi lợi nhuận, chỉ làm nhiệm vụ lựa chọn nội dung và đối tượng xuất bản sao cho phù hợp với đường lối chính sách văn hóa của nhà nước, phát huy chức năng tuyên truyền phục vụ chính trị của văn học. Nhà xuất bản không quan tâm đến vấn đề tiêu thụ, việc tiêu thụ do Tân Hoa thư điếm đảm nhiệm. Bắt đầu từ năm 1980 đã có những động thái phá vỡ mô hình sản xuất đơn thuần của nhà xuất bản, hướng tới mô hình sản xuất kinh doanh. Năm 1984, Quốc vụ viện đã ra thông báo các tạp chí và nhà xuất bản phải tự lo thu chi. Đến năm 1988, thể chế phát hành được cải cách, cho phép các nhà sách tư nhân tham gia phát hành, phá vỡ thế độc quyền phát hành của Tân Hoa thư điếm, mang lại nhiều không gian cho các nhà sách phát triển. Trong bước chuyển đổi này, nhà xuất bản chuyển từ được nhà nước cung cấp kinh phí hoạt động sang tự thu tự chi, chính vì vậy, nhà xuất bản buộc phải quan tâm đến vấn đề hiệu quả kinh tế. Đây vừa là thách thức vừa là cơ hội đối với các nhà xuất bản, họ sẽ phải thâm nhập vào thị trường, quan tâm đến thị hiếu độc giả, liên kết với nhà văn, quan tâm đến vấn đề phát hành…
Tình hình hoạt động của các tạp chí cũng có sự biến động rõ rệt. Trước kia, tạp chí chuyên đăng tải sáng tác văn học của Hội Nhà văn như Tạp chí thơ, tạp chí Văn học nhân dân… là tạp chí mang tính quyền uy. Nhưng khi chính sách văn nghệ thay đổi, nhà nước giảm cung cấp kinh phí hoạt động cho các tạp chí này, thì lượng phát hành của nó giảm sút nghiêm trọng. Trong khi đó những tạp chí khác như tạp chí Độc giả, Gia đình thường đăng tải những bài viết có nội dung gắn với đời sống hằng ngày, với thị hiếu bình dân lại phát triển, lượng phát hành mỗi kì có lúc lên tới 200 vạn đến 300 vạn.
Ngoài ra, sự phát triển mạnh mẽ của các phương tiện truyền thông đại chúng như băng đĩa, truyền hình, và sau này là internet, cũng góp phần không nhỏ thúc đẩy quá trình thị trường hóa văn học. Các yếu tố văn hóa từ hải ngoại, Hong Kong, Đài Loan với những thành công như tiểu thuyết Kim Dung, Quỳnh Dao, ca khúc Đặng Lệ Quân, và cả những thành công trong quá khứ như sự thành công của tiểu thuyết phái Uyên ương hồ điệp những năm 1912-1927, văn học đô thị Thượng Hải những năm 30, 40… đã có vai trò không nhỏ trong việc cổ vũ các nhà văn có thêm dũng khí tham gia vào quá trình thị trường hóa văn học.
Khi kinh tế thị trường ảnh hưởng đến mọi mặt của đời sống xã hội, các nhà văn Trung Quốc đã có sự phân hóa rõ rệt. Có những nhà văn vẫn tiếp tục ăn lương nhà nước, có nhà văn gác bút đi buôn, và cũng có không ít những nhà văn rời bỏ tổ chức hiệp hội để trở thành người sáng tác tự do. Sự xuất hiện của đội ngũ nhà văn sáng tác tự do này đã góp phần vào quá trình thị trường hóa văn học.
