THESEUS

THESEUS

(Thần thoại Hy lạp, E. Hamilton kể[1])

Lời dẫn:

Thần thoại Hy Lạp được coi là một trong những kho báu trong nền văn học của nhân loại, có ảnh hưởng lâu dài và sâu sắc tới đời sống văn hóa phương Tây. Theseus là một trong những vị anh hùng trong thần thoại Hy Lạp. Chàng là con trai của quốc vương thành bang Athens và công chúa Aethra của Troizen. Chàng được biết đến như một chiến binh với những chiến công vĩ đại, và là một cái tên không thể bỏ qua khi nhắc đến nền dân chủ thành Athens.

Văn bản Theseusnày được chuyển dịch từ bản kể của Edith Hamilton (1867 – 1963) trong cuốn Mythology (Thần thoại). Edith Hamilton là một tác giả văn học và nhà nghiên cứu người Mỹ với nhiều công trình có tiếng như The Greek Way (Con đường Hy Lạp), The Roman Way (Con đường La Mã), The Prophets of Israel (Những nhà tiên tri của Israel), Mythology (Thần thoại), The Echo of Greek (Tiếng vọng của Hy Lạp).

Bản dịch:

Theseus là người anh hùng kiệt xuất của thành bang Athens. Chàng đã trải qua rất nhiều cuộc phiêu lưu và lập nên những kỳ tích phi thường tới mức người Athens thường nói: “Chẳng có kỳ tích nào không có Theseus.”

Theseus là con trai của Aegeus, quốc vương thành bang Athens. Tuy vậy, chàng trải qua thời thơ ấu tại một thành bang ở miền Nam Hy Lạp, quê mẹ của chàng. Quốc vương Aegeus rời thành bang này về Athens trước khi đứa trẻ ra đời. Nhưng trước khi đi, ông để lại thanh kiếm và đôi giày trong một hốc núi, rồi chẹn một tảng đá thật lớn lên trên. Ông cho vợ biết việc này và nói rằng nếu nàng sinh con trai, khi nó lớn khôn, đủ sức nhấc tảng đá đó ra để lấy kiếm và giày, nàng hãy để nó đến Athens gặp cha mình. Đứa trẻ sinh ra là con trai và lớn lên có sức khoẻ phi thường. Bởi vậy khi mẹ đưa Theseus đến chỗ tảng đá, chàng thanh niên đã nhấc nó lên một cách dễ dàng. Người mẹ bảo chàng đã đến lúc đi gặp cha, ông ngoại đã sắp sẵn cho chàng một con thuyền. Nhưng Theseus từ chối không đi đường biển, bởi hành trình như vậy quá an toàn và dễ dàng. Chàng muốn mau chóng trở thành một anh hùng tiếng tăm lừng lẫy, bởi vậy không thể chọn hành trình dễ dàng. Chàng quyết tâm trở thành nổi tiếng như Hercules, người anh em họ của chàng và cũng là vị anh hùng danh tiếng nhất trong tất cả các anh hùng Hy Lạp.

Vậy là, Theseus đã kiên quyết từ chối chiếc thuyền mà mẹ và ông ngoại chuẩn bị sẵn. Chàng nói với họ rằng đi đường biển như vậy là trốn tránh hiểm nguy một cách đáng khinh, và chàng tuyên bố sẽ tới Athens bằng đường bộ. Cuộc hành trình dài trở nên vô cùng nguy hiểm khi bị bọn cướp chặn đường. Tất nhiên, Theseus đã giết chết tất cả bọn chúng; chàng không để kẻ nào sống sót gây hại cho các lữ khách về sau. Quan niệm về công lí của Theseus giản đơn mà hiệu nghiệm: kẻ hại người thế nào, sẽ bị chàng hại lại y như thế. Chẳng hạn như tên cướp Sciron, kẻ bắt những nạn nhân quỳ xuống rửa chân cho mình để rồi đá họ xuống biển, đã bị Theseus quẳng rơi qua vách đá. Sinir, kẻ trói người vào hai cây thông uốn cong xuống đất và giết bằng cách buông hai cái cây ra, cũng bị chàng giết đúng theo cách đó. Procrustes thì bị chàng trừng phạt trên chính cái giường sắt không đúng khổ người mà hắn từng dùng để biến các nạn nhân của mình thành tàn tật. Để “cho vừa” chiếc giường không bao giờ đúng khổ người, hoặc hắn kéo giãn thân thể những người ngắn hơn giường, hoặc chặt cụt phần thừa ra của những người dài hơn giường. Chuyện không kể rõ trường hợp nào đã được Theseus áp dụng với Procrustes, nhưng dù thế này hay thế khác, hắn cũng đã bị kết liễu mà không có nhiều lựa chọn.

