Cách thầy bước đến và thách thức tử thần cũng như cách thầy bước ra từ cõi chết cũng anh dũng phi thường. Nhồi máu cơ tim suýt chết sau một cua dạy cao học thông một mạch gần bốn tiếng đồng hồ giữa trưa hè ngột ngạt, sau hơn chục ngày cấp cứu, đúng trong cái lúc mà cả bác sĩ lẫn người nhà đều suýt tuyệt vọng, thì bỗng nhiên người ta phát hiện có một động mạch phụ đã phình ra từ thuở nảo thuở nào để nuôi dưỡng cho quả tim tràn đầy nhiệt huyết. Vừa sống lại thần kì từ cõi chết, khi tôi vào thăm, thầy đã hào hứng như một đứa trẻ: Sống rồi! Sống rồi! Và trong câu chuyện của một con người vừa trở về từ cõi chết thầy vẫn không quên: ‘thầy nghĩ cái luận án của con phải làm thế này thế này...” Tôi cảm động phát khóc vì chắc là cái luận án của tôi nó ám ảnh thầy ngay cả trong những lúc thập tử nhất sinh.
Ngày tôi là sinh viên năm thứ tư, ngập ngừng đến nhà thầy xin hướng dẫn, câu đầu tiên thầy nói: con là con gái, làm gì cũng phải tính toán cân nhắc, thời gian của con không có nhiều, không có cơ hội làm lại như bọn con trai. Khoa học gì thì khoa học, học hành gì thì học hành, cũng phải lấy chồng sinh con. Năm nào tôi cũng nhắc lại câu này cho các lứa sinh viên học sinh của mình, đến nỗi nó đã thấm vào thành một nguyên tắc sống của tôi.
Thầy hướng dẫn tôi bất cứ nơi đâu, vào bất cứ lúc nào: khi đang đứng trong nhà xe nóng như thiêu, hay giữa căn bếp thơm phức mùi xào nấu nhà thầy, dưới gầm cầu thang, khi đi đám ma, lúc thăm người ốm ở bệnh viện, trên đường du lịch, trong cuộc họp... Tôi không có cách nào trốn chạy khỏi những Saussure, Heghen, Bakhtin, Todorov rồi thì là Foucault, Roland Barthes, cũng không có cách nào từ chối hàng loạt những cái lủng củng liểng xiểng Chủ nghĩa cấu trúc, Chủ nghĩa hình thức, Kí hiệu học..., rồi một loạt những trời ơi là mã, diễn ngôn, kí hiệu quyển, huyền thoại... Đúng là thập diện mai phục, có muốn ngu dốt cũng khó. Luận án của tôi thành hình không phải theo cái mẫu rất chuẩn mực thông thường: một ông thầy đạo mạo đứng trên bục cao và nói những lời như thánh phán, mà từ những tình huống đời thường buồn cười như thế.
Ngày tôi bị đưa đề tài ra xemina trước tổ bộ môn, tôi hoang mang tuyệt vọng tưởng chừng mình sẽ không vượt qua được cái chặng khổ ải này, buổi chiều bất chợt nhận được điện thoại của thầy: đến nhà thầy ngay để bàn cách chữa, suốt trưa tao không ngủ được vì cái mặt đần thối của mày. Sáng hôm sau tôi đến nhà, thầy nói một mạch gần 4 tiếng đồng hồ, để sau đó tôi viết một mạch 1 tuần thành 1 cái luận án hoàn toàn khác. Trên đường trở về nhà, tôi đã phát khóc bởi một cảm xúc chưa bao giờ từng trải qua trước đó: vừa nhẹ nhõm như mới được cứu sống và tiếp thêm năng lượng, vừa cảm động vô cùng vì tấm lòng của một người thầy, vừa xấu hổ vì sự nông cạn của bản thân, vừa hoang mang lo sợ không biết mình có được như thầy kì vọng. Nhưng có lẽ chính từ những xáo trộn ấy, từ chỗ tuyệt vọng ấy, từ nguồn năng lượng tinh thần không ai có thể hiểu nổi đã chạy từ thầy sang tôi ấy, mà tôi đã vượt qua.