Sau khi nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa được thành lập (1949), Đảng cộng sản Trung Quốc tiến hành quản lí nhà văn thông qua các tổ chức, hiệp hội. Nhà văn trở thành công chức, hưởng lương và các phúc lợi khác, nhưng phải phục tùng sự lãnh đạo của tổ chức, sáng tác phải phù hợp với tư tưởng văn nghệ của Đảng, sáng tác được coi như một nhiệm vụ mà nhà văn phải hoàn thành. Thế nhưng, đến những năm 90, khi kinh tế thị trường đã được xác lập, các chính sách quản lí văn hóa thay đổi đem đến nhiều cơ hội phát triển cho nhà văn thì đã xuất hiện hiện tượng nhà văn rời bỏ tổ chức, trở thành người sáng tác tự do, sống nhờ ngòi bút của mình. Lịch sử văn học ghi nhận sự kiện những nhà văn trẻ như Chu Văn, Hàn Đông, Lỗ Dương đã bỏ công chức vào năm 1998. Sau khi rời bỏ tổ chức, họ đã tự làm một cuộc điều tra và phát hiện ra cách quản lí của các hiệp hội, sự tồn tại của các tạp chí quyền uy đã gò bó, khống chế và làm dị hóa nhà văn, chỉ có phá vỡ điều đó mới có thể có được tự do, độc lập trong sáng tác. Từ đó, có không ít nhà văn rời bỏ hội nhà văn tìm con đường phát triển riêng. Nhà văn Lý Nhuệ đã từ chối đến Sơn Tây đảm nhiệm chức phó chủ tịch hội nhà văn tỉnh, đồng thời rút khỏi Hội nhà văn Trung Quốc. Rời khỏi hội nhà văn, không ăn lương nhà nước, nhà văn sống dựa vào ngòi bút của mình, trở thành người lao động như bao người lao động khác. Để sống, họ phải quan tâm đến việc chuyển sản phẩm tinh thần của mình trở thành hàng hóa, quan tâm đến việc tiêu thụ sản phẩm và vấn đề lợi nhuận, vì thế, nhà văn sẽ phải quan tâm nhiều hơn đến việc thỏa mãn nhu cầu của công chúng. Sẽ rất bi kịch nếu hàng hóa sản xuất ra không có người mua, không có người mua thì người sản xuất không có lợi nhuận để duy trì sự sống và sự sản xuất của mình. Rời bỏ tổ chức mang lại cho nhà văn không gian tự do để sáng tác, thoát khỏi sự ràng buộc bởi tổ chức, thì họ lại chịu sự chi phối của quy luật thị trường, phải lo lắng trước sự biến động của tình hình kinh tế. Nhà văn đã tham gia mở công ty, doanh nghiệp, theo đuổi kinh doanh, trở thành văn nhân kinh tế. Ngay từ năm 1983 Vương Sóc đã trở thành nhà văn ngoài thể chế, viết để mưu sinh. Tạp chí Sơn Hoa năm 1999 có cả một chuyên mục về người sáng tác tự do, giới thiệu, cập nhật tình hình sáng tác cũng như đời sống của những của những nhà văn tự do, như một sự cổ vũ cho sự mở rộng đội ngũ này. Triệu Khoa Ấn từng nói: “Ý nghĩa của việc thị trường hóa văn học những năm 90 không ở việc nó sáng tạo ra bao nhiêu tác phẩm lớn gây chú ý, mà ở chỗ nó phá vỡ bá quyền diễn ngôn nhà văn lấy lí luận giáo hóa văn học làm cơ sở được hình thành từ thời tiên Tần lưỡng Hán, và xây dựng cơ sở thực tiễn cho hệ thống diễn ngôn văn học dân chủ”[2].
Các nhà văn phải đặc biệt chú ý đến sự tiếp nhận của độc giả. Kinh tế thị trường phát triển, văn hóa đại chúng bùng nổ, đời sống vật chất và tinh thần của con người thay đổi mạnh mẽ, nhu cầu của người đọc cũng phân hóa đa dạng. Bên cạnh người đọc có trình độ nghệ thuật cao, đòi hỏi tác phẩm có những giá trị thẩm mĩ, giá trị nghệ thuật và triết lí sâu sắc, thì phần đông công chúng độc giả tìm đến văn học như một kênh giải trí. “Nhu cầu của người đọc cũng chuyển từ đi tìm chính nghĩa và kí thác tinh thần nhân sinh, chuyển sang nhu cầu đọc thông thường, đọc là tìm khoái cảm thẩm mĩ và sự vui vẻ thoải mái chứ không phải là vật vã tìm kiếm ý nghĩa nhân sinh” [3].
Trong quá trình thị trường hóa văn học, thuật ngữ “sản xuất văn học” dường như phù hợp hơn thuật ngữ “sáng tác văn học”, bởi vì, tác phẩm văn học ra đời là sự kết hợp chặt chẽ giữa nhà văn và nhà xuất bản, với những chiến lược xuất bản được hoạch định hết sức chi tiết, cẩn thận, căn cứ trên điều tra thị hiếu người đọc. Nhà xuất bản Văn nghệ Xuân Phong khi lên kế hoạch cho ra đời “Bố lão hổ tùng thư” đã xác định rất rõ ràng là nhắm đến đối tượng độc giả là nữ giới đã qua đại học, làm việc ở công ti, công sở, thu nhập từ 1500 tệ trở lên, tuổi từ 25 đến 45. Hoặc khi thúc đẩy sáng tác của nhà văn thế hệ 8x, nhà xuất bản đã hoạch định rất rõ độc giả là người cùng thời với nhà văn. Để có thể tiêu thụ sản phẩm văn học, sản xuất văn học phải thỏa mãn tâm lí, thị thu hút sự chú ý của độc giả.