Có thể hình dung danh tiếng chàng trai trẻ quét sạch bọn cướp đường hung hiểm trong suốt dọc hành trình đã vang dội trên khắp đất Hy Lạp như thế nào. Khi Theseus đến Athens, chàng đã trở thành một người anh hùng lừng lẫy. Quốc vương Aegeus, không hay biết Theseus là con trai của mình, mở tiệc khoản đãi chàng. Ông sợ với tiếng tăm vang dội, chàng trai trẻ có thể tranh thủ tình cảm dân chúng mà thoán đoạt ngôi vua, nên mời chàng tới với ý định đầu độc. Thực ra, âm mưu đó không hẳn là của Aegeus, mà là của Medea, nữ nhân vật của Cuộc tìm kiếm Bộ lông cừu vàng[2]. Bằng phép thuật của mình, bà ta đã biết Theseus là ai. Sau khi rời khỏi thành bang Corinth trên chiếc xe có cánh của mình, trốn sang Athens, bà ta đã gây được ảnh hưởng lớn đối với Aegeus. Bà không muốn sự ảnh hưởng đó bị lấn át bởi sự xuất hiện của cậu con trai này. Khi Medea đưa cho Theseus chén thuốc độc, mong muốn cha nhận ra mình thật nhanh, chàng trai rút ngay thanh kiếm ra. Quốc vương lập tức nhận ra chàng và hất chén thuốc độc xuống đất. Medea chuồn sang châu Á, như mọi lần, bà ta luôn luôn trốn thoát.

Quốc vương Aegeus tuyên bố với toàn thành bang rằng Theseus là con trai của ông và là người kế vị ngôi báu. Hoàng tử kế vị mới đã sớm có cơ hội giành thiện cảm của dân chúng thành Athens.

Nhiều năm trước khi Theseus đến Athens, một điều bất hạnh khủng khiếp đã xảy ra với thành bang. Vua Minos, người cai trị quyền lực của đảo Crete, đã mất đứa con trai duy nhất, Androgenes, khi chàng trai trẻ đến thăm quốc vương thành Athens. Quốc vương Aegeus đã làm một việc không một vị chủ nhà nào nên làm: ông đã phái vị khách của mình dấn thân vào một cuộc phiêu lưu đáng sợ  – đi giết một con bò hung hiểm. Con bò không chết, mà ngược lại, nó đã giết chàng trai trẻ. Vua Minos phát động chiến tranh, chiếm thành Athens, và tuyên bố rằng ông ta sẽ san bằng nó nếu người Athens không thực hiện điều kiện: chín năm một lần, người Athens phải gửi một đoàn người gồm bảy thiếu nữ và bảy chàng trai trẻ trung, trinh trắng sang đảo Crete. Số phận khủng khiếp chờ đợi đoàn người. Sang đến Crete người ta trao họ cho quái vật Minotaur.

Minotaur là quái vật mình người, đầu bò do vợ của vua Minos là Pasiphaë sinh ra sau khi giao phối với một con bò đực phi phàm. Thần biển Poseidon đã trao con bò đó cho vua Minos để ông ta làm lễ hiến tế cho thần, song Minos đã không kiềm chế được lòng tham mà giữ nó cho riêng mình. Thần Poseidon đã trừng phạt vua Minos bằng cách làm cho Pasiphaë yêu con bò đực ấy đến điên cuồng.