Nếu một ngày phải đưa ra một minh chứng đi ngược lại với những quan niệm thông thường ngày nay, thì dẫn chứng sống động nhất chắc chắn là thầy tôi, con người chẳng tuân theo khuôn phép truyền thống, cũng chả chịu là nạn nhân của bất cứ cái gì. Ngày tôi chân ướt chân ráo được nhận về tổ bộ môn, trong lúc loay hoay vụng về tìm một cái ghế thấp để ngồi trong buổi họp tổ đầu tiên, thì nhận ngay được một câu gây sốc: con cứ chọn cái ghế cao nhất mà ngồi, thầy bảo thật, học trò là phải ngồi cao hơn thầy. Nếu chúng tôi có đến nhà thầy liên hoan, thì người dắt xe cũng là thầy, đi chợ cũng là thầy, rửa rau cũng là thầy, xào nấu cũng là thầy, thậm chí bê thức ăn ra cũng là thầy, rửa bát sẽ là vợ thầy, không phải vì chúng tôi lười, mà thầy hình như thích có học trò lười như thế, nhất định không để chúng tôi đụng vào việc gì. Tôi chẳng bao giờ biếu thầy được cái gì đáng giá, ngược lại tha từ nhà thầy về đủ thứ, từ bát canh măng đến nải chuối xanh, quả dứa ngọt, túi bánh đa thầy xách ở quê ra, cái bánh mì kẹp pate thầy vừa mới tự làm. Khi xe của tôi bị hỏng đúng lúc đến nhà thầy, tôi lấy xe của thầy để đến trường và rất yên tâm vì biết chắc là khi trả xe cho thầy, xe tôi đã được sửa sang cẩn thận, rửa ráy sạch sẽ. Nếu lúc tôi rời nhà thầy mà trời mưa, tôi sẽ trộm ngay cái áo mưa nhà thầy mà biết rằng mình cũng không nhất thiết phải đem trả. Sau khi cả tổ đã đi chơi loăng quăng mọi nơi, đói bụng, chúng tôi thể nào cũng phải hạ cánh ở nhà thầy để nạp lại năng lượng. Ngày mùng một tháng 6, thầy lên tận Hàng Mã mua quà cho con tôi rồi hai ông bà già cặm cụi mang đến tận nhà. Hễ có ai định chê bai học trò thầy điều gì, là thầy gạt phắt bằng một khẩu khí đố ai mà cãi được: học trò của tôi nó là hoa lan hoa mộc. Ngày cưới tôi, bố mẹ tôi ngồi tiếp chuyện thầy, thầy bảo: Ông bà ra tiếp người khác đi, chúng tôi không quan trọng. Thầy lo học trò bị bắt nạt, luôn mồm nịnh chồng tôi nào thì là giỏi làm ăn, hiền lành, tháo vát, bao dung... Tôi chả bao giờ khen thầy hay nói với thầy một lời cảm ơn cho tử tế vì tôi biết thầy không cần những cái đó, hoặc giả trước một hình mẫu khác thường như thế, mọi lời nói đều trở nên sáo rỗng và vô nghĩa.
Những lúc tôi cảm thấy hoang mang trong cuộc sống hay lúng túng khi xử lí một mối quan hệ nào đó, hoặc mất niềm tin vào con đường của mình, hoặc đơn giản là thấy bụng mình đói, hay thèm một món ăn nào đó, hoặc thấy trời hôm nay thật đẹp, hoặc là vừa đọc được một cái gì đó hay hay..., tôi thường đến nhà thầy, như một thói quen vì tôi biết là tôi sẽ trở ra với cái bụng no, tâm trạng phấn khởi, đầu đầy những chữ, nhuệ khí tràn trề như vừa được sạc pin. Chừng ấy đủ để tôi nhận thấy mình không được phép trở thành một giáo viên tồi. Một khi bạn đã nhận được rất nhiều từ những người thầy mà bạn thực sự kính trọng, bạn cần phải trả lại tất cả nguồn tri thức, lòng bao dung và nhiệt huyết ấy cho học trò của mình.
Nguyễn Thị Ngọc Minh