Mục đích của thị trường hóa văn học là để văn học vận hành theo quy luật thị trường hướng tới mục đích cuối cùng là tiêu thụ được sản phẩm văn học. Trong quá trình thị trường hóa, văn học Trung Quốc đã có một số cách thức thúc đẩy tiêu thụ văn học. Biểu hiện rõ nhất là việc khai thác các đề tài chủ đề thỏa mãn nhu cầu của độc giả đương thời. Trước hết là nhu cầu giải phóng đời sống tình dục. Và một bộ phận nhà văn đã chọn vấn đề này như một cách hữu hiệu mở rộng khả năng tiêu thụ sản phẩm do mình viết ra. Dưới danh nghĩa giải phóng đời sống tình dục, giải phóng nhân tính, giải phóng thân thể, không ít nhà văn đã miêu tả tình dục một cách thái quá, lộ liễu. Trong miêu tả của họ, tình yêu không còn là sự hòa hợp lí tưởng của hai tâm hồn, tình dục không còn là hệ quả tự nhiên của tình yêu hoàn mĩ. Chuyển hướng viết về đời sống tình dục như là một dấu hiệu hết sức rõ ràng của quá trình thị trường hóa văn học trên phương diện nội dung sáng tác. Tác phẩm đánh dấu mốc quan trọng của quá trình chuyển đổi này là Phế đô của Giả Bình Ao và Bạch lộc nguyên của Trần Trung Thực. Hai tác phẩm này có lượng trang sách miêu tả tình dục khá lớn, gây xôn xao văn đàn. Phế đô của Giả Bình Ao gây nhiều tranh cãi, và có không ít những lời phê bình gay gắt hướng vào việc tác phẩm miêu tả tình dục thái quá, đến mức có lúc tác phẩm này bị cấm phát hành. Tuy nhiên, lượng phát hành của tiểu thuyết này rất lớn. Phế đô in lần đầu 500 nghìn bản, sau đó công khai xuất bản và bán xuất bản hơn 1 triệu bản, nghe nói bị in lậu 12 triệu bản[4]. Nhiều nhà phê bình Trung Quốc đã coi Phê đô như là một dấu mốc quan trọng đánh dấu bước chuyển đổi của văn học Trung Quốc theo hướng thị trường hóa. Tuy nhiên, bên cạnh những tác phẩm viết về đời sống tình dục mà vẫn đảm bảo được giá trị văn học, thì cũng có không ít tác phẩm viết về đời sống tình dục chủ yếu nhằm mục đích tiêu thụ sách. Chẳng hạn như Bảo bối Thượng Hải của Vệ Tuệ thể hiện nội dung tình dục không lành mạnh. Cuốn sách cuối cùng bị cấm, “Bố lão hổ tùng thư” tổ chức xuất bản tiểu thuyết này cũng bị dừng phát triển và người sáng lập ra nó phải từ chức. Mặc dù một thời từng bị cấm, nhưng Phế đô có sức sống lâu bền hơn Bảo bối Thượng Hải, bởi người đọc nhận ra ở tác phẩm có nội dung triết lí sâu xa, là tác phẩm thuộc chủ nghĩa hiện thực tâm lí. Có thể thấy, viết về đời sống tình dục là con dao hai lưỡi, nếu không cẩn thận sẽ khiến tác phẩm trở thành dễ dãi, thô tục. Chỉ cần viết về tình dục không quá thô thiển, không quá lộ liễu thì sách sẽ rất được chào đón. Cho nên, đã có những nhà văn điều tiết phương thức tự sự và nội dung tự sự để thỏa mãn nhu cầu của người đọc về một tình yêu hoàn mĩ, chẳng hạn như Hành lang tình ái của Trương Kháng Kháng.