Khi quái vật Minotaur ra đời, vua Minos đã không giết chết nó. Ông ta lệnh cho Daedalus, kiến trúc sư và là một nhà phát minh kiệt xuất, xây dựng một nơi giam cầm sao cho nó không thể thoát ra được. Daedalus đã xây dựng nên Mê cung nổi tiếng toàn thế giới. Một khi đã bước vào nơi ấy, người ta sẽ lạc vào những con đường nhằng nhịt, rắc rối của nó mà không thể tìm thấy lối ra. Những chàng trai, cô gái cống vật của thành Athens bị đưa vào chính Mê cung này và bị bỏ lại cho quái vật Minotaur. Chẳng có cách nào để trốn thoát. Dù cho họ có chạy theo hướng nào, rồi họ cũng sẽ rơi thẳng vào chỗ con quái vật; nếu họ đứng yên, nó có thể xuất hiện bất cứ lúc nào từ trong mê cung. Cứ chín năm một lần, kết cục số phận như vậy chờ đợi mười bốn thanh niên nam nữ thành Athens. Chỉ một vài ngày sau khi Theseus đến thành Athens, thời khắc cho lần cống nạp tiếp theo đã đến.

Không do dự, Theseus xung phong trở thành một trong các nạn nhân. Mọi người đều yêu quí chàng vì lòng nhân hậu, ngưỡng mộ chàng vì sự cao quý, mà không ai nghĩ chàng đã hạ quyết tâm giết chết quái vật Minotaur. Dù sao, chàng dặn cha rằng nếu không thành công, sau hành trình đau buồn trở về, tàu vẫn sẽ giương buồm đen[3], còn nếu như tàu trở về giương cao buồm trắng, thì quốc vương Aegeus sẽ sớm biết trước khi tàu cập bến rằng con trai ông đã được an toàn.

Khi các nạn nhân trẻ tuổi đến Crete, họ bị giải đi trên con đường tới Mê cung, diễu hành trước con mắt tò mò của dân xứ đảo. Trong số những người đứng xem có con gái của vua Minos là công chúa Ariadne. Khi Theseus đi qua, nàng đã phải lòng chàng từ cái nhìn đầu tiên. Nàng tới gặp Daedalus và xin ông ta chỉ cho cách thoát khỏi Mê cung. Rồi nàng gặp Theseus, tuyên bố sẽ chỉ cho chàng cách thức thoát khỏi Mê cung, nếu chàng hứa sẽ đưa nàng về Athens và cưới nàng làm vợ. Hoàn toàn có thể hình dung được là chàng trai thấy điều đó chẳng khó khăn gì. Thế là Ariadne chỉ cho chàng cách thức Daedalus đã bày cho nàng: một cuộn chỉ được buộc chặt một đầu ở bên trong cánh cửa và được thả dần ra khi chàng bước vào trong; làm như vậy, tất nhiên, chàng sẽ có thể lần theo cuộn chỉ mà tìm đường thoát ra bất cứ lúc nào. Theseus mạnh dạn bước vào mê cung, tìm kiếm quái vật Minotaur. Bắt gặp nó đang ngủ, chàng xông vào tấn công, găm nó xuống nền đất; và với nắm đấm của mình – không có vũ khí gì khác – chàng đã đánh con quái vật cho đến chết.

Như cây sồi đổ xuống sườn đồi

Nghiến nát mọi thứ nằm bên dưới,

Theseus cũng bị đè như thế.

Chàng vùng lên vặn cổ quái thai kia,

Sinh thể man rợ giờ đây nằm chết lặng.

Mỗi cái đầu còn chậm chạp lắc lư, với cặp sừng đã đờ ra vô dụng.

Khi Theseus đứng dậy từ cuộc đấu khủng khiếp đó, cuộn chỉ vẫn nằm ở chính nơi chàng đánh rơi nó. Với cuộn chỉ trên tay, lối ra đã sáng rõ. Những người khác theo sau chàng, và mang theo Ariadne, họ bỏ trốn lên tàu rồi vượt biển về hướng Athens.

