Thêm một chuyến đi đầy ý nghĩa

Bữa ấy mưa xuân phơi phới bay....

Ấy là khi đất trời đang hân hoan khoác lên mình chiếc áo màu xanh ngọc biếc. Ấy là khi tiếng trống khai hội đã vang lên khắp các vùng miền đất nước... Công đoàn Khoa Ngữ văn đã tổ chức chuyến du xuân đầy ý nghĩa về miền đất Thành Nam giàu truyền thống văn hoá, tín ngưỡng nhân ngày 8/3 - ngày đặc biệt dành cho một nửa thế giới. Tham gia chuyến đi không chỉ có cán bộ đương nhiệm mà còn có những thầy cô đã nghỉ hưu và một số thành viên của các gia đình cán bộ trong khoa. Suốt chặng đường, tiếng nói cười không dứt. Những kỉ niệm về nghề, về bè bạn, về những chuyến đi năm ngoái, năm kia cứ nối tiếp râm ran.

Điểm dừng chân đầu tiên của đoàn là chùa Cổ Lễ - ngôi chùa cổ nổi tiếng ở Trực Ninh, Nam Định. Chùa được xây dựng từ thời Lý Thần Tông, do Quốc sư Nguyễn Minh Không sáng lập. Sau nhiều lần sửa chữa, trùng tu, hiện nay, mặc dù là nơi thờ Phật nhưng Chùa Cổ Lễ lại mang kiểu kiến trúc gô tích rất giống với những nhà thờ Công giáo vốn có khá nhiều ở khu vực lân cận. Vừa bước xuống xe, cả đoàn đã nhìn thấy tháp Cửu Phẩm Liên Hoa cao 32m an nhiên giữa đất trời hiền hoà nơi đây. Dân chúng quanh vùng truyền nhau rằng, ai hành hương được lên đến bậc thứ 98 của chiếc cầu thang cuốn trong lòng tháp để chạm tay vào bức tượng trên đỉnh cao, thì sẽ luôn gặp may mắn trong cuộc sống. Với lòng thành kính, đoàn cán bộ khoa Văn đã vào làm lễ dâng hương và chiêm bái cảnh đẹp của chùa. Nhiều bảo vật nổi tiếng đã được nhân dân địa phương gìn giữ cẩn thận qua bao năm tháng chiến tranh ác liệt, như: chuông Đại Hồng Chung (một trong những quả chuông lớn nhất Việt Nam mà tương truyền âm thanh có thể vang động mấy vùng); tượng Phật sơn son thiếp vàng bằng gỗ bạch đàn cao 4m; hay bức tượng Nguyễn Minh Không... Dù thời gian đã rêu phong nhiều thứ nhưng các bức tường được đắp bằng vôi vữa, mật mía, giấy bản vẫn đủ để nói với chúng ta nhiều điều về bàn tay tài hoa, về tâm hồn và ước nguyện của những con người nơi vùng quê chiêm chũng.

Điểm dừng chân thứ hai là khu di tích đền Trần toạ lạc ở phường Lộc Vượng, thành phố Nam Định. Đây là nơi thờ vua Trần và các quan có công phù tá, làm nên hào khí Đông A một thời. Đền được xây dựng từ năm 1695 trên nền Thái Miếu cũ của nhà Trần đã bị quân Minh phá huỷ. Qua nhiều lần trùng tu, Trần Miếu vẫn giữ được những nét kiến trúc xưa gồm ba công trình: Đền Thiên Trường (đền Thượng), đền Cố Trạch (đền Hạ) và đền Trùng Hoa. Mặc dù đã qua ngày Khai Ấn nhưng khi chúng tôi đến vẫn thấy rất nhiều người từ khắp các nơi về đây xin lộc các đức vua Trần triều. Trong màn khói sương bảng lảng và dáng nét của từng bóng cây, bệ đá soi mình xuống  mặt hồ chữ nhật trước đền Thượng dường như vẫn vang vọng tiếng hô Sát Thát của cha ông ta trong ba lần chiến thắng quân Nguyên Mông xâm lược. Một cách lặng thầm mà mãnh liệt, quần thể di tích nơi đây như nhắc nhở chúng ta, đón mỗi mùa xuân yên bình không được quên những thế hệ đã một thời “Lưng đeo gươm tay mềm mại bút hoa” (Huy Cận) để giữ gìn “Đất nước của nhân dân, đất nước của ca dao, thần thoại” (Nguyễn Khoa Điềm).

Sau bữa ăn trưa thân mật tại quê hương Nam Định, đoàn di chuyển về Vụ Bản không quên đem theo dọc hành trình những lời chúc ấm áp của BCN, Công đoàn khoa dành cho các chị em! Cảm giác đầu tiên của chúng tôi khi về đây là sự bình yên, thanh khiết đến từ khung cảnh thiên nhiên sơn thuỷ hữu tình với núi đồi, sông nước và những cánh đồng phì nhiêu bát ngát. Theo lời giới thiệu cuả dân địa phương, chúng tôi nhìn thấy những ngọn núi có vẻ không có gì đặc biệt trước mắt song lại tụ lại với nhau làm thành hình dáng một con rồng khổng lồ mà phần đầu chính là núi Ngăm; khúc mình là núi Tiên Hương, núi Báng, núi Lê, núi Gôi; và phần đuôi là núi Thổ. Con rồng ấy chưa từng làm mình làm mẩy gây hại cho người dân mà chỉ lặng thầm góp cho Nam Định và nước Việt thêm một địa chỉ tâm linh nổi tiếng là quần thể di tích Phủ Giày thờ Thánh Mẫu Liễu Hạnh - bậc Mẫu Nghi thiên hạ, vị thần chủ của Đạo Mẫu Việt Nam và là một trong Tứ bất tử của dân tộc. Chúng tôi vào thắp hương lễ Mẫu tại phủ chính Tiên Hương trong tiết mưa xuân lất phất và cái xanh tươi mỡ màng của những chân lúa non mới vừa bén rễ. Hôm đó, tại phủ có một lễ hầu đồng. Trong khói trầm hương thơm ngát, tiếng nhạc chầu văn rộn rã như nâng cánh cho những lời khấn cầu một năm mới mọi điều tốt lành lên cửa Mẫu. Tháng ba giỗ Mẹ- không biết tự bao giờ, lời nhắc nhở thiêng liêng đó đã khắc ghi vào trí nhớ dân gian...

Chuyến du xuân về với mảnh đất giàu truyền thống văn hoá, tâm linh Thành Nam khép lại trong sự ấm áp và rất nhiều lưu luyến. Dù cái mệt mỏi của đường xa còn phảng phất nhưng gương mặt ai cũng rạng rỡ niềm vui. Cùng với bao chuyến đi khác, hành trình mồng 8 tháng 3 năm nay đã thắt chặt thêm tình cảm đồng nghiệp, tình nghĩa thầy trò giữa các thế hệ của đại gia đình khoa Ngữ văn của chúng tôi. Và hơn hết, niềm hạnh phúc còn được nhân lên gấp hai lần đối với một nửa thế giới ngày hôm đó. Những đoá hoa tươi thắm, li rượu cay nồng và lời chúc mừng của các đấng mày râu “Nhà Khoa” sẽ là sợi dây vô hình mà bền chắc kéo mọi người về gần nhau hơn.


Source: 
18-10-2020
Tags