Bên cạnh đề tài tình yêu, tình dục, để thu hút người đọc trong quá trình thị trường hóa văn học, nhà văn có thể sử dụng đề tài lịch sử - một loại đề tài từng được xếp vào “kinh điển đỏ” trong giai đoạn trước, có điều, nhà văn phải điều chỉnh lối viết và gia giảm những yếu tố khác nhằm thỏa mãn nhu cầu của độc giả đương thời. Cùng viết về đề tài lịch sử, nhưng những tác phẩm thời kì trước như Bảo vệ Diên An của Đỗ Bằng Trình, Bài ca thanh xuân của Dương Mạt, Lý Tự Thành của Diêu Tuyết Ngần… lại thiên sang đảm bảo độ chân thực lịch sử. Sang những năm 90, để thỏa mãn nhu cầu thẩm mĩ của độc giả đương thời, những tác phẩm về đề tài lịch sử như Bạch lộc nguyên của Trần Trung Thực, Cao lương đỏ của Mạc Ngôn, Các đế vương nhà Thanh của Nhị Nguyệt Hà… đã sử dụng một phong cách viết mới. Các nhà văn sử dụng lập trường bình dân hóa, sử dụng kinh nghiệm cá nhân, mở rộng phát triển các chi tiết mang tính giải trí, kích thích cảm quan người đọc. Lịch sử xuất hiện trong không gian của đời sống thường nhật, trong tập tục dân gian, trong gia đình, dòng tộc, hoặc nhà văn dùng tư duy hiện đại, tình tiết li kì hấp dẫn, lập trường dân gian, ngôn ngữ hiện đại để diễn giải về lịch sử. Chính vì thế, đã tạo nên những đột phá trong quy ước về chân thực lịch sử và chân thực nghệ thuật. Phần đông công chúng có tâm lí hiếu kì, do đó, khi viết về đề tài lịch sử, các nhà văn đã chen lẫn yếu tố thực với yếu tố ảo, sử dụng nhiều chi tiết li kì hấp dẫn và những mô tip tình yêu mang tính phá cách. Đây cũng là nhân tố thành công cho hàng loạt các tác phẩm bán chạy của Nhị Nguyệt Hà như Khang Hi đại đế, Càn Long hoàng đế, Ung Chính Hoàng đế. Có thể nói, tiểu thuyết lịch sử của Nhị Nguyệt Hà đã làm phong phú thêm mô hình tự sự của tiểu thuyết lịch sử Trung Quốc. Tham gia vào quá trình thị trường hóa văn học, tác phẩm kiểu như vậy vẫn có lượng tiêu thụ lớn, nhưng không hề là tác phẩm dễ dãi.
Hiện tượng văn học 8x cũng thể hiện rất rõ việc đáp ứng nhu cầu của người đọc trong quá trình tham gia vào thị trường của văn học. Thế hệ 8x ở Trung Quốc chịu áp lực từ việc muốn con trở thành rồng thành phượng của bố mẹ, áp lực của việc học quá tải, áp lực của các kì thi, khiến họ cảm thấy mệt mỏi, tù túng. Tam trùng môn của Hàn Hàn có được sự đồng cảm của độc giả 8x khi chỉ ra ba vòng kiềm tỏa đặt lên mỗi học sinh: gia đình, nhà trường, xã hội. Nhân vật trong tác phẩm đã phản ứng một cách tiêu cực bằng cách bỏ đi nhằm giải tỏa áp lực đó. Ở một chừng mực nhất định “Búp bê Bắc Kinh” của Xuân Thụ, “Ảo thành” của Quách Kiến Minh, “Hồng X” của Lý Sỏa Sỏa… đều thể hiện sự phản kháng đối với thế giới. Lớp độc giả 8x này luôn tìm thấy được sự đồng cảm khi đọc những tác phẩm viết về áp lực và sự phản kháng của những nhà văn cùng trang lứa.