Trên đường về, đoàn người đặt chân lên đảo Naxos và những gì xảy ra sau đó được kể lại theo những cách khác nhau. Một câu chuyện kể rằng Theseus đã bỏ rơi Adriadne. Nàng ngủ thiếp đi, và chàng đã lên thuyền mà không có nàng, nhưng thần rượu nho Dionysus đã tìm thấy nàng và an ủi nàng. Một câu chuyện khác thuận hơn cho Theseus. Nàng bị say sóng ghê gớm, và chàng đã đưa nàng lên bờ để hồi phục trong khi chàng trở lại tàu làm một số công việc cần thiết. Một cơn gió dữ dội thổi dạt tàu của chàng ra khơi và kìm giữ nó ngoài xa trong một thời gian dài. Khi quay trở lại, thấy Ariadne đã chết, chàng đau buồn chẳng thể nguôi ngoai.

            Đoạn sau của cả hai câu chuyện đều gặp nhau ở chỗ khi thuyền về đến gần Athens, Theseus đã quên không giương buồm trắng. Không rõ niềm vui bởi thành công của chuyến đi hay nỗi đau buồn về Ariadne đã choán hết tâm trí chàng. Cha chàng, quốc vương Aegeus, từ đỉnh cao mỏm Acropolis hàng ngày vẫn căng thẳng ngóng trông ra biển, giờ đây thấy cánh buồm đen tiến lại. Đối với ông đó là tín hiệu cái chết của con trai. Từ trên mỏm đá cao, ông gieo mình xuống biển tự vẫn. Vùng biển nơi ông rơi xuống từ đó vĩnh viễn mang tên gọi Aegean.

            Thế là Theseus trở thành quốc vương của thành bang Athens, một vị vua thông thái và công tâm nhất. Chàng tuyên bố với dân chúng rằng chàng không muốn trở thành người cai trị; chàng mong muốn một chính phủ của nhân dân đem lại sự bình đẳng cho mọi người. Chàng từ bỏ quyền lực hoàng gia của mình và tổ chức một khối thịnh vượng chung, xây dựng một hội trường công cộng nơi các công dân hội họp và bầu cử. Chức vụ duy nhất chàng giữ lại cho bản thân mình là tổng tư lệnh. Do vậy, trong tất cả các thành bang trên trái đất lúc đó, Athens đã trở thành nơi hạnh phúc nhất và thịnh vượng nhất, thực sự là ngôi nhà duy nhất của tự do, một nơi trên thế giới mà người dân được tự cai trị chính họ. Đó là nguyên do tại sao trong Cuộc chiến vĩ đại của Bảy tướng chống thành Thebes[4], khi những người Thebes chiến thắng quyết không chôn cất kẻ thù, những kẻ bại trận thuộc thành bang Argos quay sang cầu cứu Theseus và Athens xin giúp đỡ. Họ tin tưởng rằng những con người tự do dưới sự lãnh đạo của một vị chỉ huy như Theseus sẽ không bao giờ để những người chết bất lực phải chịu đối xử bất công. Những kẻ cầu cứu đã không phải thất vọng. Theseus chỉ huy đội quân của mình chống lại Thebes, chinh phục thành bang này, và buộc họ cho phép chôn cất những người đã chết. Khi chiến thắng, Theseus không trả thù những người Thebes vì những gì họ đã gây ra. Chàng thực sự khẳng định mình như một hiệp sĩ cao quý. Theseus không để quân đội của mình tiến vào cướp phá thành Thebes. Không có mục đích đánh chiếm thành Thebes, chàng chỉ yêu cầu cho những dũng sĩ thành Argos đã chết được chôn cất tử tế, và khi nghĩa vụ đó hoàn thành, chàng dẫn quân đội trở về Athens.

 (Nguyễn Thị Diệu Linh dịch, Đỗ Hải Phong hiệu đính)

 

[1]Văn bản Theseusnày được chuyển dịch từ bản kể của Edith Hamilton (1867 – 1963) trong cuốn Mythology (Thần thoại).

 

[2]Trong truyện Cuộc tìm kiếm bộ lông cừu vàng, Medea đã giúp đỡ Jason lấy được bộ lông cừu vàng của vua cha.

[3]Nói “tàu vẫn sẽ giương buồm đen” vì tàu chở cống vật giương buồm đen.

[4]Một câu chuyện khác trong cuốn sách của Hamilton.


Source: 
05-12-2020
Tags