Thị trường hóa văn học Trung Quốc thể hiện rõ nhất ở chiến lược tổ chức xuất bản tác phẩm văn học. Thành công rõ nhất trong mô hình này là bộ sách “Bố lão hổ tùng thư” của nhà xuất bản Văn nghệ Xuân Phong tỉnh Liêu Ninh những năm 90. Bộ sách này thể hiện rất rõ ý tưởng xây dựng thương hiệu, tuân thủ nghiêm ngặt quy luật thị trường. Để thu hút được các nhà văn có tên tuổi, có lí tưởng văn học cao cả và có sức ảnh hưởng trên văn đàn, người xây dựng ý tưởng của bộ sách này đã dương cao ngọn cờ văn học cao nhã và mục tiêu thúc đẩy sự phát triển văn học nước nhà, hướng tới chủ đề “tình yêu hoàn mĩ”. Việc tận dụng danh tiếng của nhà văn cũng là một cách thu hút độc giả, ngay cả độc giả khó tính nhất, còn việc hướng tới chủ đề tình yêu hoàn mĩ thì có thể thu hút đông đảo độc giả thuộc các tầng lớp khác nhau. Cách làm như vậy mang đến lí do hợp tác với các nhà văn chuyên nghiệp, đồng thời mở rộng lượng độc giả, mở rộng phạm vi lựa chọn nhà văn, lựa chọn đề tài và sự tiếp nhận của người đọc. Điều này đã kết hợp được giữa cao nhã và thông tục, truyền thống và kinh điển, sản xuất văn học và tiêu thụ văn học. Từ năm 1993 đến 2000, bộ sách này có hơn 20 bộ tiểu thuyết bán chạy của hơn 10 nhà văn có sức ảnh hưởng lớn ở Trung Quốc, như Khổ giới (1993) của Hồng Phong, Tạo hóa (1994) của Lục Đào, Người đàn bà tắm (1994) của Thiết Ngưng, Ám sát – 3322 của Vương Mông, Thổ môn (1996) của Giả Bình Ao…
Trong quá trình thị trường hóa văn học không thể không nhắc đến sự tham gia của các phương tiện truyền thông. Sang thế kỉ 21, internet ở Trung Quốc phát triển mạnh mẽ dẫn tới sự xuất hiện và phát triển của văn học mạng. Tham gia vào bộ phận văn học này rõ nhất là các nhà văn 8x. Họ đã biến internet thành phương tiện quảng bá cho tác phẩm của mình. Họ công bố tác phẩm của mình trên mạng trước, khi phát hiện tác phẩm của mình có lượng truy cập lớn thì sẽ xuất bản thành sách. Năm 2002 Ảo thành của Quách Kiến Minh công bố trên mạng có được lượng truy cập lớn, nhà xuất bản Xuân Phong liền mời hợp tác chỉnh sửa xuất bản, năm 2003 tác phẩm này chỉ sau 10 tháng đã bán đươc 1,2 triệu bản. Việc công bố triên mạng giúp các nhà văn thăm dò phản ứng của độc giả, và khi lượng truy cập lớn thì các nhà xuất bản sẽ tìm đến. Đây là con đường được các nhà văn 8x sử dụng tương đối thành công, mang lại danh tiếng và lợi nhuận không nhỏ. Sự kết hợp giữa internet và nhà xuất bản góp phần đưa văn học vào con đường thương mại hóa. Bên cạnh internet, đài truyền hình cũng tham gia vào quá trình thị trường hóa văn học.
III. Kết luận
Quá trình thị trường hóa văn học Trung Quốc diễn ra gắn liền với sự hình thành phát triển của kinh tế thị trường, “Kinh tế thị trường thúc đẩy thị trường hóa, sản nghiệp hóa văn học”[5]. Thị trường hóa văn học Trung Quốc diễn ra tương đối mạnh mẽ đã tạo nên biến đổi sâu sắc trong toàn bộ đời sống văn học. Ẩn sâu trong những biến động về đội ngũ sáng tác, hoạt động sáng tác, truyền bá và tiêu thụ là sự thay đổi trong quan niệm về giá trị, chức năng của văn học cũng như quan niệm về hành động viết. Trong quá trình thị trường hóa văn học, một vấn đề mấu chốt đặt ra là quan hệ giữa giá trị thẩm mĩ và giá trị hàng hóa. Thị trường làm cho giá trị hàng hóa của văn học trội lên, nhưng chỉ có trên cơ sở đảm bảo được giá trị thẩm mĩ, giá trị nghệ thuật, tác phẩm văn học mới giữ được bản chất của nó, và mới có được sức ảnh hưởng mạnh mẽ đến độc giả.
(Bài đã đăng trên Tạp chí Lí luận phê bình văn học nghệ thuật, số tháng 8 năm 2017)
Chú thích:
[1] Lí luận văn học thị trường – kiêm bàn về sự chuyển dịch và thay đổi của văn học những năm 90, Tây Bắc Sư đại học báo, số 2, quyển 34, 1997)
[2] Triệu Khoa Ấn, Kinh tế thị trường và việc tái thiết hệ thống diễn ngôn văn học, Tạp chí khoa học Học viện sư phạm Hoài Âm, 4, 2001, tr490
[3] Vương Hiểu Văn, Hoàn cảnh văn học thị trường hóa và sự phát triển của văn học thị dân, Tạp chí Khoa học Đại học Sư phạm Hà Bắc, số 5 quyển 28, 2005
[4] Trình Quang Vĩ, Lịch sử phát triển văn học đương đại Trung Quốc, Nhà xuất bản Đại học Bắc kinh, 2011, tr 330
[5] Trương Nham Băng, Sự biến đổi của văn học trong thời kinh tế thị trường, Tạp chí khoa học đại học sư phạm Quảng Tây, số 4 quyển 41, 2005, tr 65